Thứ tư, 01/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 07:53 09/01/2020
Suy niệm 1
Các tầng trời mở ra
(Mt 3, 13-17)
Trí tưởng tượng của con người về Thiên Chúa. Chính thân phận nghèo nàn của chúng ta phản ánh tất cả những gì trong chúng ta khi quy chiếu về Thiên Chúa:
- Chúng ta quên Thiên Chúa và vì thế chúng ta nói rằng: Thiên Chúa quên chúng ta. 
- Chúng ta điếc trước các cuộc gọi của Ngài và vì thế chúng ta nói rằng Ngài không nghe thấy những gì chúng ta xin Ngài. 
- Chúng ta mù, thường không thể nhận ra công việc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và vì thế chúng ta nói rằng Ngài không nhìn thấy, Ngài bỏ rơi chúng ta, Ngài để chúng ta một mình trong nỗi bất hạnh của chúng ta.
Chính thân phận nghèo nàn đó thường biện minh cho những gì chúng ta muốn làm, khi nói rằng chính Thiên Chúa muốn:
- Chúng ta muốn người thân yêu chúng ta có một tình huống tốt, và vì thế chúng ta nghĩ rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. 
- Chúng ta không muốn người thân chúng ta phải trải qua nghịch cảnh và vì thế chúng ta cho rằng đó không thể là ý muốn của Thiên Chúa. 
- Chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa muốn thử thách chúng ta là không có thật!
Nhìn chung, chúng ta muốn làm cho Thiên Chúa giống hình ảnh chúng ta và phù hợp với chúng ta. Chúng ta rất bối rối khi Thiên Chúa mà chúng ta tưởng tượng, không phù hợp với thực tế những gì chúng ta đang sống. Như vậy, đối với chúng ta bầu trời vẫn đóng.
Không theo trí tưởng tượng. "Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa, mà đến với Gioan ở sông Gio-đan để xin ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao”?
Gioan Tẩy giả là một ngôn sứ của Thiên Chúa. Gioan nói và hành động nhân danh Thiên Chúa. Gioan đắm chìm trong Thiên Chúa. Gioan mời gọi đám đông dân chúng thống hối trở về vì chính Gioan đã trở về.
- Gioan không biến Thiên Chúa quay về với mình, nhưng chính Gioan quay về với Thiên Chúa.
- Gioan không gán cho Chúa những gì thuộc về con người.
- Gioan tuyên bố sự xuất hiện của Thiên Chúa giữa muôn người.
- Gioan chuẩn bị cho nhân loại ra khỏi chính mình, khỏi những hình tượng của họ để đắm chìm trong Thiên Chúa, và nhận được món quà của Thiên Chúa trong sự thật. 
- Gioan mở nhân loại đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa.
Tuy nhiên, vào ngày hôm nay khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chính Gioan lại tỏ ra bối rối. Gioan giống như chúng ta, nhận thấy hình ảnh của Đấng Me-si-a không tương ứng với những gì xảy ra. Gioan biết rằng, trước mặt Chúa Giêsu, mình không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Và bây giờ Chúa Giêsu yêu cầu: không những chỉ đến với Gioan mà còn được dìm mình xuống sông Gio-dan. Chúa Giêsu yêu cầu, không chỉ ở dưới chân Gioan, mà còn thấp hơn, thấp hơn mặt đất và ở dưới đáy dòng sông..
Hình ảnh mà Gioan tưởng tượng về Đấng Mê-si-a bị lật úp. Gioan không hiểu nữa. Tất cả điều này là không phù hợp!  Không phù hợp để Đấng Thiên Sai làm như vậy!
Hình ảnh đích thực về Thiên Chúa. "Nhưng Chúa Giêsu liền đáp lại: Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”! Gioan là ngôn sứ của Đấng Tối Cao và cư xử như một ngôn sứ trung thành: ông cúi mình trước Đấng muốn cúi mình trước ông. Và chỉ ông làm điều đó. Đúng là ông đã từ bỏ hình ảnh mà ông đã tưởng tượng để đón nhận Đấng Me-si-a đang hiện diện và như ông đã giới thiệu. Gioan chu toàn những gì là đúng.
Chúa Giêsu muốn được Gioan rửa và Gioan phục tùng ý muốn của Chúa Giêsu. Lúc này, sứ mệnh của Gioan đã hoàn thành trong việc vâng phục hoàn toàn này.
- Từ nay trở đi, chính Chúa Giêsu là người dẫn dắt và không còn là Gioan nữa.
- Từ nay trở đi, chính Chúa Giêsu là người mà Gioan phải theo: và Chúa Giêsu yêu cầu Gioan đi theo Người. 
- Chúa Giêsu dìm Gioan trong sự khiêm nhường sâu xa hơn sự khiêm nhường mà Gioan nghĩ. 
- Gioan để cho Chúa Giêsu dìm mình trong sự khiêm nhường sâu xa hơn đáy sông Gio-dan "Đây là cách Chúa Giêsu chu toàn bổn phận như vậy”!  Trước đó, bầu trời vẫn đóng, nhưng cuối cùng đã mở ra. “Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: Này là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.
Nhân loại chúng ta được mời gọi:
- Loại bỏ hình ảnh tưởng tượng về Đấng Mê-si-a, và về Thiên Chúa,
- Loại bỏ tất cả những chiếm hữu về Ngài, để khám phá một tình yêu mạnh hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng và để chúng ta dìm mình trong tình yêu đó.
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa làm cho chúng ta nên giống hình ảnh Ngài, và theo Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã đặt toàn bộ tình yêu của Ngài vào trong chúng ta!
 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Khai Mở Sứ Vụ
Sự kiện Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là gạch nối giữa giai đoạn quan trọng: sống ẩn dật và rao giảng công khai. Sau 30 năm sống âm thầm với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cũng là gạch nối giữa hai mùa: Giáng sinh và Thường niên. Giáo Hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng Sinh và Hiển Linh. Hôm nay Chúa nhật I thường niên, Giáo Hội sẽ cùng đồng hành với Người qua các biến cố của đời rao giảng.
1. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Khởi đầu cuộc sống công khai, lúc đã 30 tuổi, tức là đã trưởng thành trọn vẹn như người Á Đông vẫn quan niệm “tam thập nhi lập”, Chúa Giêsu tìm đến sông Giođan để xin Gioan Tẩy Giả cử hành phép rửa cho mình. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc 1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài ” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là động thái gây kinh ngạc cho con người thời nay, vì khó hiểu: Đấng không có tội lại đi nhận phép rửa làm gì? Nhưng người ta cũng sớm hiểu ra rằng: phép rửa của Gioan Tẩy Giả chỉ là nghi thức mang tính tẩy trần, nếu có giá trị thì chỉ theo quy định của lề luật thôi, còn chưa có hiệu quả đích thực tôn giáo. Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa”. Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa này, ngoài việc “nhập thế đến cùng”, khiêm tốn xếp hàng đứng chung với các tội nhân đợi chờ đến phiên, Người còn hữu ý qua động thái có một không hai đó, công khai khởi đầu cuộc sống mới: cuộc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Cách thức Chúa Giêsu khai mở sứ vụ thật đơn sơ và khiêm tốn. Mở đầu một sứ mạng lớn lao, bắt đầu sứ vụ cao cả là loan báo Tin Mừng Nước Trời, nhưng Chúa Giêsu không long trọng đọc diễn văn khai mạc, cũng không trống kèn cờ quạt, chỉ đơn giản đến bên dòng Giođan bé nhỏ cùng với đám đông người tham dự là những người tội lỗi xếp thành hàng hai bên bờ sông. Khi Người vừa chịu phép rửa, thì Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người, và Chúa Cha từ trời đã minh chứng trước mặt toàn dân rằng: Đức Giêsu chính là người Con yêu dấu của Ngài.
Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Để “chu toàn thánh ý Thiên Chúa” (Mt 3,15), Chúa Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Chúa Giêsu đã đi vào mầu nhiệm “tự hạ” (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu là “Con Chí Ái” của Ngài (Mt 3,16-17).
Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn Bí Tích Rửa Tội cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như “một Phép Rửa” Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới (x.1Ga 5,6-8); từ giây phút ấy, chúng ta có thể “sinh ra nhờ nước và Thánh Thần” để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).
Bí Tích Rửa Tội là cánh cửa phân chia tách bạch đời sống, một đàng là khép lại quá khứ của bóng tối, tội lỗi, chết chóc, và đàng khác là mở ra tương lai của ánh sáng, thánh ân, sự sống. Bí Tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu rỗi, nên bí tích này cũng là khởi đầu cho một sự hiện diện mới: từ kẻ ngoại đạo trở thành người đã tòng giáo; từ một lương dân trở nên tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Quả là một hồng ân vô cùng lớn lao cho những ai đón nhận trong lòng tin.
2. Ân Sủng của Bí Tích Rửa Tội
Khi ban Bí Tích Rửa Tội, Thừa tác viên Giáo Hội đổ nước trên đầu thụ nhân và đọc công thức “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Đơn giản trong cung cách cử hành, nhưng hiệu quả ơn thánh lại phong phú bội phần. Bằng những hình ảnh do Thánh Kinh gợi ý, người ta trở thành thành viên trong Dân Chúa Cha, chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô và viên đá sống động kiến tạo Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Con người mới chính là con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống.
Bí Tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG 1213).
Bí Tích Rửa Tội tha thứ nguyên tội, mọi tội cá nhân và các hình phạt do tội. Bí Tích Rửa tội cho tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa giúp tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này cho tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô và tạo nền tảng cho sự hiệp thông với tất cả các Kitô hữu. Bí tích này trao ban các nhân đức đối thần và các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thuộc về Đức Kitô luôn mãi: họ được đóng ấn không thể xóa được của Đức Kitô (GLCG 263).
Như vậy, có hai hiệu quả chính yếu của Bí Tích Rửa Tội là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).
a. Được tha thứ tội lỗi
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.
Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như: đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối... và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là “cái nôi của tội”. “Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu. Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, “không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5) (x. CĐ Trentô: DS 1515).
b. “Trở nên thụ tạo mới”
Bí Tích Rửa Tội không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).
Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó:
- Có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần.
- Có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân.
- Ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.
Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội.
Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, “bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Bí Tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13).
Những người đã được rửa tội trở nên “những viên đá sống động... để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh” (1 Pr 2,5). Nhờ Bí Tích Rửa Tội , họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền” (2 Pr 2,9).
Bí Tích Rửa Tội cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa. Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ “không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x. Ep 5,21;1Cr 16,15-16) và phục vụ nhau (x. Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x. Dt 13,17) với lòng kính trọng và quý mến (x.1Tx 5,12-13). Bí Tích Rửa Tội đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh:được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng. (x. LG 37).
3. Đón nhận một sứ vụ mới 
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với cuộc sống công khai, chính thức rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng. Lời Người nói là Lời chân lý khai quang tâm hồn, dẫn người người về đường ngay nẻo chính Nước Trời, và việc Người làm là việc giải thoát đem lại ơn cứu rỗi, đưa toàn thể nhân loại vào trong tình nghĩa thiết ngàn đời với Thiên Chúa tình thương. Chúa Giêsu khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.
Thánh Phaolô gọi Bí Tích Rửa Tội là tắm trong Chúa Thánh Thần, để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5). Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh (x. LG 10), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (x. LG 17; AG 7,23).
Thánh Giúttinô gọi Bí Tích Rửa Tội là ơn soi sáng, vì những người được đạo lý giáo huấn thì tâm trí được soi sáng. Người chịu phép rửa, vì đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “đã được soi sáng” (Dt 10,32), họ trở thành “con cái sự sáng” (1 Tx 5,5) và là “ánh sáng” (Ep 5,8).
“Bí Tích Rửa Tội là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa... Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng, mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi. Dìm xuống, vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa” (Thánh Ghêg-riô Nadien, Bài giảng 40,3-4).
Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nam nữ có mặt ở Rôma nhân ngày kỷ niệm ngài chịu phép Rửa tội: “Ngày cha chịu phép Rửa tội là ngày cao quý nhất của đời cha. Cũng như  ngày chúng con chịu phép Rửa tội là ngày cao quý nhất của đời chúng con”.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, trong tư cách là “Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô”, chúng ta được nhắc nhớ về sứ mạng phải làm triển nở sự sống của Chúa Kitô nơi mình và nơi những người lân cận bằng lòng tin và bằng tình yêu chân thành và trung tín.
Trong tư cách “Kitô hữu hướng về Chúa Kitô”, chúng ta cũng được hun đúc để luôn biết sống bằng niềm hy vọng và bằng lời kinh phó thác, nhất là trong lúc gặp thử thách gian truân.
Trong tư cách “Kitô hữu tìm về Chúa Kitô”, chúng ta còn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống qua việc sám hối hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách dồi dào hơn.
Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất thì ngắm, Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta xin được sống gắn bó với Chúa Giêsu mật thiết hơn, để xứng đáng là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 3
Đây Là Con Yêu Dấu
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

“Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người”. (Mt 3,13-15).
Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa khiêm hạ thẳm sâu, đó là mầu nhiệm trọng đại mà ta chiêm ngắm cách đặc biệt trong suốt mùa Giáng Sinh. Thiên Chúa đã trở thành một con người, đã sống trọn kiếp sống một con người. Hôm nay Người đã lội xuống dòng sông Giođan xin chịu phép rửa. Ngài đã từng cảm nghiệm mọi niềm vui nỗi khổ của con người, cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Khi toàn dân đang chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu cũng hòa mình với dân, lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của ông. Nhưng chuyện lạ xảy ra là: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17). Với lời xác nhận của Chúa Cha phán từ trời, ta biết thật chính Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ ta. Người chính là người tôi trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia nói trong bài đọc I: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta sẽ cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”. (Is 42, 1). Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình, liên đới với mọi người, dìm mình trong dòng nước sông Giođan với những người tội lỗi. Phép rửa Chúa chịu hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai đi rao giảng của Người, sau 30 năm sống ẩn dật với cuộc sống thật đơn sơ khiêm hạ, nêu gương cho mọi người. Với cử chỉ ấy, Người hòa mình vào dòng đời với nhân loại, để chung chia và gánh vác thân phận, kiếp sống với con người.
Lạy Chúa! ước gì chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong  chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa thật. Chúa là Đấng vô tội mà đã khiêm hạ lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa như người tội lỗi. Để đổi lại, mỗi người tội lỗi chúng con nhờ lãnh Bí tích Rửa tội, lại được trở nên con Thiên Chúa. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng con luôn biết sống xứng đáng là con Chúa, bằng đời sống yêu thương, hòa đồng sẻ chia, cảm thông và đón nhận những giới hạn của nhau, để tất cả chúng con cũng được trở nên con yêu dấu của Chúa. Amen.
Én Nhỏ

 
Con Chiên đền tội
(
Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa)
 
Đã sinh ra làm người, ai trong chúng ta cũng mang tội, tội riêng ta phạm cũng như tội tổ tông truyền và chiếu theo luật Thiên Chúa đã quy định, mỗi người chúng ta đều phải mang lấy án phạt đời sau.
Nhưng nếu để cho mọi người phải chịu khổ hình, chịu án phạt vì tội lỗi của họ thì Thiên Chúa là Cha nhân lành đau lòng khôn xiết và không thể chịu nổi; Vì thế, Ngài tìm giải pháp cứu con người tội lỗi khỏi án phạt đời đời do tội gây ra. Giải pháp tốt nhất là “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).
Tuy nhiên, không ai trên đời này có đủ tư cách nhận tội thay, đền tội và chết thay cho muôn dân trên mặt đất; Vì thế, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giê-su đầu thai xuống thế làm người, trở nên Anh cả của loài người và là Vị đại diện chính thức của loài người để gánh lấy tội lỗi muôn dân và chấp nhận chịu phạt thay, chịu chết thay cho họ.
 
Chúa Giê-su, Đấng gánh tội trần gian
Để chu toàn ý định cứu độ của Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su sẵn sàng trở thành “Con Chiên đền tội” (Ga 1,29), hy sinh chịu chết thay cho muôn dân.
Mặc dù Chúa Giê-su là Thiên Chúa, từ thuở ban đầu, Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần dựng nên trời đất, muôn vật muôn loài trong vũ trụ vô biên vô tận này, vậy mà để cứu muôn người khỏi án phạt đời đời, Ngài đã vui lòng hạ mình xuống thế, mang thân phận con người yếu đuối;
Mặc dù Ngài là Đấng đầy quyền năng phép tắc, là Đấng chí tôn chí thánh không hề vương nhiễm tội nhơ… vậy mà Ngài chấp nhận trở nên “hiện thân của tội lỗi” vì mang vô vàn tội lỗi nhân loại vào thân (II Cr 5, 21).
 
Giờ đây, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, cùng đến bên bờ sông Gio-đan để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu phép rửa.
Xin hãy nhìn xem:
Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn cao sang vô lượng, quyền phép vô song, vua chúa trần gian chỉ như cát bụi trước mặt Ngài… đang hòa mình với loài thụ tạo mọn hèn thấp kém để chờ được thanh tẩy trong dòng sông Gio-đan;
Đấng tinh tuyền, thánh thiện và rất đỗi tốt lành… đang cùng với những người đê hèn, tội lỗi bày tỏ lòng ăn năn sám hối;
Con người hoàn toàn vô tội và rất cao cả ấy đã khiêm tốn nài xin một người phàm như Gioan làm phép Rửa cho mình (Ga 3, 13) !
Sự kiện Chúa Giê-su chấp nhận chịu phép Rửa nói lên tâm nguyện Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, sẵn sàng mang tội lỗi người thế vào thân, sẵn sàng đền tội cho muôn loài, chịu phép rửa vì tội lỗi loài người và sẵn sàng chịu khổ nạn và chịu chết để đền tội thay cho muôn người, để nhân loại được giao hòa với Chúa Cha và được sống đời đời trên nơi vinh hiển…
Điều này khiến Chúa Cha rất đỗi hài lòng vì ý định cứu chuộc nhân loại của Ngài đang được Chúa Giê-su thực hiện. Thế là các tầng trời bị đóng lại từ khi nguyên tổ phạm tội giờ được mở ra, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giê-su và Chúa Cha bày tỏ niềm hoan lạc của Ngài và long trọng tuyên bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3,17).
 
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút lịch sử này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su mà cửa trời được mở ra, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Từ đây tương quan giữa Thiên Chúa  và con người được nối lại, Trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa là Nguồn Cội của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối.
Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu rỗi các tội nhân.

 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
                                                                        
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ cầu bình an cho năm mới 2025 và Giáo hạt Sơn Tây hành hương tại Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc
Ngày 01.01.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Đức cha Đaminh đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Nhân dịp đầu năm mới này, các giáo xứ trong Giáo hạt Sơn Tây cũng quy tụ về Nhà thờ Chính tòa để hành hương – đây là đoàn hành hương đầu tiên sau ngày khai mạc Năm Thánh 2025 của Giáo phận vào ngày 29/12/2024
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log