Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm A

Cập nhật lúc 08:44 19/03/2020
Suy niệm 1
“Tôi là sự sáng thế gian”
(Ga 9, 1-41)
Trước hết chúng ta hãy khẳng định rằng: Chúa Giêsu chữa anh mù hôm nay không theo qui tắc của một bác sỹ hoặc một biện pháp ma thuật, nhưng là một phép la. Phép lạ vì anh này mù từ khi mới sinh, mắt anh không thể nhìn thấy được. Nhưng phép lạ này diễn ra từ từ, chứ không phải xẩy ra trong chốc nhát:
- Phản ứng đầu tiên của anh mù sau khi được Chúa Giêsu chữa khỏi, là nhìn nhận Chúa Giêsu giống như người bình thường khác. Bởi vì khi có vài người hỏi tại sao anh khỏi mù, anh liền trả lời: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu, đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến Siloê mà rửa. Thế là tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy”.
- Phản ứng thứ hai của anh mù đối với Chúa Giêsu, khi nhóm Pharisiêu điều tra anh: “Mày bảo ông Giêsu chữa cho mày khỏi mù à! Vậy mày cho rằng ông ấy là ai?”, anh liền đáp lại: “Ông ấy là một tiên tri”. Câu trả lời đó chứng tỏ nhận thức nhảy vọt của anh mù về Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về sự kiện xẩy ra, anh càng xác tín Chúa Giêsu   không phải chỉ là một con người như bao người khác, mà còn là một vị tiên tri.
- Và cuối cùng anh mù gặp được Chúa Giêsu mặt đối mặt, vì khi anh đi rửa mắt ở hồ Siloe về, Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Khi gặp lại anh, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Anh có tin vào Con Thiên Chúa không?” Anh trả lời: “Thưa Ngài, nhưng Ngài là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu trả lời: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”.Anh liền thưa: “Lạy Ngài, tôi tin”. Vừa nói anh vừa quì xuống trước mặt Chúa. Như vậy, từ nhận thức Chúa Giêsu chỉ là một con người bình thường và sau đó là một vị tiên tri, đến việc nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, anh mù đã có Đức Tin và cuối cùng anh quì xuống thờ lạy Ngài. Ân sủng đức tin, ánh sáng tâm linh mà Chúa Giêsu ban cho anh còn kỳ diệu hơn cả sự phục hồi về thị giác..
Tuy nhiên, tất cả những người chứng kiến việc Chúa Giêsu chữa anh mù hôm nay, không phải là ai cũng tin vào phép lạ của Ngài. Cụ thể là những người Pharisieu, họ từ chối phép lạ. Họ không muốn thấy điều làm họ dễ thấy nhất. Họ từ chối điều hiển nhiên nhất. Tại sao thế? Đơn giản là vì Chúa Giêsu đã không tuân giữ ngày sabat. Chúa Giêsu đã chữa bệnh. Có nghĩa là làm việc xác ngày sabat và như vậy là lỗi luật Moise. Ai không tôn trọng Lề Luật của Thiên Chúa, thì không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế Chúa Giêsu không thuộc về Thiên Chúa… Phải chăng đó là một kiểu cách tam đoạn luận? Thế nhưng thử hỏi: Có được phép cấm Thiên Chúa làm phép lạ trong ngày lễ nghỉ không? Những người thông thái Pharisieu đã sai lầm và Chúa Giêsu khẳng định rằng họ là những người không thể tha thứ được vì từ chối sự hiển nhiên của phép lạ. Họ cố tình trong sự mù quáng, mà trong khi đó anh mù không ngừng bước đi trong ánh sáng đức tin.
Anh mù hôm nay là biểu tượng của nhân loại đã nằm trong bóng tối và đang khám phá ra ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến (Siloe có nghĩa là Đấng được sai đến). Chúng ta cũng là người mù. Chúng ta đã dìm mình trong giếng nước Rửa Tội, nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại nhận thấy mình mù quáng, đức tin suy giảm, hay đòi hỏi dấu lạ, lúng túng khi Thiên Chúa để cho sự dữ hay bệnh tật tấn công những người hiền lành.
Dấu lạ ngày nay đâu có thiếu: những dấu lạ lớn lao, như Thiên Chúa tạo dựng, Chúa Giêsu đã sống lại là điểm khởi đức tin mạnh mẽ của các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội dù bị bách hại nhưng vẫn đứng vững, Sách Tin mừng quyển sách luôn luôn trẻ trung và sống động mà biết bao người dù không kitô vẫn thích đọc; và còn biết bao những dấu lạ khác sờ sờ mà chúng ta vẫn mù quáng không nhận ra. Chính là vì chúng ta kiêu ngạo không muốn thấy và không muốn tìm kiếm dấu vết của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Có thể chúng ta không muốn tin nữa vì chúng ta sợ Thiên Chúa, sợ ánh sáng và sợ phải thay đổi cuộc sống. Chúng ta chẳng khác gì những người Pharisieu hôm nay không muốn tin Chúa. Hoặc có thể chúng ta không đứng vững trước vấn đề của sự dữ.
Cần biết rằng: bao lâu thế gian này còn tồn tại, thì sự dữ sẽ không bao giờ hết.  Chính các tông đồ trong Tin mừng hôm nay hỏi Chúa: “Tại sao anh này lại mù từ khi mới sinh, có phải bởi tội cha mẹ anh hay là Thiên Chúa trừng phạt”? Câu hỏi này vẫn luôn có tính thời sự: tại sao lại có dich Covid-19? Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Dịch Covid -19 phải chăng là dấu chỉ thời đại”? Qua câu chuyện về tháp Siloe đổ xuống đè chết một số người qua lại và Philato giết nhầm những người đi lễ đền thờ Giêrusalem, nhất là nạn dịch Covid -19 đang diễn ra trong Mùa Chay. Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài mời gọi chúng ta cầu nguyện và trở về với Thiên Chúa. “Tại sao lại có Covid -19?” Có phải là Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi nhân loại không?” Chúa Giêsu trả lời chúng ta về vấn đề này: “Không phải chút nào! Thiên Chúa không bao giờ độc dữ và tàn ác”. Nếu sự dữ xuất hiện theo cách thế của nó, thì Thiên Chúa là nạn nhân đầu tiên và cũng là người chịu đau khổ trước hết. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Tôi muốn chống lại sự dữ và làm cho nhân loại khỏi đui mù”. Vì thế sự dữ là cơ hội chứng tỏ tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa muốn nâng đỡ và chữa lành những con người đau khổ. Và câu trả lời chính xác về mầu nhiệm của sự dữ, là hãy nhìn thập giá Chúa Giêsu. Chúa không có tội, Chúa quyền năng, tại sao Ngài phải chịu đau khổ đến thế? Chúa muốn thế vì yêu và vì muốn chữa lành tội lỗi chúng ta. Thánh nữ Benadeta cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lên thập Chúa, con sẽ không còn nghĩ đến thập giá của con nữa”.
Tin Mừng hôm nay cũng phản ảnh thực tế cuộc sống con người thời nay. Chúng ta có mắt nhưng nhiều khi giống như mù. Nhiều người đi ngang qua nhìn thấy anh mù nhưng làm ngơ như không hề nhìn thấy. Tương tự như thế, chúng ta chỉ để mắt nhìn những gì chúng ta muốn, chúng ta chỉ quan tâm đến những người mà chúng ta có cảm tình. Nhiều người vẫn tự hào nhìn nhận mình thuộc thành phần trí thức thông minh, nhưng không hề để tâm chú ý đến cảnh bất công. Anh mù không những được Chúa Giêsu chữa lành, mà còn lột trần bộ mặt thật của những người xung quanh. Anh làm chứng tá cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Anh Sáng đích thực, Anh Sáng thế gian, có sức làm tan biến lớp sương mù dày dặc che phủ tầm mắt của chúng ta. Qua Bí tích Thánh Tẩy, Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta một cặp mắt lành mạnh để khám phá ra nơi anh chị em chúng ta có những khía cạnh tốt đẹp, khám phá ra ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Nếu có con mắt Đức tin đầy tình yêu mến, chúng ta sẽ nhìn thấy và khám phá ra thế giới muôn mầu mang đầy dấu ấn lạ lùng của Thiên Chúa Tình Yêu.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Một thứ mù rất đáng sợ
Ga 9,1.6-9.13-16.34-38
Hoàn cảnh người mù từ lúc mới sinh được Chúa Giê-su chữa lành mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay, khiến người ta liên tưởng đến chứng mù khác đáng sợ hơn nhiều. Đó là chứng mù con mắt lương tri, mà tiêu biểu nhất là “mù-tội”, nghĩa là không thấy được những sai lầm và tội lỗi của mình.
Biểu hiện rõ nét nhất của chứng “mù-tội” là người ta không thấy được tội mình, do đó chẳng hối hận và cũng chẳng hề tự trách mình.
Ông Dale Carnegie, (1888-1955) một nhà văn và nhà thuyết trình danh tiếng người Mỹ, viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, cho rằng: “Tôi phải mất 33 năm trời để khám phá ra sự thật này là cho dù người ta có mắc phải những lầm lỗi nặng nề đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta chẳng trách mình gì cả,[1]” như thể mình vô tội.
Ngay cả vua Đa-vít, một vị vua tài ba đức độ của người Do-thái, cũng mắc phải chứng “mù-tội” này.
Vua mê đắm nhan sắc của bà Bát-sê-ba, bà này là vợ của U-ri-a. Vua chiếm đoạt bà, rồi mượn tay quân giặc giết chồng bà là U-ri-a ngoài mặt trận. Sau đó, vua đón bà về cung làm vợ chính thức của mình ( II Sam 11 và 12).
Vua Đavít đã phạm một tội to như núi như thế mà vẫn ung dung như thể mình chẳng phạm tội gì.
Thế nhưng, khi nhà vua nghe ngôn sứ Na-tan cho biết có một ông nhà giàu có nhiều dê cừu, sai tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của một ông lão nghèo bên cạnh để làm tiệc đãi khách, thì vua bừng bừng nổi giận và lên án người đó cách gắt gao.
Chua chát thay, vua Đa-vít thấy rõ tội nhỏ của người ta mà không thấy thứ tội tày trời của mình. Vua lên án tội nhỏ của người khác mà bao che tội ác to lớn của mình.
Người đời như thế đấy, tội mình to như núi, mình không thấy; tội người ta chỉ bằng viên sỏi, thì thấy rõ ràng.
Đúng như lời Chúa nói: Các ngươi thấy rõ “cọng rác trong con mắt của người khác, mà cái xà ngang trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,3).
Chứng “mù-tội” vô cùng tai hại
Chứng “mù-tội” gây ra hậu quả tai hại ngàn lần hơn là mù mắt, vì hầu hết những người mù mắt đều tốt lành thánh thiện, chẳng làm gì nên tội, trong khi đó, người “mù-tội” thường gây ra nhiều tội ác. Họ gây nhiều tội ác vì họ không thấy tội lỗi của mình và dù có thấy, họ cũng cho là chuyện nhỏ, chẳng lớn lao gì.
Chứng “mù-tội” rất khó chữa
Sở dĩ khó chữa là vì người ta không nhận ra sai lầm và tội lỗi của chính mình. Không thấy mặt minh dơ thì người ta không cần rửa mặt; không thấy áo quần bẩn thì chẳng cần phải đổi thay; không thấy bản thân mình lầm lỗi thì cần gì phải ăn năn hối cải. Thế là người ta đắm chìm trong tội suốt đời.. Vì thế, đây là một chứng bệnh rất khó chữa.
Như vậy, mù không thấy được tội lỗi và tính xấu của mình là một chứng mù đáng sợ và tai hại khôn lường, vì thế phải lo cứu chữa ngay đừng trì hoãn.
Lạy Chúa Giê-su,
Sứ mạng của Chúa khi đến trần gian là “làm cho người mù được sáng” (Lc 4,18) và Chúa đã thực thi sứ mạng này bằng cách mở mắt cho nhiều người mù từ lúc mới sinh, cũng như khai tâm cho nhiều người để họ nhận biết và sống theo giáo huấn của Chúa.
Xin dủ lòng thương xót, mở mắt tâm hồn, mở mắt lương tri cho chúng con, để chúng con nhận ra những sai lầm, những tội lỗi và những thói hư mà chúng con vấp phạm hằng ngày, đồng thời xin giúp chúng con kiên quyết ăn năn chừa tội hầu xứng đáng là con của Cha trên trời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
THÁNH GIUSE  - HOA HƯỚNG DƯƠNG
Trong thực vật học có hiện tượng gọi là quang hướng động,nghĩa là sự phát triển của cây tuỳ thuộc theo ánh sáng.Thân cây có quang hướng động dương nên thường mọc về phía ánh sáng. Rễ cây có quang hướng động âm nên nên mọc về phía tối.
Ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trên muôn loài cây cỏ nên khi mùa xuân về, nắng xuân xoá tan cái lạnh của đông giá, cây cối xanh tươi, muôn hoa đua nở để kết trái mùa hè.
Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là hoa hướng dương. Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc.
Có thể ví Thánh Giuse như hoa hướng dương. Đoá hoa công chính luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và làm tròn Thiên Ý.
Như Tổ Phụ Abraham, Thánh Giuse đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu như Abraham được Kinh Thánh gọi là tổ phụ của những người tin, thì thánh Giuse thật xứng đáng trở thành cha của những ai có lòng trông cậy.
Cuộc đời của thánh Giuse là một tình yêu thầm lặng. Nhưng những gì ngài đã sống, đã thực hiện trong vai trò một “người tôi trung” của Thiên Chúa, một người cha, một người chồng trong Gia đình Nazarét, cũng đủ toát lên một mẫu gương thánh thiện và công chính nơi Ngài.
Khi đọc lại các trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy thánh Giuse là người luôn luôn lắng nghe và đáp trả thánh ý Thiên Chúa, dù cho đó là những điều mà Ngài không mong đợi.Thánh Giuse rất nhạy bén trước ý định của Thiên Chúa.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là Ý Chúa là Ngài vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.
- Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn Thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nỗi đau riêng mình với một quyết định “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về” (Mt 1,24).
- Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).
- Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt 2,21).
- Có lẽ hơn 30 năm trong mái nhà Nazarét thánh Giuse cũng luôn lắng nghe thánh ý Chúa và đáp trả một cách trung thành qua việc gìn giữ và bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu, nhất là trong việc nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu. 
Cuộc đời của thánh Giuse chỉ biết thi hành thánh ý Chúa bằng tất cả niềm tin và lòng cậy trông.Trước Thánh Ý Thiên Chúa, thánh Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo Ngài đi là Ngài đi, bảo Ngài về là Ngài về, bảo Ngài làm thế nào là Ngài làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).
Một niềm tin được cắm rễ sâu trong việc lắng nghe vâng phục ý Chúa nên tình yêu của thánh Giuse dành cho Đức Maria là một tình yêu trinh sạch, vẹn toàn và vượt lên trên mọi ham muốn của trần gian. Và như thế nó trở nên lời tiên tri về tình yêu vĩnh cửu tồn tại trong vương quốc Phục Sinh. Một tình yêu không bao giờ biết đến nhục dục, nhưng chỉ biết đến những nụ hôn của ân sủng. Một tình yêu không bao giờ chiếm hữu người yêu cho riêng mình, nhưng chỉ là một sự hiến thân thuần tuý. Một tình yêu canh giữ mọi phong phú của khác biệt giới tính và biến đổi chúng thành những tặng ân của ân sủng.
Hoa hướng dương là hình ảnh Thánh Giuse. Nhìn một đoá hoa hướng dương khoe sắc ta nghĩ đến Thánh Giuse. Nhìn cả vườn hoa hướng dương đang rực rỡ trong nắng ấm ta ước mong mỗi người Kitô hữu là một bông hoa nhỏ luôn hướng tâm hồn về Thiên Chúa, mở rộng lòng đón nhận sự sống,tình yêu, niềm vui để rồi toả hương khoe sắc cho cuộc đời.
Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.
Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm choThánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình trở thành một Lời Chúa sống động.
Nếu Đức Maria có một Kinh cầu và mỗi lời kinh là một nhân đức, thì thánh Giuse cũng có một kinh cầu và mỗi lời cầu cũng là một nhân đức cho chúng ta noi theo. Đó là: Lắng nghe và thi hành lời Chúa.
Mọi hành vi, thánh Giuse đều đối chiếu với lời, với lệnh truyền của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa ban thánh Giuse đều đem ra thi hành cách hoàn hảo. Nên thánh là làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, nếu cần phải bổ khuyết thì đó chính là sự cần cù, khiêm tốn, thinh lặng, những đức tính đó giúp chúng ta biết lắng nghe, biết tin tưởng vào Lời Chúa và đem ra thi hành.
Thánh Giuse đã nghe được tiếng Chúa nói và mau mắn thi hành. Đây là thái độ nội tâm mà thánh Giuse đã thể hiện: Thinh lặng để nghe Chúa nói với chính mình. Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe được những bước chân của các con kiến. Theo gương Thánh Giuse, tập sống thinh lặng nội tâm để nhận ra những tín hiệu mà Lời Chúa đang vang vọng lại nơi tâm hồn chúng ta mỗi ngày.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4
Ánh Sáng Và Bóng Tối
1Sm 16,1b.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
Trình thuật Tin Mừng hôm nay diễn tiến giống như cuộc gặp gỡ Đấng cứu độ của người phụ nữ Samari. Điều hay ở đây là Đức Giêsu luôn đi bước trước trong tiến trình gặp gỡ. Anh mù này đâu biết tìm gặp Người để xin cứu chữa. Thầy trò đi ngang qua thì “nhìn thấy” anh, vậy là có chuyện.
Mở đầu câu chuyện của Thầy trò, các môn đệ hỏi Thầy anh bị mù là tại anh hay cha mẹ anh? Đức Giêsu vào bài giảng luôn và khẳng định Người là ánh sáng thế gian: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh... Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (Ga 9, 3.5). Rồi Người bắt đầu chữa cho anh mù. Ca chữa lành hôm nay có vẻ kỳ quặc: Người nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn rồi xức vào mắt anh và bảo anh đến hồ Silôac mà rửa. Anh vâng lời đến đó rửa, về thì con mắt tối tăm từ nhỏ của anh tới giờ được bừng sáng.
Chuyện anh được sáng mắt làm xôn xao dư luận từ những người nhìn thấy anh. Anh bắt đầu tuyên xưng đức tin với họ, mặc dù chỉ mới biết Người là “ông Giêsu” và không biết Người ở đâu nữa. Khi vừa tuyên xưng, đức tin của anh đã gặp thử thách vì họ đem anh đến với người Pharisêu để tra vấn, làm nhóm Pharisêu cãi vã rồi đâm ra chia rẽ. Còn anh khi đức tin bị thử thách được tôi luyện lại mạnh hơn, anh càng được “sáng” hơn, anh tuyên xưng Người là vị ngôn sứ.
Chưa hết, người Do Thái không tin anh mù tịt từ bé giờ bỗng dưng khỏi hẳn nhờ ông Giêsu mà họ không tin, nên gọi cha mẹ anh đến để tra vấn. Không biết vì sợ hãi hay không, ông bà khôn ngoan trả lời: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (Ga 9,23). Sau cùng cùng họ lại lôi anh ta đến dạy rằng phải tôn vinh Thiên Chúa, còn họ biết ông Giêsu ấy là người tội lỗi. Anh lý luận với họ chắc chắn, anh phủ nhận điều ấy. Mắt tâm hồn anh càng được sáng tỏ, anh đơn sơ chọc họ: “Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (Ga 9,27b). Họ tự ái phẫn nộ mắc nhiếc, chửi rủa rồi trục xuất anh sau cuộc chất vấn căng thẳng vì nhất quyết không tin.
Biết vậy, khi gặp anh, Đức Giêsu thẩm vấn lại và trả lời để anh rõ và tin Người: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” (Ga 9, 37). Qua chuyện hấp dẫn, chất vấn sôi nổi của Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chứng tỏ một thực tại nghịch lý trớ trêu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,30).
Lạy Chúa! Chúa thật là ánh sáng đã chiếu soi vào sự tăm tối cuộc đời của chúng con. Xin cho mỗi chúng con mùa chay thánh biết đến với Chúa, qua lời mời gọi của Chúa trong Lời Chúa, nơi các Bí tích, để chúng con từ trong tăm tối bước vào nguồn ánh sáng cứu độ của Chúa. Ttong ánh sáng diệu kỳ của Chúa, đức tin của chúng con sẽ vượt qua thử thách mà vững mạnh giữa bao sóng gió thế trần.
Hôm nay thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Êphêsô cũng như mỗi chúng con: “xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là thánh thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. (Ep 5,8-10).
Én Nhỏ
 

[1] “How to Win Friends and Influene people”. page 23
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log