Thứ sáu, 10/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII TNB

Cập nhật lúc 10:11 28/07/2015
WGPHH: Đói khát, tự bản chất là tốt, nhưng đói khát sẽ trở nên xấu khi đối tượng của nó là tội lỗi. Không khát không đói cơm ăn thức uống là điều bất bình thường và rất nguy hiểm cho tính mạng.
 
Bài 1:
 
"Ai đến với tôi sẽ không hề đói, ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ".
------------------
Tất cả chúng ta đều mang trong mình một sự trống rỗng cần được lấp đầy. Chúng ta không biết rõ tại sao, nhưng sự trống rỗng hay cơn đói khát vẫn còn đó. Dù chúng ta cố gắng tìm mọi phương thế để chiến thắng bằng sức riêng mình, cơn đói khát vẫn cứ nằm ì. Nếu có thể giải quyết một cơn đói khát nào đó, thì cơn đói khát khác lại dò đến. Cơn đói khát này cứ xếp hàng nối đuôi cơn đó khát khác trong tâm trí chúng ta.
Đói khát, tự bản chất là tốt, nhưng đói khát sẽ trở nên xấu khi đối tượng của nó là tội lỗi. Không khát không đói cơm ăn thức uống là điều bất bình thường và rất nguy hiểm cho tính mạng. Ai không khát không đói rất khó cảm thông với những người đói khát triền miên. Thế giới hôm nay tưởng chừng giầu có, nhưng thực tế vẫn còn 1/3 số người đói ăn.
Chúa Giê-su, khi ăn chay trên rừng, cũng cảm thấy đói. Vì thấy Chúa đói, ma quỷ đến cám dỗ.. "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy biến hòn đá này nên bánh mà ăn". Cũng cảm nghiệm từ cơn đói khát, Chúa Giê-su thương và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn no.
Nhưng nếu chỉ đói khát cơm bánh thôi, thì chưa đủ. Chúa Giê-su đã cảnh cáo Sa tan, kẻ cám dỗ Chúa về của ăn vật chất: "Người ta sống không nguyên bơi bánh mà còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra". Chúa Giê-su cũng phê bình đám dân chúng theo Người sau khi được Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều: "Các ông tìm tôi, không phải vì các ông thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông được ăn bánh no nê".
Đói khát của ăn vật chất, đói khát danh vọng và quyền lực, nếu chỉ dừng lại ở đó, thế giới sẽ sa vào vòng bạo lực chiến tranh và khủng bố.
Người ta còn đói khát tình cảm. Nhiều người Việt Nam ở hải ngoại, tuổi đời từ 50 trở lên, của cải vật chất đầy dư, nhưng lại muốn trở về Việt Nam để sống cuộc sống tình cảm hơn.
Người ta còn đói khát tình yêu. Ai sinh ra mà lại không thích yêu và thích được yêu. Không hiểu tại sao thế giới hôm nay đầy dẫy những chuyện đổ vỡ tình yêu: Tình yêu bạn bè và tình yêu đôi lứa. Yêu vì lợi dụng tiền tài, danh vọng, và dục vọng. Yêu rồi lại phản bội hoặc bị phản bội. Càng những nước giầu, tỷ lệ hôn nhân ly dị càng lắm. Họ thất vọng đến nỗi thà rằng nuôi con chó, con mèo thì hơn vì chó và mèo là loài vật trung thành.
Tuy nhiên tất cả những cơn đói khát như vậy và chỉ dừng tại đó, thì chỉ là những cơn đói khát ngẫu tượng, không có thể giải quyết cơn khát sâu sa trong lòng người, như lời thánh Phao lô tông đồ khiển trách giáo dân Eâphêsô: "Tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như dân ngoại, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình.....anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ đã bị hư theo những đam mê lầm lạc".
Vì yêu, Thiên Chúa dựng nên con người, và vì thế con người phải luôn luôn hướng về Thiên Chúa thì mới có thể giải quyết được cơn đói khát: "Ai đến với tôi sẽ không hề đói, ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ ".
Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được chỗ an nghỉ. Thiên Chúa Là Tình Yêu mà chúng ta đang tìm kiếm và đang khát khao. Và chỉ có thế thôi! Thánh Augustinô đã cho chúng ta kinh nghiệm sâu xa về cuộc đời của Người: sau một thời gian tìm kiếm danh vọng, tìm kiếm tình yêu nơi thụ tạo, nhưng  vẫn không tìm được hạnh phúc, vẫn cảm thấy cuộc đời thật phũ phàng và vô nghĩa! Cuối cùng, Người đã trở về tìm kiếm hạnh phúc nơi chính Chúa và sung sướng kêu lên:
"Lạy Chúa, Chúa ở sâu thẳm trong con hơn chính con, mà bấy lâu con không biết. Con luôn khao khát, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa".
Chỉ nhờ Đức Giê-su Kitô, chúng ta mới có thể cảm nhận, nghe và sờ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giê-su Kitô, Thiên Chúa làm người, ở với chúng ta, dạy dỗ chúng ta, chữa lành chúng ta. Người chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để sau này chúng ta cũng được cùng sống lại vĩnh cửu trong Người. Người tự hiến cho chúng ta trong Tấm Bánh và Chén Rượu để chúng ta chia sẻ sự sống của Người, Máu Thịt Người. Người nuôi chúng ta và làm cho chúng ta sống đích thực hơn.
-          Chúng ta hãy xin Chúa ơn biết đói, biết đói không phải để gầy đi, để chống lại tỷ lệ coresterol trong máu, nhưng là để thông cảm và cho đi đối với những ai đói nghèo trên thế giới.
-          Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết đói tình yêu Chúa để cuộc đời chúng ta có tình yêu Chúa làm tiêu chuẩn cho các giá trị tình yêu khác.
-          Xin cho chúng ta ơn biết đói Chúa Kitô, để nhận ra con đường theo Chúa không phải là một ý thức hệ hoặc gia sản cha ông để lại nhưng là tình yêu say đắm Tình Yêu.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
Hãy Tìm Bánh Hằng Sống Giêsu
 
Phúc Âm chương 6 Tin Mừng Gioan được đưa vào giữa năm phụng vụ, làm gián đoạn Tin Mừng Marcô đang được đọc trong mùa thường niên B. Khởi đi từ việc thấy dân chúng theo mình rất đông, Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Họ theo Chúa vì cáibụng, Chúa không hài lòng nên trách móc : "Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê" (Ga 6, 26). Chúa gợi lên cho họ lòng khát vọng tìm kiếm thay lương thực trường tồn là chính Chúa là tin vào Người (x. Ga 6).
Manna của ăn trong sa mạc
Nếu như vào một buổi sáng nọ, con cái Israel thấy có một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối phủ mặt đất, họ liền hỏi nhau: "Man hu? " Nghĩa là: "Cái gì đây? " (Xh 16, 14) Ngày hôm nay chúng ta cũng hỏi nhau Manna là cái gì?
Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa đối với dân mà Ngài đã cưu mang và dẫn ra khỏi Ai cập. Trên hành trình về Đất Hứa để chứng tỏ tình thương và lòng thành tín của Chúa đối với dân giữa xa mạc khô cằn, Ngài đã ban cho họ Manna, theo Môsê, "Đó là bánh Thiên Chúa ban làm của ăn" (Xh 16, 16),  không chỉ làm lương thực đi đường mà còn giáo huấn họ về lòng yêu thương vô cùng của Chúa. Dân Israel vẫn quan niệm ông Môsê là người đã cho họ ăn bánh bởi trời, nhưng Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lại là chính Thiên Chúa chứ không phải ông Môsê là Đấng cho họ của ăn trong sa mạc, đồng thời mời gọi họ nhìn nhận và tin vào chính Người là Bánh đích thực do Thiên Chúa của cha ônghọgửi đến lúc này đây.
Bánh Giêsu
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng được no nê tùy thích, tưởng rằng thời Mêssia đã đến, họ muốn tôn Chúa làm vua, nên tìm theo Chúa. Gặp họ, Chúa muốn họ đi xa hơn, đã mất công tìmkiếm, thì hãy "ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời" (Ga 6, 27). Chúa gợi lên nơi họ lòng khát vọng trường tồn, khiến họ đặt câu hỏi : "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?"(Ga 6, 28) Câu hỏi xem ra không có gì liên quan đến Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vẫn có một tương quan, đó là "công việc". Chúa chỉ cho họ: "Công việc của Thiên Chúa là các người hãy tin vào Đấng mà Ngài sai đến"(Ga 6, 29).
Ðức tin là điều căn bản. Đây không phải là theo một ý tưởng, một dự án, mà là gặp gỡ Chúa Giêsu, một người sống động, để cho mình đượcChúa và Tin Mừng của Chúalôi cuốn. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng không dừng lại ở chân trời thuần túy nhân loại, nhưng mở rộng tới chân trời của Thiên Chúa, chân trời của niềm tin. Người chỉ đòi hỏi một công việc duy nhấtlà: tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là "tin nơi Ðấng Thiên Chúa đã sai đến" (Ga 6, 29).Chúa Giêsu đã tự hiến chính mình, trở nên bánh đích thật, "bánh từ trời xuống", chính Người là Lời hằng sống của Chúa Cha. Gặp gỡ Người là chúng ta gặp gỡ MộtThiên Chúa hằng sống.
Thật không phải dễ để dânchúng tin vào Người, họ đòi dấu lạ, gợinhớ manna, bánh mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc. Để giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xacủa phép lạ Chúa Giêsu đã làm thỏa mãn một cách lạ lùng cái đói thể lý của họ, Người mời gọi họ đón nhận lời loan báo chính Người là bánh từ trời xuống (x. Ga 6, 41) làm cho họ thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Nếu như cha ông họ trong hành trình dài trong sa mạc đã sống kinh nghiệm về thứ bánh từ trời xuống là manna dưỡng nuôi họ cho tới khi vào Đất Hứa. Giờ đây Chúa Giêsu nói về chính Người là "bánh từ trời xuống", có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở trong lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, và đưa con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định với họ rằng : "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ" (Ga 6, 35). Người là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người. Người là Lời của Thiên Chúa nhập thể làm no thỏa cái đói khát của linh hồn con người một cách vĩnh viễn.
 Theo thánh Agustinô : "Chúa Giêsu khẳng định Người là bánh từ trời xuống, và mời gọi dân chúng tin vào Người. Thật ra, ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin vào Chúa, ai ăn thì tin và ai tin thì ăn.Trong một cách vô hình họ được no thỏa, cũng như trong một cách vô hình họ tái sinh vào một cuộc sống sâu xa hơn, đích thật hơn; họ tái sinh từ bên trong, trong nơi sâu thẳm của họ, và họ trở nên một con người mới" (Omelie su Vangelo di Giovanni, 26,1).
 
Lm. AntônNguyễnVănĐộ
 
Bài 3:

( Ga 6, 24- 35 )
ĐỨC GIÊSU LÀ BÁNH HẰNG SỐNG
Ai trong chúng ta chắc chắn đã từng ăn một bữa nhớ đời.Nhớ đời chưa hẳn vì bữa ăn đó gồm những cao lương mỹ vị, hay là vì được ăn chung với các bậc vị vọng.  Đôi lúc đó chỉ là một bữa ăn đơn sơ đạm bạc, nhưng đã để lại một ấn tượng khó quên. Khó quên là bởi vì trong bữa ăn đó, ta được cảm thấy no thỏa, được chăm sóc, hay có được một sự thân mật đậm nét tình người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể lại phản ứng của dân chúng sau khi được ăn một bữa no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:1-15).  Cả bốn Phúc Âm đều thuật lại biến cố đầy ấn tượng này. 
Ở nơi đồng không mông quạnh mà Đức Giêsu đã cho trên 5000 người được ăn no nê, còn dư đến hơn 12 thúng bánh vụn, thì quả là một kỳ tích rất đáng phục.  Thế nên ta sẽ không ngạc nhiên khi dân chúng, đa số là những người nghèo khó, tìm thấy nơi Đức Giêsu một vị lãnh đạo tài tình.  Họ kỳ vọng Ngài sẽ giải thoát họ khỏi sự nghèo đói.  Thấy Đức Giêsu có phép màu, họ muốn tôn Ngài lên làm lãnh tụ.Thế nhưng Đức Giêsu không chiều lòng họ.  Ngài dư biết họ chỉ quan tâm đến những quyền lợi vật chất.  Ngài bảo cho họ biết họ hãy cố sức tìm thứ thực phẩm bền bỉ đem lại sự sống vĩnh cửu thay vì lo tìm thứ thực phẩm ăn rồi lại đói.  Ở đây chúng ta thấy một thách đố tương tự như câu chuyện Ngài đã gặp gỡ người đàn bà xứ Samari bên bờ giếng (Ga 4, 1-42).  Người đàn bà khao khát thứ nước uống vào sẽ không khát, và Đức Giêsu tỏ lộ cho bà thấy Ngài chính là Nước Hằng Sống, là nguồn sinh lực đem lại tình yêu bền bỉ trường tồn.  Trong câu chuyện tin mừng hôm nay cũng thế.  Đang khi quần chúng chỉ nghĩ đến việc được ăn no, thì Đức Giêsu nghĩ đến phúc trường sinh thiêng liêng Ngài muốn chia sẻ với họ. Ngài chính là bánh từ trời ban sức sống.  Năm xưa Thiên Chúa nuôi dân Người trong hoang địa Sinai bằng bánh manna cũng từ trời xuống (Xh 16, 4-5, 14-36). Sách Xuất Hành thuật lại rằng khi con cái Israel đói khát trong sa mạc, Thiên Chúa đã không bỏ rơi họ.  Mỗi sáng có lớp sương phủ quanh lều trại của họ, và sau khi sương tan thì trên mặt đất đầy thứ bánh nho nho mịn màng.  Và cứ như thế trong 40 năm lưu lạc trước khi vào được Đất Hứa, Thiên Chúa đã chăm sóc họ như thế đó.
Trong trình thuật của Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tỏ cho dân chúng biết Ngài chính là bánh thần lương đó.  Ngài là manna mới, là bánh từ trời xuống, đem lại sự sống cho thế gian.  Nhưng khác với manna tổ tiên họ được ăn, Ngài là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời.  Đây quả là một câu nói khó được chấp nhận.  Làm sao một con người có thể trở thành bánh nuôi kẻ khác sống?  Làm sao có thể được trường sinh?  Không phải Đức Giêsu đang mị dân sao?  Nhiều người nghe Ngài nói cảm thấy khó chấp nhận, và họ đã từ từ bỏ đi.Điều này chỉ có thể hiểu được trên bình diện đức tin.  Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến để chăm sóc cho dân Người, như Người đã làm cho tổ tiên họ năm xưa. Ai tìm đến Ngài sẽ không còn đói; ai tin vào Ngài sẽ không còn khát.  Đức Giêsu không chỉ thỏa mãn cơn đói khát thể lý mà còn là sự khát khao tinh thần của họ.  Khát vọng được nâng đỡ, được chăm sóc, được thông cảm, được tôn trọng, được thương yêu, mãi mãi vẫn là sự khao khát của con người hôm qua và hôm nay. Khi tuyên bố Ngài là bánh cho nhân loại, Chúa Giêsu đã hé mở thân phận và sứ mạng của Ngài – Emmanuel – Ngài chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Năm xưa Thiên Chúa ban manna từ trời xuống cho dân Israel. Tình yêu ban phát từ trời xuống. Ân huệ trao ban để cứu vớt dân Ngài.  Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy Ngài không đến từ bên trên, không chỉ ban phát ân huệ, mà Ngài ước ao được ở cùng với con người, ở trong con người.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn đồng hóa với sự sống từ bên trong.  Khi trở thành bánh, Ngài muốn ở cùng người ăn bánh, chia sẻ vào cuộc sống của họ.
Tình yêu là thế đó. Tình yêu không phải là ban phát, trao tặng, nhưng là “ở cùng.”   Ở cùng đúng nghĩa là tình yêu trọn gói.  Khi cho ai một món quà là trao bao một phần sở hữu.  Khi cho đi chính mình là cho hết.  Ở cùng là chia sẻ thân phận với người mình yêu mến.  Ở cùng là hiện diện (being) với một ai đó, chứ chưa chắc là làm được (doing) điều gì cho họ.  Khi người mẹ ngồi bên giường bệnh chăm sóc cho con, bà không có năng lực làm cho con khỏi bệnh, nhưng bà hiện diện với con của mình, chia sẻ nỗi mệt nhọc của con.  Bà lấy nỗi đau của con làm nỗi đau của mình.  Trong cơn đau, con người thường mong Thiên Chúa làm một cái gì đó để cất đi chén đắng cuộc đời. Người ta thường cho rằng Chúa thương tôi thì Chúa phải làm điều gì đó cho tôi.  Tình yêu thì phải cụ thể hóa bằng hành động chứ.  Nói suông thì được ích gì?  Thế nhưng, con đường của Đức Giêsu lại không như thế. Thay vì cứu cho tôi khỏi chết thì lại chết cho tôi.  Thay vì chữa tôi khỏi đau thì lại cùng đau với tôi.  Đó chính là ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm Thánh Thể mà Tin Mừng Gioan muốn truyền đạt lại cho chúng ta trong Chương 6.  Không giống như các sách Tin Mừng khác, Gioan đã không đặt trọng tâm của phép Thánh Thể vào bữa tiệc ly, nhưng ông khai triển giáo lý về bí tích Thánh Thể ngay sau bữa ăn kỳ diệu bánh hóa nhiều.  Theo Gioan bí tích Thánh Thể phải được hiểu không phải như một dấu ấn của kỷ niệm, không phải như một bữa ăn chia tay của người sắp ra đi, nhưng phải được hiểu trong bối cảnh của một bữa ăn thấm đậm tình người, một bữa ăn sẻ chia những thực phẩm ít oi đã được thánh hóa. Như thế, bí tích Thánh Thể là tình yêu đi vào cuộc sống.  Khi tôi ăn Bánh trường sinh và uống Chén cứu độ, tôi trở nên một với Đấng Hằng Sống.  Và Ngài nên một với tôi.  Hôm nay, khi chúng ta quây quần bên bàn tiệc Thánh, chúng ta lại một lần nữa xin ơn để nhận ra dấu chỉ của tình yêu, của một Thiên Chúa muốn cùng hiện diện với chúng ta trong cuộc sống.  Và rồi cũng như bàn tiệc năm xưa, cuộc sống chúng ta cũng cần được bẻ ra, trao ban cho người khác.  Có thể chúng ta không làm được gì nhiều để ủi an, chia sẻ niềm vui nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng ít ra, khi hiện diện với ai đó với hết cả tâm tình của mình, chúng ta đang đi vào cuộc đời của nhau.
Ân cần hiện diện, ân cần chăm sóc, ân cần chia sẻ, phải chăng đó chính là mầu nhiệm Thánh Thể đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta?  (Theo Antôn Phaolô.SJ )
Pr.Nguyễn Mai
 

Bài 4:
BÁNH TRƯỜNG SINH
1V 19,4-8; Ep 4,30 - 5, 2; Ga 6,41-52

Matta Robin, người Pháp sinh năm 1902 là một phụ nữ trẻ đẹp và đạo đức. Năm 25 tuổi, Matta bị biến chứng dạ dày, ăn uống không được bình thường vì tiêu hoá không dễ dàng, mọi thực phẩm vừa nuốt vào, đều bị nôn ra ngoài. Cho nên Matta rất khổ sở. Sức khoẻ suy giảm, chị sống nhờ nước lã và bằng Thánh Thể Chúa suốt 51 năm (1930-1981), sống nhưng lại không dùng được thức ăn nào khác.
Hàng tuần, cứ đến ngày Thứ Năm, có Cha Linh Hướng mang Mình Thánh Chúa đến cho Chị rước lễ. Matta cho biết: khi Mình Thánh Chúa chưa đến, Chị cảm nhận nỗi đau nhức toàn thân, song khi rước Chúa vào lòng rồi, tự dưng một cảm xúc an bình thư thái ngập tràn trong người Chị.
Một ngày nọ, Cha Linh Hướng kẹt bận rộn Mục Vụ, không thể mang Mình Thánh Chúa  đến cho Chị rước lễ. Ngài nhờ một linh mục khác thay thế Ngài cử hành nghi thức này. Khi đến phần rước lễ, tự dưng Mình Thánh Chúa bay vào miệng Matta Robin. Sau đó, Có lẽ do chịu nhiều đau khổ và chị luôn ý thức tham dự vào mầu nhiệm Thập giá với Đức Kitô, Thiên Chúa ban cho Chị đặc ân được mang 5 dấu thánh Chúa vào trong mình.
Mãi đến năm 1981, lúc chị 79 tuổi và sau 51 không ăn gì ngoài rước Mình Thánh Chúa và uống nước lã, Chị chính thức từ giã cõi đời trở về Nhà Cha trên trời trong bình an như một tôi tớ dù đau khổ nhưng luôn trung tín.
Gương sống thánh thiện của Chị - một đầy tớ tốt lành Chúa dùng, biểu thị cho nhân loại thấy rằng con người có thể sống lâu dài chỉ bằng Thánh Thể Chúa, lương thực cứu độ trường sinh, như Chúa Giêsu đã khẳng định: "Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi sẽ không hề khát" (Ga 6,35).
Tin Mừng Thánh Gioan 6,41-52 là một phần đọan đầu của diễn từ về bánh sự sống tại Capharnaum trình bày ý nghĩa tiềm ẩn trong phép lạ bánh hoá nhiều mà Đức Giêsu đã làm cho năm ngàn người ăn không kể đàn bà và con trẻ từ năm chiếc bánh và hai con cá :dấu hiệu loan báo trước về Thánh Thể, mà Chúa Giêsu khẳng định chính Ngài là bánh sự sống đem lại sự sống vĩnh cửu cũng như của ăn cần thiết cho đời sống con người.
Sau khi chứng kiến phép lạ tỏ tường về bánh hóa nhiều làm lương thực nuôi thân xác, dân chúng tin Chúa Giêsu và muốn tôn Ngài làm Vua để có thể bảo bọc cho họ lương thực của ăn thân xác hằng ngày, tác giả X. Léon Dufour giải thích về thái độ và mục đích tìm kiếm Đức Kitô của dân chúng sau phép lạ bánh hóa nhiều: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” ("Lecture de l'evangile de Jean", cuốn 11, Seuil, trang 132). Cho nên mục đích của việc tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy mục đích việc tìm đến với Ngài của họ, Ngài đã đưa ra ánh sáng tâm tư mờ ảo đầy bụi trần của họ khi nói rõ ràng: “Thật Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”( Ga 6,26 ).
Chúa mời gọi họ thay vì tìm kiếm của ăn vật chất mà họ đang mong đợi như của ăn Manna mà tổ tiên ăn trong sa mạc xưa, nhưng dù ăn những của ăn đó, con người vẫn phải chết, của ăn vật chất là thứ “lương thực mau hư nát”. Cho nên hãy tìm “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”, lương thực trường sinh ấy chính là Ngài. Cho nên tìm đến, tin vào Ngài và được ăn thịt và uống máu của Ngài để có sự sống đời đời: “Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi sẽ không hề khát”( Ga 6,35 ).
Bằng diễn từ Thánh Thể Chúa Giêsu chuẩn bị cho việc hiến tế Mình và Máu chính mình, Ngài đã giảng dạy: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Tôi là Nước trường sinh, ai uống Nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa, nước Tôi sẽ cho và nơi người ấy sẽ trở thành một nguồn nước vọt lên đem lại sự sống đời đời " (Ga 6,51; 4,10-13).
Sau khi đã chuẩn bị bằng Phép lạ Bánh Hóa nhiều, bằng diễn từ mạc khải về Thánh Thể tại Capharnaum. Trong Bữa Tiệc ly, trước khi ra đi cứu độ trên Thập Giá, Phục sinh và về cùng Cha, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể để lại chính thức cho nhân lọai: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người " (Mc 14,22.24). Dân Chúa sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa qua Tình yêu mà Ngài dâng hiến cho con người chính Mình và Máu Ngài, vì thế Bí Tích Thánh Thể còn gọi là Bí Tích Tình yêu. Thánh Thể là sự dâng hiến, quà tặng như Chúa Giê-su đã nói : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24).
Chính Thánh Thể ban cho chúng ta ơn thần hoá vĩnh cửu như Chúa Giêsu đã nói rõ rằng trong diễn từ Thánh Thể tại Capharnaum cho mọi người: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,48-50.58). Sự sống đời đời mà Đức Kitô trao ban chính là sự sống vĩnh cửu trên Thiên Quốc, việc chị Matta Robin chỉ rước Mình Thánh mà sống được tới 51 năm, như là dấu chỉ loan báo sự sống vĩnh cửu như chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga  6,54).
Chúng ta mang tâm tư khao khát tìm kiếm nguồn sức sống trong Thánh Thể – Mình và Máu Chúa Giêsu ; như Dân Do Thái sau khi được Chúa Mạc Khải về Bánh Hằng Sống, thưa với Chúa Giêsu : "Xin cho chúng tôi thứ bánh đó luôn luôn" (Ga 6, 34), Như Chị Phụ nữ ở thành Samaria xin nước hằng sống : "Xin ông cho tôi thứ nước ấy" (Ga.4, 15).
Hãy đến bàn tiệc Thánh Thể, như Thánh vịnh nói tiên tri cả ngàn năm trước khi có Chúa Giêsu mặc khải trong diễn từ Thánh Thể tại Capharnaum và lập Thánh Thể truyền lại trong bữa tiệc ly:
“Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi,
cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”
                                 (Tv 34,9).
Thật thế, sách Châm Ngôn cũng đã nói tiên tri trước vể của ăn, của uống được Thiên Chúa dọn sẽ làm cho con người nên Khôn Ngoan: "Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan" (Cn 9,5-6). Con người Khôn ngoan đi trong đường lối của Thiên Chúa dẫn đến sự sống muôn đời như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh : "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời…" (Ga 6,51).
Mỗi ngày chúng ta tiếp lời mời gọi của Chúa Kitô tìm đến Thánh Thể – Bánh Trường Sinh và Nước Hằng sống, chúng ta nghe lời của Ngôn sứ Isaia bằng hình ảnh:
" Ðến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào " (Is 55,1).
                                               
                                                Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 02/08/2015


 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log