Thứ sáu, 17/05/2024

Các bài suy niệm Chúa nhật XIV TNB

Cập nhật lúc 15:38 01/07/2015
Bài 1:
 
"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ nơi quê hương, gia đình, họ hàng mình".
-----------------------------
Cuộc đời công khai hoạt động truyền giáo của Chúa Giêsu chỉ vẻn vẹn có 3 năm. 3 năm âý so với 30 năm ẩn dật ở Nagiaret quê hương chỉ bằng 1/10 thời gian thôi.
Thế mà 30 năm ẩn dật, các Phúc Âm chỉ để lại một câu chuyện độc nhất, đó là lần Chúa Giêsu lên 12 tuổi đi dự lễ với cha mẹ Người ở Giêrusalem. Lần đó Chúa bị lạc trong đền thờ. Sau 3 ngày cha mẹ Người mới tìm thấy. Và sau đó Người tiếp tục trở về nhà và vâng phục cha mẹ. Thời gian ẩn dật, Chúa sống như những cậu bé và những chàng thanh niên khác trong làng, cũng cắp sách đến  trường, cũng lao động kiếm kế sinh nhai và cũng sinh hoạt tôn giáo như những người Do Thái đạo đức khác.
Mãi đến tuổi 30, tuổi mà chúng ta gọi là tam thập nhi lập, Chúa Giêsu mới bắt đầu cuộc đời công khai. Cuộc đời công khai chỉ có 3 năm thôi mà đã để lại cho nhân loại chúng ta hôm nay và cho muôn đời sau rất nhiều điều, người ta vẫn chưa có thể khám phá ra hết được như lời kết luận của Phúc Âm thánh Gioan: "Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ để chứa các sách viết ra".
3 năm công khai ấy, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa trên khắp bờ cõi Galilea, Samaria và cả Giuđêa nữa. Dù chỉ 3 năm thôi, Người luôn hiến trọn cuộc đời cho công cuộc của Cha Người trên trời. Người luôn lo toan giải thích bằng dụ ngôn Nước Thiên Chúa là thế nào. Người còn mặc khải chính Người là Đấng trung gian và tiên tri cho Nước Thiên Chúa ấy. Người nói về nước của Cha Người. Người nói về quê hương trên trời, quê hương mà Người hứa làm gia nghiệp muôn thuở cho tất cả những ai tin vào Người. Chính trong tinh thần đó mà hôm nay Người trở về quê hương, không phải là quê hương trên trời, nhưng là quê hương dưới đất, quê hương Nagiaret, quê hương của cha mẹ Người, nơi Người đã sinh sống 30 năm trước đây.
Người về quê hương và bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Ai nấy nghe Người giảng, đều nhận thấy Người không nói như ngày xưa khi Người còn ở với họ. Khi Người ở với họ, Người cũng sống đời thường như họ. Nhưng từ ngày bắt đầu cuộc đời công khai, Người nhận sứ mệnh từ Chúa Cha và Chúa Thánh Thần lúc chịu Phép Rửa trên sông Giođan: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng nghèo khó". Người gọi các môn đệ theo để nối nghiệp Người. Người giảng dạy như Đấng có quyền trên trời dưới đất. Vì thế khi Người giảng dạy tại quê nhà, dân chúng đều ngạc nhiên bỡ ngỡ: "Tại sao ông này được khôn ngoan như vậy".
Chúa Giêsu là một con người thực sự như hết mọi người. Người cũng có bà con lối xóm, anh em họ hàng. Thật vậy, dân làng Nagiaret biết rất rõ Người. Nhưng họ chỉ biết  theo cách thế của một con  người.. Họ thấy Chúa Giêsu, nhưng họ cố tình dừng lại ở một con người mà họ quen biết trước đây. Nhìn bề ngoài, Chúa Giêsu không thay đổi gì. Nhưng cái bên trong, Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người phải rao giảng và làm chứng cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Động cơ bên trong mà Chúa Giêsu đã cảm nhận ấy cho phép Người bày tỏ ra bên ngoài tất cả. Cái bên trong căn bản là chính Người đã có từ đời đời cùng với Cha Người, Đấng ngự trên trời. Người đồng hương Chúa không hiểu nổi cái bên trong ấy. Trái tim họ như vẫn bị đóng lại. Tai họ không thể tiếp nhận được lời Người: "Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận".
Sự việc xẩy ra hôm nay như là sự thất bại đầu tiên của Chúa Giêsu mở màn cho cuộc đời công khai. Sự kiện hôm nay cũng là một lời tiên báo cho biến cố trọng đại nhất sẽ xẩy ra trong tuần thánh. Chủ Nhật lễ lá, đám đông tung hô Chúa, rước Chúa vào Thành Thánh Giêrusalem. Họ cởi áo ngoài làm thảm trải đường cho Chúa đi qua. Ai ai cũng phải ngỡ ngàng về lòng nhiệt huyết này của họ. Nhưng ngày thứ sáu thánh, chỉ sau vài hôm thôi, họ thay đổi hẳn! Thay vì hoan hô vua Giêsu, thì họ lại gào thét: "Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá".
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu luôn luôn ngạc nhiên về sự cứng tin của ho. Nhưng Người cũng đã ý thức rằng mình cũng giống như Êzêkiel, như Giêrêmia và như bao người đi trước, đều phải chấp nhận số phận: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ nơi quê hương,gia đình, họ hàng mình". Tiên tri Êzekiel đã có kinh nghiệm rất sâu xa trước biến cố này: "Chúng đến với ngưi đông như trẩy hội. Dân ta ngồi trước mặt ngươi, chúng nghe các lời ngươi nói, nhưng lại không đem ra thực hành, bởi vì miệng chúng phỉnh phờ, lòng chúng hám ngọt ngào và nhạc đệm du dương. Chúng nghe các lời ngươi nói, nhưng không ai trong bọn chúng đem ra thực hành".
Khi đọc câu chuyện hôm nay, chúng ta nhận thấy sự thờ ơ lãnh đạm đối với Lời Chúa sẽ làm cản trở con đường dẫn tới phép lạ. Rõ ràng rằng Chúa Giêsu không ngờ phản ứng của đám đông đồng hương của Người lại như thế: "Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin". Sự ngạc nhiên này có lẽ cũng pha trộn một nét buồn man mác. Nỗi buồn  trước sự chống đối của những người đồng hương Chúa giống như sự chống đối của những người Pharisiêu: "Chúa buồn khổ vì lòng họ chai đá".
Thái độ của nhiều người thời tiên tri Êzekiel, thời Chúa Giêsu và cả thời chúng ta hôm nay chẳng khác gì nhau. Nghe lời Chúa nhưng cách sống lại thờ ơ lãnh đạm, nếu không muốn nói là lòng cứng như đá. 2 tuần trước chúng ta đi tham dự thánh lễ kính trọng thể trái tim Chúa Giêsu rất đông, nhưng liệu có mấy ai biết rung động trước Tình Yêu vô bờ bến của Chúa, hay là vẫn con người cũ ấy, vẫn " vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi"Chúa?
Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu. Yêu đến  kỳ cùng, yêu điên rồ. Vì tình yêu như thế, nên Người cũng có khả năng quên đi sự vô ơn tệ bạc của mỗi người chúng ta. Tình Yêu của Người trở nên như mù quáng đến nỗi không thấy sự thờ ơ và lãnh đạm của chúng ta.
Trở lại bài phúc âm hôm nay, chúng ta sẽ thấy loé sáng điều đó. Thánh Marcô không đóng câu chuyện  lại trong thất vọng và bi quan, nhưng mở ra một tia sáng nhỏ lạc quan. Đứng trước bầu khí chống đối của những người đồng hương, Chúa Giêsu vẫn chữa bệnh một số người. Điều đó muốn nói lên rằng, mặc dù có những biểu hiện không tốt, thờ ơ, lãnh đạm và cả chống đối nữa, nhưng tất cả niềm hy vọng không bao giờ bị dập tắt! Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, không còn một giọt máu trong tim, nhưng ơn cứu độ vẫn cứ tràn lan lai láng!
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

 Bài 2:

Họ cứng lòng khiến Chúa ngạc nhiên
 (Mc 6, 1 - 6)
Bị hiểu lầm hay bị từ chối là những điều khiến người ta phiền lòng. Êdêkien, ngay cả Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng không đứng ngoài qui luật thường tình ấy. Là ngôn sứ thì dù ở hội đường, hay trong gia đình, cũng sẽ gặp khó khăn và có thể bị ruồng bỏ là kinh nghiệm của Chúa Giêsu và Êdêkien. Êdêkien được Chúa chọn, gọi làm ngôn sứ cho dân đi lưu đầy cùng với ông : "Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng... Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn" (Ed 2, 4-5). Chúa Giêsu về hội đường giảng dạy cho người đông hương cũng phát buồn và thốt lên câu nói để đời : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 4). Tại sao vậy ?
Biết rõ
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại sự lúng túng của dân thành Nagiarét trước Chúa Giêsu người đồng hương của họ đi xa trở về nơi hội đường. Vì họ đã quá biết gia thế của Chúa Giêsu, biết rõ nên họ không đánh giá đúng về Người.
Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét, sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, bản quán, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm bế, như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau. Cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt 20 năm trời.
Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy : "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2).  Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).
Đã nhiều năm qua, gia đình Chúa Giêsu đã để lại những ấn tượng tốt về Người. Trước sự ngạc nhiên và từ chối của dân thánh Nagiarét, cũng như sự thiếu lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã buông lời thở dài : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình ! " (Mc 6, 4).  Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha Đấng tạo dựng thế gian nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người.
Không được đánh giá đúng
Chúa Giêsu buồn vì thành kiến của đông hương về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
Ông là ai ? Là câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Tin Mừng Marcô.  (1, 24 và  25 – 1, 27 – 1, 34 – 4, 41 – 6, 14 và 15). Căn tính bí ẩn này là gì ? Trên đường hành trình với các môn đệ từ Xêsarê đến Philiphê Chúa hỏi các ông "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai ? "
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật
Ngày hôm nay, Thiên Chúa cần có câu trả lời từ phía con người đang tìm kiếm ý nghĩa của Lời Chúa và bước vào cuộc đối thoại với Chúa. Người thợ mộc thành Gagiarét là Thiên Chúa thật và là Người thật, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, là Lời Chân lý dẫn đến Sự Sống đời đời. Hãy biết nhận ra Chúa, đừng để Chúa đi qua. Mẹ Maria hòa mình vào đám đông để chiếm ngắm và lắng nghe người ta nói về con Mẹ : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria !" (Mc 6, 3) Con bà Maria và là Con Thiên Chúa, đó Bí Mật Tình Yêu của Thiên Chúa, Người bước vào đời sống công khai bằng con đường khiêm tốn và nghèo khó. Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, và buồn vì họ không chấp nhận bất cứ sự gì đến từ Người. Nghĩa xác thực được thánh Marcô sử dụng ở đây theo tiếng Hy lạp, không phải Chúa Giêsu mong đợi người đồng hương tin vào Thiên Chúa, nhưng là mong đợi phần lớn những người Nagiarét : tin vào Người.
Tin Đức Giêsu là Thiên Chúa
Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời các tông đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ". Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Giêsu, Chúa Cả trời đất…... Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã đã nghe và đã thấy.
Vì, quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?" (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người ... Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha ...
Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất ... Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.
Lạy  Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
  
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 3:
NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG KHÔNG NHẬN NGÀI
( Mc 6, -6 )
Hình như con người trong thế giới hôm nay ưa thích những điều mới lạ, những gì xa vời. Đôi lúc lại mơ tưởng những gì cao xa khó với tới. Còn những điều gần gũi nhất lại bị coi thường và lãng quên. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Chúa Kitô trong câu chuyện Phúc âm hôm nay cũng cảm nghiệm mình bị dân làng “coi thường” khi Ngài trở về quê hương xứ sở mình. Chúng ta nhớ lại câu chuyện trong Tin Mừng của Thánh Gioan: sau khi Phliphê đã gặp Chúa Kitô, ông đã đi tìm Nathanael và báo tin ông đã gặp Đấng Mêssia. Nathanael đã bắt đầu nghi ngờ và khẳng định như sau: “Có gì tốt mà đến được từ Nazarét không?”

Rồi trong Tin Mừng của Thánh Luca kể lại một câu chuyện Chúa bị dân làng xua đuổi, họ định đem Ngài lên nơi cao và xô Ngài xuống vực thẳm. Sự việc Chúa bị coi thường khi trở lại làng Nazarét đã chứng minh: “Không có tiên tri nào được trọng dụng nơi quê hương mình”. Chúa Kitô, vị lãnh đạo tối cao đã không tránh được tình trạng nầy, thì những ai theo Chúa trong vai trò lãnh đạo cũng đừng ngạc nhiên khi bị hiểu lầm, vu khống và lãng quên bởi chính những người mình đang giúp đỡ. Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì qua bài học trên đây:
 
1. Đừng bao giờ có cái nhìn cố định về người nào. Tất cả mọi người đều có khả năng trở nên tốt, nếu biết cộng tác với ơn thánh Chúa. Có thể hôm nay tôi xấu, không có nghĩa là ngày mai tôi vẫn xấu. Hãy cho nhau cơ hội để biến đổi, hãy đối xử với nhau như Chúa đã đối xử với chúng ta. Đừng lên án ai để không bị lên án. Đừng quên Chúa đã chọn Phêrô, kẻ đã chối Chúa không phải 1 lần mà 3 lần, lên làm đầu Hội Thánh.


2. Trong cuộc sống, nhìn thấy những lầm lỗi của anh chị em gần gũi với chúng ta thì rất dễ. Vì luôn luôn thấy lỗi lầm của họ cho nên chúng ta dễ quên đi những cái điểm tốt của họ. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta thích hoặc có cảm tình với những người sống xa chúng ta. Vì họ không thấy lỗi lầm của chúng ta và ngược lại chúng ta cũng không thấy lỗi lầm của họ. Cho nên làm một nhà truyền giáo ngay trong gia đình, giữa cộng đoàn Dân Chúa có khi còn nhiều thử thách hơn là đi qua Phi Châu hay Ấn Độ để truyền giáo. Bạn bè với nhau, sống với nhau trong cùng trường, cùng lớp chúng ta thấy những thiếu sót, bất toàn của nhau, không mấy khi nhìn đến cái hay, cái tốt của nhau, nên coi thường nhau dẫn đến những mặc cảm xấu, xa lạ để rồi cách xa. Đó là tính nhân loại. Đức Giêsu cũng từng bị như thế!
 
3. Hãy đeo một cặp kính viễn thị, để nhận ra những điều phi thường trong những việc tầm thường. Chẳng hạn như, có bao giờ chúng ta cám ơn Chúa về mỗi hơi thở trong ngày sống trong lúc biết bao nhiêu người đang phải dùng dưỡng khí để thở trong các nhà thương hoặc viện dưỡng lão không? Có bao giờ chúng ta cám ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt không? Thử đi và tìm gặp những ai đang mù lòa để chính chúng ta sẽ cảm thông đưọc sự mất mát to lớn trong cuộc đời mù lòa của họ từ lúc bẩm sinh, lúc lọt lòng mẹ hay do tai nạn nào đó đã gây ra sự mù lòa. Nếu biết nhìn hiện tại thì có lẽ chúng ta sẽ có hàng ngàn lý do trong một ngày để cảm tạ Đấng dựng nên chúng ta.

Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn sống giây phút hiện tại: Luôn yêu thích môi trường và hoàn cảnh hiện tại. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu những người đang chia sẻ cuộc sống hiện tại với chúng ta. Quá khứ đã qua không bao giờ lấy lại được, tương lai không nằm trong bàn tay của chúng ta. Nếu chúng ta chưa đủ làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời thì ít ra đừng để những hờn ghen, những tự ái làm tổn thương những ngôn sứ: có thể  đó là những linh mục, tu sĩ nam nữ... Chúa gởi đến phục vụ chúng ta trong cuộc sống hiện tại. 
   “... Người nhà đã không đón nhận Ngài...” Lời tựa của thánh Gioan kết nối với bài Tin Mừng theo thánh Maccô hôm nay.Ở Nagiarét, chúng ta thật sự chứng kiến điều tranh cãi do Mầu nhiệm Nhập thể gây ra. Tác giả đã dùng những từ thật mạnh mẽ: “ dân làng Nagiarét rất đỗi ngạc nhiên.” và “họ vấp phạm vì Ngài”. Họ đang đối diện với một mâu thuẫn lớn lao.
Thật thế, kìa người con của bác thợ và bà Maria đang ăn nói thật khôn ngoan và làm những phép lạ cả thể. Kìa kẻ cùng máu huyết,quê hương với mình mà nay lại vượt trổi quá xa! Dân làng Nagiarét có thái độ như vậy, có phải vì ghen tương hay vì một lẽ gì sâu xa hơn? Cần phải đảo ngược vấn đề may ra mới hiểu được điều này.. Chính bởi vì Thiên Chúa đã hạ mình hóa nên gần gũi và mang lấy thân  xác của chúng ta...Không dễ gì chấp nhận được Ngài như thế, một Thiên Chúa mang khuôn mặt người với hai bàn tay trắng.
   Dân làng Nagiarét được mời gọi từ bỏ ý tưởng của họ về Con Người,để chợt thấy Ngài cao cả hơn họ vẫn tưởng...và từ bỏ ý tưởng của họ về Thiên Chúa để đón nhận Ngài như Ngài tự trao ban cho ta chiêm ngắm, thật đơn sơ,gần gũi và nghèo khó.,vì luôn luôn là Chúa ở cùng chúng ta!(Sr Veronique Thiebaut  - và theo cha Lý văn Ca.)
 
 
Nguyễn Mai
Bài 4:
THÀNH KIẾN
Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

Sách Cổ học tinh hoa có thuật chuyện “Mất búa”, như sau:
Một người thợ mộc làm việc trong vườn. Thằng bé con nhà hàng xóm sang ngồi xem. Mải làm, lúc cần đến búa, ông tìm mãi không thấy. Ông nghi thằng bé đã ăn cắp búa. Nhìn mặt nó đúng là mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói đúng là giọng điệu của thằng ăn cắp búa. Hỏi thì nó chối đúng là tâm địa gian manh. Được một lúc, ông lại thấy cái búa nằm khuất trong bụi. Nhìn lại mặt thằng bé thì thấy mặt mũi nó hiền lành dễ thương, khác với mặt thằng ăn cắp búa. Nghe lời nó nói, đúng là con nhà gia giáo, khác với lời ăn tiếng nói của thằng ăn cắp búa. Hỏi nó thì nó thưa, đúng là con nhà lương thiện, khác hẳn với thằng ăn cắp búa.
Câu chuyện trên nói lên thành kiến của con người. Thành kiến là ý kiến mình có sẵn về một người hay một vấn đề.
            Thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ (Theo Đào Duy Anh). Cho nên, người có thành kiến xét người và vật theo suy nghĩ riêng chứ không dựa trên cơ sở khách quan trung thực.
Chúa Giêsu trở về Nagiarét quê hương, ngày Sabat Ngài vào hội đường, được mời  lên đọc Sách Thánh và cắt nghĩa Thánh kinh một cách rành mạch, sự khôn ngoan của Ngài làm cho mọi người phải ngạc nhiên: bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy. Vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài là bác thợ mộc tầm thường và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria như bao phụ nữ khác, và Ngài đã cùng chơi, cùng học và lớn lên giữa họ. Cho nên với họ, Ngài không thể là vị Ngôn sứ được, vì thế không tin phục Ngài.
Trước sự cố chấp, không tin vì thành kiến : Ngài cũng là người Nagiarét như họ. Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mà thôi” (Mc 6,5). Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nagiarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ….
Thật thế, như Gioan Thánh Sử đã nói:
« Người đã đến nhà mình,
                 nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận » (Ga 1,11)
Sự từ khước Chúa Giêsu ở Nagiarét là hình ảnh báo trước trong lịch sử vẫn tồn tại con người mọi thời đại, mọi nơi từ khước Thiên Chúa. Con người hôm nay là những người Nagiarét cứng lòng cố chấp mới,  đang nghe, đang thấy Đức Giêsu qua Giáo hội là thân thể của Ngài, vẫn còn đó những cố chấp, cứng tin, khước từ… là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, mọi nơi những người cố chấp không tin vào Chúa Giêsu. Sự từ khước của con người hôm nay, làm hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến…
Như Chúa Giêsu bị từ chối, người môn đệ của Ngài trong sứ mạng gặp thử thách, thất bại hay chống đối không được nản chí. Nhưng nhìn vào Thầy Giêsu mà dấn thân tiến bước như chúng ta thấy Tin mừng nhấn mạnh : « Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy » (Mc 6, 6). Niềm vui người rao giảng Tin Mừng nhận được không phải do kết quả kiểm chứng được, nhưng là do biết rằng họ đã kiên trì thực hiện những điều Thiên Chúa muốn.
Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người, trong cái nhìn nhân bản, thành kiến làm con người trong quan hệ với tha nhân thiếu lòng nhân chân thật nhưng, « Yêu nên tốt, ghét nên xấu ». Khi yêu thì coi mọi cái đều đẹp đều tốt, khi ghét thì thấy mọi cái là xấu như ca dao có câu:
”Yêu ai yêu cà đường đi,
ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
 Thành kiến làm xa rời chân lý, thiếu sáng suốt và làm chậm đà phát triển, kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta đã cho chúng ta thấy rõ : Vào thế kỷ XIX, vì thực dân Pháp đang lăm le chiếm nước ta, Vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn rất ghét người phương Tây và gọi người Tây là quỷ, người phương Tây da trắng nên gọi là Bạch quỷ, với thành kiến cho rằng cái gì của Tây Phương là của Bạch qủy đều xấu, nên bác bỏ nhiều đề nghị canh tân theo sự phát triển Tây Phương của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, khiến Việt Nam không canh tân, mở cửa giao thương… cho nên không theo kịp đà tiến văn minh của thế giới. Vì không nắm bắt thời cơ làm cho đất nước trì trệ dẫn tới mất nước khi thực dân Pháp xâm lược. Nguyễn Trường Tộ lúc lâm chung, khi nhìn tiền đồ dân tộc bị ngoại xâm chiếm, đất nước tan hoang, đã thốt lên:
Một bước sa cơ ngàn đời ôm hận
Quay đầu ngoảnh lại, cơ đồ bỗng hóa trăm năm.
Trong lúc Nhật Bản dưới tài lãnh đạo của Minh Trị Thiên Hoàng (1868) được đổi mới nhờ canh tân theo kỹ thuật tiến bộ của Tây Phương đã phát triển cho đến hôm nay…  Quả là một bài học lịch sử đắt giá.
Chính vì thành kiến làm xa rời chân lý, vì thế con người thiếu hay không còn khả năng đón nhận Tin Mừng như dân làng Nagiarét, và nếu có nhận thì Lời Chúa bị giới hạn như hạt giống gieo vào bụi gai nảy mầm nhưng chết ghẹt ( x. Mt 13,1-9; Lc 8,4-8). Chúng ta cần học bài học sáng suốt của Thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,6). Cho nên phải thay cặp kính màu thành kiến vốn thường có nơi chúng ta: trong đời sống nhân bản và trong đời sống đức tin.
Thật thế, hãy sống  như Henry David Thoreau nói:
“Từ bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn”.
 
 
                     Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 04/07/2015.

 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log