Thứ sáu, 17/05/2024

Chúa nhật XX TNB

Cập nhật lúc 17:52 11/08/2015
(Ga 6, 51 – 58)
 
Bài 1:
"Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được"?
--------------------------
Để tiếp tục giảng dạy về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu giải thích bằng nhiều từ ngữ rất rõ ràng và cụ thể, có tính quyết đoán: "Bánh tôi sẽ ban chính là Thịt Tôi để cho thế gian được sống". Nghe vậy, nhiều người Do Thái tranh luận với nhau: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được"? Họ tranh luận vì không hiểu, hay nói đúng hơn vì không tin và không cảm nhận được Tình Yêu Chúa đối với nhân loại.
Đứng trước tình trạng như thế, chẳng những Chúa Giêsu không làm dịu, mà còn quyết đoán mạnh mẽ hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn Thịt Con Người va uống Máu Ngài, các ông sẽ không có sự sống trong các ông. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì có sự sống đời đời. Và Tôi, Tôi sẽ ở cùng người ấy cho đến tận thế".
Còn chúng ta, những người tin, chúng ta sẽ không làm gì khác để có sự sống đời đời, nếu không muốn đón nhận Bí Tích Thánh thể bằng tất cả con tim.
Khi minh hoạ Tình Yêu Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, các nghệ sỹ công giáo muốn dùng hình ảnh một con chim bồ nông mẹ cùng với đàn con. Khi không tìm được mồi cho con, chim mẹ lấy mỏ rỉa vào ngực chảy máu ra cho các chim con uống để cứu sống (Pie pellicane, Jesu domine).
Một hình ảnh khác, đó là hình ảnh một bà mẹ goá hy sinh mạng sống để cứu con: Khi Australia còn là thuộc địa của Anh quốc, có phong trào di dân từ Anh sang Australia để lập nghiệp. Trong đoàn người ra đi, có một bà mẹ goá cùng với đứa con thơ của mình. Tàu lênh đênh nhiều ngày đêm trên mặt biển. Lương thực  dự trữ của bà mang theo cạn kiệt. Trong khi đó, đứa con thì đói lả. Bà không dám ngửa tay ăn xin. Qua một đêm sóng gió, bà mẹ ấy nghĩ ra một phương thế cuối cùng may ra cứu sống con. Bà lấy dao rạch mạch máu nơi cổ tay cho con bú.. bú máu mình. Đứa con được cứu sống, còn mẹ thì chết lịm đi trong đêm tối. Sau này đứa nhỏ lớn lên, được bầu làm nghị sỹ trong quốc hộl. Một hôm trong khi họp quốc hội, để nhớ ơn mẹ, ông đứng lên kể lại toàn bộ câu chuyện đau thương của mẹ mình trong nước mắt ràn rụa. Ông đề nghị chọn một ngày trong năm để nhắc nhớ những người làm con luôn biết ơn người mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Đó là gốc tích ngày quốc tế các bà mẹ hiện nay.
Chỉ vì cuộc sống trần gian cho một đứa con, mà người mẹ đã can đảm hy sinh mạng sống mình. Phương chi Thiên Chúa, vì cuộc sống đời đời, tại sao Người lại không hy sinh, không ban thịt máu mình cho nhân loại chúng ta ăn sao ?
Thánh Gioan viết: "Thiên Chúa là Tình Yêu." Đã yêu thì cần phải có đối tượng. Đối tượng mà Thiên Chúa yêu là toàn thể nhân loại chúng ta. Thiên Chúa yêu nhân loại và muốn nhân loại sống tình thân mật với Người, có nghĩalà sống sự sống của chính Thiên Chúa. Nhưng nhân loại  chẳng những là không biết yêu lại, mà còn phản bội chống lại Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Thiên Chúa không tiếp tục yêu nữa. Bản chất của Thiên Chúa là yêu. Toàn bộ kinh thánh chỉ là một câu chuyện tình dài. Câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại vẫn tiếp tục diễn tiến và không bao giờ khép lại. Câu chuyện tình dài này càng ngày càng mạnh lên.
Đỉnh cao của Tình yêu đó là trao ban tất cả. Đỉnh cao của việc trao ban tất cả được thể hiện qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian".
Tình yêu đến chết của một người cũng là đỉnh cao: "không có tình yêu nào cao quí hơn là hiến mạng sống vì người mình yêu". Nhưng nhìn về một khía cạnh, tình yêu đến chết của một con người thuần tuý ấy đã chấm hết, không còn sống để tiếp tục yêu nữa. Còn tình yêu cao vời của Chúa Giêsu trên thập giá là Tình Yêu của Thiên Chúa làm người, đã chết nhưng đã phục sinh và đang sống. Như vậy Ngài yêu chúng ta mãi mãi!
Tình Yêu của Đấng Hằng sống hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể để tiếp tục trao ban, trao ban thịt máu Phục Sinh của Người. Khi chúng ta ăn thịt máu Phục Sinh ấy, chúng ta cũng sẽ sống bằng sự sống của Đấng Phục sinh: "Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy. Cũng như Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, nên Tôi sống nhờ Cha, thì kẻ ăn tôi, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Tôi." Như thế, Tình Yêu của Thiên Chúa là Tình Yêu luôn sống động và trào dâng không bao giờ cạn kiệt.
Có lẽ chúng ta không nên trách những người Do Thái xưa kia tranh luận với nhau về Chúa Giêsu: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được…”.   Sống trong một thế giới hưởng thụ, phần nào chúng ta cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy: sống hẹp hòi, ích kỷ, thích thu nhưng ít chi, thích nhận chứ không thích cho, hoặc nếu có cho đi , đều nhằm mục đích có lợi cho bản thân mình. Nếu tình yêu của chúng ta cũng bị chi phối như vậy, liệu tình yêu của chúng ta có phải là tình yêu mua bán không? (tình cho không biếu không.. chớ nên mua bán tình yêu!)
Thánh Augustino nói: "Hãy trở nên điều mà anh em đã lãnh nhận". Tất cả những người tín hữu chúng ta, đã lãnh nhận Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể, đã lãnh nhận Tình Yêu biếu không, thì chúng ta cũng phải là  con người của Bác Ái đem Tình Yêu Chúa Kitô đến cho mọi người. Chúng ta đã được cho không, thì hãy cho không lại, không đòi hỏi hay yêu cầu bất cứ điều gì. Sống ích kỷ, không cho đi, không yêu thương và không tha thứ, đó là sống trong bầu không khí nghẹt thở. Sống quảng đại, vui vẻ yêu thương nhau và tha thứ cho nhau, đó là một tình yêu sống động và dâng tràn trong đại dương mênh mông là chính tình Yêu Chúa.
Lm. Gioan Đặng văn Nghĩa
Bài 2:
 
 
TA LÀ BÁNH HẰNG SỐNG
Bắt đầu chương 6 của Tin Mừng thánh Gioan, sau khi làm phép lạ nhân thừa bánh để nuôi dân chúng theo Người nghe giảng, Đức Giêsu đã mạc khải cho dân chúng Do Thái và cho chúng ta hôm nay, Người là Bánh Hằng Sống nuôi chúng ta suốt chặng đường dương thế đầy cam go này. Chúa nhật hôm nay, chúng ta hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể, là Bánh Trường sinh và là  Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất mô tả buổi tiệc trong đó Đức khôn ngoan của Thiên Chúa đang dọn cho loài người thức ăn là Bánh Lời Chúa và thức uống là Rượu Thần khí.
Trong niềm say mê đơn sơ và vui vẻ Thần Khí ấy, thánh Phaolô mời gọi chúng ta mở lòng để toàn thể cuộc đời ta hát mừng Thiên Chúa. Bài Tin Mừng nói lên trọn vẹn ý nghĩa Lời Thiên Chúa mời gọi: Đấng tác thành và Cứu chuộc muôn loài đã muốn biến  bánh và rượu thành dấu chỉ của sự sống mà Ngài trao ban và giao ước vĩnh cửu với nhân loai.
Thánh Thể đúng là men Phục sinh cho những ai tin vào Đức Kitô Phục sinh. Qua Thánh thể Ngài cư ngụ trong chúng ta với tình yêu của vị Hôn phu, đến nỗi tặng ban hết cả Thân Mình và Bửu Huyết, và Ngài báo trước, ngay ngày hôm nay, việc chúng ta sẽ được đời đời kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi...
Vâng, Chúa Giêsu Thánh Thể là quà tặng của Chúa Cha ban cho loài người ( Ga 3,16 ). Như vậy khi hoàn thành ý Cha, Ngài trở nên Đấng trao ban chính mình làm quà tặng. Cùng với Chúa Cha, Ngài là tác nhân của hành động mang tính hiện sinh này: Trao ban sự sống mình. Các mối phúc cho ta thấy niềm vui của Ngài khi được làm Đấng Cha sai đến. Khi nói: “ Anh em hãy cầm lấy (mà ăn , mà uống)”, Ngài đã thực sự thi hành điều mà các mối phúc nói đến. Ngài chính là quà tặng.
Các môn đệ được mời gọi đến lấy. Họ không tự tiện lấy. Đây là một hồng ân do chính Đức Kitô khởi xướng. Bởi thế Ngài đã oai nghiêm tiến lên gặp những người lính đến bắt mình: “Chính Ta đây”. Chinh Ngài khởi xướng việc trao ban chính mình làm quà tặng. Khi bảo các môn đệ hãy cầm lấy, chính Ngài là người chủ động điều khiển. Sở dĩ các môn đệ cầm lấy, chính là vì Đức Kitô đã bảo họ làm thế.. Và cái họ cầm lấy, đó là thân mình Ngài, là chính con người Ngài đang tự trao ban. Họ loan báo việc trao nộp Đức Kitô, nhưng đồng thời, cử chỉ của họ cũng diễn ta điều ngược lai: một món quà yêu thương. Người chủ tiệc trao ban chính mình cho mỗi người. Người điều hành duy nhất ngự vào lòng khách dự tiệc. Ngài thiết lập một cộng đoàn huynh đệ mới, vì Ngài muốn sống trong lòng họ. ( Gm. Albert Rouet)
Bí tích Thánh Thể : Bánh cho cuộc lữ hành.  Bí tích Thánh Thể thực sự là một Bánh cho cuộc lữ hành. Bánh đi đường. Cũng như Manna nâng đỡ từng ngày cho dân Israel trên bước đường qua sa mạc, cũng thế thiên thần đã đặt tấm bánh bên cạnh ngôn sứ Êlia để ông đứng dậy và tiếp tục đi, Chúa muốn nuôi sống Giáo hội của Người; Người canh tân sức mạnh của Người mỗi ngày, để Giáo hội tiếp tục con đường lữ hành trên thế giới cho đến khi gặp được vương quốc đang đến.
Người ta thường đặt đối kháng giữa chiêm niệm và hoạt động, ưu tư của cầu nguyện và ưu tư cho việc dấn thân, giáo hội được quy tụ và Giáo hội tản mát. Làm thế nào loan báo mà không có chiêm niệm, làm thế nào nuôi sống mà không được nuôi? Làm thế nào đi trong bình an của Đức Kitô mà trước đó không hội nhập vào ?
Việc rao giảng Tin Mừng phải cắm sâu vào bí tích Thánh Thể, vì đến từ Thánh Tâm Đức Giêsu Kitô: đó là cuộc sống được ban phát, tấm bánh được nhân lên, ngọn lửa bùng cháy. Về mục đích bí tích Thánh Thể muốn dẫn chúng ta đến với trái tim của Đức Giêsu: luôn gợi dậy cơn khát, cơn đói trong tâm hồn con người. Một sự khao khát Thiên Chúa mà câu trả lời chỉ nằm trong bí tích Thánh thể, bánh sự sống và chén cứu độ. (L.M. Alain Bandelier )
Đức Giêsu ban cho ta tấm bánh. Ngài tự nhận mình là tấm bánh. Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Dức Giêsu về mình. Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa. Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Đức Giêsu.
 Cũng như trong Tin Mừng người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu giúp chúng ta tiến lên phía trước để hiểu rõ hơn điều mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: Không chỉ là nước, không chỉ là bánh, nhưng là nước vọt lên sự sống đời đời và một thứ bánh bất diệt! Chúa Giêsu nói rõ với chúng ta căn tính của Người: Người từ trời xuống-Trời chính là Thiên Chúa- và Người mời chúng ta ăn một thứ lương thực làm chúng ta nên vĩnh cửu! Giáo Hội kéo dài hành vi này của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Người có thực sự đáp ứng mọi đói khát của chúng ta không? Hay chúng ta còn phải tìm đâu khác, điều làm thỏa mãn mọi ước vọng của chúng ta? Chúng ta có đói cái tuyệt đối không?
 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta, và Ta ở trong người ấy.
Lời của Chúa Giêsu quá mạnh! Người hứa với chúng ta một lời hứa muôn đời, không chỉ sau khi chết mà ngay bây giờ. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu Kitô đến ở trong chúng ta. Không, Thiên Chúa không vắng mặt ở trần thế này. Người tiếp tục đến mỗi ngày. Thánh Augustinô đã quá hiểu mầu nhiệm này nên đã không do dự nói: Ôi hỡi bạn, dù bạn là ai, nếu bạn tin vào Người thì hãy chắc chắn rằng bạn sẽ được chia phần bánh đó: Sự vắng mặt của Thiên Chúa không phải là một sự thiếu vắng  (Giám mục Maurice Gardes).
Pr. Nguyễn Mai
  Bài 3: 
Muốn Sống Đời Đời Hãy Ăn Bánh Giêsu
 
(Ga 6, 24 – 35)
Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Họ được ăn bánh no nê nên tiếp tục tìm kiếm và đi theo Chúa. Vì không hài lòng với ý tưởng ấy, Chúa trách họ : "Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê" (Ga 6, 26). Sau lời trách, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì hãy tìm kiếm lương thực trường tồn là chính Chúa (x. Ga 6). Khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải cho họ luôn : "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51).
Hôm nay, tiếp tục diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu kêu gọi những người Do thái và cả chúng ta nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thoả. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người : "Là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).
Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giêsu phán ở trên : " Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi" (Cn 9, 1-5).
Nhưng Đức Khôn Ngoan ở đây là ai vậy ?
Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người ... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người "(Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).
Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng.
Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6). Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta : "Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi" (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gioan đã viết: " Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gioan và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời : "Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).
Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô mà thận trọng trong cách ăn nết ở : " đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan" (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho.
Chính do sự khôn ngoan của Thiên Chúa, con cái Israel mới có Manna từ trời rơi xuống làm lương thực để ăn dòng dã suốt 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ) ;  Va nhờ lòng từ bi mà Chúa sai Thiên Thần mang bánh đến cho Êlia ăn, nhờ "sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa" (1V 19, 8) ; Hay do chạnh lòng thương, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho "ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11)
Cho dù là Manna từ trời xuống, hay bánh Thiên Thần mang đến nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ là thứ lương thực rất tạm bợ, kẻ nào ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết, nghĩa là không có sự sống nơi mình.
Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.
Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh, nên trọn lành hãy nhớ lời sách Châm Ngôn dạy : "Hỡi những người ngây thơ hãy lại đây… hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế" (Cn  9, 5).
Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 Bài 4: 
BÁNH HẰNG SỐNG
Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,51- 58

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chia sẻ chứng từ về Thánh Thể:
… Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Ðến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, "Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào" (Ga 10,10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Ðất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6,53).
Mỗi tuần, sáng thứ Sáu có một buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Ðến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày.
Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người…
 Mình và Máu Chúa Kitô trở nên lương thường hằng sống như chính Ngài đã khẳng định: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống"(Ga 6,51), Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê cùng các bạn tù đã cảm nhận sự  sống của  Mình và Máu Chúa Kitô trao ban giữa cảnh tù đày…
Tin Mừng Ga 6,51-58, là phần kết của diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum (x. Ga 6,22-58), sau khi Chúa Giêsu khẳng định chính Ngài là Bánh ban sự sống được Giáo Hội gọi là Bí Tích Thánh Thể. Chúa Kitô  cho chúng ta biết ba hiệu quả của Thánh Thể: Thánh thể cho ta được sống muôn đời, Thánh Thể làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Thánh Thể làm chúng ta sống nhờ sự sống của Chúa Giêsu, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha.
·         Thánh Thể ban cho ta được sống muôn đời và được sống lại như Người phán: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Nếu như ngày xưa manna là của ăn được ban để nuôi thân xác, ngày nay hơn bất cứ của ăn nào, Mình Máu Chúa Kitô ban cho ta ơn thần hoá vĩnh cửu: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,48-50.58).  Bằng những lời xác quyết như thế, Chúa Giêsu giới thiệu cách long trọng Bánh hằng sống, Bánh muôn đời tồn tại và đầy quyền năng trao ban ơn sống đời vĩnh cửu cho tất cả những ai rước lấy trong đức tin với lòng trong sạch, đơn sơ, ngay lành.
·         Hiệu quả thứ hai của bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu như Người khẳng định: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Tôi ở trong người ấy” (Ga 6,56). Cách nói “ở lại trong” và “ở trong người ấy” (x. Ga 14,10-20; 15,4-5; 1Ga 3,24; 4,15-16) chỉ một sự trao đổi, kết hiệp vừa thân mật vừa tương hỗ. Chính dụ ngôn Cây nho và các cành sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa này hơn nữa (x. Ga 15,1-17): Người rước Thánh Thể ở lại trong sự sung mãn của Chúa Kitô, đón nhận sự sống Người tuôn chảy vào họ như dòng nhựa sống nuôi thân nho đơm trái. Répondre à :
·         Hiệu quả thứ ba của Thánh Thể là hệ quả của hiệu quả thứ hai khi kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô thì được sống nhờ sự sống của Ngài, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sự sống như vậy” (Ga 6,57).
Với ba hiệu quả trên, trong Thánh Thể, Chúa Kitô trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, Ngài trở nên như cơm bánh là sức sống của chúng ta. Cho nên rước Thánh Thể là cách thức duy nhất giúp tránh được tình trạng suy nhược thiêng liêng và cái chết linh hồn. Rước Thánh Thể là rước Chúa Kitô, sức sống của ta được tiếp sức sống Chúa Đức Kitô. Nếu chúng ta hiệp thông đều đặn vào sự sống này của Người, chúng ta đã được đặt để trong tình trạng ân phúc, và tình trạng này sẽ triển nở thành vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu. Nhất là người cô đơn tìm được nguồn an ủi; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau đớn tìm được sự chữa lành; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần; người mất niềm tin vào cuộc đời, vào con người tìm được chỗ nương thân; người hấp hối tìm được sự nâng đỡ vững vàng để bước ra khỏi cuộc đời; người bị bỏ rơi tìm được nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm. Trong Thánh Thể, Đức Kitô luôn giúp tôi và bạn trang bị đầy đủ hành trang và nghị lực tinh thần để bước qua đoạn đường dương thế và sẵn sàng tiến vào con đường mới của hiện tại, hướng  tương lai và dẫn tới quê hương hằng sống như Ngài hứa: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6, 58b).
Ý thức được sự giá trị tuyệt vời của Thánh Thể, Mẹ Têrêsa Calcutta, người mẹ vĩ đại phục vụ người nghèo và những người bệnh tật, cùng các nữ tu phục vụ người nghèo, luôn khởi đầu ngày sống và làm việc nặng nhọc bằng việc  gặp gỡ và rước Chúa Giêsu trong Thánh lễ…Noi gương Mẹ chúng ta yêu qúy Thánh Lễ, chúng ta trân trọng Thánh Lễ trong đời sống của mình: Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô tiếp tục trao ban Mình và Máu Ngài cho nhân loại như Ngài đã truyền: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,20), đó là nguồn sống của mọi chúng ta trong đời sống tâm linh, nơi Đức Kitô được trao ban cho các thực khách - chúng ta-  người tham dự Thánh lễ, thịt và máu làm thức ăn thức uống làm lương thực là chính Đức Giêsu, mà Người ban.
Hãy đến bàn tiệc Thánh Thể, như Thánh vịnh nói:  “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”(Tv 34,9).
                                                Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 15/08/2015.

 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Cách ăn ở chứng minh được đổi mới
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log