WGPHH: "Bánh tôi sẽ ban chính là Thịt Tôi để cho thế gian được sống...Nếu các ông không ăn thịt Con Người, các ông sẽ không có sự sống đời đời. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì được sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày tận thế, vì Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống".
(Ga 6, 61 – 70)
Bài 1:
"Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống"
------------------------
Sống trên đời, có nhiều cuộc tan rồi hợp và hợp rồi tan: đến với nhau, sống với nhau, rồi bỏ nhau. Nhiều tín hữu cũng đối xử với Chúa như thế: theo Chúa rồi bỏ Chúa… Có lẽ chúng ta cũng nhiều lần bị cám dỗ bỏ Chúa.
Hôm nay,chúng ta hãy hồi tâm lại về cuộc hành trình theo Chúa, và tha thiết xin Chúa giúp chúng ta theo gương Thánh Phêrô, vững bước theo Chúa: "Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống".
Vì yêu, Thiên Chúa đã dựng nên con người. Cũng vì yêu, Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc. Hạnh phúc, đó là sống thân mật với Người như tình con thảo đối với cha. Nhưng để con người có trách nhiệm về việc làm của mình, Thiên Chúa ban cho con người tự do. Với sự tự do đó, con người có thể chọn lựa làm lành hay lánh dữ.
Cuộc đời của mỗi người là chuỗi dài những chọn lựa. Chỉ trừ sự chết, con người không thể chọn lựa được. Không ai dám nói rằng tôi tự do chọn lựa xem có muốn chết hay không. Còn tất cả mọi việc khác đều phải chọn lựa. Chọn lựa sẽ giúp định hướng và đánh giá đời mình.
- Chọn lựa đúng, chọn khéo, đời mình sẽ tốt, sẽ hạnh phúc.
- Còn chọn ẩu, chon sai, đời sẽ xấu sẽ bất hạnh. Kinh nghiệm chọn sai của tổ tiên chúng ta còn đó: để lại hậu quả tai hại cho con cháu là phải đau khổ và phải chết.
Các bài đọc phụng vụ hôm nay đều nhăc nhở chúng ta phải có thái độ dứt khoát và phải biết chọn lựa:
*Bài đọc 1 thuật lại chuyện ông Giosuê bảo dân phải chọn lựa: một là theo Chúa, hai là thờ các thần tượng khác, không được làm tôi hai chủ, không được bắt cá hai tay.
*Còn bài đọc 2 gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng, một khi đã chọn nhau làm bạn đời, thì phải suốt đời trung thành với sự chọn lựa đó, nghĩa là phải thuỷ chung, phải tùng phục nhau và phải hoà thuận với nhau.
*Bài Tin Mừng hôm nay và toàn bộ chương 6 Tin Mừng Thánh Gioan về bánh Hằng Sống, chúng ta liên tục thấy diễn ra cảnh tranh chấp của sự chọn lựa.
- "Ngôi Lời làm người ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không biết Người".
- Tranh chấp lên tới tột đỉnh với lời tuyên bố của Chúa Giêsu: "Bánh tôi sẽ ban chính là Thịt Tôi để cho thế gian được sống...Nếu các ông không ăn thịt Con Người, các ông sẽ không có sự sống đời đời. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì được sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày tận thế, vì Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy".
Nghe những lời này, ngoài đám dân chúng ra, ngay cả trong nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu, cũng có những môn đệ không tin lời Chúa vừa nói. Họ phản ứng: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi". Nhưng Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn khơi dậy trong họ niềm tin mà họ cần đặt nơi Người: "Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống". Rốt cuộc, họ cũng chẳng thèm nghe và chỉ đáp lại bằng một bi kịch: đó là rút lui, không theo Chúa nũa.
Cuối cùng là nhóm 12, nhóm mà chính Chúa Giêsu thiết lập để họ ở lại với Người. Với nhóm này, Chúa Giêsu vẫn muốn họ tự do nói lên sự lựa chọn của họ và vì thế, Người nêu thẳng vấn đề: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy sao"? Ông Simon Phêro đáp lại: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa".
Khi đã theo Chúa, chọn lựa không phải một lần là xong. Chọn lựa còn là thách đố từng ngày từng giờ. Trở thành một tín hữu chưa phải là đảm bảo sẽ trung thành đến cùng. Bước theo Chúa Giêsu là bước vào một cuộc mạo hiểm: mạo hiểm của lòng tin, mạo hiểm của tình yêu…
Năm 700 tại Lancianô bên Ý, một linh mục tên là Basilio hoài nghi về Mầu Nhiệm Chúa hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúa đã làm phép lạ lớn lao và phép lạ đó còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Vừa khi linh mục Basilio truyền phép, bánh rượu đã trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu. Thịt máu Chúa đó còn được cô đọng đến ngày nay. Năm 1971, cuộc khảo cứu khoa học đã cho biết đó là thớ thịt từ trái tim, và máu đó là máu của con người, thuộc nhóm máu AB (vết máu trên tấm khăn liệm thành Turino cũng thuộc nhóm máu này). Ngày nay, Thịt và Máu Chúa đó đang được lưu giữ trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Assidi, trung tâm hành hương của thế giới.
Dù phép lạ có hiển nhiên như thế để củng có niềm tin, nhưng Thiên Chúa vẫn bỏ ngỏ cho niềm tin của tất cả mọi người, để cho mọi người tự do chọn lựa: tin hoặc không tin. Ý, Pháp và cả châu Aâu, cái nôi của Kitô giáo, nơi mà biết bao phép lạ xẩy ra. Phải chăng mọi người đều tin vào Chúa Giêsu? Câu trả lời vẫn là Thiên Chúa bỏ ngỏ và để người ta tự do nói lên sự lựa chọn của mình.
Đối với chúng ta, những người thân tín nhất của Chúa, hôm nay và mỗi giây phút trong đời, Chúa cũng nói với chúng ta: "Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi nũa không"? Chọn lựa thì dễ, còn sống theo điều đã chọn lựa lại là chuyện khác. Tất cả chúng ta đều là người đã chọn lựa Chúa. Nhưng điểm lại những năm tháng của đời chúng ta, chúng ta sống thế nào? Giáo xứ chúng ta thử hỏi xem có bao nhiêu người sinh hoạt tôn giáo đều đặn, có biết bao người giống như dân Do Thái theo Chúa để được ăn bánh no nê.
Đứng trước thách đố của nhiều người và một số môn đệ bỏ Chúa, Phêrô đại diện cho nhóm 12 và cả chúng ta. Rồi chúng ta hôm nay cũng có thể bắt chước Phêrô, đại diện cho toàn thể những anh chị em trong giáo xứ chúng ta để nói lên lời quyết tâm theo Chúa: "Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống".
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2:
Lời Ban Sự Sống Đời Đời
Khởi đi từ tình mục tử ấp ủ đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (x. (Mc 6, 30-34), Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 1-15). Từ của ăn vật, Chúa gợi lên trong họ sự khát vọng trường sinh, muốn được họ phải đi tìm Chúa, tin vào Chúa, ăn chính thịt và uống máu Chúa là bánh hằng sống từ Trời xuống (x. Ga 6, 16-60).
Với diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống tại Hội đường Do thái ở Capharnaum, nhiều người bỏ Chúa, còn các môn đệ không chấp nhận điều ấy, họ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) Tại sao họ lại có thái độ khước từ Chúa đến như vậy? Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao ?
Có người khước từ
Vấn đề ở đây là "ăn thịt và uống máu" (Ga 6,54) một con người có tên là Giêsu, đồng hương với họ để được sống đời đời. Chúa Giêsu cố tình nói như thế, đây là một vấn đề rất cam go, một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa. Dân chúng, và cả các môn đệ, trước đây rất phấn khởi đi theo Chúa, thấy Chúa làm phép lạ; cả việc hóa bánh ra nhiều cũng là một sự mạc khải về Ðấng Messia, khiến họ muốn tung hô và tôn Chúa Giêsu làm vua Israel, nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy. Với diễn từ dài, Chúa làm dịu bớt sự phấn khởi trong dân và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Chúa giải thích hình ảnh bánh ấy chính là Chúa và khẳng định Người đã được Chúa Cha sai đến để hiến mạng sống, ai muốn theo Người, thì phải kết hiệp mật thiết với Người, và tham gia vào hy tế tình thương của Người.
Khi nghe những lời ấy, dân chúng hiểu rằng ông Giêsu này không phải là Đấng Messia như họ tưởng. Người không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Người muốn vào Thành để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ : hiến mạng sống trở nên tấm bánh vì Thiên Chúa và cho loài người. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được dâng hiến để đền tội cho thế gian được sống. Chúa muốn đám đông dân chúng tỉnh ngộ, nhất là khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là : "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa " (Ga 6, 66)
Có người quyết tâm theo Chúa
Nếu có môn đệ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa, là vì họ không muốn từ bỏ bản thân, để cho mình tham dự và biến đổi đến độ sống nhờ Chúa khi đón nhận hồng ân nay.
"Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60), khó nghe vì người ta lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói : "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập..." (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa : "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con" (1V 19, 4).
Tại thung lũng Sikhem, nơi tổ phụ Abraham và Xara trú ngụ. Giôsua kêu mời dân ra đứng trước tôn nhan Thiên Chúa và làm một quyết định dứt khoát : "Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn … tôn thờ ai hơn : hoặc là các thần cha ông đã tôn thờ…hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở, về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Dân trả lời "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần Ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng tôi" (x. Jos 24, 15-17).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thính giả của Chúa Giêsu làm một quyết định tương tự sau khi nghe giảng về Bánh hằng Sống là máu thịt Chúa. Nhưng vì lời chướng tai của mình, họ đã bỏ đi, chỉ còn lại Phêrô và nhóm Mười hai. Phêrô mạnh dạn thưa : "Lạy Thầy chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Hôm nay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa, trong sự khiêm nhường thẳm sâu, tin tưởng vào Chúa là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, đến gặp gỡ chúng con. Chúa là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (x. Ga 6,32-35), chúng con muốn trung thành với Chúa bây giờ và mãi mãi, cũng như Phêrô : "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Chúa có lời ban sự sống
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy : Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế : "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Sự bảo đảm này về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người, được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được "bí mật" của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa cách xác đáng Bánh Thánh như là "linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết".
Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thể…Khi cử hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với "phụng vụ" trên trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng tung hô : "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. (Trích Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia số 18-19)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3:
CHỌN LỰA
Nhìn về xa xa, có lúc tôi cảm thấy mình cô đơn bị bỏ rơi, quên lãng. Gia đình, bạn bè, với những triết lý hết sức hấp dẫn, vẻ quyến rũ đầy ắp trong tôi. Nhưng giữa chốn cô tịch này chẳng hề thấy ai, dù chỉ là một lời an ủi thông thường. Tôi nhìn quanh bốn bức tường hỏi: Chúa ở đâu, con đau khổ quá rồi? Tại sao, tại sao Chúa yên lặng? Tôi biết đó là câu hỏi ngàn đời, nhưng vẫn cứ hỏi. Tôi đi tìm Chúa. Trong khi tôi đi tìm Chúa để có những yên ủi của cuộc đời, tìm ra lẽ sống đời người thì có không ít môn đệ bỏ Chúa vì nghe những lời “chướng tai”.
Quả thực nếu anh đi tìm Chúa chỉ vì những cái lợi lộc trước mắt, những lời bùi tai, những giầu sang vật chất thì sẽ không thể gặp Chúa, vì Chúa không đến để ru ngủ, phỉnh phờ. Chúa không chủ trương nói cho bùi tai, mật ngọt chết ruồi. Bản thân Chúa hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29) nhưng lời nói thì thẳng thật, mất lòng trước được lòng sau. Những lời chướng tai không thiếu gì trong Phúc âm: Tám mối phúc thật, yêu kẻ thù, bước qua cửa hẹp, vác thập giá, mất mạng sống...và ai ăn thịt và uống máu Tôi thì đước sống muôn đời.” Nhưng Chúa không rút lời, không nói nhẹ đi, vì thế có nhiều môn đệ “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Và họ rút lui, bỏ đi không theo Chúa.
Lời Chúa, theo Chúa luôn đòi hỏi con người phải lột xác, phải dấn thân hy sinh. Chúa đến với ta bằng cách trở nên xác phàm, làm thân phận con người hèn yếu, sinh trong máng cỏ hang lừa, sống bằng nghè thợ mộc, cưa đục nhọc nhằn và chết trên thập giá. Đó là con đường Chúa chọn để cứu độ loài người.
Chúa làm phép lạ, Chúa chữa nhiều bệnh nhân chỉ để giúp ta nhận ra Đấng Cứu Thế và tin tưởng trên suốt chặng đường vào vườn Cây Dầu và lên núi Canvê. Và một phép lạ vĩ đại nhất, kỳ diệu nhất nuôi dưỡng ta trên đường dương thế: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi sẽ được sống muôn đời.” Và sở dĩ Giáo Hội Chúa còn sống và không ngừng phát triển là nhờ của ăn của uống Thịt Máu Chúa, nhờ biết hy sinh can đảm qua mọi gian lao khốn khó kể cả vác thập giá.
Thông điệp Đấng Cứu Chuộc loài người số 20 viết: “Thánh Thể xây dựng Giáo Hội, là một chân lý cơ bản không những về mặt học thuyết mà còn về mặt hiện sinh nữa và Thánh Thể xây dựng Giáo Hội, như là nhìn thấy cộng đoàn chân chính của dân Chúa, như là cuộc tập hợp các tín hữu, được đánh dấu bởi tính cách hợp nhất mà các thánh Tông đồ và các môn đệ tiên khởi đã tham gia Thánh Thể vẫn luôn xây dựng cộng đoàn và sự hợp nhất đó: nó xây dựng Cộng đoàn và luôn tái tạo Cộng đoàn từ hy lễ của Chúa Kitô, bởi vì Thánh Thể nhắc lại cái chết của Chúa trên Thập giá, và cái chết đó là giá Chúa đã trả để cứu chuộc chúng ta...Giáo Hội sống bởi Thánh Thể, Giáo Hội sống bởi sự sung mãn của Bí tích đó.”
Bài Phúc Âm hôm nay, cuối cùng cũng đưa ta đến sự CHỌN LỰA: Đức Giêsu hỏi nhóm 12: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sông đời đời, phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Hôm nay, đứng trước ngã ba đường, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta, một lần nữa chúng ta phải quyết định. Người mời gọi các môn đệ chọn lựa. Nhiều người đã thấy chối tai khi nghe người nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi”. Chúa Giêsu quét sạch những lời giải thích thô thiển. “Chính Thần Khí mới làm cho sống. Xác thịt không làm được gì. Lời của Tôi là Thần Khí và Sự Sống. Vấn đề là gặp gỡ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, là đón nhận ân ban của “Chúa Cha và đồng hành với Người”. Không bao giờ có một con đường vạch sẵn. Thông thường ta phải định hướng lại cuộc đời mình và phải quyết định. Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một mật mã. Người đã ban cho chúng ta Thần Khí. Điều còn lại là nối dài hành vi tự do và sáng tạo của con người. Người đã phán: “Thầy là Đường” (Gérard Bessiere).
Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Một niềm vui nội tâm, một sự bình an chan chứa, một lời đảm bảo thân tình, một cảm giác thấy tất cả đều tốt đẹp, tôi rung động, một phần hối hận lỗi lầm đã qua, một phần ngước mắt lên Trái Tim nhân hậu hay thương xót Chúa và tuyên tín: “Bỏ Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi. Trùng trùng sóng nước mênh mông, thuyền buông lái biết trôi về đâu? Bỏ Ngài con biết theo ai, bên đời kia tương lai khuất mờ, bước đi không Ngài, đời con buồn tênh. Bỏ Ngài con đi với ai vì Ngài có lời ban sự sống. Bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai, đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài. Bỏ Ngài con đi với ai ?”
Pr. Nguyễn Mai
Bài 4:
TỪ BỎ HAY CHỌN LỰA
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69
Sau khi Maisen qua đời, Giosuê lãnh nhận trách nhiệm lãnh đạo dân chúng và đưa họ vào Đất Hứa. Khi đã chinh phục được miền đất “sữa và mật ong” như lời Giavê hứa và chia phần đất cho từng chi tộc, ông Giosuê tập họp dân chúng lại tại Sikem và đòi họ phải tuyên bố dứt khoát lập trường :
- Hôm nay các ngươi hãy lựa chọn, một là thờ phượng Đức Giavê, hai là thờ phượng các thần của dân ngoại. Riêng phần tôi và gia đình, chúng tôi nhất quyết chỉ thờ phượng một mình Đức Giavê mà thôi.
Bấy giờ dân chúng trả lời rằng:
- Không hề có chuyện chúng tôi lìa bỏ Đức Giavê mà tôn thờ những thần dân ngoại. Đức Giavê là Thiên Chúa của chúng tôi, chính Ngài đã dẫn chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, đã làm những việc kỳ diệu trước mặt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt những con đường chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi chỉ phụng thờ Đức Giavê vì chỉ mình Ngài là Thiên Chúa chúng tôi.
Với sự quyết tâm chọn lựa Chúa, kể từ đó Dân Do Thái trở thành dân riêng của Đức Chúa, trung thành thi hành giao uớc đã ký kết với Ngài, và từ nay sự hiệp nhất của quốc gia Do Thái phát xuất từ một niềm tin chung vào Giavê Thiên Chúa.
Hình ảnh chọn lựa Chúa của toàn dân Israel làm chúng ta nhớ lại sự quyết tâm ở lại với Chúa của Phêrô và nhóm mười hai: Sau diễn từ về Bánh trường sinh - Thứ lương thực lạ lùng: Bánh và Máu Ngài, Đức Giêsu tóm lược chung quy về Thánh Thể - bản thân Người: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54a). Nhiều người theo và tán dương Chúa trước đây đã bỏ đi. Các môn đệ cũng phản ứng lại các lời của Đức Giêsu; họ bị đặt trước một chọn lựa là tin hoặc không tin vào Người. Đỉnh cao của cuộc “khủng hoảng”: là các môn đệ của Người chia rẽ: một số lớn bỏ đi vì không thể chấp nhận các lời Đức Giêsu nói, một số ở lại với Người, vì tin rằng chỉ Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời”.
Những môn đệ bỏ đi (Ga 6,60-66): Một số lớn các môn đệ thiếu đức tin và theo cảm xúc và hời hợt, lý trí của con người trước mặc khải mầu nhiệm Thánh Thể, nên không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu. Trong lúc Ngài Giêsu luôn nhắc các môn đệ là Ngài không đến, không nói như một người thường, nhưng là Người đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Trong bài Diễn từ về Bánh trường sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật Con Người - Người được Thiên Chúa cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6,27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giêsu, trên sự hiểu và nhìn nhận bản thân Người. Nhưng đám đông dân chúng trong số có các môn đệ đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ vực đối với Ngài và đối với lời Ngài. Vì thế nhiều môn đệ “rút lui, không còn ở với Người nữa” (Ga 6,66).
Tuy nhiên, nhóm Mười Hai chọn lựa ở lại (Ga 6,67-69: ) Nhóm Mười Hai – các môn đệ gần gũi với Chúa Giêsu, cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị thách thức bởi mầu nhiệm của mạc khải Thánh Thể và những lời đòi hỏi của Ngài. Trước những thử thách cao độ, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm khi tuyên xưng “chúng con”: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Qua lời tuyên tín chọn Chúa, Phêrô nêu ra ba lý do khiến các ông và các bạn ở lại với Đức Giêsu chứ không rút lui bỏ Ngài như đa số:
· Lý do thứ nhất “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai” nghĩa là chúng con không thể bỏ đi kiểu mù quáng, hơn hớt niềm tin. Khi bỏ đi, chúng con cần phải biết chúng con muốn bỏ ai, và gặp được điều gì tốt hơn và thuyết phục hơn Ngài, điều này không có gì bảo đảm chắn chắn khi bỏ Ngài. Suy tư sáng suốt khi tránh những quyết định vội vã, theo tình cảm. Bởi vì không tìm được một vị thầy nào dứt khoát khá hơn, cho nên khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu.
· Lý do thứ hai “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” lời tuyên tín nhắc lại đặc tính của các lời Đức Giêsu như chính Người đã nói: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Phêrô chấp nhận lời Thầy mang Thần Khí và sự sống nên tuyên tín: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Dù ông vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn những lời Đức Giêsu, nhưng ông đã tin tưởng vào điều chính yếu nhất: sứ điệp của Đức Giêsu đem đến sự sống đời đời. Đức Giêsu không chỉ nói về điều đó, Người còn mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó. Đó là ân ban cao trọng nhất của Đức Giêsu như Ngài nhấn mạnh thường xuyên trong diễn từ Thánh Thể.
· Lý do thứ ba mà Phêrô xác tín chọn Chúa: “chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Phêrô và nhóm Mười Hai hiểu và nhận biết Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). “Thánh” chính là điều thuộc về Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, có nghĩa là Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và được kết nối với Thiên Chúa trọn vẹn. Phêrô lập lại danh hiệu này theo thánh vịnh 16: ca tụng tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và người cầu nguyện, trong đó có nói đến danh hiệu “Đấng Thánh của Ngài", theo bản dịch Bảy mươi (x. Cv 2,27) như Đức Giêsu đã công bố sự kết hợp giữa Ngài với Chúa Cha (x. Ga 5,19-30), Ngài còn loan báo mình đã được “Thiên Chúa thánh hiến" (Ga 10,6;17,19). Danh hiệu “Đấng Thánh Của Thiên Chúa" cao vượt hơn danh hiệu "Thiên Sai” rất nhiều và thích hợp với danh hiệu “Con Thiên Chúa" mà Simon-Phêrô tuyên xưng trong Mátthêu 16,16". Cho nên, chính vì Đức Giêsu có một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, mà Người có những lời ban sự sống vĩnh cửu. Chính vì thế các ông đã ký thác và tín nhiệm hoàn toàn vào Đức Giêsu.
Theo bước chân của Phêrô và các môn đệ chúng ta xác tín: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chọn và sống theo Chúa Kitô là cùng Ngài đi trong ban ngày của bình yên cuộc sống hay giữa đêm tối của phong ba thử thách như Phêrô và các môn đệ. Sống với niềm tin vào Ngài là khước từ cách hiểu biết, giác quan và lý luận thông thường, hơn hớt bên ngoài, nhưng là tin mà không thấy
(Ga 20,29) là vững bước với sự chọn lựa và xác tín theo Thầy.
M. Toliver, một nhà truyền giáo ở miền tây Trung Hoa, có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô-hữu nhiệt thành. Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện. Khi qua cơn nguy biến, đức bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói: “Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba ?”
"Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài"
(Tv (91,2).
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 22/08/2015.