Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Phục Sinh

Cập nhật lúc 08:15 09/04/2020
Lễ Vọng Phục Sinh
Này chi Maria Madalena, hãy nói cho tôi nghe!
Mt 28, 1-10
Này chị Maria Madalena, chị là người tội lỗi, chính Người Thầy của chị đã hiện ra đầu tiên với chị. Đấng Cứu Độ của chị ở đó. Chị vẫn khóc, chị khóc nhiều hơn trước, nhưng đó là niềm vui, đó là hạnh phúc”! – “Tôi đã khóc trước ngôi mộ này và Chúa của tôi không còn ở đó nữa...Tôi đã khóc dưới những bóng cây, dưới những tia sáng lạnh lẽo của mặt trăng trắng...Tôi đến khóc Chúa của tôi đã chết... nhưng đang sống đến muôn đời ! Allelluia, alleluia! Chúa tôi đã sống lại!  Allelluia! Người yêu dấu của tôi đã sống lại! Allelluia! Chúa tôi đã sống lại! Allelluia! Người mà tôi đã khóc khi chết, nay đang sống mãi mãi! Allelluia! Ôi trăng trắng, lấp lánh! Ôi trăng lạnh, đốt cháy lòng ta! Hỡi trăng, hãy cho ánh sáng như bảy mặt trời”! (Charles de Foucauld)
Những phụ nữ nghèo.
“Maria Madalena và chị Maria khác đến thăm mồ”. Thiên thần báo tin Chúa Giêsu đã sống lại cho chính hai người phụ nữ nghèo này. Điều yếu nhất đối với thế giới lại là những gì Thiên Chúa chọn để công bố chiến thắng của Ngài!Vào buổi sáng tinh sương,
- “Những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết”. Những người đàn ông khỏe mạnh ngã xuống đất, quyền lực của họ thất bại.. 
- Hai người phụ nữ nghèo vẫn đứng vững! Thiên thần nói với các chị: "Các chị đừng sợ! Tôi biết các chị tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không còn ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói”..
- Đấng chịu đóng đinh đã sống lại! Đấng đã chấp nhận yếu đuối của con người cho đến chết, Đấng đã bị tiêu diệt, lại là Đấng Đang Sống. Và đó chính là sứ điệp Phục sinh của Ngài gửi đến những người yếu đuối nhất và bé mọn nhất!
Các tông đồ không có mặt ở đây vào giờ này. Hai người phụ nữ đi trước họ. Từ giờ trở đi, và mãi mãi, hai người phụ nữ sẽ luôn đi trước nhóm môn đệ. Hai người phụ nữ nghèo được giao nhiệm vụ loan báo cho các tông đồ: "Chúa đã sống lại từ cõi chết: Người sẽ đến xứ Galilea trước các ông. Ở đó các ông sẽ gặp Người”.
Maria! Tin Mừng không nói về Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Vào sáng ngày Phục sinh này, Maria Madalena và chị Maria khác có mặt ở đó và nhận được thông báo của Thiên thần. 
- Vào buổi sáng ngày Truyền tin, Đức Maria Nagiaret nhận được sứ điệp của Thiên thần. Thiên thần nói với Đức Maria: “Maria đừng sợ! …Đấng bà sinh ra sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…Triều Đại Người sẽ vô tận”.
- Vào sáng ngày Phục sinh này, trước khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Maria Madalena nhận sứ điệp của thiên thần nói với chị: “Maria đừng sợ”!
Maria Madanena và Đức Maria Nagiaret, họ có cùng một tên là Maria. Một người thụ thai nhưng không có tội, người kia là một tội nhân, một người phụ nữ có cuộc sống tồi tệ.
Và ở đây vào buổi sáng Phục sinh, Maria Madalena ở vị trí của Maria Nagiaret. Họ có cùng một tên, bây giờ họ đang ở cùng một nơi!  Maria Nagiaret thụ thai nhưng không có tội, Maria Madalena được ân xá khỏi mọi tội lỗi! Tất cả sức mạnh của tử thần đều bị đánh bại! Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!  Có thể nói Maria Nagiaret là chị của Maria Madalena, giờ đây họ được mặc cùng một phẩm giá, cùng một vẻ đẹp!
Những người sau hết sẽ trở nên trước hết!
Các chị hãy đi ngay và nói với các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại từ cõi chết: Người sẽ đến xứ Galilea trước các ông. Ở đó các ông sẽ gặp Người”.
Đối với các tông đồ, họ phải chờ đợi để gặp Chúa Giêsu Phục sinh,  nhưng lúc này Chúa Giêsu đã đến gặp hai người phụ nữ và nói với họ: "Xin chào các chị.". Vào buổi sáng Phục sinh, Chúa Giêsu chào Maria Madanena, cũng như vào ngày Truyền tin, Thiên thần Gabriel chào Đức Maria thành Nagiaret! Maria Madanena là người được Chúa Giêsu yêu thích ! Chúa Giêsu không muốn để chi chờ đợi nữa! Chị là người cuối cùng trong những người cuối cùng giữa những người nam, trở nên người trước hết trong trái tim Thiên Chúa!  Đó là chiến thắng của Chúa Giêsu. Ngài nói rõ điều đó: Những người sau hết sẽ trở nên trước hết! Chúa Kitô đã sống lại thật! Allelluia!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Lễ Chúa Nhật Phục Sinh
Người phải sống lại từ cõi chết
Ac 10, 34 a, 37-43; Col 3, 1-4 (hoặc 1 Co 5, 6b-8); Ga 20: 1-9
Hãy đến mà xem
Chúng ta đừng quên rằng buổi sáng Phục sinh đối những người bạn của Chúa Giêsu bắt đầu như một ngày để tang. Trong những khoảnh khắc này, khi đối mặt với sự ra đi của một người thân yêu, người ta cần im lặng. Im lặng cũng để nói về tất cả những gì họ đã sống cùng nhau:
Đức Maria cảm thấy những lời cuối cùng của Chúa Giêsu vẫn vang lên trong trái tim mình: “Hỡi bà, này là con bà”! Những lời này làm cho Đức Maria  trở thành mẹ của tất cả chúng ta. Đức Maria im lặng và chờ đợi
Các môn đệ sợ hãi, tập hợp lại và nhớ lời Chúa Giêsu lần đầu tiên gọi họ: “Hãy đến mà xem”. Trước đây, Phêro đại diện anh em đã nói với Chúa: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có những lời ban sự sống đời đời”. Nhưng lúc này, họ cùng nhau tự hỏi: liệu chúng ta có phải chia tay nhau không?
Toma thì nghi ngờ. Và không hiểu tại sao không có mặt.
Còn Gioan tự tin, sâu thẳm, và hy vọng chống lại mọi hy vọng hão huyền!
Anh thấy và anh tin.
Chính lúc này là lúc Maria Madalena đến mộ Chúa Giêsu để thực hiện những cử chỉ cuối cùng đối với người vừa mới chết. Chị chạy, tim chị đập liên hồi: xác thầy mình không còn ở đó nữa, “người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ”. Từ lúc này, mọi thứ đều vội vã: Phêro và Gioan đến mồ và “cả hai cùng chạy”. Gioan để Phêro vào trước. Phêro vào trước và khi ra khỏi mộ, tất cả đều tái nhợt và hoàn toàn buồn bã. Sau đó, Gioan bước vào và thấy những khăn liệm để đó, trái tim Gioan bắt đầu đập, đập đều đặn bình an, và đột nhiên Gioan hiểu được tất cả.
Tin Mừng cho chúng ta biết: “Anh thấy và anh tin”. Anh thấy gì? Anh cũng thấy những gì mà Phero thấy: những dây băng nhỏ, khăn liệm che đầu không để lẫn với giây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Nhưng anh tin, đôi mắt thường và đôi mắt đức tin của anh hòa quyện với nhau. Gioan nhận ra cả những dấu chỉ sự vắng mặt và có mặt của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng sâu thẳm, Gioan nhìn thấy Người đang sống, vì anh đang lắng nghe, anh được ân sủng Chúa Thánh Linh soi dẫn. Vì chưng, Chúa Giêsu đang sống, và Ngài còn sống mãi, như Ngài đã nói trước ! 
Bên ngoài, không có gì thay đổi. Gierusalem thức dậy cho một ngày bình thường. Nhưng trong trái tim của người môn đệ, mọi thứ đều mới mẻ, mọi thứ đều vui vẻ, mọi thứ đều tuyệt vời! Gioan nghĩ rằng: Chúa Giêsu đang sống, tôi sẽ đi và nói điều đó cho đến ngày tận thế!
Hãy từ bỏ nỗi sợ hãi của chúng ta
Niềm vui này của Gioan cũng là niềm vui cho chúng ta. Niềm vui vượt qua tất cả nghi ngờ, tất cả nỗi buồn của chúng ta. 
- Hãy từ bỏ nỗi sợ hãi của chúng ta và trước hết hãy để Chúa Giêsu tái tạo đức tin bí tích Thánh Tẩy của chúng ta. -Hãy xa cách với những gì có thể làm chúng ta già đi
- Trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, hãy để Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên con người mới, con người mới mà tình yêu không biên giới làm cho chúng ta sống lại
- Ở đâu có bất mãn và hận thù, Chúa Kitô sẽ mang đến sự sống và tình yêu.
- Ỏ đâu con người xâu xé nhau, Chúa Kitô mang bình an đến mà không gì có thể làm phiền. 
- Như các môn đệ, hãy để trái tim chúng ta đập lại và cấp tốc chia sẻ Tin mừng.
Sự phục sinh của chúng ta
Hôm nay là ngày mà Chúa Kitô Phục sinh mở ra cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, thân xác chúng ta, người bạn đồng hành trung thành với chúng ta, sau này cũng được phục sinh như Chúa. Thánh Gioan và Phaolo thích nhắc lại những lời Chúa Giêsu nói về thân xác phục sinh: men trong bột, hạt lúa gieo vào lòng đất thối đi và làm trổ sinh nhiều bông hạt. Hạt lúa này là hình ảnh Chúa Kito trỗi dậy từ ngôi mộ và có khả năng phá tan tất cả những gì làm hạt giống tách khỏi sự sống.
Trong bụng mẹ, thân xác chúng ta ban đầu là một hạt giống nhỏ, rất khác với chúng ta lúc này. Thân xác chúng ta trong bụng mẹ mong muốn phát triển, nghe, cảm nhận, chờ đợi ánh sáng của cuộc sống. Và đến ngày sinh, mắt chúng ra mở ra, chúng ta học cách lắng nghe, nói chuyện, yêu thương... Thân xác chúng ta liên tục thay đổi, nhưng đó vẫn là thân xác chúng ta!
Vào ngày phục sinh của chúng ta, đó sẽ là ngày sinh của chúng ta trên thiên đàng, sẽ thay đổi rất nhiều hơn so với ngày chúng ta sinh ra trên trái đất. Thân xác chúng ta sẽ hoàn chỉnh nhờ ân sủng Chúa, và đột biến với khả năng nhìn, nghe và yêu. Thân xác chúng ta sẽ luôn như vậy. Thân xác chúng ta khi đó chỉ là để yêu thương trọn vẹn vì kết hợp hoàn toàn với Chúa Kito…
Ngay từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Sự sống đó là Tin mừng mà chúng ta chờ đợi cho cả trái tim và thân xác chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta luôn mong muốn: mọi người được gọi đến một tình yêu lớn hơn bao giờ hết. Nói cách khác, trái tim chúng ta sẽ không bao giờ ngừng đập như trái tim của Chúa Giêsu Kito, Đấng cứu độ chúng ta.

Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Sống lại với Chúa phục sinh
Ngôi mộ là điểm kết thúc của đời người
Đối với người vô tín, thì ngôi mộ là điểm kết thúc của đời người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi, hóa thành tro bụi, trở về hư không. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp như lời thơ của thi hào Nguyễn Du:
“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Nguyễn Du).
Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.
Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh
Bằng cuộc vượt qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.
Ngài biến ngôi mộ là điểm kết thúc của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Ngài khiến cho cửa mồ, qua bao thời, há rộng nuốt trửng bao người xuống cõi âm ty… trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Ngài đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!
Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.
Huỷ diệt con người cũ để được sống lại với Chúa Giê-su
Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta cần phải cùng chết với Chúa Giê-su rồi mới được sống lại với Ngài trong đời sống mới như lời Thánh Phao-lô dạy: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6,8).
Chết với Chúa Giê-su là hủy diệt con người cũ của ta đang nằm dưới ách thống trị của tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để cho người mới được tái sinh trong Chúa Ki-tô, không còn hận thù, ích kỷ, tham lam, ghen ghét …
Sống lại với Chúa Giê-su là chúng ta mặc lấy Chúa Giê-su như lời thánh Phao-lô kêu gọi: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13, 13-14).
Lạy Chúa Giê-su,
Muốn được cùng với Chúa bước vào cuộc đời vinh hiển trên thiên quốc thì chúng con phải “mặc lấy Chúa” như lời thánh Phao-lô dạy.
Xin cho chúng con sẵn sàng “mặc lấy Chúa” bằng cách mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa đã nêu gương.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
AI SẼ LĂN TÁNG ĐÁ?
Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh nói đến tảng đá lấp cửa mộ đã bị bật tung và mở toang. Sự kiện khởi đi buổi “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, Maria Mađalêna đi thăm mộ và “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ”, bà liền kết luận “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Phêrô thinh lặng. Gioan “đã thấy và đã tin”.
Mađalêna đau khổ thất vọng nên chỉ thấy tảng đá là sự kết thúc. Bà chưa hiểu phía sau tảng đá được lăn ra kia ẩn chứa một mầu nhiệm siêu phàm.
Tông đồ Phêrô, quan sát kỹ lưỡng từ tảng đá cho đến ngôi mộ trống và tất cả những gì đã xảy ra nơi đây, nhưng ngài không nói gì, không bày tỏ thái độ mà chỉ thinh lặng. Vì sao vậy? Lý do có thể Phêrô là lãnh đạo tinh thần của nhóm tông đồ nên sự im lặng là cần thiết? băn khoăn, không biết nghĩ thế nào hay phải ăn nói làm sao! Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Tin mừng trình bày, sự im lặng của Phêrô có nguyên nhân từ sự chưa hiểu thấu mầu nhiệm Phục sinh: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 20,9). Thật thế, cho đến mãi sau này, khi đã được gặp Đấng Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Phêrô mới hiểu vì sao ngôi mộ trống và tâm hồn ông lúc ấy mới bừng sáng để hiểu điều mà Kinh thánh từng loan báo. Phêrô là một người chân chất đơn sơ. Điều gì chưa biết thì im lặng và chờ đợi chứ không nhiều lời, không suy diễn.
Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này. Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Tảng đá nghi ngờ đang che mờ đôi mắt đức tin của họ.
Các thượng tế và kỳ mục thì lo âu sợ hãi trước hiện tượng mồ trống. Vì thế, các ông mới cho lính canh số tiền hậu hĩ và bảo những người này phao tin là các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác: “các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,13). Tảng đá ghen ghét đã bịt lối nhìn lối nghĩ của họ.
Cuối cùng chỉ có một người tin. Đó là Tông đồ Gioan. Nhưng Gioan tin không phải vì hiện tượng mồ trống mà vì những gì đã thấy. Gioan thấy gì? Ông thấy những băng vải và khăn che đầu không xếp lộn với nhau, nhưng để riêng ra một nơi. Cảnh tượng này làm Gioan nhớ lại lời Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ, phải chết rồi mới chỗi dậy mà vào chốn vinh quang (Lc 24,26). Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại. Ladarô ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: "Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay... Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26,31-32)…Những lời đó làm Gioan tin chứ không phải thấy Đấng Phục Sinh. Gioan không thấy Đấng Phục Sinh nhưng ông tin Đấng mà ông yêu mến đã sống lại. Ngay từ giây phút đầu tiên khi thấy những vết tích còn để lại trong mồ trống, Gioan đã tin cách tuyệt đối. Tuy không thấy xác nhưng những vải liệm kia chính là những dấu chỉ có giá trị đối với ông. Nói như J.P Duplantier, “ngôi mộ không trống cũng chẳng đầy, nhưng nó đã trở nên một ngôn ngữ”. Nhờ việc chú ý đến thứ ngôn ngữ ấy, người môn đệ Chúa yêu đã khám phá và hiểu rằng Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết, điều mà lúc bấy giờ ngoài ông ra, các môn đệ khác còn chưa hiểu nổi. Rõ ràng, thấy là nền tảng và bằng chứng cho lòng tin. Nhưng thấy ở đây không phải là thấy những sự kiện bên ngoài mà là thấy ý nghĩa bên trong gắn liền với sự kiện. Tông đồ Gioan thấy sự kiện những băng vải và khăn che đầu, nhưng vì nhớ lời Kinh Thánh mà tin. Thấy rồi mới tin là chuyện bình thường. Còn không thấy mà tin mới là phúc như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).
Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá lấp cửa mồ đã mở toang. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm đã mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Đấng Phục Sinh! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Chúa Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.
Có những hòn đá ta bước qua rất dễ. Có những tảng đá phải tốn thời giờ công sức mới dịch chuyển nó sang một bên để có đường đi. Nhưng cũng có những tảng đá to chắn bít lối đi, che khuất tầm nhìn nên không thể bước tiến.Trong đời sống thường nhật, có biết bao tảng đá vô hình mà nặng nề, cần phải được tháo bỏ. Giuđa bán Thầy với giá 30 đồng bạc, cả một tảng đá tham lam đè nặng tâm hồn. Phêrô chối Thầy đến 3 lần, ấy là vì tảng đá sợ hãi che kín. Các môn đệ bỏ trốn, vì tảng đá nhát đảm sợ liên luỵ đang vây bủa. Mỗi người chúng ta có thể cũng đang bị một tảng đá vô hình nào đó đè nặng tâm hồn. Tảng đá đam mê nết xấu.Tảng đá ghen ghét, chia rẽ. Tảng đá đam mê dục vọng… Ai sẽ giúp chúng ta lăn những tảng đó ra?. Xin thưa là chính Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài sẽ giúp ta lăn tảng đá đó ra khỏi đời mình và làm cho tâm hồn ta được phục sinh để sống bình an.
Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62),  và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Tảng đá đó thể hiện sức mạnh quyền lực của sự dữ và sự thống trị của con người. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do thái có khả năng thách thức được quyền phép Thiên Chúa sao? Đấng Phục Sinh đã bật tung tảng đá niêm phong, từ cõi chết, Người sống lại vinh quang, mở lối vào sự sống mới.
Chúa Giêsu sống lại, chân lý đã chiến thắng, tình yêu vượt trên hận thù và sự sống mạnh hơn sự chết. Phục Sinh là niềm tin và hy vọng cho người Kitô hữu vào sự sống mai sau: "Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta" (Rm 6,8).
Phục Sinh là niềm vui của những người được Chúa Kitô đẩy tảng đá ra khỏi cuộc đời họ, làm cho tâm hồn họ được bình an. Như Giakêu, như Lêvi đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tảng đá của tội lỗi nên họ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản và bước theo Chúa. Và còn biết bao tấm gương khác đã được giải thoát khỏi những tảng đá vô hình, và từ đó hân hoan bước theo Chúa Giêsu.
Chúa đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc than tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng. Chúa Phục Sinh đã đẩy mọi tảng đá nặng nề ra khỏi tâm hồn các môn đệ.Từ đây các môn sinh bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.
Chúa đã sống lại thật! Allêluia! Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại. Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vở, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự phục sinh sao ? Khi mà chúng ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, oán ghét thì đó là cuộc vượt qua phi thường…Tảng đá vô hình đè nặng được lăn ra khỏi tâm hồn chính là phục sinh. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==================
Ông Đã Thấy Và Đã Tin
Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.
Én Nhỏ
                                                      
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log