“Ta là sự sống lại và là sự sống”
Hôm nay chủ nhật áp chót Mùa Chay, Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu làm cho Lagiaro sống lại. Lagiaro sống lại là ngưỡng cửa báo trước Chúa Kito chiến thắng sự chết, sẽ SỐNG LẠI và SỐNG MÃI. Vì thế chúng ta hãy mở tấm lòng mình ra để luôn sống trong tinh thần SỐNG LẠI, nếu chúng ta biết lắng nghe và đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa hôm nay. Chúng ta hãy cùng nhau xem thái độ của những nhân vật chứng kiến phép lạ Lagiaro sống lại như thế nào?
Các tông đồ. Lúc đầu, các ông không muốn Chúa Giêsu chấp nhận thánh Ý Thiên Chúa: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở lại đó ư”? Nhưng Chúa Giêsu dần dần giải thích cho họ, chỉ cho họ thấy: qua cái chết mà họ sợ, thì Ngài là SỰ SỐNG và là sự SỐNG LẠI. Họ chưa hiểu câu nói này ngay và phải có thời gian họ mới cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên, họ cũng sung sướng nhận biết rằng Lagiaro đang ngủ. Toma cũng có mặt ở đó, ông nhiệt huyết gắn bó với Chúa Giêsu và nói với các tông đò khác: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người” Bấy giờ Chúa Giêsu nói cởi mở với họ: “Thầy mừng cho anh em và để anh em tin”. Và họ đã nhận ra chuyến đi của Chúa bao hàm một mầu nhiệm gì đó. và dần dần họ sẽ khám phá ra. Họ phải tháp nhập vào ý Ngài trong đức tin. Và họ phải tin. Từ ngữ này được lặp đi lặp lại 7 lần trong câu chuyện hôm nay. Đối với mỗi người chúng ta, chặng đường đức tin có khác nhau, nhưng cần phải thăng tiến tùy theo ân huệ của Thiên Chúa ban cho mỗi người. Hãy cố gắng đọc và suy ngắm Lời Chúa để Lời Chúa củng cố đức tin chúng ta!
Chị Maria. Khi biết Chúa Giêsu đến, chị Maria vẫn ngồi nhà, ngược lại với cử chỉ của chị Martha chạy ra đón Chúa. Nhưng chị đồng ý khi Martha về gọi chị và nói thầm với chị: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”! Chính Chúa Giêsu là người mời chị và gọi chị. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ Chúa Giêsu và chia sẻ sự sống của Ngài, cũng không cần phải tìm kiếm Ngài theo cách chờ đợi cảm tình cá nhân, nhưng là nối kết tình mật thiết với Ngài bằng cách lắng nghe và giải mã được những dấu chỉ mà Ngài ban cho chúng ta như một lời mời gọi.
Thoạt khi nghe chị Martha nói: “Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em”! Maria “vội vã đứng dậy và đi đến cùng Chúa”, dù có nhiều người Do-Thái cũng có mặt ở đó để yêu ủi Maria trong nỗi buồn mất em. “Chị vội vã và đứng dậy ra đi”, chị không cần người ta an ủi. Chị nói và chị xức động! Khi gặp Chúa, chị bày tỏ đức tin của của chị: hy vọng vào Chúa và đau khổ vì Chúa vắng mặt, rồi chị cũng lặp lại quan điểm như Martha: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở nay thì em con không chết”. Và chị cùng Chúa đến mộ Lagiaro. Chị khóc! Chúa Giêsu thấy chị khóc, Ngài cũng thổn thức và xúc động. Với Martha, Chúa Giêsu phải lập luận. Nhưng trong con người Maria, Chúa muốn nối kết cái đích thực của biến cố một cách cụ thể hơn. Và cuối cùng, đối với cả 2 chị em, Ngài hỏi: “Đã an táng Lagiaro ở đâu?”.
Martha. Đức tin của Martha không theo ý lời nói và sự mong đợi của Chúa. Khi Chúa nói với chị: “Thầy là sự sống lại’, chị chưa hiểu hết... Chị chỉ nhận ra ý nghĩa của sự sống lại một cách chung chung về tương lai đối với em mình: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại thì em con cũng sống lại”. Chúa Giêsu bổ sung quan điểm này: sự sống lại là một thực tại ngay bây giờ và riêng cho mỗi người, vì sự sống đã được liên kết với sự hiện diện cá nhân của Chúa Giêsu: TA LÀ SỰ SỐNG LẠI và LÀ SỰ SỐNG. Chúa Giêsu không nói về sự sống sinh học, nhưng về sự sống mầu nhiệm mà Phaolo loan báo cho giáo đoàn Corintho: “gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”.
Tuy nhiên, Martha vẫn tin tưởng vào Chúa Kito: “Con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói với Martha: “Con có tin rằng Thầy là sự sống lại và là sự sống không?”..Dường như chị chưa tin chắc điều này, nhưng chị cũng đã xác nhận niềm tin của mình về Chúa Kito là Đấng Mesia phải đến trong thế gian. Chúa Giêsu phải lặp lại điều đó cho chị: “Thầy đã chẳng bảo con ràng: nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao”? Chúng ta cũng như chị. Chúng ta cũng có nhữnng nghi ngờ và giới hạn. Nhưng Chúa vượt qua những giới hạn đó, và vì thế Ngài truyền lăn hòn đá của mộ ra…
Những người Do-thái. Sự sống lại của Lagiaro thể hiện một tình yêu, tình bạn và tình thân mật lớn lao của Chúa Giêsu: “Người mà Thầy yêu đau mệt” và của những người người Do-thái: “Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai chị vì người em đã chết”. “Những người Do-thái theo bà cũng khóc”.Người Do-thái liền nói: ”Kìa, xem Ngài thương anh ấy biết bao”! Một số người có thể ngạc nhiên tại sao Chúa cứ để cho Lagiaro chết. Thế nhưng trong vấn đề này, không có sự bực bội và kêu trách gì cả. Đó là mẫu gương cuộc sống chung chan hòa tình cảm giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái vây xung quanh Người, mà chúng ta cần phải chiêm niệm và suy ngắm…Tuần này, chúng ta sắp sửa bước vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, trong giáo xứ giáo họ chúng ta cũng có thể có những biểu hiện ghen ghét nhau cách này cách khác. Nhìn lại gia đình Betania lúc này, đó là một sự an bình hạnh phúc, vì gia đình này luôn sống tình người với nhau và với những người xung quanh. Đó là gương sáng cho các gia đình giáo họ, giáo xứ chúng ta bày tỏ vinh quang Thiên Chúa
Chúa Giêsu. Phép lạ Chúa Giêsu cho Lagiaro sống lại báo trước một thực tại căn bản của Kito giáo. Qua đó, Chúa Giêsu cũng tỏ ra cho chúng ta thấy: Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người, kết hợp với nhau mà không lẫn lộn. NHẬP THỂ, Ngài đã trở nên hoàn toàn như chúng ta, ngoài sự tội. Ngài là bạn, là con người biết khóc: xúc động và rơi lệ trước cái chết của người bạn thân. Nhưng Ngài cũng nói: Ta là sự SỐNG LẠI và là SỰ SỐNG vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài không xóa bỏ cái chết, Ngài vượt qua cái chết và cũng làm cho chúng ta vượt qua cái chết với Ngài để được sống lại. Chúng ta hãy cùng với Ngài trên con đường tới mộ vì đó là con đường duy nhất để khám phá ra sự sống lại. Thần khí Ngài đang ở trong chúng ta, là sức mạnh của sự sống, giải phóng chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi và của chết chóc. Hãy nhận ra ân huệ của Thiên Chúa để chúng ta lúc nào cũng có thể hát lên bài: ALLELUIA, CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI, TÔI ĐÃ SỐNG LẠI và GIA ĐÌNH TÔI cũng ĐÃ SỐNG LẠI!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Khát sống
Ga 11,3 - 45
Con người có nhiều cơn khát: Khát tiền, khát danh vọng, khát quyền lực, khát tình yêu, khát hạnh phúc… Và trong hàng loạt cơn khát đó, thì khao khát được sống là cơn khát mãnh liệt nhất, thúc bách nhất, khẩn thiết nhất.
Để đáp ứng khao khát này, người ta sẵn sàng lao động vất vả, chấp nhận muôn vàn hy sinh gian khổ để nuôi sống mình, để vun đắp cho đời sống mình được sung túc hơn.
Rồi khi sự sống bị đe dọa trầm trọng bởi bệnh tật, như bị ung thư chẳng hạn, người ta sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để chạy chữa đến cùng, hễ còn nước thì còn tát…
Vì quý trọng mạng sống nên từ cổ chí kim, không ai trên đời chịu đem mạng sống mình để đổi lấy trân châu bảo ngọc hay phú quý giàu sang hoặc quyền cao chức trọng... Sự sống luôn luôn là trên hết.
Tuy nhiên, đời sống con người cũng như bông hoa sớm nở chiều tàn, như bóng đèn hiu hắt trước gió… Dù ta có tiếc nuối, có kìm giữ, có níu kéo cách nào đi nữa, cũng không thể giữ lại sự sống cho mình. Đến ngày, đến hạn, nó sẽ ra đi.
Vì thế, mọi người đều nơm nớp lo sợ thời khắc định mệnh ấy, lo sợ ngày tang tóc ấy, không biết sẽ chụp xuống lúc nào.
Thần Chết như đang lởn vởn, rình rập đâu đây, sẽ vung lưỡi hái ra tước đoạt mạng sống người ta bất cứ lúc nào!
Hy vọng đã bừng lên
Thế rồi, một niềm vui và hy vọng đã bừng lên: Giữa khung trời u tối và tang tóc vì sự sống sẽ mất đi và sự chết đang bao trùm ấy… bỗng lóe lên một tia chớp hy vọng, hy vọng được cứu sống.
Qua việc làm cho La-da-rô, một thanh niên đã chết bốn ngày, mùi tử khí đã xông lên nồng nặc, được sống lại và trở về với cuộc sống, Chúa Giê-su mang đến nhân loại một tin vui, tin vui đó là Ngài sẽ ban lại sự sống cho những ai lìa trần và không chỉ ban cho họ sự sống đời này mà thôi, nhưng còn ban sự sống vĩnh cửu đời sau. Ngài khẳng định điều đó với cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25).
Thế là nhờ Chúa Giê-su, bóng đêm sự chết không còn bao phủ địa cầu. Ngài đến xé tan màn đêm sự chết, tiêu diệt thần chết và ban lại sự sống cho những ai tin vào Ngài.
Thế thì từ đây, nhân loại nắm được một bí quyết rất đỗi tuyệt vời để dành lại sự sống và đạt tới sự sống đời đời, đó là TIN vào Chúa Giê-su. Thế là từ đây, ước mơ cao cả nhất, khát vọng lớn lao mãnh liệt nhất của con người đã được Chúa Giê-su đáp ứng.
Muốn được thoát chết và được sống muôn đời muôn kiếp với Thiên Chúa trên thiên đàng, thì mỗi người phải TIN vào Chúa Giê-su, nhưng không phải là tin suông, vì tin mà không có hành động kèm theo thì vô nghĩa; Ai thực sự tin Chúa Giê-su thì phải thực hành giáo huấn của Ngài, noi gương bắt chước Ngài và sống như Ngài đã sống.
Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống cho trần gian,
Không gì trên đời quý bằng được sống. Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.
Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay kết hợp với thân mình… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống muôn đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
“Không bao giờ chết”
Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể làm người. Ngài đồng hành cùng mọi người trong đời sống trần thế. Ngài đã từng đến chia sẻ niềm vui trong đám cưới tại Cana (x. Ga 2,1). Ngài đã buồn sầu thương khóc Ladarô cùng với hai chị em cô Matta (x. Ga 11,32-38)…
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay kể chuyện rõ ràng, Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chúa nhật I, Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong thân phận con người. Chúa nhật II, Chúa Giêsu Hiển Dung trong thần tính vinh quang trên núi Tabor. Chúa nhật III, Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Chúa nhật IV, Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, ai đi theo Ngài sẽ bước đi trong ánh sáng. Chúa nhật V, Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ngài thì được sống đời đời.
Nhiều lần Chúa Giêsu nói về sự sống đời đời. Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do thái: Ta là bánh ban sự sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài khẳng định: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa Giêsu đến thế gian để cho con người được sống và sống dồi dào.
“Thầy là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.
Ladarô đau nặng, Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúa bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa”.
Cho dù Ladarô đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin”. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ladarô đã chết nhưng Matta tin chắc chắn Chúa có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu mạc khải: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Với lời xác quyết vừa trang trọng vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: “Con có tin điều đó không?”. Matta tuyên xưng: “Thưa Thầy có, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa. Một số khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và quyết định kết án tử hình cho Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh cách tổng hợp, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là con người yêu thương. Quyền năng làm cho kẻ chết sống lại. Con người nhân ái đến thăm gia đình có người qua đời, trái tim rung động thổn thức. Chúa Giêsu khóc nức nở trước ngôi mộ của Ladarô khiến dư luận bàn tán: “Coi kìa. Ông ấy thương Ladarô biết dường nào!”. Thánh Gioan cũng thấy như vậy: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô”.
Ladarô đi vào đường hầm của sự chết. Chúa đã gọi anh quay trở lại: “Ladarô, hãy ra đây!... Người chết đi ra, chân tay còn quấn những mãnh vải…”. Ladarô xuất hiện với cùng một thân xác như khi đi vào mồ. Anh nằm trong mồ bốn ngày qua, thối rữa ra rồi.Thế mà Chúa bảo hãy đi ra. Anh đi ra thật. Giải băng còn quấn cứng ngắc...Sự hoảng hốt bao trùm. Niềm vui bùng nổ. Hàng ngàn người lại nườm nượp tuôn đến. Đến để xem người chết sống lại. Ladarô sống lại là hiện thân của một biến cố lịch sử ngàn năm một thuở.
Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (x.1V 17,17-24), ngôn sứ Êlisa cũng làm cho đứa con trai của bà Sunêm sống lại (x.2V 4,32-37). Trong Tân Ước, Phêrô đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (x.Cv 9,39-42). Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại ít nhất ba lần: cho con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô. Cũng như những người được hồng ân sống lại từ cõi chết, Ladarô sau này sẽ lại chết, người thân phải mai táng anh lần nữa.
Chúa Giêsu đối đầu với sự chết ngay trong lãnh địa thần chết. Ngài vào và ra khỏi đó như một người chủ vì Ngài nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ (Kh 1,18). Ngài đã chịu chết nên Thiên Chúa đã ban triều thiên vinh quang cho Ngài (Dt 2,9); Ngài trở nên “trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,18). “Nhờ sự chết của mình, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,10) “để chúng ta được lãnh gia nghiệp đã hứa cho” (Dt 9,15). Đối với người Kitô hữu, chính cái chết thân xác mang một ý nghĩa mới. Chết không còn là một định luật con người đành phải tuân theo, đành phải chấp nhận hay một hình phạt do tội lỗi gây ra. Người Kitô hữu “chết cho Chúa”, như đã sống cho Chúa (Rm 14,7; Pl 1,20). Nếu họ hy sinh đổ máu để làm chứng cho Chúa, cái chết của họ là một hy lễ tiến dâng lên Thiên Chúa (1Tim 4,6) và đáng được triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11).
Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.Tin vào Ngài là thông hiệp vào sự sống lại sau khi chết, khiến cái chết không còn nghĩa lý gì nữa. Cái chết của Ladarô chỉ là một giấc ngũ (Ga 11,11), người tin Chúa sẽ coi nhẹ cái chết chỉ như một giấc ngũ, một chặng đường dẫn tới sự kết hợp vĩnh viễn với Chúa. Đức tin, nền tảng tư duy dẫn vào cuộc đổi mới đời mình và đổi mới cả môi trường trần thế đang là đất sống của con người tại thế. Từ chỗ là do định luật thiên nhiên đáng lo sợ, cái chết trở thành cõi phúc “Phúc thay những người chết trong Chúa” (Kh 14,13), để được sống đời sống mới và ở đó “không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Đối với những ai sống lại với Chúa Kitô sẽ không có “cái chết lần thứ hai” (Kh 20,6). Như thế đối với người Kitô hữu, chết là một phúc lợi vì được chính Chúa Kitô là sự sống (Pl 1,21).
Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống của con người. Chúa Giêsu hứa ban sự sống lại vào ngày sau hết cho những ai tin vào Ngài. Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào sự sống lại của con người với niềm tin vào chính sự sống lại của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25; 1Cor 15,16-19). Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.
Chúa Giêsu không chỉ yêu thương chúng ta bằng tình yêu thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, quảng đại và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được gột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời, nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi (Rm 8,15).
Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống “siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.
Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, là mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 26; 1Ga,14). “Không bao giờ chết” là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con.
Xin cho chúng con được sống lại trong niềm tin vào Chúa để chúng con được sống dồi dào trong tình thương của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
CHÚA KITÔ LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG
(Ga 11, 1-45) Sau khi Giáo hội ngưng nghỉ để (Lætare) chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta: trỗi dậy từ trong cõi chết.
Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu
Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi: bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Người: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa" (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Người nên nói với các môn đệ: " Lagiarô đã chết" (Ga 11, 14). Nhưng Người sẽ cho sống lại, vì "sáng danh Thiên Chúa" (Ga 11, 4).
Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Người bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư? "(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này: "Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người" (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là: "Ladarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta" (Ga 11, 15), Người sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.
Niềm hy vọng của chúng ta
Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu: "Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ "(Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha "Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống" sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.
Chúa cho Lagiarô sống lại như Người đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, "Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Người nữa" (Rm 6, 9) vì Người sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng "nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em" (Rm 8,11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.
Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì "thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi" (Rm 8, 10) nhưng "nếu Đức Kitô ở trong chúng ta" và chúng ta ở trong Người với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Người. Hơn nữa: chúng ta tin vào Phép rửa: "Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới ". (Rm 6, 4).
Thật là đại tin mừng: "Nơi Người là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng" (Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết" (Ga 11, 32), há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Lagiarô ở đâu?" (Ga 11, 32) Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Người làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.
Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Người đã hứa rằng, Ngài Người sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).
"Hãy đẩy tảng đá ra" (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao? Chắc chắn, Người có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Người phán, khi Người bị treo trên thập giá, Người đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27,51-52).
"Hãy cởi ra cho anh ấy đi"(11, 44). Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.
Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng
Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố: "Ta là sự sống lại và là sự sống" và hỏi "Con có tin điều đó không?" Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,). Chúa phục sinh Lagiarô là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng là những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiêl: "Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ" (Ez 37, 12-14). "Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em" (Ez 37, 6): nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con ; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=====================
Suy Niệm 5
Thầy Là Sự Sống Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45 Gia đình Bêtania gồm ba chị em là Macta, Maria và Ladarô, phải là nghĩa tình thắm thiết lắm nên mới được Thầy Giêsu ưu ái quá đỗi, hễ đi qua là Thầy ghé thăm, ở lại, dùng bữa... Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại một sự kiện động trời, câu chuyện nghĩa tình của Thầy Giêsu với gia đình này thật là sâu nặng.
Đến khi anh Ladarô bị đau nặng, hai chị em đã cho người đi báo với Đức Giêsu rằng người Thầy thương mến đang ốm nặng. Giờ nguy tử mà Thầy cố ý coi nhẹ mà bảo bệnh này không đến nỗi chết, nhưng qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh! Đức Giêsu nán lại hai ngày sau, Thầy mới lên kế hoạch đi “đánh thức anh Ladarô vì anh đang yên giấc”. Các môn đệ tưởng Thầy nói về giấc ngủ bình thường nên bàn lùi, vì người Do Thái ở đó đang tìm cách ném đá Thầy, rồi anh ấy sẽ khỏe lại thôi. Lúc này Thầy mới khẳng định Ladarô đã chết, Thầy còn... “mừng” vì đã không có mặt ở đó, để anh em tin và Thầy giục môn đệ lên đường. Các môn đệ rất sợ chuyến đi này nhưng đành vâng lời Thầy thôi. Ông Tôma còn quay sang nói với đồng môn rằng chúng ta đi để cùng chết với Thầy.
Thầy vừa đến làng Bêtania, cô Macta đã chạy ra đón người. Vừa đau khổ tuyệt vọng, vừa tủi và tiếc xót vì muộn màng, Thầy quyền năng chẳng có mặt hôm đó để ra tay cứu em, cô thưa: “nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết”. (Ga 11,21). Nhưng cô vẫn hy vọng chuyện kỳ diệu ở Thầy nên thêm lời: “Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (Ga 11,22). Thầy hứa em cô sẽ sống lại. Cô tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời sau, nhưng Thầy vừa thẩm vấn, vừa khẳng định với cô: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 21, 25-26).
Vào đến nhà, cô em Maria cũng chạy đến phủ phục, thưa Thầy trong tiếc xót vì sự việc đã muộn màng. Cô khóc, khách nhà hiếu khóc và Thầy cũng khóc. Đến người Do Thái cũng phải ngạc nhiên vì Thầy quá nặng tình với người chết và thương anh đến nhường nào! Họ xì xào Thầy đã từng làm bao chuyện lẫy lừng cho những người khác, huống chi nhà này, làm Thầy lại càng thổn thức trong lòng.
Đi đến mộ, Đức Giêsu bảo người ta lăn phiến đá ra khỏi cửa mộ, vì Người sắp thực hiện việc cả thể. Cô Macta phân bua nặng mùi vì em cô chết đã bốn ngày rồi. Thầy cầu nguyện cùng Chúa Cha rồi kêu lớn: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43). Thật kinh ngạc, người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, mặt còn phủ khăn. Thầy bảo cởi vải và khăn ra để anh ấy đi cho dễ dàng.
Qua phép lạ làm sống lại người đã chết, Đức Giêsu chứng tỏ Người có quyền trên sự sống và là sự sống thật, để ai tin vào Người thì được sống đời đời.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkiel cũng tuyên sấm ngôn của Đức Chúa: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”. (Ed 37,14a). Bài đọc II thánh Phaolô cũng quả quyết: “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”. (Rm 8,11).
Lạy Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống chúng con, xin Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con được phục hồi và sống bằng chính sức sống của Chúa mỗi ngày. Amen.
Én Nhỏ