Giông bão có thể nguy hại đến tính mạng nhất là đối với người đi biển. Những cơn giông bão thiên nhiên đó rất đáng sợ! Nhưng cơn giông bão làm nguy hại đến đời sống tâm linh còn đáng sợ hơn nhiều!
Bài 1:
“Lạy Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao”?
----------------------------
WGPHH: Chúng ta đang sống trong mùa mưa giông bão. Nhiều phen giông bão có thể làm đổ cửa nhà, cây cối mùa màng. Giông bão có thể nguy hại đến tính mạng nhất là đối với người đi biển. Những cơn giông bão thiên nhiên đó rất đáng sợ! Nhưng cơn giông bão làm nguy hại đến đời sống tâm linh còn đáng sợ hơn nhiều!
Đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu cảm thấy mỏi mệt. Ngài đã nói suốt ngày và có thể ngài tự hỏi liệu dân chúng đã tìm mình có phải là để nghe lời mình giảng không hay là chỉ để được chữa lành bệnh tật. Vì thế Ngài vội vã sang bờ sông bên kia để gặp lại Chúa Cha trong kinh nguyện như mỗi buổi chiều Ngài vẫn làm như vậy. Cũng may mắn là Ngài đã chọn được một số thợ đánh cá làm tông đồ đi cùng. Để tách Ngài ra khỏi đám đông, tốt nhất là có một máy bay lên thẳng chở Ngài đi luôn khỏi đó, tuy nhiên họ chỉ có những thuyền đánh cá mong manh! Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền và từ từ rời xa đám đông làm cho ngài mệt nhọc đó. Vừ lên thuyền, Ngài liền đặt mình ngay trên mũi thuyền và để mặc cho Phero chèo lái con thuyền đó. Rồi Ngài thiếp đi! Lúc đầu khi chưa xẩy ra cơn bão, các tông đồ cũng có vẻ vui mừng và nghĩ rằng: “ tội nghiệp cho ngài, Ngài kiệt sức rồi! Chúng mình đưa Ngài đi nghỉ là đúng quá”! Và họ nhẹ nhàng chèo thuyền và nói nhỏ với nhau kẻo ngài thức giấc.
Đột nhiên, một cơn bão dữ dội nổi lên như muốn lật nhào tất cả. Nguy to! Nước bắt đầu tràn vào đầy thuyền. Các tông đồ mặt mày tái xanh, mà trong khi đó Chúa Giêsu vẫn ngủ ngon coi như không có vấn đề gì xẩy ra. “Thật khó có thể tin đươc! Ngài chẳng nghe thấy cơn bão đang hoành hành. Hay là Ngài cố ý cho cơn bão xẩy ra? Chuyện đó là có thể”. Và rồi các ông không thể chịu dựng được nữa, mạnh dạn đánh thức Ngài: “Lạy Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao”? Chúa Giêsu vẫn thản nhiên như trong giấc ngủ. Ngài trỗi dậy và khẳng định Ngài đã nghe thấy bão, rồi trấn an các tông đồ bằng cách nói với biển: “Hãy im đi! Hãy lặng đi”. Tác giả Phúc Âm còn thích nói thêm: “Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”. Rồi Chúa Giêsu hướng về các tông đồ: “Anh em thấy rõ đấy có gì mà phải hốt hoảng. Vậy thì anh em không tin vào Thầy ư? ”Nghe lời trách móc này, Phêrô sững sờ ! Sợ chết không còn nữa, nhưng một nỗi sờ khác lớn hơn thay vào đó, là: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
Người Kitô chúng ta, dù đức tin chắc chắn, một ngày nào đó cũng có thể nói với Chúa câu này: “Lạy Chúa, biết bao sự dữ đang xẩy ra trên thế giới…, thế mà Chúa không quan tâm đến sao?” Trong Cựu ước, tác giả thánh vịnh đã kêu lên sự không hiểu biết của mình khi phải đối diện với sự thờ ơ bên ngoài của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Ngài thấy rồi, xin đừng yên lặng…Lạy Chúa, xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao? Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi! Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đoạ đầy”?
Trải qua bao thế kỷ, nhiều người kitô phải gặp rất nhiều thử thách, không thể nào mà không tự đặt vấn đề: có lẽ Thiên Chúa cứ ngủ yên hạnh phúc trên trời mặc cho con người phải chịu đựng biết bao vấn đề. Thánh nữ Catharina Siena hỏi Chúa: “Lạy Chúa, khi tim con quay cuồng vì biết bao điều ô nhục, thì Chúa ở đâu? ” Chúa trả lời: “Ta ở trong tim con”. Ai trong chúng ta cũng có lần hoặc sẽ có lần kêu lên Chúa câu rất quen thuộc: “Chúa không quan tâm đến sao?”.
Gần 30 triệu người đã chết trong thế chiến thứ hai chỉ vì sự điên khùng của một người, mà Chúa không quan tâm đến sao?
Hăng ngàn người kitô chạy trốn vào các nhà thờ ở Ruanda để chạy trốn mong được một sự bảo vệ mà vẫn bị giết, Chúa không quan tâm đến sao?”
Trong các bệnh viện biết bao người đau đớn không thuốc thang, không có của nuôi thân, thế mà Chúa không quan tâm đến sao?
Xung quanh chúng ta biết bao người chết tai nạn xe hơi, xe máy cũng chỉ vì tài xế lái xe say rượu, thế mà Chúa không quan tâm đến sao?
Lạy Chúa, con vật lộn với tội lỗi con, và tội lỗi con xem ra mạnh hơn cả ân huệ Chúa. Con kêu cầu Chúa hằng mấy giờ đồng hồ để xin Chúa giúp. Chúa không nghe lời kêu cứu của con ư? Chúa ngủ ư? Chúa không quan tâm đến sao?
Một Thiên Chúa ngủ ư? Một thiên Chúa vô tâm đối với biết bao nỗi đau của con người ư? Đối với tất cả các câu hỏi của chúng ta, Chúa Giêsu đều bình tĩnh trả lời: “Tại sao anh em sợ hãi thế? Anh em không có đức tin ư?”
“Chính Thầy đã chẳng phải trải qua cơn bão táp cuộc khổ nạn, nằm im trong mồ trước khi sống lại và sống mãi đó sao? Không bao giờ Thầy nói với anh em rằng: cuộc đời là một con sông dài phẳng lặng. Chắc chắn rằng Thầy chỉ nói về con đường hẹp đưa đến sự sống. Thầy đâu có nói là Thầy đến trần gian để thiết lập tiện nghi . Trái lại, Thầy tin rằng Thầy đã nói về ngọn lửa tình yêu nồng cháy có thể đẫn đến cái chết. Thầy đâu có hứa là anh em sẽ khỏi bị bách hại ? Thầy tin rằng Thầy chỉ đảm bảo với anh em là Chúa Thánh Thần sẽ hiện diện với anh em để trong những lúc kinh hoàng Người sẽ ban cho anh em sức mạnh làm chứng và kịp thời trả lời “.
“Thầy cũng chẳng bao giờ hứa một thứ hạnh phúc mà anh em dễ có thể tìm kiếm được. Đúng ra, thì Thầy đã nói: Phúc cho những ai nGiáo Hội èo khó, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính. Và Thầy cũng đã nói: Thầy đi, anh em sẽ không thấy Thầy, nhưng Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Thầy cũng chẳng bao giờ hứa sẽ dẫn anh em sang bờ bên kia cuộc đời mà không phải trải qua thử thách và cả cái chết nũa đẻ được hạnh phúc sống mầu nhiệm vượt qua với Thầy? Lời kinh thánh nói: Đấng kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Anh em nói rằng Thầy không hiện diện với anh em khi anh em bị tội lỗi khuynh đảo. Nhưng khi anh em ăn năn, khi anh em chịu đau khổ vì anh em không là thánh, lại là dấu chỉ Thầy hiện diện bên cạnh anh em đó”.
Như vậy anh em hãy khẳng định rằng: anh em sẽ gặp bão táp, anh em sẽ không sang được bờ bên kia vĩnh hằng nếu anh em không biết chịu đựng những sóng cồn của khổ đau và vượt qua Thập giá. Anh em tin rằng Thầy ở bên cạnh anh em. Thầy hiện diện vô hình bên anh em và chính vì thế mà anh em cứ nGiáo Hội ĩ là Thầy ngủ. Thầy hiện diện bên anh em để và cùng chịu đau khổ với anh em. Chắc chắc, Thầy không cất bỏ những khó khăn mà anh em phải chịu, nhưng Thầy sẽ cho anh em sức mạnh bên trong để chịu đựng những khó khăn đó. Ở đâu sự dữ tràn đầy, thì ở đó ân sủng càng tràn đầy hơn. Toàn bộ cuộc sống trần gian của Thầy chỉ cho anh em biết tất cả những hoàn cảnh sống của con người Thầy không thể thờ ơ được. Thầy hứa hạnh phúc cho anh em… Thầy làm chủ các cơn giông bão. Thầy làm chủ đời sống và Thầy đã chiến thắng sự chết. Hãy nhẫn nại! Chuyến đi qua của cuộc đời thì ngắn. Cuộc sống hôm nay không phải là cuộc sống vĩnh cửu, anh em đừng quên! Thầy sẽ giúp anh em cập bến vĩnh hằng, nơi mà tình yêu trở nên ngày đại lễ mừng vui.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
SAO CÁC CON SỢ HÃI!?
Một phái đoàn đến thăm một trại cùi. Họ rất cảm phục vì thấy các nữ tu vui vẻ săn sóc cho bệnh nhân. Một người trong phái đoàn hỏi một chị: “Vì sao chị lại sống ở đây? Cho tôi một triệu tôi cũng không dám!” Người nữ tu trả lời: “Cho tôi hai triệu tôi cũng không ở. Sở dĩ tôi muốn ở đây và sống chết ở đây vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.” Với giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cũng từng nói như vậy: “Lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách tôi”. Từ ngày ngài được biết Chúa Kitô và cảm thấy tình thương của Chúa đến độ “hiến thân mình vì tôi” (Ga. 2, 20), Phaolô như bị đè nặng dưới khối tình yêu của Chúa. Từ trong thâm tâm, người nghe như có tiếng vọng lại: Hãy yêu mến Ta như Ta đã yêu mến ngươi. Hãy tiến lên nữa. Hãy để Ta dùng ngươi để yêu mến kẻ khác. “Chúa Kitô đã chết thay cho hết mọi người, để những ai đang sống không sống cho mình nữa, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ta.”
Đối với tất cả chúng ta, tình yêu Thiên Chúa cũng thúc bách và đè nặng như vậy.
Bài Phúc Âm hôm nay, dưới ngòi bút linh động của Marcô, là một bài phóng sự một cơn bão táp xảy ra trên mặt biển hồ Tibêria hay có những cơn gió lốc về chiều do bầu khí bị dồn ép trong thung lũng sông Giordan. Sau khi giải tán đám đông, Chúa truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bên kia biển hồ. Ngài lên thuyền. Sau một ngày giảng dạy mệt nhọc, Ngài đến phía sau lái, dựa trên một chiếc gối và ngủ say. Một cơn gió lốc thổi đến, cuộn lên những ngọn sóng lớn làm cho thuyền đầy nước. Các môn đệ tay chống tay tát…, còn Ngài, Ngài vẫn ngủ. Các ông đến thức Ngài dậy: “Chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao?” Ngài bèn đe gió và phán với biển, như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi!” Tức thì gió và biển lặng.
Tường thuật cơn bão táp im lặng có ý nghĩa gì? Đối với Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa: “Sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin ư?”. Trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên trời. Trong một hoàn cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César? Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên trời, “Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” (Tv. 107, 29).
Đối với nhiều người đã chứng kiến, vì Marcô nói: “Có nhiều thuyền khác theo”, thì đây là một phép lạ nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng chỉ cần phán lên một lời thì gió yên biển lặng, Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo thành vạn vật. Các Thánh Giáo phụ nhìn thấy ở đây tác động của hai bản tính của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Kim-Khẩu nói: “Họ vừa nhìn thấy Ngài, dựa trên gối, ngủ say, đó là một con người, họ nhìn thấy Ngài bắt biển cả phải lặng yên, đó là vị Thiên Chúa.” Trong khi các nhà thần học minh giáo lại đề cao ý tưởng “con thuyền Giáo hội” giữa sóng gió ba đào (Tertullien). Chúa Kitô vẫn ở trong con thuyền Giáo hội cũng như Ngài ở trong tâm hồn chúng ta. Một hôm Bà Thánh Catarina Sienna phải chiến đấu mãnh liệt với chước cám dỗ, Bà kêu lên: “Lạy Chúa, trong khi con phải chống lại những ý tưởng nhuốc nha thì Chúa ở đâu? Chúa phán: Ta đang ở trong tâm hồn con, để hỗ trợ con và để chia sẻ sự toàn thắng của con.”
“Lạy Thầy, xin cứu chúng con vì chúng con sắp chết mất!”
Tại sao các con lại sợ?
Biển là sức mạnh của thiên nhiên, nó liên tục dao động giữa yên tĩnh và hung dữ. Lúc yên ả, nó vẫn có thể là một sức mạnh phá hoại. Chẳng phải trong Kinh Thánh, nó đã tương trưng cho sự chết... sách Gióp làm nổi bật việc Chúa làm chủ sóng gió và bão táp, và sau cùng Người là cội nguồn của Tạo Thành. Chúng ta thấy rõ chính Người đã khởi xướng mọi sự: “Vậy ai đã ngăn chặn biển bằng những cánh cửa”?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy như vậy. Trước sự sợ hãi của các môn đệ đang bị sóng gió ập tới, Đức Kitô đã đem sự bình an và lòng tin cậy. Người cất tiếng gọi hỏi sóng gió hung dữ, và biển liền câm lặng. Con thuyền đó là cuộc đời chúng ta, theo thời gian, đã biết thế nào là sóng gió bão bùng và những giây phut sợ hãi. Con thuyền cũng là giáo hội của chúng ta, mà chúng ta là thành phần liên đới. Thuyền lướt êm trên biển lặng và thuyền quay cuồng muốn lật úp dưới sóng gió bão táp hung tàn. Chúng ta đều thấy rõ, dù là tín hữu, cuộc đời không nhân nhượng với chúng ta, nhưng giữa những thử thách của niềm tin, chúng ta phải giữ vững mũi tàu của chúng ta: “Tại sao các con sợ hãi?” (Lm. Chrístophe Husson, A.a).
Pr. Nguyễn Mai