Thứ năm, 02/05/2024

Suy Niệm Chúa Nhật XXVI TN B

Cập nhật lúc 22:58 23/09/2015
Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu không có ý đi vào một cuộc tranh luận khôn ngoan hoặc có tính triết lý với các tông đồ về sự khoan dung. Có lẽ Ngài chỉ nói với họ: “Tốt hơn hết là anh em hãy khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính mình”.
CHỦ NHẬT XXVI
PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42. 44. 46-47
 
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Bài 1:
 
"Ai không chống đối chúng ta là thuận với chúng ta".
----------------------------------
Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe là một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Gioan. Cuộc đối thoại này xoay quanh chủ đề ai là người thuộc về Chúa Giêsu? Đối với chúng ta, Thiên Chúa chọn lựa luôn là bất ngờ… và chúng ta thường nói rằng: khó mà hiểu nổi! Gioan thuộc nhóm mười hai tông đồ rất khó chịu khi thấy một người không thuộc nhóm mình cũng đã nhân danh Chúa và trừ quỷ được. Gioan thưa với Chúa: "lạy Thầy chúng tôi thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta và chúng tôi đã ngăn cấm y".
Như thế, Gioan đã mang nặng tư tưởng cục bộ và ghen tương. Tội Giáo Hội  en tương đã vào thế gian và nhập vào con người ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội: Cain ghen tương Aben, các anh em nhà Giacop ghen Giuse vì Giuse được cha yêu quý hơn.
Vì thế, không lạ gì mà Gioan đã phản ứng những người không thuộc nhóm mình, lại cả gan nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ. Gioan không biết rằng chính Thần Khí trong Đức Giêsu đã ban cho Gioan và nhóm tông đồ được phép trừ quỷ.
 
Thánh Phaolô đã nói: "Không có ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong thần khí". Vì thế, Gioan đã mắc phải sai lầm.
 Trước thái độ phen bì của Gioan, câu trả lời của Chúa Giêsu vừa trách móc, vừa hướng tới ơn gọi phổ quát và đặc biệt vừa đưa ra tiêu chuẩn của người thuộc về Chúa: "Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta... ai nhân danh Thầy mà cho anh em một ly nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu".
Câu trả lời này thật đáng giá cho đời sống hàng ngày của chúng ta giữa một thế giới đa tôn giáo. Khi có ai đó không biểu lộ sự ngược đãi với những người Kitô hữu chúng ta, tại sao chúng ta lại có thể xét đoán họ không thuộc về chúng ta. Chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt con tim và tư tưởng của con người. Thiên Chúa lại không ban ơn huệ cho bất cứ ai yêu mến Người sao? Thiên Chúa hoàn toàn tự do và hướng tới mọi người. Người yêu và cứu độ tất cả!
Chắc chắn điều này vượt quá khả năng của chúng ta!
- Chúng ta khó hiểu được người không thuộc về cộng đoàn Giáo Hội  như chúng ta, nhưng họ vẫn có thể phụng sự Thiên Chúa.
- Chúng ta rất dễ bị cám dỗ như các tông đồ xưa ngăn cấm trừ quỷ và mở mang nước Chúa. Nếu có ai đó nhìn bề ngoài không thuộc về nhóm chúng ta, chưa là Kitô hữu, nhưng người đó đã thể hiện tình hiệp thông đích thực khi họ làm điều tốt.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan dạy chúng ta kinh nghiệm chung, nhất là khi sống trong một thế giới đa tôn giáo. Người mời gọi chúng ta mở của, đừng khép kín: "Ai không chống đối chúng ta là thuận với chúng ta".
Đây cũng là cách Người nói với chúng ta rằng có nhiều người không có trong danh sách của chúng ta, nhưng cũng thuộc về chúng ta. Vì Người đã nói: "Vậy cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai...Cây mà tốt thì quả cũng tốt, cây mà xấu thì quả cũng xấu, vì xem quả thì biết cây".
Như thế, chúng ta có thể thấy có nhiều quả tốt bên ngoài cộng đoàn của chúng ta, chính là vì có nhiều cây tốt ngoài cộng đoàn: “Ai nhân danh Thầy mà cho anh em một ly nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu". Ngược lại, cũng có những quả xấu bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn của chúng ta. Điều đó muốn nói rằng có những cây xấu bên trong và bên ngoài cộng đoàn chúng ta.
Như vậy, Chúa dẫn chúng ta đến kết luận: cần phải loại trừ nguyên nhân gây nguy hiểm cho cộng đoàn. Nếu Chúa Giêsu nhân từ và cảm thông đối với những ai không chống lại chúng ta, thì ít ra Người cũng nghiêm khắc với những kẻ dám xúc phạm đến một trong những kẻ bé mọn nhất.
Phần chúng ta, chúng ta có thể trở nên thù địch với những người thuộc về Chúa khi chúng ta ghen tương với người đã nhận được nhiều ơn lành hơn chúng ta:
  • Em học sinh này ghen tương với em học sinh khác học giỏi hơn,
  • Gia đình này phen bì với gia đình khác giàu hơn,
  • Họ đạo này nạnh tị với họ đạo khác đạo đức hơn,
  • Quốc gia này ganh tị với quốc gia khác mạnh hơn.
Cứ như thế nạn khủng bố ngày càng nảy sinh. Khủng bố ngay trong cộng đoàn kitô và có thể cả trong cộng đoàn tu trì. Càng tị nạnh bao nhiêu, chúng ta càng xa Chúa bấy nhiêu. Gia đình, cộng đoàn, xã hội và thế giới chỉ hạnh phúc khi nào con người biết tôn trọng và học hỏi những điều tốt của nhau.
Mỗi người chúng ta hãy tự nhủ mình: người khác hơn tôi, tôi càng được cậy nhờ. Người khác hơn tôi, tôi càng phải cố gắng để vươn lên. Tôi chỉ thuộc về Chúa, khi nào tôi biết nhìn nhận yếu kém của mình và tôn trọng cũng như học hỏi những điểm tốt nơi anh chị em xung quanh tôi, dù điểm tốt ấy chỉ là bố thí một ly nước lã !
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:

 

Khoan dung hay là nghiêm khắc

--------------------------------------------------
Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu không có ý đi vào một cuộc tranh luận khôn ngoan hoặc có tính triết lý với các tông đồ về sự khoan dung. Có lẽ Ngài chỉ nói với họ: “Tốt hơn hết là anh em hãy khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính mình”.
Khi thưa với Chúa Giêsu, xem ra Gioan không vui mấy: “Thưa Thầy, Thầy có nhận thấy điều gì vừa xẩy đến cho chúng con không? Thầy sai chúng con đi giảng đạo, chữa bệnh, trừ quỷ vv…Thế nhưng chúng con thấy có người không theo chúng ta mà họ cũng dám nhân danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con tìm cách ngăm cấm người đó.”
Chúa Giêsu bình tĩnh mời Gioan hướng tới một tinh thần quảng đại hơn: “Này Gioan, con có lý. Người đó không ở với chúng ta, nhưng có đức tin tốt. Người đó trừ quỷ và làm như vậy nhân danh Thầy. Một cách nào đó người đó đã tin vào Thầy. Vậy như thế có gì là xấu đâu?  Anh em là môn đệ yêu dấu của Thầy, nhưng anh em không có độc quyền về ơn thánh của Thiên Chúa đâu nhé”.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, khoan dung trước hết là không được độc quyền. Tất cả chúng ta đều biết câu nói lừng danh đã làm cho nhiều người và cả những người kitô hữu kinh hoàng: “Ngoài Giáo Hội , thì không có ơn cứu độ”. Nhiều người đã giải thích câu nói này như là một dấu chỉ bè phái của Giáo Hội  Công Giáo. Tất nhiên câu nói này hoàn toàn đúng, nhưng với điều kiện cần phải được đánh giá đúng ý nghĩa của nó, đó là con người không có thể tự mình cứu độ được mà phải cần có ơn thánh và lời cầu nguyện của những người khác. Câu nói này cần phải được đặt lại trong văn mạch của bài Phúc Âm: Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Sau hết vấn đề cần xem xét ở đây ai là người đích thực ở trong Giáo Hội. Người ta có thể ghi danh vào Giáo Hội ngày chịu phép Rửa tội và làm một công chức gì đó trong Giáo Hội, nhưng do tội lỗi họ đã cắt đứt mối liên hệ với Chúa Kitô như cành bị cắt khỏi cây không còn nhựa sống. Ngược lại, có những người không biết Giáo Hội, nhưng thành thật tin tưởng vào một tôn giáo, thì một cách nào đó họ cũng thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô vì họ đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi thần khí mà sinh ra cũng vậy”. Thánh Thần không chỉ làm việc trong Giáo Hội   mà còn làm việc trong toàn thể nhân loại để nhân loại hướng về thủ lãnh của mình là Đức Kitô. “Quả thật những ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”.
Chúng ta vẫn gặp những người thiện chí này thuộc các tôn giáo khác. Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta sống cởi mở với các anh chị em không hoàn toàn hiệp thông với chúng ta, cởi mở với tất cả những ai mà truyền thống của họ có những yếu tố quí giá về tôn giáo và nhân đạo.
Trong thế giới chúng ta đang bị mất phương hướng, vẫn có những người sống niềm tin tốt và làm điều thiện do lời nói cũng như việc làm thiện chí của họ, vẫn có những người cầu nguyện đích thực từ con tim họ, mặc dù họ không chính thức thuộc về Giáo Hội. Chúng ta không thể kết luận rằng Thiên Chúa không nhận lời cầu nguyện của họ.
Những người Công Giáo chúng ta đang ở trong Giáo Hội, đừng bao giờ vội vàng đánh giá mình ở thế thượng phong:
- Đừng độc tài về lòng bác ái vì cũng có biết bao người không cùng tôn giáo cũng giúp đỡ và săn sóc các nạn nhân một cách rất tốt.
- Đừng độc tài về chân lý vì anh em chính thống sẽ có thể dễ dàng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quên hơi nhanh tiếng nói của Thánh Thần.
- Đừng độc tài về những phép lạ và các lần hiện ra của Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Chúng ta không có thể cấm Thiên Chúa làm phép lạ chữa bệnh cho những người không thuộc tôn giáo chúng ta.
Vì thế nếu không đánh giá đúng những người chúng ta thường gặp, chúng ta sẽ không có thái độ khoan dung.
Khi Chúa Giêsu càng dịu hiền và khoan dung đối với những người còn chưa tin, chúng ta càng phải nghiêm khắc với chính mình, đến tội lỗi có thể phá huỷ đời sống thiêng liêng. “Nếu chân người làm dịp tội cho ngươi, thì hãy chặt nó đi. Thà rằng một chân, mà được vào nước trời còn tốt hơn là có cả 2 chân mà phải ném vào hoả ngục”. Đương nhiên, là chúng ta không được phép hiểu câu nói này theo nghĩa đen. Nếu Chúa nói thẳng như vậy là vì Ngài muốn giúp đỡ chúng ta ý thức về tội lỗi của chúng ta để xin Ngài tha thứ cho chúng ta.
Nếu chúng ta thực sự gần gũi Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình tội lỗi. Cha Varillon viết: “Vết nhơ dù nhỏ bé nhất cũng trở nên xấu trên chiếc áo dài trắng đẹp”.
Các thánh thường khóc lóc vì tội lỗi của mình. Có nhiều người sống xa rời Thiên Chúa, nhưng khi xưng tội lại nói: “Thưa cha, con không ăn trộm, không giết người và cũng không tà dâm…”. Cách xưng tội như vậy rất nghèo nàn và dường như người đó đã chết phần linh hồn. Khi chúng ta không cảm thấy mình có lỗi gì ghê gớm, thì chúng ta rất dễ không tự trách mình. Chính trong những lúc như vậy, chúng ta thường từ chối một tình yêu cao cả của Thiên Chúa.
Đẹp, giàu có và khoẻ mạnh thì tốt hơn là xấu nghèo và ốm yếu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu có cách làm đảo lộn bảng giá trị đó và Ngài nói thẳng với chúng ta: “Đẹp để làm gì, nếu cái đẹp đó dẫn chúng ta đến tội lỗi? Giàu để làm gì, nếu sự giàu có đó cản trở chúng ta khám phá ra những giá trị đích thực? Khoẻ mạnh để làm gì nếu chúng ta tiêu hao năng lực quý giá đó vào một cuộc sống tầm phơ vô bổ?”
Chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi làm được gì với những ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho tôi?.” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã quở trách dân Israel vì đã dâng tiến các thần giả dối quà tặng mà chính Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn chúng ta, may mắn vì có một sức khoẻ phi thường, nhưng chúng ta đã làm được gì  tốt với sức khoẻ như vậy? Trong một xã hội khó kiếm sống, chúng ta may mắn có công ăn việc làm với đồng lương cao, chúng ta đã làm gì với đồng lương đó?
Tội lỗi mà Chúa tố cáo mạnh mẽ nhất là tội quên sót: “Vì xưa Ta đói mà các ngươi đã không cho Ta ăn”. Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng bài Phúc Âm hôm nay chỉ cho chúng ta thấy lòng khoan dung vô bờ của Chúa Giêsu. Ngài không phàn nàn đối với những ai chưa có bước đi quyết định để vào Giáo Hội. Ngài ban Thánh Thần để giúp họ chuẩn bị con tim vào một ngày nào đó sẽ nhận ra Ngài. Ngài chỉ nghiêm khắc với những ai nói rằng mình là môn đệ đích thực của Ngài. Nhưng sự nghiêm khắc này vẫn mang dấu ấn của tình Yêu giúp chúng ta khám phá và nhận ra những lỗi lầm của mình, để mà xin Ngài ban ơn tha thứ mà thôi.

 
 

 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:
Chúa nhật XX TNB (11/08/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thiệp mời Thánh lễ Tạ ơn LÀM PHÉP VIÊN ĐÁ và KHỞI CÔNG xây dựng Thánh đường giáo họ Vân Thê
Thiệp mời Thánh lễ Tạ ơn LÀM PHÉP VIÊN ĐÁ và KHỞI CÔNG xây dựng Thánh đường giáo họ Vân Thê
Kính thưa Cha Tổng Đại diện, Quý Cố và Quý Cha, Giáo xứ Vân Thê chúng con vui mừng được Đức Cha Đaminh về dâng Thánh lễ tạ ơn - khởi công, làm phép và đặt viên đá góc xây dựng nhà thờ vào lúc 9g00 sáng ngày 06/05/2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log