Thứ tư, 01/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Thường Niên A

Cập nhật lúc 09:11 16/01/2020
Suy niệm 1
Biết Thiên Chúa
Ga 1, 29-34
Tôi đã không biết Ngài.
Khi Gioan Tẩy giả nói về Chúa Giêsu, chúng ta thấy hai câu nói của ngài hình như đối lập nhau: "Thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình..” và "..Tôi đã không biết Ngài”.  Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu hai câu nói đó có ý nghĩa gì?
Trước khi sinh ra, Gioan Tẩy giả đã biết Chúa Giêsu: “Khi Đức Maria thăm viếng Elisabeth, đứa trẻ đã nhảy mừng trong lòng mẹ”. Hơn nữa, Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu là anh em họ hàng với nhau và cùng tuổi nhau, chỉ hơn kém nhau 6 tháng. Có lẽ các ngài chưa bao giờ gặp nhau trước ngày hôm nay tại bờ sông Gio-đan.
Và hôm nay, tại bờ sông Gio-đan Gioan Tẩy giả trực tiếp nhìn thấy và gặp Chúa Giêsu. Lần này Gioan Tẩy giả biết hơn những lần biết khác. Gioan biết điều căn bản về Chúa Giêsu và còn giới thiệu điều Gioan biết đó cho toàn dân: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Gioan khẳng định những lần biết trước đây không là gì, coi như là không biết: “Tôi đã không biết Ngài”.
Hôm nay, Gioan Tẩy giả biết rõ Chúa Giêsu là ai.  Tiếng nói từ bên trong đã cho Gioan Tẩy giả một dấu chỉ không thể chối cãi: "Người mà anh em thấy Thánh Thần Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trênNgài, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Gioan Tẩy giả còn nói thêm: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Gioan Tẩy giả dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho sự xuất hiện của người mà Gioan không biết. Có lẽ Gioan Tẩy giả rất vui khi khám phá ra rằng mình đã không làm việc đó vô ích.  Vui vì công việc được chu toàn
Nhưng niềm vui của Gioan Tẩy giả không kéo dài. Một thời gian sau, Gioan Tẩy giả bị Herode bỏ tù. Trong tù, Gioan Tẩy giả nghi ngờ về Chúa Giêsu và vì thế Gioan Tẩy giả sai đồ đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, Ngài là Đấng phải đến hay là chúng tôi phải trong đợi một Đấng khác”? Như vậy, một lần nữa Gioan không biết Chúa.
Chúng ta có thể nghĩ rằng vị tiền hô này không đáng tin cậy lắm vì bản thân ông không có sự chắc chắn. Tuy nhiên, có lẽ chính chặng đường này từ sự công nhận đến việc đặt câu hỏi khiến Gioan Tẩy giả trở thành nhân chứng trung thành.
Một câu hỏi được đặt ra.
Chúng ta thường đặt một câu hỏi đơn giản khi có một sự nghi ngờ. Gioan Tẩy giả không ngần ngại đặt câu hỏi. Gioan tự hỏi rằng những dấu chỉ bên trong rất mạnh mẽ đã được trao cho mình. Vấn đề mà Gioan Tẩy giả đặt ra là dấu chỉ một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đích thực. 
Phần chúng ta, khi hướng dẫn một người nào đó đến với Thiên Chúa, chúng ta đừng vội áp đặt sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa lên người đó. Nếu được gọi là người hướng dẫn chắc chắn, chúng ta nên đặt một câu hỏi như một sự khởi đầu cho người mà chúng ta muốn hướng dẫn. Không dễ gì chúng ta có một sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa. Để có được một trải nghiệm nội tâm chắc chắn về Thiên Chúa, thì cần phải trải qua những thử thách về câu hỏi được đặt ra, hoặc cũng phải trải qua đêm tối đức tin.
"Phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép lửa trong Chúa Thánh Thần”.
- Biết Thiên Chúa không chỉ là một kiến ​​thức hay một mặc khải bên trong. 
- Biết Thiên Chúa, đó là một sự dìm mình sâu trong Chúa Thánh Thần. Tất cả những điều mặc khải đều vô ích nếu Chúa Thánh Thần không nhập thể trong cuộc sống chúng ta. 
- Biết Thiên Chúa là một lần sinh ra mới và cũng là một sự đắm chìm. 
- Chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa, bằng cách chiến đấu chống lại tất cả sức mạnh của cái chết, chịu đựng những gì làm chúng ta đau khổ, vui mừng với những gì là niềm vui cho chúng ta. 
- Xét cho cùng, chúng ta chỉ có thể biết Chúa bằng cách trở nên giống Ngài!
Biết Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ, tác giả Tin mừng IV viết: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kito xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy”. Gioan Tông đồ nói về một ngày bất tận, một ngày bên kia cái chết:
Trên trái đất này, chúng ta không thể biết Thiên Chúa một cách đầy đủ vì chúng ta không thể hoàn toàn giống như Ngài. Chúng ta bị giới hạn một cách kỳ lạ. Chúng ta không có khả năng yêu thương vô hạn. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận từ xa những gì thuộc về Thiên Chúa.
- Nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúng ta có thể bắt đầu biết Thiên Chúa, và có khả năng yêu như Ngài! Và chúng ta có thể làm việc với mọi người, tin hay không tin, những người muốn xây dựng một xã hội huynh đệ. 
Vì thế, các kitô hữu chúng ta phải có trách nhiệm làm cho thế giới biết Thiên Chúa, có nghĩa là làm cho Thần Khí của Thiên Chúa nhập thể vào thế giới. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm cho một thế giới đang dửng dưng về Thiên Chúa! 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Chiên Thiên Chúa 
Gioan 1, 29-34
Khi giới thiệu một vị khách quý cho quần chúng, người ta thường nêu lên chức vị cao nhất cũng như tài năng nổi bật nhất của nhân vật đó, trước là để mang lại vinh dự cho khách, sau là làm tăng thêm lòng kính phục, mộ mến của những người hiện diện.
Ví dụ: Đây là ngài tổng thống của Hoa Kỳ cùng với đệ nhất phu nhân…. Đây là nghệ sĩ ưu tú… Đây là nhà kinh tế học thiên tài đã nhận được giải Nô-ben… Đây là ngôi sao ca nhạc lừng danh thế giới…
Thế mà khi Chúa Giê-su là vua trời đến với nhân loại, thánh Gioan không lấy những tước vị cao cả hay quyền năng xuất chúng của Ngài mà giới thiệu, trái lại, Gioan giới thiệu về Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình như sau: “Đây là con Chiên Thiên Chúa,” mà chiên chỉ là một thứ cừu non. 
Đức Giê-su là Chúa tể trời đất mà được giới thiệu như một con cừu, con chiên, nghe ra xúc phạm quá! Nếu có ai đó giới thiệu chúng ta trước đám đông là cừu, là bò, là chiên... chắc chúng ta cảm thấy bị tổn thương nặng nề.
Vậy mà Chúa Giê-su lại vui lòng chấp nhận danh hiệu này. Ngài chấp nhận làm thân phận con chiên, con cừu gánh tội trần gian.
Chiên đền tội thời Cựu ước
Sách Lê-vi dạy rằng nếu có người phạm tội và muốn xin được ơn tha thứ, người đó sẽ đem một con chiên hay con dê đến nơi tế lễ làm lễ vật tạ tội, rồi đặt hai bàn tay lên đầu con vật này để trút hết tội lỗi lên đầu nó và giết nó đi. Vị tư tế sẽ lấy máu con vật bôi lên bàn thờ và đổ xuống chân bàn thờ… Nhờ đó, mọi tội lỗi của người đó sẽ được tha (Lv 4, 27-31).
Con Chiên Thiên Chúa
Tuy nhiên, Thiên Chúa dạy rằng: "Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi” (Dt 10,4), vì thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đành hoá thân làm người, trở thành Con Chiên mới, thay thế cho những con chiên chịu sát tế trong thời Cựu ước để rửa sạch tội lỗi thế gian.
Ngay từ đầu, ông Gioan tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Gioan 1, 29-30).
Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.
Hôm nay, tội lỗi của chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sứ mạng làm con Chiên, hiến tế chính mình để xoá tội trần gian. Ngài đã dâng hiến thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, đổ máu thánh mình ra rửa sạch tội lỗi muôn người. Và hôm nay, Ngài tiếp tục hy tế cao trọng ấy trong các Thánh lễ hằng ngày, tiếp tục dâng mình làm Chiên, hiến tế cho Thiên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Thế nên, trước khi cho các tín hữu rước lễ, linh mục nâng cao Mình thánh Chúa và giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên mới đang tiếp tục dâng mình, hiến máu để cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã dùng bí tích Thánh tẩy để biến chúng con thành chi thể của Chúa và cho chúng con được thông dự vào vai trò Tư tế của Ngài và từ đó, chúng con được mời gọi làm chiên đền tội với Chúa.
Xin cho chúng con hiệp thông với Chúa trong từng phút sống, cùng vác thập giá với Chúa bằng cách làm tốt các việc bổn phận hằng ngày, cùng dâng trọn vẹn cuộc sống chúng con làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha, để xin Ngài ban ơn cứu độ cho bao người tội lỗi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
TUỔI TRẺ SỨC SỐNG
Tôi yêu hoa kiểng, mến cây cảnh và thích nuôi chim cá. Ngắm một đoá hoa nở; chăm chút một dáng cây ưng ý; nhìn đàn cá tung tăng; nghe tiếng chim hót thánh thót, tâm hồn thấy vui tươi thanh thản nhẹ nhàng. Vui đời cho đời vui.
1. Cây cảnh
Xây xong Nhà thờ, bà con giáo dân trong xứ đem tặng nhiều cây kiểng quý. Vì thế, trong khuôn viên nhà thờ có nhiều cây cảnh đẹp. Đủ các thế, các dáng, mỗi cây một vẽ. Mỗi cây đều có tên gọi ý nghĩa như ”nghiêng phong”, “thác đổ”, “tam cương ngũ thường”…Mỗi dịp xuân về tết đến, các “nghệ nhân” cây nhà lá vườn nhiệt tình đến cần mẫn cắt tỉa, tạo dáng, chăm bón để những chậu kiểng mang nét đẹp mới cho mọi người vui xuân thưởng lãm.
Chơi cây cảnh là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều công phu và sự kiên nhẫn. Có lẽ khởi đầu của thú chơi kiểng là khi trầm trồ ngắm nghía một bông hoa, con người đã hái cành hoa đem về nhà để cái đẹp còn ở bên mình lâu hơn. Rồi từ từ, thích một dáng cây, người ta bứng cây về trồng, dày công chăm sóc để hàng ngày nhìn ngắm, thưởng thức. Tại sao mình không can thiệp vào cây, vào hoa để tạo ra cái đẹp đa dạng và phong phú hơn? Những ý nghĩ đó thôi thúc. Con người đã đi từ cảm nhận thuần tuý đến tác động của lý trí khi đối diện với cây cảnh, với hoa lá. Dần dần con người góp phần tạo ra một thiên nhiên mới theo từng phong cách riêng biệt.
Lối chơi, phong cách chơi được hình thành một phần từ đặc điểm thiên nhiên của từng vùng miền.
Sài gòn khai thác thế mạnh ở các giống cây: cần thăng, mai chiếu thuỷ, mai xuân từ rào, vườn vào bồn, chậu. Thân lớn, đế gốc đẹp (vì mạch ngầm cạn, rễ ăn ngang), chi cành chủ yếu tán, mảng - cắt tỉa thành phiến vun lên ở giữa.
Hà Nội rất giỏi về cây tạo tầng, tán với các chủng loại sanh, tùng, la hán, ngâu. Bộ phận chơi bonsai khá táo bạo ở đường nét: thoáng gốc, cành không theo trật tự cứng nhắc mà thoải mái,hài hoà.
Nắng gắt, mưa dầm và bão lũ của miền Trung đã tạo ra kiểu khí tiết độc đáo của cây: cằn cỗi, gân guốc, tỷ lệ chi cành, thân gốc phù hợp, gần với tự nhiên. Các loại kiểng trồng chủ yếu là tùng, mai, gừa, sanh, me.
Cây khai thác ở Bình Định đặc sắc có sam, sơn liễu… Các nghệ nhân vùng này cắt tỉa rất công phu tạo thành từng mảng chi rất khúc chiết, thanh thoát. Cây vừa đẹp rất tự nhiên vừa phơi trải đường nét đầy quyến rũ từ dáng thế đến gốc rễ, thân cành.
Theo dòng thời gian giao lưu nên có sự pha trộn phong cách ba miền theo nhu cầu sử dụng. Cái độc đáo của đường nét miền Trung đã du nhập khá mạnh vào vườn cảnh Bắc, Nam. Và cách tạo dáng cây cảnh đầy ưu thế cho trang trí của Sài Gòn, Hà Nội đã hiện hữu ở khắp các ngoại viên miền Trung.
Ngoài yếu tố thưởng ngoạn, với cây cảnh, khi tạo tác và chăm sóc, con người đã ký thác nhiều triết lý nhân sinh hoặc ít nhất là sự thể hiện mình, thể hiện cái tôi với cuộc đời.
Với hoa, con người nhập cuộc bằng cả hệ thống ẩn ngữ. Nhiều khi mọi thứ thật đơn giản: sau bao công phu chăm sóc, cái chồi hoa, nụ hoa nhú ra và lúc hoa bừng nở tinh khôi, rạng rỡ như một tặng vật tuyệt vời thiên nhiên dành cho ta, con người cảm nhận được cái hạnh phúc vừa nhân quả vừa bất ngờ. Và, dù trường phái nào, phong cách nào, quá trình tạo tác cây cảnh đã góp phần làm con người tự hoàn thiện mình hơn.
Xuân đến, hoa về trên mọi lối, thấy nôn nao và bận rộn. Một cành mai, một nhánh đào cũng đã làm nên phong vị Tết. Đào được ví như cốt cách người quân tử, vượt qua cô đơn giá lạnh mà tấm thân khô gầy vẫn giữ nguyên sắc màu cho hoa. Xuân cũng là mùa hoa cúc. Trong muôn vàn loài hoa, cúc được xếp vào hàng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Cúc phong phú về chủng loại và đậm đà hương sắc. Cúc đẹp bởi sự giản dị khiêm nhường làm cho không gian mùa xuân thêm đằm thắm và lưu luyến. Một nhành mai tinh khiết, một đóa hồng tình yêu, cuộc đời thêm niềm vui.
2. Nuôi chim
Cùng với cây cảnh, chim cá là những vật nuôi làm đời sống tinh thần con người thêm phong phú. Ký ức tuổi thơ của nhiều người còn lưu giữ niềm vui, sự đam mê chăm sóc những con chim non trong cái hộp giấy hoặc chuyện lùng bắt cá thia, nuôi cá ngũ sắc trong các chậu đất hay chai lọ.
Cái hấp dẫn của chơi chim có nhiều chặng: bẫy rập, thuần dưỡng và thưởng thức. Nghề bẫy rập cuốn hút sự đam mê không ít người. Từ huấn luyện chim mồi đến chọn địa điểm, cách điều khiển chim mồi chớp cánh (ở cu cườm)…, người đi nhử chim vừa có cái hồi hộp của thú đi săn khi con mồi lò dò đến bẫy, vừa có cái niềm vui chiến thắng hoặc hậm hụi luyến tiếc khi thất bại. Con chim bẫy được mang về, người nuôi chim công phu nhử chim ăn rồi tạo sự thích nghi từ con chim bổi thành chim nhà. Nó chịu ăn, chịu sống gần người rồi sinh đẻ (với yến, phụng, sẻ Tàu…) hoặc líu lo giọng hót (khướu, chích choè, hoạ mi, chớp mào…). Niềm vui của người chơi chim là chăm sóc và thưởng thức sắc màu, tiếng hót của chim. Đặc biệt là tiếng hót. Tiếng gáy, tiếng gù của chim cu cườm luôn làm nôn nao lòng người. Nó gợi nhớ đến vùng quê nơi ta sinh trưởng hoặc một lần đi qua. Con chích choè hay ríu rít ở bờ tre. Con sơn ca bay vút lên tầng không và thả xuống, cao dần từng dải âm thanh lảnh lót trên đồng ngập nắng mai. Con hoạ mi ngửa cổ phóng vào không gian những âm thanh ngọt sắc, đầy uy vũ khiến hồn người thoáng chút lãng đãng nhớ đến những khu rừng, những đêm trăng kỳ ảo.
3. Nuôi cá.
Nếu như tiếng nhạc chim làm trong trẻo cả không gian, làm thư thái và giàu có cho tâm hồn con người thì những vũ điệu im lặng và huyền ảo của cá cũng thật đặc biệt. Nhìn những con cá thần tiên buông các dải lụa mềm, thướt tha, uyển chuyển, những màu sắc  và hình thể sinh động của cá bốn đuôi, cá đen, cá tỳ bà… bơi lượn, thần kinh con người dịu lại, vơi đi những căng thẳng lo toan. Người ta đã cho các bệnh nhân đau răng ngồi ngắm bể cá 15 phút trước khi nhổ răng, kết quả thật bất ngờ: sự lo âu, hồi hộp giảm hẳn! Hình như vẻ bình yên, an nhiên rất “đạt đạo” của cá đã “dạy” cho con người một điều gì đó.
4. Mùa xuân và tuổi trẻ.
Mùa xuân hàng năm, người ta thường tổ chức những hội hoa xuân, hội thi chim, thi cá. Đó cũng là biết cách chăm sóc mình hơn. Cũng là thêm các hoạt động vui tươi, bổ ích cho đời sống xã hội.
Xuân đến với bao sắc màu tươi trẻ. Đời người ta cũng có mùa xuân. Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dạt dào, khối óc và con tim rộng mở với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa xuân cuộc đời. Với tuổi trẻ, bao nhiêu ước mơ đã chớm nở, bao nhiêu lý tưởng sáng ngời được định hướng, bao nhiêu tình cảm cao thượng đựơc khơi nguồn, bao nhiêu đam mê nồng nhiệt trào dâng. Tuổi trẻ, giấc mộng đời đẹp hơn cả hoa cỏ mùa xuân, ý hướng đời cao hơn trời mây lồng lộng. Xuân đất trời đến rồi đi. Còn xuân cuộc đời, nếu biết gìn giữ thì cả cuộc đời là mùa xuân bất diệt. Đặc điểm của xuân đất trời là niềm vui, sự thắm tươi của màu sắc, sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây. Với đời người cũng thế. Khi ta vui ta tươi tắn, phát sinh những tư tưởng những tình cảm tốt đẹp…khi ấy ta có cả mùa xuân. Khi ta yêu thương chan chứa, trái tim rung động với những tình cảm trong sáng, ta cảm xúc tình người dào dạt. Khi lý tưởng là ngôi sao hướng dẫn đời ta; khi ta còn biết ước mơ những điều cao đẹp và quyết tâm thực hiện ước mơ đó thành sự thật; khi ta sống an hoà với chính mình với tha nhân…khi ấy mùa xuân vẫn còn mãi trong ta; cho dù có thể làn da ta không còn mịn màng, đôi môi ta không còn tươi mọng, vầng trán ta không còn phẳng phiu, tay ta không còn nhanh nhẹn, chân ta không còn vững mạnh. Nhưng làm sao có đựơc mãi mùa xuân cuộc đời? Có nhiều phương pháp tập luyện nâng cao sức khoẻ. Quan trọng là tinh thần giữ niềm vui, tâm hồn trong sạch, làm việc hết nghị lực.
Cây cảnh, hoa lá, chim cá đã song hành cùng mùa xuân làm đẹp hồn người. Gần gũi thiên nhiên sẽ giúp con người giữ mãi mùa xuân. Yêu mến thiên nhiên sẽ nâng tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa Tuyệt Mỹ, Đấng tác tạo muôn vẻ đẹp tươi trẻ cho nhân trần.
Trong Tông huấn “Christus Vivit”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến với thế giới của chúng ta. Do đó, những lời đầu tiên tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn bạn được sống!”. “Sự sống,” “đang sống,” “sống” là những từ được lập lại khoảng 280 lần trong bản văn, cũng nhiều như từ “người trẻ” là từ khóa của Tông huấn. Sống trọn vẹn: đây là điểm trọng yếu trong suy tư của Đức Phanxicô về người trẻ. Lật qua những trang của Tông huấn sẽ thấy được năng lượng tràn trề như lay động thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn. Đức Phanxicô khuyên người trẻ hãy thực hành ba điều này: sống trung thực, sống có trách nhiệm và sống lạc quan. Ngài khẳng định: Tuổi trẻ là tuổi của ân phúc. Các bạn trẻ là hiện tại của Thiên Chúa và của thế giới. Giới trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội, người trẻ cũng là hiện tại của Giáo Hội.
Trên tất cả, để có mãi mùa xuân cuộc đời, cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo mùa xuân đất trời cũng như mùa xuân tâm hồn. Ngài là mùa xuân viên mãn vì Ngài là Đấng ban sự sống cho muôn loài. Ngài là mùa xuân hạnh phúc vì Ngài là tình yêu.
Cuối năm Kỷ Hợi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4 
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA, ĐÂY ĐẤNG XÓA TỘI CỦA TRẦN GIAN
(Ga 1, 29-34)

Phụng vụ Chúa nhật II thường niên A làm cho chúng ta nhớ lại chủ đề của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nhưng Isaia trình bày về người Tôi Tớ cách mới mẻ hơn (Bài đọc I) và Phúc Âm cũng thế, nói về phép rửa của Chúa Giêsu nhưng trong bản văn của Gioan. Tại sao có sự lặp lại này, khi chúng ta bước vào mùa phụng vụ mới?
Có lúc chúng ta cần phải nghe một lần nữa, để bổ sung hay làm sáng tỏ các mầu nhiệm. Tuần trước, lời Chúa mời gọi chúng ta sống chức phận làm con. Đó là điều cần thiết. Tuần này, lời Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào vị trí của Gioan Tẩy Giả để thấy được kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Tin Mừng hôm nay trình bày nhân vật Gioan Tẩy Giả như sau: "Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta khởi đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới bắt đầu. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian."
Đây là Chiên Thiên Chúa             
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những ai sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc muôn người (x. Ga 3,16; Mc 10, 45), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Người là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.
Đấng xóa tội trần gian
Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Con Chiên đã chịu chết và sống lại, mầm mống sự chết bị tiêu tan, tội lỗi được tẩy xóa, còn tội nào khiền chúng ta phải chết nữa không? Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? "(1 Cor 15,55 ;  Os 13,14... " Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi.
Gioan là mẫu người đi tìm Chúa
Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Nhưng làm thế nào ông biết Thiên Chúa ẩn tàng trong nhân loại? Ông thừa nhận là: "Tôi đã không biết Người" (Ga 1, 31,33). Tuyên bố của ông thật là lạ, vì Chúa Giêsu và Gioan là anh em họ hàng với nhau, hai bà mẹ đã viếng thăm nhau, Chúa Giêsu và Gioan đã gặp nhau, ấy vậy mà ông vấn lặp đi lặp lại cách khẳng định điệp từ: "Tôi đã không biết Người."
Có hai yếu tố: Gioan biết phân biệt ngày hoàn tất lời các ngôn và ngày Giêsu người anh em họ với mình tỏ mình là Chiên Thiên Chúa. Ông quan sát dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Gioan không phải là người lặp lại lời ngôn sứ Isaia. Ông đọc đi đọc lại Thánh Kinh và sách các ngôn sứ, nhưng ông đã làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: "Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi" (Ga 1, 33). Quả thật, Ngôi Lời Thiên Chúa lần đầu tiên mặc khải trong xác phàm, vậy là câu Gioan nói: "Tôi đã không biết Người", cho thấy, trước khi biết Đấng hoàn tất lời hứa, cần phải đón nhận lời các ngôn sứ và Thánh Kinh. Gioan đã thất bại khi tuyên xưng: "Tôi đã không biết Người". Ông bối rối khi vẫn chưa chính thức công nhận người thực hiện lời hứa, ông xác định rõ ràng Chúa Giêsu là Ngôi Lời làm người, lời hứa của Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại. Thì ra, khi con người bất lực, ân sủng của Chúa Thánh Thần là ngọn đuốc chiếu sáng tâm linh. Gioan quả là mẫu người lý tưởng trong sự nhận biết và đi tìm Chúa. Ông đã trở thành "Tẩy Giả" thực hiện đầy đủ ơn gọi của mình, ông không nói như là tiếng vọng của tiên tri Isaia, Gioan đã viết lời tiên tri một lần nữa và tham gia trong việc thực hiện lời hứa. Có như vậy, ông mới thực sự biết Thiên Chúa và sống đến cùng ơn gọi của mình và làm chứng cho mọi người biết rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"(Ga 1, 29).
Gioan là người lồng tiếng truyền đi sứ điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền thật là một công thức đẹp và độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa. "Đây là Chiên Thiên Chúa". Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây là Con Thiên Chúa.
Gioan kết luận: "Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Người là Con Thiên Chúa"(Ga 1, 34). Đó là lời chứng và cũng là lời giải thích của Gioan về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời Chúa để thông phần vinh quan với Người; hành động đức tin biến chúng ta thành người tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian." Ngôi Lời bị ăn, vị Linh mục dương cao Mình Thánh Chúa lên cho chúng ta thờ lạy, chúng ta sẵn sàng công bố: "Đây là mầu nhiệm đức tin."...

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Làm chứng cho Chúa

Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1, 29-34
Hôm trước Gioan Tẩy Giả làm chứng về mình hết sức khiêm tốn và chân thực. Trong Tin Mừng hôm nay, ông giới thiệu nhãn tiền, làm chứng thật cụ thể sống động về Đức Giêsu: “Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. (Ga 1,29-30). Ông nhắm đúng lúc Người đến để giới thiệu cho khán giả một cách chân thực và chắc chắn, đáng tin. Đây là cách để tôi học đem Chúa đến với những người bên tôi, những người tôi gặp gỡ trong cuộc đời.
Trước hết Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ông đã mặc khải cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải hy sinh, như một “con chiên” trong lễ Vượt Qua, chịu sát tế để đền tội cho trần gian. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm trọng đại mà ta đã chiêm ngắm cách đặc biệt trong suốt mùa Giáng Sinh. Thiên Chúa đã trở thành một con người, đã sống trọn kiếp sống một con người, Ngài đã từng cảm nghiệm mọi niềm vui nỗi khổ của con người, cuối cùng Ngài đã chết như một con người. Mầu nhiệm nhập thể sẽ còn được chiếu qua đời tôi như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi.” Khi kết hiệp với Ngài qua Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, tôi được nên một, được mặc lấy chính tâm tình của Ngài để suy nghĩ và hành động như Ngài.
Thứ đến Gioan Tẩy Giả xác nhận rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1,32-34). Chính Gioan Tẩy Giả nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Lạy Chúa! xin cho chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong  chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa đã đến và ở lại với chúng con, hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ
  
  
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Ngày 01.01.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Đức cha Đaminh đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhân dịp đầu năm mới này, các giáo xứ trong Giáo hạt Sơn Tây cũng quy tụ về Nhà thờ Chính tòa để hành hương – đây là đoàn hành hương đầu tiên sau ngày khai mạc Năm Thánh 2025 của Giáo phận vào ngày 29/12/2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log