Thứ sáu, 10/01/2025

Các bài suy niệm XIII TNB

Cập nhật lúc 22:40 24/06/2015
Hôm nay trên thế giới, cũng có hằng triệu người đến các nhà thờ để nghe bài PA này. Nhưng liệu họ có thật lòng đến gần Chúa Giêsu không? Còn tôi, tôi có thật lòng muốn đến gần Ngài không?
Bài 1:
Đức tin của con đã chữa con
-------------------
WGPHH: Nghe đọc bài Phúc Âm hôm nay chúng ta khám phá ra toàn bộ tính chất phong phú qua chuyện kể về 2 phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm.
- Thánh nữ Teres Lisieux nói: “Đối với tôi, khi đọc các sách tôi chẳng thấy gì, nguyên sách phúc âm là đủ cho tôi rồi”.
- Henri Bergson thì nói: “Tôi luôn luôn trở về với Phúc Âm, chính Phúc Âm là quê hương thiêng liêng của tôi, chẳng có gì mà Chúa Giêsu đã nói về Ngài mà không làm tôi ngạc nhiên”.
Nếu đọc bài Phúc âm hôm nay mà không khiêm nhường như nữ tu Carmelô và nhà triết học nổi tiếng nói trên, thì chúng ta cũng không có thể xao xuyến được.
Một đám đông vây quanh Chúa Giêsu trên bờ hồ. Bối cảnh đã được bài trí! Marco báo cáo laiï điều mà Phero, chứng nhân tận mắt đã thấy. Phêrô bị đánh động bởi đám đông đến vây quanh Chúa Giêsu. Còn chúng ta, chúng ta cũng hãy trà trộn với đám đông và cũng hãy thử đến gần Chúa để nghe điều mà Ngài muốn nói với chúng ta!
Hôm nay trên thế giới, cũng có hằng triệu người đến các nhà thờ để nghe bài PA này. Nhưng liệu họ có thật lòng đến gần Chúa Giêsu không? Còn tôi, tôi có thật lòng muốn đến gần Ngài không?
Thủ lãnh của nguyện đường tên là ông Giairo đã đến. Thấy Chúa Giêsu, ông quì gối xuống và cầu khẩn Ngài. Ông là thủ lãnh của một nguyện đường. Ông có thói quen hướng dẫn cầu nguyện và cùng cầu nguyện với những người khác, và chính ông cũng đã quì gối xuống trước mặt Chúa Giêsu. Nếu tất cả các thủ lãnh nguyện đường Do-Thái cũng làm như ông, thì có lẽ Chúa Giêsu đã chẳng phải chịu đóng đinh. Ngược lại họ đã coi Chúa Giêsu như một đối thủ. Còn Giairo, ông đã quì gối xuống. Giairo đã biết những phép lạ Chúa Giêsu đã làm: ông không bắt bẻ và chỉ có tin !. Người ta sẽ làm gì để cứu đứa con gái nhỏ 12 tuổi của ông vừa mới chết. Người ta sẽ chạy đến ai?
Thỉnh thoảng khi chúng ta mắc bệnh hoặc người nhà mắc bệnh chúng ta cũng chạy đến Chúa. Ôi! Chớ gì chúng ta cũng biết vui mừng quì xuống mỗi ngày. Quì xuống cách khẩn khoản để xin Chúa chữa lành tội lỗi chúng ta như thể là chữa lành tật nguyền thể xác.
Thấy đức tin của Giairo quá mạnh, Chúa Giêsu không còn nghi ngờ gì nữa. Ngài liền đi với ông và cả đám đông theo sau. Đám đông này đang thúc ép ngài: chỉ một điều đang ám ảnh Ngài, là đến chữa con gái ông khỏi chết.
Đó là phép lạ thứ nhất, còn phép lạ thứ hai ? Một người phụ nữ mắc bệnh từ 12 năm nay. Bà cũng có mặt ở đám đông. Bà rất khổ tâm! Bà phải chịu đựng 12 năm đau khổ và lo lắng! Nếu Chúa Giêsu chữa bà khỏi, chắc chắn người ta sẽ nói rằng đó là một phép lạ.
Đức tin của chúng ta cũng cần có một thử thách để tin. Người đàn bà này đến đằng sau Chúa và sờ vào áo Chúa. Bà tự nhủ: có lẽ mình chỉ cần chạm đến áo Ngài thôi, thì cũng được chữa khỏi. Người đàn bà này quá táo bạo:
- Bà nGiáo Hội  ĩ rằng chỉ có cách đụng chạm tới Chúa Kitô thôi là bà  được khỏi bệnh, mặc dù ngài không nhận ra ai đã đụng chạm vào ngài.
- Bà dám chạm vào Đấng trong sạch, khi mà luật Do-Thái coi bà là người không trong sạch vì bà mắc bệnh loạn huyết.
- Bà nGiáo Hội  ĩ rằng, nếu Chúa nhận ra bà đã chạm tới Chúa, thì Chúa cũng sẽ không tố cáo bà trước đám đông, (nếu bà bị tố cáo, thì đám đông sẽ sẵn sàng tìm cách bắt bà vì tội không trong sạch của bà.)
 
Còn chúng ta, tai sao chúng ta lại sợ đến gần Chúa Giêsu, khi chúng ta nhận ra  mình là người tội lỗi? Chúng ta đã chẳng đọc lời Ngài đã nói: Ta đến để cứu chữa người tội lỗi đó sao?
Khi sờ vào áo Chúa Giêsu, người đàn bà được Chúa chữa lành. Bà cảm thấy mình được chữa lành bệnh tật nơi thân xác. Bỗng chốc, Chúa Giêsu nhận thấy rằng có một sức mạnh phát ra từ nơi Ngài. Còn người đàn bà đến với Chúa Giêsu và quì xuống dươi chân Ngài. Bà run run, quỳ xuống dưới chân Chúa và nói lên tất cả sự thật. Chúa Giêsu biết rằng có một người nào đó đã động đến Ngài. Các tông đồ thì ngạc nhiên: “Thầy coi đám đông chen lấn từ tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi: ai chạm đến Ta”. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là ai đã chạm tới ngài với mục đích để được chữa lành bệnh tật. Đúng ra là Chúa Giêsu đã bị lòng khiêm nhường và đưc tin của người đàn bà chạm đến. Chúng ta cần biết rằng nếu người đàn bà đã động đến thân xác CK và được chữa lành, chính là vì bản tính nhân loại của Chúa Kitô đã đón nhận bản tính TC. Nhờ bản tính nhân loại này, mà Chúa chuyển ơn thánh của Ngài đến cho chúng ta. Bản tính nhân loại của Chúa là bình chứa để ơn thánh Chúa đổ xuống và thông ban cho tất cả những ai Giáo Hội  ép vào thân xác Chúa khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Điều quan trọng không thể bỏ qua đó là chúng ta cần ý thức khi rước lễ thân xác của chúng ta cũng là thân xác thánh thiện.
Trở lại phép là Chúa chữa con gái ông Giairo: Khi người nhà ông Giairo đến báo tin cho ông là con gái ông chết rồi, thế mà Chúa Giêsu còn nói: đứa bé không chết, nó ngủ đấy. “Khi vào tới nhà, mọi người đều sửng sốt và nghĩ bụng: bác sỹ đến muộn quá, tốt hơn hết là đi đón đội bát âm thôi”.
Chúa Giêsu biết họ nghĩ vậy và đang chế nhạo ngài, nhưng ngài vẫn bình tĩnh cầm tay đứa bé và nói với nó: “Này bé, Ta truyền cho con hãy chỗi dậy”. Đứa bé mở mắt và đứng dậy ngay.
Hôm nay, chúng ta hãy luôn Giáo Hội  nhớ lời mời gọi này của Chúa để chúng ta cũng trỗi dậy, đừng ngũ nữa!
Chúng ta hãy là những con người đứng và tỉnh thức.
 Hãy thức tỉnh khỏi tính ù lỳ và ích kỷ của chúng ta!
Hãy thức tỉnh khỏi tính trầm cảm và thất vọng của chúng ta, nhất là hãy thức tỉnh khỏi tính giả vờ của chúng ta .
Chúng ta đừng quên câu nói lừng danh của Cha Helder Camara: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh của đứa em hoang đàng biết trở về. Và tôi nGiáo Hội  e như có lời mách bảo: Người em hoang đàng đã thức tỉnh vì tội lỗi nó, còn người anh, không biết khi nào nó mới thức tỉnh vì nhân đức giả vờ của nó”?
Cộng đoàn chúng ta liệu có ai còn nhân đức giả vờ không?
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

Bài 2: Chúa là Sự Sống
 (Mc 5, 21 - 43)
Sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng cái chết, không chỉ trong tư tưởng, nhưng là một khát vọng của con người ở mọi nơi mọi thời. Sự sống lại của Chúa Giêsu khẳng định, khát vọng ấy thực sự có thể, vì cái chết không phải là một phần cấu trúc sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, Chúa là Sự Sống : "Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…" (Kn 1,13).
Bởi ác quỉ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian (x. Kn 1, 13-15), nhưng Thiên Chúa "sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ" (Tv 16,10). Lời Thánh Vịnh trên được Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Chỉ có Lời quyền năng Thiên Chúa Tình Yêu mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết.
« Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại » là lời tuyên xưng vào sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa, cho phép chúng ta hát vang lời Alleluia ở giữa một thế giới, bóng tối tử thần đang đe dọa chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thánh Marcô hôm nay như một dạng "phóng sự" được thánh Phêrô trực tiếp chứng kiến những sự kiện, chúng ta cần đọc với cái nhìn đơn giản mới thấy được sự phong phú của nó.
Chúa Giêsu đến và đặt tay lên đứa bé
Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là "đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống" (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông "sụp lạy và van xin" Chúa Giêsu (Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết ông, ông tiên phong tin cậy vào Chúa Giêsu. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong lúc ốm đau bệnh tật, vô phương cứu chữa, hy vọng tiêu tan, thì lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật tha thiết. Lời van xin của người cha : "Xin Ngài đến…để nó được khỏi và được sống !" Chúa Giêsu không nói một lời nào, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi nhận lời chúng ta cầu nguyện. Chúa đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta.
Ai chạm đến Ta ?
Một câu hỏi cất lên giữa đám đông khiến các môn đệ sửng sốt : "Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vầy mà Thầy con hỏi : Ai chạm đến Ta ?" (Mc 5, 31) Thì ra "có một người đàn bà bị bệnh" (Mc 5, 25) đã đi lẫn vào trong đám đông đến sau Người. Có thể bà sợ đến với Chúa trước nhiều người. Sợ họ biết việc mình làm. "Mười hai năm trời sống với bệnh xuất huyết" (Mc 5, 25), nghe nói về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền trong dân, cơ hội tuyệt vời đã đến, bà quyết định chạm tới áo Chúa.
Phản ứng của Chúa Giêsu không làm bà ngạc nhiên và xấu hổ. Không ai đụng đến áo Chúa mà Chúa không biết. Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là người vô danh, mất hút giữa đám đông. Chúa thấy chúng ta kêu cầu, cả lúc chúng ta không thể hiện công khai. Chúa biết tất cả vì Người là Đấng toàn tri, là sức mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống. Người đàn bà đã nhận lại được sự sống qua việc chữa lành nhờ đụng chạm tới áo Chúa Giêsu (x. Mc 5, 33). Bởi trong chính cuộc đối thoại với người đàn bà nhút nhát đang tuyệt vọng này, từ việc chữa lành thể xác Chúa ban cho bà ơn cứu độ, bình an và sức khỏe xác hồn.
Dù đến với Chúa thế nào đi chăng nữa, lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta : "Bạn có biết sự hào phóng, ân hạn, nhưng không của các món quà của Chúa Giêsu Kitô" (2Cr 8, 9).
Họ liền chế diễu Người
Những "người nhà" Giairô là những người tốt. Với sự thận trọng, họ sẽ gặp người cha và báo cho ông biết về cái chết của con gái ông : "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa ?" (Mc 5, 35). Nói thế, không phải họ thiếu lòng tin, nhưng là họ không thể tưởng tượng được một tình huống đã chết rồi có thể sống lại được. 
Thoáng nghe lời họ nói, Chúa Giêsu bảo :  "Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó" (Mc 5, 39). Họ thấy nực cười, vì chính lúc Giairô vắng nhà thì con gái ông trút hơn thở lần cuối. Chúa mời gọi ông Giairô : "Ông đừng sợ, hãy cứ tin" (Mc 5, 36)  Giairô đã tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa. Ông được mời đi xa hơn sự tin tưởng là sống niềm tin vào Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta có một niềm tin sắt đá, một đức tin chuyển núi rời non, vượt trên sự chết. Kẻ có tội không bao giờ chết trước mặt Thiên Chúa. Người ấy có thể sống lại nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, vì Chúa là Sự Sống. "Thiên Chúa không vui mừng khi người sống phải chết" (Kn 1,13).
Hãy cho em bé ăn
Giairô và vợ ông, cùng với ba tông đồ được Chúa mang theo. Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha, không ban một lời chúc lành nào, vì Chúa là Sự Sống. Người có thể trả lại sự sống cho em bé một cách dễ dàng khi cầm tay nó. Người vẫn cầm tay chúng ta mà chúng ta không biết.
Những người chứng kiến không được chuẩn bị để đánh giá một cử chỉ như vậy có nghĩa gì. Còn quá sớm để giải thích cho họ ý nghĩa đầy đủ về sự sống lại của em bé. Nếu Đức Giêsu giữ bí mật, khác hẳn với việc Chúa chữa người đàn bà chạm vào Chúa, Người đã mang theo ba nhân chứng là những chứng nhân từ núi Chúa biến hình cho đến khi Chúa chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Im lặng là cần thiết, vì sự sống lại như thế được coi là dấu chỉ rõ ràng thời thiên sai.
Chúa Giêsu bảo họ : "Hãy cho em bé ăn" (Mc 5, 43). Vì em mà Chúa Giêsu đến. "Ăn" là cử chỉ Chúa Giêsu báo trước sự phục sinh của Chúa, vào buổi chiều tối Chúa Phục sinh, Chúa hỏi các môn đệ : " các con có gì để ăn ?" không phải là để ăn cho thể xác, nhưng là để họ có niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô.
Giờ đây, Tiệc Thánh chúng ta cử hành là dấu chỉ của niềm vui được chia sẻ trong đức tin trước Thiên Chúa hằng sống, với sự sống viên mãn tràn đầy chứng thực rằng sự sống mạnh hơn cái chết. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 Bài 3: 


Chuyện ông Giairô
(Mc 5, 21-43)
 
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lòng tin của ông trưởng hội đường và của một phụ nữ bị băng huyết. Cả hai người đã nghe biết về Ðức Giêsu và quyền năng của Ngài. Chúng ta không rõ họ coi Ðức Giêsu là ai, là một tiên tri hay chính là Ðức Kitô muôn dân mong đợi. Nhưng chắc chắn họ coi Ngài là người có thể chữa lành bệnh tật, kể cả những bệnh nan y.
Họ đã chạy đến với Ðức Giêsu khi không còn có thể nương tựa vào bất cứ chỗ dựa nào nơi người đời. Ông trưởng hội đường đã đến với Ðức Giêsu khi đứa con gái của ông gần chết. Chúng ta phải cảm thấy nỗi thất vọng của người cha, khi mọi cố gắng chữa trị đều không chút hiệu quả. Cái chết cứ từng bước đến gần con gái ông mà ông không sao ngăn chặn nổi. Ông chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng nơi Đức Giêsu. Ông tin rằng nếu Ngài đến đặt tay trên con ông,ắt nó sẽ được  cứu và được sống. Niềm tin của ông là niềm tin khiêm nhường,bất chấp chức vị của mình,ông phủ phục dưới chân Ngài và nài nẵng kêu xin.
Có lẽ lòng tin của ông đã bị chao đảo khi ông nghe tin con gái ông chết rồi. Ðiều ông lo sợ đã trở thành sự thực. Như thế Ðức Giêsu có cần đến nhà ông nữa chăng? Ðến để làm gì với cái xác của con ông? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu ông. Ðức Giêsu đã nâng đỡ đức tin của ông khi bảo: "Ðừng sợ, hãy tin mà thôi!" Có những lúc mà thực tế bi đát làm cho niềm tin tắt ngấm, niềm hy vọng vỡ tan. Chính lúc tăm tối đó, Chúa mời gọi ta như mời gọi ông Giairô: "Ðừng sợ, hãy tin mà thôi!" Tin lúc đó thật khó. Tin khi thấy kế hoạch, ước mơ, dự tính của mình như bị Thiên Chúa từ khước. Người ta tự hỏi tin để làm gì?.
Con đường về nhà ông Giairô bao xa, chúng ta không rõ. Nhưng chắc chắn ông Giairô cảm thấy nỗi đau đớn khi phải trở về và gặp thấy xác đứa con yêu dấu. Ðức Giêsu và ba môn đệ thân tín cùng đi với ông. Ông không rõ điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ ông không dám nghĩ đến việc Chúa cho con ông sống lại. Trước cảnh tượng xôn xao, khóc lóc của tang gia, Ðức Giêsu chỉ nói một câu mà ai cũng cho là bất thường "Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Ðức Giêsu chỉ cho cha mẹ cô bé và ba môn đệ được chứng kiến phép lạ mà thôi. Bằng một cử chỉ trìu mến, Ngài cầm lấy tay cô mà nói: "Thầy bảo con, hãy chỗi dậy." Như thế có sự khác biệt giữa ước mơ của người cha muốn xin Ðức Giêsu đến đặt tay để con mình khỏi chết với điều Ðức Giêsu thực hiện trong lúc này: cầm lấy tay và cho cô bé sống lại. Con đường của Chúa không luôn luôn trùng hợp với con đường của chúng ta. Chấp nhận để Chúa dẫn đi qua những lối quanh co và bất ngờ, những lối đi nằm ngoài dự tính của ta, đó là thái độ của người có đức tin. Chúng ta tin rằng cuối cùng Chúa cũng cho ta được hưởng hạnh phúc đích thật, bất chấp những thử thách hiện tại.
"Hãy chỗi dậy!": lời Ðức Giêsu đánh thức cô bé đang thiếp ngủ, lời trả lại sự sống cho người chết. Cô bé liền đứng lên và đi lại được. Cô vừa khỏi chết, vừa khỏi bệnh. Giữa lúc mọi người vui mừng và kinh ngạc sững sờ, thì Ðức Giêsu nhắc họ hãy cho cô bé ăn.
Lòng tin của người phụ nữ
Câu chuyện về người phụ nữ diễn ra trên con đường đến nhà ông Giairô. Máccô đã mô tả kỹ lưỡng tình trạng bệnh tật của bà, một bệnh mà các lương y đều bó tay. Hơn nữa, bệnh băng huyết bị người Do Thái thời đó coi là bệnh làm cho người bệnh trở nên ô nhơ, và ai tiếp xúc với họ cũng trở nên ô nhơ (Lv 15,19-27). Nỗi khổ của bà thật lớn, vì bà không được tham dự các đại lễ ở Giêrusalem. Chỉ nghe đồn về Ðức Giêsu thôi, bà đã có một lòng tin mạnh mẽ, tuy còn bất toàn. Bà tin rằng nếu mình được sờ vào áo của Ngài, ắt mình sẽ khỏi bệnh. Chính vì thế bà len lén đến sau Ðức Giêsu và đụng vào áo Ngài. Tức khắc bà thấy mình bình phục. Trong đám đông đi theo Ðức Giêsu, có nhiều người đụng đến Ngài, nhưng chỉ có một cái đụng nhẹ nơi áo khiến Ngài cảm nhận. Ðó là cái đụng của lòng tin. Ðức Giêsu không phải vì tò mò nên muốn biết mặt người đã làm điều đó. Người muốn trao chính Ngài cho người đã nhận được ơn của Ngài. Ngài muốn trò chuyện, lắng nghe và muốn đích thân ban ơn. Người phụ nữ thì sợ hãi run rẩy. Phải chăng bà sợ vì đã dám đụng đến Ngài và khiến Ngài bị ô nhơ? Hay phải chăng vì bà đã chiếm lấy ơn mà không được Ngài ưng thuận? Dù sao thì bà đã dám thú nhận hết sự thật. Bà đã có tương quan với người đem lại hạnh phúc cho bà, giải phóng bà khỏi cơn bệnh kéo dài mười hai năm. Bà ra đi với lời chúc bình an của Ngài.
Ðức Giêsu, người kiến tạo hạnh phúc
Bệnh tật và cái chết là những nỗi khổ của phận người. Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã rung động trước những con người đau khổ. Ngài đã không thể chữa hết mọi người đau yếu ở It-ra-en, nhưng Người không lãnh đạm trước lời kêu cầu đầy lòng tin của người bệnh. Bệnh tật không phải chỉ trói buộc thân xác con người, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần con người nữa. Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, Ngài cứu con người khỏi nô lệ cho tội lỗi, nhưng Ngài cũng không bỏ rơi thân xác con người. Ngài muốn cứu độ con người cả xác lẫn hồn, một sự giải phóng toàn diện. Ðức Giêsu say mê xây dựng hạnh phúc cho con người. "Mù được sáng mắt, què được đi, phung hủi được sạch, điếc được nghe, kẻ chết được sống lại và người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng" (Mt 11,5). Chúng ta thường nghĩ đến hạnh phúc của người phụ nữ được khỏi bệnh băng huyết, hay của ông Giairô được sống bên đứa con thân yêu, nhưng chúng ta ít nghĩ đến hạnh phúc của Ðức Giêsu sau mỗi lần Ngài chữa bệnh. Chúng ta cần hình dung khuôn mặt vui tươi của Ngài khi nghe người phụ nữ thuật lại hành động táo bạo của bà. Chúng ta cũng phải thấy được nụ cười trên môi Ðức Giêsu khi cô bé mười hai tuổi ngã vào lòng người cha còn chưa khô dòng lệ. Nỗi buồn của bệnh tật, của tang chế, Ðức Giêsu muốn hủy đi. Ngài muốn con người được vui. Trần gian này đã có quá nhiều nước mắt. Qua những điều Ngài làm, ta thấy Nước Trời đã gần bên; Nước Trời là bữa tiệc (Mt 8,11); Nước Trời là đám cưới (Mt 22,2tt); Nước Trời là niềm vui bất tận.   Trên thế gian này đâu đâu cũng thấy bệnh viện, nhà thương, đâu đâu cũng thấy bệnh tật đủ loại đau đớn quằn quại...Chúng ta chấp nhận như thánh giá cuộc đời và vui vác nó cùng trên đường lên Canvê với Đức Giêsu.Bước qua những tật bệnh thể xác để chiến thắng những tật bệnh,lỗi lầm tinh thần. Xin nâng đỡ con Chúa ơi!
Người Kitô hữu hôm nay cũng noi gương Ngài, hiến thân vì hạnh phúc con người. Họ có mặt ở mọi môi trường, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực. Họ làm hết mình vì say mê con người và say mê Thiên Chúa.
Có khi nào bạn gặp nỗi khổ như người phụ nữ trên đây không? Có khi nào đức tin của bạn bị thử thách như đức tin của ông Giairô không? Lúc đó bạn đã làm gì để kiên vững lòng tin?
( Theo linh mục Augustino.SJ )
 
 Nguyễn Mai
 
Bài 4: 
TIN LÀ MỞ CỬA TÂM HỒN…
Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Họa sĩ Holman Hunt (1827 – 1910) vẽ xong bức tranh Đức Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà nhỏ. Ông mời bạn bè đến góp ý xem có gì sai sót.
Thấy bức họa, các bạn trầm trồ khen ngợi và không thấy có gì sai. Ông Hunt cứ thúc dục các bạn xem kĩ lại. Cuối cùng, một hoạ sĩ còn rất trẻ lên tiếng : “Thưa Ngài, tôi thấy có một sai lỗi trên bức danh hoạ. Ngài đã quên không vẽ tay cầm hay ổ khoá nơi cửa”.
Hunt đáp: “Này bạn, khi đức Giêsu gõ cửa nhà bạn, thì cửa phải mở từ bên trong”.
Bà góa mắc bệnh băng huyết và của ông trưởng hội đường tên là Giarô có người con bệnh nặng sắp qua đời đã mở cửa tâm hồn mình bằng niềm tin như Tin Mừng Mc 5,21-43 ghi lại:
·         Bà góa bị bệnh băng huyết, quan niệm của người Do Thái xưa, máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi bà mất dần đi, tiêu hao đi, cho nên coi như bà là người đã chết. Hơn thế nữa, theo luật Môisen (Lv 15,25) bệnh xuất huyết là thứ bệnh dơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng:  bà có thể làm cho những người khác cũng bị nhơ vì tiếp xúc với bà. Cho nên bà không chỉ đau đớn về bệnh tật hoành hành cả đời bà, niềm đau hơn nữa bà bị loại ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, khỏi cộng đoàn tôn giáo. Trong cơn thất vọng về tình trạng bệnh tật và tâm linh, bà tin Đức Kitô có thể chữa bà khỏi cơn bạo bệnh và qua đó còn đưa bà trở về với cuộc sống xã hội. Bà tin và chân thành xin một chút sức mạnh từ nơi Đấng Messia bằng cử chỉ đụng vào áo Ngài, lòng tin đơn sơ nhưng thật mạnh mẽ: "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi" (Mc 5,28). Và bà "chạm đến áo Người", chạm đến áo Người trong lúc bà mang cơn bệnh là thái độ liều lĩnh vì đã xé rào luật lệ ngăn cấm, nhưng đó cũng là thái độ chứng tỏ đức tin vững vàng của bà. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
·         Ông Giarô đã không hề ngại đến thân thế của trưởng hội đường, khiêm tốn nài xin Chúa Giêsu đến thăm viếng để cứu chữa người con gái ông đang bị bệnh nặng: “Xin Ngài đặt tay trên nó" (Mc 5,23). Cử chỉ đặt tay trên bệnh nhân là cử chỉ Chúa thường dùng khi cứu chữa bệnh nhân và họ được khỏi bệnh (x.Mc 6,5; 7,32; 8,23). Xin Chúa đặt tay tức là tin rằng : Ngài sẽ chữa khỏi được bệnh cho con ông. Ông xác tín cử chỉ đặt tay của Thầy – Đấng Messia mang đến cho con ông được cứu như ông tuyên tín: "Để nó được khỏi và được sống" (Mc 5,23b),  dù em bé bệnh rất nặng và đang hấp hối nguy ngập. Thái độ này của Giarô biểu lộ một đức tin vững vàng, xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu và con ông đã được sống dù nó đã chết như người nhà loan báo khi Chúa đến đầu ngõ nhà ông.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin mà Đức Giêsu xác nhận. Với người phụ nữ đau khổ góa bụa bệnh băng huyết có lòng tin vững vàng : "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mc 5,34) như mỗi lần chữa lành bệnh tật, Ngài thường khẳng định: “Niềm tin của con đã cứu chữa con”  (Mt 9,22; Lc 8,48; 17,19; 18,42…). Ðược lành bệnh, được phục hồi, người được chữa lành không chỉ tìm lại được sức khỏe thể lý nhưng còn có cuộc sống mới trong niềm tin và họ đã tuyên xưng.
Còn ông Giarô, Ngài nâng đỡ ông hãy vững lòng tin: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (Mc 5,36), khi ông muốn ngã quỵ vì nhận được tin dữ như sét đánh ngang tai: “Con ông đã chết rồi ” (Mc 5,35).
Sống đức tin là mở cửa tâm hồn dám sẵn sàng đi ra khỏi chính mình để gặp Chúa tin và đi theo tiếng gọi của niềm tin, sẵn sàng đi ra khỏi tư tưởng áp đặt đám đông để sống thực cho những đòi hỏi của đức tin. Sống đức tin đích thực là sẵn sàng lội ngược dòng như bà góa vượt qua lề luật để gặp, sờ áo Chúa và ông Giarô vượt qua thân phận chủ hội đường mà đến với Đức Kitô.
Thánh Augustinô đã suy niệm: "Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin". Bà góa tin rằng sờ vào áo thầy thôi là được khỏi, và bà đã được như lòng tin muốn, ông Giarô tin rằng Thầy sẽ chữa lành con ông đang bị bệnh, còn lạ lùng hơn, ngay cả con ông đã chết vẫn được sống như ông mong ước khi tin vào Thầy.
Ngày hôm nay, với cái nhìn tổng quát cuộc sống, mỗi chúng ta đều mang bệnh tật: có thể về thể xác như mang các cơn bệnh, có thể là những thứ bệnh tâm lý như lo lắng, cô đơn, cay đắng, giận hờn, stress, có thể là những cơn bạo bệnh tâm linh khi sống mất phương hướng hoang tàn trong cuộc đời, còn tệ hơn nữa là chết về tâm hồn... Thế nhưng chúng ta lại có vẻ bề ngoài như người mạnh khỏe, có xu hướng che giấu bệnh tật và thương tích của mình và vì thế cơn bệnh luôn hiện diện và hoành hành trong chúng ta thầm lặng, có lúc bùng phát như cơn bệnh ung thư. Chúng ta luôn cần được chữa lành như người phụ nữ mang bệnh tật đến với Đức Giêsu với niềm tin vào Ngài, như người cha Giarô xin Thầy đến bên con gái đang bị bệnh gần chết với niềm tin con ông được sống.
Thật thế, mỗi giây phút cuộc đời, với tất cả tình trạng của mình, chúng ta hãy chạy đến với Thầy:  “Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa” (Tv 131,1)
 
Và xác tín rằng: "Ai tin ở Người thì được  sống…" (Ga 3,15)
 
                                                            Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn, 27/06/2015


 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log