SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - B
( Ga 15, 1 - 8 )
Bài 1:
“Thầy là cây nho, anh em là cành”
----------------------------------
Giấc mơ của Thiên Chúa là con người được chia sẻ niềm vui chan chứa của Người, để từ đó con người lớn lên như cành nho xanh tốt sinh nhiều hoa trái.
Giấc mơ trước hết của Người là cho dân tộc Israel, dân tộc mà Người coi là cây nho rất yêu quí. Người đã chọn dân tộc này giữa muôn dân trên trái đất. Người đã gieo trồng dân tộc này trên mảnh đất được chọn đầy ánh nắng mặt trời. Người chăm lo cho họ, gìn giữ họ khỏi những muông chim thích ăn hoa quả. Những chim đó là người Canaan, người Philitinh …Đặc biệt là Người lo cho họ giữ được Đức Tin tinh tuyền trong một thế giới ngoại giáo:
“Tôi xin hát tặng bạn thân tôi bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho… Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó; cây nho Chúa mến yêu quí chuộng ấy, chính là người xứ Giuđa”.
Thật đáng tiếc, điều xẩy ra cho Thiên Chúa cũng như cho người trồng nho là: cây nho đó không bao giờ đáp ứng được nỗi chờ mong của ông chủ vườn nho: “Ông những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại”. Như vậy, Thiên Chúa đã bị lừa. Tuy nhiên, Người không chán nản và thất vọng. Người không từ bỏ chương trình. Người đi đổi giống nho khác và ngành nho mới của giống nho đó sẽ làm vui lòng Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định mạnh mẽ Người là cây nho thật và là giống nho tốt! Người là Israel đích thực: Người được Chúa Cha trồng trong mảnh đất Israel bạc bẽo này. Dù là mảnh đất bạc bẽo, nhưng đã được các tiên tri và những người Dothái nhiệt thành cày cấy và chuẩn bị. Chúa Cha cũng đã cho phép cây nho Giêsu được tỉa cành để sinh một thứ quả dư dật: Người đã không kéo cây nho đó ra khỏi tay những tên đao phủ và cũng không cứu cây nho Giêsu khỏi đóng đinh trên thập giá. Hiển nhiên, thứ cây nho mới này đã trổ sinh một loại quả ngọt ngào và tràn đầy sức sống: từ máy ép nho của Thập giá chảy ra một thứ rượu mới, đó là máu đổ ra để cứu nhân loại ốm yếu vì tội lỗi, một thứ máu đổ ra để nuôi sống tất cả những ai đến với bàn tiệc Thánh Thể.
Chủ nhật hôm nay người kitô hữu chúng ta có thể đặt cho mình những câu hỏi:
- Chúng ta có ý thức đủ về vai trò trung tâm của Chúa Kitô trong thế giới và trong cuộc sống mỗi người không?
- Chúng ta có ý thức đủ rằng nếu không có Chúa chúng ta không thể làm được gì trọn vẹn trong đời sống thiêng liêng không?
- Chúa Kitô có phải là mối quan tâm hàng đầu và là điều cần thiết duy nhất của chúng ta không?
- Chúng ta có nghĩ rằng chúng ta có thể nhịn ăn Mình Máu Thánh Chúa lâu ngày lâu tháng mà không nguy hiểm không?
Chúng ta đang thuộc loại ngành nào của cây nho? Người trồng nho thường bận việc vào mùa xuân, vì mùa này cây nho phải cắt tỉa. Chúa Kitô là gốc nho tuyệt hảo, nhưng các ngành nho phải ghép vào Người thì mới có thể sống được nhờ nhựa sống là chính sự sống Thiên Chúa.
1- Thật vậy, một số người kitô hữu chúng ta là những ngành nho khô héo. Bề ngoài họ cũng bám chặt vào gốc nho, nhưng nhựa sống không còn thông truyền cho họ nữa. Ống dẫn sự sống của Thiên Chúa đã bị tắc nghẽn vì họ từ chối ơn thánh hoặc vì tội trọng.
2- Họ là những kitô hữu kiêu ngạo vì nghĩ rằng mình đã đủ biết điều gì cần phải làm rồi mà không cần nghe những lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong họ. Đời sống tôn giáo khô héo vì họ không thực hành đức tin . Chúa Giêsu đã nói: “Đó là những cành khô sẽ bị ném vào lửa”. Trái lại nếu muốn trở thành ngành nho hồi sinh, thì những cành đó cần phải giâm lại nhờ ơn thánh của Bí Tích Hoà Giải.
3- Cũng có một số kitô hữu là những trồi non nảy mầm, nhưng lại dòn mỏng yếu đuối trước những cơn mưa đá và băng giá. Họ là những người xin chịu phép Rửa tội, nhưng lại không chịu tiến xa hơn trên đường nhân đức. Họ dễ rung cảm vì một buổi tĩnh tâm cầu nguyện hoặc hành hương, nhưng khi trở về với đời sống thường ngày, họ không duy trì được đời sống đức tin đã được sưởi ấm. Họ là những người đã gặp gỡ được Chúa Kitô Phục sinh cách nào đó, nhưng chỉ một cuộc thử thách đã sớm làm đức tin mới mẻ của họ lung lay.
4- Cũng có một số kitô hữu là những ngành nho um tùm mà người trồng nho cần phải cắt tỉa. Họ là những người kitô hữu thề thốt rằng họ sẽ trở nên tốt nếu GH tốt hơn và cho họ nhiều hơn…Họ là những người độc quyền hoá hàng giáo phẩm, không muốn hàng giáo phẩm đến với những người còn ở xa Giáo Hội.
5- Và hạng người kitô hữu cuối cùng, là những ngành nho tốt. Họ sản sinh những chùm quả nhiều nước, là những thứ nước sẽ làm nên một loại rượu đặc biệt.
- Đó là những kitô hữu kết hợp mật thiết với CK đến nỗi hành động của họ trở nên hành động của Chúa Kitô. Họ lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần như thể họ ở trong Chúa Kitô: “Anh em hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong anh em”.
- Họ là những kitô hữu có một đời sống cầu nguyện đích thực. Chính đời sống cầu nguyện này làm cho họ quan tâm đến những nhu cầu cần thiết của anh em.
- Họ là những kitô hữu nối kết với Chúa Kitô đến nỗi họ cảm nhận được trong họ tình yêu điên rồ của Người đối với thế giới: “Tôi sống, mà không phải là tôi sống, nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
- Họ là những kitô hữu mặc dù phải đau khổ nhưng luôn cảm thấy vui mừng và bình an trong Chúa.
Về phía chúng ta, chúng ta thuộc loại cành nho nào? Liệu có thể đuợc xếp vào loại cuối cùng không? Để trả lời cho câu hỏi này, có một tiêu chuẩn không thể lầm lẫn được, đó là chúng ta sẽ là ngành nho tốt nếu chúng ta yêu mến anh chị em chúng ta. Về điểm này Chúa Kitô đã giải thích rõ ràng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Nơi người kitô hữu, hoa quả của ơn thánh đó là tình yêu đối với người khác: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Vì thế, dấu chỉ chứng tỏ chúng ta có tương quan với Chúa Kitô hay không chính là tính chất phục vụ anh chị em chúng ta.
Người trồng nho sẽ rất vui mừng khi đến mùa thu hoạch, cái gùi của họ đeo trên lưng đầy ắp những quả nho chín mọng. Lúc đó, người trồng nho sẽ rất tự hào! Cũng thế, chúng ta sẽ đoán được Chúa Cha trên trời sẽ mừng vui như thế nào khi thấy những ngành nho của Giáo Hội sinh nhiều hoa trái công chính và yêu thương. Chúa Cha cũng rất tự hào, vì “điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ của Thầy.” Và cuối cùng chúng ta sẽ được lời lãi gấp đôi: Chúa Cha trên trời sẽ ban cho chúng ta niềm vui tràn đầy và đồng thời chúng ta cũng sẽ làm cho Người vui thoả.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
"Thầy là cây nho, anh em là cành. ".
-----------------------------
Không phải tình cờ mà Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Người với Chúa Cha và với toàn thể nhân loại. Hình ảnh cây nho đã được dùng rất nhiều trong Cựu ước để nói lên Giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Tất nhiên, Thiên Chúa là chủ vườn nho và dân Israel là vườn nho, là cây nho:
"Ngày ấy, các ngươi hãy ca ngợi vườn nho tuyệt diệu. Chính Ta, Đức Chúa, Ta là người canh giữ vườn nho, vẫn đều đặn tưới nước; Ta canh giữ ngày đêm, không cho ai phá hoại. Ta không giận nữa đâu: có gai góc hay bụi rậm, là Ta mở cuộc chiến, Ta sẽ đốt hết một trật. Kẻ nào bám lấy Ta để được che chở, thì hãy làm lành với Ta. Trong tương lai, Giacob sẽ bám rễ, Israel sẽ trổ nụ đơm bông và mặt đất sẽ đầy tràn hoa trái".
Đó là Giao Ưùoc Thiên Chúa đã ký với dân tộc Israel và Người luôn trung thành với Giao ước đã ký. Sự trung thành này được mô tả như là sự ân cần săn sóc của người trồng nho, một sự ân cần quá say mê không mệt mỏi, chí cốt làm sao cho cây nho sinh nhiều hoa trái:
Gốc nho này Chúa bấng từ Ai cập,
Đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng.
Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
Cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.
Bóng um tùm phủ xanh đồi núi,
Cành sum suê rợp bá hương thần,
Nhánh vươn dài tới phía đại dương,
Chồi mọc xa đến tận miền sông cả.
Đã nói đến Giao Ước, thì phải có cả hai bên. Về phía Thiên Chúa, Thiên Chúa luôn trung thành. Còn về phía dân tộc Israel thì sao? Thái độ của dân tộc được chọn, khi thì ngoan ngoãn, lúc thì bất trung: "Israel vốn là một cây nho sum suê, hoa quả thật dồi dào phong phú; nhưng hoa quả càng nhiều, chúng càng dựng nên những bàn thờ ngẫu tượng; đất nước càng giàu sang, chúng càng dựng thêm những cột thần lộng lẫy".
Thái độ của dân được chọn như thế làm cho Thiên Chúa là người trồng nho nhiều lúc phải phàn nàn: "Người trồng nho mong nó sinh hoa quả tốt, nhưng nó lại sinh quả dại. Và bây giờ, dân Giêrusalem và người Giuđa hỡi, xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho. Có gì làm hơn đươc cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi mong những quả tốt, sao nó sinh quả dại... Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó; cây nho Chúa mến yêu quí chuộng, ấy chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ thấy vẳng tiếng khóc than".
Thiên Chúa, người trồng nho không thể chịu nổi thảm hoạ của vườn nho. Người cảm thấy thất bại về Giao ước mà người đã ký với dân tộc Israel. Thất bại nhưng không nản lòng, Thiên Chúa liên tục loan báo sẽ có một Giao ước mới thay cho giao ước cũ: "Này, sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như Giao ước Ta lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi đất Ai cập; chính chúng đã huỷ bỏ Giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel, sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Ta sẽ thứ tha tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa".
Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến trần gian để thực hiện Giao ước mới. Người nói về Giao ước mới bằng cách nhắc lại hình cảnh cây nho của Cựu ước. Nói đến cây nho, người Do Thái hiểu ngay đó là hình ảnh của Giao ước. Nói đến hình cảnh cây nho, Chúa Giêsu loan báo một cách rõ ràng rằng Giao ước mới sẽ được ký trong Người: "Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho...Anh em hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong anh em...Phần Thầy, Thầy là cây nho, anh em là cành". Ở trong Thầy có nghĩa là thấm nhuần những lời nói của Thầy: " Nếu anh em ở trong Thầy, thì những lời Thầy ở lại trong anh em".
Tội bất trung của dân Israel là tội không tuân giữ lời Chúa. Cựu ước gọi tội này là tội thờ ngẫu tượng. Chỉ mình Chúa Giêsu, suốt cuộc đời Người hoàn toàn thực thi lời của Thiên Chúa; có nghĩa là chỉ một mình Người mới có thể thực hiện trọn vẹn Giao ước. Chính vì thế mà chúng ta rất dễ hiểu điều đó, khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói: "Chén này là chén Giao ước mới trong Máu Thầy đổû ra vì anh em".
Như vậy, hoa quả mà Chúa Cha, người trồng nho chờ đợi nơi cây nho, là cuộc sống hoàn toàn phó thác. Và chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể là cây nho đích thực sống trọn vẹn với giao ước. Còn chúng ta, nếu muốn sống hoàn toàn phó thác, hãy trở nên những cành nho và bám chặt vào thân cây nho là chính Chúa Giêsu.
Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại đời mình và đưa ra lời đáp: Có lẽ cây nho đời tôi cũng giống như cây nho của dân Israel chăng? Bề ngoài, cành lá sum suê nghĩa là đời sống vật chất có tăng trưởng nhiều so với những năm trước đây: nhà lầu xe hơi, tủ lạnh xe máy...Nhưng lại không sinh hoạt tôn giáo, thờ thần tượng của tiền tài, danh vọng và cả những tệ nạn của xã hội. Aên chơi xa phí thì không tiếc, nhưng một xu một đồng bố thí cho người nghèo hoặc dâng cúng vào nhà thờ thì không.
Hoặc nếu là cành nho, liệu cành nho đời tôi đã bám chặt lấy cây nho là chính Chúa Giêsu chưa? Nhìn bề ngoài, tôi vẫn là cành nho bám lấy Chúa Giêsu vì tôi vẫn mang danh nghĩa là Kitô hữu. Tuy nhiên, nhiều khi cành nho của đời tôi bám lấy cây nho Chúa Giêsu như một cành tầm gửi: sống nhờ nhựa sống của cây nho, nhờ các ơn lành của Chúa ban qua Giáo Hội, qua các Bí Tích; còn lá và hoa không phải là lá hoa một cây nho, mà là lá hoa của cành tầm gửi, toàn là hoa quả dại.
Tôi đã thấy và tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cành tầm gửi khác của anh chị em tôi, bạn bè tôi đã bị chủ vườn nho chặt đi và quăng vào lửa. Còn cành tầm gửi của đời tôi, chủ vườn nho vẫn chưa chặt vì lòng nhẫn nại đợi chờ và quá thương tôi. Tôi biết và tôi cảm nhận được điều đó. Vậy tôi xin mạnh dạn thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa Giêsu xin giúp con trở thành một giáo hữu thực sự, một cành nho đúng nghĩa bám lấy cây nho đích thực là chính Chúa bằng lòng phó thác, tin tưởng và yêu mến. Dù cành nho của đời con đôi phen bị trơ trụi , nhưng trong cái trơ trụi đó, biết bao hoa trái trổ sinh. Lạy Chúa, xin cho trơ trụi của đời con được hiệp thông với trơ trụi của Thập Giá Chúa trên đồi Can vê. Amen".
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 3:
Để sinh trái phải kết hợp với cây Giêsu
Chúa nhật thứ IV vừa qua Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động để diễn tả tương quan rất dễ thương giữa Thiên Chúa với Dân Ngài là " Mục tử" và "đàn chiên". Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng một bức họa phúc dụ về cây nho và nhành nho, tự ví von mình là cây nho thật, các môn đệ là nhành và Chúa Cha là người trồng nho. Chúa nói : "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho" (Ga 15,1). Các môn đệ là nhành để có nhiều hoa trái thì phải kết hợp với Chúa như cành với cây, như dây với đàn. Điều này không có gì lạ, vì trong Kinh Thánh, rất nhiều lần dân Itraen được sánh ví với vườn nho sai trái khi trung tín với Thiên Chúa; nhưng một khi họ xa Chúa, tức cành lìa khỏi cây, họ trở nên khô héo, không còn khả năng làm ra "loại rượu làm phấn khởi lòng người" nữa (x. 104,15).
Thuật ngữ "hoa trái" được lặp đi lặp lại cả thảy sáu lần trong đoạn Tin Mừng (Ga 15,1-8), cho thấy hoa trái là điều tối cần đối với cây. Người trồng nho nào khi cắm nho xuống đất lại chẳng hy vọng vào tương lai vườn nho sẽ cho nhiều hoa trái. Chúa Cha muốn chúng ta sinh nhiều hoa trái, đó là chuyện bình thường. Chúa Giêsu khẳng định: "Chính tôi là người đã chọn anh em và cắt cử anh em để đi, bạn đơm hoa kết trái, và hoa trái của anh" (Ga 15,16).
Ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ cội rễ này chúng ta nhận lãnh nhựa sống và sống sự sống của Chúa Kitô, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Kitô, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Người. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :"Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc "ở lại" cách thâm sâu và trung tín với Chúa" (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 305). Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì "nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho" (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, "các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy" (Ga 15,5).
Chúng ta là kitô hữu, nghĩa là người có Đức Kitô, sinh nhiều hoa trái chứng tỏ chúng ta là môn đệ, là chi thể đích thực của Chúa Kitô. Chúa đã từng lên án những cây vả cằn cỗi chỉ có lá không có quả. Người kết án tên đầy tớ vô dụng đã mang bạc của chủ đi chôn. Người trách mắng những người Pharisêu không làm công việc của cha họ là Abraham (Ga 8, 39). Chúng ta đã được ghép vào thân cây mới, cây nho Chúa Giêsu. Chính nhựa Kitô, và sự hiện diện của Đức Kitô khi chúng ta nhận lãnh trong Thánh Thể đổi mới chúng ta: " Nhành nào sinh trái thì Cha Thầy tỉa sạch để nó sai trái hơn''. Chúa Giêsu nói: "Thầy là cây nho thật"
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi : kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái ? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! "Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi" (Ga 15, 6).
là những cây sinh trái, chúng ta phải gắn bó với Chúa Kitô như nhành nho với cây nho, được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể sinh nhiều hoa trái. Hoa trái ở đây theo thánh Phaolô là hoa trái của Thần Khí cụ thể như: "tình yêu, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, hiền, khả năng kiểm soát sự tức giận của chúng ta..."
Mang lại hoa trái là đưa ban tay ra giúp người ốm đau bệnh tật, thăm người già sống cảnh cô đơn, giúp đỡ những người khổ đau nghèo đói, an ủi và biết cách lắng nghe cũng như khuyến khích và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, tích cực tham gia vào đời sống của giáo xứ, chia sẻ với mọi người.
Để có được nhiều hoa trái, chúng ta phải là những nhành cây duy trì mối quan hệ thường xuyên với Thầy Chí Thánh Giêsu là thân cây. Vì vườn nho thật của Thiên Chúa, có cây nho thật là Chúa Giêsu. Như Ðức Kitô ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ cũng thế, những người được cắt tỉa nhờ Lời của Thầy mình. Nếu các môn đệ gắn kết với Thầy cách thâm sâu, họ trở thành những nhành nho sai trái, làm cho vụ mùa bội thu. Thánh Phanxicô de Sale viết: "Cành liên kết với thân và sinh trái không bởi tự chính nó nhưng là nhờ thây cây: hiện nay chúng ta được gắn kết trong tình mến với Đấng Cứu Thế như chi thể với đầu. Vì thế, những việc lành phúc đức hưởng nhờ từ Người đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu" (Trattato dell'amore di Dio, XI, 6, Roma 2011, 601).
Thiên Chúa cần chúng ta để tái tạo một thế giới tốt hơn, một thế giới của sự tôn trọng, huynh đệ và yêu thương. Thiên Chúa cần đến bàn tay, đôi chân và tấm lòng của chúng ta. Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng nếu kết hợp với Đức Kitô, như cành nho với cây nho, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh và cuộc sống, chúng ta yêu mến nhau và chúng ta sinh nhiều hoa trái. "Ai ở lại trong Thầy kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái".
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết luôn gắn bó và kết hiệp với Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 4 :
TÌNH YÊU VÔ BIÊN
Hình ảnh con chiên và cây nho đã được Cựu Ước và đặc biệt được dân Do Thái làm biểu tượng cho niềm tin tôn giáo của mình. Chiên và nho không chỉ có giá trị kinh tế trong cuộc sống mà nó còn mang một ý nghĩa sâu xa của đạo Thiên Chúa. Dân Do Thái dùng ngôn từ chiên và nho một cách thân thương, tế nhị giống như dân Việt Nam ta, thường dùng con trâu, cây trúc hoặc cây tre làm văn hóa riêng của mình. Mỗi dân tộc có nền văn hóa, văn minh riêng.
CHÚA GIÊSU CŨNG DÙNG VĂN HÓA CỦA DÂN DO THÁI ĐỂ TRUYỀN ĐẠT SỨ ĐIỆP CỦA MÌNH:
Chúa Giêsu được sinh ra tại đất Do Thái, mang dòng máu Do Thái, Ngài cũng sống hoàn toàn tập tục, truyền thống và nền văn hóa của dân tộc mình. Thấm nhuần truyền thống của các ngôn sứ trong Cựu Ước là dùng hình ảnh cây nho và con chiên để nói lên tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân của Người, Chúa Giêsu thời Tân Ước cũng dùng hình ảnh cây nho để diễn tả mầu nhiệm cao sâu và thâm thúy:” sống gắn bó, mật thiết với Ngài”. Sứ điệp cứu độ Chúa Giêsu muốn mang lại cho nhân loại là ơn giải thoát nhân loại khỏi tội khiên. Chúa đã dùng hình ảnh con chiên, đàn chiên để diễn tả nhân loại đang bơ vơ, vất vưởng. Chính Ngài là mục tử nhân lành, Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đến trần gian để:”…hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Còn với hình ảnh cây nho, Chúa Giêsu vén lộ cho nhân loại biết Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa Giavê, Ngài đến thế gian không những để đích thân chăm sóc, vun trồng vườn nho, nhưng Ngài là cây nho đích thựcđể chính Ngài truyền ban sự sống cho nhân loại như cây nho nuôi sống cành lá của nó bằng chính nhựa sống của nó. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh thân thương của cây nho, vườn nho của dân Do Thái để đi xa hơn trong ý định cứu thế của Ngài: Thiên Chúa là người trồng nho, nhân loại là cành, là lá, Chúa Giêsu là cây nho vì với sự nhập thể làm người, Chúa Giêsu đã đến thế gian, Ngài chính là cây nho tốt, cây nho tuyệt hảo để Ngài tạo nên một vườn nho mới, Ngài là Adam mới, xây dựng một nhân loại mới theo hình ảnh của Thiên Chúa Dùng hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa Giêsu còn muốn đi xa hơn nữa là Ngài muốn thông ban cho nhân loại sự sống thần linh của Người:” Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trongThầy”( Ga 15, 4 ).
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU: TÌNH YÊU VÔ BIÊN:
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Giáo Hội là dân mới của Chúa Giêsu. Được thông hiệp với huyết nhục của Chúa Giêsu, nhân loại hay nói cách khác, Hội Thánh cũng chia phần với sự đau khổ với Chúa Giêsu như cành được cắt tỉa khỏi cây, tức nói lên sự mất mát, chia lìa Có cắt tỉa: cành mới sinh hoa trái mới. Dân Chúa vì là cành, lá của thân nho là Chúa Giêsu, nên sự đau khổ của Chúa cũng là đau khổ của dân, sự chết của Chúa Giêsu cũng là sự chết của dân, để sự sống lại của Chúa cũng phải là sự sống lại của dân vì như thánh Phaolô đã viết:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” hay” Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” hoặc” Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Giáo Hội hay nhân loại sống mật thiết, gắn bó, hiệp thông với Đức Kitô như cành dính liền với thân nho thì sẽ sinh nhiều hoa trái vì Chúa đã nói:”…không có Thầy, anh em chẳng làm được gì “. Chúa Giêsu quả thực đã mạc khải đạo tình yêu bởi chính Ngài là tình yêu. Cuộc đời của Chúa Giêsu là một mạc khải tình yêu liên tục. Lịch sử dân Chúa là mạc khải tình yêu không ngừng: Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian để yêu thế gian và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc cho muôn người. Dân Chúa sống kết hiệp mật thiết với Chúa thì việc của dân làm và hiệu quả của công việc của dân đều do bởi chính Đức Kitô. Chúa luôn muốn thông ban tình yêu của Ngài cho nhân loại và việc trao ban kỳ diệu, lạ lùng và hết sức thực tế là chính Ngài đã hy sinh mạng sống cho muôn người, cho nhân loại vì yêu: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu mến”(Ga 15, 13 ). Đáp trả lại tình yêu của Chúa là nhân loại đã đền đáp phần nào tình yêu vô biên của Ngài. Milton A. Marcy đã nói một câu chí lý: “Ai mất liên lạc với Chúa sẽ sống trong bóng đêm không lối thoát…”. Và như thế, tách rời Chúa:” …thì bị quẵng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo…”( Ga 15, 6 ). Đức Giêsu mượn một hình ảnh thân thương cho các môn đệ hiểu, từ nay họ sẽ có một cuộc sống mới:họ chia sẻ vào cuộc sống riêng của Người.Dưới sự hiện diện của Người họ sẽ múc lấy sức mạnh vượt trên tất cả. Điều này chỉ diễn ra khi các môn đệ kết hợp với Thầy mình, như nhành gắn liền với cây nho, vào giờ của niềm vui cũng như trong những giây phút thất vọng. Lời của Đức Giêsu: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người được hiệp nhất nên một, như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con.
Pr. Nguyễn Mai
Bài 5:
GẮN BÓ CÙNG THẦY: CÀNH NHO VỚI CÂY NHO
Cv 9,26 -31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore (1861- 1941) để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, gồm thơ, văn xuôi, kịch, âm nhạc (trong đó có quốc ca Ấn Độ và Bangladesh), nhiều bức tranh, các bài tiểu luận về chính trị, giáo dục và triết học. Hai tập thơ rất nổi tiếng: tác phẩm Thơ dâng – Gitanjali, tuyển tập gồm những bài thơ về niềm tôn giáo, và tuyển tập "Tâm tình hiến dâng" (nguyên tác: The gardener), là những vần thơ triết lý cuộc sống thường ngày: cuộc sống có tình yêu có nụ hôn hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều sầu bi của tình yêu ngập nước mắt. Tagore được tặng giải Nobel Văn học năm 1913. Ông đã viết về chiếc dây đàn và cây đàn guitar như sau:
“Trên bàn tôi là sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào.
Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc”.
Dây đàn không thể tạo lên tiếng đàn nếu không được căng trên cây đàn Guitar, nhưng du dương ca hát nếu gắn chặt với cây đàn…
Hình ảnh đó đưa chúng ta ý gẫm về Lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy anh em không làm được gì” (Ga 14,5), gắn bó cùng thầy sẽ sinh nhiều hoa trái, Ngài minh họa bằng hình ảnh: cành nho gắn bó với cây nho sinh hoa trái.
Trong Thánh Kinh, nho là một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc:
- Ngôn sứ Isaia phác họa Dân Chúa được tuyển chọn như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa qua bài ca Vườn nho : Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel (x. Is 5,1-7) để ám chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài.
- Ngôn sứ Giêrêmia nói thông điệp của Giavê cho cho Israel rằng: “đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành những cành nho tạp chủng?” (Gr 2,21). Chúa chăm sóc dân Ngài nhưng dân Chúa đã phụ lòng bỏ ngài.
- Ngôn sứ Ôsê nói về Dân Chúa tuyển chọn được Chúa chăm sóc: “Israel là cây nho tươi tốt” (Os 10,1).
- Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca hy vọng Thiên Chúa thăm viếng Dân Ngài: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng” (Tv 80,15-16).
· Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh cây nho - vườn nho để mạc khải về Nước Thiên Chúa: “Một người
kia trồng một vườn nho, ông rào dậu bôn bề, một hầm ép nho, và xây một tháp canh rồi ông cho các người làm nho thuê mướn và ông khởi hành đi xa” (Mc 12,1-2 ; Mt 21,33 - 34).
Cây nho đã trở nên biểu tượng của dân tộc Israel trong dòng lịch sử. Huy hiệu trên các đồng tiền thời Maccabê (167-164 TCN) là cây nho. Sử gia Flavius Josephus, một sử gia nổi tiếng người Do-thái (37 - 100) đã được trao nhiệm vụ viết sử Dothái cho người Rôma, đã viết rằng vua Hê-rốt cho gắn một cây nho làm bằng vàng trên cửa vào Đền Thờ ông đã xây (
Antiquities, 15.395)…
Nói đến cây nho, trái nho dễ dàng nhắc nhở chúng ta về chén Máu Thánh, nhất là vì trong Tin mừng Marcô 14,25 và Mátthêu 26,29, câu “sản phẩm của cây nho” là nói về chất đựng trong chén (cùng với bánh không men) khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và truyền lại phải cử hành mầu nhiệm này vì thế mà chúng ta có thánh lễ mỗi ngày cử hành Bí tích Thánh Thể.
Trong sách Didache viết bằng tiếng Hylạp (nghĩa là “huấn giáo”, đọc là Đi-đa-kê), ở thế kỷ thứ hai được coi là Giáo huấn của Các Tông đồ, một cuốn thủ bản của Kitô giáo thời sơ khai viết về luân lý và tổ chức của Giáo Hội, trong sách chúng ta gặp thấy trong lời chúc lành khi cử hành Thánh Thể qua hình ảnh cây nho: “Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha (eucharistein là từ Hy lạp có nghĩa là “tạ ơn” và bởi đó chúng ta mới có từ Anh ngữ Eucharist và Pháp ngữ Eucharistie để chỉ của Thánh Thể, tức Thánh lễ ), vì Cha đã chọn cây nho thánh của Đavít tôi tớ Cha để tỏ ra cho chúng con biết nhờ Đức Giêsu là tôi tớ Cha”.
Đến Do thái, chúng ta trên đường phố Giêrusalem, Giêrikhô và Galilê, sẽ thấy rất nhiều vườn nho được chăm sóc kỹ lưỡng. Vào mùa thu hay mùa đông, thợ vườn cắt đi khỏi thân cây những cành đã chết khô, bó lại thành bó và đem đi đốt. Khi mùa xuân tới, thợ vườn trở lại cắt đi những chồi nhỏ vô dụng để cây nho tươi tốt hơn…
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và thần học về cây nho, Chúa Giêsu nhấn mạnh mọi tương quan của Ngài với người môn đệ như là cây nho và cành nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành…” (Ga 14,5). Hình ảnh nhấn mạnh đến trung tâm là nhu cầu hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
Mầu nhiệm hiệp nhất qua cành nho với cây nho được Đức Giêsu tóm lại trong hai sự việc: kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa muốn dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp mật thiết với Chúa, mới đem lại kết quả thiêng liêng cho chính mình và cho anh em. Đức Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Trong đoạn Tin Mừng Ga 15,1-8, có tới 9 lần cụm tụ “ở lại trong” được lặp lại: sự gắn bó se sinh hoa trái. Gắn bó với cây nho không thể tách rời, là bổn phận của một cành nho để sống và đơm trái. Hình ảnh ẩn dụ nói về việc gắn bó cùng thầy. Điều kiện này không thể thiếu được, nếu không muốn đời sống siêu nhiên của mình bị héo tàn và vô dụng như cành nho lìa cây sẽ khô héo, vì Chúa nói rõ: ‘‘ Không có Thầy, anh em không thể làm được gì” (Ga 14,5)
Không ở trong thầy, không gắn bó với Thầy, chúng ta như cành lìa cây. Thật thế, mỗi người trong chúng ta phải đối diện với lựa chọn lựa như Chúa Giêsu tiếp tục dụ ngôn: “Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ bị quẳng đi như một cành cây và sẽ bị khô héo; và các cành được gom lại và ném vào lửa cùng bị thiêu hủy” (Ga 15,6). Thánh Augustinô suy niệm và giải thích: “Cành chỉ thích hợp với một trong hai điều, hoặc là với cây nho hai là với lửa: nếu nó không ở trong cây nho, thì chỗ của nó sẽ là trong lửa; và nếu nó có thể thoát khỏi lửa, thì nó có thể có chỗ trong cây nho” ( Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 81, 3 [PL 35, 1842]).
Đức Giêsu còn nhấn mạnh: để cành nho cho những hoa trái có chất lượng, cần phải được cắt tỉa, loại bỏ những mầm vô ích. Thiên Chúa Cha là người trồng nho thật, Ngài cắt tỉa những việc bất xứng, xén đi những gì đang chiếm các năng lực vô ích, các sự việc không tình yêu khỏi tâm hồn và con tim chúng ta. Có thể đó là những việc xảy ra không đúng ý mình muốn, làm cho mình đau khổ. Chấp nhận được cắt tỉa là chấp nhận thương đau, thanh luyện. Cho nên, không thể không hy sinh, khi muốn bước theo Đức Kitô, gắn bó và ở lại với Người. Khi được cắt tỉa, chúng ta hãy cứ nuôi dưỡng mình thêm bằng dòng nhựa của Đức Kitô và giữ vững can đảm vì nhìn tới các hoa quả đầy hứa hẹn...
Xin cho con luôn gắn bó với Thầy như cành nho gắn bó cây nho, bởi vì:
"Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu" (R. Tagore,
Mong Chẳng Còn Gì)
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn