Thứ sáu, 10/01/2025

CHỦ NHẬT IV PHỤC SINH B ( Ga 10, 11 – 18 )

Cập nhật lúc 23:54 23/04/2015
 
Bài 1:
“Tôi là mục tử tốt lành”
--------------------------
Danh xưng mục tử trong Kinh Thánh được ám chỉ cho các nhà lãnh đạo Israel có trách nhiệm dẫn dắt dân tộc được chọn. Tuy nhiên, họ đã quên trách nhiệm chăm lo cho đàn chiên, mà chỉ nghĩ đến chính họ.  Vì thế Thiên Chúa loan báo một ngày nào đó Ngưới sẽ trao phó đàn chiên của Người cho vị mục tử tốt lành. Vì mục tử tốt lành đó là chính Chúa Giêsu mà hôm nay Người công bố một cách long trọng. Từ nay mà đi chỉ có một vị mục tử duy nhất của dân Thiên Chúa mà thôi .
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh 2 đặc tính đích thực của vị mục tử nhân lành:
- Lo lắng cho từng con chiên và cho tất cả;
- Không ngần ngại trao ban mạng sống vì đoàn chiên.
1- Mục tử tốt lành luôn lo lắng cho từng con chiên và đồng thời cho tất cả đoàn chiên. Hay nói cách khác, Ngài có cái nhìn bao quát tất cả đoàn chiên nhưng vẫn có một cái nhìn canh giữ đối với con chiên kéo lê! Ngài gần giống như vị giám thị nhà trường quan sát tất cả các em học sinh, nhưng vẫn dễ nhận ra em học sinh nào đãng trí.
Mục tử tốt lành biết từng con chiên một. Chắc hẳn Ngài biết khuyết điểm và tội lỗi của chúng ta, nhưng không quan trọng. Ngài biết những yếu hèn của chúng ta vì chúng ta cũng chỉ là một con ngưòi. Ngài biết nhưng không kết án chúng ta, trái lại Ngài tìm cách giúp đỡ chúng ta vượt qua. Ngài biết những khó khăn của chúng ta và Ngài muốn giúp đỡ chúng ta một tay.
- Ngài biết khó khăn vất vả của người mẹ trong gia đình mệt nhoài vì công việc trong ngày, tối đến không có thể đọc kinh lâu giờ được như lòng mong ước.
- Ngài biết khó khăn và buồn chán của người vợ trẻ bị chồng bỏ rơi.Ngài biết những đau khổ của bậc làm cha mẹ có những đứa con hư.
- Ngài biết những vất vả của các vị trong ban hành giáo phải lo lắng cho họ đạo và giáo xứ mình. Ngài biết sự nhiệt tình của các anh chị em ca đoàn lo hát lễ trong các ngày chủ nhật và lễ trọng tại giáo xứ hoặc họ đạo mình.
- Ngài biết rất nhiều người trước đây đã có một đức tin tốt mà bây giờ không còn tin vào Ngài và vào tình yêu của Ngài nữa.
- Ngài biết các em học sinh đang vất vả ôn thi hết cấp và nhất là các em học sinh chuẩn bị hết phổ thông trung học.
- Cũng vậy, Ngài biết những nhu cầu của chúng ta. Ngài không buồn khi nhìn thấy chúng ta đặt một cây nến thật lớn hoặc bó hoa trước tượng thánh Antôn. Lúc đó, Ngài cười thầm và biết chúng ta muốn gì. Ngài còn biết hơn chúng ta điều nào là phù hợp đích thực cho chúng ta.
-Hơn nữa, Ngài cũng biết những tài năng, những nét phong phú nơi chúng ta. Ngài đánh giá chúng ta tốt hơn là chúng ta đánh giá. Ngài chịu đựng khi thấy chúng ta thường khinh chê lẫn nhau. Ngài tin vào chúng ta hơn là chúng ta tin vào Ngài.
Tại sao lại như vậy ? Đơn giản là vì Ngài yêu chúng ta.
- Ngài biết chúng ta như chồng biết vợ, như người mẹ biết con cái từ trong trái tim. Ngài biết chúng ta như thể: “Ngài biết Cha Ngài và Cha Ngài biết Ngài”.
Chủ nhật hôm nay, GH mời gọi chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục và ơn thiên triệu. Chắc chắn, chỉ có một mình Chúa Giêsu là mục tử tốt lành mà thôi. Còn các linh mục chỉ là những người giữ nhà của Ngài giúp Ngài dẫn dắt dân Chúa. Các linh mục không phải là người hoàn thiện, vì họ không là mục tử tốt lành. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho họ và cho giáo xứ chúng ta có nhiều ơn gọi làm linh mục, làm tu sỹ.
Mục tử tốt lành cũng lo lắng cho tất cả đoàn chiên. Mặc dù chiên luôn có một bản năng sống thành đàn, nhưng người chăn biết chắc chắn rằng: đàn chiên vẫn có thể bị tản mác khi thiếu chó canh giữ, thú dữ sẵn sàng đến tấn công và ăn thịt. Lúc đó người chăn chiên rất vất vả đi tập hợp chúng lại. Trong toàn bộ Phúc Âm Thánh Gioan, chúng ta cảm thấy nơi Chúa Giêsu rất lo lắng để các tông đồ và tương lai GH được hiệp nhất.
Giấc mơ của Chúa Giêsu là rất rõ ràng: chỉ một đàn chiên, hiệp nhất trong  bình an của một GH duy nhất và tất cả mọi người đều là anh em với Ngài.
2- Trong nhiều câu của Phúc Âm Gioan hôm nay, Chúa Giêsu luôn lặp đi lặp lại đặc tính của vị mục tử tốt lành, đó là hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Vào thời Chúa Giêsu, điều này dễ hiểu, bởi vì muông thứ hoặc vật hoang dã không ngần ngại tấn công những người chăn chiên để dễ bắt được một vài con chiên. Người chăn chiên và ông chủ của đoàn chiên hoàn toàn khác nhau. Ông chủ bầy chiên không bao giờ hiến dâng mạng sống để cứu một con chiên. Ông cũng chẳng chảy một giọt nước mắt khi bán chiên hoặc đưa chiên vào lò mổ. Trái lại, trái tim người chăn chiên bị thương tổn khi thấy dù chỉ một con ra đi. Chúa Giêsu cảm thấy không thoả mãn về việc mô tả trên lý thuyết mình là mục tử nhân lành như thế, Ngài đã thực hiện chính sự mô tả đó bằng đời sống và cái chết của Ngài. Đó là tình yêu của Ngài : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Người chăn chiên tốt  cũng trao ban mạng sống với ý nghĩa là chia sẻ với đàn chiên suốt ngày đêm. Sống hoà nhịp với đàn chiên, nằm ngủ nơi chuồng chiên, thức đêm khi chiên đẻ… Chúa Kitô Mục Tử đã đến trần gian chia sẻ cuộc sống với chúng ta. Ngài đã không đành lòng viếng thăm chúng ta chớp nhoáng theo nghi thức để động viên chúng ta. Ngài đã sống chính cuộc sống của chúng ta ngày này sang ngày khác và cả trong những điều kiện tồi tệ nhất. Ngài đã sinh ra và đã biết đứa trẻ phải đau đớn khi mọc răng. Ngài đã biết các em học sinh phải cố gắng như thê nào khi phải học những bài khó. Ngài đã biết nỗi lo lắng của chàng thanh niên trẻ phải đảm nhận những gánh nặng của gia đình khi mất cha, hoặc khó khăn của người vợ trẻ khi mất chồng.
Sau cùng, Người chăn chiên tốt trao ban mạng sống với ý nghĩa là không bao giờ có ý định bỏ rơi đàn chiên chỉ một lúc nào đó trong ngày để tìm kiếm một nghề khác có tiền hơn. Người chăn chiên tốt hoàn toàn dâng hiến trót cuộc đời cho chiên. Cũng thế, Chúa Kitô đã dâng hiến trót cuộc đời Ngài để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cứu chuộc chúng ta không chỉ bằng cây thập giá, mà còn bằng suốt cả cuộc đời từ hang đá máng cỏ Belem đến đồi Canvê.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất của GH để: “Chỉ có một đàn chiên và một mục tử duy nhất mà thôi”. Hãy cầu nguyện cho các linh mục công giáo trở nên những mục tử khiêm nhường và bỏ mình, giống hình ảnh Chúa Kitô, mục tử duy nhất trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ chúng ta có nhiều bạn trẻ nhiệt tình đáp trả lời xin vâng cho Thiên Chúa và tình yêu của Ngài!
 
Bài 2:
 
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
 
Lễ “Chúa Chiên lành” là lễ của Chúa Giêsu, Đấng đã tự xưng "Ta là mục tử tốt lành" (Ga 10, 11). “Mục tử” là  một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. "Người chăn chiên" được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan vừa mật thiết, vừa rất "dễ thương" giữa Người và chúng ta.
Chúa là mục tử
Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v ...) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, vì trong Người, mệnh lệnh và tự do đồng nhất với nhau : "Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta "(Ga 10, 18).
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Chúa Giêsu yêu thương con người bằng một tình yêu thí mạng khi tự ví mình là "mục tử tốt lành"sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Người nói thẳng : "Ta là mục tử tốt lành" (Ga 10, 11). Đối với Chúa Giêsu, tất cả là hiện tại, không có gì là quá khứ hay tương lai hết. Điều này đã được nói trong sách Khải Huyền : "Ta là Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, Ðấng toàn năng!" (Kh 1,8). Và trong sách Xuất Hành : "Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: "Ta có" đã sai tôi đến với các người! » (Xh 3,14).
"Ta là mục tử tốt lành". Từ "mục tử" có nguồn gốc từ động từ "chăn nuôi". Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu mình hằng ngày trong bí tích Mình Thánh. Khi Samuen hỏi Giêsê, cha của Đavít : "Các cậu này tất cả là con trai của ông sao?" Ông đáp: "Còn đứa nhỏ nhất nữa; này nó đang phải chăn cừu!" (1S 16,11). Đavít, một con người bé nhỏ và khiêm nhu, đã chăn sóc đoàn chiên mình như một người mục tử.
Chúng ta cũng đọc thấy trong sách Isaia : "Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu đi cừu mẹ nuôi con" (Is 40,11)... Quả thật, mục tử tốt lành dẫn chiễn tới đồng cỏ xanh tươi, tập hợp những con chiên yếu kém không thể đi được ; vác chúng trên vai, ôm chúng vào lòng ; như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh. Người giang cánh ta trên thập giá để thâu họp "con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một" (Ga 11,52). Người đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người, như mẹ hiền ấp ủ con thơ.
Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố : "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta" (Ga 10, 14 ).
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? "Biết" ở đây, không có nghĩa là "biết" nhờ đức tin, nhưng là "biết" nhờ đức mến. "Biết" không có nghĩa là "biết" được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là "biết" được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác : "Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối" (1 Ga 2, 4).
Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.
Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên.
Cầu cho các mục tử
Đối mặt với hiểm nguy, Chúa Giêsu không chạy trốn như lính đánh thuê, Người sẽ chết, nhưng cái chết của Người sẽ chiến thắng và sống mãi, Người sẽ thâu họp những con chiên tán mát khắc nơi về. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử tiếp bước theo mình, Người còn muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về. Người mong ước các mục tử với ơn Người trợ giúp sẽ hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ Nước Trời.
Với chủ đề của Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Năm 2015: "Xuất hành, kinh nghiệm nền tảng của ơn gọi". Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi "những người trẻ bước đi theo dấu chân của Ðức Giêsu, trong việc phụng thờ mầu nhiệm Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho người khác! đừng sợ ra khỏi chính mình và đặt mình vào một cuộc hành trình! " Chúng ta hãy khẩn cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của mọi ơn gọi, đã không sợ hãi khi thưa tiếng "xin vâng" trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đồng hành với chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 3:
 
“TÔI LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH”
 
   Đức Giêsu là mục tử đích thực và nhân lành, chỉ vì đời sống của Người hội nhập sự nhân lành và chân lý của Thiên Chúa Giao ước. Chỉ có Người muốn điều tốt lành và thánh thiện cho con người. Người đến chỉ vì điều này: ban cho họ sự sống tràn đầy. Thực vậy, đặc tính duy nhất của vị mục tử nhân lành - mà thánh Gioan lập lại 5 lần - là “ ban sự sống mình cho đàn chiên”. Người nhân lành vì ban sự sống và “không có gì cao quí hơn để làm chứng cho tình yêu cho bằng trao ban sự sống cho người mình yêu.”
   Gương mặt của Đức Kitô,vị mục tử đích thực đi ngược lại mọi hình thức quyền hành của con người chỉ biết tìm “xén lông” các kẻ khác vì lòng ích kỷ của mình hay vì trách nhiệm sứ vụ mà không quan niệm được như là tận hiến chính mình để phục vụ anh em. Đức Giêsu tự nhận mình là người mục tử nhân lành, vì người biết các kẻ thuộc về mình và họ cũng biết Người. Sự hiểu biết này là hiệp thông sống động, tự tâm hồn cũng như từ suy tư. Niềm tin có thực sự là dây liên hệ tình yêu, một kinh nghiệm sống động, thân mật, liên vị?
   Giáo hội phải là đàn chiên, là một “cộng đoàn” thuộc về vị Mục Tử nhân lành; với Người, mỗi tín hữu là con chiên duy nhất và Người sẽ gọi tên từng con. ( Michel Hubaut –Bayard )
   Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin. Giữa người và chiên có một mối tương quan thân thiết. Ở đây Đức Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ. Hội Thánh là đoàn chiên của Đức Giêsu Kitô. Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha. Đây là cái biết sâu thẳm, một cái biết hai chiều. Chiên không phải một con vật ngờ nghệch, thụ động. Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do. Vị Mục tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo. Như thế giữa mục tử và đàn chiên có một sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, và một sự quý mến nhau đặc biệt. Sau phục sinh, Đức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu. Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên của Ngài. Đức Giêsu là Mục tử tối cao và gương mẫu. Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Mọi mục tử phải noi gương Ngài, dám chết để cho chiên được sống.
   Hội Thánh dành Chúa nhật hôm nay để cầu cho ơn thiên triệu. Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài để lo cho đoàn chiên trên thế giới.  Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình. Điều đó thật là chính đáng và tốt đẹp. Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi. Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm để có thể yêu mãnh liệt hơn, bao la quảng đại hơn. Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên ở ngay nơi lời nài xin của con người. Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương, đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống. Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa. Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ, những người bệnh hoạn tật nguyền,những trẻ em đường phố,những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội...thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả. Tạ ơn Chúa,đã có rất nhiều thanh thiếu niên nam nữ, theo tiếng Chúa kêu gọi lên đường dấn thân truyền giáo. Nhưng đồng lúa chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt nhiệt tình hơn, tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.
   Người “mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Những lời này tố cáo chúng ta ngày nay có không ít những mục tử giả hiệu,những kẻ bỏ rơi đàn chiên để chỉ lo cho bản thân. Như vậy họ là những mục tử dối trá họ đem tình yêu Thiên Chúa ra làm bức bình phong để lừa gạt, họ đã đẩy những con chiên hiền lành xuống vực thẳm khôn lường.
   Khi đi đến cùng sứ mạng của mình, mà không lùi bước trước kẻ thù, Chúa Giêsu đã viết lên sứ điệp mình bằng máu. Ngài đề ra phương thức giao hòa với Thiên Chúa, một sự sống tràn đầy ơn tha thứ, một thái độ chu toàn lề luật qua việc thực hành tình yêu. Ngài trả giá bằng cái chêt của mình, nhưng hành vi trao ban mạng sống của Ngài tóm lược mọi sự,trở nên hành động ý nghia nhất,mở ra mãi mãi một khe hở mà con người có thể vượt qua chính mình để nhận lãnh nơi Ngài cuộc sống phục sinh.(Gerard Bessiere)./.
Nguyễn Mai
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log