Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A

Cập nhật lúc 07:06 19/12/2019
Suy niệm 1
Tên Chúa Giêsu
Mt 1, 18-24
Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Một cặp đôi chia tay, hai anh em lìa nhau, một tình bạn sâu đậm bị tan vỡ. Đó là đêm tối nhất chúng ta có thể biết và cảm nhận được. Chúng ta nghĩ rằng con người có thể tin tưởng lẫn nhau, nhưng cuối cùng lại là sự xé nát, tan vỡ cả cuộc đời.
Một cặp đôi chia tay, hai anh em lìa nhau, một tình bạn tan vỡ, người này phản bội lòng tin của người kia. Người ta đổ lỗi cho nhau, kiện cáo nhau và có thể bị bỏ tù, rồi còn biết bao hậu quả tồi tệ khác kéo theo. Đó là địa ngục mà người ta cảm thấy sẽ không bao giờ ra khỏi.
“Nầy đây trinh sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và ngưởi ta sẽ gọi tên là Emmanuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. 
Một cặp đôi chia tay, hai anh em lìa nhau, một tình bạn tan vỡ. Địa ngục là như vậy mà Thiên Chúa dường như vắng mặt. Chúng ta gọi Ngài, Ngài không trả lời. Chúng ta kêu tới Ngài, Ngài không can thiệp. Chúng ta nổi loạn chống lại Ngài và đức tin chúng ta rơi vào màn đêm. Khi giao ước của chúng ta bị phá vỡ, dường như sự phá vỡ đụng đến tận trời. Đó là sự cô đơn hoàn toàn, bị từ bỏ hoàn toàn. Chúng ta tự hỏi mình: "Emmanuel", Thiên Chúa ở cùng chúng ta có tốt hơn không và Thiên Chúa có luôn luôn ở với chúng ta không?
Thiên Chúa cứu độ
“Trước khi Maria và Giuse về chung sống với nhau, Maria đã mang thai nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người công chính, không muốn tố cáo Maria, nhưng định tâm bỏ Maria cách kín đáo”..
Cặp đôi này có thể chia tay không? Maria có phản bội lòng tin của Giuse không?. 
Quyền phép của Chúa Thánh Thần đối với Giuse không thể thấy được, nhưng đối với Maria có thể thấy rõ vì Maria đang chờ đợi một đứa con, đứa con này không phải là chính thức của Giuse. Nhưng đó lại là vết thương lòng đau đớn đến nỗi Giuse không thể hình dung hướng tới một cuộc sống chung. Lòng tin tưởng bị chao đảo mạnh, làm sao có thể xây dựng một cặp vợ chồng chắc chắn và dự kiến một tương lai hạnh phúc với Maria?
Giuse là một người công chính.  Vì thế, Giuse sẽ không công khai tố cáo Maria để tránh cho Maria phải xấu hổ và bị loại trừ. Giuse vượt quá nỗi đau của chính mình, thoát khỏi mọi vụ kiện. Giuse bảo vệ Maria đến cùng…
Giuse là một người công chính.Thiên Chúa đã lập phương án sai Thiên Thần hiện đến với Giuse trong giắc mơ.
Thiên Chúa can thiệp để cứu giao ước giữa Maria và Giuse.Thiên Chúa can thiệp và Giuse thức dậy. Thiên Chúa can thiệp đánh thức lòng tin của Giuse: "Hỡi Giuse, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình”!
Giuse có sự khôn ngoan để tin cậy vào Thiên Chúa và Giuse lấy lại niềm tin vào Maria. Giuse tìm thấy nhiều hơn những gì mà mình có thể tưởng tượng, đó là:
- Giuse khám phá ra rằng Maria không chỉ trung thành mà còn được Thiên Chúa chúc phúc, được làm Mẹ Thiên Chúa.
- Giuse khám phá ra rằng Thiên Chúa tin tưởng mình đến nỗi trao phó Maria và đứa con sắp đươc sinh ra cho mình chăm sóc. Giuse trở thành cha nuôi Chúa Giêsu. Giuse sẽ đặt tên cho con  trẻ và là chồng của Maria.
Giêsu, Maria, Giuse
Thiên Thần nói với Giuse: “Maria sẽ sinh hạ một con trai mà ông sẽ đặt tên là Chúa Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Trước khi Chúa Giêsu được sinh ra cho thế giới, Thiên Chúa đã cứu giao ước của Maria và Giuse. Thiên Chúa là nguồn gốc cuộc sống chung của họ. Nhân danh Chúa Giêsu, giao ước của Maria và Giuse được gìn giữ trong Thiên Chúa. Giao ước đó từ nay mà đi không thể lay chuyển. Giao ước đó vẫn tồn tại mãi mãi.
- Khi niềm tin giữa cặp vợ chồng và tình bạn giữa chúng ta với nhau bị chao đảo và có thể tan vỡ, chúng ta hãy đón nhận tên Giêsu, có nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ".
- Khi niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa bị lung lay, chúng ta hãy kêu tên Chúa Giêsu, lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ: hét lên hoặc  thì thầm, lặt đi lặp lại không mệt mỏi.
Nhân danh Chúa Giêsu, Thiên Chúa cứu bạn bè, các cặp vợ chồng trong khi mọi thứ dường như là không thể theo quan điểm con người. Nhân danh Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm mới lại niềm tin tưởng của chúng ta. Ngài đổi mới niềm tin trong chúng ta vào Thiên Chúa và vào người khác từ ngày này sang ngày khác. Nhân danh Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm cho chúng ta tái sinh.Tên Chúa Giêsu bén rễ trong chúng ta và bắt nguồn từ trong Thiên Chúa...Chúng ta hy vọng như vậy, mặc dù chúng ta thường sống niềm tin đó trong đêm…
Giêsu, Maria, Giuse. Theo thói quen tốt của ông bà cha mẹ chúng ta, khi gặp gian nan, đau khổ và bất hạnh... thường kêu 3 tên cực trọng đó. Tiếng kêu cứu này không phải là một ký ức vô thức bất kỳ lúc nào. Tiếng kêu cứu của Giuse dâng lên Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa cứu gia đình thánh thoát khỏi thảm họa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Ơn gọi của thánh Giuse
Mt 1, 18-24
«đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về» (câu 20).
Khi đính hôn với Đức Maria, thánh Giuse là một chàng trai trên dưới 20 tuổi, tuổi của những dự tính, ước mơ đẹp trong thời kỳ đính hôn. Tuy nhiên, biến cố lạ lùng xảy ra là Đức Maria đã mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần trước khi về chung sống với thánh Giuse. Trước biến cố bước ngoặt này, thánh Giuse hẳn thấy khó xử và suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng thánh nhân quyết định lựa chọn không tố giác Đức Maria, mà rút lui âm thầm kín đáo (câu 19). Nhưng ý định và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời thánh Giuse lại khác hoàn toàn với điều thánh nhân toan tính. Thiên Chúa không muốn thánh Giuse lùi lại phía sau, mà Ngài muốn thánh nhân phải tiếp tục tiến về phía trước qua lời của Sứ thần: « này ông Giuse đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”.
Để con mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế Nhập Thể làm người, hội nhập vào một gia đình, một gia tộc, một dân tộc với một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù, Thiên Chúa không chỉ chọn và cần sự cộng tác của Đức Maria, nhưng Thiên Chúa còn cần cả sự cộng tác của thánh Giuse: “này ông Giuse, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Lời mời gọi này của Thiên Chúa qua miệng của Sứ thần cho thánh Giuse đã gói trọn ‘ơn gọi của thánh nhân’, còn thánh Giuse thì thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình là đón Đức Maria về đúng như lời sứ thần nói (câu 24).
Đối với thánh Giuse, ơn gọi đón Đức Maria về là ơn gọi không dễ, vì khi đón Đức Maria về, là đón nhận chính Con Trẻ mà Đức Maria sẽ sinh ra, là chu toàn bổn phận người chồng, người cha trần thế của Con Trẻ.
Đón Đức Maria về, là bắt đầu chấp nhận những khó khăn và thử thách của cuộc sống gia đình qua các biến cố: đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20; 2, 13.19.22).
Đón Đức Maria về, là đón nhận Chúa Thánh Thần, là bỏ đi những dự tính riêng tư mà thánh nhân đã toan tính, dự liệu, để đón nhận thánh ý, kế hoạch của Thiên Chúa. Đón Đức Maria về, là chấp nhận buông cuộc đời để cho Thiên Chúa dẫn dắt theo đường lối của Ngài, dù cho cuộc sống có nhiều xáo trộn đòi phải đổi thay và thích nghi.
Khi đón Đức Maria về, thánh Giuse đã làm cho Con Trẻ mà Đức Maria cưu mang đi vào trong dòng tộc Đavít, đi vào lịch sử và nền văn hóa của dân tộc Do thái, đi vào thế giới của nhân loại cách trọn vẹn. Khi đón Đức Maria về, thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu làm con của mình chính thức theo pháp lý ngang qua việc đặt tên cho Con trẻ là Giêsu, để Chúa Giêsu có một gia đình trọn vẹn.
Ơn gọi: hãy đón Đức Maria về của thánh Giuse cũng là ơn gọi của mỗi người ki tô hữu chúng ta, vì đón nhận Đức Maria là đón nhận chính Chúa Giêsu, là làm cho Chúa Giêsu được đi vào và lớn lên trong lịch sử cuộc đời, lịch sử gia đình, lịch sử cộng đoàn và lịch sử thế giới chúng ta hôm nay.
Chúng con xin cám ơn thánh Giuse đã cộng tác với Thiên Chúa để Chúa Giêsu được đi vào và lớn lên trong lịch sử gia đình cộng đoàn nhân loại chúng con, và đã để lại cho chúng con mẫu gương chọn lựa và sống theo kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời một cách tuyệt đối.
(Về phần cá nhân mình, ít nhất một lần trong cuộc đời khi gặp biến cố khó khăn con đã nhìn lên thánh Giuse trong biến cố truyền tin này, và con đã có thể đủ can đảm để đối diện, để đón nhận, để nói với cha mẹ con rằng: ‘lúc này Cha mẹ hãy gạt hết mọi chuyện, gạt hết mọi toan tính, gạt hết mọi suy nghĩ về mình và cho mình, để chỉ đóng vai thánh Giuse mà nghĩ và lo cho người em, cho người cháu trong gia đình đang cần được đón về’, để đến cuối cùng con nhận ra được người em và người cháu của con thực sự cảm nhận được mình vẫn có một gia đình đúng nghĩa).
Ngày hôm nay một lần nữa nhờ lời bầu cử của thánh Giuse, chúng con xin Chúa cho mọi thành viên trong cộng đoàn nhân loại, hãy biết đón nhận Chúa Giêsu, để cho Chúa Giêsu được đến, được ở, được lớn lên trong gia đình ngang qua việc mỗi thành viên hãy đón nhận nhau, sống cho nhau, nhất là khi đứng trước các biến cố của cuộc sống. Là bề trên hãy nghĩ, hãy sống cho bề dưới và ngược lại, là chồng hãy nghĩ và sống cho vợ, là vợ hãy nghĩ và cũng sống cho chồng, là cha mẹ hãy nghĩ và sống cho con cái, là anh em hãy lo và sống cho nhau, đón nhận nhau, có như thế chúng ta mới thực sự sống ơn gọi của mình theo gương thánh Giuse. Amen
Nữ tu Maria Đỗ Thị Hiến
==================== 
Suy niệm 3
GIẤC MƠ THÁNH GIUSE
Con người được sinh ra và lớn lên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo hèn, nông dân hay trí thức đều có những ước mơ và hoài bảo. Đó là nguồn động lực đưa con người tiến đến thành công trên đường đời. Ước mơ là điểm xuất phát cho sự phát triển của con người, cho một gia đình, cho xã hội và nhân loại. ĐGH Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ” (x.conggiao.info/thanh-giuse-giup-chung-ta-co-kha-nang-uoc-mo-nhung-gi-cao-dep).
Xưa cũng như nay, những điều con người cảm nhận, suy nghĩ từ những giấc mơ có thể làm thay đổi đời sống họ rất nhiều. Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng xảy ra tương tự với ông Gia cóp, với ông Giuse (x.St 28, 10-29; St 37, 5-11) và với Thánh Giuse thời Tân ước.
Calderón de la Barca, một văn hào Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17 đã viết một vở kịch thời danh về đề tài: “Cuộc đời là một giấc mơ”. Cuộc đời con người trên hết phản ảnh sự ngắn ngủi của giấc mơ. Giấc mơ xảy ra ngoài thời gian. Trong giấc mơ sự vật không tồn tại như trong thực tế. Những hoàn cảnh, cần nhiều ngày hay tuần lễ, xảy ra trong giấc mơ trong vài phút. Đó là một hình ảnh của cuộc đời con người: khi đến tuổi già, người ta nhìn lại và có cảm tưởng rằng mọi sự đều qua đi như một giấc mơ..
Các nhà tâm lý quả quyết rằng tất cả mọi người đều nằm mơ, mặc dầu nhiều người khi tỉnh dậy không biết là mình có mơ lúc ngủ hay không. Đôi lúc chúng ta có những giấc mơ đẹp, nhưng cũng có lúc chúng ta lại gặp những giấc mơ sợ điếng người. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc các giấc mơ. Nhà phân tâm Freud định nghĩa "những giấc mơ là những bài thơ chúng ta tự ngâm lúc ban đêm để sống thực những ước vọng nằm trong vô thức". Nhiều người khác lại nghĩ rằng mơ là cách chúng ta ứng xử khi gặp những tình huống ngặt nghèo. Cũng có những người coi giấc mơ như một loại trị liệu tâm lý khi ngủ. Và rồi có cả một kỹ nghệ chuyên giúp cắt nghĩa những giấc mơ, thường là trong việc giúp người có giấc mơ được hiểu sâu xa hơn về mình.
Trong Kinh Thánh, giấc mơ thường được mô tả như dụng cụ mặc khải của Chúa. Qua những giấc mơ, Chúa hướng dẫn một người vào một thời điểm quan trọng việc phải làm hay nơi phải đi.
Trang Tin Mừng Chúa nhật hôm nay nói về giấc mơ của Thánh Giuse. Khi được tin Maria mang thai, Giuse đã gặp một tình thế khó xử. Ngài là một người chính trực, nhưng nếu Ngài cứ làm theo luật tức là hủy hôn ước với Maria, Ngài sẽ công khai làm Maria hổ thẹn. Vậy Ngài phải làm gì để gìn giữ sự chính trực của mình cũng như danh dự của Maria và hài nhi sẽ được sinh ra? Giuse đã nhận được lời giải đáp qua giấc mơ.  
Thật thế, một thiên thần Chúa đã hướng dẫn Giuse kết hôn với Maria và giảng nghĩa về nguồn gốc thần linh và sứ mạng của hài nhi, đồng thời thiên thần cũng bảo đảm với Giuse rằng Chúa hiện diện ngay giữa hoàn cảnh rối rắm đó. Giuse đã làm theo điều Chúa đã chỉ bảo (Mt 1,18-25). Giuse còn nhận được trong giấc mơ ba lời hướng dẫn du hành nữa: thứ nhất, Chúa bảo ngài đưa con trẻ và mẹ ngài trốn qua Ai Cập (Mt 2,13-15), thứ hai, trở lại Israel sau khi vua Hêrôđê chết (Mt 2,19-21), và thứ ba, đi tới Galilê thay vì Juđêa (Mt 2,22-23). Rõ ràng các giấc mơ của Giuse đến từ Thiên Chúa và được thông truyền bởi sứ thần Chúa; chính sự vâng lời của Giuse đã làm các lời tiên báo trong Kinh Thánh thành hiện thực. (x.Giấc Mơ Trong Kinh Thánh; Nữ Tu B. E. Reid, OP, Tạp chí "The Bible Today").
Sứ thần truyền tin cho Giuse trong giấc mơ. Sứ điệp truyền thông là: Mẹ Maria đã thụ thai bởi Đức Chúa Thánh Thần, như Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo từ 8 thế kỷ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.". Sứ thần giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của Giuse, khi báo tin, thai nhi nơi người vợ chưa cùng Giuse chung sống là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi Ngài cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì. Và Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang. Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa “chọn mặt gởi vàng”, chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài cùng với Đức Maria thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần.
Ðể Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Mẹ Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Thánh Giuse. Nơi những tiếng xin vâng ấy, lời hứa của Thiên Chúa dần được ứng nghiệm. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha, những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Nhờ Giuse, Ðức Giêsu đã là người thuộc nhà Ðavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm. Cùng với Giuse, Con Thiên Chúa là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế.
Thiên Chúa đã trao cho thánh Giuse nhiệm vụ là gìn giữ Đức Giêsu và Đức Maria. Ngài đã trung tín chu toàn với tinh thần trách nhiệm cao.Thánh Giuse trân trọng kho tàng Chúa trao cho mình chăm nom. Ngài chu toàn nhiệm vụ với tinh thần dấn thân hy sinh không ngại gian khổ, luôn làm việc vất vả để mưu sinh cho gia đình.
Thánh Giuse đón lấy những mầu nhiệm mà Ngài không hiểu hết. Maria là một mầu nhiệm. Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm. Thánh Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc mình. Cả cuộc đời của Ngài là chiêm ngắm các mầu nhiệm diễn ra một cách bình thường, sát bên cạnh mình.
Thánh Giuse xin vâng không phải bằng lời nhưng bằng hành động.Vâng phục bằng việc làm, đó là thái độ sống của Thánh Cả. Trong giấc mơ Thiên thần nói: “Giuse hãy chỗi dậy!”. Ngài liền chỗi dậy bắt tay ngay vào việc.Thánh Giuse là người sống âm thầm làm việc. Với Thánh Giuse, tuy không nói lời nào, nhưng qua hành động cùng cuộc sống, Ngài đã nói đã chỉ hướng về Thiên Chúa cho mọi thế hệ.
Thánh Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.
Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Thánh Giuse là mẫu gương sống tâm tình đạo đức Mùa Vọng. Học với Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác, chúng ta sẽ trở nên người công chính Tân Ước như thánh nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4
HẠNH PHÚC KHI CÓ THIÊN CHÚA Ở CÙNG
(Mt 1, 18 - 24 )

Theo nguồn tin của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO: World Meteorological Organization) nói hôm Thứ Năm (27/01/2011). Trái đất này đang nóng dần lên, các lớp băng ở Bắc Cực tan thêm và bởi thời tiết cực đoan. Có một số khác lại cho rằng trái đất đang lạnh đi, ngày 06/01/2014 cơn bão Hercules đi qua khu vực phía bắc Mỹ khiến nhiệt độ nơi này xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm  -31 độ C ở Chicago, thậm chí đến -60 độ C tại một số thành phố làm 13 người chết, gần 3.000 chuyến bay bị hủy. Ngày 7/1, 50 bang nước Mỹ đều có nhiệt độ dưới 0 độ C vào một thời điểm. Ngay tại Sapa, Việt Nam có tuyết phủ mấy ngày.
Số khác trung dung hơn, cho rằng nhiệt độ Trái đất đang thay đổi nóng lạnh bất thường và thay đổi đột ngột một cách bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất chuyển sang mức nóng đỉnh điểm trong chưa đầy 100 năm, khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử.
Hôm 2/5, các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn TRAPPIST tại Chile để theo dõi và phát hiện ra ba hành tinh có kích thước giống Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn ở khoảng cách thích hợp, tạo điều kiện cho sự sống phát triển với hy vọng con người có thể sống được ở đó.
Tóm lại, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta đi tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn.
Về phương diện con người, nạn phá thai đã lến tới mức báo động chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra trong hội thảo Hưởng ứng ngày tránh thai thế giới diễn ra sáng ngày 23/9 ở Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có đến 300.000-350.000 trường hợp phá thai. Từ cuối năm 2017, Việt Nam từng bị Tổ chức Y Tế Thế giới WHO xếp hạng là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu Châu Á. Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc, ấy vậy mà họ đang tiêu hủy sự sống con người.
Con người đã dùng vũ khí sinh học giết người hàng loạt để hủy diệt nhau. Có những chuyện chưa từng nghe thì nay đã thấy, như "Bất hiếu với cha mẹ nơi cửa tử bệnh viện"  gây nỗi xót xa, tức giận trong cộng đồng, nghĩa là mẹ ốm có thể chữa được, 4 người con của bà có mặt tại viện (trong số tất cả 8 người con) tranh cãi nhau rồi quyết định mang mẹ về chờ chết (Vnexpress,Thứ ba, 27/8/2013). Hay cả năm người con đồng ý với án tử hình bố. Một vài dẫn chứng cụ thể trên cho thấy Trái đất này, con người ngay nay khó sống và khó yêu quá.
Trái đất và con người đang như thế, nhưng  Đức Giêsu con Thiên Chúa đã đến sống cùng chúng ta, như  Isaia loan báo: "Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi". Những lời trên đây được lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV, để khẳng định rằng Trái đất vẫn rất đáng yêu và con người vẫn còn đáng mến. Thiên Chúa đến vì mến địa cầu, Thiên Chúa thương vì tình thương vấn vương khi tạo dựng.
Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa: "Sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai…" ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng: Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai …" Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa.
Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta, vì Ngài vẫn còn tin tưởng chúng ta!... Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.
Thiên Chúa xuống thế làm người vì chúng ta, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận; chúng ta khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá.
Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta. Trên mặt đất này, kể từ khi Người muốn "dựng lều" để cư ngụ, thì không còn ai là kẻ xa lạ nữa. Thật vậy, tất cả chúng ta là những khách lữ hành sống tạm qua trên trần gian này, chính Chúa Giêsu là Ðấng làm cho chúng ta có cảm nghiệm dường như mình đang sống tại nhà mình, trên mặt đất này, nơi được thánh hoá do bởi sự hiện diện của Chúa. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biến trái đất này trở thành căn nhà đón tiếp tất cả mọi người.
"Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Các Giáo Phụ đã giải thích. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngài trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng trẻ thơ, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Ngài dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân, ngõ hầu sức mạnh của tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; để phẩm giá của các em được tôn trọng.
Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó.... Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta... trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền... Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 5

Truyền Tin Cho Thánh Giuse
Is 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24
Thánh sử Matthêu từng ghi nhận: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là đấng Kitô.” (Mt 1,16). Ông Giuse thuộc dòng dõi của những người không chỉ sang trọng mà là những người công chính. Đọc  gia phả ta thấy Giuse thuộc dòng  dõi thánh Vương Đavít, người đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham cũng được nên công chính nhờ lòng tin.
Theo trình thuật của thánh Matthêu hôm nay, cuộc hôn nhân của ông Giuse với bà Maria ngay từ đầu đã gặp phải sấm sét giông tố bão bùng. Trước khi về chung sống, Giuse bị quá sốc vì không biết từ đâu mà nàng đã… “có bầu”! Chẳng còn gì thất vọng, buồn bã, chán trường hơn được nữa. Trinh nữ của ông, bạn đời vô cùng yêu dấu, rất mực đoan trang đạo đức, nguyện trăm năm hạnh phúc bên nhau… Thế là hết, mộng vỡ tan tành! Biết làm sao bây giờ? Người tốt có xử đẹp thì cũng chỉ còn cách… “đầu hàng chạy trốn” cuộc hôn nhân ngang trái ấy mà thôi. “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1, 19). Đang cơn thử thách quá đớn đau bỗng có “Bàn Tay của Đấng Vô Hình” chặn lại: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1, 20-21). Là người “công chính”, ông không hành xử theo toan tính người phàm, nên dù trong đêm tối cuộc đời, ông vẫn “lắng nghe” Lời Chúa qua sứ thần với lòng tin. Lời Chúa như ánh sao đêm trường làm tâm tư ông bừng sáng! Thế là như người sực tỉnh cơn mê, ông mới à ra mọi sự. Ông tin “bởi Chúa Thánh Thần” là sự thật không thể lầm lạc. Ông quyết tâm hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Thần dù chưa biết tương lai vất vả chuân chuyên ra sao. Ông hân hoan vui vẻ đón nhận  và làm theo Thánh Ý. Ông vui vẻ hiến dâng trinh nữ bạn đời cho Thiên Chúa để sống trọn đời thanh khiết. Ông tự hiến mình để gánh lấy trọng trách “làm cha” Chúa của mình: “… ông phải đặt tên… Khi “tỉnh giấc”, ông Giuse “làm” như sứ thần Chúa dạy.” (Mt 1, 24). Nhờ “người công chính” này mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn.
Chúa ơi! thuở xưa Chúa mới nhập thể, thánh Giuse được hạnh phúc “làm cha” của Chúa, được ở gần bên, ăn cùng mâm, sống trong một nhà, được giữ gìn chăm sóc nuôi nấng, dõi từng bước đi của Chúa Trời, Ngài hạnh phúc quên cả mọi đớn đau thiệt thòi mất mát, sẵn sàng hiến dâng trọn đời cho Chúa và công trình cứu độ của Thiên Chúa. Cảm tạ Chúa vì nhờ và qua thánh cả Giuse, để đến hôm nay chúng con được ngàn lần hạnh phúc hơn: trong đức tin chúng con được nuôi dưỡng bởi Thịt Máu Chúa, được sung sướng bước đi trong bàn tay ánh mắt yêu thương của Chúa, dù đời có muôn vàn khổ đau. Nhờ tin vào Chúa chúng con sẽ được công chính hóa, Chúa sẽ thực hiện Thánh Ý lạ lùng trong khối óc con tim trần tục, chân yếu tay mềm của người dương thế chúng con. Amen.
Én Nhỏ
 
  
  
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log