“Phúc cho ai không thấy mà tin”
(Ga 20, 19-31)
---------------------------
WGPHH: Chúa đã sống lại thật rồi, thế mà các môn đệ của Ngài vẫn sống trong khung cảnh sợ hãi của ngày thứ sáu thánh, phòng các ông cài then cho chặt. Chúa Kitô đã hiện ra với họ vào 2 chủ nhật liền: Chủ nhật trước không có mặt Tôma, và chủ nhật này có mặt Tôma. Họ sợ người Do Thái và nghi ngờ: ngôi mộ thì đã trống rồi và mấy chị kể lại là đã thấy một thiên thần báo tin Chúa đã sống lại rồi, không biết có thật không? Đối với những người thuyền chài thật thà và thực tế, như Phêrô, Anrê và Tôma, cần phải có dấu chỉ có thể sờ thấy được thì họ mới tin. Thực tế đó là: Chúa Giêsu bất ngờ ở giữa các ông. Chúa Kitô có thịt có xương. Thế là họ vui mừng và tin điều mà các chị đã nói rằng Chúa đã sống lại.
Chính vì các tông đồ là những con người thực tế như vây, mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn Đức tin là thế nào: đức tin không phải là nhìn thấy rõ ràng một Thiên Chúa vinh hiển, cũng không phải là bám chặt vào một niềm tin mù quáng, nhưng là phó thác có lý vào Lời Thiên Chúa.
“Phúc cho ai không thấy mà tin”. Liệu chúng ta có khi nào ghen tương với Tôma vì ông đã nhận được món quà quý giá là thấy và sờ vào cạnh sườn Chúa không? Đôi khi chúng ta bị cám dỗ như những người Do Thái xưa đòi xin phép lạ của Chúa Giêsu. Nếu cố tình như vậy, chúng ta cũng sẽ phải nghe lời Ngài nguyền rủa: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giona.” Ngày nay, có lẽ chúng ta cũng thích thỉnh thoảng Chúa hiện ra dù chỉ ngắn thôi để củng cố đức tin lung lay của chúng ta.
Điều nhìn thấy có thể là tốt, nhưng đôi khi cũng làm cho chúng ta quên đi và khó tin điều không nhìn thấy. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Nhìn thấy Thiên Chúa dễ làm chúng ta không khát khao tìm kiếm Ngài cách tự nguyện và nhiệt huyết. Đức tin không phải làmột cái gì nhìn thấy. Sự nhìn thấy vĩnh viễn Thiên Chúa chỉ có ở bên kia cái chết. Trong cõi vĩnh hằng , Đức tin sẽ không còn. Ở trần gian này chúng ta khiêm nhường, mò mẫm tiến bước, nhưng hoàn toàn tự nguyện trong bóng tối của đức tin. Ngày mà chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, đó sẽ là món quà biếu không của Thiên Chúa cho chúng ta, và cũng là phần thưởng cho chúng ta vì chúng ta đi tìm kiếm sự vô tận.
Mặc dù người tin không phải là một người đã thấy, nhưng không phải vì thế mà người tin là người mù quáng. Bởi vì, đức tin thường đối chọi với lý trí và khoa học. Lúc đó, Đức tin là một sự tháp nhập đơn sơ vào những khẳng định không được chứng minh. Tuy nhiên, đức tin cũng không phải là nhảy vào nơi trống rỗng, nhảy vào trong đêm đen. Von Braun, Phó giám đốc trung tâm không gian NASA nói: “Mặc dù khoa học có đạt tới đỉnh cao nào chăng nữa, nhưng chúng ta vẫn cần phải tin vào Thiên Chúa, vì chúng ta vẫn còn rất nhiều giới hạn. Cần Thiên Chúa không phải là sợ Thiên Chúa. Chúng ta cần phải có đức tin như là cần lương thực để ăn, nước để uống và không khí để thở.”
Trong con người chúng ta đều có khát vọng biết: đâu là căn nguyên của tất cả mọi sự? Plaise Pascal nói: “Có lẽ bạn sẽ không tìm tôi, nếu bạn đã không gặp tôi”. Nếu không thờ lạy Thiên Chúa đích thực, con người rất dễ tạo ra những thần tượng. Thần tượng đó có thể là tiền bạc, quyền bính, khoa học có thể trả lời cho tất cả mọi vấn đề.
Công đồng Vatican II khẳng định: “Nhờ vào ánh sáng tự nhiên của lý trí, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua các thụ tạo”. Đức tin không phải là phi lý, nhưng là một sự hiểu biết qua các dấu chỉ. Vì thế, chúng ta cần phải nhận biết qua các dấu chỉ! Một lần, người ta hỏi nhà bác học Louis Pasteur: “Thưa thầy, Thầy là người suy tư và học biết rất nhiều, vậy tại sao Thầy tin?”Pascal liền trả lời: “Chính vì suy tư và học biết nhiều, nên tôi giữ được một đức tin đơn sơ. Nếu tôi suy tư và học biết nhiều hơn nữa, tôi sẽ còn đến với một đức tin đơn sơ hơn nữa”.
Tuy nhiên, khả năng của lý trí thường bị giới hạn, dễ đổ vỡ và trở nên tăm tối vì tội kiêu ngạo. Vì thế , Mặc Khải đã giúp đỡ lý trí. Đức tin kitô giáo cũng dựa vào những dữ kiện và nhất là bằng chứng của các tông đồ, là những người đã mang đến cho thế giới Tin Mừng mà không sợ nguy cơ đến tính mệnh của họ. Thánh Gioan Tông đồ là chứng nhân tận mắt đã viết: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống… Và chúng tôi làm chứng để niềm vui chúng ta được nên trọn vẹn”.
Ngày nay, Phúc Âm là rất rõ ràng. Phúc Âm thuật lại cho chúng ta lần hiện ra của Chúa Giêsu cho toàn thể hội đồng Tông Đồ: đây không phải là mặc khải cá nhân mà là mặc khải chính thức cho tất cảc các vị hữu trách trong Giáo Hội. Tất cả họ có mặt ở đó, kể cả Tôma là người hoài nghi và đòi hỏi nhất: “Tôi không muốn chỉ thấy Thầy Giêsu mà thôi, vì mắt tôi có thể là nạn nhân của một ảo giác. Tôi còn muốn thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh nơi tay Thầy. Tôi muốn đặt cả bàn tay tôi vào cạnh sườn Thày”. Chúa Giêsu nhẫn nại trong 8 ngày để biến đổi các tông đồ từ sợ hãi đến vui mừng, Ngài cũng biến đổi Toma từ nghi ngờ lý luận đến đức tin. Đọc lại Phúc Âm, chúng ta phải biết cám ơn các tông đồ, vì các ngài là những người hoài nghi trước khi là những người tin. Các ngài đã nghi ngờ và đã thấy, để hôm nay chúng ta có thể tin mà không cần thấy.
Đức tin không phải là ngây ngô. Đức tin dựa vào bằng chứng, bằng chứng này không bao giờ là hiển nhiên theo kiểu khoa học. Bằng chứng đức tin đúng hơn là giống như tính xác thực của những người yêu nhau say đắm mà chỉ họ mới có thể hiểu được. Thiên Chúa không áp đặt chúng ta. Ngài yêu chúng ta và chỉ muốn chúng ta đáp trả bằng tình yêu.
Đức tin cũng không phải là một sự an bình ngọt ngào về những điều chắc chắn đã tìm kiếm được, nhưng là một sự liên tục đón nhận Thiên Chúa khó tả trong Lời của Ngài. Khi cùng với Phêrô khám phá ra ngôi mộ trống, Gioan viết rất ngắn gọn: ông đã thấy và ông đã tin. Ông tin không phải là vì xác Chúa Giêsu biến mất, nhưng ông tin vì nhớ lại điều mà Chúa Giêsu đã báo tin cho họ trước.
Trong trường hợp của Tôma, Tôma làm nhiều hơn là thấy Chúa Giêsu. Lúc đó, Ông đã tin và đã khám phá ra nhiều điều hơn là con mắt thịt của ông đã thấy Chúa Giêsu. Ông không nói một cách đơn thuần: “Vâng, Thầy Giêsu, thầy đang sống. Con chứng thực là Thầy đang sống”, nhưng ông quì gối xuống và kêu lên: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”, có nghĩa là: “Thầy sống lại chứng tỏ Thầy là Thiên Chúa”. Lúc này, Tôma còn hơn một người đã xem thấy. Ông là một người tin, nhận ra rõ ràng cả cái ông không thấy: đó là bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Ông khám phá ra bộ mặt dấu ẩn của thế giới. Tất cả mọi sự đều có một nghĩa mới. Tất cả các tạo vật đều biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta muốn thấy Thiên Chúa ư? Hãy mở mắt ra: Ngài chờ đợi chúng ta ở khắp mọi nơi.
Đức tin, thật là kỳ diệu! Nhưng đức tin đòi hỏi 3 điều chính yếu:
- Trước hết, phải cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện chúng ta khiêm cung xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ánh sáng của Thánh Thần để chúng ta có khả năng xem thấy bất chấp bóng tối của đêm đen.
- Tiếp đến, là củng cố thêm nội dung đức tin của chúng ta, vì chưng: chúng ta yêu mến Chúa Kitô thế nào được, nếu chúng ta không biết sứ điệp của Ngài.
- Cuối cùng là đời sống đức tin hay nói cách văn chương hơn: đức tin phải nhập thể. Có nghĩa là người có đức tin phải sống tốt hơn người không có đức tin.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
SUY NIỆM CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Lòng từ bi Chúa tồn tại đến muôn đời
(Ga 20, 19-31)
Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Bài Tin mừng theo thánh Gioan (20,19-31) hôm nay chung cho cả ba năm Phụng vụ A,B,C nói nhiều đến lòng thương xót và lân tuất của Chúa. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông : " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng . Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang : "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ trái tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta ! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là tình yêu thương của Thiên Chúa nhập thể, là Lòng Thương Xót nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.
Ngày nay, Lòng thương xót là một chủ đề Đức Thánh Cha Phanxicô rất thường nói đến, như được thể hiện trong châm ngôn giám mục ngài đã chọn: “miserando atque eligendo” (Được thương xót và được chọn).
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17-03-2013).
Gần đây nhất, trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!”
Ngài xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3:
Mãi mãi Thiên Chúa yêu thương chúng ta
Nếu tội lỗi, bất trung và phản bội làm cho con người chia rẽ, đánh mất tình liên đới thì lòng thương xót và tha thứ có thể hàn gắn lại những đổ vỡ do tội lỗi gây ra. Thực vậy, nếu con người cứ “lấy oán báo oán, oán sẽ chập chùng”. Cuộc đời chỉ đong đầy nước mắt bi ai của bạo lực và chiến tranh.
Tin mừng hôm nay như một lời minh chứng về lòng thương xót của Chúa dành cho các môn sinh. Chính lòng thương xót đã nối lại tình nghĩa thầy trò. Chính lòng thương xót của Chúa đã hàn gắn lại những đổ vỡ sau tuần Thương Khó. Với lòng thương xót, Chúa đã nhìn ra nhu cầu lúc này của các môn sinh là sự bình an của ơn tha thứ. Bởi lẽ trong đêm tối vườn cây dầu, các môn đệ đã “tan đàn xẻ nghé”. Họ như những lính bại trận. Thất vọng, hoang mang và lo sợ đến nỗi bỏ Chúa, bỏ nhau. Mỗi người một nơi. Mặc Thầy, mặc bạn. Đường ai ai nấy đi. Kẻ lẩn trốn. Kẻ về quê. Tất cả dường như đã quên lời hứa “nào chúng ta cùng lên Giêrusalem” để cùng chết với Thầy.
Điều ray rứt lương tâm nơi các môn sinh là mặc cảm tội lỗi. Họ đã hèn nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu. Họ đã bán Thầy, chối thầy và bỏ Thầy. Thế mà, ngay ngày đầu tiên Chúa sống lại, Chúa đã không sai người đi tìm kiếm và hỏi tội các ông, nhưng với một lời đầy yêu thương, Chúa đã nói với những người phụ nữ đến thăm mồ “Hãy đi báo tin cho anh em Ta. Ta sẽ chờ họ ở Galilêa”. Chữ “anh em” thay cho lời trách móc những kẻ phản bội, bất tín, bất trung. Chữ “anh em” dường như đã xoá hết những ngăn cách bởi mặc cảm tội lỗi nơi các môn sinh.
Thực vậy, khi Chúa hiện ra với các môn sinh, Ngài không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần. Nơi các môn đệ hèn nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu. Nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng theo lý luận thuần túy nhân loại. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông. Nếu Chúa sống lại nhưng không tha thứ cho các ông thì đời các ông sẽ ra sao? Liệu rằng các ông có dám ngước mắt nhìn thẳng vào Thầy hay vẫn lấm lét, thẹn thùng đầy lo sợ, bất an như Adam năm xưa trong vườn địa đàng.
Hôm nay cũng là ngày kính nhớ “Lòng Thương Xót” của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta: hãy sám hối ăn năn vì những thiếu sót và lầm lỗi của mình. Hãy tin vào tình thương tha thứ của Chúa để sửa đổi bản thân nên hoàn thiện hơn như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Xin đừng tiếp tục xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa. Xin đừng lợi dụng lòng thương xót của Chúa để tiếp tục sống buông thả trong những đam mê lầm lạc, những quan hệ bất chính, những thói đời gian dối hại người. Một cách đặc biệt là hãy dâng những hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về cùng Chúa. Đó là điều mà Chúa đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta. Vì thế giới hôm nay đang bị tục hoá bởi một trào lưu văn hoá phóng túng và sa đoạ. Người ta phạm tội nhưng không còn ý thức về việc mình làm là tội.
Người ta dùng thân xác để kinh doanh kiếm tiền. Hàng đêm vẫn còn đó biết bao cô gái dùng thân xác của mình để đổi lấy đồng tiền dơ bẩn. Hàng đêm vẫn còn đó những chàng trai rải tiền trên thân xác người khác để thoả mãn thú tính của mình. Thế giới tục hoá đã biến con người thành một sản phẩm, một mặt hàng có thể ngả giá bán công khai nơi đầu đường xó chợ. Người ta ước tính mỗi năm có hàng trăm ngàn cô gái tự nguyện và bị ép bán làm dâu cho ngoại bang để kiếm lấy vài triệu đồng cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Thế giới tục hoá đã đánh mất sự linh thánh nơi con người là “nhân linh hơn vạn vật”, nên dẫn đến tình trạng sát hại thai nhi như những anh đồ tể giết một con vật vô tri vô giác. Người ta ước tính hàng năm có hàng triệu thai nhi bị sát hại ngay trên quê hương với bốn ngàn năm văn hiến.
Ngày xưa khi dân thành Sôđôma ăn chơi sa đoạ, sứ thần Chúa được sai đi tiêu hủy cả thành. Ông Abraham đã nài xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ. Sứ thần Chúa đã chấp nhận lời thương lượng của ông: “Vì 10 người công chính, Thiên Chúa sẽ tha phạt cho cả thành Sôđôma”, nhưng khốn nỗi ông không tìm thấy đủ 10 người công chính nên cả thành đã bị tiêu diệt.
Có lẽ ngày nay Chúa đang cần những con người có tâm hồn thanh sạch lòng ngay. Chúa cần những con người như vậy để vì họ mà Chúa nguôi cơn thịnh nộ trút xuống địa cầu. Điều đó đã được Chúa mạc khải qua thánh nữ Faustina. Ngài muốn có nhiều người chấp nhận lòng thương xót vô bờ bến của Ngài để máu và nước đổ ra từ trái tim bị đâm thâu của Ngài có thể tẩy xoá, rửa sạch tội lỗi, và ban sự sống mới cho những ai tin nhận nơi Ngài. Ngài muốn có nhiều người như thánh nữ Fausina, biết dâng những hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Vâng, thế giới đang tục hoá. Con người đang đánh mất lương tri của mình. Tội lỗi ngày một gia tăng. Thiết tưởng mỗi người kytô hữu không chỉ sám hối và đền tội cho mình, mà còn cho cả nhân loại đang lao vào hố diệt vong của đời sống buông thả và sa đoạ. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin phó thác cuộc đời con, gia đình con và nhân loại hôm nay nơi lòng thương xót của Chúa. Chúng con xin dâng những hy sinh, lời cầu nguyện để bù cho những tội lỗi nhân gian”.
Pr.Nguyễn Mai