Thứ năm, 02/05/2024

Suy niệm Chúa nhật XXII TNB

Cập nhật lúc 09:05 25/08/2015
 

Bài 1:

“Bài giảng cho người giả hình”

---------------------------
 
Đọc và suy ngắm bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ thứ tôn giáo hình thức của một số luật sỹ và biệt phái. Vì chưng, họ chỉ gắn bó với những tập tục nhỏ nhoi mà quên mất giới răn đích thực của Tình yêu. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng bảo vệ các tông đồ của Ngài là những người đã bị một số luật sỹ và biệt phái tố cáo là không tôn trọng truyền thống của cha ông.
Họ nói với Chúa Giêsu: “Này ông Giêsu, đồ đệ ông là những người nhơ bẩn vì không rửa tay trước khi ăn! Còn ông, ông nói là ông là người được Thiên Chúa sai đến, thế mà ông lại dung tha cho đồ đệ ông điều đó”!
Chúa Giêsu có thể trả lời họ bằng một dụ ngôn của người Ý: “Ai muốn quở trách người khác, thì trước hết phải kiểm tra mình trước đã”. Và cụ thể là Ngài nói thẳng với những người biệt phái rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisiêu! Các ngươi nôp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ”.
Khi trung thành tuân giữ một loạt các điều khoản, chúng ta dễ tự cho mình là sạch tội trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cho mình là hoàn thiện và tự mãn với chính mình. Thiên Chúa quở trách những người giữ đạo một cách máy móc và hình thức. Thiên Chúa quở trách họ vì họ thiếu cái căn bản: đó là thiếu tình yêu! “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.
-          Chúng ta cũng có thể là những người giả hình, mỗi khi chúng ta bằng lòng về tập quán và những thực hành về tôn giáo của chúng mà lại quên đi việc phục vụ anh chị em .
-          Chúng ta cũng có thể là những người giả hình, mỗi khi chúng ta đi hành hương nơi này nơi khác để mà chạy trốn khỏi các bệnh viện nơi mà biết bao bệnh nhân đang chờ đợi một lời động viên của chúng ta.
-          Chúng ta cũng có thể là những người giả hình, mỗi khi chúng ta không lần hạt hoặc bỏ tham dự một buổi kinh bằng cách biện luận rằng chúng ta là những người đạo đức sâu thẳm và chiêm niệm.
 
Bên cạnh những kiểu đạo đức giả hình, còn có những kiểu đạo đức giả dối nữa sẽ không làm vui lòng Thiên Chúa:
Kiểu đạo đức áo trùm ngoài để che áo rách. Bao bọc bản thân mình bằng áo choàng tôn giáo để che giấu khuyết điểm của mình:  Học giáo lý để được phép tổ chức đám cưới nhiều người tham dự, rồi sau đó bỏ đạo. Chịu phép Rửa Tội để được lợi lộc vật chất hoặc chỉ vì mục đích chính trị.
 Bài Phúc Âm hôm nay không những chỉ là lời tố cáo những lối đạo đức giả tạo, mà còn soi sáng cho chúng ta biết những lỗi lầm đích thực. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng đi vào lốt chân của những người người chỉ giữ những răn truyền thống mà lại bỏ giới răn Tình Yêu. Các môn đệ của Chúa Giêsu, không rửa tay trướckhi ăn, thì chẳng có sai phạm gì!
Có nhiều người không dám rước lễ trên tay vì nghĩ rằng ngày xưa đâu có thế! Điều quan trọng ở đây không phải là trên tay hoặc trực tiếp nơi miệng, nhưng là chúng ta có đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể với một tình yêu say đắm không.
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: điều quan trọng không phải là cái chúng ta làm được, nhưng là ý định làm của chúng ta có phát xuất từ con tim không.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng vội bào chữa lỗi lầm của chúng ta:
-          Cần phải tìm xem tội đó có phát xuất từ con tim hay không, hơn là từ những yếu tố bên ngoài có thể trông thấy được.
-          Kết quả bên ngoài của tội không đủ tạo nên sự trầm trọng của hành động. Điều quan trọng đối với mỗi người chúng ta, là có đủ chân thành để nhận ra những ý định xấu ở trong chúng ta không?. Những ý định xấu đó mới là căn bản của tội. Khi nhận ra lỗi lầm của mình từ bên trong, chúng ta hãy xin Thiên Chúa thứ tha bằng sự ăn năn đích thực.
Tốt nhất hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn trung thực. Ơn đó giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm thực sự và giúp chúng ta rửa sạch những vết đen trong con tim,  vì dụ ngôn của người Arập nói: “Con lạc đà không bao giờ nhìn thấy cái bướu của nó”.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
 
BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI
                                                                                                
Có người nhìn đời mà ngao ngán bảo rằng: sao Thiên Chúa không tạo dựng “thế thật” mà lại tạo dựng “thế gian”? Thế gian nên lắm gian tà. Thế gian nên con người hay sống gian dối, lừa lọc với nhau và thiếu hẳn lối sống đơn sơ, chân thành. Thực ra thế gian ở đây không phải là thế giới gian tà mà là trần thế, dương gian. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp. Sự xấu do ma qủy gieo vào thế gian qua tâm hồn con người.
Trước tiên, nó gieo vào trong con người sự ngờ vực Thiên Chúa. “Cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu! Cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa”. Con người đã để cho hạt giống ước muốn phản bội Thiên Chúa lấn chiếm vị trí số 1 trong tâm hồn. Thay vì bình an vô tư sống trong sự che chở của Thiên Chúa, con người lại nuôi dưỡng sự ngờ vực và ấp ủ những toan tính bất trung, phản bội. Hậu quả là sự xấu đã đi vào trần gian. Sự xấu chìm sâu trong bản tính con người. Sự xấu có thể bộc phát và thống lĩnh con người, nếu con người buông mình theo thói đam mê dục vọng và sống lười biếng ươn hèn. Quyền lực của sự dữ đã thống trị con người đến nỗi con người dễ làm điều xấu hơn điều thiện. Từ ngày nguyên tổ nghi ngờ Thiên Chúa cho đến hôm nay con nguời vẫn luôn nghi ngờ lẫn nhau. Từ nghi ngờ đến lối sống “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, và tệ hại nhất là sống giả hình với nhau.
Một thế giới “vàng thau lẫn lộn” nên khó phân biệt đâu là thiệt đâu là giả. Và càng khó phân biệt ai là người tốt ai là người xấu. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay luôn có những ngừơi sống giả dối, sống hai mặt: “Đi với Chùa mặc áo Càsa - Đi với ma mặc áo giấy”.  Vẻ bên ngoài thường nguỵ trang cho những ý đồ đen tối đầy bất chính và gian tà bên trong.
Lời Chúa hôm nay cảnh cáo lối sống giả hình của nhóm biệt phái và luật sĩ năm xưa. Họ chú trọng đến việc canh tân hình thức bên ngoài mà quên đi việc canh tân tâm hồn. Họ nhạy cảm với sự dơ bẩn bên ngoài như đồ ăn, thức uống và vật dụng mà quên đi điều quan yếu của lề luật là gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn. Lề luật không nhằm bảo đảm cho con người được sạch sẽ thân thể, được bảo đảm an toàn thực phẩm mà nhằm gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người và bảo vệ con người khỏi những sự ô uế của tâm hồn. Thế nên, gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn quan trọng hơn là sự sạch sẽ bên ngoài. Thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ tội lỗi cần thiết hơn là những nghi lễ bên ngoài. Philatô đã từng rửa tay nhưng liệu rằng tâm hồn ông có thanh thản bình an khi dối mình “vô can trong cái chết của người công chính?”. Biết bao người đã dùng bàn tay để làm sự ác như giết người, cướp của . . . và họ cũng đã từng rửa tay cho sạch, nhưng làm sao họ rửa được tội ác mà họ đã gây nên? Bàn tay chỉ là dụng cụ. Bàn tay không làm nên tội. Bàn tay bị sai khiển bởi tâm địa gian ác và lưu manh của con người.
  Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế". Thế nên, điều cần rửa là rửa tâm hồn sạch mọi những toan tính bất chính, cần phải loại bỏ những ý đồ dơ bẩn, và tránh xa những cám dỗ tội lỗi của ma qủy luôn dẫn dụ con người đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.
Con người ngày nay dường như cũng chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài. Người ta trau truốt vẻ đẹp bên ngoài bằng biết bao mỹ phẩm. Chấp nhận tiêu hao tiền của nơi các thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp, nhưng ít ai nghĩ đến phải trau dồi nhân đức cho xứng với phẩm giá con người. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để gìn giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu khổ chế để gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn. Ngày xưa người ta chú trọng đến cái nết, vì “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng hôm nay “cái đẹp đang đánh dẹp cái nết”.
Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài mà lãng quên phẩm chất đạo đức nên con người đã đánh mất hướng đi của mình. Hậu quả là cả một trào lưu ăn chơi truỵ lạc, thoái hoá đạo đức đang làm băng hoại xã hội, đánh mất đi  những thuần phong mỹ tục nơi gia đình và xã hội. Tội lỗi ngày một gia tăng. Sự ác ngày một lan tràn.
Vâng, vẻ đẹp bên ngoài là cần thiết nhưng điều quan yếu mà chúng ta phải phấn đấu là sống sao cho nên người. Thiết tưởng lời dạy của tiền nhân năm xưa : “đói cho sạch, rách cho thơm”. “Làm người phải có lòng nhân” phải là lời dạy cho con người hôm nay. Đẹp thể xác và đẹp cả tâm hồn mới có ích cho xã hội, bằng không chỉ là hoa, là cỏ, là vật vô tri vô giác, có khi còn có hại cho gia đình và xã hội.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết thanh luyện tâm hồn của mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn, để tâm hồn luôn thanh khiết vẹn toàn. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết trân trọng, yêu qúy phẩm giá cao qúy của con người là hình ảnh Thiên Chúa để biết sống cao thượng, sống đúng với luân thường đạo lý và nhất là biết sống theo lề luật của Chúa để bình an của Chúa luôn cư ngụ mãi trong cuộc đời chúng ta. Amen
 Pr. Nguyễn Mai (st )
 
 Bài 3:

 
 Lề Luật là dấu chỉ tình yêuThiên Chúa
(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)
Chúa nhật thứ XXII thường niên B đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng Marcô, với sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra rằng, giữa bao nhiêu phong tục tập quán của loài người còn có những Luật Lệ của Thiên Chúa. Lề Luật ấylà yếu tố nòng cốt của Do thái giáo cũng như Kitô giáo, nơi Lề Luật,chúng ta tìm thấy sự hoànhảotrongtình yêu (x. Rm 13,10). Và Lề Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng haysựgò bóđốivới con người, đúng hơn Lề Luật là hồng ân quý giá, vì nó chứng tỏ thấy tình yêu của Thiên Chúa là Cha luôn gần gũi với con người là thần dân của Chúa, cùng với họ viết lên một lịch sử tình yêu.
Vì yêu mến con người Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (x. St ). Cũng vì muốn con người vui sống hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban truyền các Thánh chỉ của Ngài là Lề Luật để hướng dẫn con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ của ích kỷ và dẫn vào trong "miền đất" của sự tự do và sự sống đích thật. Những người Do thái đạo đức thường cầu nguyện như sau: "Nơi các luật điều của Người, tôi vui khoái, tôi sẽ không quên lời lẽ của Người… Xin cho tôi vững bước trên nẻo đi lệnh truyền, vì nó là nguồn sung sướng của tôi" (Tv 119,16.35).
Thánh chỉ của Chúa được ban qua trung gian Môisen, và Môisen có bổn phận phải thông truyền cho dân như sau: "Và bây giờ, hỡi Israel, hãy nghe các luật điều và phán quyết ta dạy các ngươi thi hành, ngõ hầu các ngươi được sống mà vào chiếm lấy đất Thiên Chúa của cha ông các ngươi muốn ban cho các ngươi" (Ðnl 4,1).
Với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫn tượng, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. Như thế tôn giáo lạc mất ý nghĩa đích thật của nó là sống trong thái độ lắng nghe Thiên Chúa để làm theo ý muốn của Ngài. Tôn giáo tự giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thỏa mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đã đành với thời gian qua đi con người có xu hướng bóp méo những lời khuyên Tin Mừng, và sau khi đã suy xét, họ thay đổi hoặc bóp nghẹt bởi do dự : "Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng …"(Mc 7,4). Vì thế những người sống đạo bình dân, đã không nghe lời các tiến sĩ luật và những người pharisiêu, họ gắn bó với Lời Chúa hơn là vấn đề con người chú trọng. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình chống lại các kinh sĩ và các Pharisiêu : "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng : 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người" (Mc 7, 7; x. Is 29,13). Và Người kết luận : "Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người"(Mc 7, 8). Cả tông đồ Giacôbê, trong thư của người, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Người viết cho các kitô hữu như sau: "Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình" (Gc 1,22).
Lúc sinh thời, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhân danh toàn thể Giáo hội ngỏ lời xin lỗi vì những điều không tốt con cái mình đã gây ra trong suốt chiều dài của lịch sử, trong nghĩa đó ngài bộc bạch rằng con cái mình "đã đi quá xa Tin Mừng".
Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta : "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế" (Mc 7,15). Chỉ có những gì từ lòng người xuất ra, từ trong tòa án lương tâm của chúng ta mới có thể làm chúng ta ra ô uế. Chính sự độc ác này làm hư hỏng cả và nhân loại. Lòng thương xót của chúng ta không chính đáng với chính mình,nhưng giữ tâm hồn chúng ta không bị nhơ bẩn,"rửa tay" (của Philatô dẫn đến cái chết cả Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta điều đó).
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu diễn tả điều ấy cách chắc chắn trong cuốn Nhật Ký Tâm Hồn : "(…) Khi chiêm ngắm thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, tôi đã hiểu rằng Giáo hội có một trái tim tình yêu cháy bỏng". Từ trái tim ấy, Tin Mừng tìnhyêutrào dâng những điều tốt hảo, cụ thể là giúp đỡ nhữngai cần giúp "vì ta đói, các người đã cho ăn..." (Mt 25,35).
Xin Ðức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là con cái Mẹ biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và chân thành, để Mẹ hướng dẫn các tư tưởng, các lựa chọn và hành động của chúng ta mỗi ngày. Amen.
 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Bài 4: 
ĐẠO CỦA CON TIM
Dnl 4,1-2.6-8; Gc1,17-18.21b.22-27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Một cha xứ mới được bổ nhiệm đến một nhà thờ ở tiểu bang Kentucky, không mấy xa trường đua Churchill Downs nổi tiếng. Vào ngày Chúa Nhật đầu tiên, cha xứ mới đã giảng về cái xấu của cờ bạc, đánh cá độ và những tai họa do cờ bạc gây nên cho một số gia đình. Sau Thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ liền đến bên cha tân cha xứ  và bảo rằng những người dâng cúng cho nhà thờ đa số là những người đua cá ngựa và cờ bạc…
Vào Chúa Nhật thứ hai kế tiếp, cha xứ giảng về nạn hút thuốc và những tai họa do hút thuốc gây nên, như bị ung thư phổi và chết sớm... Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những người trồng cây thuốc lá, và tiểu bang Kentucky là nổi tiếng nghề này.
Vào Chúa Nhật thứ ba kế tiếp, cha xứ giảng về nạn uống rượu bia và tai họa do rượu bia gây nên cho các gia đình, như gây tai nạn xe cộ và đập phá nhà cửa. Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những nhà nấu rượu và tiểu bang Kentucky nổi tiếng về công việc này.
Cha xứ thất vọng mới hỏi lại ông chủ tịch rằng: "Vậy tôi có thể giảng về vấn đề gì?" Ông chủ tịch liền trả lời: "Hãy giảng chống lại các nhà chính trị lừa đảo, mà trong giáo xứ chúng ta không có những hạng người này."
Giữ đạo hình thức, theo cách suy diễn của cá nhân bỏ lề luật Thiên Chúa để giữ những điều con người tự coi là đúng… Chúa Giêsu đã nói với những người biệt phái về cách sống đạo  hình thức ấy như sau:”Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).
 Biệt phái và Luật sĩ giữ đạo theo cách giải thích của mình, họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật, cho nên giữ trọn lề luật là giữ đạo. Ðặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Có những trường hợp bị coi là ô uế: những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo, người tội lỗi như ngoại tình, thu thuế. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế vì thế họ lên án Chúa Giêsu khi người tiếp xúc, nói chuyện, đồng bàn với người bị coi là tội lỗi (x. Mt 9,10 - 11). Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Vì thế để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.
Rửa tay trước khi ăn trên phương diện nhân bản rất cần thiết vì giữ vệ sinh cho sức khỏe con người.Trong tôn giáo cũng là tập tục  cao quí mang ý nghĩa rất thanh cao, thánh thiện: các tư tế rửa tay để thanh tẩy trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa để nhắc nhở sự thanh sạch của bản than khi tế lễ. Sau này dân chúng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện. Với ý nghĩ cao đẹp này họ đã rửa tay trước bữa ăn, vừa giữ vệ sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên,vì người biệt phái quá vụ hình thức mà quên điều thiết yếu là nội tâm con người cần phải thanh tẩy, họ phán đoán người khác chỉ dựa trên hành vi rửa tay trước bữa ăn, coi người khác xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài…
Thiên Chúa muốn con người đặt tinh thần là trên hết, đặt tình yêu Chúa vào chỗ thứ nhất khi tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt lề luật vào đúng vị trí của nó. Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim, chứ không phải chỉ rửa tay, rửa các đồ vật bên ngoài. Cái cốt lõi của lề luật vẫn là tình yêu và từ tình yêu thể hiện ra cách sống bên ngoài. Cho nên, nếu giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi lề luật là mến Chúa yêu người là giả tạo hình thức và vụ lợi. Vì thế, Ðức Giêsu chê trách họ là giả hình: chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu mượn hình ảnh những mồ mả quét vôi trắng tinh để nói cho những người Biệt Phái: đạo đức giả che đậy tội lỗi nhu mồ mả quét vôi trắng tinh, sạch sẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa (x. Mt 23,27-32) ”. Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13)  nặng lời chỉ trích họ : “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”(Mc 7,6). Chúa còn nói thẳng với họ về cách sống bên ngoài:“Không phải môi miệng cứ lâm râm lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là phải làm theo ý Cha trên trời” (Mt 7,21). Chính việc làm theo ý Chúa Cha mới được vào Nước Trời chứ không phải việc tôn thờ giả dối ngoài môi miệng hay giả hình bên ngoài.
Kinh Thánh nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các lề luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x.Đnl 4, 1-2. 6-8). Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh. Ðạo Chúa là tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo, sống đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy : “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Cho nên cần trở về với trái tim qua lối sống tình yêu, trong lúc chúng ta luôn gồng mình sống với cái tôi, cái tôi được sơn phết lớp mặt nạ, lớp mặt nạ giả hình, dối trá, thiếu thành thật, là những điều chúng ta tự coi là đúng và đi lệch với lề luật của Thiên Chúa mà theo suy nghĩ của con người.
Như Lời Chúa kêu mời: "Hãy tạo cho mình một trái tim mới" (Ed 18,31), một trái tim được thanh tẩy theo luật Tình yêu.
Vâng, xin Chúa cho con như lời Chúa truyền: "Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới" (Ed 36,25).
Trái tim trong sạch là nguồn suối thực thi luật…
              
 
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 29/09/2015
 


 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log