Thứ năm, 02/05/2024

Suy niệm Chúa nhật XXV TNB

Cập nhật lúc 10:56 17/09/2015
WGPHH: Cuộc khổ nạn của Ngài đến gần. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người”. Đương nhiên, đó là một tin rất giật gân, nhưng cũng rất khó có thể nghe được. Các tông đồ không những tìm cách ỉm đi tin giật gân đó mà còn rất sỗ sàng bàn tán về địa vị tương lai của mình.
Bài 1:
Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và phục vụ mọi người
-------------------------
Bài Phúc Âm hôm nay mô tả Chúa Giêsu đi ngang qua vùng Galilêa. Đang lúc đi đường, Chúa tiếp tục lên lớp giáo dục các môn đệ của ngài về giáo lý kitô giáo.
Đây là một chương quan trọng: Cuộc khổ nạn của Ngài đến gần. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người”. Đương nhiên, đó là một tin rất giật gân, nhưng cũng rất khó có thể nghe được. Các tông đồ không những tìm cách ỉm đi tin giật gân đó mà còn rất sỗ sàng bàn tán về địa vị tương lai của mình. Ngài biết rõ họ đang thì thầm với nhau. Khi đến Capharnaum, Chúa thẳng thừng hỏi họ: “Này, anh em đừng giả vờ bí mật, Thầy biết cả rồi, Thy biết dọc đường anh em nói với nhau cái gì rồi”. Thế là họ im lặng không còn vênh vang như trước nữa. Trước đó, họ không nói về cuộc khổ nạn mà Thầy mình đã loan báo, mà chỉ hỏi nhau xem ai sẽ là người lớn nhất ?
Thân phận con người thường bận tâm về chính mình, vướng víu vào những lo lắng cỏn con, tiền bạc, của cải, địa vị, tiến thân và cả về sức khoẻ nữa. Cố tránh né Thiên Chúa và cả những đau khổ của người khác. Biết thế, nên Chúa Giêsu lại bắt đầu dạy cho họ một bài giáo lý nhớ đời: “Anh em muốn làm người lớn nhất ư? Tại sao lại không? Thầy không cấm anh em muốn làm người lớn nhất. Nhưng muốn làm người lớn nhất, thì trước hết anh em phải là người phục vụ những kẻ nhỏ bé nhất”.
Khi yêu cầu các tông đồ phải là người phục vụ những kẻ nhỏ bé nhất, Chúa Giêsu không muốn xếp cho họ một vị trí ít vinh dự để phạt họ vì họ ngấp nghé những địa vị lý tưởng nhất. Người phục vụ không phải là người nô lệ, không phải là phục vụ như một con vật, con trâu kéo cày. Trái lại, người phục vụ là người được đánh giá có lợi cho Thiên Chúa và anh em mình.
Trong Cựu ước, các tổ phụ: Môisê, Đavit, Giosuê, và các tiên tri đều được gọi là người phục vụ Thiên Chúa. Đó là danh hiệu đáng tôn trọng và còn là một sự thăng tiến. Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng được tặng ban danh hiệu này: Người được Thiên Chúa gửi đến để hoàn thành công việc của những người phục vụ trong Cựu ước. Chúa Giêsu khẳng định rất chắc chắn rằng: Ngài đến để phục vụ. Ngài là người phục vụ tuyệt vời nhất mà tiên tri Isaia đã loan báo. Ngài là người phục vụ đau khổ, nhẫn nại, khiêm nhường để công chính hoá nhiều người. “Vì con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”… “Thầy sống giữa anh em như người phục vụ”. Nhất là các tông đồ sẽ hiểu rõ những lời này vào chiều thứ năm thánh, khi Chúa Giêsu bắt đầu rửa chân cho họ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em: tôi tớ không trọng hơn chủ nhà, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi”.
Khi Chúa Giêsu, vị vua của vũ trụ lại tự xưng là người phục vụ mọi người, Ngài thiết lập sự vĩ đại của việc phục vụ. Cử chỉ quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ chứng tỏ rằng chẳng có gì là mất danh dự khi phục vụ. “Sự cao cả của Thiên Chúa được thể hiện đầy đủ nhất trong sự khiêm nhường thẳm sâu nhất, trong sự hoàn toàn từ bỏ chính mình”(Maurice Zundel).
Tất cả chúng ta đều là những khách mời vào phục vu một công việc nào đó. Chính sự phục vụ sẽ làm cho đời sống của chúng ta có giá trị và hạnh phúc.
Trong phục vụ, chúng ta sẽ là người thắng cuộc:
- Thắng cuộc vì khi phục vụ chúng ta sẽ làm tăng trưởng những phẩm chất quý giá từ trong con tim:  tế nhị, dễ mến, lịch sự, chú ý đến tha nhân, cảm thông.
- Thắng cuộc vì phục vụ làm cho con người gần gũi nhau hơn, tạo nên một thế giới huynh đệ.
- Thắng cuộc nhất là khi chúng ta khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại trao cho chúng ta những bí nhiệm nhất: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.
Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta xem cách thế cụ thể Chúa Giêsu huấn luyện các tông đồ như thế nào? Chúa truyền cho các tông đồ ngồi thành vòng tròn vây quanh ngài rồi dẫn một đứa trẻ đến. Chậm rãi, Ngài đứng dậy và ôm lấy nó. Trong khi nhìn chung quanh các tông đồ, Ngài nói: “Anh em thấy việc Thầy vừa làm. Thầy đã ôm đứa trẻ này, vì nó có một giá trị rất lớn trước mắt Thầy. Đó là một đứa trẻ, một con người yếu đuối. Nó là một trong những kẻ khiêm nhường mà thầy yêu mến nhất. Vì vậy, mỗi một lần anh em đón nhận một đứa trẻ, mỗi một lần anh em cho nó một chút thì giờ, cũng là một lần anh em đón nhận chính Thầy vì Thầy rất yêu chúng và mỗi một lần như thế, anh em cũng đón nhận Cha Thầy vì Ngài cũng rất yêu mến chúng. Ngay từ bây giờ anh em hãy bắt đầu trở nên  người phục vụ những đứa trẻ, là những kẻ bé mọn nhất của anh em Thầy”.
Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng là người phục vụ khi Giáo Hội quan tâm đến nhũng trẻ nhỏ, người thấp kém, người bị bỏ rơi và người bị xã hội khinh bỉ.
- Giáo Hội làm như vậy trước hết không có mục đích lôi kéo họ đến với đức tin.
- Giáo Hội làm như vậy vì nhận ra khuôn mặt Chúa Kitô trong họ.
- Giáo Hội làm như vậy để noi gương Chúa.
- Giáo Hội cũng làm như vậy vì trẻ thơ có những đức tính xứng đáng được vào nước trời: đơn sơ, phó thác, từ bỏ và dễ mến. Thánh nữ Têrêsa Lisieux đã hiểu rõ điều này và linh đạo của Ngài là con đường thơ ấu thiêng liêng:
“Con đường của tôi là hoàn toàn phó thác và yêu mến, đối với tôi trở nên hoàn thiện được coi là dễ dàng. Tôi thấy rằng nhận ra sự hư vô của mình và như đứa trẻ phó thác vào cánh tay Thiên Chúa. Tôi làm như đứa trẻ… Tôi nói hoàn toàn đơn sơ với Thiên Chúa tốt lành điều tôi muốn nói mà không cần phải dùng những câu nói văn chương, vì Ngài luôn hiểu rõ tôi”.
 
Đức Mẹ Maria cũng là mẫu gương tuyệt vời trong việc phục vụ. Khi được Thiên Chúa tặng ban chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã đáp lại: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Mỗi người chúng ta cố gắng trở nên những người khiêm tốn phục vụ, để khi cuộc đời đã xế chiều, chúng ta có thể được nghe Chúa nói với chúng ta: “Hỡi người đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của Chủ ngươi”.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
"Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy tự làm người nhỏ nhất".
--------------------------
Cuộc sống con người, có mấy ai lại không băn khoăn, trăn trở và suy tính cho tương lai của đời mình. Vì thế, nơi con người nảy sinh những tham vọng. Một trong những tham vọng đó là muốn làm người lớn nhất. Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử cứu độ có biết bao người vỡ mộng vì tham vọng này:
-          Luxiphe đã muốn làm người lớn nhất vì không muốn chấp nhận việc Con Thiên Chúa làm người.
-          Adam và Eva cũng đã muốn làm người lớn nhất vượt quá khả năng của mình: không muốn làm tạo vật, mà lại muốn mình là tạo hoá.
-          Các môn đệ Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay cũng muốn làm người lớn nhất.
Vấn đề được đặt ra ở đây là: có được phép làm lớn không? Và nếu được làm lớn thì phải thế nào?
Trước hết, chúng ta vẫn thường xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng cao cả quyền năng. Người nắm mọi quyền hành trên trời dưới đất:
- Ai lớn bằng người. Ai có thể tiêu diệt được Người.
- Nhưng không bao giờ Người tiêu diệt ai.
- Người là Chúa các đạo binh, nhưng lại không có một loại vũ khí nào.
- Người là Đấng rất lớn, nhưng cũng là Đấng rất yêu. Người yêu tất cả các tạo vật Người đã dựng nên. Dù tạo vật nào đó có hư hỏng chăng nữa, Người vẫn cứ yêu. Đã yêu, là Người sẵn sàng chấp nhận mọi giá và còn ban ơn trợ giúp: "Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như người bất hạnh". Yêu là chấp nhận sự mất mát, sự thiệt thòi nào đó: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Người cho thế gian". Thiên Chúa rất lớn là ở chỗ đó. Người yêu quảng đại và yêu tha thứ.
Đọc Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu là Đấng đầy quyền uy trên các thần dữ, trên thiên nhiên, trên bệnh tật và trên cả sự chết. Người cũng là Thiên Chúa. Người cũng là Đấng rất lớn. Thế mà trong bài Phúc Âm hôm nay, Người lại nói với các môn đệ: "Con Người sẽ bị nộp trong tay người đời. Họ sẽ giết người và 3 ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại".
Chúng ta biết rằng suốt cuộc đời và toàn thể con người Đức Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến để mang Tin Mừng sự sống đến cho nhân loại, thế mà Người lại phải chết. Thật là một sự phi lý theo lối suy nghĩ của người đời. Vì thế, nên khi Chúa Giêsu nói Người phải chết, các môn đệ và cả chúng ta hôm nay không hiểu được điều Người muốn nói.
Tuy nhiên, vào chiều ngày trước khi phải chết, Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa của việc Người phải ra đi: "Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bầu Chữa sẽ không đến vơia anh em. Nhưng nếu Thầy ra đi, Đấng ấy sẽ đến với anh em".
Đấng Bầu chữa là Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đến với chúng ta nhờ cuộc thương khó và sự chết của Chúa Giêsu. Vì chưng, sức mạnh của Chúa Thánh Thần được thể hiện một cách cao độ nhất, khi Chúa Giêsu thể hiện tình yêu của Người một cách trọn vẹn nhất. Và khi thể hiện tình yêu trọn vẹn nhất, Chúa Giêsu lại là người lớn nhất:
"Đức Giêsu kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và tặng ban danh hiệu, vượt trên mọi danh hiệu. Như vậy, khi vừ nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kittô là Chúa".
Đối với Thiên Chúa, làm lớn là Yêu, yêu quảng đại, yêu đến cùng, và yêu không biên giới. Chính vì tình yêu như thế, mà Thiên Chúa cũng muốn cho chúng ta làm lớn như lời Thánh Augustinô: "Thiên Chúa làm người để con người trở thành Thiên Chúa". Vậy muốn trở nên giống Thiên Chúa là làm lớn, thì chúng ta cũng hãy yêu.
Ai trong chúng ta lại chả có ông có bà có cha có mẹ . Cha mẹ chúng ta đã làm lớn bằng cách thức khuya dậy sớm, để có  cơm ăn áo mặc và đặc biệt là để chúng ta nên người. Khi nhận ra cung cách làm lớn nơi cha mẹ chúng ta, chúng ta sẽ cảm nhận được một sự hy sinh lớn lao gấp bội nơi Chúa Giêsu. Người làm lớn bằng cách chăm sóc đoàn chiên. Người làm lớn bàng cách rửa chân cho các tông đồ. Làm lớn là yêu thưong. Yêu thương là phục vụ.
Đừng có ai trong chúng ta muốn làm lớn mà bỏ qua cuộc tình. Cuộc tình đói với Chúa, cuộc tình với anh em chúng ta. Vì trước khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đẹ và cả chúng ta là phải thương yêu nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

Bài 3:
THEO CHÚA PHẢI KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
(Mc 8, 27 – 35)
Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là "Người Tôi Tớ đau khổ" được Isaia loan báo cũng Đavít đã nói trong Thánh Vịnh 22 (21) . Người Tôi Tớ ấy : "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31). 
Các môn đệ kia không biết các ông có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy ai nói gì? Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề : "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33). Nhưng với tình thầy trò, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các ông nhiều điều, dẫn các ông lên một ngọn núi cao và biến hình trước mặt các ông, để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc Khổ Nạn sắp tới.
Bài học về sự phục vụ
Sau khi biến hình, thầy trò xuống núi, trở lại với các môn đệ kia, Chúa Giêsu lại tiếp dục dạy dỗ các ông lần thứ hai : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Marcô ghi rõ : "Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10), nghĩa là có Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa chứng kiến cảnh Thầy biến hình, vậy mà các ông vẫn không hiểu, vì không hiểu nên các ông mới hỏi nhau : "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết này dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ : "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35); Và Người nói tiếp : "Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45).
Bài học về sự khiêm nhường
Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.
Kinh Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm tốn” (x. Gc 4,6). Kẻ kiêu ngạo không những bị Thiên Chúa đối địch mà còn bị người đời ghét bỏ và xa tránh. Bị người đời chống lại đã nguy hiểm, phương chi bị Thiên Chúa đối địch thì khủng khiếp biết bao, khốn nạn biết chừng nào. Có lời Chúa phán "Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên" (Mt 23,12) ... Nếu như bạn có điều gì tốt, hãy nhận về bạn, nhưng đừng quên lỗi lầm của bạn; đừng thổi phồng những gì hôm nay bạn đã làm tốt, đừng loại sự xấu gần đây và trong quá khứ; nếu điều hiện tại mang lại cho bạn hư vinh, hãy nhớ quá khứ; đây là cách bạn nhận ra sự kém cỏi của mình!
Và nếu bạn thấy lỗi lầm của tha nhân, hãy thận trọng coi như lỗi này ở trong anh em, nhưng cũng phải suy nghĩ về những gì tốt anh em đang làm hoặc đã làm ; nếu bạn duyệt toàn bộ cuộc sống của bạn và không tính toán chi li, thì theo lẽ thường, bạn sẽ khám phá ra điều tốt nơi mình. Thiên Chúa không để ý đến từng li từng tí của con người ... chúng ta phải luôn nhắc nhủ nhau rằng, đừng có kiêu ngạo, hãy ăn ở khiêm hường và hạ mình xuống để được nhấc lên.
Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.
Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước họ và bước theo để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.
Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin giúp chúng con dẹp tính khoe khoang, cậy mình và năng nhớ lời Chúa dạy: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
NHƯ CHÚA GIÊSU TRỞ NÊN NGƯỜI PHỤC VỤ
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4, 3; Mc 9,30-37

Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Biết cuộc đời chỉ còn ngắn ngủi, cô muốn làm việc gì đó cho thật ý nghĩa trong quãng đời còn lại, cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình công trình xã hội của cô và tổ chức thiện nguyện.
Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ chuyên môn về tim rất giỏi. Vị bác sĩ giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).
Elena Frings cảm nghiệm cái chết cận kệ nên quyết tâm sống phục vụ để có ý nghĩa, hình ảnh đó gợi cho chúng ta về Chúa Giêsu, cận kề cuộc thương khó và các chết, mời gọi các môn đệ đi vào mầu nhiệm thập giá khi sống tinh thần làm lớn thì là người phục vụ.
Tông đồ Phêrô dù tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô” (x. Mc 8,29), một Đấng Kitô, theo ông là “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do thái được hùng cường, bá chủ hoàn cầu. Thật thế, ông và các bạn vẫn chưa hiểu hết về một Đấng Kitô như Đức Giêsu loan báo “Đấng Kitô đau khổ” mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong lần thứ hai loan báo cuộc Thương khó của Ngài cho các môn đệ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”(Mc 9,31).
Các môn đệ vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Messia đến thiết lập một vương quốc trần gian hùng cường. Cho nên, các ông vẫn tiếp tục mong chờ một: “biến cố vẻ vang” chứng tỏ quyền năng của Đấng Messia. Một Vương quyền, quyền uy chiến thắng sắp đến với Đấng Kitô, nên các ông đã tranh luận với nhau xem ai là người đứng đầu khi trong triều đại Kitô sắp đến.
Nhãn quan đó rất phù hợp với tâm tư của con người với danh vọng và quyền bính như Noel Quesson có lời nhận xét: "Trong xã hội loài người, tự nhiên ai cũng muốn chiếm được vị trí quan trọng. Đó cũng là luật lệ của thế giới loài vật, một thế giới rất có phẩm trật: luật rừng xanh, nơi kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, nơi người lớn thống trị người bé. Nhưng Đức Giêsu đến đảo ngược lô-gic đó: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn thì hãy làm đầy tớ mọi người” (trong "Les entretiens du Dimanche. Année B", Droguet & Ardant, trang 194-195).
Lời khẳng định : “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người” (Mc 9,35) được đặt trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá vua loan báo, Đức Giêsu giáo huấn các môn đệ. Ngài không hề loại bỏ ý muốn làm người đứng đầu, nhưng Người chỉ rõ người lãnh đạo phải có lý tưởng “diakonos- phục vụ”. Khi nói đến “diakonos- phục vụ”, Người xác định kiểu phục vụ không phải phục vụ cưỡng chế của người nô lệ (doulos) mà là việc phục vụ tự do của người tự nguyện trở nên tôi tớ. Tự nguyện vì muốn và thích công việc phục vụ vì lý tưởng cao đẹp. Chính vì mang tinh thần phục vụ, đòi hỏi người tôi tớ sự chú tâm trọn vẹn và tất cả các khả năng  để mưu ích cho người khác noi gương Chúa Giêsu như Ngài đã nói ý nghĩa sứ mạng Kitô của Ngài: “Con Người đến không để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Chính Ngài một mẫu gương tuyệt vời nhất: trong bữa ăn tiệc ly chuẩn bị đi vào cuộc thương khó, Ngài như một người tôi tớ cúi xuống mà rửa chân cho các môn đệ, (x. Ga 13,4-16) cùng với lời dạy rõ ràng: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (x. Ga 13,13-15).
Đối chiếu với hành động khiêm hạ của Chúa Giêsu cùng với lời dạy của Chúa Kitô: muốn là người lãnh đạo phải trở nên người phục vụ,  Nhà chú giải Thánh Kinh J. Hervieux giải thích thêm : " Chúa lấy người rốt hết để đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người".
Thật thế, Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ, và là mẫu gương  cho người mang tinh thần phục vụ như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê, đã ca tụng tinh thần phục của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô Vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, Sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Người lãnh đạo phải dựa trên nền sự khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện qua việc Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt giữa các ông ôm hôn các em và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Cử chỉ của Chúa Giêsu đi ngược phong tục hồi đó:  không quan tâm tới trẻ em người ta coi chúng như "vô giá trị”, như đồ bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết Lề Luật.Qua việc đón tiếp các trẻ em, Đức Giêsu đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ chính Chúa Cha Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).
Cuộc sống hằng ngày quy chiếu trong mầu nhiệm Thập giá mà Chúa Giêsu loan báo, chúng ta được mời gọi luôn mang trách nhiệm với tinh thần phục vụ như Thánh Phaolô đã khẳng định rõ ràng : Chúng ta có được tài năng gì cũng là do Thiên Chúa ban để phục vụ người khác (x. 1Cr 12,4-11). Phục vụ không chỉ là phục vụ anh em, mà hơn nữa ý thức phục vụ Thiên Chúa trong anh em, vì thật sự Ngài hiện diện cách thâm sâu nơi mỗi người như Thánh Phaolo nhẩn mạnh “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6,7).
Thật thế, cuộc sống mỗi ngày luôn là một sự phục vụ dấn thân, đó là niềm vui của người môn đệ Chúa Kitô: yêu thương và phục vụ, nhà văn hào R. Tagore đã cảm nghiệm và gọi mời mỗi người chúng ta:
“Tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ.
    Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui”.
 
                                        Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 20/09/2015
Thông tin khác:
Chúa nhật XX TNB (11/08/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log