Suy niệm 1
Hạnh phúc đích thực của Mùa Chay Hôm nay Chủ nhật I Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng với Chúa Giêsu bước vào sa mạc.
- Chúa Giêsu đến sa mạc…
- Chúa Giêsu đối diện với thế giới mà Thiên Chúa gửi đến...
- Chúa Giêsu đối diện với sự dữ rình chờ…!
Bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay, có một sự tương phản giữa nguồn gốc loài người và nguồn gốc Vương quốc mới mà Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để thiết lập:
- Trong vườn địa đàng, một thế giới tuyệt đẹp: Người ta chỉ cần giơ tay ra hái những hoa quả ngon lành là đã đủ nuôi sống mình: "Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, và ăn ngon”.
- Và ngày hôm nay, Chúa Giêsu sắp sửa bước vào cuộc đời công khai để thành lập vương quốc mới, Ngài đói và chỉ có sỏi đá để bỏ vào miệng.
Sự tương phản không chỉ là sự đối lập về bối cảnh bề ngoài: một vùng đất tươi tốt và vùng đất khô cằn đá sỏi, mà còn đối lập về tiếng gọi đến trái tim con người không giống nhau ở đây và ở đó.
Khi vũ trụ được ban tặng cho con người, thì sự dữ cũng đã xuất hiện, đó là hình ảnh con rắn. Trong sa mạc, khi sự dữ xuất hiện dưới hình dạng của Satan, Satan cám dỗ con người trong Chúa Giêsu không phải là để nhận món quà và lòng quảng đại của Thiên Chúa, mà là để bẻ cong vũ trụ theo sự thèm ăn cá nhân của mình. “Ra lệnh những hòn đá biến thành bánh để ăn”!
Đối với vũ trụ mà Thiên Chúa thể hiện ý chí và lòng quảng đại của Ngài, thì Satan lại bẻ cong vũ trụ đó theo nhu cầu cá nhân của mình. Ngay từ đầu mùa chay, thứ tư Lễ Tro, Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”. Đối với Chúa Giêsu, bước vào xã hội loài người là khởi đi không phải do ý muốn của con người, nhưng là khỏi đi từ ý muốn của một Đấng khác mà Ngài gọi là Cha.
"Ra lệnh những viên đá này biến thành bánh ". Chúa Giêsu không từ chối bánh, Ngài chờ đợi bánh từ một Đấng khác. "Khi anh em cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha chúng con…Xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”
“Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”! Chúng ta ăn năn sám hối không có nghĩa là "phá vỡ sự mong đợi hoặc ước muốn của chúng ta. Chìa khóa hạnh phúc không nằm ở chúng ta. Ý muốn của chúng ta không phải là nguồn hạnh phúc. Nguồn hạnh phúc nằm trong ý muốn của Chúa Cha.
Bẻ cong thế giới này theo tính háu đói của mình. Ra lệnh những hòn đá này biến thành bánh. Làm cho thế giới xoay quanh mình. Chúa Giêsu từ chối những kiểu đề nghị như thế!. Thay vì nắm giữ những gì mình có thể rút ra từ thế giới này, Chúa Giêsu đón nhận những gì Chúa Cha ban cho con người….Ngài nhận được hạnh phúc mà Kinh thánh đã nói từ những trang đầu tiên: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được hạnh phúc”!.
Trong sa mạc. Chúa Giêsu đối mặt với sự dữ rình chờ: sự dữ của sự cô đơn. Cô đơn bước vào đời sống công khai cũng như khi sắp sửa phải xa rời các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn. Cô đơn vào giờ phút cuối cùng còn khủng khiếp hơn nhiều so với sự cô đơn trong sa mạc. Trong vườn Cây Dầu, chiến đấu với sự dữ mang một diện mạo mới. Từ bỏ ý muốn cá nhân chính là đón nhận một lần nữa. Điều phải đón nhận là khó nuốt trôi: "Lạy Cha, nếu có thể, xin hãy cất chén đắng này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”.
Sau đó, những người lính đến bắt Ngài. Ngài chấp nhận là người bị trao nộp và trao ban.: Đó là người bị trao nộp, và cũng là người được trao ban.. Ngài hoàn thành những gì sa mạc báo trước. "Ra lệnh những viên đá này biến thành bánh! ". Sự từ chối của Chúa Giêsu báo trước giờ của Vườn Cây Dầu.. Chúa Giêsu không biến đá thành bánh. Chính Ngài đã trở thành bánh trao cho các môn đệ của mình.
- Satan nói với Chúa trong cơn cám dỗ đầu tiên: “Hãy nắm lấy thế giới và lấp đầy cơn đói của Ngài”
- Chúa Giêsu nói khi giờ của Ngài đến: "Hãy cấm lấy mà ăn”. Sau đó, chắc chắn Ngài bị trao nộp trong tay con người. Trống rỗng chính mình: "Hãy cầm lấy mà ăn”. Này là thân thể bị trao nộp trên thập giá. “Hãy cầm lấy mà uống”. Này là sự sống đổ ra cho thế giới được sống lại.
Hãy trở về! Hãy mưu cầu Hạnh Phúc! Thiên Chúa mà chúng ta tin là Thiên Chúa các mối phúc. Ngài muốn thế giới vui mừng, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên Ngài gọi vào cuộc sống. Nhưng vì con người không biết làm thế nào để nhận lại, Thiên Chúa tiếp tục nhân đôi món quà của chính mình trong Chúa Giêsu:
- Trong Chúa Giêsu tái hiện ý muốn của Chúa Cha.
- Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được ban cho như là của ăn.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Nguy cơ đáng sợ nhất đời
Mt 4, 1 - 11
Đối với rất nhiều người trên thế giới, ma quỷ chỉ là chuyện hoang đường do một số người bịa ra để hù dọa những người yếu bóng vía. Họ cho rằng ma quỷ không có thật và cho dù có thật đi nữa, chúng cũng chẳng đáng cho ta quan tâm, chẳng cần cảnh giác.
Nghĩ như thế là mắc mưu ma quỷ rồi, vì theo lời Đức thánh Cha Phan-xi-cô, “Sa-tan cố tìm cách làm cho mọi người tin rằng chúng không còn tồn tại trong thế kỷ này” để người ta khỏi biết đến chúng và mất cảnh giác với chúng.
Ma quỷ có thật
Kinh thánh cho chúng ta biết sự hiện hữu của ma quỷ là một sự thật hiển nhiên.
Ngay từ khi nguyên tổ loài người được tạo nên, ma quỷ đã xuất hiện để cám dỗ, để lôi kéo tổ tông loài người đừng vâng theo lời Chúa dạy, đừng đi theo đường lối Ngài và hai ông bà đã nghe theo lời dụ dỗ của Sa-tan. Thế là thảm họa đã xảy ra từ đó.
Rồi khi Chúa Giê-su vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cũng đến cám dỗ Ngài, không chỉ một lần mà là đến 3 lần và sau 3 lần thua trận, “ma quỷ rút lui để chờ cơ hội khác” (Lc 4,13).
Và trong 3 năm rao giảng, Chúa Giê-su đã nhiều lần trục xuất ma quỷ khỏi nhiều người bị chúng ám hại và Ngài cũng ban cho các môn đệ quyền năng để xua trừ ma quỷ.
Gần với thời đại chúng ta hơn thì phải kể đến việc ma quỷ đã quấy phá cha thánh Gioan Vianney suốt 35 năm trời bằng đủ mọi hình thức đáng ghê sợ khiến ngài hầu như không thể nào ngủ được. Sự việc này đã được tòa án tuyên thánh cho ngài xác nhận là sự thật.
Thánh Phê-rô cũng xác nhận rằng ma quỷ vẫn đang rình rập quanh ta và dạy chúng ta phải cảnh giác: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Và từ ngày Đức thánh Cha Phanxicô đảm nhậm trọng trách Giáo hoàng đến nay, ngài đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu rằng ma quỷ có thật, ma quỷ luôn hiện diện quanh ta và chúng ta phải luôn cảnh giác với chúng. Ngài nói: "Ma quỷ đang ở quanh ta … trong thế kỷ 21 này!" Ngài kêu gọi: Xin mọi người “đừng thờ ơ trong việc này! Hãy luôn luôn cảnh giác.”
Ma quỷ rất đáng sợ
Chính ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa Ít-ca-ri-ốt ý định phản nộp Chúa Giê-su[1] cũng như đã nhập vào y để thúc đẩy y thực hiện hành vi bán Chúa.[2]
Chúa Giê-su cũng khẳng định rằng điều xấu là do ác quỷ mà ra.[3]
Hiện nay, ma quỷ có một đạo binh rất đông đảo, rất hùng hậu, rất tinh nhuệ và rất thiện chiến… đang bủa ra khắp nơi để tấn công loài người, tàn phá những giá trị đạo đức, làm suy sụp nền luân lý lành mạnh, làm cho rất nhiều gia đình tan vỡ…
Ma quỷ lôi kéo rất nhiều người vào con đường tội lỗi, sa đọa vì rượu bia, ma túy, mại dâm, đàng điếm, trộm cướp, hận thù, đâm chém, hoang đàng, trác táng…
Ma quỷ xúi giục người ta tham ô, làm hàng giả, sản xuất thực phẩm độc hại, buôn bán ma túy, buôn người…
Ngay cả Chúa Giê-su mà còn bị ma quỷ cám dỗ 3 lần trong hoang địa và sau đó ma quỷ còn chờ cơ hội để cám dỗ tiếp, thì ma quỷ cũng không buông tha cho bất cứ ai trong chúng ta.
Ma quỷ là thù địch đáng sợ hơn bất cứ thù địch nào trên thế gian vì chúng có trăm phương nghìn kế để lừa dối, để mê hoặc, để lôi cuốn người ta vào con đường tội lỗi.
Vô vàn phim ảnh, sách báo, các thể loại ca múa nhạc và văn hóa phẩm đủ loại nhằm kích động bạo lực, tình dục, chia rẽ, hận thù… tràn lan khắp nơi trên thế giới là những phương tiện ma quỷ thường dùng để làm băng hoại bao tâm hồn và xô đẩy nhiều người xuống hỏa ngục.
Trong khi đó, điều rất đáng quan ngại là nhiều người không hề quan tâm, không hề cảnh giác trước những nguy cơ rất đáng sợ này.
Chính vì thế, Đức thánh Cha Phan-xi-cô đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu phải luôn luôn cảnh giác đối với ma quỷ và ngăn ngừa những tác hại do chúng gây ra.
Và thánh Phê-rô cũng nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Lạy Chúa Giê-su,
Ma quỷ thì khôn ngoan xảo quyệt, chúng như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, còn chúng con chẳng khác gì cừu non trước đàn sói dữ, khó lòng thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù nếu không được Chúa bảo vệ chở che.
Xin luôn bảo vệ chúng con, xin giúp chúng con luôn sống tiết độ và tỉnh thức như lời Chúa dạy để khỏi sa vào móng vuốt kẻ thù rất đáng sợ này. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 3
Tỉnh Thức và Cầu Nguyện
Câu hỏi:
Nếu Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa, tại sao Satan còn cố cám dỗ Người? Chẳng lẽ nó không biết là Thiên Chúa thì không thể phạm tội?
Trả lời:
Đúng thế, Satan biết, thế nên nó đã cố cám dỗ Người. Nếu Đức Giêsu không vượt thắng được cám dỗ, ma quỷ sẽ biết được là Người thực chẳng phải là Đấng Mêsia.
Hãy nhớ rằng, ma quỷ không phải là Thiên Chúa. Nó không toàn tri hay bất khả ngộ, nên nó không biết được mọi sự. Nó có thể sai lầm. Như thánh Tôma Aquinô diễn giải: “Nơi ma quỷ, ý muốn gian manh tách trí khôn ra khỏi sự thông tuệ của Thiên Chúa, nên đôi khi chúng phán đoán về các vật một cách tuyệt đối, theo tình trạng tự nhiên. Trong lãnh vực tự nhiên, chúng không sai lầm. Nhưng trong những điều thuộc lãnh vực siêu nhiên, chúng có thể sai lầm, thí dụ khi thấy một người đã chết, nó nghĩ là người ấy sẽ không sống lại; hay khi thấy con người Giêsu, nó đoán Ngài không phải là Thiên Chúa” (ST I:58:5). Vì thế, để xác minh Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, ma quỷ cần phải thử. (Minh Đăng dịch từ: catholicsay.com).
Câu chuyện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11) được đặt trong Tin mừng Matthêu ngay sau sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (3,13-17). Sau khi chịu phép rửa tại sông Gioađan, Đức Giêsu đã được tiếng từ trời tuyên bố là “Con Thiên Chúa”. Satan xúi Đức Giêsu lợi dụng quền năng siêu nhiên của tư cách là Con Thiên Chúa của Người để làm một phép lạ có lợi cho nó. Một cách tinh vi và nham hiểm hơn, chữ “nếu” cũng có thể có nghĩa là “Có phải ông là…”. Satan cố ý làm cho Đức Giêsu hoài nghi về lời tuyên bố lúc Người lãnh nhận phép rửa: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Nó xúi giục Đức Giêsu làm một phép lạ để “chứng minh” lời nói ấy thực sự đến từ Thiên Chúa.
Thông qua ba cơn cám dỗ, Satan chỉ có một mục đích chia rẽ Đức Giêsu với Thiên Chúa và kiểm chứng danh hiệu Con Thiên Chúa, bắt nguồn từ chính niềm tin vào Lời của Chúa Cha.
Trong hoang địa, Đức Giêsu chỉ chuyên lo sống mật thiết trọn vẹn trong tình cha con với Thiên Chúa. Trong những giờ phút linh thiêng nhất đó, quỷ dữ đã mò tới tấn công mãnh liệt để phá vỡ mối tình thắm thiết giữa Người và Thiên Chúa, như nó đã phá vỡ cuộc sống thân thiết giữa Ađam và Thiên Chúa. Qua 3 cơn cám dỗ, ta thấy Satan rất xảo quyệt.
Cám dỗ thứ nhất: Satan thách đố Đức Giêsu biến sỏi đá thành cơm bánh ăn: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho đá nầy trở thành bánh đi!”. Ý đồ của Satan là xúi Chúa Giêsu vận dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài để phục vụ bản thân mình trước đã. Nhưng Đức Giêsu đã từ chối. Ngài là Con Thiên Chúa không phải để phục vụ bản thân mình, nhưng để làm công việc Thiên Chúa trao cho Ngài. Ngài đến để phục vụ và làm theo ý Đấng đã sai Ngài.
Cám dỗ thứ hai: Satan xúi Đức Giêsu thử thách quyền năng Thiên Chúa; vận dụng quyền năng Thiên Chúa để mở một con đường tắt mà hoà thành sứ mạng; nếu Chúa Giêsu nhảy từ đỉnh cao của đền thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người sẽ theo Ngài. Đức Giêsu không theo đường tắt Satan đề nghị. “Ngài hạ mình vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá” để thực hiện công cuộc của Chúa Cha. Ngài mời gọi ai muốn theo Ngài thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà đi theo Ngài.
Cám dỗ thứ ba: Satan hứa sẽ trao cho Đức Giêsu mọi quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên trần gian nầy, nếu Đức Giêsu chịu thờ lạy nó. Cái “xạo” của Satan là ở chỗ nó cho rằng nó là bá chủ mọi vương quốc trần gian và có quyền ban quyền lực và vinh quang cho Đức Giêsu. Satan muốn Đức Giêsu nhìn nhận rằng: chỉ có quyền lực và vinh quang của mọi vương quốc trên trần gian này là đáng quý. Đức Giêsu muốn được hưởng thì cứ thờ lạy là xong ngay. Để trả lời Satan, Đức Giêsu phán: “Mi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của mi, và mi chỉ phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” Đnl 6,13). Quyền lực và vinh quang trên trần gian không phải là tất cả. Chỉ có Thiên Chúa mới đáng thờ lạy, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền lực và vinh quang thật để ban cho Ngài.
Đức Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng quyền năng Thánh Thần, bằng sức mạnh Lời Chúa, bằng đời sống chay tịnh cầu nguyện và luôn tín thác vào Chúa Cha.
Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Đức Giêsu không đi vào hoang địa một mình mà đi cùng với Chúa Thánh Thần.
- “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)
- “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).
- “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).
Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Đây là một hành động hết sức khó hiểu và nghịch lý. Vì Thánh Thần sao lại có thể làm như thế cho Chúa Giêsu? Thế nhưng, cũng qua việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, mỗi khi chúng ta bị ma quỷ cám dỗ cũng có thể nói được là “Thánh Thần đã dẫn chúng ta đến chỗ để bị cám dỗ”, để qua đó, chúng ta có thể tránh khỏi sa chước cám dỗ.
Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Đức Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Ngài đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Đức Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Đức Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Đức Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Gương của Đức Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Đức Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chời đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện nó sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đàng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ quỷ chờ đợi chính là lúc Đức Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn.
Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Đức Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ, để ám chỉ Satan. Ngài viết: “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 3,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 4 Xin Ơn Chúa giúp để chống trả Tên Cám Dỗ (Mt 4, 1-11) Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay Thánh. Phúc âm trình bày cho chúng ta một cuộc chiến đấu làm theo ý Chúa Cha hay là theo ý của Satan. Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu Satan cám dỗ.
Satan lợi dụng thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mt 4,1-11).
Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.
Satan là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Có người không tin có Satan, họ cho rằng, Satan là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người hoặc là sự dữ trừu tượng pha trộn trong con người và thế giới. Không!
Kinh thánh nói nhiều lần về Satan như một hữu thể cụ thể và có thực. Hắn là một thiên thần sa ngã. Chúa Giêsu khẳng định khi nói: "Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá" (Ga 8,44). Thánh Phêrô ví ma quỉ như con sử tử gầm thét: "Đối thủ của anh em là ma quỉ như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai" (1Pr 5,8). Và Chân phước Phaolô VI, Giáo hoàng dạy chúng ta: "Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi. Chúng ta biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục hành động".
Nó làm thế nào? Thưa, nó nói dối, lừa dối chúng ta. Baudelaire viết: "Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu". Nó nói dối chúng ta thế nào?
Hắn trình bày hành động xấu như thể là tốt, hắn thúc giục chúng ta làm điều xấu, hắn gợi lên những lý do để biện minh cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi lừa dối chúng ta rồi, hắn làm cho chúng ta lo lắng và buồn bã. Hỏi chúng ta có bao giờ cảm thấy điều đó không?
Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết ; sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào ? Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì ?
Chúa Giêsu là con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách mà Người phải đương đầu, những cám dỗ Người phải chịu, cũng là những thử thách, những cám dỗ của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy là cám dỗ về vật chất tư lợi, uy quyền danh vọng, và về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.
Của cải vật chất là một cám dỗ lớn, mãnh liệt, không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị bậc vị vọng ở nơi nhà thờ. Tự bản chất, vật cất không xấu ; xã hội phải làm ra của cải thì mới tồn tại và phát triển được; con người phải có điều kiện vật chất tối thiểu mới có thể sống. Nhưng tiền là một người đầy tớ tốt, và là một ông chủ xấu. Biết sử dùng và làm chủ của cải, chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả những việc ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi nô lệ của cải, để của cải làm chủ, nó sẽ hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cho mẹ con cái, cho đến những giá trì về công bằng xã hội, về đạo đức và tôn giáo.
Danh vọng là một cám dỗ cũng mạnh không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần ; có danh dự thì mới có thể sống vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác ; danh vọng thường phát xuất từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giầu có, hoặc từ sự thành công được nhiều người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức, chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi đát nhất.
Cám dỗ thứ ba là quyền lực. Ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người khác, điều khiển người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan ; nên Người được các thánh Giáo phụ gọi là Ađam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ Phép rửa, được kêu mời sống ơn gọi đó.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đập vỡ đầu con rắn độc ác, giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ mỗi ngày và sống Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=====================
Suy niệm 5
Chúa Chiến Thắng Cám Dỗ
St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại sông Giođan, rồi được đầy Thánh Thần, Chúa vào hoang địa để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ thân phận con người. Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì. Qua thời gian hơn tháng trời, với sức chịu đựng của phận người, Người rất đói. Lợi dụng lúc Người đang bị cơn đói hoành hành, quỷ tấn công mời mọc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4, 3). Nhưng không, cả lời thử thách mời mọc và cơn đói dữ dội không thể làm Người lung lay, Người đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (Mt 4,4). Cám dỗ này chỉ đúng một nửa. Ngày nay con người thường rơi vào cơn cám dỗ rằng cứ có tiền là giải quyết được hết mọi sự.
Tên quỷ bị thua Người chuyện ăn uống, hắn bày quẻ khác, còn dám “đặt” Người trên nóc Đền Thờ, rồi đem Kinh Thánh ra để thách thức Chúa về chuyện kiêu ngạo: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn phải vấp chân vào đá.” (Mt 4, 5-6). Nhưng Chúa đã nghiêm giọng với hắn: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4, 7). Trong thời đại kỹ thuật tân tiến hôm nay, đây là cơn cám dỗ cho thời đại khi chúng con nghĩ rằng nhờ kỹ thuật sẽ giả quyết được hết, kỹ thuật làm cho cuộc sống phong phú, nhưng chỉ đúng một nửa. Bởi nó có thể làm cho người ta xa nhau hơn.
Hai lần thua như vậy mà hắn vẫn không chịu, lại đem Người lên nơi cao, cho xem tất cả các nước và cám dỗ Người về quyền hành danh lợi: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (Mt 4, 9). Ơ hay! Chắc hắn chưa biết Người là Thiên Chúa, nên mới dám lừa gạt để Người mắc bẫy về chuyện lợi danh. Đức Giêsu đáp lại minh nhiên như một Thiên Chúa đang nói với thụ tạo: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Mt 4, 10b). Đây là cơn cám dỗ đúng một nửa sự thật, đó là cứ có quyền lực là giải quyết được hết.
Tên quỷ đã xoay hết cách, chiến thuật để cám dỗ Chúa, cả ba lần tấn công đều bị thua trắng. Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh. Trước những cám dỗ ngọt ngào mời mọc, có thể thua lần đầu chúng con sợ hãi, lần sau ngã sa cũng áy náy bất an, rồi lần nữa không thấy sao và sẽ trở nên chai lỳ, ra mất ý thức về tội lỗi, thật là nguy nan.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, chúng con sống gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con sẽ cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết”. Amen.
Én Nhỏ