Chúa nhật 3 MC B - Hãy là người gác cổng của trái tim bạn
Cập nhật lúc 16:36 02/03/2015
Cuộc hành trình của chúng ta tiến tới lễ Phục sinh là một cơ hội tốt để đem lại tất cả khoảng trống cho Thiên Chúa trong cung thánh nội tâm chúng ta.
( Ga 2,13-25 )
Khi đuổi những người buôn bán trong đền thờ, Chúa Giêsu muốn dọn chỗ cho sạch sẽ, dẹp bỏ những đồ đạc công kềnh trong Nhà Cha khỏi mọi thứ dư thừa, tất cả những gì không liên quan đến niềm tin! Và để làm điều đó, Người đã không ngần ngại nổi cơn thịnh nộ. Trong mùa chay này, cả chúng ta cũng được mời dọn dẹp quét tước “ngôi đền thờ nội tâm” của chúng ta, làm cho thông thoáng sạch sẽ, dành không gian cho Thiên Chúa. Vì tâm hồn chúng ta đã để cho các “con buôn” xâm chiếm. Tất cả những lời mời mọc bên ngoài này luôn thúc đẩy chúng ta “phải có nhiều hơn”(tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tiện nghi).
Cuộc hành trình của chúng ta tiến tới lễ Phục sinh là một cơ hội tốt để đem lại tất cả khoảng trống cho Thiên Chúa trong cung thánh nội tâm chúng ta. “Hãy là người gác cổng của trái tim bạn và đừng để một ý tưởng nào xâm nhập vào mà không xét hỏi. Hãy xét hỏi từng ý tưởng một và nói với nó: Bạn thuộc phe chúng tôi hay phe của địch? Nếu nó thuộc nhà của bạn, nó sẽ đổ đầy bình an xuống cho bạn; Nếu nó thuộc phe địch, nó sẽ quậy phá bạn kịch liệt và làm cho bạn rối tung vì những ước mơ viển vông” (trích câu nói của Evagre le Pontique). Tiến tới Phục sinh, chính là đuổi ra khỏi đền thờ của trái tim chúng ta tất cả những gì làm chúng ta quay lưng lại cho chính sự sống lại của chúng ta…(Bertrand révillion).
Chúa Giêsu tuyên bố: Thân Thể Người chính là đền thờ đích thực. Ông Origène đã giải thích ý nghĩa là: Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ và đổi mới cách thờ phượng Thiên Chúa. Phụng tự Do thái không còn thích hợp nữa, cần phải được thay thế bằng phụng tự Kitô giáo. Đó là tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý.
Vâng, Đức Giêsu, quả là điều hiếm thấy. Người đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ để khẳng định quyền của Thiên Chúa. Đức Giêsu không phá bỏ các nghi lễ thờ phượng cà các phương tiện cần thiết (đổi tiền cúng hiến, mua thú vật để làm của lễ). Nhưng Người lên án thái độ “buôn bán”, lạm dụng, chạy theo lợi nhuận quá đáng, tất cả những gì làm hoen ố hoạt động thánh thiêng của con người ngay cả trong những hành vi cao thượng nhất.
Một trang Phúc âm thật hay và một bài học tuyệt vời. Thánh Gioan không phải là một ký giả, nhưng là một người rao giảng Phúc Âm. Thánh nhân tường thuật một biến cố như một dấu chỉ, mà chỉ có thể hiểu được qua ánh sáng Phục sinh.. “Các môn đệ nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.”
Nhà Chúa, đó là thân mình Đức Kitô, đền thờ đã bị hận thù của con người phá hủy và đã được xây lại - đã phục sinh từ cõi chết - nhờ tình yêu toàn năng của Chúa Cha. Sức mạnh của Thiên Chúa không theo đường lối của chúng ta. Đó là sức mạnh của tình yêu, là sự khôn ngoan tuyệt đối tối cao.
Thân mình Đức Kitô đó là Giáo hội, là ngôi nhà thờ trong thôn làng của chúng ta. Hãy yêu cả Giáo hội lẫn giáo xứ. Nhà Chúa cũng là nơi mọi người họp lại nhân danh Ngài. Đó là mỗi người chúng ta, cõi lòng chúng ta (Henri Caro).
Ngày nay nhà thờ Công giáo dường như có mặt khắp nơi và có đủ mọi kiểu dáng, ngay giữa thành thi cũng như nông thôn, tráng lệ nguy nga hay khiêm tốn giản dị. Sự khác biệt đó không quan trọng cho bằng đền thờ có thực sự là nơi cộng đoàn kết hợp với Đức Kitô để tôn thờ Thiên Chúa hay không?
Đền thờ đích thực là nơi cộng đoàn ca hát, đối đáp cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Đền thờ đích thực là nơi Đức Giêsu đang hiện diện để cùng đồng hành vơi cuộc sống dân Kitô giáo. Tâm hồn tôi là đền thờ Thiên Chúa. Từ Thánh lễ nơi nhà thờ đến thánh lễ kéo dài trong đời sống của tôi, trong tâm tình tạ ơn, ngợi ca và thống hối. Ở đó, tôi dâng lên Chúa những tính toán lo toan mỗi ngày, những khổ đau , thất vọng, mỏi mệt chán chường của kiếp người tôi dâng lên làm của lễ, hiệp với lễ dâng của Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha.
Pr. Nguyễn Mai