Ga 4, 5-42)
Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, đặc biệt là Thánh lễ Chủ Nhật và Lễ Trọng, là một lần chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Trong mỗi thánh lễ đó, nếu chúng ta không gặp gỡ và tâm sự được với Ngài, thì coi như chúng ta không tham dự thánh lễ và chẳng có công ích gì. Bài tin mừng chủ nhật III hôm nay, chủ nhật IV và chủ nhật V Mùa chay sắp tới, đều nói về cuộc gặp gỡ:
- Bài Tin Mừng Chủ nhật hôm nay nói về cuộc gặp gỡ của người phụ nữ Samaria với Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacob. Người phụ nữ này nhận được thứ nước mà không bao giờ còn khát nữa như là một ân huệ.
- Bài Tin Mừng Chủ nhật thứ IV là cuộc gặp gỡ của anh mù từ khi mới sinh với Chúa Giêsu. Anh này được được sáng mắt và sáng cả con tim.
- Bài Tin Mừng Chủ nhật thứ V là cuộc gặp gỡ người bạn Lagiaro và được Chúa Giêsu cho anh sống lại.
1 - Cơn khát của mỗi người chúng ta. Vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên Ngài khát yêu và được yêu. Con người chúng ta là thụ tạo của Ngài, nên cũng khát được yêu và yêu. Vì yêu, nên cơn khát của Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay là xin người phụ nữ cho Ngài nước uống. Con Thiên Chúa đến với chúng ta như người hành khất. Ngài cần điều mà chúng ta có thể cho Ngài. Điều cao cả và trọng đại nhất không phải chỉ là Ngài yêu chúng ta, nhưng là Ngài xin tình yêu của chúng ta. Ngài là Đấng vô biên và vĩnh cữu, Ngài đầy đủ tất cả rồi. Người phụ nữ Samaria hôm nay biểu lộ tất cả bản tính nhân loại. Cơn khát tình yêu của chị nơi người đàn ông không làm chi thỏa mãn (vì chị đã có 6 đời chồng).
Vào một buổi trưa, người phụ nữ này đến múc nước tại giếng Giacob. Và trong chốc nhát, chị có đức tin nhờ vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng ở đó để chờ đợi chị và giải thích cho chị ước muốn của Ngài. Điều đó muốn nói lên rằng đức tin phát sinh từ 2 ước muốn sâu xa muốn đối thoại với nhau. Cơn khát của Chúa Giêsu bắt gặp cơn khát của người phụ nữ. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta khát Ngài, thì cơn khát của Ngài cũng bắt gặp cơn khát của chúng ta.
Tại sao người phụ nữ này lại có đức tin nhanh chóng đến thế?
- Vì chị chấp nhận đối thoại với Chúa Giêsu đang chờ đợi chị tại bờ giếng Giacob.
- Vì ngày nào chị cũng phải đến đây lấy nước để giải quyết cơn khát mỗi ngày.
- Vì nhất là chị cũng khát tình yêu nhưng không được thỏa mãn nơi tình yêu dục vọng (chị đã có 6 đời chồng).
- Vì chị đến đây không phải chỉ để giải quyết cơn khát tự nhiên mà còn để giải quyết cơn khát chân lý, tình yêu và công bình. Cơn khát thiêng liêng như Chúa Giêsu đã nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Cơn khát thiêng liêng đó khiến chị ăn xin Chúa: “Xin ông cho tôi thứ nước ấy”.
Cơn khát thiêng liêng của người phụ nữ Samaria cũng là cơn khát của nhân loại chúng ta qua mọi thời đại, như lời Thánh Vịnh đã nói: “ Lạy Thiên Chúa, chính Ngài là Chúa Trời tôi, về Ngài, tôi khắc khoải, về Ngài, hồn tôi khát khao và xác tôi cũng hao mòn, như đất hạn hán, nẻ khô, khan nước”. Cơn khát này của con người mọi thời đại không bao giờ tắt. Trong mỗi người chúng ta, luôn có cơn khát vô tận. Thế giới vật chất không thể lấp đầy cơn khát vô tận của con tim nhân loại đang khát Thiên Chúa. Sách giáo lý của Giáo hội Công giáo viết: “Con người có khả năng khát khao Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã khắc ghi điều đó trong trái tim con người, vì con người được dựng nên do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Người và con người chỉ tìm được chân lý và hạnh phúc nơi Người mà thôi. Ý nghĩa đích thực của đời sống con người là hiệp thông với Thiên Chúa, là nguồn hạnh phúc và vui mừng”.
Nếu chúng ta hỏi những người chưa biết Chúa Kito, những người chưa gặp Chúa Kito và cả những người không muốn gặp Chúa Kito, thì nhiều người trong nhóm này sẽ trả lời rằng họ bằng lòng với số phận của họ. Họ đi tìm nước uống nhưng họ không cần Thiên Chúa. Họ đến giếng để uống nước cho thân xác họ, nhưng họ không cảm thấy chính họ cũng khát một thứ nước khác. Sự hiện diện của Chúa Kito mặc khải cho chúng ta biết rằng chỉ có tình yêu vô biên của Thiên Chúa mới lấp đầy sự trống vắng trong tâm hồn chúng ta.
2 - Cơn khát của Chúa Kito. Để đáp trả cơn khát sâu xa nơi mỗi người chúng ta, Chúa Kito cho chúng ta một giải pháp, đó là cho đi. Chúng ta hãy cho Ngài nước vì Ngài đang khát. Nước mà Ngài xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống cũng chính là lòng quảng đại cho đi với bàn tay và con tim mở rộng của chúng ta. Và nhờ lòng quảng đại đó mà chúng ta cũng có thể nhận được nhiều hơn thế, nhiều vô kể…Con đường thiêng liêng của người phụ nữ Samaria là một hành trang mà mỗi người chúng ta cần phải khám phá và phải đi liên tục. Chúng ta đã được lãnh nhận bí tích thánh tẩy, chúng ta cần phải luôn đi trên đường để trở nên người kito hữu đích thực. Bài tin mừng hôm nay như là lời khích lệ chúng ta khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa đời sống kito giáo, mong muốn đích thực Thiên Chúa sống trong chúng ta.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dẫn chúng ta hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Kito. Noi gương người phụ nữ Samaria, chúng ta hãy đi loan báo và làm chứng cho anh chị em chúng ta xung quanh về việc đã gặp gỡ Chúa và những điều kỳ diệu mà tình yêu Chúa đã thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài chính là Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu đã chiếm lĩnh được con tim người phụ nữ Samaria, đời sống của chị biến đổi và chị đã chạy về loan báo tin mừng cho dân làng của chị.
Thiên Chúa khát khao chúng ta khao khát Ngài. Ai càng quay lưng khỏi Thiên Chúa, Thiên Chúa càng theo đuổi người đó bằng tình yêu thương xót của Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu có đặm đà hay không…?
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Khát vọng của con người
Ga 4, 5 - 42
Không gì trên đời lấp đầy khát vọng của con người.
Con người có nhiều khao khát: khát tiền, khát quyền lực, khát danh vọng, khát hạnh phúc…
Nhưng không gì trên đời có thể lấp đầy những khát vọng đó.
Chưa có tiền thì khao khát có được ít tiền. Có tiền rồi thì muốn có nhiều hơn và cứ thế mãi không dừng.
Chưa có quyền thì khao khát cho có, có rồi thì khát được nhiều quyền hơn… không bao giờ no thoả.
Vì thế, ông Arthur Schopenhauer (1788-1860), một triết gia người Đức cho rằng: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”
Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.
Người phụ nữ xứ Sa-ma-ri trong Tin mừng hôm nay (Ga 4, 5-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải lần lượt chia tay với cả năm, để mưu tìm hạnh phúc với người thứ sáu. Rốt cuộc chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp…
Chính vì thế nên Chúa Giê-su khẳng định với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.” Với những lời này, Chúa Giê-su muốn cho ta biết không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.
Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy khát vọng con người
Xưa kia, tâm hồn của Augustinô cũng bị giày vò bởi nhiều khao khát, nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy con tim khao khát của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mô-ni-ca, Augustinô mới khám phá Thiên Chúa là Nguồn Suối đáp ứng khát vọng của ngài và làm cho tâm hồn ngài dạt dào niềm vui. Bấy giờ lòng đầy hoan lạc, Augustinô thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”
Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)
Lạy Chúa Giê-su,
Còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa là Nguồn Nước mang lại hoan lạc và bình an cho tâm hồn. Xin cho họ được nhận biết Chúa chính là Nguồn Suối mà họ hằng khát khao.
Xin cho chúng con, như người phụ nữ Sa-ma-ri xưa, một khi đã tìm được Chúa là Nguồn Nước trường sinh, thì cũng mau mắn giới thiệu cho mọi người đến gặp Chúa, để họ cũng được đón nhận Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 3
Xin Nước
(Ga 4, 5 - 42)
Thánh Gioan là tác giả duy nhất kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và chị phụ nữ Samari: Vào khoảng 12 giờ trưa, chị phụ nữ ra khỏi thành đem theo gầu và vò đến giếng Gia cóp, để kín nước về dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng hôm nay khi chị đến nơi thì Chúa Giêsu đã ở đó, Ngài như ngồi chờ để được gặp chị, và Ngài bắt đầu cuộc gặp gỡ ấy với lời ngỏ xin nước của chị: “Chị cho tôi xin chút nước” ( 4, 7).
Tin mừng kể tiếp: chị bất ngờ và ngạc nhiên trước lời xin nước của Chúa Giêsu, nên chị hỏi lại Chúa: “ông là người Do thái mà lại xin nước của tôi một phụ nữ Samari sao”? (c 9). Quả thật, chị không ngạc nhiên sao được, vì hôm nay chị đã gặp một người dám làm cuộc cách mạng xóa bỏ đi hàng rào ngăn cách, xóa bỏ hận thù giữa người Do thái và người Samari bằng việc xin nước (vì người Do thái và người Samari không được giao thiệp với nhau).
Chị không ngạc nhiên sao được, vì chị đã gặp một người rất khiêm tốn, một người dám xin chị nước, là người dám nhìn nhận sự thiếu thốn hiện tại của mình khi mang phận con người: khát nước, mệt mỏi và đói vì chặng đường dài từ Giu đê đến Galile (c 6).
Chị không ngạc nhiên sao được, vì chính người xin nước của chị lại là người khuyến khích chị, đề nghị chị xin Nước của người ấy: nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước hằng sống (c10-11), bởi Nước ấy mới làm cho chị hết khát (c13-14).
Nhưng chị còn ngạc nhiên hơn nữa, vì hôm nay chị đã gặp được người hiểu chị, biết rất rõ quá khứ của chị có tới 5 đời chồng, biết những mối bận tâm cuộc sống hiện tại khi chị phải lầm lũi giữa buổi trưa để lấy nước, biết cả khao khát hạnh phúc tương lại của chị (c 17-24). Người ấy chính là Đấng Mêsia, cũng gọi là Đức Kitô, Người đang đối thoại với chị (25-26), cũng là Người chị xin Nước (c15): “xin ông cho tôi thứ Nước ấy” (Nước hằng sống). Để rồi lúc chị nhận ra và gặp được Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống, chị đã quên cả chuyện phải kín nước giếng về, để đi nói cho dân làng về Nước là chính Chúa Giêsu.
Theo dõi cuộc gặp gỡ của chị với Chúa cũng làm con ngạc nhiên: ngạc nhiên vì trước đó chị từ một người bước ra khỏi thành đi kín nước giếng, giờ chị lại trở vào thành hăng say nói về Nước là chính Chúa Giêsu; ngạc nhiên vì chị không chỉ là đại diện cho dân Samari, nhưng còn đại diện cho chính bản thân con: bởi biết bao lần Chúa đã đến chờ con bên bờ giếng cuộc đời để được gặp con, biết bao lần Chúa cũng bắt đầu cuộc gặp gỡ với con bằng một lời xin giống như lời xin với chị phụ nữ Samari: xin con cho Ta uống, xin con cho Ta chút nước của con, nước tình yêu nhạt nhẽo, nước cuộc đời đã bị nhiễm bẩn, và nhiễm độc bởi môi trường con sống. Xin con cho ta chút nước là những mối bận tâm cuộc sống, những khao khát hạnh phúc và cả những lo lắng phải thực hiện trong đời sống làm người, làm con Chúa. Xin con cho Ta chút nước là chính con, gia đình, cộng đoàn, con người và cuộc đời con hiện tại.
Xin con cho ta chút nước niềm tin, nước hy vọng, nước cậy trông của con vào tình yêu quan phòng của Ta là Đấng ban sự sống và là chính sự sống trong lúc cả thế giới của con đang bị bao phủ bởi dịch bệnh Covid 19.
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa vì Chúa đã khiêm tốn xin con cho Chúa chút nước, để khơi lên trong con khát vọng lớn nhất, khát vọng vô biên là khát vọng chính Chúa; Chúa xin con chút nước, để cho con biết khiêm tốn nhận mình yếu đuối, thiếu thốn, cần đến xin Chúa; Chúa xin con chút nước, để trao ban cho con ân sủng, trao ban cho con tình yêu, trao ban cho con sự sống là chính Chúa. Xin cho biết cho Chúa chút nước là chính con với những yếu đuối, giới hạn, bất toàn… để Chúa làm cho nên hoàn hảo bằng nước ân sủng của Chúa. Xin cho con luôn biết kín múc nước ân sủng từ Chúa, đón nhận chính Chúa là nguồn nước, để con cũng trở nên mạch nước cứu độ cho tha nhân. Amen.
Nữ tu Maria Đỗ Thị Hiến
=======================
Suy niệm 4 Giếng Nước Đầu Làng Trong truyền thống Kinh Thánh, cái giếng đã là nơi khởi đầu của nhiều cuộc tình duyên. Vậy “cái giếng Xykha” gợi nhớ đến cuộc “tình duyên” nào? Trong Cựu Ước, Israel thường được giới thiệu là hôn thê của Đức Chúa. Israel-hôn thê thường thất trung, ngoại tình với các thần Ai Cập, Átsua, Babylon, Ba Tư, Rôma. Câu truyện người phụ nữ Samari hẳn là câu truyện của dân Israel mà Đức Giêsu đến gặp và muốn dẫn về với Đức Chúa. Hơn nữa, Tin Mừng IV còn giới thiệu Đức Giêsu như chàng rễ và nhân loại như một hôn thê tội lỗi, mà Người đến để đưa về sống trung thành. (Lm. FX. Vũ Phan Long).
Sách Sáng thế kể chuyện Abraham chọn vợ cho trai Isaac. Abraham sai người lão bộc lên đường đến xứ Aram Naharaim, đến thành của Nakhor. Lão bộc cho lạc đà phục xuống bên ngoài thành, bên giếng nước đầu làng, vào lúc xế chiều, lúc phụ nữ ra kín nước. Rêbecca đi ra, cô gái nhan sắc tuyệt đẹp. Cô múc nước đầy vò. Lão bộc chạy lại đón cô và nói: Làm ơn cho tôi uống ngụm nước nơi vò của cô. Cô đáp: Xin ông uống. Rồi cô lanh chai hạ vò xuống và cho ông uống. Cho lão uống xong, cô nói: tôi sẽ kín nước cho lạc đà của ông nữa cho đến khi nào chúng uống xong. Rồi cô lanh chai đổ vò nước vào máng và còn chạy tới giếng để múc nước và cô đã cho cả mấy con lạc đà uống...Sau đó, lão bộc đưa Rebecca về. Isaac tổ chức tiệc cưới với Rêbecca. Dòng dõi Israel lớn mạnh từ đó. (x.St 24,10-21). Tin mừng hôm nay kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với một người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop. Nơi đây như “Giếng nước đầu làng Samari”, người phụ nữ tin vào Ngài và dân làng Samari tin vào Đức Giêsu Đấng Cứu Độ.
Sau một hành trình dài, Đức Giêsu và các môn đệ ngồi nghỉ tại bờ giếng Giacop, thuộc miền Samari. Có một phụ nữ Samari đến múc nước. Đức Giêsu chủ động khởi đầu câu chuyện bằng việc xin nước uống: Chị cho tôi xin chút nước. Người phụ nữ Samari lúc đầu chỉ hiểu người đàn ông xa lạ này xin nước múc lên từ giếng sâu. Nhưng Đức Giêsu đã khiến cho chị đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nói với chị: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi xin chút nước, thì hẳn chị đã xin người ấy ban cho chị nước hằng sống. Đức Giêsu bắt đầu bằng việc uống nước để nói về một nguồn nước đặc biệt hơn đó là Nước Hằng Sống. Nguồn nước do chính Ngài đem đến cho trần gian, có sức thanh tẩy tâm hồn con người và đem đến cho con người sự sống đời đời. Nguồn nước này sẽ được ban tặng nhưng không, cho những ai được Thiên Chúa ban ơn để tin vào Đức Giêsu.
Qua cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacop, chúng ta nhận ra cả một khoa sư phạm Đức Giêsu đã vận dụng để đưa người phụ nữ đến đức tin. Trước tiên, Ngài khơi lên sự tò mò để chị tìm hiểu, qua việc nhắc đến một công việc tầm thường làm mỗi ngày, là đến giếng kín nước để giải tỏa cơn khát thể lý. Từ đó, Ngài gợi đến một thực tại khác là Nước Hằng Sống: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Đến đây chính chị xin Đức Giêsu uống nước: “Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Như vậy, Đức Giêsu đã mạc khải cho chị biết, chính Ngài là Đấng Kitô. Cho nên không phải ai khác, mà chính Ngài là người ban cho chị Nước Hằng Sống. Rồi Ngài còn mạc khải cho chị về việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý: “Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn”. Sau khi chị được Đức Giêsu “cho uống nước hằng sống” liền chạy về làng và kêu gọi mọi người: “Mau hãy đến xem, có một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông ấy là Ðấng Kitô?”. Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài. Được Đức Giêsu chấp nhận ở lại với họ, dân làng Samari đã nhìn nhận Ngài như là “Đấng Cứu độ trần gian”, như là Đấng đã được Chúa Cha ban vì lòng yêu thương và được sai phái đến để cứu độ trần gian. Nay họ tin là nhờ chính tương quan trực tiếp với Đức Giêsu chứ không dựa vào lời chứng của người phụ nữ nữa. Lời chứng ấy đưa họ đến chỗ nghe Đức Giêsu để đào sâu đức tin, và bây giờ đức tin đó có thể thực sự bắt đầu triển nở.
Bên giếng nước Giacóp, “giếng nước đầu làng” cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời con người và cả dân làng Samari.
1- Giếng nước, những lợi ích tự nhiên
Giếng nước đầu làng là một hình ảnh quá quen thuộc, đến nỗi nó trở nên gần gũi, thân thiết như của riêng mình, trải qua thế hệ này đến thế hệ khác mà không ai cần biết nó có tự bao giờ. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, nó được hình thành từ lúc những người đầu tiên dừng bước trên mảnh đất mà sau này gọi là “làng” hay “thôn”. Vì nước là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của con người cũng như của mọi tạo vật khác.Vì vậy, giếng nước chẳng những là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng, mà còn là nơi gặp gỡ để trò chuyện, để trao đổi tâm tình mỗi khi người ta ra đó để kín nước mang về nhà. Nó cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành đi đường xa mỏi mệt vì bên cạnh giếng là cây đa cổ thụ có bóng che mát cho khách. Khát nước, khách có thể xuống giếng vốc nước bằng hai bàn tay chụm lại, hoặc lấy nón lá múc nước mà uống thỏa thuê, an lành. Giếng nước là một không gian đáp ứng hai nhu cầu của con người: vừa là nơi gặp gỡ thân tình, vừa là nơi cung cấp nước uống cho nhu cầu thể chất và cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đường, đồng thời còn là nơi nhắc nhở người ta nhớ đến cội nguồn sâu thẳm và thiêng liêng.
2- Giáo xứ, những lợi ích siêu nhiên
Nhu cầu thứ hai của con người là đời sống thiêng liêng. Giáo xứ là giếng nước đầu làng. Ví von này thật gần gũi và giàu ý nghĩa. Dân trong thôn làng luôn đến giếng múc nước. Cũng thế, giáo dân luôn liên đới với cộng đoàn giáo xứ, nơi đây là “giếng nước” mầu nhiệm chan chứa ân sủng từ nguồn mạch sự sống Thiên Chúa.
Nhà thờ giáo xứ là “Nhà thờ phượng”, “Nhà cầu nguyện”, nơi người tín hữu đến đó hằng ngày để lãnh nhận thánh ân, rồi vào đời chia sẻ và sống chứng nhân.
Cái giếng nước đầu làng, ngoài những lợi ích nhân bản và tự nhiên, nó còn nhắc nhở người ta “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn ở đây vừa hiểu là nơi phát sinh mạch nước, tuôn chảy về giếng, vừa hướng về những bậc tiền nhân trong làng đã khơi dòng nước này cho các thế hệ hậu sinh. Còn giáo xứ, các Linh mục cai quản ở đây, làm sao để người tín hữu sống mầu nhiệm đức tin, giúp họ thăng tiến về nhân cách của những người tin, và nhất là mỗi ngày người ta thấy mình đã tiến triển trong tình huynh đệ, tiến triển trên đường kết hiệp với mầu nhiệm thánh giá và phục sinh (x. Giếng nước đầu làng, Khải Triều).
3. Bốn hình ảnh Giáo xứ
Thánh Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.
* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ. Mọi người được đón tiếp chân thành, được sống trong bầu khí bác ái, được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở. Ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.
* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin. Mọi người được bồi dưỡng đức tin, được kêu gọi sống đức tin, được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giao lý, các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng mà người tín hưũ hiểu biết về những biến cố cuộc đời.
* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức. Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự, có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.
* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo. Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất, hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.
Giáo xứ vững mạnh thì luôn hướng đến việc huấn luyện đào tạo những con người phục vụ.
Ở nhà thờ, các tín hữu được nghe được học được thấm nhuần chân lý đức tin đặt nền trên Thánh kinh. Chân lý có tính cứu độ, thánh hoá, sáng tạo, giúp con người có tinh thần trách nhiệm cao, có lương tâm nhạy bén trước sự lành sự xấu, có khát vọng đi sâu đi xa vào các giá trị xây dựng và phát triển con người xã hội. Từ đó họ sẽ trở thành người phục vụ cho chân lý.
Ở nhà thờ, các tín hữu đón nhận sự sống thiêng liêng. Sự sống này rất dồi dào phong phú làm cho họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Với sự sống này, người tín hữu không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác, dám sinh sinh cho người khác. Từ đó, họ trở thành người phục vụ sự sống.
Ở nhà thờ, các tín hữu được chia sẻ tình yêu thương của mọi người trong Hội Thánh. Chia sẻ là cho đi và đón nhận. Tình chia sẻ này được xây dựng trên sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, họ trở thành người phục vụ cho tình hiệp thông.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các Tông đồ đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ ngày trước. Cuộc gặp gỡ ấy là khởi đầu cho công cuộc thay đổi thế giới và làm nên những huyền diệu trong lịch sử nhân loại.
Bên bờ giếng Giacop, người phụ nữ Samaria gặp Đức Giêsu, cuộc gặp gỡ này đã làm chuyển biến cuộc đời chị và dân làng Samaria đã tin Ngài như là “Đấng Cứu độ trần gian”.
Giáo xứ “giếng nước đầu làng”, nơi người tín hữu hàng ngày đến gặp Đức Kitô Đấng Cứu Độ, nhờ đó họ trở thành con người mới, với trái tim mới, sống yêu thương và hy sinh phục vụ.
Xin cho mỗi tín hữu được gặp Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời của mình. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================
Suy niệm 5 ĐẤNG XIN NƯỚC LÀ NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG (Ga 4, 5 - 42) Hành trình phụng vụ Mùa Chay năm A dẫn đưa chúng ta sống con đường của các anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm sống lại trong chúng ta ơn Thánh Tẩy.
Giáo Hội luôn kết hợp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành Bí tích Rửa tội trong đó hiện thực mầu nhiệm cao cả của đời sống người tính hữu là: chết đi cho tội lỗi, tham dự vào sự sống mới trong Chúa Kitô phục sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Ðấng đã cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11).
Thế nên, Chúa Nhật thứ nhất gọi là Chúa Nhật cám dỗ, vì giới thiệu các cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc, và mời gọi chúng ta đứng về phía Chúa Giêsu để chống lại các cám dỗ. Chúa Nhật này sau khi nghe chứng tá của các cha mẹ đỡ đầu, Giáo Hội cử hành việc tuyển chọn những người sẽ được nhận lãnh Bí tích Rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh.
Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Hiển Dung. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và thiên chức làm con Thiên Chúa: theo Abraham tin tưởng vào Chúa và ra đi để trở nên con cái Chúa.
Bước vào Chúa Nhật thứ ba, chúng ta nghe lại cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria, được Thánh sử Gioan tường thuật. Người thiếu phụ hằng ngày đi lấy nước từ một giếng nước cổ xưa, có từ thời tổ phụ Giacóp. Hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một hành trình dài (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người làm cho con người đỡ khát, nước Chúa Thánh Thần. Chúa Nhật này Giáo Hội cử hành việc bỏ phiếu các tân tòng lần thứ nhất và trong tuần trao cho họ Kinh Tin Kính.
Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã sớm nhận ra nơi «nước hằng sống» biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô là chính Nguồn Nước ấy. Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là nước hằng sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này. Câu hỏi được đặt ra:
Phải chăng Đức Kitô khát nước?
Vâng, Người khát, nhưng Người không khát nước trên mặt đất này, hay khát thức uống của con người, mà khát các linh hồn, khát sự cứu chuộc nhân loại. Thánh Ephrem viết: “Khi khát nước, Chúa chúng ta đã ngó đầu vào miệng giếng; Người xin người đàn bà nước uống. Từ giếng nước, Người đã câu được một tâm hồn. Nhưng tâm hồn ấy đã lại câu tiếp được cả dân trong thành” (Thánh Thi Giáng sinh số 4, 43-44).
Tại sao Chúa Giêsu lại xin người đàn bà xứ Samaria nước uống khi bà đến kín đầy vò nước, không những thế, Người còn khẳng định rằng, Người có thể trao ban mạch nước dồi dào hơn từ giếng thiêng liêng nếu ai đến xin Ngài?
Câu trả lời là vì dân Samaria thờ ngẫu tượng, tâm trí họ hướng về địa giới, nên Người khát đức tin không chỉ của người đàn này mà cả và nhân loại. Chúa Giêsu nói: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống (...) Tất cả những ai uống nước này sẽ còn khát: nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa ; vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4, 10-14). Đúng như lời Kinh Tiền Tụng thánh lễ hôm nay diễn tả: “Lạy Chúa là Cha chí thánh... Khi người phụ nữ xứ Sa-ma-ri cho nước uống, Người đã ban cho bà đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Chúa…”
Hình ảnh người tân tòng
Người đàn bà xứ Samaria là hình ảnh của người tân tòng, còn đang chịu sự ràng buộc của ma quỷ, năm đời chồng bà đã từ bỏ, người đàn ông thứ sáu đang sống với bà là tượng trưng. Giếng nước Giacóp thể hiện tiệc cưới của tâm hồn bà cử hành với Thiên Chúa đã được thanh tẩy bằng nước Rửa tội. Theo M. Dulaey thì: “Giữa thế kỷ thứ III, Origène giải thích rằng, giếng nước này là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người và hiệp nhất tâm hồn với Thiên Chúa”. Từ nay, bà tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người và đi loan báo Đức Kitô cho dân làng bà, kết quả là: “Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Theo Origène: “Vị Hôn Phu đích thực là Chúa Kitô (Ga 13, 181). Một khi người đàn bà này tìm thấy Ngài, bà liền chạy về loan báo cho dân làng biết; người đàn bà này là hình ảnh của người kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình”.
Nguồn suối cứu độ là chính Đức Kitô
Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là nguồn nước, từ cạnh sườn bên phải Người, tuôn trào dòng nước xót thương; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng nước hằng sống ấy. Thật ngưỡng mộ biết bao: một người phụ nữ nhẹ nhàng đến giếng Samaria kín nước, bà lấy nước từ dòng nước Giêsu! Tìm được nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Chúa Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Kitô và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành; vai nhẹ bớt, bà trở về tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.
Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời, nước này không phải là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá đó sao? Đây không phải là các bí tích của Giáo hội mà Phép rửa trình bầy mầu nhiệm của nước ấy, để ám chỉ rằng nước đó phát sinh từ cái chết cứu độ của Đấng Cứu Thế đó hay sao? Trong mọi trường hợp, các Giáo phụ thấy nước tuôn chảy từ tảng đá do Môisen đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.
Mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình nơi hình ảnh của người thiếu phụ Samari: Ðức Giêsu chờ đợi chúng ta, nhất là trong thời điểm của Mùa Chay này, để đối thoại với chúng ta, nói với con tim của chúng ta. Chúng ta hãy dừng lại trong một khoảnh khắc thinh lặng, để lắng nghe lời Ngài nói với chúng ta: “Nếu bạn nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban...”
Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, xin đừng để chúng con đánh mất cơ hội gặp gỡ này, là nơi chúng con có thể kín múc nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
====================== Suy niệm 6
Một Lần Gặp Gỡ Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42 Hôm nay thánh Gioan kể rành rọt cuộc gặp gỡ giữa chị Sammari với Đức Giêsu bên bờ giếng thật là hay và “ấn tượng” để đời: Giờ cao điểm giữa trưa nắng cháy, Đức Giêsu mệt, đói bụng, khát nước… Đang tay không, giếng thì sâu, bỗng có một phụ nữ đẩu đâu gánh vò gầu ra. Đức Giêsu khẽ “ngỏ lời”: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7b). Chao ôi chị ấy… “bật” lại: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9). Đàn bà con gái gì mà… gớm ghiếc! “Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari” (kẻ thù truyền kiếp). Quên cả cơn khát thể xác Đức Giêsu bảo: “Nếu chị nhận ra ân huệ Chúa ban, và ai là người nói với chị… thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. (Ga 4,10). Chị cãi lại: “ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi...” (Ga 4,11-12a). Nhưng Đức Giêsu bảo: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4, 13-14). Bắt đầu thấy “lợi” chị đổi ý: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga 4,15). Hay quá! sau một hồi “lắng nghe” Chúa giải thích, chị biến đổi khác trước một trời một vực: người xa lạ thành “fan” hâm mộ, danh giới hận thù giữa người Samari và Do Thái bị phá bung, người sẵn nước thành kẻ ăn xin, người xấu thành đẹp, là người tội lỗi (năm đời chồng bất hợp pháp) bỗng chị trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng. “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: ‘Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.” (Ga 4, 28-30). Kết quả là một mùa vàng bội thu: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Ga 4, 39-42).
Chúa ơi! từ cái cơn khát giữa trưa (mười hai giờ) thật đáng nhớ bên bờ giếng hôm ấy, cho đến cơn khát Chúa kêu trên đỉnh cao Thập Tự: “Tôi khát!” (Ga 19,28). Và cho đến hôm nay Chúa vẫn “khát”, Chúa khao khát các linh hồn, Chúa khát con! Chúa chỉ no thỏa khi Thánh ý Chúa Cha được thực hiện: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”. (Ga 4, 34). Lâu nay con ngu ngơ tưởng mình khập khễnh đi tìm Chúa, nào ngờ chính Chúa tìm con. Xin cho con biết chớp lấy cơ hội ngàn vàng để gặp, để nghe, để thân thưa với Chúa, để trong Chúa con được no thỏa nước hằng sống. Cùng Chúa con lạị “thi hành ý muốn của Cha” trong anh em, những người Chúa cho con gặp trong đời. Amen.
Én Nhỏ