Thứ sáu, 17/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 15 TNB

Cập nhật lúc 15:13 09/07/2015
WGPHH: Amos là người được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi, khi ông chăn bò, Chúa túm lấy ông, Chúa lôi ông đi. Dù không được đón tiếp, ông vẫn mạnh mẽ rao giảng chống lại sự bất công, nhất là tố cáo nhà vua và các kỳ mục đã xúc phạm đến Thiên Chúa khiến cho hành vi phụng tự của họ trở nên vô ích.
 
Bài 1:
“Người bắt đầu sai các ông đi” ( Mc 6,7-13)
--------------------
Phải chăng bài Phúc Âm hôm nay khó có thể giải thích được trong thời đại chúng ta, thời đại mà thế giới văn minh, phương tiện hiện đại và đầy đủ không thiếu gì, thế mà Chúa lại nói: đừng mang gì, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi và đừng mặc 2 áo. Thời đại mà ơn gọi làm linh mục và tu sỹ càng ngàt càng giảm sút, thế mà Chúa lại sai các ông đi từng hai người một. .
Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng: Lời Chúa hôm nay không phải chỉ áp dụng cho những nhà truyền giáo chuyên biệt, mà còn cho tất cả chúng ta, những người kitô hữu, những người đã được chịu phép Rửa Tội và nhất là những người đã được chịu phép Thêm sức.
Thiên Chúa không muốn một mình Ngài thực hiện việc cứu độ thế giới mà Ngài rất cần chúng ta cộng tác. Vì thế chúng ta đừng tìm mọi lý do để tránh né lời mời gọi này. Tội lớn nhất là chúng ta đã được ánh sáng soi chiếu, nhưng lại không soi chiếu người khác. Chúng ta biết ý nghĩa cuộc đời, biết hướng đi, nhưng lại không sống và đi theo hướng đi đó.
- Nếu tôi không loan báo Chúa Kitô, thì  bí tích thêm sức mà tôi lãnh nhận giúp ích gì cho tôi?
- Tôi làm được gì nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong tôi?
- Vững tin vào Thiên Chúa thật để làm gì nếu không bao giờ tôi nói về Ngài?
- Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa sai các tông đồ đi giảng đạo, phải chăng Ngài cũng muốn sai tôi đi?
Thiên Chúa sai chúng ta mang Tin Mừng trọng đại cho thế giới, đó là: Trong Đức Kitô, Người đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước Thánh Nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”. 
Đó là mục đích của việc tạo dựng: Thiên Chúa đã tạo dựng hàng triệu triệu người con Thiên Chúa. Những người con này được mời gọi thiết lập một cộng đoàn thế giới “đó là đưa thời gian đến hồi viên mãn là quy tụ muôn loại trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô”.
Dự án của Thiên Chúa thật kỳ lạ và được thực hiện mặc dù một số thành phần đặc tuyển hư hỏng, mặc dù khan hiếm các linh mục. Chúa sai các tông đồ đi từng 2 người một, không phải vì dư thừa, nhưng là vì công việc truyền giáo có lợi ích mục vụ: giúp đỡ và an ủi lẫn nhau những lúc trắc trở và nghịch cảnh. Sai đi từng 2 người một cũng là đồng tình thống nhất loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong ngu dốt của nhân loại. Ngài truyền cho các môn đệ không được mang gì khi đi đường. Trở nên tông đồ có nghĩa là phải trở nên người có thể sử dụng được. Vì thế, cần phải nhẹ nhõm và gọn gàng. “Đừng mang gì, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi”. Trước hết và trên hết chúng ta được mời gọi để không gắn bó với những của cải vật chất và tiền bạc. Thế kỷ chúng ta đang sống, người ta coi tiền bạc như thần tượng. Tiền bạc là kẻ thù đầu tiên của Thiên Chúa, vì tiền bạc luôn núp đằng sau tình trạng mất ổn định của thế giới.
- Vì sao người ta đã dựng nên nhũng bộ phim kỳ quặc và vô luân lý? Đó là vì tiền!
- Tại sao các nước giàu lại bán vũ khí cho những người nghèo? Cũng chỉ vì tiền!
- Những tệ nạn xẩy ra trong đất nước chúng ta về vấn đề an ninh trật tự xã hội, về ngành giáo dục và về y tế  cũng chỉ vì tiền bạc.
- Chúng ta có thái độ nào đối với con cái để động viên chúng thành đạt trong thi cử? Chúng ta giúp đỡ chúng thế nào để chúng trở thành người giỏi và hữu ích cho tương lai thế giới, hay là đẩy đưa chúng có một nghề để kiếm được nhiều tiền?
Việc tông đồ luôn thôi thúc và quấy rầy chúng ta, chúng ta muốn gì?
Phải chăng thích đi xem phim, chơi bi-da, hay những câu chuyện bàn cãi vô ích? Ngay cả khi thành công trong nghề nghiệp cũng như trong học tập, chúng ta có thể bị cám dỗ làm việc cho những tính toán của chúng ta mà quên rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ phục vụ cho chương trình cao thượng của Thiên Chúa. Loan báo Tin Mừng là thực hiện và làm hiện tại hoá Tin Mừng nước Thiên Chúa, kêu gọi trở về. Điều quan trọng là khi rao giảng, chính là trình bày về mầu nhiệm Chúa Kitô, chứ không phải là trình bày cá nhân người rao giảng, như lời Thánh Gioan Tẩy giả đã nói: “Chúa Kitô phải được lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.
“Nơi nào không tiếp đón anh em, cũng không nghe lời anh em, thì anh em hãy ra khỏi đó”. Đúng thế, việc tông đồ không phải là lúc nào cũng êm xuôi, thường được đánh dấu bằng thất bại và bằng thập giá. Lúc đó chúng ta phải chấp nhận. Giáo Hội, khi loan báo Tin Mừng, chỉ có tình yêu là vũ khí duy nhất và tình yêu thì không có phòng thủ. Ngay cả những người trong gia đình chúng ta, chưa chắc họ đã giúp được gì cho Thiên Chúa, cho Chúa Kitô và cho cả đời sống đức tin. Dưới con mắt họ, họ chỉ muốn chúng ta là những người nổi danh chứ không phải là những chứng nhân vui vẻ. Chính Thiên Chúa cũng không thể làm được gì  trước sự tự do của con người. Phương chi là chúng ta, chúng ta không thể làm cho một ai đó phải tin và phải yêu mến. Thiên Chúa của người kitô không phải là người rất dễ tính đối với những ai muốn làm giầu nhanh hay là trả thù người khác.
Thiên Chúa mời gọi chúng ta chứ không ép buộc. Đề nghị không phải là áp đặt!  Điều quan trọng đối với mỗi người kitô hữu trong việc truyền giáo trước hết là phải lắng nghe Chúa Thánh Thần chỉ dạy để biết nói khi nào và yên lặng vào lúc nào. Hãy gần gũi với những người thích đi tìm tòi chân lý hơn là cố gắng làm thay đổi những người mà vào lúc nào đó họ không muốn ở trong vòng ảnh hưởng của chúng ta. Chúng ta đừng cản trở hoạt động của Thiên Chúa bằng cách muốn đi truyền giáo quá nhanh hoặc không đúng lúc. Hãy chấp nhận nhẫn nại thực hiện một trong những dự án truyền giáo của chúng ta mà trước mắt không gây được tiếng vang nào.
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta
 (Mc 6, 7 - 13)
"Hãy đi". Chúa phán cùng Amos : "Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta" (Am 7, 15) ; "Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi" (Mc 6, 7). Chúa gọi Amos, Chúa sai các tông đồ, Chúa cũng gọi mỗi người chúng ta. Hết thảy mọi tín hữu, ngoài ơn gọi làm con cái Chúa, còn có ơn gọi làm ngôn sứ, và rao giảng Tin Mừng nữa.
Chúa chọn Amos và sai đi
Amos là người được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi, khi ông chăn bò, Chúa túm lấy ông, Chúa lôi ông đi. Dù không được đón tiếp, ông vẫn mạnh mẽ rao giảng chống lại sự bất công, nhất là tố cáo nhà vua và các kỳ mục đã xúc phạm đến Thiên Chúa khiến cho hành vi phụng tự của họ trở nên vô ích. Vì thế Amasia đuổi Amos khỏi vương quốc Israel : "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc" (Am 7, 12-13). Nhưng Amos vẫn tiếp tục nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Dẫu biết rằng, việc phụng sự Thiên Chúa nơi Đền thờ và trong cung thánh là việc dành riêng cho chi tộc Lêvi. Amos không chỉ trích điều Môisê thiết lập. Ông tự đặt mình vào vị trí chính xác : "Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải con của tiên tri. Tôi là một người chăn bò và chuyên đi hái lá xung" (Am 7,14). Thiên Chúa đã chọn ông từ nơi khác đến và trao cho ông sứ mạng này. Ông đến rao giảng điều Thiên Chúa phán chứ không rao giảng những gì con người muốn nghe. Đây chính sứ mạng của Giáo hội, Giáo hội không rao giảng điều các kẻ quyền thế muốn nghe. Tiêu chuẩn của các tông đồ là sự thật và công lý, cả khi chống lại sự đồng tình của con người và quyền bính trần gian. Cộng đoàn Giáo hội sơ khai cũng gặp những khó khăn tương tự như sự xuất hiện của thánh Phaolô, "hoán cải trong giây lát".
Amasia yêu cầu Amos rời khỏi vương quốc thuộc chi tộc phía Bắc đi đến đất Giuđa, vì ông không muốn nghe, Amos trả lời : "Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta" (Am 7, 15). Sứ mạng của Amos là phổ quát, Chúa sai đi nói tiên tri cho cả 12 chi tộc chứ không riêng một chi tộc nào.
Chúa Giêsu sai các môn đệ
"Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con" (Ga 20, 21).  Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo hội đi đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người, ngõ hầu con người được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Các tông đồ là những người bình thường được Chúa chọn, gọi và sai từng hai người đi, sau khi dạy các ông cầu nguyện, Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế là những thần có lần làm các ông bất lực ! Dù là ai đi chăng nữa, gặp sự gì vượt quá khả năng, cần có sự trợ giúp từ Trời Cao. Chúa Giêsu tin tưởng và dạy dỗ các ông để các ông mang Tin Mừng đến tận cùng thế giới.
Thế là sáng kiến của Chúa Giêsu được thể hiện, mười hai ông được sai đi. Tông Ðồ nghĩa là "được sai đi". Sự kiện Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cộng tác trực tiếp vào sứ mệnh của Người, thể hiện khía cạnh yêu thương của Chúa. Chúa không chê sự trợ giúp của con người vào công trình của Chúa. Người biết rõ giới hạn cũng như yếu đuối của họ nhưng không khinh rể họ, trái lại còn ban cho họ phẩm giá là những người được Chúa sai đi.
Chúa sai họ đi kèm theo các chỉ thị. Thứ nhất là tinh thần không dính bén tới tiền bạc và các tiện nghi vật chất. Ra đi với hai bàn tay trắng để họ chỉ còn cậy dựa vào chính Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới hoán cải được lòng người. Người cũng báo cho họ biết không phải nơi nào họ cũng được tiếp đón, đôi khi bị khước từ và cũng có thể bị bách hại. Nhưng họ phải luôn luôn nói nhân danh Chúa Giêsu và rao giảng Nước Thiên Chúa mà không lo chuyện thành công.
Cử chỉ rũ bụi chân diễn tả sự không dính bén luân lý và vật chất, như để nói rằng chúng tôi đã loan báo nhưng các bạn đã từ chối, và chúng tôi không muốn gì cho các bạn cả. Sau hết, cùng với việc rao giảng là chữa lành bệnh tật theo gương Chúa Giêsu để biểu lộ lòng lành của Người với các cử chỉ bác ái, phục vụ và sự tận hiến.
Chúa tiếp tục sai chúng ta
"Hãy đi !" Mệnh lệnh Chúa truyền cho Amos vẫn còn rất thời sự với chúng ta. Nếu như tiên tri Amos lúc ấy thoái thác, thì ngày hôm nay một tâm thức khá phổ biến cổ võ cho thái độ muốn rút lui trước những khó khăn vẫn tồn tại. Ðiều kiện đầu tiên để "ra đi" là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày bởi việc lắng nghe Lời Chúa.
Ở thời chúng ta, vẫn có những người nam nữ được Thiên Chúa chọn, túm lấy, khi họ đang đối mặt với những lo lắng hằng ngày. Họ đang ở trong giáo xứ, chủng viện, tu viện, hay trên cánh đồng truyền giáo. Khuôn mẫu của họ là Đức Kitô, Đấng đầu tiên chấp nhận con đường thánh ý Chúa Cha vạch ra và cam kết trung thành với sứ mạng cho đến chết và Phục sinh.
Chúng ta không dựa vào sức con người hay tìm kiếm thành công, mà phải dựa vào chính Thiên Chúa. Vì là tạo vật của Thiên Chúa, nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm những gì chúng ta muốn. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm những gì Thiên Chúa muốn. Vì tất cả là hồng ân mời gọi ta thưa : "Lạy Chúa, con đây". Đừng bao giờ phản đối hay từ chối lời mời gọi của Chúa, "Chính Chúa đã chọn tôi".
Thiên Chúa "đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài" (Ep 1, 4). Đây là kế hoạch tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ trợ giúp chúng con quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa bằng lời nói và trước hết bằng cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3:
SIÊU THOÁT VÀ PHÓ THÁC
(Mc 6, 7 – 13 )
 
   Trải qua thời gian các nhà truyền giáo luôn là những hình ảnh biểu  trưng cho sự dấn thân, tận tụy hy sinh đến quên mình để đem tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đến khắp cùng thế giới. Sở dĩ trong trái tim của Giáo Hội, các ngài là người con tiên phong, không ngại hiểm nguy bắt bớ...là bởi các ngài ý thức được tầm quan trọng của việc bước theo chân Thầy chí thánh, ra khơi đem lại ơn cứu độ cho con người. Sứ mệnh đó đã được chính Chúa Giêsu mời gọi và trao ban trực tiếp qua các môn đệ, để từ đây sứ mệnh đó mãi được các thế hệ nối tiếp lên đường không ngừng truyền giảng tình yêu thập giá đến tận cùng thế giới. Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi Kitô hữu hãy ý thức hơn nữa sứ mệnh mà Chúa Giêsu hằng tha thiết mong chờ.
   Chúng ta thấy hai cặp động từ : “mời gọi” và “sai đi” diễn ta ơn gọi cách rõ ràng nhất của các môn đệ. Ý muốn này không đến do các ông đề xướng mà đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận thấy nhu cầu cần phải có thêm những cánh tay nối dài cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, vì thế Người đã chủ động mời gọi và sai các môn đệ tiếp nối sứ mệnh của Người. Từ đây các môn đệ sẽ là các Tông đồ của Chúa Giêsu, nghĩa là những người được Chúa sai đi.
Sai các môn đệ đi, Chúa Giêsu không sai riêng lẻ từng người mà sai đi từng hai người một. Đây chính là tập tục của các Kinh sư vẫn thi hành đối với các môn sinh của mình. Lý do vì, hai người được sai đi cùng bởi một người, họ sẽ có những chứng từ, những lời rao giảng, những sứ điệp giống nhau. Tuy nhiên cũng có thể hiểu, số hai biểu tượng cho cộng đoàn, nghĩa là các nhà thừa sai không đi rao giảng một mình mà luôn đi theo từng nhóm. Công vụ Tông đồ cho thấy, các môn đệ Chúa luôn lên đường truyền giáo từng cặp một, như Phêrô với Gioan, Phaolô với Barnabê...
Mời gọi và sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu không hề hứa cho họ một cuộc sống sung túc, nhiều bổng lộc. Thay vào đó, điều Người cần nơi các ông là một tinh thần khó nghèo và sự từ bỏ mọi sự. – Trước hết, đó là sự khó nghèo xét về hành trang lên đường. Với chỉ mỗi một cây gậy, một đôi dép, một áo, Chúa Giêsu muốn cho những thừa sai của Người phải là những con người siêu thoát, không cồng kềnh bởi những giá trị vật chất, để sẵn sàng lên đường rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Bởi một khi quá vướng bận “cơm áo gạo tiền”, các ông sẽ dễ dàng quên mất sứ mệnh trọng yếu, làm suy giảm lòng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng..  Kế đó còn là sự khó nghèo xét về phương diên sinh sống. Đó là việc không mang lương thực, không bao bị giỏ xách, không tiền bạc giắt lưng... Điều đó cho thấy Chúa Giêsu muốn cho các thừa sai của mình ra đi trong tư thế hoàn toàn phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ sẽ nhận những thứ đó từ tay những ai sẽ tiếp rước họ. Như thế, siêu thoát và phó thác, chính là điều mà Chúa Giêsu cần nơi mỗi vị thừa sai để cuộc đời và sứ mệnh của họ hoàn toàn trao gửi vao ban tay quan phòng của Thiên Chúa mà thôi.
   Mỗi người trong chúng ta sẽ tự hỏi vì sao cần phải siêu thoát và phó thác? Có cần phải như thế không?  Bởi có “thực mới vực được đạo”. Không biết các môn đệ có cùng suy nghĩ như vậy không, chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết rằng, các môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi và sai đi. Và các ông đã đáp lại tiếng Chúa,nhiệt thành ra đi làm chứng cho Chúa với những tiêu chí mà Người vạch ra cho các ông như là những chuẩn mực cần phải có nơi một nhà truyền giáo. Điều này rất quan trọng. Nó quyết định đến thành quả trong tương lai mà nhờ đó hoạt động thừa sai sẽ sinh hoa trái. Tin Mừng cho thấy, các môn đệ vâng lời Thầy, ra đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn  sám hối, trừ nhiều quỉ, chữa nhiều bệnh nhân...tất cả những điều đó chứng tỏ rằng các ông là những nhà truyền giáo thực thụ của Chúa Giêsu. Như thế, siêu thoát và phó thác, hiệu quả của nó tất nhiên không phải là cuộc sống tại thế với đầy đủ tiện nghi, hay tràn trề bổng lộc, mà là đem về cho Chúa những tâm hồn thống hối ăn năn, hứa hẹn một cuộc sống sung mãn mai sau.
Nhóm 12 đã thực hiện những gì chính Đức Giêsu đã làm: xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật. Không có niềm tin thì không thể làm như thế được. Bởi vậy trước tiên các ngài kêu gọi hoán cải. Ngày nay cũng thế, đối với sứ mạng mà Giáo hội  được trao phó: sự hoán cải và niềm tin là những con đường tất yếu cho việc sống và loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy cố vứt bỏ những gì ngăn cản mình tiến lên phía trước.
Đã có rất nhiều vị thừa sai cậy dựa vào Tình Yêu Thập giá để rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Và chúng ta thấy rõ Đức Giêsu không giữ độc quyền về sứ mạng. Người giao sứ mạng vào tay những ai Người đã tuyển chọn. Người đòi hỏi họ là những chứng nhân giữa quần chúng, không kể những yếu đuói cá nhân của họ, và Người đã giao cho họ một bản thuyết trình được diễn đạt theo đúng thần học, về những gì họ phải rao giảng và những gì họ phải mang theo: một cái gậy và một đôi dép, đó là những biểu tượng của lời chứng về sự sống.
Đôi dép bắt các môn đệ phải luôn có chân trên mặt đất. Người môn đệ là một con người nhập thế, luôn trên đường đi, làm chứng nhân trước khi làm thánh, do đó là một lữ hành vĩnh viễn không ngừng đi tìm kiếm Thiên Chúa.  Cây gậy biểu trưng cho quyền lực, có nghĩa là người ta có quyền đại diện cho một người mà người ta tin tưởng...Cây gậy được chuyển đi như một sự tiếp sức và cái được tiếp sức đó là sự sống. Người mang cây gậy là mang sự sống và như thế, họ không cần phải đeo mang cái gì khác.
Chúa Giêsu muốn chúng ta phải là những kẻ mang sự sống, và có khả năng chuyển giao sự sống bằng cách cho đi sự sống. ( Lm. André Antoni )
Xin vâng và phó thác trong đời sống khó nghèo theo gương Đấng chịu chết trên Thập giá.
 
Nguyễn Mai

Bài 4:
CHỨNG NHÂN ĐƯỢC SAI ĐI – CÁNH TAY CỦA THIÊN CHÚA
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13

Câu chuyện xẩy ra tại Đức khi thế chiến thứ hai kết thúc. Tại một ngôi làng kia, một toán binh sĩ Mỹ tình nguyện giúp dân chúng xây dựng lại cuộc sống của họ… Trong đó có việc xin tái thiết một pho tượng Chúa Giêsu bị đổ nát vì bom đạn.
Từ nhiều thế kỷ qua, tượng Chúa là niềm tự hào của họ, giờ đây, chỉ còn là những mảnh vụn. Liệu những binh sĩ Mỹ có thể làm được công việc khó khăn này không ?  Qua bao ngày tìm tòi vất vả, họ cũng đã nhặt lại được từng mảnh và dựng lại pho tượng, chỉ có điều là có hai phần trong pho tượng họ không thể tìm thấy…
Họ dựng pho tượng lên giữa quảng trường ngôi làng và phủ lên bằng tấm vải lụa, tấm vải này chỉ được mở ra bằng một nghi thức do ông Thị trưởng chủ tọa.
Khi dân chúng trong làng tề tựu đông đủ, ông Thị trưởng đọc diễn văn cảm ơn các binh sĩ Mỹ và cho mở tấm lụa ra. Mọi người ồ lên với tất cả kinh ngạc, vì pho tượng tuyệt đẹp nhưng lại không có đôi cánh tay. Dưới chân pho tượng mọi người đọc được hàng chữ lớn: “Ta không có tay, các ngươi có thể cho ta mượn cánh tay của các ngươi không” ?
Trong dòng lịch sử, Chúa Kitô vẫn đang xử dụng đôi cánh tay của những người Chúa gọi và chọn sai đi để tiếp tục công cuộc cứu rỗi, loan báo Tin Mừng. Chúng ta qua Bí tích rửa tội ở trong Hội thánh, cũng được sai đi, và cũng là cánh tay nối dài của  Chúa Kitô giữa thế gian cho công trình của Ngài...
Đức Giêsu đã chọn 12 vị tượng trưng cho 12 chi tộc Israel, ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới,  trên nền tảng mười hai Tông Đồ là những tổ phụ mới. Chúa gọi và chọn các ông như trong phần đầu của Tin Mừng. Việc Đức Giêsu  “gọi lại với mình” Nhóm Mười Hai,  chứng tỏ uy quyền của Người và sự chọn lựa của Người. Các ông được gọi, đi theo Đức Giêsu, trước tiên là ở "với Người" (Mc 3,14). Sống kết hợp mật thiết với Thầy, đồng hành với thầy và chứng kiến tất cả hoạt động giảng dạy và tất cả các hành vi quyền lực của Thầy. Được thầy trao quyền lưc ra đi, các ông nối tiếp công việc của Người, mang Tin Mừng theo ý Thầy đến khắp nơi trên thế giới.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng nhóm “hai người một”, có lẽ xuất phát từ truyền thống Do thái, theo luật Môsê, cần hai nhân chứng mới xác nhận được một lời khai (Đnl 19,15), có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này: "Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình" (Gv 4,9). Sau này vẫn trung thành theo ý Thầy, các Tông đồ luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phêrô và Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabê (Cv 13,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22b), Banaba và Marcô (Cv 15,39), Phaolô và Sila (Cv 15,40), Timôthê và Sila (Cv 17,4)… Hơn nữa con số hai cũng là biểu tượng của cộng đoàn, hai người một nghĩa là các thừa sai không làm việc đơn lẻ mà làm việc theo Công đoàn.
Trên đường sứ mạng Đức Giêsu truyền cho các ông không mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, tiền bạc... Người Tông đồ không lo lắng của cải vật chất, chỉ mang trái tim mong mỏi của Tin Mừng, các Ngài nhớ lại và sống khó nghèo như Thầy : “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Theo lệnh truyền của Chúa Kitô chỉ lo về Tin mừng, mọi sự khác đã có Chúa lo: “Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6,33-34). Sống tinh thần phó thác vào Chúa.
Chúa đã bảo các Tông đồ và nói chúng ta: “Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48), Người Kitô hữu qua bí tích Thánh Tẩy cũng được sai sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng qua đó làm vinh danh Thiên Chúa, tuy nhiên vinh danh này là nhờ bám víu tín thác vào Chúa như Thánh Phaolô khẳng định: "Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2 Cr 4,6-7)…
Trong sứ mạng sai đi, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống: “… chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).
Người chứng nhân sống ánh sáng như Đức Hồng Y Phanxicô gợi mở trong Đường Hy Vọng:
“Con khám phá giá trị Phúc Âm trong những biến cố vui mừng và hy vọng, lo âu và sầu khổ, trở ngại và tiến bước của dân Chúa trên đường về Đất Hứa.
Con lấy Phúc Âm nuôi tâm hồn con, sự thông hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu sẽ cho con có tinh thần của Ngài: "Chúa nhìn trần gian thế nào?" Đức Chúa Cha đã yêu trần gian đến nỗi sai con một Ngài xuống cứu trần gian (ĐHV 630, 632)
Cho nên, nhờ sự ra đi của người môn đệ - người tin vào Chúa Kitô:
“Mỗi giây phút, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử"      
                                                                                                         (ĐHV 633).
Thật thế, đó là cánh tay của Thiên Chúa…
 
                                             Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 11/07/2015
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log