Chúa nhật 4 Mùa Chay B - Thiên Chúa yêu thế gian
Cập nhật lúc 10:22 10/03/2015
Thánh Gioan không bao giờ có thể quên được ngày đó và cảnh tượng đó. Còn chúng ta lại có vẻ như đã quá quen thuộc.
( Ga 3,14-21)
WGPHH: “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban con một mình để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…Không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” Quả vậy, thập giá chỉ chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Gioan mời gọi chúng ta nhìn lên Thập giá. Cần phải dám ngắm nhìn “Đấng chịu đóng đinh đó”, Đấng được “giương cao” trước mắt chúng ta. Đức Giêsu vừa được giương cao trên thập giá, vừa được đưa lên ngự bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời.
Thánh Gioan không bao giờ có thể quên được ngày đó và cảnh tượng đó. Còn chúng ta lại có vẻ như đã quá quen thuộc. Thánh Gioan là người duy nhất trong số 12 Tông đồ có mặt dưới chân thập giá vào chiều thứ sáu. Kể từ khi ấy, trong suốt hơn 70 năm, ông đã suy gẫm hình ảnh này và đây là kết quả của việc suy tư lâu dài và sâu sắc mà ông cống hiến cho chúng ta.
Đối với thánh Gioan, “Thập giá và Phục sinh” thuộc cùng một mầu nhiệm mà ông đã diễn tả bằng một từ mang hai ý nghĩa: “ Đức Giêsu được đưa lên cao khỏi đất”. Bị đóng đinh cũng có nghĩa là được tôn vinh và thăng thiên đã bắt đầu ngay từ ngày thứ sáu Tuần Thánh. Còn chúng ta vẫn tiếp tục mong chờ Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người trong cử chỉ hiển thắng rạng ngời nào đó.
Thánh Gioan đã chứng kiến cảnh tượng đó thì thập giá chính là vinh quang Thiên Chúa. Cây thập giá nơi Đức Giêsu bị treo lên cũng như con rắn đồng được treo lên cây gỗ, trở thành biểu tượng của sự sống. Chiều đứng thẳng của Đức Giêsu trên thập giá trả lại cho con người tư thế của sự sống, tư thế đứng. “Con Người” bị đưa lên cây gỗ thập giá để nâng loài người đang nằm, con người chiều ngang. Làm thế nào đứng dậy được, nếu không phải là nhờ vào lòng cậy trông, nhờ vào đức tin. Ai tin vào Người sẽ không bị hư mất, gương mặt sẽ không còn gục xuống, người ấy sẽ nhận được sự sống đời đời, một cuộc tái sinh. Đó là câu trả lời của Đức Giêsu đối với câu hỏi cua ông Nicôđêmô. “Điều ấy có thể xảy ra như thế nào? Bằng cách tin vào “ Con Người” được nâng cao trên thập giá.
Mở đầu Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời…” Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình là giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu. Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì không có gì để nói. Sự Phục sinh của Đức Giêsu nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Người.
Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của đức Bác ái. Hy sinh cho người xa lạ là một điều đang khâm phục trong yêu thương. Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống quả là một hình ảnh diễn tả tuyệt vời của tình yêu.
Tội lỗi và yếu đuối là thân phận của con người, nhưng nếu con người vẫn cứ dìm mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luận phạt. “Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy sẽ được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Vâng, cần ưu tiên cho ánh sáng, Ánh Sáng Cứu Độ.
Tin Mừng thánh Gioan gợi lên một nguy cơ lớn lao cho dân Chúa, mà chỉ những ai ngước mắt lên nhìn con rắn đồng mới được sống sót. Đối với ông Gioan, dân chúng thời đó - chắc chắn của mọi thời - cũng đến lượt bị đe dọa hư mất đời đời. Và Con Người sẽ cứu họ, cũng như con rắn đồng đã cứu, khi nó được giơ lên, trước mặt thế giới. Nó sẽ cứu những ai nhìn lên nó.
Chỉ thế là đủ để được cứu, thật quá ít, một lời mời gọi rất đơn giản mà có lẽ người ta sẽ không lấy làm quan trọng. Vì còn gì dễ hơn việc mở mắt ra và nhìn. Ấy thế mà kế tiếp Tin Mừng này cho chúng ta thấy là không phải như vậy, là không dễ như thế. Nhìn con rắn như kẻ cứu mình, cũng chính là nhớ lại vết thương chết người.
Cũng vậy, ngước lên Thiên Chúa Đấng cứu độ, cũng là chấp nhận nhìn lên cái gì đã cứu chúng ta. Đón nhận ơn tha thứ, không phải là lẩn tránh trước những gì đã tố cáo chúng ta, đó là trí nhớ lương tâm, hoặc có thể là những người mà chúng ta đã làm họ thất vọng hay phản bội. Những con đường của lòng thương xót phải đi qua sự phán xét.. Một sự phán xet gay gắt, một thị kiến đắng cay của tội lỗi, mà không có nó, không ai xin được và có được ơn tha thứ. (Jean-Pierre Manigne)
Buồn thay, “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuông bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”. Ánh sáng nào soi cho lòng ta biết nhìn lên Thập Giá Cứu độ?. Xin Ánh sáng Thánh Thần Chúa soi lòng mở trí chúng con biết nhận ra tình Chúa yêu chúng con tỏa ra từ trên Thập giá.
Pr. Nguyễn Mai