Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Kính Thánh Gia

Cập nhật lúc 15:38 26/12/2019
Suy niệm 1
Cuộc chạy trốn sang Ai-cập
Mt 2, 13-23
Những ngày sau Giáng sinh
Ngày lễ Noel chúng ta sum vầy bên nhau, bên gia đình lối xóm. Chúng ta vui mừng gặp gỡ nhau, trao cho nhau những điều tốt đẹp và nhất là chia sẻ đức tin chung. Tuy nhiên, trong những niềm vui đó, cũng có những lo lắng sau Noel. Lo lắng vè công ăn việc làm, nhà cửa, sức khỏe, giáo dục và tương lai cho con cái.
Những ngày sau Giáng sinh: đó là những gì mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Gia đình thánh, chỉ được hưởng niềm vui Noel một thời gian ngắn, cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với nỗi lo lắng: trẻ thơ mới sinh ra phải cách xa nhà. Gia đình thánh phải khởi hành nhanh chóng đến một quốc gia chưa hề quen biết, vì tính mạng của trẻ thơ bị đe dọa… Và một thời gian gian sau, lại trở trở về quê hương xuất xứ, đó là Nazareth. Tại Nazareth gia đình thánh tiếp tục những lo lắng thường ngày để kiếm miếng cơm manh áo. Đó cũng là những lo lắng của tất cả những đứa trẻ khi lớn lên và hiểu được những gì còn tiềm ẩn trong chúng. Khoảnh khắc khi cậu thiếu niên Giêsu ở lại Đền thờ để thử những bước đầu tiên trong sứ mệnh của mình đã làm thánh Giuse và Đức Maria ngỡ ngàng.
Sau này, khi Chúa Giêsu chính thức bắt đầu sứ mệnh của Ngài, mẹ Ngài sẽ gặp nhiều khổ đau như những bà mẹ khác trên khắp nẻo đường của một cuộc sống mà không biết trước một cách chính xác. Nhìn vào một khía cạnh nào đó, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, như là phủ nhận tất cả những gì Mẹ Maria có thể hiểu được về những lời của Thiên thần báo tin cho Mẹ rằng con trai mẹ là Con Đấng Tối Cao. Thánh Giuse và Mẹ Maria, cha mẹ Chúa Giêsu, sau này chỉ còn Mẹ Maria một mình dưới chân thập giá, các ngài đã đi trong hành đức tin từng bước một và tiến vào mầu nhiệm vượt qua.
Con đường của chúng ta
Nhắc  lại những gì "Gia đình Thánh" đã trải qua, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng:
- Chúa Giêsu và cha mẹ Ngài đã đón nhận tất cả các thực tại cuộc sống con người và gia đình trong bình an và hy vọng của đức tin. 
- Tấm gương của các ngài mời gọi chúng ta đi theo con đường mà hạnh phúc và đau khổ thường gặp nhau, nhưng sẽ không bao giờ là ngõ cụt. 
Hơn nữa, đối với mỗi thành viên trong gia đình, mỗi giai đoạn của cuộc sống gia đình như là:
- Chặng đường của một lần sinh mới (một Giáng sinh mới)
- Một bước tiến tới sự phục sinh, vượt qua tất cả các thập giá mà mỗi người sẽ có để vác. 
Vì thế, chúng ta cần phải nghĩ tới sự sinh ra mới của đứa trẻ để nó hướng tới và trở thành cậu thiếu niên. Chính bản thân nó cũng như cha mẹ nó giống như gia đình thánh bất ngờ khám phá ra những hành trang có thể đau khổ không lường trước được. Nhưng trong những hành trang đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đón nhận sự sống mà Ngài muốn tặng ban cho chúng ta.
Hãy chỗi dậy!
Bài Tin Mừng hôm nay lặp đi lặp lại 3 lần chỗi dậy, nhưng chỉ nói về một người, đó là Thánh Giuse. Tuy nhiên chúng ta không thấy ngài nói gì, mà chỉ thấy ngài hành động. Hành động cũng là cách trả lời tốt nhất đối với những lời mời gọi được ghi trong Cựu ước cũng như trong Tân ước.
 - Hãy chỗi dậy! Chính là câu nói mà Abraham nghe được và ông đã đưa tất cả những người tin, theo ông tiến về miền đất mà khi khởi hành không ai trong họ biết đến. Mỗi gia đình chúng ta và tất cả những ai tin theo Chúa Kito, cũng được mời nghe lời gọi lên đường này.
- Hãy chỗi dậy! Cũng là lời mời mà nhà tiên tri Giona đã nghe được để bắt tay vào một nhiệm vụ mà Giona không muốn hoàn thành, và cuối cùng Giona đã chấp nhận bằng cách vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Mỗi gia đình chúng ta cũng gặp phải những khoảnh khắc sợ hãi này trước những khó khăn của sứ mệnh lớn lao về cuộc sống, về giáo dục con cái. Nhưng  sứ thần của Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta: "đừng sợ"!
- Hãy chỗi dậy! Cũng là bản tình ca đẹp mà chúng ta có thể đọc được trong các Thánh vịnh. Đó là cuốn sách Kinh Thánh cho chúng ta biết tất cả tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta: Hãy chỗi dậy, bởi vì mùa đông đã qua và mùa ca hát đang đến. Gia đình thánh, khi vội vã rời Be-lem, cũng được mời gọi hát niềm vui này để lên đường.
- Hãy chỗi dậy! Điều quan trọng nhất đó là câu nói này được Chúa Giêsu nói tới nhiều lần khi Ngài gặp các bệnh nhân và những người bị tổn thương về cuộc sống. Chắc chắn Ngài cũng muốn chúng ta hãy chỗi dậy. Chỗi dậy cũng là phục sinh! Chúng ta hãy phục sinh đời sống của mỗi người chúng ta!
Chúng ta cảm ơn Thánh Giuse và gia đình thánh đã là những người đầu tiên "chỗi dậy". Cuộc phiêu lưu vĩ đại của cuộc di cư hay vượt qua sa mạc vẫn tiếp tục cho nhiều gia đình. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu và gia đình của Ngài đi trước chúng ta trên con đường này. Đấng mở đường cho chúng ta đi là con đường Ngài đã chết và đã phục sinh. Ngài là Đấng Kito. Ngài muốn chúng ta cùng với Ngài ra khỏi tất cả những gì là lưu vong của chúng ta, mà Chúa Cha đã nói: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”,  để đưa chúng ta vào cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa.
Nghe và đón nhận Tin mừng hôm nay, có thể giúp tất cả các gia đình chúng ta giữ được niềm vui Giáng sinh và nghe được những lời thiên thần gửi đến cho thánh Giuse cũng như cho chúng ta, với một trái tim tràn đầy hy vọng: “Hãy trỗi dậy và lên đường”.

Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
 HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Có một gia đình nọ: Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cho ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông. Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông. (Sưu tầm)
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vẫn vô tình lãng quên nhau. Quên nhau không phải là không có dịp gần nhau, nhìn thấy nhau, nhưng là thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau. Sống bên nhau nhưng vẫn thờ ơ, dửng dưng. Sống bên nhau nhưng vẫn như người xa lạ. Không quan tâm, không chia sẻ, không hỏi han nhau. Có những đôi vợ chồng sống bên nhau mà vợ mang thai, chồng đau yếu mà cũng chẳng hề hay biết.
Có những người cha, người mẹ chẳng bao giờ quan tâm hỏi han sự học hành, quan hệ bạn bè của con cái chỉ tới khi con phạm pháp lúc đó mới hay thì đã quá muộn. Có những người con chỉ biết xài tiền cha mẹ nhưng đâu hiểu được những giọt mồ hôi, những cay đắng của đồng tiền vẫn gắn liền với chữ “bạc”. Chính vì thế, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn, thất vọng vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, của anh em. Dòng đời vẫn còn đó những con người đang sống trong tủi nhục ngay giữa những người thân của mình bởi lối sống không đẹp: chơi xấu, cư xử thô lỗ, cộc cằn, kém văn hóa. Dòng đời vẫn còn đó những phận người bị loại bỏ ngay trong mái nhà của mình: vì tình người phụ bạc, vì tình đời thay trắng đổi đen. Cuộc sống cần tình yêu, cần sự quan tâm, chia sẻ và một lối sống đẹp như cơ thể cần không khí để thở, để sống khoẻ mạnh hơn. 
Hôm nay, trong ngày lễ kính thánh gia thất, các bài đọc phụng vụ chỉ dẫn cho chúng ta những nét cơ bản để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bình an trên nền tảng Lời Chúa và những yếu tố nhân bản nơi mỗi thành viên. Như sách Huấn ca dạy: con cái phải thảo kính, yêu mến cha mẹ khi các ngài còn trẻ; khi các ngài về già: “hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống”, vì “của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi”. Và “hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 17). 
Trong thư gửi tín hữu Côlôsê thánh Phaolô đã khuyên dạy rất cụ thể cho các đôi vợ chồng: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến họ”, vì “anh em là những người thánh thiện và được yêu thương”. Bởi đó, “anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau”... và “hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt”.
Riêng bài Tin Mừng cho ta thấy mẫu gương gia đình tuyệt hảo là thánh gia thất. Thánh Gia là gia đình thánh, nhưng sự thánh thiện không miễn chuẩn cho các Ngài những khó khăn vất vả và những cố gắng bươn chải để lo cho cuộc sống cơm áo của đời thường. Sự thánh thiện ấy cũng không cất đi những khổ đau, những ray rứt trong tâm hồn như: Khi nhận lời Thiên Thần truyền tin, đó là lúc Mẹ đánh đổi cả mạng sống của mình, bởi Mẹ biết Mẹ có thể bị ném đá tới chết nếu thánh Giuse nghĩ rằng Mẹ ngoại tình và tố cáo Mẹ. Còn thánh Giuse lại ray rứt không nguôi vì cái bào thai trong bụng cô vợ tương lai của mình. Người không thể nghĩ rằng cô vợ đức hạnh của mình lại có thể ngoại tình. Nhưng nếu không phải là ngoại tình thì bào thai này bởi đâu? Cho đến những vất vả của hành trình từ Nagiareth về Bêlem để làm hộ khẩu, là sự buồn tủi khi không tìm được một chỗ trong quán trọ, là nỗi đau khi phải sinh con trong một chuồng chiên bò hôi hám, là sự cực lòng khi phải đưa con đi đất khách quê người để tị nạn...Như thế, cuộc đời Thánh Gia cũng được đan dệt bằng cả hạnh phúc lẫn đau khổ, bằng cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tất cả những gì chúng ta đang gánh chịu hôm nay thì Thánh Gia cũng đã trải qua. Chỉ có điều là tất cả mọi người trong gia đình thánh này luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đón nhận mọi sự theo thánh ý của Thiên Chúa và luôn dành cho nhau sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm, sẻ chia.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy can đảm loại bỏ những hành vi thô lỗ, cộc cằn, những hành xử thiếu văn hoá khởi đi từ chính gia đình chúng ta. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết dâng tặng cho nhau những cử chỉ đẹp như: sự quan tâm, sự khiêm tốn, ôn hoà và hiền hậu với nhau. Chúng ta không thể “khôn nhà dại chợ”, sống tốt với hàng xóm mà cư xử tệ với anh em. Chúng ta không thể sống trọn vẹn đức ái kitô giáo nếu chúng ta không yêu mến gia đình chúng ta. Hạnh phúc gia đình được khởi đi từ những cư xử nhỏ của mỗi thành viên.
Hoàng Núi
                                                                                                        
====================
Suy niệm 3
Nhìn ngắm gia đình Chúa Giê-su tại Bê-lem
Trong ngày lễ Thánh gia, chúng ta cùng nhìn ngắm một gia đình rất đặc biệt tại Bê-Lem với ba nhân vật độc đáo: Mẹ Maria, Thánh Giu-se và Chúa Giê-su.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn ngắm hài nhi Giê-su.
Đây là nhân vật bé nhỏ nhất trong gia đình nầy và cũng là nhân vật quan trọng nhất. Ngài là một huyền nhiệm vượt quá trí tưởng tượng của loài người.
Có ai ngờ một Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên nầy lại chấp nhận hóa thành một bào thai nhỏ bé nằm trong lòng mẹ suốt chín tháng mười ngày và được sinh ra bởi một người mẹ trần gian là một thiếu nữ miền quê.
Có ai ngờ một Đấng vô cùng giàu sang, là chủ nhân của tất cả mọi kho báu trên toàn thế giới và trong cả vũ trụ càn khôn, giờ đây lại trở thành một trẻ sơ sinh nghèo hèn, không có một mái nhà, không giường chiếu và không cả một chiếc nôi cỏn con… đến nỗi phải nằm run rẩy trong máng súc vật lót rơm, giữa một chuồng bò tứ bề trống trải chơ vơ giữa không gian vắng lặng.
Có ai ngờ Đấng nuôi dưỡng chim trời cá nước, ban phát lương thực cho tất cả người thế hưởng dùng lại cậy nhờ đến từng giọt sữa của người mẹ trần gian để được tăng trọng và lớn lên thành người.
Có ai ngờ một Đấng vốn là Thiên Chúa Ngôi Hai đồng quyền năng phép tắc như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, có sức mạnh lay chuyển cả vũ trụ càn khôn, có quyền năng dập tắt bão tố… lại trở thành một trẻ thơ nhỏ nhoi, yếu đuối, thân mình bầm tím vì giá lạnh đêm đông, phải cậy nhờ đến sự ấp ủ của người mẹ trần gian để tồn tại, phải cậy trông vào sự che chở của người cha nuôi vốn là một anh thợ nghèo, mới có thể thoát chết bởi lưỡi gươm oan nghiệt của bạo chúa Hê-rô-đê.
Ngoài ra, khi có một vị vua hay tổng thống đến thăm một quốc gia khác, thì sẽ được những vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia này đích thân tiếp đón cách trọng thị; đằng này, tại Bê-lem năm xưa, khi Chúa tể trời đất đặt chân đến địa cầu và thăm viếng nhân loại, thì chỉ có những người chăn chiên nghèo khổ ra đón Ngài mà thôi.
Tiếp theo, chúng ta hãy nhìn ngắm nhân vật thứ hai trong gia đình nầy là Mẹ Maria.
Khi một người mẹ chuyển dạ sinh con, điều cần thiết là phải có một căn phòng kín đáo, thế mà khi chuyển dạ, Mẹ Maria chẳng tìm đâu được một căn buồng, mà phải nương thân nơi chuồng súc vật trống trải giữa cánh đồng hoang vu. Không giường, không chiếu… nên mẹ phải sinh con ngay trên lớp rơm mỏng giữa chuồng bò!
Bao giờ sản phụ sinh con cũng có cô đỡ bên cạnh, để cứu giúp bà thoát khỏi những nguy hiểm khó lường; đằng nầy, khi Mẹ Maria sinh con, chỉ có người bạn đời là thánh Giu-se bên cạnh, mà người đàn ông thì chẳng biết phải xoay xở thế nào trong những trường hợp khó khăn như thế.
Còn nhân vật thứ ba là thánh Giu-se.
Chắc chắn vào lúc bấy giờ, tâm hồn ngài đầy lo âu, buồn phiền và bối rối.
Lo âu vì thấy người bạn đời đang lúc chuyển dạ sinh con lại phải miệt mài gõ hết cửa nầy đến cửa khác ở các quán trọ ở Bê-lêm, mà không được một ai thương xót đoái hoài, nhường cho một chỗ trọ qua đêm.
Lo âu buồn phiền vì cuối cùng, đành phải đưa Mẹ Maria ra ngoài đồng vắng, náu thân trong một chuồng súc vật bẩn thỉu tanh hôi! Ngài cố tìm một tấm ván hay một vật gì đó tạm thay giường nằm cho Mẹ Maria cũng không có, thôi thì quơ đại ít rơm rạ vương vãi chung quanh để lót thành một ổ rơm nho nhỏ cho sản phụ có chỗ nằm.
Càng bối rối hơn khi đến giờ phút Mẹ Maria sinh con. Tìm đâu ra một cô đỡ trong nơi hoang vắng nầy! Biết làm thế nào trợ giúp một sản phụ đang sinh con! Mền không, chiếu cũng không. Thôi thì lót tạm ít rơm vào trong máng súc vật cho Hài Nhi mới sinh có một chỗ nằm thay nôi.
Ôi thôi! Càng ngắm, càng suy, càng thấy gia đình nầy thật là bi đát, cùng cực. Không ai trong chúng ta bị lâm vào hoàn cảnh đáng thương như thế.
Lạy Chúa Giê-su,
Vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, Chúa đã từ bỏ ngai trời xuống thế, chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn cùng cực, hạ mình xuống tận đáy cuộc đời để chia sẻ cảnh lầm than khốn khổ của kiếp người.
Xin cho chúng con biết học với Chúa để chia sẻ và làm giảm nhẹ những đau thương khốn khổ của những người nghèo túng chung quanh chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 4
GIA ĐÌNH NADARET
Tất cả ý nghĩa của lễ Giáng Sinh xoay quanh một Đứa Trẻ. Chỉ cần nhìn vào đứa trẻ này, nhìn vào đôi mắt của đứa trẻ này, ta sẽ thấy tất cả nguồn mạch của niềm vui Giáng Sinh.Thiên Chúa đã làm người, làm một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, có cha mẹ là Giuse và Maria. Nơi hang đá Bêlem, Thiên Chúa thật gần gũi con người, hoàn toàn không có một khoảng cách nào.
Ai muốn gặp Đức Giáo Hoàng thì phải đi Rôma; ai muốn gặp Tổng thống Trump thì phải sang Mỹ, mà có đi đến nơi đâu dễ mà gặp được! Còn Thiên Chúa, trong hình hài một Đứa Trẻ, “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ”, thì ai cũng có thể gặp được.Thiên Chúa từ trời cao xa tít tắp đã đến thế giới này để ta có thể gặp được Ngài. Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ, để cho ta có thể gặp được.
Ngày lễ Thánh Gia hôm nay, Tin mừng Matthêu thuật lại câu chuyện Thánh Giuse đưa “Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập”. Trong trình thuật này, Con Trẻ giữ địa vị ưu tiên: tác giả  muốn làm nổi bật chức vị của Con Trẻ. Vì có  những đe dọa từ bên ngoài muốn làm hại mạng sống của Con Trẻ, cả gia đình đã phải làm cuộc hành trình di dân.
Khác với mọi gia đình trần gian, gia đình Nadarét quy tụ chung quanh Con Trẻ, chứ không phải chung quanh những người lớn. Chính Con Trẻ đem lại cho gia đình ý nghĩa độc đáo. Toàn bộ gia đình đều hướng về việc chuẩn bị cho sứ vụ của Ðức Giêsu. Gia đình ấy không sống cho riêng mình. Gia đình ấy chỉ đạt được ý nghĩa của mình khi giúp Con Trẻ sống cho Thiên Chúa.
Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công giáo hướng về gia đình Nadarét. Không phải lúc nào cũng màu hồng mà Tin Mừng cho thấy Thánh Gia đã trải qua những lận đận lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn thử thách trăm bề. Thánh Giuse khéo léo chống chèo vượt qua tất cả và cùng với Mẹ Maria, Chúa Giêsu để xây dựng mái ấm hạnh phúc.
Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này.Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
1. Gia đình, trường học đầu tiên 
Con trẻ ra đời trong gia đình, chúng không được chọn lựa. Người ta có thể lựa lúc để sinh con nhưng không thể lựa chọn tính chất, tài năng, giới tính hay màu tóc của con cái. Con trẻ được yêu thương vì chúng là hoa trái của tình yêu và chúng cũng học cách yêu thương nhau bởi vì tất cả chúng đều được cha mẹ đón nhận. Chính nhờ sự bao bọc và che chở của tình yêu hôn nhân mà con trẻ có thể lớn lên trong tin tưởng và trở thành chính mình; con trẻ học biết những bất trắc trong tương quan với những người khác, giúp chúng biết đón nhận những khác biệt và ý nghĩa của cử chỉ hoà hoãn trong xung đột. Đó là “thao trường” đầu tiên của “trường đời”.
Gia đình chuyển tải những yếu tố đầu tiên của các đức tính của con người. Khoa sư phạm hiện đại cho chúng ta biết rằng, việc giáo dục trẻ em khi chúng còn nhỏ tuổi để lại dấu ấn rất khó xoá nhoà trong nhân cách của trẻ. Chính vì vậy mỗi gia đình chuyển tải cho thế hệ kế tiếp toàn bộ các giá trị sẽ tác động đến sự phát triển và quan niệm sống của thế hệ mới.
Hình thức giáo dục đầu tiên này không mang tính học đường hay tính sư phạm. Không phải những khuyên nhủ hằng ngày đem lại hoa trái, nhưng đúng hơn là do việc giáo dục hành vi, do gương sáng (của cha mẹ) trong tương quan với những người khác và trong việc phục vụ lẫn nhau. Chính nhờ những điều chỉnh thường nhật này đã hình thành những quy chiếu cơ bản: yêu mến sự thật, tôn trọng người khác, hiểu biết ý nghĩa của việc phục vụ, giáo dục trách nhiệm cá nhân… Sau này, trường học giúp sẽ giúp trẻ đối chiếu những tập tục này của gia đình mình với những tập tục của các gia đình khác, giúp trẻ học cách suy nghĩ về những gì chưa được áp dụng, cởi mở đối với những lối suy tư và lý luận khác. Đó phải là sứ mạng của học đường, và sứ mạng này không bao giờ thay thế cho sứ mạng của gia đình mà chỉ bổ sung bằng các phương pháp giáo dục có tính sư phạm cao hơn lối giáo dục gia đình. Đó là việc quản lý giữa đời sống nội bộ gia đình và những tương quan bên ngoài, nhờ vậy làm nảy nở và phát triển tự do cá nhân.(x.Thời sự Thần học – Số 1, Tháng 3/2009).
2. Gia đình, Giáo hội tại gia
Chính nhờ gia đình mà đứa trẻ nhận biết mình là Kitô hữu và được khai tâm đức tin Kitô giáo. Thế nhưng, gia đình không phải là nơi để cha mẹ dạy cho con cái những bài giáo lý vượt quá khả năng hiểu biết của con trẻ. Nhưng đúng hơn là dạy cho con cái biết học hỏi những thái độ cụ thể của đời sống Kitô giáo phát xuất từ cuộc sống thường nhật: học làm dấu thánh giá, đọc những lời nguyện đầu tiên, khám phá nhà thờ giáo xứ, nơi đứa trẻ được rửa tội…
Nhưng sâu xa hơn cả trường học đầu đời của trẻ, gia đình còn mang lại cho con trẻ một kinh nghiệm đặc biệt: đó là kinh nghiệm về một xã hội được xây dựng trên Hồng ân của Thiên Chúa. Thật vậy, chính ân sủng của bí tích hôn nhân đã thể hiện một cách sâu sắc phúc lộc của gia đình (con trẻ), khả năng phát triển tương quan tình yêu, không ngừng hoán cải và hoà giải, nhưng cũng không ngừng làm triển nở hy vọng về một bước tiến mới trong đức tin. Về phương diện này, gia đình thật sự là trường học của kinh nghiệm sống các bí tích. Có lẽ chiều kích bí tích này của đời sống gia đình không phải lúc nào cũng tìm thấy những từ ngữ để diễn tả và thể hiện. Nhưng chính đời sống hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình, cách giải quyết của các thành viên trong việc tha thứ và hoà giải, sự kiên trì trong tình yêu bất chấp những yếu đuối và thiếu sót của các thành viên trong gia đình, tất cả những điều ấy vừa giúp con trẻ khai tâm về sự trung tín và lòng vị tha của Thiên Chúa, vừa giúp con trẻ khám phá thể chế bí tích của đời sống Kitô giáo: diễn tả những thực tại của tình yêu bằng cử chỉ. Chính vì vậy mà gia đình được xem như là một “Giáo hội nhỏ”. (x.Thời sự Thần học – Số 1, Tháng 3/2009).

3. Hạnh phúc gia đình
Theo Đức cha Bùi Tuần, có ba yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình: Quy tụ gia đình; Lễ giáo gia đình và Tình nghĩa gia đình.
  • Quy tụ gia đình 
Gia đình là nơi con người được “ở với nhau”. Các môn đệ đầu tiên không tìm đến với Chúa Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với” (Ga 1,38). Chúa đã mời gọi các ông, trước tiên không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở lại với Người (Ga 1,39). Cũng vậy các thành viên trong gia đình hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình, được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, gia đình là nơi chốn bình an cho tâm hồn mình; “Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người nên gia đình trở thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’ (x.Tông huấn gia đình số 42).
Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau. Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng. Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, dù bất thường, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp. 
  • Lễ giáo gia đình  
Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự. Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau. Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình.Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều bình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình. Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn. Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới. Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình. 
  • Tình nghĩa gia đình
Tình nghĩa gia đình cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ. Người tình nghĩa đích thực là người biết xót thương như người Samari đó. Chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con trẻ. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau.
Hạnh phúc gia đình phải khởi đi từ tình yêu, niềm tin và hoà bình. Gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.Chính tình yêu là chất keo liên kết những người cùng sống dưới một mái nhà. Không gì khác ngoài tình yêu làm cho mái nhà thành mái ấm, gia đình thành tổ ấm. Ở đó có một tình mẫu tử dịu dàng, có một tình phụ tử lo toan, và có một tình hiếu thảo. Thiếu tình yêu, mái gia đình tựa cây cỏ không lên được màu xanh vì thiếu ánh nắng. Thiếu tình yêu, những người sống dưới mái nhà cũng còi cọc không phát triển được về cả tinh thần lẫn thể lý.
Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca dạy rằng: con cái biết thảo hiếu và chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu và bệnh tật. Bài đọc II, trong thư gửi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô khuyên bảo:  lòng bác ái là mối giây gìn giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Đây là những giáo huấn quan trọng giúp con trẻ phát triển nhân cách và nên thánh.
Muốn canh tân xã hội và thế giới phải canh tân gia đình trước tiên. Khi mỗi gia đình đều nỗ lực theo gương Thánh Gia, người ta có quyền hy vọng căn nhà chung là thế giới sẽ tràn ngập niềm vui tươi và hân hoan, dấu chỉ của ơn cứu độ Thiên Chúa đem đến cho nhân loại.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 5
GIA ĐÌNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
(Lc 2, 41-52)

Tiếp liền sau Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Gia Thất. Vì mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống. Trước mặt Thiên Chúa gia đình thật quan trọng, Thiên Chúa đã tạo lập gia đình ngay từ thủa ban đầu, Con Thiên Chúa cũng chọn gia đình để sinh ra và cư ngụ.
Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống“, cùng với những phần phúc cho những người con biết tôn kính mẹ cha là: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng“, nhất là được trường thọ: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. ” Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên những người làm vợ làm chồng: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó“. Ngài cũng khuyên cha mẹ phải tôn trọng, yêu mến con cái: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.
Thảo kính cha mẹ
Để giữ cho gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn thứ Bốn trong Mười Điều răn: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”,
Có nhiều kẻ làm con đã hỏi: Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để con cái phải tôn kính. Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có?
Để có một cuộc sống đích thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã hội không thể có được, và phải đi tới nguyên tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính. Vì thế, kẻ làm con, người làm bề dưới phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là vì thấy trong trật tự ổn định là quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ, học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy ở nhà cầm quyền. Phải, quyện lực của cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra.
Chúa dạy: “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi “. Và Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự ” (Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân, song đối với cha mẹ, phải tôn kính. Đó là điều mà phận làm con, kẻ bề dưới ngày nay không muốn biết nữa. Tôn kính có nghĩa là khi cha mẹ nói, dạy điều gì, con cái phải im lặng, lập tức thi hành, dù là ước muốn nhỏ nhất: “Vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). “Hãy tôn kính cha con và mẹ con” ; “Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì phải chết” ( Xh 20;21)
Phu phụ tương kính như tân
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ giống hình ảnh Chúa, và cho hai người kết hợp với nhau nên một bằng mối giây loài người không thể tháo cới, để mỗi người phát triển nảy nở trong hạnh phúc, và sinh con cái nối giòng dõi loài người và Hội Thánh.
Khi nói thế, người chồng có thể đòi người vợ phụng tùng chồng một cách mù quáng không? Không, người này phải phục tùng người kia cho phải đạo, cả hai đều phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Giáo hội.
Người nam có biết khi được làm đầu thì phải làm gì không? Thánh Phaolô kêu gọi: ” Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó” (Cl 3, 20).
Người ta thường nói: chồng là đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn: chồng là cả hai, vừa là đầu, vừa là trái tim. Người ta cũng ví người chồng giữ vai trò như người lái thuyền, phải đưa thuyền đi đúng hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người trong thuyền, phục vụ mọi người với tình yêu thương, như yêu thương chính mình, để cùng nhau hướng tới hạnh phúc.
Cha mẹ tôn trọng và yêu mến con cái
Giới răn thứ Bốn này có hai chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng, yêu mến con cái: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái“. Cha mẹ quí mến con cái, vì con cái trước hết không thuộc về các cha mẹ mà thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho, một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả lẽ. Vậy, cha mẹ phải yêu quí, tôn trọng sự sống con cái, ngày từ khi còn trong lòng mẹ, chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành…
Chăm lo cho con cái về mặt tinh thần cũng như thể xác, nhất là linh hồn, vì trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo. Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo luật.
Khi có chuyện chẳng lành trong gia đình, lời thánh Phaolô sau đây như là khuôn vàng thước ngọc về lẽ sống và cách đối nhân xử thế của các thành viên trong gia đình: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện“.
Noi gương Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mỗi gia đình kitô giáo hãy đón rước Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, gìn giữ Người, che chở Người, lớn lên với Người, và dành cho Chúa một chỗ trong trái tim và ngày sống của chúng ta.
Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, xin chở che gìn giữ gia đình nhân loại chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 6

Gia Đình Gặp Thử Thách Hiểm Nguy
Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Mt 2,3-15.19-23
Phần đầu trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của các nhà chiêm tinh, thành tâm đi tìm Hài Nhi Giêsu, vị vua Do Thái mới sinh. Họ từ phương đông lặn lội đến Giêrusalem tìm hỏi, chỉ nhờ một ngôi sao dẫn đường. “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b). Sự khao khát mãnh liệt được thúc đẩy từ bên trong, khiến các nhà đạo sĩ khao khát tìm kiếm, không gì ngăn cản được, họ quyết tâm mò mẫm lên đường theo dấu chỉ từ ngôi sao lạ. Họ trung thành đi theo ánh sao, dù khi trèo đèo lội suối, lúc gặp đường gai góc quanh co, chắc sẽ có lúc như ngõ cụt, bế tắc, hoặc bóng tối đêm đen, nhưng họ không chán nản, vẫn bền chí trung kiên, cho đến đích cuối cùng nơi Hài Nhi ở: “họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”. (Mt 2,10). Đây là một gia đình nhỏ đơn sơ, hạnh phúc nơi đồng hoang. Một Thánh Gia nghèo khó nhất trần đời, nhưng an bình hạnh phúc vì có Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình ở đó.
Đang hạnh phúc bình an chưa được bao lâu, các nhà chiêm tinh vừa ra về, thì đang đêm sứ thần Chúa đã hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Thật nghiệt ngã, Hài Nhi Giêsu mới ra đời hãy còn non nớt, đã bị dọa giết hại mạng sống!
Bởi vì âm mưu đen tối của vua Hêrôđê, sau khi phát hiện mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa không tiếp tay cho ý định độc ác của ông. Thánh Giuse là người trưởng thánh gia bảo vệ, gìn giữ gia đình tuyệt vời trong cơn thử thách. Ngài mau mắn trỗi dậy ngay đang đêm để đưa trốn sang Ai Cập an toàn, dù đường đi khó khăn xa xôi, Hài Nhi và Mẹ Người còn non nớt. Sau khi vua Herôđê băng hà, lại nghe lời báo của sứ thần mà đưa hai mẹ con trở về Nazareth an toàn chu đáo.
Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Cả Giuse! Thánh Gia là mẫu gương sáng cho mỗi người chúng con trong đời sống gia đình. Xin cho những người trưởng gia đình chúng con biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người nơi gia đình chúng con. Xin Thánh Gia Thất luôn yêu thương che chở, nâng đỡ và đồng hành với mỗi gia đình chúng con trên biển đời trần thế, để dù có gặp thử thách gian nan, người trưởng luôn noi gương thánh Giuse mà bảo vệ, chăm sóc gia đình mình vượt qua mọi gian khó. Amen.
Én Nhỏ
                                                                        
  
 
  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log