Thứ sáu, 10/01/2025

Các bài suy niệm Chúa nhật 16 TNB

Cập nhật lúc 15:59 16/07/2015
WGPHH: Các môn đệ đã nghe và làm theo chỉ thị đó. Họ đã thành công: nhiều người ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỉ, xức dầu và chữa lành nhiều bệnh nhân.
 
Bài 1:
                                                           
"Các con hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút"
--------------------------------
 
Chủ nhật trước, chúng ta cùng nhau chia sẻ việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo. Chúa chỉ thị các ông,  "khi đi truyền giáo không được mang gì, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, được mang dép nhưng không mặc hai áo". Chúa còn bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe, thì hãy ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ".
Các môn đệ đã nghe và làm theo chỉ thị đó. Họ đã thành công: nhiều người ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỉ, xức dầu và chữa lành nhiều bệnh nhân.
Với đà thành công như vậy, theo nhiều người nghĩ, đáng lẽ họ phải thừa thắng xông lên. Nhưng họ không làm như vậy, họ trở về báo cáo với Thầy mình về kết quả đã thu lượm được, như bài Phúc Âm hôm nay chúng ta vừa nghe: "Họ tụ tập xung quanh Chúa Giêsu và kể cho Người biết mọi việc họ đã làm và mọi điều họ đã dạy". Sau khi nghe báo cáo, Chúa Giêsu nói với họ: "Các con hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút".
Đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi: "Tại sao Chúa lại tính toán vậy ? Tại sao lại phải nghỉ ngơi và nghỉ ngơi để làm gì ?".
Trước hết phải nói rằng: Chúa hẹn gặp lại họ. Hẹn gặp lại cũng  nằm trong chương trình huấn luyện và đào tạo của Chúa. Hẹn gặp lại để thuật lại kinh nghiệm truyền giáo. Hẹn gặp lại để nghỉ ngơi đuôi chút.
Nghỉ ngơi, đó là xác nhận rằng sức khoẻ và thân xác con người có hạn. Chỉ một mình Thiên Chúa là vô hạn và vì thế  Người làm việc không ngừng. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này, khi Chúa chữa lành các bệnh nhân cả trong ngày nghỉ: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Nếu chúng ta phải nghỉ ngơimột chút, không phải chỉ là để lấy lại sức, mà còn để nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn làm việc bằng cách lo lắng và săn sóc đến chúng ta. Người không phải chỉ săn sóc đến những nhu cầu cần thiết của linh hồn chúng ta, mà còn lưu ý đến thân xác chúng ta. Người săn sóc chúng ta như một người cha đầy tình thương mến.
Nghỉ ngơi một chút cũng là cách thức để chúng ta suy nghĩ về sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, nghĩ về cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, chỉ là hoa sớm nở chiều tàn: Cuộc sống mai sau bên Chúa mới là vĩnh cửu.
Thật là vô ích và sai lầm nếu người ta muốn vượt qua cái giới hạn của mình. Con người là thụ tạo và con người có giới hạn. Hậu quả của tội kêu ngạo còn đó!   Con người không biết mình là thụ tạo, muốn vượt quyền Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Con người muốn mình là tạo hoá, muốn mình ngang hàng với tạo hoá.
Với một nền khoa học văn minh vượt bậc đến chóng mặt, con người hôm nay tưởng chừng đã loại trừ được Thiên Chúa. Tệ hơn nữa họ còn dám tuyên bố rằng Thiên Chúa đã chết, Nietzche đã nói như vậy. Con người muốn khử thiêng tất cả những mầu nhiệm về con người và về Thiên Chúa. Con người của thế giới hiện đại không biết rằng tất cả những khám phá của khoa học đều là do Thiên Chúa ban.
Họ quên câu nói thời danh của nhà bác học Pasteur: "Khoa học càng thông minh càng làm cho người ta gần Thiên Chúa, khoa học càng nông cạn càng làm cho người ta xa rời Thiên Chúa". Họ tưởng rằng khi họ cao, họ giỏi là họ coi thường người khác, coi thường cả Thương Đế, họ không nhớ lại lời nhà bác học Newton: "Tôi cao, tôi giỏi, là vì tôi đứng trên vai các nhà khổng lồ".
Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy: Các môn đệ thành công trong sứ mệnh truyền giáo, nhiều người ăn năn sám hối, trừ nhiều quỉ, chữa nhiều bệnh nhân. Họ làm được như vậy không phải là nhân danh họ, mà là nhân danh Chúa Giêsu. Các môn đệ là trung gian giữa Chúa Giêsu và những người mà họ được sai đến. Ân huệ mà họ lãnh nhận được để chu toàn bổn phận truyền giáo, không phải là ân huệ giành riêng cho cá nhân họ mà là ân huệ vì người khác, vì những người mà họ mang Tin Mừng cứu độ đến. Tất cả những phép lạ mà các môn đệ làm được đều là do ân huệ của Đấng Toàn Năng.
"Các con hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơimột chút".
Nghỉ ngơi một chút không có nghĩa chỉ là lấy lại sức mạnh phần xác, nhưng còn là lấy lại sức mạnh tinh thần và thiêng liêng. Chúa Giêsu đã nói: "Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Nghỉ ngơimột chút, đó là chúng ta nghỉ ngơi trong tình Chúa, nghỉ ngơi trong trái tim Người. Có lẽ chúng ta cũng đã hơn một lần nghe hoặc hát bài hát của nhạc sĩ công giáo Phanxicô:
"Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chút nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, trái tim con trong trái tim Người. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, là tình con trong khối tình Người".
Càng nghỉ ngơitrong trái tim Chúa, mỗi người chúng ta càng cảm thấy mình giới hạn. Càng nghỉ ngơi trong trái tim Chúa, chúng ta càng cảm thấy tình yêu Chúa vĩ đại dường bao ! Càng nghỉ ngơi trong Chúa, chúng ta càng cảm thấy tình yêu của chúng ta quá nhỏ bé, chỉ như hạt cát ngoài biển khơi, chỉ như giọt nước tan trong đại dương mênh mông.
Lạy Chúa, dù đời con có thành công hay thất bại, xin cho con được nghỉ ngơi trong khối tình Chúa để con cảm nhận được sự yếu hèn của con và ân huệ của Chúa vẫn hằng ấp ủ con. Amen!
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
Tình mục tử ấp ủ đoàn chiên
 (Mc 6, 30 – 34)
 
Mục tử"  là  một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tự ví mình là " mục tử, người chăn chiên"  và dân Israel được Chúa chọn là đoàn chiên của Chúa : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta …Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ…" (Gr 23, 3). Đến lượt Chúa Giêsu, khi thấy dân chúng bơ vơ tất tưởi, Người động lòng trắc ẩn ví họ như : "Đàn chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Người cũng tự nhận mình là "Người chăn chiên".
Hình ảnh người mục tử với đoàn chiên thật tuyệt đẹp, dễ thương và đầy cảm động, diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Ngài như "Mục tử" với "đoàn chiên".
Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v ...) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với hình ảnh người chăn chiên dịu dàng và trìu mến, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đoàn của chúng để chia sẻ cùng một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số" (Gr 23, 3). Vì muốn trao ban nên một khi đã trao ban thì Chúa bảo vệ giữ gìn. Các mục tử được Chúa trao cho chăn dắt đàn chiên Chúa không cẩn thận, Chúa nổi giận đòi lại chiên : "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé chiên Ta… Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta…Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng" (Gr 23, 1-4). Chúa chăm sóc chiên của Chúa như thế nào? Những cảm nghiệm của con chiên dẫn chứng sự chăm sóc của chủ chiên : "Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng" (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta không những sống mà còn sống dồi dào, Ngài muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy. Ðó là điều mà bất cứ người mục tử nào cũng mong muốn cho đoàn chiên.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Chúa trên đám đông dân chúng là cái nhìn "mục tử" đầy tình thương. Thánh Marcô viết : "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể dưới hình hài Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và các việc Người làm, bằng cách chữa lành các người đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người ốm đau tật bệnh, để dẫn đưa họ đến bến bình an trong tình xót thương vô bờ của Thiên Chúa là Cha.
Vì kẻ dữ luôn tìm cách phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác với linh hồn, giữa con người với Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định : "Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người" (Ep 2,14). Ðể chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, "Chiên Con Thiên Chúa... gánh tội trần gian" (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: "Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài" (Tv 23, 6).
Người mục tử dẫn dắt đoàn chiên không đành lòng đuổi chiên nhưng đưa chiên tới đồng cỏ xanh tươi, tới suối nước trong lành. Tập hợp chiên lại xung quanh mình : "Mục tử tốt lành thí mạng vì đoàn chiên" (Ga 10, 11). Người vừa là Mục tử và vừa là Cửa chuồng chiên (Ga 10, 7) "Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí" (Eph 2 18). Nhờ Người mà chúng ta đi vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng vì người mình yêu". "Thiên Chúa là tình yêu" Ngài đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (x. Ga 3, 16), không ngần ngại trao ban sự sống mình (x. Eph 2, 14)
Những lời trên thật cảm động và đầy an ủi biết bao cho nhân loại hôm nay, vì nó đáp ứng khát vọng sâu thẳm của con người : đó là sống, sống viên mãn, sống vui và sống đời đời! Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Nữ Vương Bình An, Đấng luôn sống trong đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Mục Tử hằng chăn dắt, cầu cho chúng con ! Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 3: 
 
TÌM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
 
 
   Mario Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bi bệnh viêm màng não và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đên năm 1992, tức là 50 năm. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa. Trong một trang nhật ký ông viết: một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi”. Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa trẻ và nói: “Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều có thể cho được”. Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ.
   Những dòng nhật ký trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Đám đông dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu. Họ đến do nhiều động lực khác nhau thúc đẩy: vì tò mò, hiếu kỳ, vì muốn được xem phép lạ, hoặc để được phép lạ, nếu là những bệnh nhân.. Nhưng chắc chắn không ít người đến với Chúa Giêsu vì muốn nghe Ngài giảng dạy, vì đói khát chân lý Tin Mừng. Và Chúa Giêsu muốn đáp ứng trước tiên nhu cầu này của họ, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Nhiều lần trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thay đổi một chương trình, bỏ một dự tính, để dừng lại bên một đám tang, bên một bệnh nhân, bên một bờ giếng...Trong câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu đã có thể dành thời giờ thích thú nghe các tông đồ báo cáo kết quả chuyến đi truyền giáo. Ngài có thể dẫn các tông đồ đi đến một nơi riêng không bị ai quấy rầy, để nghỉ ngơi. Nhưng Ngài đã hủy bỏ cuộc nghỉ để trước hết đáp ứng cơn đói khát của dân chúng. “Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều”.  Thật vậy, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều. Tin Mừng cũng không phải là Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương băng thịt, có một trái tim dễ rung động và biết yêu thương. Đọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không làm phép lạ như một phù thủy múa máy cây đũa thần của mình. Chúa không làm phép lạ để làm lóe mắt thiên hạ. Phép lạ dấu chỉ của ơn cứu độ, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một Thiên Chúa yêu thương đến độ nhập thể làm người và sống thân phận con người.  Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô như tóm tắt dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: “Chúa Giêsu thấy đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Đây là mạc khải tất cả về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa cũng biết thế nào là đau khổ, có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
   Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như công đồng Vatican II trong hiến chế “Vui mừng và hy vọng” đã nói: “Chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ.” Con người bởi đâu mà đến, sẽ đi về đâu ? Chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài chúng ta còn biết phải sống thế nào cho phải đạo làm người. Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên thập giá,chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi. – Trong Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống của con người. Con người sống không chỉ quẩn quanh trong những cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí mà thôi. Trên thế giới có lẽ ít người tự tử vì nghèo đói hơn là vì không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Tại sao mình phải sống? Chết rồi sẽ ra sao ? Nói cách khác, cái tung thiếu quẫn bách, nghèo đói chưa phải là động lực cuối cùng xô đẩy người ta liều mạng sống cho bằng vì người ta cảm thấy không tìm ra giá trị nào cho cuộc đời của mình: cuộc đời phi lý vô nghĩa,không đang sống! Chúa Kitô giảng dậy cho chúng ta biết rõ đích điểm của cuộc đời mình và biết đường đi đến đích. Con người không được Lời Chúa hướng dẫn sẽ giống như đàn vật bơ vơ lạc lõng, không biết đời mình sẽ đi về đâu ? Họ thiếu một hướng chỉ đạo, Giáo hội đã nhận ra điều đó, đặc biệt trong thời đại chúng ta. Giáo hội phải rao giảng Lời Chúa,đem chân lý đến cho loài  người, như Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông dân chúng đi theo Ngài. “Ngài đã giảng dạy cho họ nhiều điều.”
   Ngày nay, đứng trước hàng triệu triệu người các dân nước, hoặc trước hoàn cảnh của các Kitô hữu không có chủ chăn, lời Chúa dẫ thốt ra cách đây hơn hai nghìn năm vẫn là vấn đề thời sự: “Ta chạnh lòng thương đám đông dân chúng, vì họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt”. Vì thế, Giáo hội hôm nay nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng đều có sứ mạng đem Lời Chúa và giúp người khác thực thi Lời Chúa, đó là cách Giáo hội đóng góp cho con người, cho công cuộc xây dựng thế giới loài người. Lời Chúa đòi người ta phải sống cho sự thật, phải tranh đấu cho công bình, phải mở rộng vòng tay đón nhận anh em, làm cho mọi người được sống hạnh phúc.
   Là Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu hôm nay vẫn luôn chăm sóc chúng ta. Ngài tập hợp chúng ta xung quanh Ngài để nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh ban sự sống. Hãy tìm đến với Ngài để lãnh nhận nguồn sinh lực mới.Tìm đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm gặp anh em, không thể tránh né anh em để chỉ tìm một mình Ngài. Tập họp chung quanh Ngài, chúng ta cùng cộng tác với Ngài để chiến đấu chống lại tội ác, ích kỷ, bất công, hận thù để cho Tin Mừng cứu độ giải thoát loài người.
   Than ôi! Những người lẽ ra phải chăm sóc đàn chiên nhưng lại không làm, họ sẽ phải trả giá. Từ chỗ sâu thẳm của tâm hồn, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, bỏ việc đi nghỉ ngơi với nhóm Mười Hai, và đã chọn làm người chăn dắt để chăm sóc đám đông và cho họ ăn bánh, rồi “dạy dỗ họ nhiều điều...”.
 
Pr.Nguyễn Mai

Bài 4:

NGHỈ NGƠI

 
Một văn sĩ Ấn Độ, tên là Mukedi, một hôm hỏi thầy giáo cũ của mình, là một tu sĩ dòng Bênarét: “Thưa thầy, thời gian còn ở Mỹ châu, con có quen biết một người tên là Uyn-sân. Ông ấy ôm ấp một lý tưởng và đã viết ra thành 14 khoản, rồi ra sức phổ biến lý tưởng ấy, nhưng vô hiệu, không mang lại kết quả gì, xin thầy chỉ giáo cho con biết tại sao ông ta thất bại?” Vị tu sĩ hỏi: “Con người 14 khoản ấy có biết yên lặng và suy nghĩ mỗi năm một khoản không? Ông ta có kiểm điểm thường xuyên để rút ưu khuyết điểm đem lại cho mỗi khoản một nguồn sống không?” Mukedi thưa: “Thưa thầy con không tin như vậy”.
Tức thì mặt vị tu sĩ xuất thần nói lớn: “Thảo nào, thảo nào, thất bại là ở đó”.
Yên lặng và suy nghĩ mà vị tu sĩ dòng Bênarét nói đến chỉ có trong những giây phút nghỉ ngơi tĩnh lặng… như Tin Mừng Mc 6,30-34 cho chúng ta thấy: Các tông đồ sau những ngày làm việc trong bước rao giảng Tin Mừng quay về bên Chúa Giêsu, Ngài khích lệ các Tông đồ hãy nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau cuộc truyền giáo đầy vất vả khó nhọc:"Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi…” (Mc 6,31).
Việc nghỉ ngơi đã được minh định trong những trang đầu của Kinh Thánh qua hình ảnh: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2,1-3).
Nhu cầu nghỉ ngơi là cần thiết và chính đáng của con người, việc nghỉ ngơi là một giai đoạn quan trọng trong đời sống thường ngày sau những giây phút học tập và làm việc, nên hài hoà khi sắp xếp chương trình sống. Dù làm việc hay học hành phải lưu ý đến giải trí vui chơi, thư giãn đầu óc. Đừng bắt thân xác hoạt động quá sức mà không nghỉ ngơi, như thế sẽ dẫn tới hậu quả khó lường về tâm lý, thể lý. Trong việc học tập, có rất nhiều trường hợp dẫn tới bệnh tâm thần nơi học sinh, sinh viên vì dưới sức ép học tập, học ngày học đêm, không quan tâm đến sự nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, khiến thân thể bạc nhược, tinh thần bị căng thẳng quá mức và phát bệnh tâm thần. Các tiết học vừa phải. Với việc học không nên xếp các giờ học liên tục hai ba giờ liền mà không nghỉ, cần giải lao sau 45 phút để trí óc nghỉ ngơi. Các nhà khoa học khuyên nên mỗi ngày có ít là từ 7h -9h nghỉ ngơi, đặc biệt là trẻ em, chế độ ngủ nghỉ phải được chăm sóc để giúp cho các em có sức khoẻ để phát triển. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, thay vì lo lắng suy nghĩ về những thất bại hay những công việc chồng chất chưa kịp thời hoàn thành, hãy thư giãn để có được một giấc ngủ ngon. Giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả hơn cho ngày hôm sau. Bạn cũng không nên quá khắt khe với bản thân, hãy để công việc cho ngày hôm sau nếu hôm nay bạn không đủ khả năng hoàn thành. Sau một tuần lễ làm việc, con người cần nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần.
Ăn - ngủ nghỉ rất quan trọng cho sức khoẻ và cả đời sống, ông cha ta cả ngàn năm trước đúc kết  kinh nghiệm qua câu ca dao:
“Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ, mất tiền thêm lo”.
Ngày hôm nay, trong guồng quay không nghỉ của cuộc sống công nghệ hiện đại, stress trở thành một căn bệnh phổ biến trong xã hội.  Hãy tự tìm cho mình một khoảng thời gian và không gian yên lặng để được thư giãn nghỉ ngơi hãy lấy lại tinh thần chính là liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự mệt mỏi và kiệt sức gây ra bởi stress.
Khi truyền lệnh các Tông Đồ tìm chỗ tĩnh mịch nghỉ ngơi, Đức Kitô xác lập sự cần thiết của nghỉ ngơi trong cái nhìn tổng quát của nhân bản như chúng ta vừa trình bày theo nguyên tắc làm việc và nghỉ ngơi phải luôn đi đôi với nhau. Vượt lên trên ý niệm nhân bản, Ngài xác lập nghỉ ngơi tâm linh là một giai đoạn quan trọng công tác tông đồ và cuộc sống tâm linh như Thánh Vịnh ca ngơi:
“Chỉ trong Chúa mà thôi,
Này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
…Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.  
                                 (Tv 60,2.5)
Nghỉ ngơi trong Chúa cho chúng ta một cuộc gặp gỡ thâm sâu hơn với Chúa khi đặt tất cả vào tay Ngài, chính Ngài sẽ cùng làm việc:
“Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA,
Người sẽ đỡ đần cho,
            chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55,23)
Như Chúa Giêsu mời gọi đến bên Ngài tìm về những giây phút nghỉ ngơi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30)
Chính Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm nghỉ ngơi bên Chúa chia sẻ và mời gọi chúng ta:
“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1P 5,7)
Thật thế, yên tĩnh nghỉ ngơi bên Chúa:
“Hồn con, con vẫn trước sau
  giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
    trong con, hồn lặng lẽ an vui”.     
                                        (Tv 131,2)
                                                Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 18/07/2015.
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log