"Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến..." (Mc 14, 1-15.47)
( Mc 14,1- 15,47 )
Bài thứ nhất:
“Từ khải hoàn đến Thập giá”
-----------------------------------
Từ khải hoàn đến thập giá, từ thập giá đến khải hoàn, đó là tất cả ý nghĩa mà chúng ta phải sống trong tuần Đại Thánh này. Đó là Tuần Lễ Phục sinh, tuần của chặng đường vĩ đại mà Chuá Giêsu, sau khi được tung hô với muôn vàn lời ca tiếng hát và những cành vạn tuế dâng cao, thì Ngài sẽ phải bước qua cái chết để vào trong vinh quang của sự sống lại. Tuần lễ khủng khiếp! Tuần lễ huy hoàng! Tuần lễ mà mầu nhiệm cứu độ được hoàn thành. Tuần lễ vang dội mà Chúa Giêsu sắp vượt qua từ cái chết để vào cõi sống, từ trần trụi để vào vinh quang, từ bóng tối để vào ánh sáng, từ thất vọng để mà hy vọng.
Nhưng để có thể nhảy mừng hân hoan vào chủ nhật tuần sau, trước hết chúng ta phải chấp nhận sống trần trụi như Chúa Giêsu. Nếu chúng ta muốn tham dự vào vinh quang của Người, hãy thực hiện và bắt chước sự hạ mình tuyệt đối của Chúa Kitô.
Đối với Chúa kitô, Tuần Thánh là tuần trần trụi, khiêm hạ, từ bỏ, huỷ diệt hoàn toàn. Ngài là Thiên Chúa hoàn thiện, lại mặc lấy bản tính nhân loại giới hạn và phải chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là một sự hạ mình thẳm sâu. “Đức Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tư”.
Khi xuống trần gian, Chúa Kitô không mất bản tính Thiên Chúa nhưng là che dấu, một cách khiêm nhường vào ngày nhập thể . Khi đón nhận bản tính nhân loại của Ngài, Chúa Kitô chấp nhận quá đáng đến nỗi đánh mất luôn cả phẩm giá con người của Ngài.
Ngày lễ Lá hôm nay, thành công của Ngài chỉ là tương đối. Một điều gì đó xem chừng chẳng có nghĩa gì trong Thiên Chúa này: tại sao Ngài lại biểu dương uy quyền bằng cách cưỡi trên con lừa con mảnh khảnh mà lại không ngồi trong một chiếc xe hơi hạng sang như các nguyên thủ quốc gia? Có một điều gì đó nơi vị vua này: tại sao Ngài lại chẳng có một nhà báo hoặc nhà quay phim nào đi theo, mà chỉ có những cành lá đơn hèn của những kẻ mến phục Ngài và kèm theo cả những cái nhìn ghen ghét của những địch thù Ngài?
Trong suốt tuần này, Ngài nhận thấy hàng loạt những sự tước đoạt đến nỗi dần dần dám làm mất cả phẩm giá của Ngài:
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả tình bạn nghĩa thiết: các tông đồ dần dần bỏ rơi ngài. Những khinh bỉ khạc nhổ của những tên lính Rôma vào mặt Ngài không xót xa bằng sự bỏ rơi của những người bạn chí thiết.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả sự trung thành của Giuda là người ròi khỏi bàn ăn tiệc thánh nơi mà thầy trò ăn bữa tối cuối cùng với nhau để mà đi nộp Ngài.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả danh dự của một con người, khi bị trình diện dưới dạng một ông vua bị nhạo báng, tay cầm phủ việt là cây sậy và đầ đội triều thiên toàn gai sắt, trước đám đông hò hét inh ỏi.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả uy quyền của Ngài, khi bị kết án tử hình mà đáng lẽ chỉ một lời phát ra từ miệnh ngài là toàn bộ lính Rôma có thể bị tiêu diệt.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả sự nâng đỡ của Cha Ngài khi Ngài kêu tới Cha Ngài mà chỉ gặp được sự im lặng.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả điều mong ước làm cho mẹ ngài được hạnh phúc khi mẹ ngài phải nhìn thấy những sự xỉ nhục như vậy làm tan nát trái tim mẹ Ngài.
- Ngài đã bị tước đoạt khỏi cả áo quần để bị bêu diếu trước cái nhìn của những kẻ tò mò và miệt thị phỉ báng. Ngài đã trở nên nạn nhân vô tội.
Vậy, Ngài còn là một con người nữa không?
Người ta đã tiêu diệt nốt cả bản tính nhân loại của Ngài rồi đó!.
Tuy nhiên sự bị tước đoạt này Ngài đã chọn, đã muốn và hoàn toàn tự nguyện. Ngài đã nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài”.
Là môn đệ của một Thiên Chúa bị tước đoạt như thế, người kitô hữu đích thực không thể dẹp bỏ mầu nhiệm vượt qua ra bên cạnh được và cũng không thể bỏ qua những ân huệ của mùa vượt qua này!
- Hãy tước đoạt thời gian của chúng ta để giành một ít thời gian cho Ngài: cụ thể là theo dõi các nghi thức phụng vụ của tuần này! Hãy sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu trong đêm thứ năm thánh, đêm mà Ngài ở một mình với giáo xứ chúng ta như đã ở trong vườn Giêtsimani. Rồi ngày thứ sáu thánh, chỉ còn ít người đứng dưới chân thập giá, chúng ta hãy tỏ lòng tôn kính suy tôn Thánh giá một cách long trọng.
- Hãy tước đoạt một ít của cải vật chất của chúng ta để cuối mùa chay này, chúng ta dành dụm được một số tiền trợ giúp những người đau khổ.
- Hãy tước bỏ những thói quen lãng phí của chúng ta đi: rượu chè, phấn son quá nhiều…
- Hãy tước bỏ những lỗi lầm của chúng ta, nhất là những gì làm mất lòng Thiên Chúa. Xưng tội trong mùa phục sinh chính là thứ OMO tẩy sạch tâm hồn chúng ta như mới, mới của mùa xuân nở hoa.
Cuộc đời của chúng ta đôi lúc đòi hỏi phải bị tước đoạt: tước đoạt mất tiếng tốt do một sự vu khống nào đó, tước đoạt khỏi tình bạn chí thân do một yếu tố nào đó gây nên. Một sự tước đoạt trầm trọng về sức khoẻ của chúng ta. Hoặc một sự tước đoạt có thể là do một người con hư đốn trong gia đình, làm chúng ta mất niềm tự hào.
Đứng trước những sự tước đoạt như thế, chúng ta chấp nhận hay nổi loạn? Mặc dù Chúa Kitô một lúc nào đó có kêu lên: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”, nhưng Ngài đã kết thúc bằng một câu nói tuyệt đẹp: “Nhưng theo ý Cha, đừng theo ý con”. Chúng ta không là Chúa Kitô, và thỉnh thoảng chúng ta bị cám dỗ mong mầu nhiệm vượt qua này sớm kết thúc hoặc để mầu nhiệm vượt qua này cho các thánh…Cha Charles Monier nói: “Trong mỗi người chúng ta mầu nhiệm cứu chuộc đóng vai trò rất quan trọng. Thiên Chúa muốn là người chiến thắng trong chúng ta. Tiếng xin vâng của chúng ta trong đêm tối, đó là làm vinh quang cho Ngài”.
“Ở đâu thập giá được dụng nên, ở đó gần kề sự sống lại”. Vậy thì tại sao chúng ta lại sợ tương lai? Tập sống bị trần trụi giúp chúng ta không sợ tuổi già gần kề cũng như sự chết: tuần đại thánh của cuộc đời chúng ta sẽ mở ra những cánh cửa vui mừng vĩnh viễn một cách chắc chắn nhất.
Lm Gioan Đăng Văn Nghĩa
Bài thứ hai:
Thế là ông òa lên khóc !
WGPHH: “Ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của Thượng tế đi tới, thấy ông sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Nagiarét, ông Giêsu đó chứ gì? Ông liền chối: Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì. Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy. Nhưng ông Phêrô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: Đúng là bác thuộc bọn chúng vì bác cũng là người Galilê. Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: Tôi thề là không có biết người các ông nói đó. Ngay lúc đó gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói với mình: Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.THẾ LÀ ÔNG ÒA LÊN KHÓC!”
Một Simon dân chài, chân thật, nhiệt tình đã từng tuyên xưng Thầy là Đấng Cứu thế; đã từng tuyên bố sống chết với Thầy; đã có lần say sưa mãn nguyện Thưa Thầy ở đây tốt lắm; đã có lần bồng bột tuốt gươm chém đứt tai Man-cô, luôn dẫn đầu các môn đệ trong suốt những năm tháng truyền giáo với Đức Giêsu khắp miền Thập tỉnh. Nhưng nay không ít hơn ba lần: “Tôi thề không có biết Người các ông nói đó”. Và gà gáy lần thứ hai. Thế là ông òa lên khóc”. Ông òa lên khóc. Khóc hết cuộc đời cho đến khi bị đóng đinh ngược trên thập giá, hình như ông vẫn than thở: “Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy”. Tôi nhớ lại một vần thơ:
Một đêm tối Giêrusalem,
Một đêm tối cô đơn hãi hùng,
Giá buốt, giữa ngọn lửa bập bùng:
Anh cũng người Galilê?
Một tiếng gà gáy trong đêm,
Simon Phêrô đã vấp ngã.
Một ánh mắt yêu thương,
Một tiếng khóc òa
Và mãi mãi hối hận ăn năn!
Nước mắt ăn năn là lời thầm của giòng kinh sám hối. Nhiều lúc phải khóc để xin một ân sủng. Có khi ân sủng chỉ được ban tặng khi có nước mắt. Khóc là lời mời gọi vào niềm tin.
Có những tâm hồn lầm lỡ chỉ vì yếu đuối mà chua xót. Họ muốn quên đi cái quá khứ bất hạnh ấy. Nhưng có kẻ biết chuyện lại đem nói cho người khác để tỏ ra sự hiểu biết của mình. Họ chẳng thể hiểu được nỗi cay đắng kia. Vì hai ngàn năm trước họ đã muốn ném đá người đàn bà ngoại tình. Đối với một số người, nói những khuyết điểm của kẻ khác là hình thức để nói mình trong sạch. Họ chỉ thua cuộc trước mặt Đức Kitô. Hai ngàn năm trước là thế, hôm nay cũng vậy. Tôi thấy nhiều người khóc, nhưng tâm hồn tôi chẳng rung cảm. Làm sao có thể rung cảm, làm sao có thể hiểu được khi tôi chỉ đứng xem người vác thập giá, chứ tôi không vác thập giá. Người khác thiếu đói nheo nhóc, còn tôi vẫn đủ đầy.
Trong tình yêu cũng có nước mắt. Mađalêna đã khóc: “Chị đứng đằng sau sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới chân Người” (Lc 7, 38). Phêrô đã khóc vì chối Thầy. Phêrô không nói gì với Chúa khi Chúa nhìn, nhưng chỉ khóc, khóc thảm thiết, khóc nức nở, khóc mãi khôn nguôi. Họ chẳng nói nhưng nước mắt đã nói lên tất cả. Đó là những giọt nước mắt sám hối. Những giọt nước mắt khi biết mình lầm lỗi bao giờ cũng có giá trị cứu rỗi. Nước mắt tình yêu.
Evà đã lỗi phạm. Khi Chúa hỏi thì bà đổ tội cho con rắn. Bà đã không khóc.
Adam đã lỗi phạm. Khi Chúa hỏi thì ông đổ tội cho Evà. Ông đã không khóc.
Tội kế đến xảy ra trong gia đình đầu tiên của nhân loại là Cain giết em mình. Khi Chúa hỏi: Em ngươi đâu? Cain trả lời: Tôi không biết. Tôi là người giữ nó à? Anh đã không khóc. Giuđa đã phản bội nộp Chúa. Anh đã lo sợ, tự ti, mất hy vọng, không có niềm tin vào tình yêu của Chúa. Anh đã không khóc lầm lỗi, chán chường, bế tắc và tự vẫn.
Những giọt nước mắt hiếm hoi làm sao! Vì thuở ban đầu đã thiếu nước mắt ăn năn. Nên bây giờ nước mắt gian truân, cay cực ở khắp chốn. Nước mắt đã làm động lòng Thiên Chúa. Nước mắt xóa nhòa quá khứ. Nước mắt mở cửa tương lai. Nước mắt làm sống lại hạnh phúc.
Trong đêm khuya có lúc nào bạn tự hỏi: đã bao giờ tôi đã nói, làm điều gì đó tương tự như Simon Phêrô xưa: Tôi thề không có biết người ấy là ai. Người ấy là ai ư? Vâng, là Đức Giêsu mà đã hơn một lần tôi khản cổ tung hô: Hosanna, filio David (Hoan hô Con Vua Đavít); là Đức Giêsu mà có lần tôi đã rưng rưng rơi lệ sung sướng: Lạy Chúa, xin ngự vào hồn con; là Đức Giêsu vua tình yêu, đã yêu tôi đến điên rồ. Vậy mà giờ đây tôi lại không biết Người. Vì sao? Vì quyền lực danh vọng, vì tiền bạc sang giầu, vì dục vọng đớn hèn, vì trăm thứ phù du khác đã che lấp lương tâm, trí tuệ tôi! Vâng, hôm nay tôi nhìn thấy một ánh mắt yêu thương. Tôi khát khao một tiếng khóc òa mà nước mắt thấm đẫm tình yêu Chúa. Và tôi đã khóc.
Một ánh mắt yêu thương,
Một tiếng khóc òa,
Không chỉ trong đêm vườn Giêtsimani,
Mà trong suốt cuộc đời,
đến khi bị treo ngược trên thập giá.
Ôi! Simon Phêrô của tôi và của tất cả mọi người.
Pr. Nguyễn Mai
(04/02/2015)
Bài thứ ba:
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!” Họ trải áo trên đường để Chúa đi” (Mc 11, 8-10 ). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói : “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” ( Mt 8,17 ). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Mt 15, 34). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình doi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.
Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như : sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài thứ tư:
Tại làm sao Chúa chết?
(Mc 14, 1-72 ; 15,1- 47)
Sau khi đọc bài tường thuật đầy đủ về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo thánh Marcô. Chúng ta không thể không màng chi đến những sự xảy ra trước đó. Nhiều người không khỏi thắc mắc : một con người như vậy sao lại kết thúc trên Thánh giá? Đâu là nguyên do dẫn đến cái chết và ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Theo một lý thuyết lưu hành vào thế kỷ 20 sau thảm kịch Shoah, Hitler tiêu diệt những người Do thái, người ta qui trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do thái, Philatô và các thẩm quyền Rôma thời ấy, mà động lực thúc đẩy thuộc bản chất chính trị hơn là tôn giáo.
Bằng chứng là Hội đồng Do thái, đứng đầu là các thượng tế và luật sĩ “ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu” (Mc 14, 1) ; “tìm chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người” (Mc 14, 55), chứng gian tìm không ra, lời chứng lại không khớp, phải nại đến vị thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu : “ Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?” (Mc 14, 61). Chúa Giêsu đáp: “Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên đám mây” (Mc 14, 61). Ông liền đứng lên xé áo mình và kết án : “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?” (Mc 14, 62) Họ quyết định lên án tử cho Người (Mc 14, 64).
Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô, nên họ “ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô” (Mc 15, 1). Philatô không phải là người quan tâm tới sự công chính đến nỗi âu lo về số phận của một người Do thái không tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng đổ máu nếu có một dấu vết rất nhỏ nổi loạn (x. Lc 13, 1-9). Tất cả sự này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông không ra sức cứu sống Chúa Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, với họ ông đã có xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, sự này không giảm bớt trách nhiệm của Pilatô trong việc lên án Chúa Giêsu, một trách nhiệm ông đã chia sẻ với những nhà lãnh đạo Do thái.
Khi gặp Chúa Giêsu, Philatô hỏi : “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Chúa Giêsu đáp : “ Ông nói đúng” (Mt 15, 2). Câu trả lời của Chúa Giêsu không giúp Chúa thoát khỏi vụ án mà lại như thêm dầu vào lửa, khiến các thầy thượng tế lại tố cáo thêm, nhưng Chúa không đáp lại một lời nào.
Đối diện với những kẻ đòi giết Chúa Giêsu, Philatô không biết làm sao nên hỏi dân “Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?” (Mc 15, 9); “Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?" (Mc 15, 12). Những câu hỏi trên chẳng những không cứu được Chúa Giêsu mà còn như thể gia tăng lòng quyết xử tử Người: “Đóng đinh nó đi” (Mc 15, 13). Lúc ấy trong khám đang có sẵn kẻ giết người tên là Baraba, Philatô nghĩ ra trò tráo mạng Giêsu để may chăng dân chúng tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông đã lầm, dân chúng càng hô to hơn: “Đóng đinh nó đi” (Mc 15, 14). Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “ Ông liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho họ mang đi đánh đòn và đóng đanh vào thập giá” (Mc 15, 15).
Khi quyết định trao nộp Chúa Giêsu thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ. Tin Mừng được giả thiết là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những người lãnh đạo Do thái chủ mưu giết Chúa. Chính thánh Phaolô khi tường thuật về án tử của Chúa Giêsu giống như các sách Tin Mừng mô tả, ông viết “những người Do thái đã giết Chúa Giêsu” (1 Tx 2,15).
Từ những tường thuật về cái chết của Chúa Giêsu trong Talmud và trong những tài liệu Do thái khác, truyền thống Do thái không bao giờ từ chối sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong việc lên án Chúa Giêsu. Họ không bênh vực mình bằng sự chối bỏ hành động, nhưng nếu có hành động nào, họ đã chối hành động đó, từ viễn ảnh Do thái, làm thành một tội ác và án tử Chúa Kitô Giêsu là một án bất công.
Như vậy, đối với câu hỏi, “ tại sao Chúa chết ? ” Sau tất cả những nghiên cứu và những sự lựa chọn được đề nghị, chúng ta phải đưa ra cũng một câu trả lời như trong các Tin Mừng là Người bị kết án vì những lý do tôn giáo. Kết luận, các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm quyền chính trị, các thủ lãnh Công Nghị và quan tổng trấn Roma, cả hai đã tham gia, vì những lý do khác nhau, trong sự xử án Chúa Kitô.
Phần chúng ta, những người tin Chúa Giêsu đều nghĩ rằng chính những người Do thái đã giết Chúa. Chúng ta cũng thường qui kết cho Giuđa là kẻ phản bội đã bán đứng Thấy, kẻ tiếp tay cho các thượng tế và kinh sư bắt nộp Chúa.
Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” chịu đóng đanh, chị chết để chuộc tội cho chúng ta (x. Kinh Tin Kính).
Khi ta từ chối Chúa và chương trình thiêng liêng của Người, hay khi ta xúc phạm đến Chúa, không sống xứng đáng là con Thiên Chúa, chúng ta chịu trách nhiệm cách đặc biệt hơn vào cái chết của Chúa. Mỗi lần chúng ta phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt hại cho cả Hội Thánh nữa là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải đau phiền và phải chết.
Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ