Thứ sáu, 17/05/2024

Các bài suy niệm Chúa nhật XI TN B (Mc 4,26 – 34 )

Cập nhật lúc 17:37 10/06/2015

Bài 1:
“Nước Trời là gì?”
--------------------------
WGPHH: Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một khái niệm về nước trời: Nước Trời giống như một người kia gieo hạt giống trong ruộng của mình, và nước trời giống như hạt cải nhỏ bé. Thánh Augustino đã nói: “Có những kẻ nói rằng Giáo Hội đã biến mất khỏi thế giới này rồi”. Cũng từ đó, một số lớn người cũng đã tiên báo một cách mơ hồ Giáo Hội đã bị chôn vùi rồi, nhưng thực tế thì họ đã bị chôn vùi khi mà Giáo Hội vẫn còn đó. Napolêon nói: “Người dân qua đi, ngai toà sụp đổ, thể chế biến mất, nhưng Giáo Hội vẫn còn”.
Bài Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta hiểu rõ về mầu nhiệm Giáo Hội và chắc chắn chúng ta sẽ vững tin hơn. Giáo Hội không phải là một cường quốc giống như các cường quốc trần gian, nhưng là Nước Thiên Chúa lớn lên âm thầm, khó có thể nhận thấy được.
Nước Trời giống như một hạt cải, có nghĩa là một thứ hạt rất nhỏ bé. Tuy nhiên, khi được gieo vào lòng đất nó trở thành cây cải lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó được. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta cách thế hoạt động của Thiên Chúa: quyền lục phi thường của Đấng tạo hoá có thể làm cho sự sống trỗi dậy từ một cái rất nhỏ. Đọc Kinh Thánh Cựu Uớc, chúng ta thấy: Abraham, một nhà thương gia nổi tiếng đã nhận lệnh của Thiên Chúa để đi đến một nơi mà ông không hề biết đến. Ông vâng lời và sẽ trở thành người cha của một dân tộc vĩ đại mà trong khi đó vợ ông đang son sẻ. Lịch sử của Nước Thiên Chúa bắt đầu từ đó.
Thiên Chúa cũng hoạt động như thế trong Giáo Hội. Trên đồi Canvê,  Giáo Hội được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Giáo Hội lúc đó chỉ có một người mẹ trong nước mắt, là Mẹ Maria, một người gái điếm là Madalena và một linh mục trẻ mới chịu chức là Gioan. Thiên Chúa sẽ có thể làm được gì với bộ ba đáng thương này?
Vào ngày lễ Ngũ tuần, nhờ sức gió của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội căng buồm lên. Từ đó, Giáo Hội còn dám đánh cược nhờ vào thành tích của 11 tông đồ đầu tiên không bằng cấp và cũng chẳng có vũ khí gì. Tuy nhiên, một vài năm sau đó, họ đi rao giảng tin mừng khắp đế quốc Rôma và chiếu sáng ngọn đuốc chân lý tới mọi dân tộc .
Từ đó, tinh thần Phúc Âm được lớn lên trong thế giới. Chúng ta có tin được rằng các tông đồ là những người còn tranh nhau địa vị,  thế mà các ông rao giảng có chất như thể Thầy mình rao giảng không? Chúng ta có tin rằng giáo xứ chúng ta cách đây vài chục năm, tưởng chừng nư mất đạo, thế mà bây giờ sức sống Tin Mừng vẫn dâng tràn, dù vẫn còn một số khó khăn cách này cách khác.
Nước Thiên Chúa lớn lên trong mỗi người kitô hữu chúng ta. Ngày chịu phép rửa tội hạt giống đức tin được gieo vào tâm hồn chúng ta và dần dần trưởng thành lớn lên, làm cho chúng ta tin vào Thiên Chúa thật, Thiên Chúa tình Yêu. Giáo Hội luôn khám phá một Thiên Chúa khiêm nhường và ẩn dấu chứ không phải là một Thiên Chúa quyền năng và chiến thắng.
Dù hoạt động của mỗi người chúng ta chỉ là hạt cát thôi, nhưng cũng góp phần xây dựng GIÁO HỘI. Con thuyền Giáo Hội đã và sẽ còn phải chịu đựng biết bao cơn giông tố kinh sợ, nhưng vẫn vững tin tiến về phía trước: vì bánh lái của con tầu vẫn được chính Đấng hứa ở cùng Giáo Hội cho đến tận tận thế đang chèo lái. Giáo Hội của Chúa vẫn lớn lên trong âm thầm mà chúng ta không thể ngờ được.
Thiên Chúa thường  thực hiện những kỳ công kiệt tác của Người trong yên lặng: như Mầu Nhiệm nhập thể âm thầm tại Nagiaret, Noel trong đêm tối và máng cỏ đơn hèn, Sống lại trong im lặng của ngày lễ Vượt Qua. Cũng vậy, tinh thần Phúc Âm sẽ biến đổi thế giới cách tiệm tiến, ngọt ngào và trong im lặng.
Chúa Thánh Thần gieo tình yêu vào trong tâm hồn chúng ta cách kín đáo. Chúa Giêsu cũng vậy, tình yêu điên rồ của Người được diễn tả qua dấu hiệu của trái tim mở ra và bị đâm thâu. Dấu chỉ tình yêu của Người chỉ có thể giải mã bằng thái độ im lặng chiêm ngắm. Người yêu chúng ta say đắm. Người không nói thứ ngôn ngữ như chúng ta. Michel Quoist viết: “Bạn nói mạnh mẽ, còn Ngài, Ngài nói bằng thập giá. Bạn nói bằng quyền lực, nhưng Ngài nói bằng cách trở nên đứa trẻ thơ. Bạn nói trong sang giàu, nhưng Ngài nói trong nghèo khó”.
Đức Maria cũng hoàn toàn kín đáo ít người biết đến tại Nagiaret, nhưng Người đã trở nên người mẹ vĩ đại nhất của nhân loại. Mẹ kín đáo trong ngày truyền tin. Mẹ kín đáo trên đường về Ain-Karim thăm chị họ Elisabeth. Mẹ kín đáo tại bữa tiệc Cana. Mẹ kín đáo trong suốt cuộc đời công khai của Con Mẹ và còn kín đáo dưới chân thập giá.
Như Chúa Kitô, Giáo Hội cần phải kín đáo và âm thầm. Chắc hẳn, Giáo Hội chiêm ngắm Chúa Kitô phục sinh, nhưng không quên rằng Chúa Kitô Phục sinh đó cũng đã chịu đóng đinh. Giáo Hội thờ lạy Đấng cứu độ thế giới, nhưng không quên rằng thế giới cũng đã bỏ rơi Ngài. Công đồng Vaticanô II nói: “Vì Chúa Kitô đã thực hiện chương trình cứu độ của Ngài trong nghèo khó và trong bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi vào con đường này để công bố cho nhân loại hoa quả của mầu nhiệm cứu độ”.
Chính sự kín đáo của Giáo Hội kêu lên mạnh mẽ hơn cả những phô trương chiến thắng. “Giáo Hội chỉ mạnh mẽ vì sự khiêm nhường của mình” (Frédéric Boyer).
Nhìn cánh đồng lúa miền quê mà chúng ta vừa gặt hái xong, rồi lại chuẩn bị cho vụ mùa tới, chúng ta thấy kết quả có được là do thiên nhiên gió thuận mưa hoà và lao công của con người. Nước Trời cũng vậy. Thiên Chúa làm việc, Nước Trời lớn lên. Tuy nhiên, nước trời cũng còn là công việc của con người nữa. Người kitô hữu đã được mời gọi để loan báo tin mừng cho thế giới. Hãy cùng với Giáo Hội đảm nhận công việc này. Thay vì mất thì giờ phê bình và công kích GIÁO HộI, chúng ta hãy giúp đỡ và yêu mến Giáo Hội hơn nữa.
Lm Ga Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
Đặt niềm tin và hy vọng nơi Chúa
 
Bước vào Chúa nhật XI thường niên B, trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu nhập thể (gieo vào thế gian) đối thoại với con người, khiến con người tin tưởng, kiên nhẫn, phó thác trong tin yêu vào Chúa là nguyên nhân mọi sự (x. Ed 17, 22 - 24), là sức mạnh, là niềm vui và là động lực, giúp con người nhận được ơn của Chúa, và sống tốt đời sống làm con Chúa. 
Chủ nhật này, thánh Marcô, người con tinh thần của Thánh Phêrô thuật lại cho chúng ta hai dụ ngôn tuyệt vời, giàu ý nghĩa của Chúa Giêsu: dụ ngôn hạt giống tự mình mọc lên và dụ ngôn hạt cải (x. Mc 4, 26 - 34). Qua những hình ảnh nông nghiệp bình dân ấy, Chúa trình bày mầu nhiệm Nước Trời, và mời gọi con người hy vọng và tin tưởng nơi Chúa là Thiên Chúa quyền năng (x. Ed 17, 22 – 24).
Có người gọi dụ ngôn này là “hạt giống mọc lên một mình”. “Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 27). Thực tế, hạt giống không có tự mình mọc lên được như Phaolô nói: “Tôi trồng, Apôllô tưới, những chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Một khi hạt giống được gieo vào lòng đất, tương quan giữa hạt giống với đất được thiết lập, một chuỗi những kỳ bí vô hình tuyệt vời bắt đầu, quá trình nảy mầm sẽ xảy ra, nếu như nhà nông không để ý đến những gì ông đã gieo và không ai quan tâm đến hạt rơi vào thửa đất.
Đây là một trong những dụ ngôn lạc quan nhất mà chúng ta có được. Mưa hay nắng, các thực tại thần linh được gieo trong nhân loại và chắc chắn mỗi ngày một triển nở, sự yếu đuối của chúng ta là sức mạnh của hạt giống. Hạt giống Chúa Giêsu Con Thiên Chúa được gieo vào mảnh đất nhân loại chúng ta.
Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn mạnh của nó... Liệu tất cả những người tin có hy vọng thế không ? Và các tín hữu có trông đợi như vậy không ? Phải chăng “những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm, hết thảy là những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người sao ?” (1 Cr 2, 9) Thật vậy, “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1, 25), nên điều nhỏ nhặt tốt lành của Chúa cũng lộng lẫy hơn sự bao la của thế giới.
Chúa Giêsu là Nước Trời. Theo cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh Nữ Maria. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải, sự kiện hạt bị nứt ra chính là mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Kitô muốn thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong thế gia... Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.
Lời Chúa Giêsu : “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4, 30-32). Với ngôn ngữ văn chương của người Do thái, các loài chim tượng trưng cho các dân ngoại và những người nước ngoài đến ẩn náu với số lượng lớn. Tiên tri Êdêkien đã nói rất chí lý : “Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó” (Ed 17, 23). Hình ảnh của hạt cải lớn lên trở thành nơi cho “chim trời” ẩn núp không có mục đích gì hơn là giúp cho chim trời sống thoải mái và bình an! Hình ảnh này nhấn mạnh đến Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta, và hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cái cây lớn, trong đó chim trời đến làm tổ, ám chỉ tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được ban nhưng không cho chúng ta. Vương quốc của Thiên Chúa sẽ lan rộng đến tất cả các quốc gia trên khắp thế giới[AD1]  và người ta tìm nơi trú ẩn nơi một Kitô giáo tốt lành.
Ơn gọi của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô không phải là để trở nên mạnh mẽ. Trở nên vĩ đại, không phải là ơn gọi của Chúa Kitô. Giáo hội không tìm cách trở thành bình đẳng của các vương quốc thế trần : đó không phải là sứ mạng của Giáo hội, càng không phải là chứng nhân mà Thiên Chúa mong muốn nơi Giáo hội. Dụ ngôn nói rằng chim trời đến ẩn núp. Đây không phải là sự bành trướng nhưng là sự hiếu khách. Nước Trời không đến để áp đặt lên con người, nhưng đón nhận họ. Trong cây sự sống hoặc cây mà cho phép loài chim đến đậu rồi bay đi và đôi khi được đón nhận ở đó, cho đến ngày làm tổ, đẻ ấp trứng và sống hình thành.
Trong bước đường thiêng liêng, chúng ta thường có thói quen mơ tưởng những điều được coi là vĩ đại. Và rồi thất vọng. Không, chúng ta phải tin tưởng và hy vọng. Niềm hy vọng nơi chúng ta qua đức tin và lòng mến, cho phép chúng ta khám phá ra Thiên Chúa bao bọc chung ta, khiến chúng ta không nản lòng hay thất vọng trong việc truyền giáo, nhưng giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ dẫn dắt mọi sự đến thành toàn mà Ngài đã khởi đầu. Dù điều gì xảy ra với chúng ta đi chăng nữa, thì đời chúng ta đã được đồng hành bởi lời hứa đáng tin này: “Nếu ta cùng chết, ta sẽ cùng sống! Nếu ta chịu đựng, ta sẽ đồng trị. Nếu ta chối Ngài, Ngài sẽ chối ta” (2Tm 2, 11-12).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa, chúng con đặt tin cậy và hy vọng nơi Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bài 3:
 
HẠT GIỐNG SỰ SỐNG
 
   Một trong những đề tài người ta thường gặp trong Thánh Kinh là việc Thiên Chúa dùng những người hay sự vật nhỏ bé, hèn mọn để làm những việc của Chúa. Dụng cụ Thiên Chúa dùng để thi hành những công việc của Người, không tùy thuộc vào khả năng, tài trí và mức độ học vấn của loài người, nhưng là tùy thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của loài người.
   Hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống và hạt cải để nói lên sự bành trướng, phát triển của Nước Chúa. Hạt giống nảy mầm và lớn lên thế nào thì người gieo giống không thấy. Tuy nhiên hạt giống vẫn mọc lên, và sau cùng lớn thành cây,trổ sinh hoa trái. Trong dụ ngôn về hạt giống, Chúa Giêsu tự ví mình như người gieo giống. Hạt giống là tượng trưng cho lời Chúa. Mùa gặt có nghĩa là việc nhận lãnh Lời Chúa. Trong dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta sự nhẫn nại, đợi chờ và xác tín vào chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa.
   Dụ ngôn thứ hai trong Phúc âm nói về sự nảy nở và tăng trưởng của cây cải. Hạt cải chỉ là hạt giống rất nhỏ bé. Tuy nhiên khi nhớn thành cây, chim trời có thể đến núp bóng. Trong dụ ngôn về hạt cải, Chúa Giêsu muôn nói về sự thiết lập nước Chúa ở trần gian với con số rất nhỏ bé là 12 tông đồ. Còn chính đời sống của Chúa cũng bắt đầu bằng những việc tầm thường nhỏ bé. Chúa chọn sinh ra trong hang bò lừa. Mẹ Chúa là bà Maria nội trợ. Cha nuôi của Chúa là bác thợ mộc Giuse, đơn sơ, chất phác. Tại sao Chúa lai không chọn những triết gia lỗi lạc trong đế quốc La mã hay những nhà hùng biện Hy lạp để làm môn đệ? Phải chăng đó cũng là đường lối nhiệm mầu của Chúa, khác với đường lối loài người. Vậy đặc tính của nước Chúa ở trần gian là bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đặc tinh thứ hai là phát triển cách từ từ tiệm tiến. Nước Chúa đã được ngôn sứ Edêkien tiên báo cả hơn bốn trăm năm trước kỷ nguyên, khi nói về một chồi non từ ngọn cây hương bá, được trồng trên đỉnh núi cao, trổ sinh cành lá và hoa trái,khiến chim trời đến nấp bóng ( Ed 17, 22).
Vâng, hạt cải thì nhỏ xíu, nhưng lại nảy sinh ra một cây mà chim trời có thể làm tổ ở đó. Với sự so sánh này, Chúa Giêsu muốn nói với các thính giả của Người là Triều đại của Thiên Chúa đã gần đến. Đúng vậy, cái khởi sự có vẻ vô nghĩa, nhưng nó sẽ lớn lên cũng như một cây mà không ai có thể ngờ được chiều kích to lớn của nó khi so sánh nó với hạt giống. Các Kitô hữu, sau lễ Phục sinh, nhớ lại dụ ngôn này để soi chiếu cho hoàn cảnh của chính họ. Lúc khởi đầu các cộng đồng Kitô hữu có thể là khiêm tốn. Nhưng Đức Kitô đã sống lại cho mọi người và Tin Mừng phải được lan rộng trên khắp cùng thế giới.
   Hôm nay, chúng ta cùng Jean - Piere Manigne suy tư về hạt giống sự sống mà bài Tin Mừng nói với chúng ta: Vương quốc bình an của thanh khiết,niềm vui,việc chia sẻ đức ái,sự tha thứ đối với tất cả mọi người muốn giao hòa con người và thế giới, ai đã đưa chúng ta đên thành tựu như thế? Việc hiệp thông với các diễm phúc, làm sao đánh giá cao tất cả, bấy giờ tất cả những gì chung ta thấy và chịu đựng, sẽ đưa đến một thực tế nghịch lai tất cả.
   Những vấn nạn mà ngày xưa Đức Giêsu, như Người vẫn làm trong ngày nay, sẽ trả lời bằng những dụ ngôn. Những dụ ngôn sẽ nói với chúng ta cách thức Vương quốc bắt đầu phát triển trong con người. Và những dụ ngôn này thật quí giá chỉ vì xem ra đi ngược lai tất cả. Khi Đức Giêsu nói về cánh đồng cần canh tác, người gợi lên cửa hẹp khó bước qua, như ngày hôm nay, Người gợi nên hạt giống nảy mầm cả khi chúng ta đang ngủ. Có nghịch lý hay không? Vâng, phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Thật vậy, Vương quốc là công việc lao động cần nhiều khó nhọc, cũng là việc của hạt giống, nẩy mầm trong đêm, trong khi người gieo vẫn ngủ, nhưng sự lớn dậy được đón nhận như hồng ân của trời.
   Nói chung, thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi. Hạt giống nào cũng phải vùi sâu vào đất và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây. Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái. Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão giông. Đó chính là lúc ta phải sống niềm tin: Tin rằng Chúa sẽ đưa Nước Người đến thành tựu, bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người. Đừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
   Hôm nay ta cần xét xem nước Thiên Chúa có ở trong tâm hồn và đời sống của người tín hữu không. Chắc chắn chúng ta đã được rửa tội, thêm sức... nhưng chưa chắc đã trưởng thành về Đức tin? Nước Thiên Chúa ở trong tâm hồn người có đạo khi người ta thực sự sống đức tin, hay sống đạo - đạo hàng dọc và đạo hàng ngang - khi người ta tôn thờ Chúa và thể hiện đức ái ra bằng lời nói và việc làm. Nói tóm lai nước Thiên Chúa phải ở trong tâm hồn và đời sống người có đạo, khi người ta biết đem đạo vào đời, chứ không phải đem đời vào đạo.
 
Nguyễn Mai
 

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log