Thứ hai, 25/11/2024

Suy niệm Chúa nhật 19 TNB

Cập nhật lúc 23:00 05/08/2015
"Nếu Người rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về với tro bụi của mình". Tình yêu Thiên Chúa nối kết chúng ta hiệp nhất mật thiết với Người và với Con của Người là Đức Giêsu Kitô.
Chúa nhật 19 TNB
(Ga 6, 41 – 52)
 
Bài 1:
 
"Tôi là bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời"

----------------------------
Đời người là một cuộc hành trình tiến về nhà Chúa. Nói đúng hơn, Chúa luôn luôn lôi kéo chúng ta về với Người. Sự tốt lành vô biên của Đấng Tạo Hoá không bao giờ bỏ rơi tạo vật mà Người đã dựng nên: "Nếu Người rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về với tro bụi của mình". Tình yêu Thiên Chúa nối kết chúng ta hiệp nhất mật thiết với Người và với Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Khi tiến về cuối chặng đường, chúng ta sẽ tìm được chỗ nghỉ ngơi tròn đầy.
Tuy nhiên, cuộc hành trình tiến về nhà Chúa luôn tiếp nối nhau bằng nhiều chặng đường. Những chặng đường đó có thể làm chúng ta mệt sức và đói khát. Khi ấy, chúng ta dễ bị cám dỗ thất vọng và chán nản như Êlia trong bài đọc 1:
Êlia, một tiên tri nổi danh thời Cựu Ước. Ông cảm thấy cô đơn và mệt mỏi, bởi vì nhìn xung quanh, ông thấy dân chúng, dân của Thiên Chúa, càng ngày càng đi sâu vào vòng tội lỗi. Chỉ còn lại một mình ông, lẻ loi và trơ trọi ! Hơn thế nữa, mụ đàn bà độc ác dữ tợn Giêdabel, vợ vua Acab cứ làm mưa làm gió, đe doạ tính mạng ông. Tình thế càng thê thảm ! Buồn sầu, ông lên đường đi vào sa mạc, vừa đi vừa than thở: "Lạy Chúa đã đủ rồi, xin cất mạng sống tôi đi, vì tôi chẳng hơn gì các tổ phụ tôi". Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Chúa để cho ông ngủ một giấc ngủ dài. Đối với một người tông đồ thần kinh đang căng thẳng, tốt nhất là được một giấc ngủ. Sau một giấc ngủ khá thoải mái, ông được Chúa đánh thức dậy và dọn sẵn cho một bữa ăn: "Hãy chỗi dâỵ mà ăn, vì đường ngươi phải đi còn xa". Ông trỗi dậy ăn uống và nhờ của ăn đó, ông tiếp tục lên núi Horeb, nơi mà Môisê đã gặp gỡ Chúa và trở về với bộ mặt sáng chói.
Thật vậy, con đường sống đạo của chúng ta cũng thế, cũng tiếp tục những chặng đường gian nan đầy thử thách. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, trừ khi chúng ta cố tình bỏ Người và không thèm quay lại với Người. Trước khi chúng ta đi tìm Người, thì Người đã đi tìm chúng ta trước. Người ban của ăn để chúng ta tiếp tục cuộc hành trình và còn ban cho chúng ta tinh thần mới, quả tim mới. Bài đáp ca hôm nay chúng ta vừa nghe hát nói lên tâm tình đó:
 
Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.
Lạy Chúa con kêu cầu Chúa, Chúa đã nhận lời con
và đã cứu con khỏi mọi điều lo sợ".
"Ta là bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời"
Chúa Kitô đã trở nên bánh hằng sống, bánh nuôi dưỡng giống như cơm bánh chúng ta ăn hàng ngày. Như Manna trong rừng vắng nuôi dân Do thái tiến về đất hứa, bánh Thánh Thể cũng dẫn đưa chúng ta về Đất Hứa, nhưng là Đất Hứa của cuộc sống vĩnh hằng: "Cha ông các ngươi đã ăn Manna và đã chết. Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Bánh Thánh Thể còn là của ăn biến đổi. Có nghĩa là, sau khi tiếp rước Thánh Thể Chúa Kitô, chúng ta phải trở nên giống Người. Khi Thánh Thể Chúa thấm nhuần trong chúng ta, chúng ta cũng có thể nói được như Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Liệu mỗi người có ý thức rằng mình đang đói, đang khát khao, đang ngong ngóng đợi chờ hạnh phúc, đợi chờ tình yêu Chúa không ? Hay là đi lễ chỉ vì lợi lộc vật chât, vì của ăn chóng qua. Hoặc đi lễ chẳng nhằm mục đích gì, thấy người ta đi thì mình cũng đi?
Muốn ăn bánh Thánh Thể để đạt tới cuộc sống hạnh phúc, trước hết phải loại trừ "mọi thứ tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa cùng mọi thứ độc ác". Mỗi khi đón rước Thánh Thể Chúa, chúng ta đi vào cuộc sống trao ban chính mình cho đến chết: Chúng ta cũng phải trở nên của ăn nuôi dưỡng anh chị em chúng ta, đó là: "ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau.... Hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và tế lễ thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa chúng ta".
Kính thưa,
Tháng giêng năm 2002, nhân dịp cha giám quản Giáo phận nhà sang Rôma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Sau đó tôi cũng dẫn ngài sang Pháp và đến chầu Mình Thánh tại nhà thờ Trái Tim Chúa trên ngọn đồi Mont-Marthe ở Paris, thủ đô nước Pháp. Buổi chầu Thánh Thể hôm đó, chúng tôi gặp nhiều nhà bác học, giới trí thức và các bạn trẻ sinh viên cũng đến chầu ở đây. Tháng nhìn gương mặt họ, tôi cảm nhận như họ đã nghe và sờ thấy tình yêu Chúa. Họ sống trong Chúa và Chúa sống trong họ. Họ không nói một lời và Chúa cũng chẳng nói gì với họ, nhưng họ nói với Chúa và Chúa nói với họ bằng tất cả con tim.
Nhìn gương mặt họ, tôi liên tưởng đến giới trí thức, sinh viên và các bạn trẻ tại quê hương mình và chỉ biết thầm nguyện xin:
"Lạy Chúa, xin ban cho các bạn trẻ Việt Nam chúng con ơn biết đói Thánh Thể Chúa, biết đói tình yêu Chúa để cuộc đời họ có tình yêu Chúa làm tiêu chuẩn cho các giá trị tình yêu khác. Xin cho họ biết đói Chúa Kitô để họ nhận ra đạo Kitô giáo mà họ theo, không phải là một ý thức hệ hay gia sản cha ông để lại, nhưng là tình yêu đáp trả tình yêu, tình yêu say đắm tình yêu Chúa". Amen.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
Sẽ Trường Sinh Nếu Ăn Bánh Giêsu
 
Ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, con người ở mọi nơi mọi thời vẫn hằng khao khát sống sống trường sinh bất lão. Vì khát khao vậy, nên người ta ra công tìm mọi cách để kéo dài sự sống bao nhiêu có thể. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một thứ lương thực trường tồn là chính Chúa: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51). 
Bánh trong sa mạc
Trên hành trình về Đất Hứa, qua sa mạc Sin, giữa Êlim và Sinai, dân Israel nổi loạn kêu trách Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để vào đây phải chết đói (x. Xh 16,3). Môsê đã xinThiên Chúa ban cho Manna từ trời xuống làm của ăn dòng dã 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ).
Đến lượt Êlia, người Tisbê, ở Galaad, sứ ngôn của Thiên Chúa, trong thời kỳ hạn hán không có mưa, có sương, Thiên Chúa đã dùng quạ ở thung lũng Cơrít và bà góa thành Xarépta nuôi ông (x. 1V 17, 1-15). Và trong cuộc hành trình đến núi Horeb của Thiên Chúa, ngài đã dùng chính Thiên Thần mang bánh đến cho ông ăn, nhờ “sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa”(1V 19, 8). 
Cho dù là Manna từ trời xuống nuôi dân Israel trong sa mạc, hay bánh Thiên Thần mang đến cho Êlia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ nuôi sống con người cách rất tạm bợ, kẻ ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta bánh bởi trời xuống là chính Chúa, Người đến làm no thỏa cái đói tinh thần con người, ai ăn chính Người sẽ khỏi đói muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời.
Bánh Giêsu
Thật không phải dễ để giúp những người Do thái thời Chúa Giêsu đón nhận Chúa là Bánh Hằng Sống, thứ bánh họ cần thiết phải kiếm tìm, và ăn không phải nhằm thỏa mãn thể lý trong một thời gian, nhưng còn để sống vĩnh viễn. Chính vì thế, từ phép lạ hóa bánh ra nhiều làm thỏa mãn cái đói thể xác của họ một cách lạ lùng, Người chuẩn bị họ đón nhận lời loan báo, Người chính là bánh từ trời xuống (x. Ga 6,41) làm thỏa mãn một cách vĩnh viễn :“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).
Trong hành trình dài nơi sa mạc, toàn dân Do thái đã sống kinh nghiệm Manna, bánh từ trời xuống dưỡng nuôi họ cho tới khi vào đất hứa.Thật đáng ngưỡng mộ Thiên Chúa đã làm mưa Manna từ trời xuống mỗi ngày cho cha ông chúng họ ăn no thỏa thích. Đó là lý do tại sao người ta nói: “Bánh Thiên Thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77,25). Tuy nhiên, những người ăn bánh này trong sa mạc đều đã chết. Nay, Chúa Giêsu là bánh đích thực do Thiên Chúa Cha ban xuống từ trời, ai ăn sẽ khỏi phải chết muôn đời, bánh đó chính là thân mình Chúa Giêsu, Người quả quyết: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”(Ga 6, 51). Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là hồng ân bởi trời, là chính Chúa ngự trên các tầng trời, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở cung lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, dẫn con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thất bại, gặp phải điều cấm kỵ trong dân Israel khi tuyên bố :“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Người dẫn chứng: “Cha ông các ngươi đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết”, khiến họ kêu trách: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống”(Ga 6, 42). Họ không vượt qua được các nguồn gốc trần gian,và vì thế họ khước từ tiếp nhận Chúa Giêsu như Lời nhập thể của Thiên Chúa. Và như một hệ quả, họ đã mang án tử để đi vào cõi chết vì không tin.Họ còn quá xa bánh bởi trời và không cảm thấy đói bánh ấy.
Phần chúng ta giờ này đây phải tự hỏi xem chúng ta có thật sự tin Chúa là bánh hằng sống, có cảm thấy đói Lời Chúa, đói bánh Giêsu không?Nếu chúng ta cảm thấy đói thực sự, chúng ta hay tin vào Chúa và để Thiên Chúa lôi kéo. Vì chỉ có ai được Thiên Chúa Cha lôi kéo, chỉ có ai lắng nghe Người và để cho Người dậy dỗ, mới có thể tin nơi Chúa Giêsu, găp gỡ Người và nuôi dưỡng mình bởi Người, và như thế tìm ra sự sống thật, tìm ra con đường sự sống, công lý, sự thật và tình yêu. Vì thật ra, ai ăn bánh hằng sống thì tin nơi Chúa, và ai tin thì ăn và trong một cách vô hình họ được no thỏa.
Ngày hôm nay, qua bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy đến để đón nhận bánh ban sự sống, bánh bởi Trời đích thực là chính thân mình Người: “Đây là Mình Thầy”; “Đây là Máu Thầy”; “Ai tin và đón nhận sẽ được sống muôn đời”.
Xin cho mỗi người chúng ta có lòng tin yêu Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, để qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được sống trường sinh. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Bài 3:


 
ĐỨC GIÊSU LỜI HẰNG SỐNG CỦA THIÊN CHÚA
 
   Khi suy gẫm Tin Mừng, chúng ta phải đặt mình vào vị trí những người mà Đức Giêsu gặp gỡ: người mù được Chúa chữa lành, chính là bạn, là tôi mà Ngài đang muốn làm cho sáng mắt; người bệnh cùi đến gặp Ngài, chính là bạn, là tôi mà Ngài muốn làm cho lành sạch và lại có được niềm vui sống; ông Giakêu, người đã đón tiếp Chúa vào nhà và tái khám phá ơn tha thứ cùng niềm vui được chia sẻ của cải cũng chính là mỗi một người trong chúng ta. “Anh em là muối cho đời, đừng để cho mình ra phai nhạt!  Anh em là ánh sáng cho trần gian đừng co rúm người lai ! Hãy trở nên nhân chứng của Thầy, bất cứ nơi đâu anh em đi qua...”
   Đức Giêsu đang nói như vậy với chúng ta là những môn đệ của Ngài  ngày hôm nay và không phải chỉ đơn giản chúng ta cần để cho Lời của Ngài nuôi dưỡng, nhưng cả các thái độ của Ngài, cách hành xử của Ngài, toàn bộ cuộc đời Ngài, bởi Ngài là Ngôi Lời, là Lời hằng sống của Thiên Chúa. Qua hành vi cử chỉ của mình, Ngài mạc khải Chúa Cha cho chúng ta và nói cho chúng ta hay những ý định của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay: “Ta là bánh hằng sống”, thì trước tiên chinh là Ngai đang nuôi dưỡng chúng ta băng Lời và cách sống của Ngài (Bernard Prévost).
   Một ngôn sứ dũng cảm như Êlia trên núi Các men cũng có lúc chán nản thất vọng, chỉ muôn xin được chết. Giữa sa mạc, Êlia năm ngủ dưới gốc cây. Ông không còn dủ sức tiếp tục cuộc hành trình. Một thiên thần đã đem dến cho ông bánh và nước, nhờ đó ông có sức đi đến núi của Thiên Chúa. Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời với bao thách đố, ngờ vực hiểm nguy...chúng ta cần được dương nuôi nâng đỡ để có sức đi hết cuộc hành trình về quê thật. Có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho ta không ? Có thứ manna nào từ trời rơi xuống ? Thiên Chua Cha muốn ban cho ta tấm bánh từ trời, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Đức Giêsu là tấm bánh Cha ban cho nhân loại, và chính Ngài cũng muốn tặng bản thân mình cho ta.: “Tôi là Bánh trường sinh. Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống”.
   Khi nói đến Bánh hằng sống,Bánh trường sinh chúng ta thường nghĩ ngay đến bí tích Thánh Thể, và ít khi nghĩ đến Tấm Bánh Lời Chúa. Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa, trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực cần thiết cho tín hữu. Công đồng Vaticanô II khẳng định rằng khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong phụng vụ thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Ngài vì chính Ngài nói khi ta đọc Kinh thánh trong Giáo hội “Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ. (PV.33 ) Ngài vẫn trao cho ta tấm Bánh là Lời của Ngài. Con người sông đâu chỉ nhờ cơm bánh vật chất, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Đức Giêsu la Lời (viết hoa) của Thiên Chúa. “Thầy có những lời ban sự sông đời đời.”
   Đọc Kinh thánh, Lời Chúa, không hề dễ dàng chút nào. Cuốn Tân Ước ta cầm trên tay là một bản văn cổ, thuộc nền văn hóa xứ Palettin cách đây hơn hai ngàn năm, phải học hỏi, đào sâu mới hiểu đúng, hiểu đủ. Áp dụng Lời Chúa quả là khó khăn, vì là một mời gọi tôi ra khỏi chính mình, lời mời gọi hy sinh đến triệt để, bỏ lại những tính toán có thể là khôn ngoan và hợp lý. Tiếng Chúa thấm vào cõi lòng tôi ở đây, bây giờ và mời tôi dấn thân vào một cuộc mạo hiểm. Nhưng Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon nếu tôi biết lăng nghe và đem ra thực hành. Sống Lời Chúa tôi gặp được ánh sáng và sức mạnh, được hiệp thông với con người của Đức Giêsu. Hãy tận hưởng Tấm bánh Chúa trao cho bạn và hãy chia sẻ cho nhau kho tàng Lời Chúa.
   Trong cuộc đời tín hữu chúng ta có nhẽ cũng đã hơn một lần Lời Chúa thấm sâu vào tâm can chúng  ta, đốt cháy lòng chúng ta, rung đông trái tim chúng ta, làm chúng ta nên sốt sắng muốn cho tất, hy sinh tất cả cho Chúa. Nhưng rồi nó chỉ thoảng qua giây lát vì mảnh đất ươm giống Lời Chúa không sạch, không sâu, không được tưới bằng ơn Thánh Thần, nên khi nắng hè chói chang gay gắt sớm làm cho lụi tàn, rồi đi vào quên lãng.
   Ôi ! đường xa quá, Ô- rếp cao, con hết hơi rồi, con thật hết hơi rồi, Chúa ơi, con thật hết hơi rồi, con tìm đâu lương nước, để có sức đi hết đoan đường đời Chúa muốn con đi. Con trông cậy vào Thánh Thể Chúa. xin Chúa đỡ nâng con, yên ủi con giúp con nên vững vàng trong tinh yêu của Lòng thương xót Chúa.
    Ông Êlia cho chúng ta thấy một quãng đời tuyệt đẹp, tràn đầy chân thật và vâng phục. Không do dự để nói lên sự  thất vọng của mình, ông liền trốn chạy, đụng phải cái tột cùng của cuộc sống, nhưng ông vẫn không chấm dứt cuộc đối thoại cá nhân với Thiên Chúa. Sự phó thác của ông lại là một cách để ông đặt mình vào bàn tay của Đức Chúa. Chúng ta chiêm ngưỡng nhất là sự đơn sơ của Thiên Chúa, lòng nhân hậu của Người đối với ông Êlia, cho đến từng chi tiết, cho đến cả mùi thơm của “miếng bánh nướng trên than hồng”...
     Sau khi sống lại, vào một buổi sáng, trên bờ hồ, Đức Kitô cũng đưa ra một cử chỉ tương tự. Người chờ đợi các môn đệ với những con cá nướng trên than hồng, rồi gọi họ ra khỏi nỗi sợ hãi. Đúng, những miếng bánh đó và bình nước đó là những dấu chỉ của sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa, làm chúng ta đứng dậy và tiến bước trên đường đời. Khi chúng ta bị cám dỗ chạy trốn khỏi sứ mạng, bị thất vọng, thậm chí bị chết, nếu chúng ta tiếp tục sống dưới ánh mắt của Chúa và nói với Người, Người sẽ chăm lo cho, ngay cả trong từng chi tiết...để cho chúng ta sức mạnh mà tiến bước, bằng cách cho đi cái tốt nhất của mình. “Ta, Ta là Bánh Hằng sống, nếu ai ăn bánh này, nó sẽ được sống đời đời”, Đức Kitô nói trong Phúc Âm như thế, như một tiếng vang ngân lại từ thời kỳ “ sa mạc” của Êlia (Nữ tu Veronique Thíebaut).
     Pr. Nguyễn Mai
 
Bài 4:
 GIẤC MỘNG TRƯỜNG SINH
1V 19,4-8; Ep 4,30 - 5,2; Ga 6,41-52

Tần Thuỷ Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thời trước công nguyên, người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc (dài hơn 2000 dặm =3218 km. Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết, nghe các chiêm tinh kể về dân cư ở một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông khám phá ra bí quyết trường sinh, liền phái một tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường đi tìm các dân cư của hòn đảo ấy, hy vọng có thể dùng những báu vật để trao đổi lấy bí quyết trường sinh của họ…. Thế nhưng, Tần Thủy Hoàng cũng chết với giấc mộng sống đến muôn đời không bao giờ thực hiện được.
Phương Tây vào thế kỷ 16 sau khi Kha Luân Bố (Christophe Colomb) khám phá Mỹ Châu ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới có một ngọn suối trường sinh, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon… liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại thần tiên đó, nhưng đó cũng chỉ là giấc mộng hão huyền …
Chúa Giêsu trong diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum nói về cuộc sống vĩnh cửu trường sinh khi Ngài đã tuyên bố: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời“ (Ga 6,47), lời hứa của giao ước mới đem lại sự trường sinh bất tử. Ai Tin thì được Thiên Chúa cưu mang trong đời sống mới và được cứu.
Đức tin mà Đức Giêsu rao giảng là một hồng ân của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy.” (Ga 6,44). “Đức tin“ để nhận ra đức Giêsu là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa Cha sai đến, vượt trên mọi lý luận của con người. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết, hành trình đi đến với Đấng Cứu Thế, là một ân huệ của « Chúa Cha là Đấng sai Ta » . Chúa Cha « lôi kéo » và « giáo hóa » con tim con người: « Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta » (Ga 6,45).  Đức tin là một hồng ân nhưng không của Chúa Cha ban cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn, biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe và biết để cho Chúa Cha « lôi kéo » và « giáo hóa ». Người Pharisieu thông thái, tự hào, không chịu mở lòng ra đón nhận ơn lôi kéo và giáo hóa của Chúa Cha, nên họ không nhận ra và tin vào Chúa Kitô, chính Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha : "con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Lc 10,21).
 “Ai tin thì được sống đời đời”: Ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ không còn phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được Người ban cho sự sống đời đời, như thánh Phaolô với kinh nghiệm người được Đức tin chiếm hữu, đã quả quyết trong thư Rôma: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã (là Adam), mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (là Đức Giêsu), đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18). Đức Tin làm được mọi việc như Đức Kitô đã nói: « Ai có Đức Tin thì làm được mọi việc… » « Dù Đức Tin chỉ bằng hạt cải… » (x. Lc 17,5-6).
Tin thì được sống. Rải rác khắp trang Tin Mừng, nói về sức mạnh của Đức Tin : Người Phụ nữ bị băng huyết cả chục năm với đức tin được chữa khỏi, Như viên đại đội trưởng Rôma với Đức tin của ông đã khiến Chúa làm cho con gái ông sống lại (x. Mt 9,18 -26; Mc 5,21 -43 ; Lc 8,40.55). Người Phụ nữ dân ngoại Canaan có người con bệnh gần chết, dù Chúa thử thách bà, nhưng tâm hồn bà vẫn tin mạnh mẽ vào Ngài, và con bà được chữa lành. (x. Mt 15,21-28 ; Mc 7,24 -30), người bị bệnh phong cùi với lòng tin cũng được khỏi (Mt 8,1-4; Mc 1, 40 -45 ; Lc  5, 12-13 ; 17,11-19)... Người mù thành Giêricô với tất cả niềm tin kêu cầu Chúa và anh được sáng (Mt 20,29 -34; Mc 10,46 -52 ; Lc 18,35-44)…
Người tin Chúa Kitô, người để Chúa Cha lôi kéo và giáo hóa, nhưng tôi sống Tin thật sự, hay là tôi để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tôi tuyên xưng “Tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc lại hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà tôi có thể bất chấp tất cả, ghen ghét, hãm hại, chà đạp anh em bạn hữu để được những cái bánh to lợi lọc trần thế. Tâm tư của tôi của bạn như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ là cái bụng tức là mọi sự quyến rủ thấp kém của thế gian (x. Pl 3,19).  Vì thế người sống niềm tin theo lời khuyên dạy của Thánh Phaolô : "Anh em hãy loại ra khỏi anh em tính gay gắt, tức giận, nóng nảy, khoac lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác... Anh em hãy ăn ở hiền hậu, thương xót và tha thứ cho nhau." (Ep 5,31-32). Vâng, đó là sống Đức Tin sâu sắc, như Thánh Tông Đồ Giacôbê xác tín: « Đức tin không có việc làm là đức tin chết ». (Gc 2,17). Thật thế, người tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình, chắc chắn cuộc đời của họ, mọi lời nói việc làm, được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.
Tin vào Chúa Kitô, chứng nghiệm những gì mà Ngài đang rao giảng về Mình và Máu Ngài dâng hiến. Chính trong niềm tin đó, người tin hằng ngày được nuôi dưỡng bằng thịt uống máu của Ngài mang lại sự sống đời đời : « Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát » ( Ga 6,35 ). Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51 -52). Cho nên, Bí tích Thánh Thể là Bí tích của đức tin, vì chỉ có lòng tin là con đường duy nhất đưa ta đến bên, và với Bí tích mầu nhiệm thánh này. Cho nên, mỗi thánh lễ, sau truyền phép, khi thừa tác viên của Hội Thánh lập lại lời Chúa Giêsu: “Này là Mình Ta…, Này là Máu Ta…” bánh và rượu ngay lúc đó trở thành Mình Máu Chúa. Giáo Hội hoàn toàn xác tín: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Trong đức tin, sống kết hiệp với Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cuộc đời con người sẽ trở thành tràn ngập hồng ân, chính lúc đó, chúng ta mới cảm nghiệm được sấu sắc lời của Thánh Augustinô đã nói như sau: "Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin".
Thật chí lý khi Victor Hugo nói:
“Đức tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin”.
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 08/08/2015
 
.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log