Chúa nhật, 29/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá

Cập nhật lúc 08:17 02/04/2020
Suy niệm 1
Hoan hô con vua Đavit…! Đóng đinh nó đi!
Đổi hướng
Trên con đường trần thế, có những lúc áp lực của sự dữ gây nên biết bao kinh hoàng, dường như chiếm ưu thế hơn lý trí và trái tim con người. Chiến tranh, khủng bố, bạo lực, dịch covid-19 lan tràn kháp nơi trên thế giới …và nhiều người vô tội phải chết…Tất cả những cảnh tượng đó tiếp tục làm chúng ta kinh ngạc và suy nghĩ: con người là gì khi phải chịu đựng sự phản bội và hận thù?
Những người vừa mới tung hô Chúa Giêsu hôm qua: “Hoan hô Con Vua Đavit”, thì hôm nay lại hét lên:”Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”! Họ có thể là những tên đao phủ và có thể lại là cha là mẹ trong gia đình. Những đám đông hào phóng... Những đám đông hào phóng lại trở nên thao túng và mất đi tính cách giáo dục…
Những người bạn lúc này ở đâu?
Người ta có thể hiểu rằng đám đông đã bị nhồi sọ bởi những thông tin sai lệch…
- Nhưng những người gần gũi với Chúa Giêsu, họ đã trung thành theo Ngài trong 3 năm, và đã được giác ngộ bởi những lời của Ngài, lại nhanh chóng sụp đổ đến thế! 
- Đó không phải là sự thù hận giam hãm các môn đệ, mà là sự nản lòng.
- Họ chưa bao giờ thực sự lắng nghe những lời Chúa Giêsu tuyên bố với họ rằng vương quốc của Ngài không thuộc về vương quốc trần thế này, khác với vương quốc của chúng ta. Hoặc có thể Chúa Giêsu đã nói xa xa về điều đó nhưng họ không hiểu.
- Họ phải đối mặt với thực tế thất bại rõ ràng của Ngài. Họ đã bị xóa sổ.  Sự mất tinh thần của họ chẳng thua kém gì niềm hy vọng lớn lao mà họ tin tưởng vào Chúa Giêsu. Kinh nghiệm này giống như nhiều người đương thời chúng ta, họ nghĩ rằng họ đã đánh mất niềm tin từ thời thơ ấu, và cuộc sống của họ hôm nay như là một thử thách khủng khiếp về "sự bất mãn".
Vì thế, trong vườn cây Dầu, các môn đệ của Chúa hoàn toàn chết lặng về những gì đã được chuẩn bị. Thậm chí họ không còn cảm thấy nghị lực để cầu nguyện với Chúa Giêsu. Họ nằm ngủ và Chúa Giêsu cảm thấy mình cô đơn. Chúng ta nghĩ rằng nếu các môn đệ can đảm cầu nguyện với Chúa Giêsu, đồng hành cùng Ngài trong đau khổ, họ sẽ sống Cuộc Khổ Nạn của Ngài một cách khác. ..
Khi đức tin chúng ta trải qua thời kỳ hỗn loạn, chúng ta có biết làm thế nào để sống đời sống cầu nguyện bằng một trái tim thực sự với trái tim Chúa Kitô không? Thật may mắn, Chúa Giêsu hiểu được những điểm yếu của chúng ta cũng như của các môn đệ, Ngài sẽ có thể trở lại với chúng ta sau giờ thử thách. Chắc chắn sự nản lòng là một cơn cám dỗ, nhưng trước hết là một thử thách, một thử thách giúp chuyển sang một cách khác để yêu.
Thử thách lớn lao của Chúa Giêsu
Trên Thập giá, trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu không bị cám dỗ như thời kỳ Ngài ở trong hoang địa, nhưng trước hết, Ngài  đã trải qua kinh nghiệm khủng khiếp về sự cô đơn. Các môn đệ, bạn bè của Chúa Giêsu, đã bỏ rơi Ngài. Nhưng thử thách lớn nhất là sự im lặng của Cha Ngài và sự khó hiểu của chính Ngài.  Ngài kêu lớn tiếng “Cha ơi, tại sao Cha lại bỏ rơi con? " . Chính tại thời điểm quyết định này, khi đón nhận tất cả sự cô đơn và đau khổ của nhân loại chúng ta, Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả những thứ đó với sức mạnh bất diệt của niềm tin tưởng và tình yêu của NgàiLạy Cha, Cha đã trả lời con; Cha đã lắng nghe con khi con kêu lên tới Cha; Cha sẽ ban cho con một hậu duệ không ngừng ngợi khen Cha”.
Tại sao Cha lại bỏ rơi con? Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu đã trải qua một cuộc thanh luyện tương tự như Chúa Giêsu trước khi chết. Có một đoạn viết về cuộc đời thánh nữ như sau: “Tôi nghe một người nói với tôi về nỗi thống khổ, ngay trước khi chết: Tôi không còn niềm tin nữa. Thử thách cuối cùng! Nhưng gần như ngay lập tức tôi thấy khuôn mặt chị thay đổi, chị đã đón nhận được một ân sủng từ bỏ và bình tĩnh lạ thường”. 
Chúa Giêsu đã muốn đi tới tận cùng sự tuyệt vọng của chúng ta. Vì thế chúng ta nên biết rằng không có sự đau khổ nào của con người mà không có sự hiện diện của Ngài.  Khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi với Cha Ngài, ngay lập tức Cha Ngài có mặt.  Và trong tiếng kêu vừa tình yêu và vừa đau khổ, Chúa Con đã trút hơi thở cuối cùng. Hơi thở cuối cùng này mang đến cho chúng ta hơi thở đầu tiên của Sự Sống mới. Sự sống mới này từ nay là bí quyết và là "con đường". Tình yêu được biểu lộ cho đến cuối cùng trên Thập giá chống lại tất cả các tập tục thông thường của nhân loại, tất cả sự thù hận và tất cả sự hèn nhát trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là tình yêu mang lại sự sống, đó là tình yêu làm sống lại.
Hôm nay toàn thể Giáo hội bước vào Tuần Thánh, có lẽ nhiều người trong chúng ta đã hoặc đang bối rối và mất định hướng. Điều quan trọng là phải suy đi ngắm lại sứ điệp này. Trên thập giá, Chúa Giêsu tin tưởng vào chúng ta và tương lai của Ngài, bằng cách kéo chúng ta vào sự từ bỏ chính mình trong tình yêu Cha. Chắc chắn chúng ta có thể tiếp tục chống lại Thiên Chúa, bằng một loại điên rồ không thể giải thích được. Nhưng hận thù và bạo lực, và nhất là sự chán nản cuối cùng sẽ dẫn đến tình yêu. Chúa Giêsu đã cho chúng ta trước những gì chúng ta muốn lấy từ nơi Ngài, những gì chúng ta luôn muốn lấy từ nơi anh chị em của chúng ta, đó là Sự sống. Hãy để Ngài hành động trong con tim chúng ta và chúng ta hãy tỉnh thức với Ngài!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Những tủi nhục của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn
Khi suy niệm về những đau buồn tủi nhục của Chúa Giê-su, chúng ta thường hướng về những cực hình Ngài phải chịu trong cuộc thương khó, mà ít khi nghĩ tới những đau thương, tủi nhục mà Ngài gánh chịu trong suốt ba năm thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng.
Giờ đây, chúng ta hãy điểm qua một vài nỗi buồn đau, tủi nhục thấm thía nhất mà Chúa Giê-su phải chịu trong thời gian này.
1. Bị coi là người mất trí
Nỗi đau, nỗi nhục thứ nhất mà Chúa Giê-su phải chịu là bị ngay cả những người ruột thịt và cũng là những người thân yêu gần gũi nhất… xem Ngài là người mất trí, mất trí nặng đến nỗi phải “đi bắt Ngài về nhà” (Mc 3,20-21).
Chúng ta chỉ là người phàm, tầm thường kém cỏi mà còn thấy đó là một niềm đau, một nỗi nhục không chịu đựng nỗi, còn Chúa Giê-su, Ngài là Thiên Chúa thông minh thượng trí, đầy quyền năng phép tắc mà lại bị người thân thuộc của mình hiểu lầm như thế thì nỗi đau của Chúa lớn đến độ nào!
2. Bị đồng hương phẫn nộ và hành hung
Nỗi nhục thứ hai mà Chúa Giê-su phải chịu cũng xảy ra ngay tại quê nhà. Vào ngày Sa-bát, khi rao giảng trong hội đường Na-da-rét, dân chúng không hài lòng vì Chúa Giê-su đề cập đến một số sự kiện mà họ không thích nói tới… Thế là sóng gió nổi lên, “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.” Họ đứng dậy, người thì nắm áo, kẻ nắm tay, người lôi, kẻ đẩy, kẻ khác buông lời phỉ báng nặng nề… Họ xô đẩy Ngài khỏi hội đường… Chưa hả giận, họ còn lôi kéo Ngài ra khỏi thành… Cũng chưa hả giận, “họ tiếp tục lôi kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, (cho Ngài phải nát thịt tan xương…)  nhưng rồi Ngài băng qua giữa họ mà thoát thân.” (Lc 4, 28-29).
3. Bị coi là người bị quỷ ám, là kẻ điên khùng
Nỗi nhục thứ ba, dù Chúa Giê-su là Thiên Chúa quyền năng, đến trần gian để đẩy lui quyền lực của Sa-tan, thế mà “các kinh sư ở Giê-ru-sa-lem cho rằng Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám”… Họ cho rằng Ngài chẳng tài cán, đạo đức gì, chỉ “dựa thế tướng quỷ mà trừ quỷ” (Mác-cô 3, 22. Lc 11,15).
Những người Do-thái khác cũng nói thẳng với Chúa Giê-su: “Chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám” (Ga 8, 48. 52).
Và khi Chúa Giê-su bày tỏ cho dân chúng biết Ngài là mục tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng vì đoàn chiên thì nhiều người Do-thái lại nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ta làm chi! (Ga 10,19).
Xúc phạm như thế là quá đáng! Đau buồn thay, nhục nhã thay!
4. Suýt bị ném đá
Nỗi nhục thứ tư là Chúa Giê-su suýt bị người Do-thái ném đá. Qua Tin mừng thứ tư, thánh Gioan thuật lại sự kiện này hai lần: Một lần, khi giảng trong sân Đền Thờ rằng Ngài hiện hữu trước khi có Áp-ra-ham, “họ liền lượm đá để ném Ngài. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (Ga 8,59).
Lần khác, khi Ngài tỏ cho dân chúng biết Ngài và Thiên Chúa Cha là một, người Do-thái lại lấy đá để ném Chúa Giê-su” (Ga 10,30-31. 11,8)
5. Bị người Do-thái mưu toan giết hại
Nỗi đau thứ năm là Chúa Giê-su bị người Do-thái mưu toan ám hại. Người Do-thái “tìm cách giết Đức Giê-su, vì cho rằng Ngài phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình… tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).
Vì thế, “Đức Giê-su không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Ngài” (Ga 7,1. 8,40). Và khi Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại, các thủ lĩnh Do-Thái quyết định giết Chúa Giê-su (Ga 11,53).
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn bị người Do-thái phê phán, chê trách, khinh dể… liệt Ngài vào “phường mê ăn tham uống, bạn bè của quân thu thuế và người tội lỗi (Lc 7,31-34), bị các luật sĩ, biệt phái dò xét, bắt bẻ đủ chuyện, bị lên án là vi phạm luật ngày Sa-bát, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay…
Lạy Chúa Giê-su,
Chưa có ai trong chúng con phải chịu nhiều đau buồn, tủi nhục trong đời như Chúa. Con người phàm hèn như chúng con dù có bị đồng loại sỉ nhục vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với Chúa là Đấng cao cả, là Chúa tể càn khôn… lại bị con người hèn mọn, chỉ đáng là tro bụi trước mặt Ngài khinh chê, phỉ báng, loại trừ…
Vì yêu thương chúng con, Chúa chấp nhận tất cả mọi buồn đau, tủi hổ…  để đền tội cho chúng con và để cứu chuộc chúng con. Chúng con hết lòng thờ lạy, cảm tạ tình yêu bao la vô bờ của Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Hai Sắc Thái của Mầu Nhiệm Vượt Qua
Nội dung chính yếu của cử hành phụng vụ Tuần Thánh là cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài là người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Ngài đón nhận Thập giá tủi nhục thất bại, và đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ, tình thương tha thứ cho nhân loại tội lỗi.
Phụng vụ bước vào Tuần Thánh với khởi đầu là Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Thương khó, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó.Việc cử hành hôm nay mang hai sắc thái có vẻ nghịch nhau: mới mừng cuộc khải hoàn của Chúa Kitô, rồi lại cảm thông nỗi thống khổ của Người. Phụng vụ hôm nay kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau; cuộc chào đón Đức Giêsu vào Giêrusalem và thảm kịch Thương khó; lễ hội “Hosanna” và những tiếng la ó lặp đi lặp lại “Đóng đinh nó vào thập giá!”; cuộc khải hoàn và sự thất bại bề ngoài qua cái chết trên thập giá.
Bài Thương khó kể lại từng chặng đường đau thương của Đấng Cứu Thế. Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Thầy. Giuđa chỉ điểm bắt Thầy bằng một nụ hôn giả dối. Các môn đệ sợ hãi bỏ Thầy mà chạy trốn. Phêrô thề là không hề quen biết Thầy. Chúa Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ. Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài. Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn. Họ khạc nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào da thịt. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Một người bị lột bỏ trần trụi. Hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang. Hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc phơi ngoài trời nắng gắt cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra, co vào để rồi thu nhận và tống không khí. Tử tội bị đóng đinh nơi cổ tay, nơi bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thơ, mau kiệt sức và chóng chết. Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo báng. Bị khinh khi. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!. Các thượng tế kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài mà nói:  Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập gía đi, thì chúng ta tin hắn liền!.  Cả những tên cướp cùng chịu đóng đinh cũng sỉ vả Ngài như thế.
Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu than thở: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”( Pl 2,8).
Cuộc khải hoàn rước lá của Chúa Giêsu là một dấu chỉ của chiến thắng vinh quang chung cuộc. Việc kiệu lá cho thấy rõ ý nghĩa đích thực của đau khổ và thập giá. Tương tự trong sự kiện “biến hình” trên núi Tabo: Chúa Giêsu cho ba tông đồ thoáng thấy vinh quang thần tính. Khi xuống núi, Ngài ra lệnh cho ba tông đồ phải bảo mật cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết, nghĩa là cho đến khi ý nghĩa của biến cố được tỏ bày. Cũng chính ba tông đồ thân tín chứng kiến cơn hấp hối của Chúa ở vườn Cây Dầu. Sau Phục sinh, Chúa Kitô cũng giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmau: “Đức Kitô không phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).
Như vậy ngay từ Lễ Lá, hai sắc thái, hai cục diện của mầu nhiệm Vượt Qua được trình bày rõ ràng. Lễ Lá trình bày hai cục diện theo thứ tự đảo ngược: vinh quang trước, khổ nạn sau. Nhưng thứ tự đó biểu lộ thực chất của mầu nhiệm Vượt Qua. Mầu nhiệm Vượt qua  bản là một mầu nhiệm đạt tới vinh quang và sự sống. Sự chết chỉ là bước đi qua,  phương tiện để đạt tới mục đích là vinh quang Phục Sinh. Khổ đau của Thập Giá Đức Kitô không bao giờ là nỗi đau của hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Chúa Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Chúa Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đã làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất. Chúa Giêsu đã hợp nhất nhân loại trong trái tim rộng mở của Ngài, trái tim chỉ có tình yêu thanh khiết. Ngài nâng con người lên giá trị cao hơn trong sự kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu Nguyên Tuyền. Tình yêu ấy không làm mờ đi bóng cây thập giá nhưng lại mang một ý nghĩa và sắc màu huyền diệu lung linh.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta cùng theo Chúa Giêsu trên con đường Thập giá.
Theo Chúa không chỉ khi gặp may mắn, thành công, bình an mà còn chấp nhận khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại.
Theo Chúa không là con đường “xuôi chèo mát mái” hoàn toàn hạnh phúc an lành, mà còn là con đường chọn lựa quyết liệt với những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực thế gian.
Theo Chúa Giêsu là đi con đường thập giá vừa lên dốc, vừa nhiều ổ gà ổ voi và vừa là con đường một chiều. Con đường ấy hẹp chứ không thênh thang theo những trào lưu dễ dãi, giả dối, ích kỷ, hận thù, bạo lực... nên cần phải sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung.
Tuần Thánh, cùng đi vào hành trình thương khó của Chúa, chúng ta gặp thấy nhiều tình huống tăm tối của “nhân tình thế thái” như vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình Yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh đối với Chúa Cha và lòng xót thương với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Cảm nếm và thông phần với nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng vẫn luôn nhận ra lòng xót thương nằm ẩn dưới từng phản ứng của Ngài theo Tin Mừng kể lại. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, chúng ta càng yêu Thập giá của Chúa hơn, yêu thập giá của mình hơn và kính trọng thập giá của người khác hơn.
Theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là một thách đố lớn trong bối cảnh thời nay. Xác tín rằng, có Chúa cùng đồng hành, Ngài luôn thấu hiểu nâng đỡ, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên hành trình theo Ngài. Nếu can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

====================
Suy niệm 4
Con Đường Đau Khổ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66
Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Bài Thương Khó hôm nay, thánh sử Matthêu tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ khi Người bị phản bội từ người thân với các thượng tế lập mưu tính kế để bắt Người, cho đến khi tắt thở trên thập giá và chôn trong mộ có lính canh. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Người bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Giữa cơn lâm nguy của đại dịch nguy biến làm cả Giáo Hội đau khổ, xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ    
                                                                      
  
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log