Thứ hai, 25/11/2024

Các bài suy niệm về Đại Lễ Chúa Thánh thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 10:00 20/05/2015
WGPHH: Ngày lễ hiện xuống là một sự đảo lộn lớn: Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại và ban Thánh Thần cho thế giới.
Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
 
Bài 1:
 
Một Giáo Hội sống động và hiệp thông
--------------------
Trước hết hôm nay chúng ta hãy chúc mừng sinh nhật của GIÁO HỘI:
- Chúc mừng GIÁO HỘI, một người mẹ già đã sống được khoảng 2000 năm rồi và sẽ tiếp tục sống cho đến tận thế.
- Chúc mừng Giáo Hội của Chúa Kitô được sinh ra từ hơi thở của CTT vào buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần.
- Chúc mừng Giáo Hội trải qua bao thế kỷ vẫn giữ được nguyên tuyền vật kỷ niệm của con Thiên Chúa.
- Chúc mừng Giáo Hội đã chuyển giao cho chúng ta lời giáo huấn của Chúa Giêsu một cách trung thành nhất.
- Chúc mừng Giáo Hội, người mẹ của chúng ta đã nuôi chúng ta bằng lời và Mình Máu Chúa Kitô.
- Chúc mừng Giáo Hội, một người mẹ già đã sống 2 thiên niên kỷ, tất nhiên là vẫn còn mang những nếp nhăn nheo trên trán và vài vết bùn trên áo. Dù sao, Giáo Hội vẫn luôn có khả năng canh tân vì Giáo Hộivẫn luôn đón chờ hơi thở của CTT.
- Chúc mừng Giáo Hội của Chúa Kitô ngày nay thường bị người đời công kích.
Trải qua bao thế kỷ, chúng ta luôn cần một Giáo Hội sống động và hiệp thông.
Vào buổi sáng ngày lễ CTT hiện xuống đầu tiên của kitô giáo, 11 tông đồ có mặt ở đó. Họ ngạc nhiên và vẫn còn sợ sệt. Họ như con chiên không người chăn và đóng cửa cài then trong phòng tiệc ly chờ đợi Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho họ. Hạnh phúc cho họ là có Đức Maria cũng hiện diện ở đó,  là một nguồn động viên lớn.
Bỗng chốc, một cơn gió lốc lùa vào nhà. Cửa sổ và cửa ra vào kêu răng rắc. Mái nhà như muốn bốc!  Nhiều  tàn lửa rớt xuống trên đầu và đánh động sâu sa vào cả con tim họ. Đột nhiên, từ sợ sệt trở nên liều lĩnh, từ nhút nhát trở nên bạo dạn, từ rụt rè trở nên nhiệt thành, những con người này liền mở tung cửa và đổ ra các quảng trường đông người. Họ nói! Họ còn dám phát ra những lời có thể nguy hại đến tính mạng. Thánh Phêro tuyên bố bài diễn văn đầu tiên của ngôi vi Giáo hoàng, một thông điệp. Ngài nói thẳng thắn. Chính Ngài là con người cách đây khoảng 50 ngày đã chối Chúa, thế mà hôm nay cao giọng công bố Chúa Kitô đã sống lại . “Theo kế hoạch đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại…Tất cả chúng tôi xin làm chứng về điều này”.
Ngày lễ hiện xuống là một sự đảo lộn lớn: Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại và ban Thánh Thần cho thế giới. Hơn nữa Thánh Thần này làm làm chúng ta chưng hửng không thể ngờ được .. Người có thể là một trận cuồng phong dữ dội hoặc cơn gió hiu hiu, một cơn gió nhẹ hoặc cơn gió bấc quyền năng. Người là lửa làm cho Giáo Hộinăng động trong ngày lễ hiện xuống, nhưng Người cũng là hạt sương dịu mát trong các tâm hồn.
Đức Giáo Hội Phaolô VI nói: “Chúng ta đang sống một thời kỳ đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội”.
Trải qua bao thế kỷ, Giáo Hội gặp nhiều chống đối, nhiều người kitô hữu nhát đảm co cụm lại. Họ mơ về một Giáo Hội pháo đài xiết chặt hàng ngũ chung quanh Đức Giáo Hoàng và khôn ngoan cuộn mình lại để bảo vệ truyền thống. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không phải là cơn gió thổi kiệt quệ. Người vẫn tiếp tục thổi và đốt nóng các tâm hồn các tín hữu.
Vậy chúng ta đừng sợ sệt nữa! Chúa Thánh Thần đầy hóm hỉnh. Người có cách làm chúng ta ngạc nhiên vì Người làm cho thế giới nên mới. Người có phương pháp mới trong việc loan báo Tin Mừng.
Thôi đừng có thái độ tự vệ nữa! Chúng ta hãy tin tưởng vào tương lai, vì ơn Chúa Thánh Thần luôn đi trước chúng ta! Cơn gió của Thánh Thần không bao giờ thiếu để đưa con thuyền của Giáo Hội băng băng luớt sóng. Nếu có thiếu, chỉ là thiếu những người căng buồm để đón nhận sức mạnh của cơn gió Thánh Thần mà thôi.
Chính ngày lễ Chúa Thánh Thần đầu tiên, những con người thuyền chài dốt nát ấy đã biết nói cho dân chúng, họ tìm được thứ ngôn ngữ đụng vào con tim. Mặc dù dân chúng là nhiều hạng người nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng họ vẫn cứ hiểu được bài giảng của các tông đồ dốt nát ấy. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong những con người dốt nát đó.
Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, Thánh Thần là sự hiệp thông say đắm của Chúa Cha và Chúa Con. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ đầy Thánh Thần, họ cũng đầy cả ánh sáng bên trong. Cuối cùng, họ cũng không cần phải nói. Tình yêu hiện lên trong con mắt họ. Khi yêu nhau thì người ta sẽ hiểu nhau ngay lập tức, không cần phải nói nhiều lời. Và vì thế các tông đồ là những người phúc âm hoá sống động. Họ vui mừng say xưa trong Thánh Thần, vì Thánh Thần là niềm vui của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ngày nay Chúa Thánh Thần có ở trong Giáo Hội không? Lời khiển trách lớn nhất mà người ta gửi đến cho Giáo Hội phải chăng là Giáo Hội không hiểu được thế giới hiện đại hoặc không làm cho người ta hiểu mình? Sự không hiểu biết sẽ gắn liền với sự không hiệp thông giữa Giáo Hội và thế giới. Tại sao những người kitô hữu chúng ta không sống chứng tá tin mừng như các tông đồ để cho Giáo Hội và thế giới hiểu nhau hơn? Chớ gì người tín hữu chúng ta hãy mở ra cho Chúa Thánh Thần hoạt động!
Thôi chúng ta cũng đừng rầu rĩ nữa! Chúng ta sẽ không bao giờ làm cho Chúa Thánh Thần buồn được! Ngay từ khi tạo thành vũ trụ, Chúa Thánh Thần đã làm cho trái đất sinh động, thì ngày nay Người vẫn cứ luôn luôn làm việc như vậy. Chúng ta hãy tin tưởng vào thế giới hôm nay, tin tưởng vào các bạn trẻ ngày mai. Hãy tin tưởng vào tất cả những ai đang tìm kiếm giải pháp để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Hãy tin tưởng vào những ai tin rằng tình yêu sẽ có tiếng nói cuối cùng, vì Chúa Thánh Thần chính là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài hiện diện nhiệm mầu nhưng rất  hiệu quả!
Lm Goan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
 
 
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến
(Ga 20, 19-23)
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến là cầu nguyện thiết tha: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,  lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo Hội xin Ngài đến để làm gì ? Thưa, để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). 
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x. Ga 16, 7). Ngài  "hiện diện " trong lịch sử Giáo Hội, và hành động không biết mệt mỏi. Giáo Hội sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt và bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6), vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo Hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6), và vì thế, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với Giáo Hội để Ngài tiếp tục làm nhiệm vụ đổi mới và canh tân. Thần Chân Lý đã "nhập thể " trong Hội Thánh. Như lời ca nhập lễ diễn tả : "Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia. "
Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: "Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói" (Cv 2, 4). Thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần trong ngày Ngài hiện xuống trên các thánh Tông đồ và những người qui tụ chung quanh họ, ngày mà chúng ta có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quân Thù và sự yếu đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thiên Đàng.
"Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp" (Cv 2, 2).
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: Ngôi nhà, sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con người (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần).
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự, người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng  gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Những " Hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực " (Gal 5, 22).
Phải khẳng định rằng " Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến "để ở với Giáo Hội luôn mãi " (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: " Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế ". Ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo Hội thật phong phú dồi dào! Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ (…) Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên những người chịu phép rửa tội và làm cho họ ngập tràn niềm vui. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên các Tông đồ; kể từ ngày hôm đó, Giáo Hội, Vương Quốc của Đức Giêsu lan rộng khắp địa cầu, chính Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con điều khiển Giáo Hội. Bằng sự thánh thiện, Ngài kiện toàn nơi tâm hồn con người ngay từ lúc khởi đầu Ơn Cứu Chuộc. Thánh Tôma Aquinô nói: "Ngài là linh hồn của thân thể nhiệm mầu là Giáo Hội " (Tổng luận Thần học, I-II, q. 106, a. 1c.). Ngài ngự trong Giáo Hội cách thường hằng, Ngài không ngừng trao ban sự sống và thánh hóa Giáo Hội như lời Thánh Phaolô nói: " Vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi " (Ga 14, 17).  Vì là Thần khí Sự Thật, "khi nào Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn trong Chân Lý " (Ga 16, 13) và gìn giữ khỏi mọi sai lầm. Chính Ngài làm bừng lên trong Giáo Hội sự phong phú siêu nhiêu: làm nảy sinh và triển nở những nhân đức anh hùng nơi tâm hồn các thánh trinh nữ ; các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đó là một trong những dấu chỉ sự thánh thiện. Tóm lại, Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn nhân thế ; nhờ linh hứng trong Hội Thánh, nhờ máu châu báu của Đức Giêsu Kitô đổ ra ,"tinh tuyền, không vết nhơ, không tì ố" (Ep 5, 27), ngõ hầu tất chúng ta xứng đáng trình diện trước tòa Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu trong ngày thẩm phán.
Ðức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên "sự biểu lộ và phương thế" của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 33).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ !" Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Bài 3:
LỜI HỨA BAN THÁNH THẦN
 
(Ga 20, 19-23)
Vào thời điểm Tin Mừng thứ 4 được soan thảo, khoảng năm 100 sau Công nguyên, Giáo hội đã trở thành một cộng đoàn đức tin khác biệt hẳn với Do thái giáo và đã biết tin rằng Đức Giêsu thật sự và trọn vẹn là Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan có một đoạn dẫn nhập, mà chúng ta thường gọi là Lời Tựa (1, 1-18).
Phần này bắt đầu bằng khẳng định Đức Giêsu Thiên Chúa. Các câu đầu tiên phát biểu những chủ đề quan trọng trong Tin Mừng: Sự sống, ánh sáng, sự thật, thế gian, làm chứng, và sự tiền hữu (hằng có) của Đức Giêsu Kytô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Phần Lời Tựa này minh định khung cảnh cho những gì Gioan sẽ viết ra trong Tin Mừng ngài.
Gioan ít chú trọng đến việc ghi lại những sự kiện lịch sử về Đức Giêsu tại thế. Đúng hơn, ngài muốn giúp chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai ( Đấng Kitô ), vị cứu tinh Israel mọi người đang mong đợi. Con Thiên Chúa và là Ngôi Lời vĩnh cửu.
Dung mạo Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ tư mang vẻ sang trọng, uy nghiêm, thần linh. Đức Giêsu chính là khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa đích thực. Nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, qua Ngài và trong Ngài Thiên Chúa tạo dựng mọi sự, mặc lấy xác thịt để mạc khải cách chắc chắn về tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, không trừ ai.  
 8/5/2015
Pr. Nguyễn Mai
 
 Bài 4:

THÁNH THẦN – HƠI THỞ CỦA TÌNH YÊU
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
 
 
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở”.
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.
Hơi thở luôn là biểu lộ dấu hiệu của cuộc sống: Hơi thở còn chúng ta còn tồn tại. Không còn hơi thở, cuộc sống chúng ta mất.
Hơi thở quan trọng cho con người vì nuôi sống cơ thể bằng dưỡng khí của Trời đất, Hơi thở gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu sinh hoạt thân xác và tinh thần của chúng ta. Khi lo lắng, sợ sệt, hơi thở trở nên nặng nề,khó chịu. Khi ta giận dữ, nóng nảy, hơi thở ta gấp gáp, mệt nhọc... Và hơi thở thật nhẹ nhàng, khoan khoái khi chúng ta thanh thản, bình an.
Hơi thở có thể giữ được tâm trạng bình thản: Khi chúng ta lo lắng, sợ hãi,  cần giữ hơi thở cho đều đặn, tâm hồn chúng ta sẽ trở lại bình an, thanh thản. Khi nóng giận, tức tối,  chúng ta cần giữ hơi thở nhẹ nhàng, đều đặn, sẽ lấy lại được sự an bình trong tâm.
Các tù nhân đi trại cải tạo về chia sẻ lại, nhà tù kín mít chỉ có chiếc ô thông gió nhỏ xíu, nhưng đó là nơi các anh em tù nhân thay phiên nhau cố gắng lại gần để hít thở... Lúc được ra ngoài lao động là lúc cố gắng thở bù... Nhờ vậy anh em mới giữ được cái tâm bình an và thân xác khỏe mạnh. Trong những điều kiện khó khăn về hít khí trời, chúng ta mới cảm nghiệm được sự cần thiết của không khí trong lành...
Hơi thở là hình ảnh nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô phục sinh - “Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.  Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23).
Hơi thở là biểu tượng của Thánh Thần hay Thần Khí, chỉ Ngôi thứ ba của Thiên Chúa. Từ “Thần khí” trong tiếng Hippri là “ruah” nghĩa là gió, hơi thở hay sự chuyển động của không khí, xuất hiện hơn 90 lần trong bản văn Kinh thánh bằng tiếng Hippri. Đó là nguyên lý của sự sống và sức mạnh và qua Thánh Thần, Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh và ý chí của Ngài. Ngay phần đầu của sách Sáng thế, nhờ “Thần Khí của Chúa,” Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo: "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1, 1-2)
Chúa Kitô phục sinh tỏ hiện vinh quang Ngài tại nhà Tiệc ly, cửa đã đóng kín, người đứng giữa “thổi hơi vào” (enephysêsen) các môn đệ. Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần; Động từ “thổi hơi vào” (emphysian) ở Ga 20,22 đã được dùng tại Sách Sáng thế Ký  2,7 LXX : Thiên Chúa thổi hơi mang sức sống vào Ađam để nguyên tổ có sức sống, như thế Thần Khí là sức sống của con người. Trên thập giá, Đức Giêsu đã “trao Thần Khí” (paredôken to pneuma;) Người đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân thập giá, đặc biệt cho thân mẫu Người. Các nhà giải thích Kinh Thánh nhấn mạnh rằng Thần Khí ban cho Đức Maria là tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu (Theo giải thích của Cha FX.Vũ Phan Long).
Chúa thổi hơi ban Thần Khí để rửa sạch các môn đệ khỏi tội lỗi và làm cho họ thành một cuộc tạo dựng mới. Ân ban Thần Khí khai mạc sứ mạng của các môn đệ: Trong nhà Tiệc ly môn đệ họp lại voi Mẹ Maria vào ngày lễ Ngũ Tuần. Bỗng có tiếng từ trời gió thổi, ào ào khắp nhà các đấng đang họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tỏa ra đổ trên đầu từng người một và tất cả đều được tràn đầy Thánh Linh (Cv 2,3-4): Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng cho tình yêu và lòng nhiệt thành. Với ân ban của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ trở nên nhiệt thành can đảm đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa nơi các dân tộc, tiếp nối sứ mạng ra đi rao giảng mà Chúa Giêsu đã truyền trước khi về Trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28,19-20 ). Ở cùng với các ông qua sự hiện diện và tác động của Thần Khí mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Thần Khí được Đức Giêsu phục sinh trao ban cho các môn đệ là Thần Khí xuống đã đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu (x. Ga 1,32-33).
 Khi còn ở trần thế Đức Giêsu đã nói đến Thần Khí sự thật, Đấng ở lại (menei) với các môn đệ (Ga 14,17) như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (Ga 1,32). Ngài là Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Ngài bảo đảm cho họ sẽ không mồ côi (Ga 14, 15 - 18; 16, 7-8). Các môn đệ tin vào Chúa Giêsu, nên được đón nhận Ngài (Ga 7,39; 14,12-14). Còn thế gian không thể nhận lấy Đấng Phù Trợ vì họ không tin vào Chúa Giêsu.,
Kể từ khi khai sinh trong Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Đức Kitô luôn đứng vững và phát triển dưới sự hướng dẫn, tác động của Chúa Thánh Thần như lời Chúa Giêsu truyền: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv 1,8).
Đấng đó sẽ thúc đẩy và soi sáng các môn đệ hiểu sâu sắc giáo huấn của Chúa Kitô như Ngài đã giải thích: Thánh Thần sẽ dạy dỗ các môn đệ mọi điều và nhắc nhở cho họ những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ (x. Ga 14,26). Thánh Thần vừa nghe vừa loan báo những điều giấu kín, và Ngài là trung gian truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Ga 16,13).
Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng, sưởi ấm tâm hồn, thúc giục chúng ta làm điều lành, tránh điều xấu, điều dữ như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Ngay khi được rửa tội, Thánh Thần triển khai các hành động của Người như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả. Thánh Thomas Tiến sĩ nhấn mạnh rằng: “Chúa Thánh Thần được trao ban đến để cư ngụ trong chúng ta và làm cho chúng ta nên mới”.
Thật thế, mới về tinh thần, mới về cách cư xử với nhau, mới về cách chứng nhân như Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gal 5,22).
Xin Thần Khí ở cùng chúng ta luôn mãi... như thánh Phaolô xác tín:
"Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước"
                                                                                                 (Gal 5,25).
                                                                               Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài gòn
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log