Thứ năm, 02/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIII TNB

Cập nhật lúc 17:40 02/09/2015
​Chúa Giêsu đến trần gian để đem Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người. Vì thế, Người làm việc không mệt mỏi vì mục đích đó. Thời gian dài Chúa Giêsu hoạt động truyền giáo ở Galilê, nhìn bề ngoài, thành công thì ít, thất bại thì nhiều.

 
Bài 1:
"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".
-----------------------------------

Chúa Giêsu đến trần gian để đem Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người. Vì thế, Người làm việc không mệt mỏi vì mục đích đó. Thời gian dài Chúa Giêsu hoạt động truyền giáo ở Galilê, nhìn bề ngoài, thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Một trong những thất bại cay đắng nhất, là bài diễn văn về bánh hằng sống. Sau bài diễn văn này, đa số dân chúng và nhiều môn đệ không thể chấp nhận được và đã bỏ đi. Tuy nhiên, thất bại đó không thể đóng lại công cuộc rao giảng của Người. Việc rao giảng của Người hôm nay xung quanh việc Người chữa một bệnh nhân câm điếc thuộc vùng Siđon ngoại giáo.
Tất cả chúng ta đều biết: nghe và nói là khả năng rất quan trọng của con người:
-          Ai không nghe được hoặc nghe không rõ đôi khi trở thành trò cười cho người khác. Vì không hiểu đúng ý người nói, nên trả lời hoặc phản ứng thường sai lệch.
-          Nói là khả năng chính giúp con người giao tiếp. Người kém khả năng này, nhiều lúc cảm thấy rất khổ tâm.
Ngay cả những người kém khả năng về ngôn ngữ cũng vậy, đôi khi nghe sai hoặc nói sai còn làm cho người ta bực tức (Bonjour Monsieur.).. Vì thế, Chúa Giêsu rất cảm thông với bệnh nhân vừa câm, lại vừa điếc trong bài Phúc Âm hôm nay. Cảm thông bằng cách chữa anh, không những để anh có khả năng giao tiếp với mọi người, mà đặc biệt là giao tiếp với Lời Hằng sống, Lời yêu thương và đầy lòng nhân hậu của Người.
Chúa Giêsu đến trần gian để dạy dỗ, mà trong đó lại có kẻ không nghe được, chắc Người buồn lắm! Buồn đối vì người câm điếc về thể lý thì ít. Nhưng buồn vì người câm điếc con tim thì rất nhiều. Lời dạy dỗ về Bánh Hằng Sống là kinh nghiệm xương máu của Người, vì có rất nhiều người câm điếc con tim: 
- Câm điếc con tim, nên họ không đón nhận được Lời của Người.
- Câm điếc con tim đến nỗi họ còn nói rằng: "Lời này chói tai quá". Câm điếc con tim, nên họ đã bỏ đi không theo Người.
- Câm điếc con tim, không những chỉ khổ tâm cho Chúa, mà còn làm thiệt thòi rất lớn cho xã hội và cộng đoàn.
Thế giới hôm nay đầy dẫy những chuyện buồn và thiệt thòi do bệnh câm điếc con tim, câm điếc tâm linh: chiến tranh tàn khốc, hết khủng bố này đến khủng bố khác, con người chém giết lẫn nhau. Lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh, chấm dứt khủng bố đều bị bỏ ngoài tai. Các bên liên quan không chịu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những cuộc xung đột. Họ như điếc không nghe hoặc không thèm nghe Sứ Điệp tình thương của Chúa.
Đến lượt chúng ta, nhìn lại gia đình, họ đạo và giáo xứ, nhiều gia đình, nhiều cha mẹ thiếu trách nhiệm giáo dục con cái: không những không chỉ dạy con cái những điều tốt, mà còn làm gương xấu. Cộng đoàn giáo họ, giáo xứ chúng ta, nếu thiếu những cha mẹ, thiếu các thầy cô giáo lý viên nhiệt thành gương mẫu, dậy dỗ con em mình đạo đức nhân bản và đạo đức Kitô giáo, thì chắc chắn sẽ có nhiều người điếc như vậy. Thật là đáng buồn và đáng tiếc!
 
Đứng trước tình trạng này, Chúa Kitô hôm qua cũng như hôm nay, vẫn luôn nhân từ và thương xót. Người tiếp tục nhập thể và ở giữa nhân loại. Người mau mắn chữa những bệnh nhân câm điếc, không cần bệnh nhân đó phải cầu xin dài dòng, miễn là hãy tin tưởng vào Người.
Người biết rõ nỗi đau mà người câm điếc phải chịu, vì Người đến trần gian để dẹp bỏ tất cả những chướng ngại vật làm cho người ta không thể  đón nghe được Lời Hằng Sống, Lời Yêu thương.
Đến đây, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Liệu có khi nào tôi câm điếc con tim không?". Có lẽ không ai dám nói rằng không bao giờ mình câm điếc như vậy. Nếu chúng ta không câm điếc con tim mãn tính, thì ít ra đôi lúc cũng bị cơn bệnh này đột nhập. Nếu có, hãy xin Chúa giúp chữa chúng ta khỏi cơn bệnh này càng sớm càng tốt, kẻo lâu ngày cơn bệnh đó trở thành kinh niên mãn tính. Vậy chúng ta hãy xem, Chúa Giêsu chữa bệnh nhân câm điếc trong bài Phúc Âm hôm nay thế nào?
Khi Chúa Giêsu chữa bệnh câm điếc này, Người kéo bệnh nhân ra khoiû đám đông.
Lời Chúa không thể được đón nhận trong tiếng ồn ào của đám đông. Lời Chúa, dù quyền năng, nhưng chỉ có thể nghe được trong yên lặng. Thế giới hôm nay đầy dẫy những âm thanh gào thét, âm thanh của bạo lực và âm thanh của đồng tiền. Những âm thanh đó dễ làm cho mỗi người chúng ta câm điếc con tim.
Muốn nghe và nói được Lời Chúa, sứ điệp tình thương của Người, thì trước hết chúng ta hãy để Chúa kéo chúng ta khỏi những âm thanh ồn ào ấy, và đi vào trong cõi thinh lặng. Có thì giờ để nói, nhưng rất cần nhiều thì giờ để yên lặng: một mình Chúa với một mình tôi và một mình tôi với một mình Chúa.
Trong thánh lễ có những giây phút để chúng ta yên lặng với một mình Chúa:
- Trong yên lặng, chúng ta hãy khiêm tốn như người câm điếc trong bài Phúc Âm hôm nay, để Chúa chạm vào tai chúng ta bằng Lời của Người và chạm vào lưỡi chúng ta bằng chính Thịt Máu Người.
- Và cũng trong yên lặng, chúng ta hãy để cho Lời Chúa và Mình Máu Chúa thấu vào tim chúng ta. Một khi Lời Chúa và Thịt Máu Người thấm nhập vào con tim chúng ta, chúng ta sẽ không câm điếc nữa, và sẽ nói, nói lại tất cả những gì mình đã nghe được. Nói rằng Chúa rất yêu thương tôi, chữa bệnh cho tôi, tôi chỉ biết tán tụng và tung hô Người: "Người làm mọi sự tốt đẹp cho tôi". Amen!
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
 
ÔI ! ĐẸP THAY BAO VIỆC CHÚA LÀM
 (Mc 7, 31 - 37),
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticanô II, Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người (Dei Verbum 25). Đề cập đến Kinh Thánh , thánh Augustinô đã không tiếc lời nói: "Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người" (Augustino, Enarr in Ps 90).
Đúng như thế, Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia (35, 4-7a), hôm nay thật đẹp biết bao, vì nó chứa đầy những dòng chữ yêu thương của Thiên Chúa đối với Dân Ngài. Trong lúc dân Israel đang bị giam cầm, khó lòng thoát khỏi. Họ đã bị quân Babylon đánh bại nặng nề. Họ bị cướp bóc và lôi ra khỏi nhà. Họ phải sống trong thân phận tù đày nơi đất kẻ thù địch. Nhà cửa và thành trì của họ bị tàn phá. Đền thờ bị phá đổ tan hoang. Thời huy hoàng không còn nữa. Họ phải sống cảnh lưu đày, tương lai mù mịt. Không ai có sức cứu họ thoát khỏi cảnh khổ cực này. Và nếu họ có thoát được cảnh lưu đày, thì làm sao có thể vượt qua được sa mạc khô cằn để về nước. Và nếu họ có thể chạy thoát về đất nước của họ thì ở đó không còn gì nữa. 
Đang lúc lối tận, đường cùng, quẫn bách như thế, những lời lẽ dịu dàng của Thiên Chúa phán qua miệng Isaia, lời của Thiên Chúa tình thương đầy an ủi, như tiếp thêm nghị lực cho Dân Chúa đang bị xao xuyến trong cảnh lưu đày: "Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người" (Is 35, 4).
Tại sao ngôn sứ Isaia phải khuyến khích họ Can đảm lên, đừng sợ ? Có lẽ họ đang sợ hãi khủng khiếp. Tại sao ngôn sứ lại nói đến nước chảy lên trong sa mạc, suối chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn thành hồ ao, và hoang địa sẽ trở nên suối nước ? Có lẽ dân chúng đang bị hạn hán chăng? Tại sao ngôn sứ lại dùng hình ảnh người mù sáng mắt, tai người điếc sẽ mở ra, và người què quặt nhảy nhót như nai? Nếu không phải vì dân chúng đang gặp lúc khó khăn không nhìn, không nghe, không lê bước được (x. Is 35, 4-7).
Thật ủi an biết bao, bởi dân Chúa cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, mình là đối tượng của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nay thể hiện cụ thể nơi lời nói cũng như việc làm của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Tin Mừng Marcô hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu "làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được"(Mc 7, 37), giúp chúng ta suy ngẫm về tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thể hiện qua việc chữa lành của một "câm điếc " (Mc 7,32).
"Effatà", có nghĩa là "hãy mở ra" (Mc 7, 34). Chúa Giêsu đang đi qua vùng "Thập tỉnh", giữa Tiro, Sidone và vùng Galilea, vùng đất của dân ngoại. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc, để Người chữa cho anh, hiển nhiên là danh tiếng Chúa Giêsu đã được đồn thổi cho tới đây. "Effatà - Hãy mở ra"(Mc 7, 34). Chúa Giêsu đem anh riêng ra một chỗ, đụng vào tai và lưỡi anh, rồi ngước mắt nhin trời Người thở một hơi sâu, anh câm điếc ấy bắt đầu nghe và nói sõi sàng (x. Mc 7, 35). Thật tốt đẹp biết bao việc Chúa làm.
Khởi đầu công trình sáng tạo, sau khi hoàn tất công trình sáng tạo vũ trụ : "Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm : đều tốt đẹp" (St 1, 31). Nay thời Thiên Sai, thời Đấng Cứu Thế đến thực hiện công trình cứu chuộc và sự sáng tạo mới, Tin Mừng cũng nói cùng một cách: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!" (Mc 7,37) Chúa đã làm cho anh "mở ra".
"Effatà - Hãy mở ra"(Mc 7, 34). Từ việc chữa lành đối với anh câm điếc là một sự "mở ra" cho người khác và cho thế giới, một sự mở ra khởi đầu với các cơ quan nghe Lời Chúa và ca tụng những kỳ công công Thiên Chúa cũng như lòng thương xót của Ngài. Chúa đã làm người để cho con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, tiếng của Tình Yêu nói với con tim, và như thế học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền với Thiên Chúa và với các người khác về công trình tốt đẹp Chúa đã làm.
Chắc chắn, tự bản chất của nó, ngọn lửa không thể tỏa hơi âm, và không thể phát sinh khí lạnh; mặt trời chiếu tỏa ánh sáng, và đương nhiên không thể là nguyên nhận của bóng tối được. Tương tự như thế, Thiên Chúa chỉ có thể làm ra những điều tốt lành bởi vì Ngài là Đấng vô biên tốt lành, là ánh sáng. Ngài là Mặt Trời công chính chiếu tỏa ánh sáng rạng ngời, là lửa hồng tỏa hơi ấm vô biên: "Người làm mọi sự tốt đẹp"(Mc 7,37).
Theo sách Sáng Thế, thì Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Tin Mừng cũng thuật lại: Chúa Giêsu làm mọi sự tốt đẹp (x. Mc 7,37). Nhưng làm những điều tốt lành không chỉ đơn giản là để làm cho chúng tốt. Nhiều người, thực sự, làm những điều tốt đẹp mà không làm chúng tốt, bọn giả hình chẳng hạn, họ là những người làm những điều tốt đẹp, nhưng trong một tinh thần xấu với một ý định gian tà. Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng tất cả đều tốt lành và làm cho chúng trở nên tốt. "Chúa chỉ là trong tất cả các cách của mình, tín hữu trong tất cả mọi thứ anh ấy làm" (Tv 144,17) ... Và nếu Thiên Chúa biết rằng chúng ta tìm thấy niềm vui của mình nơi những điều tốt đẹp Chúa đã làm, thì Thiên Chúa vui biết mấy.
Xin với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã luôn luôn "mở ra" cho tình yêu của Chúa, và trái tim Mẹ liên lỉ lắng nghe Lời Chúa, với lòng từ mẫu giúp chúng ta là con cái Mẹ hàng biết  "effatà" mỗi ngày để ca tụng những điều tốt đẹp kỳ diệu Chúa đã làm và nhất là sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 3:
 
CHÚA MỞ TAI, MỞ MIỆNG CON
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37

Một phụ nữ có người bạn bị điếc. Bà hỏi người bạn muốn gì nhân dịp sinh nhật. Người bạn trả lời:
-Nhờ bạn viết thư cho Ann Landers, yêu cầu cho tôi bản kinh cầu nguyện cho người điếc.
Và ngày sinh nhật của người điếc đó, bà Ann đã gởi tặng lời kinh như bà thỉnh nguyện. Trong đó có lời cầu như sau:
“Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi sung bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn khép kín!...
Lời kinh trên đây cho chúng ta thấy nỗi khổ của kẻ điếc.Chúng ta thường nghĩ rằng người mù khổ hơn kẻ điếc. Nhưng Helen Keller vừa mù vừa điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời bị khoá chặt lại: mở Radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, và cảm thấy cô đơn chán nản...( câu chuyện theo Br.Thiện Mỹ, CMC).
Thật thế, người điếc thật khổ, câm và điếc càng khốn khổ hơn. Trong một cuốn sách có câu sau đây : “Yếu tố đầu tiên trong một cuộc đối thoại là sự thật, thứ hai là có lương tri, thứ ba là tính hài hước vui vẻ, và cuối cùng là sự hóm hỉnh thông minh”. Nhưng làm sao mà một người có thể đối thoại với người khác bằng miệng, nếu như anh ta vừa câm lại vừa điếc.Thật hạnh phúc, nếu đôi môi đượcmở ra,được cười nói, được trao đổi với mọi người, nếu đôi tai được thông, để nghe được lời yêu thương dịu ngọt, ân cần của anh em bạn hữu và gia đình…
Trong Tin Mừng Mc 7,31-37, Chúa Giêsu mở môi miệng, tai anh câm điếc là đem lại hạnh phúc cho anh, chúng ta thấy ngài dùng một cử chỉ kỳ lạ: đặt tay vào tai anh, dùng nước miếng để bôi vào miệng anh.Đức Giêsu chữa người mù ở Bétsaiđa trong Tin Mừng Máccô (x. Mc 8,23) và làm cho người mù từ mới sinh được sáng mắt trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 9,6) cũng cùng một cử chi kỳ lạ bôi nước miếng. Tác giả J. Potin nghiên cứu môi trường văn hoá trong Kinh Thánh xác nhận việc chữa lành bằng cử chỉ đụng chạm với nước miếng là: “Những cách thức chữa bệnh này rất thông dụng trong các đền thờ ngoại giáo và vẫn còn thịnh hành trong các môi trường Kitô giáo" (Đức Giêsu Lịch sử đích thực), Centurion, tr.172). Ngài dùng các phương thế bình dân để tỏ bày quyền năng Thiên Chúa…
Hình ảnh Đức Giêsu chữa người vừacâm vừa điếc như là một ẩn dụ nói về con người mọi thời đại với biết bao hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật. Những hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chúng ta xa cách nhau, xa cách Thiên Chúa, nhưng khichúng ta gặp được Chúa Sự Sống- Người  tháo cởi tai và miệng, chúng ta  thể hiện như Dân Do Thái năm xưa khi chứng kiến phép lạChúa làm thì ca ngợi : “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn.
Đó là thời kỳ thi ân của Đấng Cứu Độ đến như Ngôn Sứ Isaia đã loan báo cho dân Israel về Đấng Cứu Thế: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sõi sàng” (Is 35,3-7).
Đức Giê-su làĐấng Mêsia, như Ngài trả lời cho Gioan Tẩy giả qua những người được ông sai đến: “Các ông cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Mt 11,4). Đây là những dấu chỉ thời Mê-si-a – thời kỳ cứu độ mà các ngôn sứ đã báo trước.
Khi mở miệng mở tai người câm điếc, Đức Giêsu cũng mở tai, tháo lưỡi, mở mắt cho các môn đệ, và mời gọi các ông tin tưởng vào Người. Lòng tín thác này sẽ giúp các ông nhìn nhận sự giải thoát mà Ngài đã mang lại cho con người. Sự giải phóng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta trên mọi nẻo đường khi Người mở mắt chúng ta trước tất cả, xuyên qua những ngờ vực,  những nỗi sợ hãivà mang hy vọng tiến về vinh quang của Người.
Liên hệ vớicuộc sống của chúng ta Thánh Bêđa (PL 92,203t) suy niệm hình ảnh anh câm điếc: người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là sapor Domini sapientiae (hương vị của sự khôn ngoan của Chúa); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11,20). Trong tác phẩm “Tự thú”, thánh Augustino nhìn nhận đôi tai của ngài đã điếc đặc trước Lời phán dạy của Chúa trong thời gian lâu dài: “Con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù loà của con…”.  Sau khi tâm hồn được mở ra, Augustino tán tụng hồng ân Chúa bằng chính cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa và anhem qua sứ mạng Giám Mục như sách Cách Ngôn dạy: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9).
Thiên Chúa chữa lành cho những người tật nguyền, không chỉ thể xác nhưng còn về mặt tâm linh, để họ được lành và có đủ khả năng biết cách sống với Thiên Chúa và với tha nhân.
Lạy Đức Giê-su Ki-tô là Đấng chữa lành, Ép-pha-tha, xin hãy mở ra cho con:
·         Ngài quan tâm và cứu vớt bằng ơn chữa lành người tật nguyền về mặt thể lý, như mù, điếc, què, câm, những người bị thiệt thòi và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng mắt con không thấy anh em lầm than khốn khó, xin mở mắt cho con.
·         Tai con không nghe tiếng than thở của anh em, xin Chúa mởtai cho con.
·         Lòng con khép kín trước nhu cầu của anh em, xin Chúa mở lòng con.
·         Tâm trí con không hiểu, xin Chúa mở trí lòng con…
·         Miệng con câm nín trước tình yêu kỳ diệu của Ngài, xin Chúa mở miệng để con biết ca tụng.
Vâng, lạy Chúa – Epphatha – hãy mở ra…
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 05/09/2015

 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log