Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Những Ngày Lễ Tết Và Chúa Nhật 3 Thường Niên A

Cập nhật lúc 12:39 23/01/2020

Suy niệm lễ giao thừa

Để Năm Mới Hạnh Phúc
(Mt 5, 1-10)

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.
Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời, Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.
Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).
Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân: “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (x. Ds 6, 22.27). Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng. Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).
Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.
Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).
Năm hết, Tết đến, người ta đều chúc nhau thật nhiều sức khoẻ, bình an, khang an và hạnh phúc trong năm mới. Chúc nhau đong đầy hạnh phúc, xuân sang đắc lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường… tựu chung lại là cầu mong cho nhau được hạnh phúc. Câu hỏi được đặt ra : Đâu là căn nguyên hạnh phúc của đời người chúng ta ? Chúng ta phải quả quyết rằng : chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc của đời chúng ta, là hoan lạc của mọi tâm can, là bình an cho đời tươi thắp sáng.
Ở đầu mỗi câu Tin Mừng (Mt 5, 1-12) hôm nay là một loạt các từ “phúc”, chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, nên Chúa cũng muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những phúc nhân.
Thánh lễ Giao thừa này, Tin Mừng trình bày bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu nói với dân chúng trên ngọn đồi thoai thoải quanh hồ Galilêa. Thánh Mathêu viết: “Khi thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi: Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người bắt đầu giảng dạy họ” (Mt 5,1-2). Chúa Giêsu tuyên bố “phúc” cho người có tinh thần nghèo khó, người sầu khổ, người có lòng thương xót, những người đói khát công lý, có lòng trong sạch, những người bị bách hại (x. Mt 5,3-10). Ðây không phải là một ý thức hệ mới, nhưng là một giáo huấn đến từ trên cao và liên hệ tới thân phận con người chúng ta, thân phận mà Chúa đã muốn nhận lấy khi nhập thể, để cứu vớt. Vì thế, “Bài giảng trên núi được gửi đến tất cả mọi người, trong hiện tại và tương lai… và người ta chỉ có thể hiểu và sống bài giảng này trong hành trình theo Chúa Giêsu, đồng hành với Người” (Ðức Giêsu thành Nazareth, tr. 92). Năm Mới khởi đầu, chắc chắn các Mối Phúc là một chương trình sống mới cho chúng ta, để được giải thoát khỏi những giá trị giả dối của trần gian và cởi mở đối với những thiện ích chân thực, hiện tại cũng như tương lai. Thực vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn sự đói khát công lý, lau sạch nước mắt của những người sầu khổ, có nghĩa là Thiên Chúa mở Nước Trời, nơi hạnh phúc cho họ.
Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm mồng 1 tết
“Trước hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa”
(Mt 6, 24-34)
 
Nếu đọc hời hợt bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể mắc sai lầm: Phải chăng Chúa Giê-su lên án tiền bạc? Phải chăng Ngài giới thiệu sự vô tâm và lười biếng? Phải chăng Ngài khuyên chúng ta đừng dự toán cho những nhu cầu cần thiết của ngày mai? Không! Chúa Giêsu không muốn như vậy! Đã là người khi bước vào cuộc đời này không tránh khỏi những băn khoăn. Có những băn khoăn về phận người, có những băn khoăn về đời sống vật chất và có những băn khoăn về đời sống tinh thần. Từ những băn khoăn đó, con người đi tìm lý giải cho ý nghĩa của cuộc đời. Vì mang trong thân mình là con người yếu đuối, bất toàn hay nói đúng hơn là bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc đời, để rồi sự băn khoan đó cứ dồn dập mãi.
Về phía Thiên Chúa, Thiên Chúa nói với con người là Ngài ở bên, ở gần và che chở con người. Nhưng thực tế trong cuộc sống, quá nhiều lần Thiên Chúa làm cho con người hụt hẫng và không biết là Thiên Chúa có ở cạnh, ở bên không?
Bài đọc I chúng ta vừa nghe, đó là câu trả lời. Sion từng nói: “Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi”. Nghe tiếng lòng thổn thức như vậy, Thiên Chúa đã đáp lại: “Nào người mẹ có thể quên con mình, mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”.
Thiên Chúa không bao giờ quên con người. Chỉ con người quên Thiên Chúa mà thôi. Chính vì quên Thiên Chúa, nên con người thường chạy đến tiền bạc như là một thần tượng. Chúa Giê-su biết rõ điều đó và vì thế, Ngài dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay. “Cha các con biết rõ các con cần gì“. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là một con người như chúng ta. Ngài không ngây ngô. Ngài hiểu rõ mọi vấn đề của cuộc sống. Nhưng Ngài muốn nói với chúng ta: “Đừng chìm đắm trong lo lắng thái quá, đừng làm cho mình sợ hãi quá, hãy làm đúng với khả năng của mình !”.
Ngài nói với chúng ta:
- Cứ làm việc, nhưng đừng quá say sưa với công việc mà quên mất việc kinh hạt và lễ lạy!
- Cứ nghĩ đến của ăn hằng ngày, nhưng đừng làm quá , dễ gây nên ốm yếu bệnh tật
- Hãy làm việc nhưng cần nghỉ ngơi
- Cố gắng làm việc nhưng phải có điểm dừng.
Ngài không nói với chúng ta:
- Hãy sống ăn chơi hippi: rượu chè và thoải mái
- Hãy như những con chim không cần nghĩ nát óc để gieo hạt mà vẫn có mùa gặt.
- Cứ như bông huệ ngoài đồng chờ đợi Thiên Chúa sẽ mặc đẹp cho.-
-Cứ há miệng chờ quả sung rụng xuống!
-Cứ đọc kinh và đi lễ, mà không cần phải làm!
Không, Ngài không nói như vậy! Ngài đã nói với chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ. Những năm ẩn dật tại Nagiaret, chính Ngài đã phải lao động toát mồ hôi cùng với Thánh Giuse. Ngay như chim trời nhất là vào mùa đông, chúng chăm chỉ đi kiếm ăn. Của ăn không từ trên trời rơi xuống mỏ chúng. Chúng ta đã không đọc bài Tin Mừng về các nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta cần phải sinh lãi đó sao? Và Chúa Giêsu cũng đã chẳng nói rằng ai làm việc thì đáng được thưởng công đó sao ?  Thánh Phao lô cũng đã nói:ai không làm việc thì không được ăn.
Tuy nhiên, qua việc làm ăn và kiếm sống, Chúa Giêsu muốn cảnh giác chúng ta: “Không ai có thể làm tôi hai chủ…Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của được..” Chúa Giêsu không kết án việc làm để có tiền. Ngài chỉ kết án những ai nô lệ tiền bạc.  Ngài tấn công nô lệ tiền bạc. Nô lệ tiền bạc như là cơn bệnh ung thư của thời đại chúng ta. Văn minh của thế giới chúng ta hôm nay đang đi đến chỗ diệt vong, chạy đua địa vị xã hội tới mức tàn nhẫn. Người ta phung phí các tài nguyên thiên nhiên chỉ để tăng thêm lợi ích cho một số nhỏ các nhà đầu tư. Người ta tiếp tục bóc lột các nước nghèo chỉ vì lợi ích của các nước giàu. Họ kích động chiến tranh để mua vũ khí của các nước giàu. Khi mà kinh tế thế giới đang trên đường suy thoái, một số con cá mập trong giới tài chính tích lũy những khoản tiền khổng lồ. Chỉ vì những quyết định thiếu trách nhiệm, vô số người dân tử tế mất công ăn việc làm. Khủng hoảng này đã gây nên một sự hỗn loạn khó lường trên toàn thể thế giới.
Người ta còn chi phí quá lớn cho quốc phòng. Giá một chiếc xe tăng bọc thép tấn công có thể nuôi sống hằng ngàn người đang đói! Giá chỉ một máy bay tiêm kích có thể xây dựng được hằng trăm trạm y tế tại các làng mạc để cứu sống biết bao trẻ em và người già nua tuổi tác! Rất nhiều quốc gia trên thế giới chi phí cho vũ khí lớn hơn là chi phí cho giáo dục, sức khỏe và phục vụ xã hội. Tiền bạc có thể là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu. Vì thế, Chúa nói: “Anh em chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác anh em: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?”.
Áy náy, lo lắng, thực tế là một trong những hình thức nô lệ làm giàu. Theo thống kê, các nước tưởng chừng là giàu có và văn minh đang phải đối diện với tình trạng nhồi máu cơ tim, trầm cảm và tự tử nhiều hơn là các nước nghèo. Điều căn bản mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta là phải đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Hãy sống với cái hiện tại và hãy để cho Thiên Chúa tính toán tương lai. Tốt hơn hết là hãy như đứa trẻ phó thác vào Ngài, tin tưởng vào Ngài. Hãy đặt toàn bộ tinh thần và sức lực chúng ta cho hiện tại. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. “Ơn Ta đủ cho con”. “Trước hết hãy tìm kiếm nươc Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn những sự khác sẽ được ban thêm cho sau”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm mồng 1 tết
Trang điểm tâm hồn
Mối bận tâm lớn nhất của con người là gì?
Đó là nâng cáo giá trị bản thân. Đây là mối bận tâm tuy âm thầm, sâu kín nhưng rất mãnh liệt: Làm sao cho mình đẹp hơn, sang trọng hơn, lôi cuốn hơn… để được mọi người yêu quý, nể trọng… ít nữa là để người ta khỏi khinh dể mình.
Phương thế thường dùng để nâng cao giá trị bản thân
Người ta dùng nhiều cách để nâng cao giá trị mình lên, xin nêu ra hai phương cách thông thường được nhiều người áp dụng: Một là làm đẹp để cho người ta ái mộ, hai là khoe của, khoe tiền để cho người ta khâm phục.
1. Làm đẹp
Ai cũng muốn trang điểm, sửa soạn sao cho đẹp, cho sang trọng, lôi cuốn… Ngay cả các bé gái mới lên 7, lên 10 cũng thích mặc đẹp, thích trang điểm rồi… Cả những người cao tuổi cũng tìm cách làm cho mình được trẻ trung, sang trọng, lôi cuốn…
 2. Khoe của khoe tiền: Tậu xe hạng sang, đồng hồ mắc tiền, điện thoại vàng nguyên khối, nhẫn kim cương… để chứng tỏ đẳng cấp của mình hoặc xây biệt thự hàng chục tỷ đưa lên mạng khoe chơi...
Vì quá đề cao giá trị bản thân, nên khi người khác không công nhận giá trị của mình, chê mình xấu xí, quê mùa,  dốt nát… thì mình căm giận và bị tổn thương.
Trái lại, khi có người đề cao giá trị của mình như khen mình đẹp, khen mình sang trọng, giàu có … thì cảm thấy vui sướng thỏa thuê.
Nhưng thử đặt lại vấn đề: Sắc đẹp, giàu sang … có làm tăng giá trị bản thân của chúng ta lên không?
Thưa, chắc chắn là không.
Vậy thì
Giá trị đích thực của con người hệ tại điều gì ?
Giáo hội dạy rằng: Giá trị con người không do những gì ta có, nhưng là do phẩm chất cao đẹp của ta.
Nói khác đi, giá trị của ta không do bộ đồ ta mặc, không do những thứ trang sức ta mang, không do ô-tô chục tỷ ta đi, không do biệt thự đồ sộ ta sở hữu… nhưng do những phẩm chất cao đẹp của ta như tấm lòng yêu thương, tinh thần hy sinh phục vụ, tấm lòng đạo đức…
Để minh chứng cho sự thật này, tôi xin nêu ra vài trường hợp điển hình.
Đức thánh Cha Phan-xi-cô
Nét đẹp nhân đức của Đức thánh Cha Phan-xi-cô làm cho vị Hòa thượng Phó trụ trì chùa hoàng gia Thái Lan khâm phục và tuyên dương.
Sau khi đức thánh Cha Phanxicô viếng thăm Thái Lan, một quốc gia có 69 triệu dân, có đến 95% dân số theo đạo Phật, trong tháng 11 năm 2019 vừa qua, vị hòa thượng Phó trụ trì tại Chùa Hoàng gia tên là Wat Pho, giảng dạy tại Đại học Phật giáo lâu đời nhất và uy tín nhất của Thái Lan nói với hãng tin Asia News như sau:
 “Tôi chỉ trao đổi với ngài vài câu, nhưng tôi nhận thấy ngài có 3 đặc điểm nổi bật:
1. Trên hết, Đức Thánh Cha là một người đơn sơ: Ngài có một cuộc sống khiêm tốn nhưng có khả năng về trí tuệ cao cả;
2. Ngài là một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng với tất cả mọi người…
3. Cuối cùng, giáo hoàng là người biết đón nhận, hài lòng với những gì ngài có và không cần những thứ xa xỉ.”
Rồi hòa thượng kết luận:
“Cả thế giới, bất kể tôn giáo nào, nên lấy ngài làm mẫu gương và nên khao khát 3 nhân đức của ngài là: sự đơn sơ khiêm tốn, sự tốt lành và sự bằng lòng [1].”
Mẹ Tê-rê-xa Calcutta (1910 – 1997)
Mẹ Tê-rê-xa sinh năm 1910 tại Albani, phục vụ tại Ấn Độ, tỏa ngát hương thơm nhân đức khắp thế giới nhờ lòng yêu mến và đời sống hy sinh tận tụy phục vụ những người cùng khổ. Nhân đức của mẹ khiến cả thế giới, bất luận sắc tộc hay tôn giáo, hết sức ngưỡng mộ.
- Ngày 10-2-1979, Ủy ban Nobel trao giải thưởng Nobel hòa bình cho mẹ vì những cống hiến cao đẹp của mẹ cho người nghèo.
- Năm 1996, Quốc hội lưỡng viện của Hoa Kỳ nhất trí phong tặng mẹ danh hiệu “Công dân danh dự” của Hoa Kỳ.
- Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia. Có hơn một triệu người Ấn thuộc đủ mọi tôn giáo đứng hai bên để tiễn biệt mẹ. Nhiều người đã tung hoa vào quan tài tỏ lòng quý mến mẹ.
Nét đẹp của nhân đức
Ai cũng cúi mình trước người nhân đức, không ai cúi mình trước người đẹp, người giàu trừ phi để nịnh bợ, để kiếm chác chút gì.
So với nhân đức thì sắc đẹp thân xác, giàu sang, địa vị… không thể sánh bằng.
Nét đẹp của nhân đức ngàn lần đáng quý hơn vẻ đẹp thân xác.
Vì nhân đức đáng quý nhất trên đời nên mọi người cần quý trọng nhân đức hơn tất cả mọi thứ khác.
Vì thế, chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta trong năm mới này, ra công trau dồi nhân đức hơn tất cả những điều khác, cố công vun đắp cho mình những phẩm chất cao đẹp, để làm gia tăng giá trị của mình và để làm vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 

=====================
Suy niệm mồng 1 tết

Phó Thác Và Tin Tưởng Vào Chúa
(Mt 6, 25-34)

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”
Thế là năm Kỷ Hợi, năm Lợn đã qua, năm mới với tên là Canh Tý, tức năm Chuột vừa đến. 
Chuột là một loài động vật có quan hệ với con người ngày từ khi tạo dựng. Sách Sáng Thế mô tả : “Thiên Chúa đã làm ra mãnh thú theo loại và súc vật theo loại, và mọi thứ côn trùng trên đất cát theo loại. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành” (St 1, 25) trong đó chắc chắn có con Chuột. Và Thiên Chúa đã nói với con người: “Hãy cai quản loài …trên mặt đất”. 
Con người và mọi vật đều do Thiên Chúa tác thành, nhưng con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa còn thú vật thì không, đây là sự khác biệt quan trọng nhất giữa con người và thú vật.
Trong văn hóa Á Châu, Chuột được chọn đứng đầu 12 con giáp, mà các con vật khác thì không, tại sao vậy?
Truyền thuyết dân gian, Chuột là loại vật tinh ranh, xảo quyệt, thường dùng mưu để thắng các đối thủ để giành lấy vị trí thứ nhất trong 12 con vật. Điều này tuy không phải là cơ sở giải thích một cách khoa học, song nó cho thấy một cách nhìn về Chuột trong dân gian: vừa căm ghét, sợ hãi lại vừa kính nể, sùng bái. Do vậy, khi sắp xếp thứ tự 12 con giáp, người xưa cho rằng Chuột thông minh nhất nên được xếp đứng đầu.
Thôi thì mèo hay chuột thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm nay ngày đầu năm, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.
Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người trên: con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng, kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Vì thế, ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc như:
Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG

          Chúc nhau.                           

                             . Phúc, lộc, thọ.

                             . Phú, qúi, thọ, khang, ninh.

                            . Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.

                            . Thăng quan tiến chức

                            . Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

          Đối với các cha chúng ta thường chúc:

                            . Thánh thiện,

                            . Khôn ngoan,

                            . Khỏe mạnh.

Con cháu chúc ông bà

Sống lâu sức khỏe

Trẻ mãi không già

Yêu thương thuận hòa

Cửa nhà sung túc

Hạnh phúc khang an

Ơn trên thương ban

Suốt năm may mắn

Làm ăn phấn chấn

Phúc, lộc, thọ, tài

Ông bà hưởng trọn

Năm con Chuột, ngoài chúc ra con người còn mong ước nữa

Màu xuân chim én lượn chao

Canh Tý năm mới, ta cùng chúc nhau.

Chúc nhau sức khỏe dồi dào

Người thêm tuổi mới, ốm đau chẳng còn.

Cả năm sống mãi vuông tròn

Ông bà hạnh phúc, cháu con vui vầy.

Muôn người qui tụ về đây

Hưởng Tết hạnh phúc, đón vàng lộc xuân

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

Các con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6, 34). Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai… tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa. Người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Lời nguyện nhập lễ chúng ta xin: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66, 2-3).

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ Tân Niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Bài học từ năm con Chuột

Tết con Chuột đến rồi, Chuột cũng cho chúng ta một "bài học giá ngàn vàng".Chuyện kể rằng có 3 đi kiếm miếng ăn. Một đêm kia 3 con chuột cùng xuống bếp phát hiện thấy một chum mỡ thơm ngon, chúng reo lên.

Điều không may là, mỡ lại ở dưới đáy chum khiến chúng khó ăn. Con đầu đàn bỗng nghĩ ra một kế. Nó nói: Ba chúng ta sẽ nắm đuôi nhau tạo thành một chiếc thang dây đu xuống đáy chum và thay phiên nhau ăn. Hai con kia đồng ý. Tuy nhiên, khi nhìn mỡ ít, sự ích kỷ và lòng tham xâm chiếm cả 3 con, tình đoàn kết bị phá vỡ. Cả 2 con chuột ở trên đều thả đuôi con chuột còn lại, 3 con cùng nhảy xuống ăn. Ăn no, chúng thấy mình toàn thân mình ướt đẫm và trơn trượt vì dính mỡ. Trong khi chum mỡ sâu như vậy thì làm sao thoát khỏi đây? Chúng sợ hãi rồi lao nhao lên. Cuối cùng, mất sức, tuyệt vọng, cả 3 con chuột đều chết trong chum mỡ, một cách cay đắng!

Nữ tiểu thuyết gia người Mỹ Louisa May Alcott (1832 - 1888) từng nói: "Phải hai hòn đá mới đánh được lửa". Thực vậy, để thành công cần chung tay xây dựng không ích kỷ, tư lợi.

Câu chuyện về 3 chú chuột cho chúng ta thấy điều tiên quyết để thành công là: Đoàn kết. Đoàn kết chính là kim chỉ nam cho một tập thể.
Bất kể ai, như 1 trong 3 con chuột, chỉ để ý đến lợi ích cá nhân, xem nhẹ tập thể sẽ bị loại bỏ.
Những người không muốn giúp đỡ người khác thì như chiếc gương phản chiếu lại, họ cũng sẽ chẳng bao giờ nhận được cánh tay từ người khác. Mãi mãi chỉ cô độc trong sự hèn mọn. Với những người biết nhìn xa, giúp người chính là giúp ta.
Nhân dịp bước sang năm Canh Tý cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm mồng 2 tết
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6
Hôm nay là mồng hai tết, ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ngày đầu xuân năm mới, trong cảnh ấm êm hạnh phúc gia đình, con cháu sum họp bên cha mẹ ông bà,  Giáo Hội mời gọi con cái tưởng nhớ, nhìn lại và thực hành đạo hiếu với các ngài, dù các ngài còn tại thế hay đã khuất bóng.
Trong Tin Mừng hôm nay, những người Pharisêu và kinh sư khéo “mượn” chuyện trò để trách móc Thầy: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Đức Giêsu dựa vào điều răn của Thiên Chúa để bác bỏ luận điệu giữ luật về thảo kính cha mẹ cách hời hợt của họ. “Còn các ông, các ông lại bảo: ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm cho Chúa rồi, thì người ấy không cần phải thờ cha kính mẹ nữa”. Ngày hôm nay cũng có những người con nghĩ rằng cứ cung cấp cho cha mẹ tiền bạc vật chất là xong nhiệm vụ, mà không về thăm nom hay hỏi han cha mẹ ra sao. Thảo kính không chỉ là cung cấp tiền của vật chất, mà còn là sống mối tương quan gần gũi, thăm hỏi, hiện diện gần bên, chăm sóc, an ủi, đỡ đần,  nghe lời cha mẹ dạy bảo nữa. Có những người con luôn ở bên đỡ nâng cha mẹ từng bước đi, chỉ lo được những bữa cơm thanh đạm hàng ngày, hay sớm tối viếng thăm đã làm ấm lòng cha mẹ. Khi cha mẹ về già trở thành người chân yếu tay run, mắt mờ, trí khôn thiếu minh mẫn, lẩm cẩm, bệnh tật nằm trên giường… làm cho người con thấy khó để cảm thông, thảo kính vâng lời. Nhưng hơn lúc nào hết, lúc này cần làm sao những đứa con thảo kính, báo hiếu công ơn trời bể của các ngài. Thư gửi tín hữu Êphêsô nhắc nhủ: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Hôm nay Đức Giêsu chỉ cho các kinh sư thấy rõ: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Khi ông bà cha mẹ còn khỏe mạnh, con cháu còn được cậy dựa nương nhờ, xem ra con cháu dễ thảo kính vâng lời hơn. Đến khi cần báo hiếu hơn bao giờ hết, thì lại thấy khó khăn với đủ thứ lý do. Những ai đã từng làm mẹ cha sẽ biết lòng cha mẹ. Nhưng một khi có đủ đức mến với các ngài, thì con cháu sẵn sàng “chịu đựng tất cả”, sẽ hết lòng yêu mến, khi các ngài còn sống và còn mãi thương khi các ngài đã lìa xa cõi thế về đời sau.
Chúa ơi! chính Chúa đã sống thảo hiếu ở giữa gia đình Nazarét năm xưa. Phút cuối trên Thánh giá Chúa còn trao phó Mẹ cho thánh Gioan cho tròn chữ hiếu mới an lòng trút hơi, khi chỉ còn lại Mẹ. Thánh Gioan đã đón Mẹ về nhà mình chăm sóc. Xin cho chúng con vì lòng yêu mến Cha trên trời, cũng trở thành những con cháu ngoan hiền thảo kính ở giữa gia đình hiện tại, và còn mãi tỏ lòng biết ơn khi các ngài đã khuất bóng.
Én Nhỏ
=====================
Suy niệm Chúa nhật 3 thường niên
Căn cứ tại Ca-pha-na-um
Mt 4, 12-23

Tới vùng ngoại biên.
Để mở đầu cuộc đời công khai giảng đạo, Chúa Giêsu chọn sống ở Ca-pha-na-um. Ca-pha-na-um là một thành phố nhỏ bên bờ hồ Tiberia, nhưng điều quan trọng là một nơi mở ra cho tất cả mọi người. Nơi đây Chúa Giêsu dễ có cơ hội loan báo sứ điệp của Ngài. Đó cũng là một cách Chúa Giêsu chỉ cho thấy Thiên Chúa đến sống giữa loài người, gần với mọi nơi mà người ta sống, làm bạn đồng hành với họ, với số người càng đông càng tốt như lời thánh Phaolo đã nói: “Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người”.
Chúa Giêsu đến đây để mở đầu hoạt động tông đồ của Ngài tại Galilea. Đối với Chúa Giêsu, Sứ mệnh, Tin mừng cần loan báo trước hết là sứ mệnh vượt biên giới. Nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa vượt biên giới để đến đây. Chúa Giêsu đến ở Ca-pha-na-um, Ngài không sợ sự đa dạng về các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. I-sai-a, khi loan báo về sự xuất hiện của Chúa Kitô, đã nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám đông sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Chúa Giêsu đã không xa lánh các quốc gia nơi bóng tối ngự trị. Ngài đến với tất cả những người cùng thời và với chúng ta, Ngài biết rằng trong mỗi chúng ta luôn có có một phần của bóng tối này. Đối với mỗi người kito chúng ta, Ngài đều nói: “Anh em hãy thống hối, vì Nước Thiên Chúa Trời gần đến”. và Ngài đến để "chữa mọi bệnh tật", bất kể chúng ta là ai.
Các cộng tác viên nào?
Chúa Giêsu sẽ chọn những ai có thể giúp Ngài vượt biên giới? Chúa Giêsu gặp bốn ngư dân trên bờ hồ, những người không ngại đương đầu với vùng rộng lớn và thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Họ là những ngư dân đơn sơ, đã từng làm việc cùng nhau.  Mattheu, tác giả viết Tin mừng Nước Thiên Chúa và Các Mối Phúc, vui mừng nói rằng: họ là những người đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu.
Như Simon, Anre, Giacobe và Gioan, hôm nay Chúa Giêsu cũng đến tìm kiếm chúng ta, kêu gọi chúng ta cùng với Ngài chu toàn sứ mệnh đó trong Giáo Hội. Ngài gặp chúng ta nơi chúng ta sống. Không phải tất cả chúng ta được mời gọi đi theo Ngài để làm giám mục, linh mục hoặc tu sỹ. Nhưng tất cả đều được mời gọi bỏ đi một điều gì đó để trở thành môn đệ của Ngài, tin tưởng vào Ngài. Ngài sẽ quan tâm đến chúng ta. Theo Chúa Giêsu, đối với tất cả chúng ta là đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Anh em hãy thống hối, vì Nước Thiên Chúa Trời gần đến”. Nước Thiên Chúa  ở bên trong và ở phía bên kia biên giới trái tim chúng ta. Một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ hỏi các môn đệ câu hỏi này: bạn có bỏ lỡ điều gì với tôi không?  Tất cả những người được rửa tội, trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thực sự theo Chúa Kitô và nói rằng chúng ta không thiếu gì cách làm nên điều thiết yếu và hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta.
Liệu họ có cạnh tranh nhau không?
Trong khi Chúa Giêsu đang xây dựng một đội ngũ giúp Ngài tiếp quản nhiệm vụ, Chúa Giêsu có thể tự hỏi mình: những người này, ngay cả khi người đầu tiên được gọi có mối quan hệ gia đình, liệu họ có biết lắng nghe nhau không? Chúng ta nhớ rằng khi hai anh em Giacobe và Gioan, con ông Zebede, bỏ cha mẹ mình, đi theo Chúa Giêsu để có được vị trí tốt trong vương quốc của Ngài. Chúa Giêsu tận dụng yêu cầu này và dạy các môn đệ một giáo huấn căn bản: “Nếu ai muốn làm người lớn nhất trong anh em, hãy trở nên người phục vụ anh em”. Chính Chúa Giêsu cũng làm gương cho họ về vấn đề này “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”.Thánh Phaolo trong bài đọc thứ hai, khuyến các Kitô hữu tiên khởi tại giáo đoàn Corintho: “Tất cả anh em hãy đồng tấm hợp ý với nhau…đừng có chia rẽ…Hãy đoàn kết chặt chẽ với nhau”. Ngài còn nói tiếp: “Chúa Kito bị phân chia rồi sao? Tên của Chúa Kitô tạo ra sự hiệp thông và hiệp nhất, không chia rẽ”!
Cho dù vào thời của Phaolo hay ngày nay, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một vụ gương xấu. Tuần lễ hiệp nhất nhắc nhở chúng ta cầu nguyện và cố gắng tạo nên sự hiệp nhất.. Chia rẽ làm suy yếu uy tín và hiệu quả công cuộc truyền giáo. Dù trách mắng những tranh chấp và chia rẽ trong giáo đoàn Cô-rin-tô, nhưng Phaolo cũng tạ ơn Chúa vì những ân sủng mà họ đã nhận được trong Chúa Giê-su Kito. Ngài cũng khuyến khích họ vui vẻ nhận ra những quà tặng của Thiên Chúa có ở trong các cộng đồng khác.
Một trái tim và một tâm hồn
Mặc dù đau khổ về sự chia rẽ vẫn còn trong Giáo hội và có lẽ trong cộng đồng Kitô hữu của chúng ta, chúng ta đón nhận những lời của Phao-lô như một lời mời gọi chúng ta hãy vui mừng chân thành vì những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu khác. Chúng ta có cùng một phép Rửa, cùng một Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta ân sủng. Chúng ta hãy nhận ra điều đó và vui mừng. Hãy vui mừng nhận ra ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để xin Ngài chúc phúc cho chúng ta. Đồng thờ chúng ta cung hãy nhận ra ân sủng nơi anh chị em chúng ta. Ân sủng nơi anh chị em chúng ta cũng chính là ân sủng được ban tặng cho chúng ta!
.Sau Lễ Hiện Xuống, các Kitô hữu tiên khởi, nhớ lại rất rõ những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, và chứng tỏ rằng trong các cộng đoàn của họ có "một trái tim và một linh hồn" trong Chúa Kitô. Vì thế, những người không tin, những không cùng tôn giáo ngạc nhiên và nói rằng: “Hãy nhìn xem họ yêu nhau chừng nào”! Hôm nay, chứng từ yêu thương đó cũng đề nghị chúng ta như thế!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

 =====================
Suy niệm Chúa nhật 3 thường niên
Đức Giêsu Khởi Đầu Sứ Vụ Và Kêu Gọi Môn Đệ
Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23
“Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.” (Mt 4,18-22).
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Người gọi bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ.  Người gọi các ông ngay trên đường đi dọc theo biển hồ, khi họ đang quăng chài, vá lưới. Lời mời gọi thật giản đơn, với tương lai được đổi nghề lưới cá thành “lưới người”. Các ông đáp lại thật mau mắn và ngay tức khắc. Họ sẵn sàng bỏ lại nghề đang gắn bó, bỏ lại cha để đi theo Người.
Đức Giêsu chọn và gọi các ông là những kẻ làm nghề lưới cá. Người vẫn muốn họ dùng chính kinh nghiệm lưới cá của mình để quăng những mẻ lưới mới như Thiên Chúa muốn. Mẻ lưới tình thương, mẻ lưới cứu độ. Người gọi các ông đi theo và ở với Người, ở bên Người, cùng ăn uống ngủ nghỉ, được nghe Người giảng dạy mỗi ngày, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ nhãn tiền. Người còn đưa các ông vào cuộc tử nạn để các ông “thấy” mọi gian nan thử thách cho đến khi Thầy sống lại. Các ông được “tắm rửa” trong Máu Con Chiên và trở nên con người mới can đảm, khác hẳn con người cũ trước kia.
Ngày hôm nay chúng con không được Chúa gọi trực tiếp như các môn đệ xưa, nhưng là gián tiếp qua trung gian người khác và trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, dù chúng con là ai hay làm nghề nghiệp gì. Khi Người gọi các môn đệ không phải để các ông tự xoay xở làm lấy, mà chính Người, “tôi sẽ làm cho các ông”. Chúng con hôm nay thường bị cám dỗ tự lo cho mình, trang bị kiến thức, xếp đặt chương trình... trước không để Chúa lo, nên nhìn vào khả năng riêng thấy sợ mà chối.
Nhưng nếu chúng con mau mắn đáp lời mời gọi, đến “ở với Người và trong Người”. Một khi có Chúa ở cùng, chúng con được hạnh phúc sung mãn, được nếm cảm Nước Trời ngay tại thế. Niềm vui hoan lạc Nước Trời tỏa ra nơi những chứng nhân, nên hấp dẫn và thu hút được nhiều người khác. Như thế Chúa cũng làm cho chúng con trở thành những kẻ “lưới người” như các môn đệ.
Lạy Chúa! Chúa đã chọn chúng con với những khả năng và hoàn cảnh riêng. Xin biến đổi làm cho chúng con thành chứng nhân như những môn đệ đầu tiên, để có thêm nhiều người nhận biết, yêu mến Chúa và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log