WGPHH: Ngày lễ nào khi truyền phép Mình Thánh, linh mục cũng đọc câu: “Người cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ ”.
Bài 1:
“Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”
------------------
Ngày lễ nào khi truyền phép Mình Thánh, linh mục cũng đọc câu: “Người cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ ”. Tất cả mầu nhiệm về Bí tích Thánh Thể đều hàm chứa trong câu nói này. Thánh Thể là một thứ bánh trao tặng, bánh được bẻ ra và bánh được chia sẻ.
1-Thánh Thể là một món quà của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã trở nên bánh, chứ không phải sắt thép, hoặc một thứ hợp kim nào. Như vậy, bánh mang một biểu tượng phi thường. Câu nói khi chủ tế dâng báng rượu: hoa màu ruộng đất và lao công của con người, vừa diễn tả hành động kỳ diệu của Thiên Chúa vừa diễn tả hành động của con người.
Bánh là một quà tặng của Thiên Chúa. Nhìn cánh đồng lúa vàng nặng hạt mà chúng ta vừa thu hoạch xong, chúng ta không thể quên được tất cả những gì tiềm ẩn trong đó: mặt trời, mặt trăng, mưa thuận gió hoà. Nếu không có những thứ đó làm gì có những mùa lúa bội thu như vậy! Tất cả là món quà Thiên Chúa. Bánh Thánh Thể cũng vậy, là một món quà của Thiên Chúa, vì là thứ của nuôi sung mãn. Chính vì thế mà bánh Thánh Thể mời gọi chúng ta ca ngợi Đấng Tạo Hoá.
Bánh cũng là một quà tặng của con người vì bánh là kết quả lao công của con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã chọn bánh như là biểu tượng sự hiện diện của Người bên cạnh chúng ta. Từ bánh này Chúa Kitô làm nên thân xác của Người. Và Người còn đi thêm một bước nũa: là làm cho vật chất đơn sơ này trở nên thần thiêng, đến nỗi lời ca tụng của nhân loại trước vẻ đẹp của thế giới trở thành lời ngợi ca của Con Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha, và công việc của con người lại trở nên công việc của Chúa Kitô. Cha Varillon nói: “Thánh Thể được truyền phép, không có nghĩalà Chúa Kitô từ trời rơi vào trong một miếng bánh, nhưng là con người được kitô hoá, con người trở nên Chúa Kitô”.
Thánh Thể là bánh ngợi khen, là bài hát tình yêu của mọi thụ tạo dâng về Thiên Chúa nhờ việc Chúa Kitô đã trở nên bánh. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng. Con người cũng dâng lên Thiên Chúa hoa quả đẹp nhất của trá đất: đó là Con Thiên Chúa. Vậy mỗi khi dâng lễ chúng ta có nối kết chúng ta với hành động tạ ơn của Chúa Kitô không?
2- Thánh Thể là bánh được bẻ ra, bánh của sự hy sinh dâng hiến.
Thánh Thể là bánh ban sự sống. Bánh được làm ra không phải là để trong tủ kính cho người ta ngắm nhìn. Bánh được làm ra để ăn. Bánh sẽ chỉ nuôi sống con người nếu bánh được tiêu tan: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trở trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh hiều bông hạt”.
Biểu tượng Thánh Thể là của ăn nuôi sống mang một ý nghĩa quan trọng nhất. Chúa Kitô đã dâng hiến mình để nhân loại được sống. Dưới hình thức bánh được bẻ ra, Chúa Kitô chính là bánh đã bị bẻ gãy trên Thập giá. Bánh bị bẻ gãy này nhắc nhở chúng ta lễ hy sinh cao cả của đồi Canvê. Trên bàn thờ Chúa Kitô hiện diện đích thực dưới hình bánh rượu, nhắc lại Máu Chiên Thiên Chúa đã đổ ra trên Thập giá. Khi dâng bánh này lên Chúa Cha, chúng ta dâng chính bánh Con Thiên Chúa, và chỉ có bánh này là đẹp lòng Người mà thôi.
Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Khi tham dự thánh lễ chúng ta có thực sự tham dự vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kito không? Khi ra về chúng ta có dám nói về một sự hy sinh nào đó của chúng ta không, đành rằng thế giới hôm nay không muốn chấp nhận hy sinh và đau khổ? Tuy nhiên, như Thánh Augustino nói: “Hy sinh không là gì khác ngoài tình yêu”.
Hy sinh là trao ban chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Mỗi người chúng ta, sau khi dâng lễ về, cảm thấy mình phải cần phải cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta điều gì đó!
3- Bánh được chia sẻ, bánh của hiệp nhất
Bánh là một biểu tượng của sự hiệp thông. Ăn cùng một bàn tiệc và chia sẻ cùng một bánh giúp chúng ta nối kết xâu xa với người khác. Bánh được chia sẻ là một biểu tượng mạnh mẽ về tình bạn và tình yêu. Người nào từ chối ăn chung với người khác, thường không có tình thân mật trong gia đình. Người đó sẽ không đi ăn chung hoặc chỉ ăn một mình.
Chính vì vậy mà chúng ta rất dẽ hiểu Chúa Giêsu đã chọn bánh để bày tỏ ý định của Người là qui tụ toàn dân Thiên Chúa lại. Vì thế, tất cả những ai đón nhận Mình Thánh Chúa, thì phải kết hợp mật thiết với Chúa và với người khác. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ điều này: “Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em danh có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Nếu tâm hồn còn thù oán, chúng ta không thể đến gần Hoàng tử hoà bình của chúng ta được. Cũng vậy, nhiệm vụ cứu độ sẽ chỉ được thực hiện một cách đầy đủ khi tất cả mọi người có thể ngồi chung cùng bàn tiệc Thánh Thể để cảm thông và tha thứ cho nhau.
Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: khi tham dự thánh lễ và đặc biệt là trước khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta có hiểu được ý nghĩa cử chỉ trao bình an cho nhau chưa? Lễ xong, khi ra về, chúng ta có chia sẽ những ơn huệ mà chúng ta đã lãnh nhận trong Thánh Lễ chưa? Chúng ta có muốn làm việc chung với mọi anh em chúng ta không? Thánh Thể là động lực thúc giục chúng ta hướng về thế giới hôm nay vẫn còn biết bao người đói khát của ăn vật chất cũng như tinh thần.
Lm Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
Này là Mình Ta. Này là Máu Ta
( Mc 14, 12-16. 22-26)
Ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: “Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê” (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.
Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được ?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!
Giáo hội quả quyết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Theo thánh Tôma Aquinô: Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta: “ Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: « Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người » (Mc 14, 22-24).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”. (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta”. Người tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và kiệu Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là “Mặt Trời” : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ “mặt nhật”)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3:
BÁNH TÌNH YÊU
Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được Đức giáo hoàng Urbanô I thiết lập vào năm 1264.
Trước khi về trời, Đức Giêsu không nỡ bỏ rơi Giáo Hội, Chúa đã để lại một kỷ vật cao quý là Mình Máu thánh Người trong Bí tích Thánh thể, để làm của ăn uống thiêng liêng cho người tín hữu, ban sức mạnh linh thiêng và niềm an ủi cho dân Người: “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy, Máu giao ước đổ ra cho muôn người. Giao ước mới giữa Thiên Chúa với dân Người không phải được ký kết băng máu hiến tế của chiên cừu, mà Môsê đã dùng trong Cựu ước, nhưng bằng Máu Con Thiên Chúa được ghi lại trong Phúc Âm hôm nay và được thánh Phaolô thuật lại trong thư gửi tín hữu Do Thái. Thánh lễ misa là việc làm mới lại lễ hy sinh thập giá. Tham dự vào bàn tiệc thánh là dấu chỉ người tín hữu chấp nhận, tin tưởng giao ước mới với Thiên Chúa.
Việc cử hành long trọng Bí tích Thánh Thể có một ưu tiên đặc biệt được gọi là “Lễ của Chúa-Fête-Dieu”. Phụng vụ cử hành Thân Mình Chúa Kitô, Bánh hằng sống, Bánh thiên thần, Lương thực tinh thần. Đức Kitô nhập thể vào bản thể của chúng ta để chúng ta được sống mãi mãi, theo tiền đề của Phúc Âm thánh Gioan.
Bánh của Thiên chúa, Bánh tình yêu không thể tách biệt nhau, hoa mầu ruộng đất và công lao của con người” Bánh thỏa mãn cơn đói,bị bẻ ra vì đau khổ chúng ta,xuyên qua các khổ đau. Bánh được nhân lên cho toàn thể nhân loại,với rượu hoan ca, rượu nồng cho các điều thiện hảo của Thiên Chúa.Rượu buồn khổ và say sưa vì lệch lạc của chúng ta. Rượu của ơn cứu độ đổ vào chén Máu của Đức Kitô.
Nếu như có ai trong tiếng thưa vâng, qui tụ trong Người cả bánh và rượu này, thì Người đó chính là Đức Maria. Chúng ta hãy quan sát hãy chiêm niệm, hãy liên kết. Hang đá, sinh Con Thiên Chúa, Mẹ nằm tại Bê lem, có nghĩa là “nhà Bánh”. Ca-na! Với sự thúc đẩy của Đức Maria mà Đức Giêsu đã biến nước thành rượu trong bữa tiệc trong đại. Thánh Thể Bánh cho người nghèo cũng như cho người giầu. Bánh cho sự vượt qua trần thế của chúng ta (linh mục Pierre Talec).
Bánh tình yêu thần linh nuôi sống cuộc đời. Nuôi sống để giúp cho phát triển và sống, đó là phản ánh đầu tiên của tình yêu, các cha mẹ đều biết rõ điều này! Thiên Chúa tự ban chính mình để nuôi con cái Người; Người ban không phải tất cả những gì Người có, nhưng tất cả những gì thuộc hiện sinh của Người. Tình yêu nhân bản nuôi sự sống, nhưng sự sống này phải chết. Tình yêu thần linh nuôi sự sống và chuyển biến trở thành sự sống vĩnh cửu. “Ai ăn Thịt và uông Máu Tôi sẽ có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.”
Đức Kitô sẽ làm cho chúng ta điều mà Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trong buổi sáng Phục sinh. Chỉ có lương thực được chia sẻ mới làm giảm tất cả các cơn đói của chúng ta, cơn đói của thể xác lẫn tinh thần, vì Đấng làm cho chúng ta sống sẽ đưa chúng ta vào liên hệ với Người: “Tôi, tôi sống nhờ Cha, cũng thế, ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi.” Sự sống vĩnh cửu không phải là câu hỏi về thời gian kéo dài, nhưng là sự liên hệ. Ai ăn thịt của Đức Kitô và uống máu Người, có nghĩa là bước vào tình thân của Cha và của Con, nguồn bất tận của sự sống và tình yêu...Từ khi chúng ta nhân lãnh bí tích rửa tội, chúng ta là những con người mới cho sự sống đời đời, hãy lãnh nhận Đức Kitô như lương thực để lớn lên như những người con của ánh sáng (Christelle Javary ).
Trong thánh lễ kính Mình Máu Thánh Đức Kitô hôm nay cũng như trong thánh lễ mỗi ngày, Đức Giêsu đón nhận các lễ vật của chúng ta cùng với Người. Khi Thiên Chúa nhận ra bánh,Người nhận ra Đức Giêsu.
Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh này mọi lao nhọc của mọi người và của các em bé, Người nhận ra sự lao nhọc của Đức Giêsu. Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh, tình yêu của mọi người, Người nhận ra tình yêu của Đức Giêsu. Khi Thiên Chúa nhận ra trong bánh khao khát của mọi người, Người nhận ra khao khát của Đức Giêsu. Khi Thiên Chúa nhận ra bánh, Người nhận ra Đức Giêsu. Khi hiến dâng bánh rượu, chúng ta đều có khuôn mặt của Đức Giêsu. Khi thưa với Thiên Chúa, lễ vật bánh rượu sẽ nói về Đức Giêsu với Thiên Chúa.
Vâng, thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa. Hơn nữa, càng say mê phục vụ con người, ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Đấng phục vụ.
Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với hy lễ của Đức Giêsu Kitô.
Hy lễ của Đức Giêsu là hy lễ tình yêu hiện hữu. Khi tình yêu hiện hữu mọi sự có thể đổi thay.
Đây là một lễ trọng được liên kết chặt chẽ với lễ Phục sinh và lễ Hiện xuống: Sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu và sự trào ban của Chúa Thánh Thần là những giả định trước cho lễ Mình và Máu Thánh Chúa. Ngoài ra nó cũng liên kết ngay với lễ Chúa Ba Ngôi. Chính chỉ vì Thiên Chúa là sự tương quan nên mới có thể có ở đây một sự liên hệ; và cũng chỉ vì Người là tình yêu mà Người có thể yêu và được yêu. Như vậy, lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một biểu hiện của Thiên Chúa, một bằng chứng rằng Thiên Chúa là tình yêu. Ngày lễ này nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa một cách độc nhất và đặc biệt, về những gì Người là, và những gì Người làm. Ví dụ, người ta nói rằng Thiên Chúa được tái tạo bằng cách tự hiến, rằng Người được đón nhận bằng cách cho đi, rằng Người không thể bị thiếu hụt, rằng Người không bị tiêu hao đi- như bài vịnh ca của thánh Tôma Aquinô đã hát lên điều đó. Tình yêu biến đổi mọi sự, và người ta hiểu rằng, ở trung tâm ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa, có mầu nhiệm của việc biến đổi thể chất, dấu hiệu của Chúa Giêsu Kitô, vốn biến đổi thế giới. Khi nhìn lên Người để thờ lạy, chúng ta nói: “ Vâng, tình yêu hiện hữu, và vì hiện hữu, nên mọi sự đều có thể đổi thay, nên tốt hơn, và chúng ta có thể hy vọng” (Đức Giáo hoàng Benê đictô XVI).
Nguyễn Mai
Bài 4:
THÁNH THỂ SỰ DÂNG HIẾN TRỌN VẸN
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Mẹ Têrêsa là vị Tông đồ bác ái vĩ đại, Mẹ được trao giải Nobel Hòa Bình vì dấn thân chăm lo cho người nghèo, người bệnh tật, bị bỏ rơi, người sắp chết Mẹ đem về săn sóc cho họ chết trong an bình…, Mẹ bắt đầu mỗi ngày bằng việc rước lấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, như Chúa nói: “Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”. Mẹ Têrêsa chia sẻ:
"Mỗi khi chúng tôi Hiệp lễ (rước Chúa Thánh Thể), chúng tôi được chứa đầy Chúa Giêsu, và như Đức Maria, chúng tôi phải vội vã đi tìm những trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường phố, mang chúng về nhà".
Thật thế, chính Thánh Thể là nguồn sống để Mẹ Têrêsa nhận ra Chúa nơi anh chị em khốn khó bệnh tật… "mọi thành phần không được chú ý tới, không được yêu thương, không được chăm sóc".
Mẹ Têrêsa nói rằng mỗi khi tu viện nào của Mẹ gặp khó khăn trong đời sống chung thì Mẹ yêu cầu chị em nữ tu chầu Thánh Thể - nguồn tình yêu, thì tình hợp nhất yêu thương giữa các nữ tu trong tu viện đó được hoàn phục ngay…
Tin mừng theo thánh Marcô 14,12-16.22-26 tường thuật lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Trong lễ Vượt Qua, người ta sát tế chiên (
cừu) tại
đền thờ, rồi
tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua và không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà, sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ
Ai Cập xưa kia. Trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể - bí tích của Giao Ước mới: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, đó là cử chỉ thuộc nghi thức bữa tiệc Vượt Qua (x.Xh 12,26-27). Nhưng lời mời gọi: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy” (Mc 14,22), trở thành cử chỉ của riêng của Chúa Giêsu, đã biến đổi ý nghĩa của cử chỉ thuộc lễ Vượt Qua cũ mang ý nghĩa mới của Bí Tích Thánh Thể: Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu và trao cho các tông đồ và nói, “Đây là Mình Ta… đây là Máu Ta” (x. Mc 14,22.24). Bánh và rượu mà Người trao cho các ông chính là Mình và Máu Người. Qua cử chỉ đó, Đức Giêsu đã lập bí thích Thánh Thể, để lại Mình Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành hướng về quê Trời. Chính Ngài đã truyền cho các môn đệ phải làm việc này vì thế tại sao mà chúng ta cử hành Thánh Thể tức Thánh lễ mỗi ngày.
Bí tích Thánh Thể mang sự sống muôn đời, như trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã xác định rõ : “Thật,tôi bảo thật các ông…. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi sẽ được sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết. Bởi vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông, ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn : Chúa với ta và ta với Chúa - một thân thể không thể tách lìa.
Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin (mysterium fidei), như lời tuyên tín của cộng đoàn dân Chúa sau truyền phép Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ, Giáo Hội xác tín Thánh Thể đó là một điều vượt quá khỏi trí hiểu biết của con người và chỉ có thể hiểu được bằng lòng tin, như Thánh Thi tuyên tín:
Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể
Ðã làm cho bánh thật nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh
(Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Thánh Thể)
Với người tín hữu trước Thánh Thể, như Thánh Cyrillô thành Giêrusalem khích lệ : "Đừng đi tìm trong bánh và rượu vật chất tự nhiên, bởi vì Thiên Chúa đã nói rất rõ ràng rằng đó chính là Thịt và Máu của Người. Lòng tin xác nhận điều đó mặc dù giác quan con người thấy khác” (Ecclesia de Eucharistia, 15). Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta như Lời hứa Ngài: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ngay từ hồi xa xưa, theo lệnh truyền của Thầy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh- tiệc Thánh Thể, và cầu nguyện không ngừng hiệp thông. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến (Cv 2,42.47a). Từ đó qua mọi thời đại, mọi tín hữu Công Giáo ở khắp mọi nơi, trong khắp các nền văn hóa đến Thánh đường mỗi ngày, đặc biệt là Chúa nhật để được lắng nghe và chia sẻ tiệc Thánh Thể …
Mọi ngôi Thánh đường có ngọn Đèn chầu cháy sáng ngày đêm loan báo Chúa Kitô luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thế nhưng lòng tôn thờ Thánh Thể của chúng ta đã tắt từ bao giờ. Xin Chúa giúp khơi lại ngọn lửa tin, lửa mến Bí tích Thánh Thể kì diệu để con được sưởi ấm tâm hồn bằng chính Mình và Máu Ngài…
Ôi nhiệm lạ, kẻ nghèo hèn tôi tớ
Ðược nuôi bằng Thịt Máu Chúa thiên toà.
Mỗi người chúng ta cần sống Mầu nhiệm Thánh Thể "khi tham dự và lãnh nhận Thánh Thể, "điều quan trọng nhất…" là tất cả chúng ta “để Chúa Giêsu chạm đến và biến đổi ta bằng tình yêu trìu mến của Chúa” (Jacques Philippe, Tự do nội tâm, tr. 36-37 32).
Xin cho chúng ta mang tâm tình của Thánh Cyrillô thành Alexandria:
“Chính nhờ việc rước Mình Thánh Đức Kitô mà chúng ta nhận được sức mạnh ‘của việc kết hợp với Thiên Chúa và với nhau”.
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn, 06/06/2015