Chúa nhật, 29/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Phục Sinh

Cập nhật lúc 08:14 16/04/2020
Suy niệm 1
Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con
 
Sức mạnh, bài hát của tôi, chính là Thiên Chúa vì Ngài thương xót tôi. Tất cả các bài đọc thánh lễ hôm nay vang lên niềm vui tuyên xưng đức tin: đức tin của Toma, của tông đồ Phaolo và của toàn thể Giáo Hội non trẻ:
Khi nhận ra Chúa Giêsu phục sinh,
- Toma nói lên với tất cả con tim của mình"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”!
- Phêro cảm tạ Thiên Chúa và kêu lên“Chúc tụng Thiên Chúa…vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kito từ cõi chết sống lại, Người đã tái siinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành đẻ cho anh em trên trời”.
- Và sách Tông đồ Công vụ kể lại:  chứng từ đức tin và niềm vui của cộng đoàn trẻ trung, phản ánh sức sống mãnh liệt và có sức thu hút.
Bình an cho các con. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy bối cảnh trước đó của các môn đệ thế nào: “Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín”. Họ đóng kín trong nhà. Họ đóng kín trong nhát đảm và nghi ngờ. Đang lúc như vậy Chúa Giêsu đến. Không những Ngài vào bên trong cánh cửa đóng kín căn phòng của họ, mà còn vào bên trong cánh cửa đóng kín đức tin của họ hôm qua cũng như hôm nay trong 4 bức tường, giống như tảng đá lớn che mộ. Chúa Giêsu đến để mở tung các loại cánh cửa đó ra và đẩy họ ra ngoài… Chúng ta có đóng kín như các môn đệ không và cùng với họ ra ngoài khi Chúa Giêsu đến với chúng ta không?
“Bình an cho các con”!  Đó là Lời của Chúa Giêsu khai mạc thời đại mới. Lời này rõ ràng và có tính quyết định. Ngay khi Chúa Giêsu đến để giúp họ khám phá ra thực tại và ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Ngài gia tăng đức tin và ban bình an, hơi thở Sự sống cho họ cũng như cho chúng ta.
Qua kinh nghiệm về mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu đặt chúng ta đối diện với những vấn đề về sự sống và sự chết.. Ngài đến với chúng ta để thể hiện lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta:
- Ngài đến để đặt mình vào vị trí chúng ta.
- Ngài đến để chia sẻ những đau khổ của chúng ta và những đau khổ của tội lỗi.
- Và Ngài đến để giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ tột cùng của cái chết.
Một lời cho từng người. Chúa Giêsu hiện ra với mỗi người tùy hoàn cảnh khác nhau: với Gioan tông đồ nơi ngôi mộ trống, với Madalena trong khu vườn, với các môn đệ đang tụ họp, và với Toma đang gặp thử thách nghi ngờ đức tin. Lúc đầu, tất cả các nhân chứng Phục sinh, dường như không hiểu gì về những lời đầu tiên của Chúa Giêsu, sau khi Chúa sống lại: “Bình an cho các con”! Nhưng Toma, người đầu tiên rút ra tất cả các hậu quả từ câu nói đó. Chính Toma cúi đầu trước Chúa Giêsu, với tất cả con tim và mạnh mẽ tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Chúa Thánh Thần ban cho Toma "thấy" rõ hơn cả anh em mình, nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, từ vết thương trên chân tay của Ngài trong cuộc khổ nạn...Tất cả lòng thương xót của Chúa Kitô tràn ngập trên Toma và trên tất cả nhân loại. Mắt Toma mở ra, và Toma hiểu rằng lời tiên tri Isaia được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, bị sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích để chúng ta được chửa lành” (Is 53, 5).
Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng được trải nghiệm như các môn đệ mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Chúng ta có thể xỏ ngón tay của chúng ta vào lòng thương xót của Chúa Kito biểu lộ cho chúng ta trong Thánh Lễ. Thánh Augustinô nói: “Ai tin vào Chúa Kito, thì người đó đụng chạm vào Ngài”. Hôm nay Chúa Kitô vẫn nói với chúng ta: “Bình an cho các con”! và Ngài nhắc nhở chúng ta một câu nói khác mà các môn đệ đã sống trong phòng tiệc ly: "Ở đâu có hai hoặc 3 người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Sau đó, nhờ  "được nuôi dưỡng" bằng Lời và Thánh Thể, Chúa Kito phục sinh làm cho những lời của Ngài thành lời của chúng ta để nói với thế giới: “Bình an cho thế giới”.
Đẩy ra ngoài. Ngày Chúa Giêsu Kito Phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài phá vỡ tất cả không gian kín mà con người tự nhốt mình vào đó. Chúng ta hãy đến với mọi người, đem cho họ bình an phục sinh của Chúa Kito bằng những việc làm cụ thể của chúng ta nhân danh Chúa Cứu Độ Phục Sinh: “Tôi trần chuồng anh em đã cho tôi mặc, tôi ngồi tù anh em đã viếng thăm,..”Chúa đẩy chúng ta ra ngoài như một người mẹ đẩy đứa con của mình ra ngoài để bước vào cuộc sống. Với Giáo hội, chúng ta rất vui khi được sai đi vượt ra ngoài những nghi ngờ, khép kín và sợ hãi của chúng ta để phục vụ sự sống. Chúng ta được sai đi mang bình an này là món quà của Thiên Chúa và của Giáo hội cho nhân loại.
Lúc 11g (giờ Roma) ngày 12/04 tuần trước Đức Thánh Cha Phanxico đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Ngài nói: “Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch. Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai. Đây không phải thời điểm của chia rẽ… Đây không phải là thời điểm của lãng quên. Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này… Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta. Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu, xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi”.
Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thực hiện sứ mệnh trọng đại: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần! Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”. Sự tha thứ này không phải là một loại thuốc giảm đau hời hợt. mà là bình an đến từ chính Thiên Chúa và, như thánh Phao nói, vượt xa tất cả những gì mà sự nhạy cảm hoặc sự mong đợi của chúng ta có thể tưởng tượng. Chớ gì niềm vui này tràn ngập tâm hồn chúng ta mỗi khi linh mục nhân danh Chúa Kito phục sinh ban bình an cho chúng ta trong thánh lễ: ‘Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”! Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Đỉnh cao của lòng thương xót
Các tín hữu xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng thử hỏi: Lòng thương xót của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao vào thời điểm nào?
Có phải khi Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn?
Có phải khi Chúa Giê-su bôn ba rao giảng Tin mừng?
Hay khi Chúa Giê-su xua trừ ma quỷ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân?
Hoặc là khi Chúa Giê-su làm cho kẻ chết sống lại?
Câu trả lời đúng nhất là: Lòng thương xót của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao, đỉnh cao tuyệt đối, khi Chúa Giê-su hiến dâng thân mình chết thay cho muôn người tội lỗi. Chúa Giê-su xác nhận rằng: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người chết thay cho bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Cha Maximilian Kolbe chết thay cho bạn tù
Cha Maximilian Kolbe sinh năm 1894 tại Ba Lan. Trong thế chiến thứ hai, Cha bị Đức quốc xã đưa vào trại tập trung Auschwitz.
Vào ngày 29 tháng 7 năm 1941, khoảng 1 giờ chiều, tiếng còi hú báo động rúc lên vang khắp trại, báo động có một tù nhân bỏ trốn. Thế là những người lính Đức tập trung toàn bộ tù nhân lại để điểm danh, cuối cùng họ phát hiện có một tù nhân bỏ trốn.
Theo luật trại tù, nếu có một tù nhân trốn trại thì 10 tù nhân khác sẽ bị chết thay.
Việc chỉ định bắt đầu. Viên sĩ quan cai tù đằng đằng sát khí, duyệt qua hàng tù nhân run lẩy bẩy trước mặt y và chọn ra 10 tù nhân xấu số, trong đó có Franciszek Gajowniczek, một hạ sĩ quan của quân đội Ba Lan. Anh này kinh hoàng tột độ vì thần chết đã điểm mặt anh, anh hoảng hốt kêu lên: “Giê-su Maria! Vợ tôi! Con cái tôi!” 
Bấy giờ Cha Maximilian bước ra khỏi hàng, tiến lên trước mặt viên cai tù, bày tỏ ý nguyện chết thay cho Franciszek. Viên cai tù đồng ý, ra  hiệu cho Franciszek trở về hàng và Cha Maximilian đứng thay vào vị trí anh ta để chịu chết.
Thế là Cha Maximilian cùng với 9 tù nhân xấu số khác lặng lẽ bước vào “hầm tử thần” để bị giam đói cho đến chết.
Tình yêu của Cha Maximilien đạt tới đỉnh cao khi Cha chấp nhận chết thay cho người bạn tù. Hy sinh chịu chết cho người khác được sống là một nghĩa cử anh hùng, rất đáng khâm phục và hiếm có trên thế gian này.
Con cái chết thay cho cha mẹ để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục là điều phải đạo. Tuy nhiên, hiếm người thực hiện được điều này vì nó đòi hỏi phải có tình thương rất lớn lao.
Một tù nhân hy sinh chết thay cho một tù nhân khác như Cha Maximilien đã làm, còn khó hơn người con chết thay cho cha mẹ rất nhiều. Việc này đòi phải có tình thương chục lần lớn lao hơn.
Không chủ nhân nào có thể chết thay cho tôi tớ thấp hèn, vì việc này  đòi phải có tình thương trăm lần lớn hơn.
Không ông vua nào có thể chết thay cho người dân đen cùng khốn, vì việc này đòi phải có tình thương vạn lần lớn lao hơn.
Trong khi đó
Chúa Giê-su là Chúa tể trời đất; còn ta là người phàm kém cõi;
Chúa là Đấng cao sang vô lượng, tốt lành vô song; còn ta là loài thấp hèn yếu đuối, xấu xa tội lỗi.
Chúa là Đấng sáng tạo vô vàn kỳ quan trong vũ trụ vô biên, tạo nên muôn vàn tinh tú trên bầu trời; còn chúng ta như những hạt bụi li ti trong vũ trụ, chẳng có gì đáng kể so với Chúa. Độ chênh lệch và sự cách biệt giữa Thiên Chúa và loài người vô cùng lớn lao.
Thế mà Chúa Giê-su đã hạ mình xuống làm người phàm yếu đuối và trao nộp thân mình, hy sinh chịu chết cách đau thương tủi nhục, để đền tội cho con người, để chết thay cho muôn dân, để cho họ được tha tội, được thoát cảnh trầm luân trong hỏa ngục và được sống hạnh phúc trên thiên đàng.
Như vậy, việc Chúa Giê-su hiến thân chịu chết cho loài người là đỉnh cao của lòng thương xót, phải có cả một đại dương thương xót thúc đẩy mới có thể thực hiện được điều này.
Lòng thương xót Chúa được thể hiện trong Thánh lễ hằng ngày [1]
Điều tuyệt vời là lòng thương xót của Chúa Giê-su dành cho nhân loại không phải là chuyện dĩ vãng cách đây 2.000 năm, nhưng lòng thương xót đó vẫn được thể hiện hôm nay, trong các Thánh lễ hằng ngày.
Trong mỗi Thánh lễ, Chúa Giê-su tiếp tục hiến tế thân mình, để cho muôn người được tha tội và được sống đời đời.
Mỗi lần lời Chúa Giê-su ngân vang trong Thánh lễ: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”, là lúc Đấng chí tôn, Đấng tuyệt đối, Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn… đang nộp mình chịu chết thay cho chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn, kém cỏi, chỉ như hạt bụi trong vũ trụ bao la...  Thế mới biết lòng thương xót Chúa bao la, vĩ đại biết dường nào!
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con luôn tìm đến tôn vinh lòng thương xót Chúa đang thể hiện trong Thánh lễ hằng ngày, để chiêm ngắm đại dương lòng thương xót Chúa, để múc lấy muôn vàn ân sủng tuôn ban từ hy tế thập giá của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] GLHTCG số 1365, 1366, 1367

==================
Suy niệm 3
Lòng Thương Xót Chúa dành cho Tôma
Ga 20,19-31
Chúa Giêsu đến trần gian là để thực thi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha đối với toàn thể nhân loại, đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cuộc khổ nạn và cái chết thập giá của Chúa, dấu chứng của lòng thương xót ấy chính là các vết thương ở chân tay và cạnh sườn còn để lại nơi thân thể Chúa sau khi phục sinh. Dù không còn ở lại với con người bằng thân xác trước đây, nhưng điều đó không ngăn cản được lòng thương xót vô biên của Chúa đối với con người, bằng chứng là ngay sau khi phục sinh Chúa đã đến gặp các tông đồ, cho các ông xem dấu vết của Lòng Thương xót, ban tặng bình an (cc.19.21), ban tặng Thánh Thần và hồng ân tha thứ của Bí tích Hòa giải cho các ông (c.23). Lòng thương xót ấy vẫn không muốn mất đi một con chiên nào, nên đã đến với Tôma yếu tin chỉ vì Tôma và cho Tôma.
Lần đầu tiên Chúa Giêsu đến gặp các tông đồ sau khi phục sinh vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần tại một căn phòng thì Tôma vắng mặt, Tôma đã mất cơ hội gặp Chúa phục sinh, mất cơ hội được Chúa cho xem các dấu vết lòng thương xót. Tuy nhiên, khi ông trở về, các anh em đều chia sẻ lại niềm vui được gặp Chúa phục sinh cho Tôma: “chúng tôi đã được thấy Chúa”.  Nghe anh em đều kể về việc Chúa đã sống lại, nhưng Tôma có vẻ như không tin và ông muốn mình cũng phải được nhận ra Chúa theo cách các anh em đã được, đó là chính mắt thấy và tay đụng chạm vào các vết thương của Lòng thương xót: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
Rồi tám ngày sau,“cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, các anh em tông đồ lại tụ họp trong căn phòng và lần này có cả Tôma, Chúa Giêsu đã nhẫn nại đợi Tôma tới tám ngày để đến gặp ông, và cũng cho Tôma thời gian tám ngày để ông trở về với đức tin vào Chúa đã phục sinh. Thời gian tám ngày đủ để Tôma trăn trở về đức tin của mình và hiểu Lòng thương xót của Chúa, tám ngày ấy Chúa vẫn tiếp tục bao bọc Tôma bởi Lòng thương xót. Vì dường như lần hiện đến thứ hai này Chúa chỉ dành cho Tôma và chiều theo điều kiện của Tôma, nênNgài bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
Lòng thương xót của Chúa là thế, cứ kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ, dù là chờ đợi một mình Tôma yếu đuối, thiếu sót trong đức tin, như người chủ đi tìm một con chiên lạc cho đến khi tìm được mới thôi.  Chúa đã chờ đợi Tôma, đã bận tâm đến ông và đã yêu thương ông bằng lòng thương xót, Chúa mời Tôma đặt tay và nhìn vào các vết thương, đặc biệt vết thương nơi trái tim của Chúa để ông hiểu và nhận ra trái tim Chúa vẫn đang rung nhịp với ông vì ông và cho ông, để ông hiểu được chiều sâu của tình yêu Chúa chính là lòng thương xót đã tha thứ cho sự chạy trốn và yếu tin của ông.
Tôma đã bị lòng thương xót của Chúa chinh phục, khi ông đứng trước Chúa Giêsu phục sinh với các vết thương còn trên thân thể ngay trước mắt mình, ông đã phủ phục tuyên xưng lòng tín thác vào Chúa phục sinh hơn các anh em: “lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng sở hữu này chỉ có trong tương quan tình yêu, đối với Tôma từ nay Chúa trở thành của ông, bởi ông đã nghiệm ra các vết thương Chúa chịu trên thân thể là vì ông, Chúa chết vì ông và cũng phục sinh cho ông, từ nay Chúa không chỉ là Thiên Chúa, mà Chúa còn là Thiên Chúa của ông, Chúa là sự sống của ông.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, tình yêu lòng thương xót của Chúa dành cho thánh Tôma tông đồ xưa, cũng chính là tình yêu lòng thương xót Chúa dành cho từng người chúng con hôm nay. Hơn lúc nào hết, ngay trong cơn đại dịch Covid 19 này, lời Chúa mời chúng con đến với Chúa phục sinh, chiêm ngắm, đụng chạm vào các vết thương của Chúa không phải bằng xương bằng thịt như các tông đồ và Tôma ngày xưa, nhưng bằng cầu nguyện không ngừng, bằng lòng sám hối ăn năn liên lỉ và bằng việc bác ái dành cho những con người đang đau khổ bệnh tật trong cơn đại dịch mỗi ngày. Xin Chúa phục sinh cho chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện, cảm nghiệm được Chúa đang đồng hành rất gần, ngay bên cạnh, ngay trong chính mình và nơi những con người rất cụ thể, để chúng con cũng xác tín bằng tất cả cuộc đời, bằng cả sự sống của mình rằng: Lạy Chúa của con, Chúa đã cứu độ chúng con bằng lòng thương xót, Chúa đã đau nỗi đau của chúng con, đã bị thương tích vì chúng con, đã chết và phục sinh cho chúng con. Amen.
Nữ tu Maria Đỗ Thị Hiến
==================
Suy niệm 4
Lòng thương xót Chúa thật kỳ diệu biết bao
(Ga 20, 19-31)

Dịp Năm Thánh 2000, ngày 30 tháng 4, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa nhật II Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa. Từ đó, phong trào sùng kính Lòng Thương xót Chúa lan tỏa trên khắp thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Nhìn vào bức ảnh hay tượng Chúa Thương Xót, chúng ta thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Người đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng nhạt.
Thánh nữ Faustina đã hỏi Chúa, Chúa trả lời: “Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi đòng đâm thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ”.
Tin Mừng thánh Gioan (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tôma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Cạnh sườn, nơi trào ra máu và nước, suối nguồn ân sủng, truyền thống Giáo hội coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Mùa Chay, Tuần Thánh, Đại lễ Phục Sinh và cả lễ Lòng Thương Xót Chúa năm nay diễn ra trong sự lan tràn của virus corona hay còn gọi là Covid-19, khiến hơn trăm ngàn người chết, 1 triệu rưỡi người nhiễm bệnh, nó vẫn tiếp tục hoành hành cho đến nay, gây ra làn sóng bệnh nhân ồ ạt đổ vào các bệnh viện trên khắp thế giới, các túi đựng người quá cố xếp đầy phòng, quan tài xếp hàng trong nhà thờ, nhà hỏa thiêu, hàng dài người đi nhận tro cốt, hơn 3 tỷ dân bị quản thúc tại gia, nhiều nhà máy ngừng hoạt động và dường như virus đang quyết tâm kéo cả thế giới vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.
Trong bối cảnh này, người ta đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao thế giới lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, bất lực trước 1 con siêu vi khuẩn vô hình này? Tại sao Chúa để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi con người kêu cầu trong đau đớn và thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Giáo hội vẫn khẳng định và kêu cầu rằng: Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời. Vậy lòng thương xót Chúa ở đâu?
Tin Mừng hôm nay nói về sự cứng lòng tin của Tôma. Các Tông Đồ kia đều tin Chúa Giêsu phục sinh, chỉ Tôma nhất định không tin. Ông còn thách thức là phải xỏ và sờ tay vào lỗ đinh trên người Chúa Giêsu thì mới tin. Thế giới hiện nay có nhiều “bản sao” của Tôma, muốn kiểm chứng thực tế mới tin.
Phải khẳng định rằng, nhiều người đã nhiều lần yêu cầu Chúa ra khỏi đời sống, mời Chúa ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và họ không kêu cầu Chúa nữa. Chiều lòng người, Chúa lẳng lặng rút lui. Vậy, làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn và che chở khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài mặc kệ chúng ta? 
Chúa phán: “Nếu Ta đóng trời nếu không có mưa; Nếu Ta truyền cho châu chấu phá hại xứ; nếu Ta sai ôn dịch đến trong dân Ta; Nếu dân Ta, dân được gọi bởi Danh ta, quì gối khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta cùng bỏ đàng dữ của chúng mà trở lại, thì Ta, từ trời Ta sẽ nghe, Ta sẽ tha thứ tội lỗi chúng và chữa lành xứ sở chúng” (2 Sb 7,13-14). Chính Chúa nói: “Ta có ý định phúc thái chứ không phải họa tai, để ban cho các ngươi được tương lai và hy vọng” (Gr 29,1
Cha Raniero Cantalamessa nói: Thiên Chúa là đồng minh của chúng ta, không phải là đồng minh của virus! Một loại virus vô hình, nhỏ nhất trong tự nhiên, đã đủ để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta chỉ là phàm nhân, rằng sức mạnh và công nghệ quân sự không đủ để cứu chúng ta.
Nếu những tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì sẽ không thể giải thích được tại sao cả người tốt lẫn kẻ xấu đều bị tấn công như nhau, và tại sao người nghèo thường lại phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất.
Chúa đã từng khóc trước cái chết của Ladarô, ngày hôm nay cũng khóc vì tai họa đã giáng xuống nhân loại... Thiên Chúa tham gia vào nỗi đau của chúng ta để vượt qua nó. Nếu không có Lòng Thương Xót Chúa, thế giới này không tồn tại. Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta từng phút giây để đỡ nâng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng vô hình, chúng ta không thể thấy được. Nhưng, Chúa hiện diện trong từng bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, các tình nguyện viên chăm sóc y tế. Họ ân cần, hy sinh bản thân, quên đi chính gia đình của họ để mỗi ngày chỉ được ngủ 1,2 giờ. Và họ biết, họ có nguy cơ sẽ chết.
Chúa hiện diện trong từng vị lãnh đạo các quốc gia để họ sáng suốt dẫn dắt quốc gia, đưa ra những quyết định kịp thời, giúp đỡ và che chở, bảo vệ cho công dân của họ.
Trong cơn đại dịch, khủng hoảng về sức khỏe hiện nay chúng ta thấy nổi bật nhất là tình liên đới. Có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, rất bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm đau đớn này không? Virus không biết biên giới là gì. Vậy mà nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau, quan tâm tới nhau hơn, gửi lời thăm hỏi nhau, động viên và chúc lành. Người ta dường như dừng lại, biết trân quý giá trị của gia đình và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là tụ tập ăn uống, vui chơi ở vũ trường, quán bar thâu đêm suốt sáng. Và rằng, tiền bạc, địa vị, danh lợi… giải trí, chơi bời trác táng… không phải là thứ duy nhất mà con người mong muốn đạt được nữa, sức khỏe và mạng sống mới là điều quí nhất.
Khi con người tuyệt vọng thì bắt đầu cúi mình trước Thiên Chúa. Giáo hội có những giờ cầu nguyện ngoại thường. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới nắm tay nhau để cầu nguyện và xin Chúa chúc lành, vì giờ đây họ tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu giúp nhân loại đang trong cơn khốn đốn.
Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta dừng lại, khiêm tốn nhận ra rằng sự hiểu biết, khôn ngoan của con người là giới hạn và cuộc sống danh vọng, tiền tài ở trần gian chỉ là hư vô? Hãy dừng đầu tư cho vũ khí, nhắm đến các mục tiêu cần thiết là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới nghèo hơn về hàng hóa và tiền bạc, nếu cần, nhưng giàu hơn về tình người, nhất là hãy tin tưởng cậy trông vào Chúa.
Lời Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ những linh hồn tín thác”. Một lời xác quyết mà nhân loài không thể nào hiểu nổi. Quá bao la, quá nhân từ, quá đại lượng, chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm tạ. Lòng Thương Xót Chúa quá kỳ diệu, quá tuyệt vời!

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 5
Lạy Thiên Chúa của con!

Ga 20, 19-31
                
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ
 
 
                                                                            
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log