Thứ sáu, 10/01/2025

Các bài suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm – B

Cập nhật lúc 17:57 27/05/2015
 
Bài 1:
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
------------------------
Đối diện với Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Ba Ngôi cũng chỉ là Một Thiên Chúa, chúng ta không biết nói gì và làm gì, nếu không khiêm nhường im lặng thẳm sâu, chiêm ngắm và chờ đợi Thánh Thần giải thích điều mà chúng ta không có thể biết được. Đối diện với điều khó tả, khó giải thích và khó tưởng tượng, chúng ta thường bị cám dỗ dùng những hình ảnh cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta không có quyền tránh né một ngày lễ trọng đại như vậy. Dù sao, Chúa Giêsu cũng đã vén mở một chút tò mò về mầu nhiệm này. Ngài cống hiến cho con người bí mật lớn lao về gia đình: Thiên Chúa không phải là một người độc thân khô cằn khó tính khó nết. Thiên Chúa là một gia đình, Thiên Chúa là tương quan, Thiên Chúa không tự chiêm ngắm mình như chàng Narcis trong huyền thoại, vì Thiên Chúa là Ba Ngôi.
Đối diện với mặc khải cao cả này, một số người phản đối một Thiên Chúa trong cả ba ngôi! Thật là vô lý và phản khoa học! Tuy nhiên, nếu có ai nói rằng vào lúc nào đó sẽ có người giải thích được mầu nhiệm về Thiên Chúa, thì người đó cũng sai lầm lớn. Thánh Athanasio nói: “Một Thiên Chúa mà có thể hiểu được thì không còn là Thiên Chúa nữa”.
Hãy thử hình dung Thiên Chúa bằng những từ ngữ như là một đại dương không bờ bến, một vực thẳm tình yêu, một Everest tình yêu (điểm cao nhất của núi Himalaya: 8.848 m). Tất cả những từ ngữ đó cũng không thoả mãn được. Dù không hiểu gì, chúng ta cứ hãy đến gần chân lý!
Nhiều người kitô hữu sống mà không rút ra được hậu quả của chân lý đức tin quan trọng này. Liệu có bao nhiêu người kitô hữu sống một đời sống tu đức do mầu nhiệm này soi chiếu? Chính Ba Ngôi Thiên Chúa đang ở trong chúng ta. Chính tâm hồn chúng ta là một khách sạn thần linh. Vậy hãy để cho Chúa Cha yêu mến, Chúa Con cứu độ  và Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta!
1- Hãy để Chúa Cha yêu mến!
Thiên Chúa Cha ở trong chúng ta. Vì chưng, trong Ba Ngôi, Thiên Chúa Cha là suối nguồn. Chúa Cha chỉ là ân ban, không là gì khác. Người chỉ tồn tại để tự hiến đời đời cho Chúa Con. Thật vậy, không có Cha nếu không có Con, và ngược lại không có Con nếu không có Cha. Nếu Chúa Cha không trao ban thì Người cũng không tồn tại và cũng không có Chúa Con. Chúa Cha làm cho Chúa Con tồn tại băng chính tình yêu mà Người đã làm cho thế giới tồn tại. Như vậy, Chúa Cha yêu chúng ta bằng chính tình yêu mà Người đã yêu Con Yêu Dấu của Người, vì chúng ta là những người con thừa tự. Nếu là một người cha trong gia đình, người cha sẽ bênh vực con cái để con cái không còn sợ, người cha nhẫn nại và tha thứ cho con cái, người cha trao ban tất cả cho con cái không tính toán. Nhưng điều này chỉ đưa ra một ý tưởng nhỏ nhoi về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta mà thôi!.
Hãy trở nên những người con để được Chúa Cha yêu mến vì Người ở trong chúng ta. Đừng bao giờ chúng ta sánh ví Thiên Chúa như một quan xét xử rình chờ khuyết điểm của chúng ta để mà kết tội. Cũng đừng sợ một người Cha, vì Người là một người cha tốt nhất. Một tôn giáo mà coi Thiên Chúa như viêm giám thị hoặc cảnh sát, thì không phải là Kitô giáo. Một người cha trần thế có thể ôm đứa con yếu ốm gầy còm khi nó đi xa trở về, phương chi Chúa Cha trên trời lại không có thể tha thứ cho chúng ta tất cả sao? Chúng ta hãy có thái độ của người con hướng về Cha bằng kinh nguyện đích thực, đó là kinh nguyện của người con.
Hãy để Chúa Cha yêu chúng ta! Mỗi buổi tối khi đi ngủ, hãy đi ngủ trong tinh thần phó thác vào cánh tay Cha. Louis Eùvely viết: “phép lạ vĩ đại nhất mà Chúa đã mặc khải cho tôi vượt trên tất cả những điều mà tôi có thể mong ước, đó là tôi là người con. Chúa yêu tôi. Chúa ở trong tôi. Chúa bế tôi. Chúa nuôi tôi. Sự sống mà Chúa ban cho tôi, chính là sự sống sung mãn của Chúa.”
2- Hãy để Chúa Con cứu độ chúng ta!
Chúa Con ở trong chúng ta. Người có là bởi Chúa Cha và vì Chúa Cha. Người vui mừng chiêm ngắm Chúa Cha và đón nhận ân ban mà chính Chúa Cha đã ban cho Người. Chúa Con vui mừng vì được làm theo ý Chúa Cha, và vui mừng vâng phục hoàn thoàn Chúa Cha. Thái độ này hoàn toàn chống lại thái độ của Adam và vì thế Chúa Con đã làm cho toàn thể nhân loại được nhận lại chức vị làm con Thiên Chúa. Chúa Con xuống trần gian để cắm mốc con đường hướng về Chúa Cha. Vì vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, Chúa Con là đại diện toàn quyền cho nhân loại chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Người thiết lập lại mối hiệp thông với Thiên Chúa đã bị tội lỗi cắt đứt. Người đã mở cho nhân loại con đường tiệc cưới muôn thuở. Người là Giêsu đích thực, có nghĩa là Đấng Cứu Độ.
Như vậy, nếu Chúa Con ở trong chúng ta, chúng ta hãy cứ để cho Người cứu độ chúng ta. Để được cứu độ, chúng ta phải nhận biết mình nghèo hèn và thiếu thốn. Thiên Chúa chỉ đến với chúng ta nếu chúng ta nhận biết mình khốn khổ và cần đến Người. Cha Charles Monier nói: “Bạn hãy đến! bạn hãy đi tìm Thiên Chúa là đấng đang tìm bạn. Hãy đến với tâm hồn nghèo khó, vất vả, và đói khát. Hãy hướng nhìn Người, hãy nương tựa Người. Người luôn trung thành”. Hơn nữa, chúng ta phải nhận mình là tội lỗi. Nếu không biết nhận mình là tội lỗi, chúng ta sẽ không được Thiên Chúa cứu độ.
3-Hãy để Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta!
Chúa Thánh Thần cũng ở trong chúng ta. Vì trong Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Người là nụ hôn trao cho nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần không phải là một người quấy rầy hoặc quan sát tò mò tình thân mật của Chúa Cha và Chúa Con.
Như vậy trong con tim chúng ta, Chúa Thánh Thần hương thơm tình yêu dâng trào, là người truyền giáo tình yêu vì tình yêu trải rộng con tim chúng ta. Tình yêu biến đổi người mình yêu mến. Hãy để cho Chúa Thần biến đổi chúng ta. Chúa Thánh Thần là giáo sư tâm hồn dẫn đưa chúng ta tới sự thật bằng tình yêu. Giáo dục một đứa trẻ trở nên một con người xứng với phẩm giá, là một việc khó. Nhưng Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta từ một con người trở nên con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta sống một thứ luân lý căn bản là làm đẹp lòng người yêu là Chúa Cha. Đừng bao giờ chúng ta quên mình là người con thùa tự của Thiên Chúa. Hãy làm vinh danh Cha chúng ta!
Con người chúng ta thường bị sức mạnh của thần dữ chiếm hữu hơn là sức mạnh của Thần linh. Nhưng nếu chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì tất cả các nẻo đường của chúng ta đi sẽ được biến đổi. Chúng ta sẽ có một đời sống gia đình hoặc đời sống cộng đoàn hiệp nhất sâu xa mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của các ngôi vị. Vì thế, chúng ta hãy để Chúa Ba Ngôi ở trong chúng ta, nếu muốn, thì một ngày nào đó trong cõi vĩnh hàng đến lượt chúng ta chúng ta cũng sẽ được ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 
Bài 2:
Nhân Danh Cha Con và Thánh Thần
(Mt 28, 16 - 20)
Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi.
Bài giáo lý thuộc lòng                                                                                                             
Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên : Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu :
Hỏi. Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn?
Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này : một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Lớn lên tôi mới hiểu đây là một trong ba mầu nhiệm phải tin cho được rỗi linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả lời chính xác là :
Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa. Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?
T. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi : Ngôi Nhất là Cha. Ngôi Hai là Con : Ngôi Ba là Thánh Thần.
H. Ngôi Nhất là Cha, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.
H. Ngôi Hai là Con, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T.Phải.
H.Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.                                                           
H. Nếu vậy có phải ba Đức Chúa Trời chăng ?
T. Chẳng có, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, vậy có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng ?
T. Ba Ngôi cũng bằng nhau. (Sách Bổn Địa Phận Hà Nội tr. 11)
Điều thứ nhất. Đoạn thứ II. Phần I Sách Bổn nói trên là một bản tóm tắt tuyệt vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa là thực thể duy nhất hiện hữu trong ba ngôi vị. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Thiên Chúa hiện hữu trong Ba Ngôi
Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới.
Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Thánh Augustinô viết : « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ». Phải, tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Người mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Giáo lý về Chúa Ba Ngôi chứng tỏ cho chúng ta thấy cả Ba Ngôi Vị đều tỏ hiện vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa,  « Chịu thanh tẩy xong, Ðức Yêsu liền lên khỏi nước; và này: trời mở ra, và Ngài thấy Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu mà đến trên Ngài. Và này có tiếng tự trời phán: « Ngài là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ » (Mt 3,16-17). 
Thiên Chúa hiện hữu trong ba thân vị, luôn luôn yêu thương, và có mối giao hoà trọn vẹn giữa ba ngôi vị. Theo như cách diễn giải của thánh Augustinô trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần chính là Người yêu, Người được yêu và Tình Yêu. Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Thomas Hopko, nếu Thiên Chúa không phải là Ba Ngôi, Chúa không thể trải nghiệm tình yêu thương trước khi Chúa tạo dựng các thực thể khác (con người) và yêu họ. Sáng thế ký 1 câu 26 chép rằng « Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh chúng ta ».
Ba Ngôi trong đời sống Kitô giáo
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, không thể nào diễn tả được; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hành động của Đức Cậy
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến
Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ».
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết : là mến Chúa  và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : « Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Bài 3:

 
TÔN THỜ CHÚA BA NGÔI TRONG ĐỜI SỐNG.
 
   “Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa. Nếu bạn đi thẳng vào tâm lòng bạn, ban sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
Trong thời Cựu Ước, mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi không được mạc khải trọn vẹn cho dân. Sống xung quanh các dân tộc thờ đa thần, dân Do thái được Thiên Chúa truyền dạy qua Môsê là họ phải tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, hằng hữu, toàn năng và chân thật, ngoài ra không có Chúa nào khác (Dnl 4,39 ). Đó là điều thiết yếu trong tôn giáo độc thần của họ.. Vì thế, đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có thể khiến họ lầm tưởng rằng có ba chúa hay ba thần. Đó là điều trái nghịch với tôn giáo độc thần của họ, và còn có thể làm giảm lòng tin của họ vào một Chúa.
Thế nên, Thánh Kinh Cựu Cước không nói gì rõ rệt về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta. Đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta, ám chỉ rằng có hơn một ngôi vị nơi Thiên Chúa. Phải chờ tới khi Chúa Giêsu xuống thế làm người và tự xưng Người là Con Thiên Chúa, tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện.
Khi ông Gioan tiền hô làm phép rửa cho Đức Giêsu ở sông Giođan, thì Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ: Người thấy Thần khi Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.”  Và kìa có tiếng tự trời phán: “Đây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh Thần: “Thầy ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng phù trợ sẽ không đến với chúng con.” Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Cha được bầy tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con rồi đến Chúa Thánh Thần. Ba ngôi trong một Chúa là một Mầu nhiệm khôn lường. Chính nhờ Đức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở. Nhờ Ngài mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi vị là Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
   Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài duy nhất nhưng không đơn độc. “Ta và Cha là một ,Ta ở trong Cha, và Cha ở trong Ta. Mọi sự của Cha có đều là của Ta.” Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần. Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa. “Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”, đó là hình ảnh thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
- Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba ngôi ở trong ta “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy. Cha sẽ ban cho các anh một Đấng phù trợ khác để Ngài ở với các anh luôn mãi. Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi. Chúa Cha, Đấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người. Chúa Con, Đấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống. Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa và dẫn dắt Giáo hội.
   Sống mầu nhiệm Chúa Ba ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu vì “ai ở trong Tinh yêu thì ở lai trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lai trong người ấy.”
   Nhờ Đức Giêsu, chúng ta học được đời sống thân mật với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và liên hệ. Lễ Thiên Chúa Ba ngôi được nối kết với chúng ta như nguồn sống của Kitô hữu. Chúng ta dược rửa tội trong Danh “Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Căn tính của Thiên Chúa trở thành căn tính của chúng ta. Vào thời người ta đi tìm nguồn gốc hay lo lắng về một thế giới giao động, một điều chắc chắn được ban cho chúng ta: chúng ta được Ba Ngôi Thiên Chúa đánh dấu cách thân mật và dẫn chúng ta vào sự sống.
Từ đó, có một dây liên hệ mới với Chúa Cha trên trời. Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Người đặt lời nguyện của Đức Giêsu vào môi miệng chúng ta, Người Con Duy Nhất, lời nguyện mà thánh Phaolô giao lại cho chúng ta bằng tiếng  Aram “Abba”, và bằng tiếng Hy Lạp, những ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi. Còn sâu thẳm hơn nữa, Thánh Thần giúp chung ta xác tín chúng ta là con Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như Con của Người. Lễ này giúp chúng ta có cơ hội suy nghĩ về lời nguyện: chúng ta dâng lời nguyện này lên Ngôi vị nào trong Ba Ngôi ? Chúng ta hãy  học cầu nguyện như Chúa Giêsu (giám mục Pierre –Marie Carré).
   Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba ngôi trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.  (Manna- Chúa nói ...Ta đáp.)
Nguyễn Mai
 
Bài 4:


 
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20

 
Một cuộc thảo luận của nhóm thanh niên diễn ra rất sôi nổi về đề tài Chúa Ba Ngôi. Họ đã xem lại giáo huấn căn bản: Trong Thiên Chúa có Ba Ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Rồi họ bàn bạc thêm về vấn nạn Ba Ngôi cùng hành động thế nào, nhưng vấn đề sâu xa, vượt quá hiểu biết của họ, và mấy người hướng về Cha sở đang ngồi ở phía ngoài:
            - Thưa cha, cha có thể soi sáng cho chúng con về vấn đề này ?
            Cha sở  đáp:
            - Có lẽ tôi có thể đưa ra chút ánh sáng cho vấn đề. Rồi ngài quay sang một tham dự viên:
            - Bill, bạn có biết chơi Guitar không ?
            Bill nhìn nhận:
            - Con chơi được ah.
            Và cha sở tiếp:
            - Cây đàn guitar gây ra tiếng nhạc thế nào ? Có ba sự việc liên đới với nhau. Nghệ thuật âm nhạc hay là tâm trí bảo ta điều phải làm, bàn tay thì gảy – dây tạo ra tiếng đàn. Tâm trí không tạo ra tiếng đàn, bàn tay không tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai việc cùng với dây tạo ra tiếng đàn. Cả ba việc cùng làm, dầu rằng việc riêng biệt của dây là tạo ra tiếng đàn. Thiên Chúa Ba Ngôi hành động giống như thế !
            Cả nhóm đồng ý rằng: hình ảnh mà cha sở trình bầy đã giúp họ hiểu hơn. (Gm Arthur Tonne, Bài Giảng TM CN, năm A, tr 75).
Để trình bày về Chúa Ba Ngôi, Thánh Ignace de Loyola, thường dùng hình ảnh ba nốt nhạc trong một hợp âm. Tuy ba nốt nhạc khác nhau nhưng cùng làm nên một hợp âm nghe du dương bản hợp ca Tình Yêu…
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình yêu”, duy nhất nhưng không đơn độc. Ngài là Cha – Con – Thánh Thần: Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha – Ngài lànguồn gốc và là Đấng khởi xướng, được thực hiện cho con người qua Ngôi Con - Đức Kitô, xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá. Tình yêu trao ban và được thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta nhờ tác động của Ngôi ba - Chúa Thánh Thần
Chúa Kitô Phục sinh trước khi về Trời, hé mở cho chúng ta thấy mối quan hệ cũng như vai trò của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện tình yêu cứu độ đối với con người, khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng rửa tội cho họ nhân danh Ba Ngôi: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19).
Khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã nói về mối quan hệ giữa Cha và Con, Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tất cả cho Con, nên Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Sự gắn bó nên một như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta và Cha là một” (Ga 14,10), là một vì ở trong nhau như Chúa Giêsu nhấn mạnh :  “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15). Tình yêu gắn bó khăng khít làm một và ở trong giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong cung lòng Ba Ngôi phát khởi tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, như thánh Ignace nhấn mạnh bằng hình ảnh hòa âm Tình yêu được góp từ ba nốt nhạc. Tình yêu là bẩm sinh trong Thiên Chúa. Từ đời đời Thiên Chúa mang nhân loại trong trái tim Ngài. Con người là đối tượng của cung lòng yêu thương Thiên Chúa, là người con trong cung lòng Cha từ thuở hình thành như Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi tạo thành con trong lòng mẹ, Cha đã biết con” (Gr 1,5). Chính trong phép Rửa tội, Thiên Chúa tiếp nhận bước tiến của con người và làm cho con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi… mà Chúa Giêsu truyền phải rửa tội nhân danh Ba Ngôi.
Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã mặc khải: ”Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16), đó là công trình của Ba Ngôi. Tông Đồ Phaolô diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong thư gửi cho tín hữu của Giáo Đoàn Côrintô khi chào thăm nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa:”Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”(2Cr 13,13). Công thức chào hỏi nhân danh Ba Ngôi đã đi vào phụng vụ của Giáo Hội, bắt đầu cử hành họp mặt Cộng Đoàn để hiến tế Thánh Thể.
Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô về Giáo huấn Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình cứu độ và cả trong giây phút hiện tại:”Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống.  Đó là điều anh em đang thấy đang nghe”(Cv 2,33).
Chúa Ba Ngôi hiện diện ở trong ta nếu như sống theo lời Chúa Giêsu dạy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy" (Ga 14,23). Giữ Lời Thầy, Lời Cha Thầy và chúng ta như Chúa Giêsu nhấn mạnh là Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở cùng.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu vì "ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1Ga 4,16).
Đặc tính của Thiên Chúa là Tình Yêu, là trao ban: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Từ muôn đời, Thiên Chúa là Tình Yêu cho nhân loại. Chính vì thế chỉ có một con đường duy nhất đến với Thiên Chúa-Vị Tình Yêu là con đường của agape-tình yêu. Đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu là "Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần":  Đấng là Cha vì yêu mà trao nộp Con mình -   Đấng vì yêu hiến thân cứu độ và tuôn trào hồng ân kể từ ngày Phục sinh (Ga 20,22), tiếp diễn vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-3) và mãi mãi để đưa con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).
Thật thế, sống Tình yêu là bài ca chúc tụng Ba Ngôi :
Dâng điệu hát, dâng cung đàn muôn thưở
Cho trọn niềm con thảo với Chúa Cha
Với Chúa Con: Tình huynh đệ mặn mà
Cả Thần Khí: lửa yêu mến thiết tha.
                                (Thánh thi Kinh Sáng lễ Chúa Ba Ngôi)
 
                                  Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài gòn 30/05/2015
 
 


 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log