Chúa nhật VI Phục Sinh năm B
Bài 1:
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.
------------------------
Bài Phúc Âm hôm nay vạch ra cho chúng ta định hướng của tình yêu đích thực. Nói yêu thôi chưa đủ mà là phải yêu như thế nào.
Định hướng tình yêu mà Chúa Giêsu đề nghị chúng ta là: “Thầy đã yêu thương anh em bằng chính tình yêu mà Cha Thầy đã yêu thương Thầy và anh em cũng phải yêu thương nhau bằng chính tình yêu mà Thầy đã yêu thương anh em”.
Nguồn mạch của tất cả tình yêu là tình yêu của Chúa Cha trên trời. Chúa Cha chỉ tồn tại trong ân ban mà Người đã làm cho Chúa Con từ đời đời và cho đến muôn đời. Người là ân ban, Người không có thể làm gì khác hơn là cho đi.
- Chúa Cha chỉ sống để mà tự hiến cho Chúa Con. Chúa Cha không để thời gian trôi qua để nhìn ngắm mình trong gương.
- Chúa Cha tự trao ban cho Chúa Con từ thuở đời đời với một niềm vui không thể phai mờ được để chiêm ngắm Chúa Con Yêu Quí mà Người đã sinh ra. Như nguồn nước chảy đi không giữ lại gì cho mình và cũng chẳng tính toán gì, đồng thời cũng chẳng đề phòng cho những ngày tháng khô cạn, Chúa Cha là tất cả ân ban từ chính mình vô vị lợi: “Con ơi!.. tất cả những gì thuộc về cha đều là của con”.
Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta có ý thức rằng tình Cha của Thiên Chúa là một tình yêu vô bờ bến không? Trong khi học hoặc dạy giáo lý, chúng ta rất thường nói về tình yêu của Chúa Kitô đối với chúng ta mà không nhấn mạnh chính nguồn mạch tình yêu này là Chúa Cha . Nên nhớ rằng Chúa Kitô đã không một mình thực hiện công cuộc cứu chuộc vĩ đại.
Câu nói: Như Cha đã yêu Thầy, phần Thầy, Thầy cũng yêu anh em”, nên được hiểu thế này thì rõ hơn: “Thầy đã yêu anh em bằng chính tình yêu mà Cha Thầy đã yêu Thầy từ đời đời và trong suốt cuộc sống trần thế của Thầy”.
Suốt cuộc đời trao ban của Chúa Kitô là dấu chỉ mà Chúa Kitô đã sống tình yêu chính xác như là Chúa Cha đã sống.
- Cuộc đời nghèo khó và tự huỷ của Người cho tới năm 33 tuổi, và cuộc đời ẩn dật tại Nagiaret phải chăng không mặc khải sự kín đáo của Chúa Cha sao?
- Tương quan tình yêu của Người đối với các môn đệ thắm thiết đến nỗi Người không coi họ như là cấp dưới nhưng là bạn hữu, và cử chỉ rửa chân cho các ông phải chăng không là hình ảnh khiêm nhường và đơn sơ của Chúa Cha sao?
- Hình ảnh Chúa Cha bế xác Chúa Con chết phải chăng không là biểu tưởng tấm lòng quảng đại của một tình yêu trao ban hay sao? Maurice Zundel nói: “Thập giá Chúa Giêsu, chính là tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa giang cánh tay hướng về chúng ta”. Liệu chúng ta có thể khám phá ra cách thế Thiên Chúa yêu qua các cử chỉ hoặc hành động mà Chúa Kitô đã thực hiện khi Người sống ở trần gian không? Chỉ mình Người biết yêu đích thực và chỉ mình Người có thể dạy chúng ta biết cách yêu.
Khi làm người, Chúa Kitô cho phép tất cả chúng ta là anh em của Người bám vào bản tính nhân loại của Người. Thật vậy, nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được ghép vào Chúa Kitô, và khi đó đời sống và tình yêu của Thiên Chúa được ban cho chúng ta.
Tình yêu này không phải là một nhân đức đơn giản được rót vào trong chúng ta, nhưng là một ngôi vị, là chính Chúa Thánh Thần, Tình Yêu tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Chúa Thánh Thần, nhựa sống thần linh tuôn tràn để chúng ta trở thành cành nho sống động và xanh tươi.
Mỗi bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể nối kết trực tiếp chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích giao hoà lau sạch hệ thống ống dẫn bị tắc nghẽn do tội lỗi.
Nếu tình yêu của chúng ta bám chặt vào tình yêu của Chúa Kitô, thì tất cả những người mà chúng ta yêu mến sẽ được biến đổi và sống động nhờ tình yêu của Chúa Kitô.
Danh xưng kitô hữu thôi chưa đủ, mà còn phải có nhiệm vụ tưới tắm cho gia đình của mình bằng cách yêu mến đến nỗi tha thứ và trao ban mạng sống cho đến hơi thở cuối cùng như Chúa kitô .
- Người kitô còn phải có trách nhiệm tưới tắm cho bạn hữu mình bằng cách hiện diện với họ trong mọi hoàn cảnh khó khăn và nếu cần sửa chữa khuyết điểm của họ với tinh thần bác ái.
- Người kitô cần phải tưới tắm cho nơi làm việc của mình, bằng cách không bao giờ chấp nhận sự gian dối dù là nhỏ bé trong một xã hội mà mọi giá trị luân lý hầu như đã bị băng hoại và người kitô cần phải thắp sáng lên các giá trị tin mừng.
- Người kitô cần phải tưới tắm cho họ đạo và giáo xứ của mình bằng cách trở nên những người có trách nhiệm nối kết và hiệp nhất.
- Người kitô cần phải tưới tắm cho mảnh đất mình đang sống bằng lời cầu nguyện để mảnh đất đó không còn nghèo đói vật chất cũng như tinh thần.
Chúng ta chỉ có thể trở nên nguồn nước giải khát cho anh chị em chúng ta nếu chúng ta biết trở về với nguồn nước thần linh của Tình Yêu Thiên Chúa.
Thánh nữ Têrêsa Lisieux nói: “Lạy Chúa Giêsu, để yêu như Chúa yêu con, con phải vay mượn tình yêu của Chúa, lúc đó con mới có thể bình an được. Chúa biết rõ con không bao giờ có thể yêu chị em con như Chúa yêu, nếu tình yêu của Chúa không ở trong con. Vâng con biết điều đó. Khi con có khả năng yêu thương, chính là lúc Chúa hoạt động trong con”.
Linh mục Ga Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
Yêu như Thầy yêu
(Ga 15, 9-17)
Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta nhớ lại lệnh Chúa Giêsu truyền trước khi về Trời. Quả thật : nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa như lời hứa "Thầy đi dọn chỗ cho các con" (Ga 14, 2), người kitô hữu cần phải vâng theo lệnh Chúa truyền là "các con hãy yêu mến nhau" (Ga 15, 12).
Tôi tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu ?
Vậy, "yêu như Thầy đã yêu" là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ "như" có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết: khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con là bạn hữu" (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha: "Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con" (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, "Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người" (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.
Thánh Augustinô nói tiếp: "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết: "Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa" (1 Ga 4, 7 - 8). Gioan quả quyết: "Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta" (1 Ga 4, 10).
Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v...
Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ? Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc.
Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đó đây chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau.
Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà… tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.
Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : "…vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy". Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi.
Chúng ta vẫn thường nghe nói: "Gia đình là Giáo hội thu nhỏ", thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giêsu muốn là: "Yêu thương và hợp nhất, thực thi Lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền Tin Mừng".
Gia đình kia có một cô con gái, tính tình đào hoa, phóng khoáng. Sau lần tiếp bạn ngày đầu năm, mẹ cô nói với cô: Này con, con yêu ai thì yêu, lấy anh nào thì lấy một thôi, chứ Tết này mẹ thấy nhiều anh quá, bố mẹ chẳng biết anh nào là rể tương lai nữa. Cô trả lời: ồ, bố mẹ hay thật, Chúa chẳng dạy chúng ta là yêu hết mọi người sao ?
Chuyện khác : Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ mỉm cười và hỏi:
Thế con đã yêu ai chưa? Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời: Dạ thưa cha, chưa ạ.
Cha bề trên lại mỉn cười và bảo: Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.
Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa: "Thầy truyền cho các con" ( Ga 14, 12 ), vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng… Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn suối tình yêu liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3:
HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
(Ga 15, 9 -17 )
Trong bài hát “Niềm tâm sự”, nhiều nhà thờ ở Việt Nam biết đến, nhạc sĩ Anh Linh đã mượn Kinh Thánh để phổ những dòng nhạc thật êm dịu, ngọt ngào. Yêu nhau chính là giới răn riêng của Thầy. Yêu nhau như Thầy yêu chúng con, để cho thế gian biết rằng chúng con chính là môn đệ của Thầy. Đây là lời bộc bạch của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly với các môn đệ sau khi Giuđa, một trong nhóm 12 phản bội, đi ra khỏi phòng ăn. Lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài thi hành ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ nhân loại.
Trước khi nhắm mắt lìa đời, những lời cuối cùng của một con người bao giờ cũng mang một ý nghĩa quan trọng bộc lộ cả một tấm lòng, tâm huyết của con người. Chúa Giêsu trước khi bị trao nộp, Ngài đã dùng bữa cuối cùng với các môn đệ và sau khi đã làm một cử chỉ đầy ấn tượng rửa chân cho các ông, gây ngạc nhiên cho các ông, và khi Giuđa ra khỏi phòng, Chúa Giêsu đã thổ lộ tất cả những gì cần nói với các môn đệ. Qua cuộc trao đổi, tâm sự đầy thân mật, các môn đệ đã trở nên thiết nghĩa, thành bạn hữu của Chúa: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Trong cuộc tâm sự, dặn dò này, Đức Giêsu nhắc đi nhắc lai các tông đồ: “Hãy yêu thương nhau.” Đây là cốt lõi cua Tin Mừng Đức Giêsu, và cũng là giáo huấn chủ yếu của Kitô giáo. Cốt tủy của đạo do Đức Giêsu thiết lập xem ra thật đơn giản, nhưng rất thâm thúy,sau sắc.: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ, nhưng đồng thời Ngài cũng truyền lệnh cho các ông: “Hãy yêu thương nhau.” Để làm gương cho các ông, Chúa Giêsu không bao giờ nói suông, lý thuyết mơ hồ, nhưng chính Ngài đã làm gương cho các ông về tình huynh đệ, về sự khiêm nhường về sự tân tình. Tình yêu thương lớn nhất,cao cả nhất là: “Không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình yêu thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với cha Ngài, nhưng đồng thời cũng là chóp đỉnh của tinh thương yêu của Ngài đối với con người.
Đây là mẫu mực và là nền tảng của tình yêu vị tha, tình yêu chỉ mong hạnh phúc cho tha nhân. Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ đi vào tình liên đới với Thiên Chúa Cha, vì tình yêu của Ngài phát xuất từ Thiên Chúa Cha: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”
Đây cũng là cốt lõi của công trình cứu chuộc vì khi đưa các môn đệ đi vào tình thân mật với Thiên Chúa Cha và qua đó ở lại với Chúa Giêsu trong tình yêu mến nên cũng phải yêu mên anh em. Hai vế yêu Chúa, yêu tha nhân không thể tách rời nhau. Thánh Phaolô cũng đã xác quyết mạnh mẽ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Nếu ai nói yêu Chúa mà không thương yêu anh em mình thì kẻ đó nói láo”.Với lòng yêu thương mà Chúa Giêsu tiết lộ, các môn đệ đang sống trong thời cứu chuộc: “Tình yêu của anh em được nên trọn vẹn”. Niềm vui này là niềm vui Phục sinh, các môn đệ đang được chia sẻ trong cuộc sống mới của Chúa Kitô sống lại. Các môn đệ yêu thương nhau còn là dấu chỉ của sự hiện diện lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với con người và nhân loại sẽ nhận biết các môn đệ là bạn hữu của Chúa Kitô: “Anh em hãy thương nhau...mọi người sẽ nhận biêt anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.
Giới luật yêu thương Chúa truyền cho các môn đệ cũng là lệnh Chúa ban cho mọi Kitô hữu, những người được mời gọi đi theo Đức Kitô. Như thế đạo của Chúa Giêsu là đạo của tình yêu thương.Chúa Giêsu không đến trần gian để dạy lý thuyết,những luật lệ cứng nhắc,những giới răn không hồn. Chúa không bao giờ nói mà không làm. Những lời của Chúa hết sức thực tế, những phép lạ Chúa làm hết sức ấn tượng và luôn phù hợp với đời thường,với xã hội trần gian. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay đặt mọi Kitô hữu trước thúc bách của Phúc Âm, đưa mọi Kitô hữu vào trong tâm của đạo, vào cốt lõi của đạo. Đạo của Chúa là đao tình thương, của lòng yêu mến. Mọi đường hướng ,chỉ đạo,dậy bảo nếu nằm ngoài tình yêu thương của Chúa, thì chúng đi ngược với Tin Mừng, nằm ngoài Kitô giáo. Nếu muốn đi đúng hướng đúng đường, loan báo, làm chứng cho công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, cho tình yêu thương của Ngài, mọi người phải thực thi lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho bạn hữu.” Khuôn mẫu cho tình yêu giữa anh chị em với nhau chính là tình yêu của Đức Giêsu đối với ban hữu Người. Thập giá chính là bằng chứng cao cả nhất cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô.Toàn bộ lề luật của Đức,toàn bộ giới răn của Người, được cô đọng trong tình yêu thương nhau. Tình yêu không còn là gánh nặng đè bẹp mà là một nguồn vui. Vui vì yêu, vui vì được yêu.
Tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu vô biên, chúng ta hãy mở lòng ra và đón lấy tình yêu đến từ Chúa Cha qua Đức Giêsu.
Nguyễn Mai
Bài 4:
ĐẾN NGUỒN TÌNH YÊU VÀ RA ĐI VỚI TÌNH YÊU
Cv 10,2-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Sau thế chiến lần thứ II, Nước Pháp có nhiều người vô gia cư, ăn xin các nơi… Cha Pierre (Abbé Pierre) giúp họ có công ăn việc làm, tìm chỗ ở…
Mùa thu 1949, cha Pierre đã cứu thoát Georges, một người đang cô đơn và thất vọng sau 20 năm tù khỏi ý định tự tử. Cha đề nghị anh về ở với mình để, cùng nhau, xây dựng nơi tạm trú cho những người bất hạnh khác. Từ đó, Cộng đoàn Emmaus ra đời và căn nhà nơi Cha trú ngụ biến thành trung tâm Emmaus đầu tiên.
Mùa đông buốt giá 1954 tại Pháp, lạnh đến 20 độ âm, Cha Pierre đã lên tiếng trên Radio Luxembourg báo động : ‘xin mọi người hay giúp đở vì một người đàn bà vừa chết cóng lúc 3 giờ sáng nay trên vỉa hè đại lộ Sépastopol, tay còn cầm án lệnh tòa cho phép trục xuất khỏi nhà… Để thảm trạng không tái diễn, từ đêm nay, những nhà có treo bảng ‘Trung tâm huynh đệ khẩn cấp’, các bạn đau khổ hãy vào đó ăn uống và ngủ nghỉ, tìm lại niềm hy vọng…
Trong 20 phút sau, người ta lần lượt kéo đến khách sạn Rochester, kệ nệ áo quần, chăn mền, trao các chi phiếu lẫn nữ trang… để cứu trợ.
Chiều đó, Cha lại lên tiếng kêu gọi các tình nguyện viên để chở những người bất hạnh đến nơi mà các lều vừa dựng lên hầu không một người lớn lẫn trẻ em phải ngủ trên vỉa hè qua đêm giá lạnh. Đúng 21 giờ như đã định, khoảng 500 xe cộ mới củ, tốt xấu đã có mặt để chở người vô gia cư, dưới sự điều khiển của Abbé Pierre. Từ đó, Cha đã là hình ảnh một ‘Linh mục bác ái chăm lo cho người vô gia cư’ trong lòng dân Pháp…
Đầu mùa đông bất thường đó, dựa vào các dự đoán khí tượng, Cha Pierre đã đề nghị Quốc hội biểu quyết một ngân khoản một tỉ francs để lo xây nhà cho người vô gia cư nhưng các dân biểu đã bác bỏ. Thế nhưng chỉ ba tuần sau, chính họ đã phải thông qua ngân khoản 10 tỉ để xây cất ngay 12.000 căn nhà cho người bất hạnh…
Và cứ thế, cha giúp đỡ anh chị em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh. Giúp các thanh niên lầm lỡ hội nhập… Các cuộc thăm dò dư luận quần chúng của Viện thăm dò dư luận quần chúng Pháp (Institut francais d'opinion publique) cho thấy Cha Pierre là người được dân chúng Pháp yêu thích nhất liên tục trong 17 năm liền, từ năm 1989 tới 2003, đến nỗi tới năm 2004 Cha phải xin rút lui, để nhường cho những người khác.
Khi người ta hỏi Cha Pierre : nếu mai đây ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu nầy: nơi đây yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”. Sống tình yêu, trao ban tình yêu cho những người bất hạnh nhất như lệnh truyền của Chúa Giêsu : Yêu thương anh chị em chung quanh như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Cha Pierre, đã sống yêu thương, được nuôi dưỡng bởi tình yêu như lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy lạp là: "hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy" (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I), nghĩa là "trong tình yêu Thầy dành cho anh em". Yêu Chúa Kitô, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Tình yêu xuất phát từ nguồn - Thiên Chúa Cha như Thánh Gioan sau này đã định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,16a), một tình yêu vô tận và không ngừng trao ban:
- Từ Chúa Cha qua Chúa Con như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: như "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào" (Ga 15,9a). Đức Giêsu nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17; 17,5)
- Rồi từ Chúa Con – Đức Giêsu đến môn đệ, như Ngài khẳng định: "Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" (Ga 15,9b). Người môn sinh khám phá và chiêm nghiệm: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c).
- Chính vì xuất phát nguồn từ nơi Thiên Chúa đến với nhau rồi lan ra giữa các môn đệ với nhau theo tiêu chuẩn mô phạm tình yêu của Thầy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12). Ở lại trong tình yêu và trung tín với lệnh truyền yêu thương của Người, môn sinh sẽ được "tràn đầy niềm vui" vì "ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở
trong người ấy" (1 Ga 4,16b).
Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là "tình yêu" (tiếng Hy lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khoá của chuyển động tuần hoàn vòng tròn, A.Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).
Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
- Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8.11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16), hãy yêu thương nhau như yêu như thầy chúng ta (x.Ga 15,12). Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.
- Yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gioan diễn giải “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.
- Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giêsu truyền là: “… các con giữ điều răn của Thầy” như Thánh Gioan sau này diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-17).
Theo lời Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9), đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại và nhân loại trao cho nhau như Chúa Giêsu truyền, cho nên R.Tagore nói :
“Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu”
Vâng, tôi và bạn cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình:
“Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn