Thứ sáu, 10/01/2025

Suy niệm Chúa nhật XXIV TNB

Cập nhật lúc 15:07 10/09/2015
 
(Mc 8, 27 – 35)
 
Bài 1:
“Ai muốn theo Tôi, 
hãy bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Tôi” 
---------------------------------------------------
Chúa Giêsu không ngừng huấn luyện các tông đồ trong những năm tháng ngày giờ ngài còn ở lại với họ. Ngay từ khi họ chính thức nhận ra Ngài là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Ngài cảm thấy họ sẵn sàng tiến bước tìm hiểu thêm về đức tin. Ngài tiếp tục giúp họ đi từ một tôn giáo theo quan niệm của con người đến một thứ tôn giáo theo quan niệm của Thiên Chúa, từ một tôn giáo ấu trĩ tới một tôn giáo trưởng thành, từ tôn giáo của Cựu Ước tới tôn giáo của Tin Mừng.
Có lẽ chúng ta đã hiểu Đấng Mêsia mà người Do Thái trông đợi là đấng nào:
-Phái Saducêo thì mong đời Đấng Mêsia đến để mà tăng mức lương bổng cho họ.
- Còn phái Pharisiêu thì trông chờ Đấng Mêsia đến để công bố giáo lý của họ và giải phóng họ khỏi nô lệ người Rôma.
Không, Chúa Giêsu Đấng Mêsia đến trần gian không phải là để làm chuyện đó! Và vì thế Ngài yêu cầu các môn đệ và cả chúng ta phải có một cái nhìn đúng về Đấng Mêsia như Ngài đã mặc khải cho Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay.
Để trưởng thành về đức tin, chúng ta cần phải vượt qua từ một tôn giáo vụ lợi đến một thứ tôn giáo vô vị lợi. Tôn giáo ấu trĩ là tôn giáo của những ai nghĩ rằng Thiên Chúa toàn năng, và nếu thôi thúc cầu xin Ngài thì Ngài sẽ đem lại mọi lợi ích cho họ. Chính các tông đồ cũng bị cám dỗ theo khuynh hướng đó: thích được địa vị cao nhất.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có muốn biến Thiên Chúa thành anh bồi phục vụ chúng ta không? Có khi chúng ta muốn một Thiên Chúa phải nghe theo những lời cầu xin của chúng ta một cách răm rắp. Chúng ta đi lễ vì chúng ta hay là vì Chúa?
Còn tôn giáo trưởng thành là một thứ tôn giáo tập trung vào giá trị đích thực, có nghĩa là chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Thứ tôn giáo này chỉ tìm kiếm để Thiên Chúa được tôn vinh chứ không phải vì nhu cầu lợi ích của cá nhân mình.
Một tôn giáo thực tế là tôn giáo trước hết phải thực hành Phúc Âm.
Một thứ tôn giáo được xây dựng trên ơn huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta và không sợ mất mạng sống vì Ngài. Một thứ tôn giáo mà như thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta phải: “Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”.
Thứ tôn giáo ấu trĩ và thuần tuý nhân loại là một thứ tôn giáo muốn tạo nên thiên đàng tại trần thế này. Chính các tông đồ cũng bị ám ảnh về một thứ tôn giáo kiểu đó.
Vì thế chúng ta rất dễ hiểu phản ứng của Phêrô, sau khi Chúa nói:
“Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu đau khổ bởi các kỳ lão, Luật sỹ và Thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. 
Phản ứng của Phêrô là: không, không được, bao lâu con còn ở với Thầy, con sẽ không để cho Thầy đi Giêrusalem và không để Thầy phải ném vào hang cọp. Thầy hãy suy nghĩ lại. Thầy hãy giữ tiếng tốt cho Thầy và làm vinh danh Giáo Hội  của Thầy…Nếu Thầy mà lên Giêrusalem, thì thật là điên khùng và chúng con sẽ làm mọi cách để điều đó không xẩy ra. 
Tôn giáo trưởng thành là tôn giáo biết rằng Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian không phải để hưởng tiện nghi và thành đạt, nhưng là để đương đầu với thập giá và chọn lựa. Chính Thánh Phaolô đã sống và cảm nghiệm điều này: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”.
Thập giá không phải là việc đã chọn lựa hay là không chọn lựa. Thập giá cũng không phải là đã được đo về kích thưởc to nhỏ. Thập giá luôn có trong đời sống thường ngày của chúng ta hoặc trong một thách đố nào đó không lường trước được. Thập giá khó có thể vác nổi nếu không có Chúa hoặc người khác giúp đỡ. Nhưng dù sao thập giá cũng giúp chúng ta trưởng thành hơn. Cha Monier nói: “Thập giá cắm sâu vào lòng đất để hướng chúng ta lên trời cao, tới Thiên Chúa và dang cánh tay ra để ôm lấy những người sống chung quanh chúng ta”.
Tôn giáo ấu trĩ là tôn giáo của những người tìm kiếm trong tôn giáo một thứ nước hoa, một loại dầu xịt tóc, một sự bảo hiểm nào đó khi phải đối diện với nỗi lo lắng sợ chết, một giải pháp cho tất cả những nhu cầu của họ, một bài hát hay để vui sống hoặc một tiện nghi nào đó.
Tôn giáo trưởng thành là tôn giáo của những người biết rằng niềm vui  chỉ có thể tìm kiếm được khi vượt qua thử thách. Thiên Chúa đến không phải để lấp đầy, nhưng để đặt vào trong chúng ta một cơn khát dịu dàng hơn và nồng cháy hơn và  để chúng ta tiến bước xa hơn trong việc tìm kiếm Ngài…
Nếu vậy tôn giáo mà Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay là một thứ tôn giáo cho những người thích đau khổ sao? Không phải vậy! Thiên Chúa làm người đến trần gian để làm cho chúng ta được sống, chứ không phải để chúng ta phải chết: “Ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống… Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì?”
Phải chăng chúng ta thích một thứ tôn giáo vụ lợi? Tôn giáo  càng biếu không, càng vô vị lợi, chúng ta càng được nhận lãnh nhiều hơn, vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua về lòng quảng đại.
Chúng ta muốn một thứ tôn giáo phải chiến thắng ư? Không được! Tốt hơn hết là chúng ta nên ước ao một thứ tôn giáo khiêm nhường. Vì chưng, càng khiêm nhường bao nhiêu thì càng có sức thuyết phục bấy nhiêu.
Ước gì  đời sống đạo của mỗi người chúng ta luôn trưởng thành: một đời sống quảng đại như lời kinh của Thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…Lạy Chúa, xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, lai lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
 
“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,”
---------------------------
Người Do Thái hiểu rất rõ câu nói này của tiên tri Isaia. Tuy nhiên họ chỉ hiểu một ít về Thiên Chúa mà thôi. Tất nhiên, tiên tri giống hình ảnh về một Thiên Chúa uy lực, quyền năng và giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Như thế vẫn chưa đủ!
Các tông đồ dù sống thân mật và nhận thấy sự đơn sơ của Chúa Giêsu, nhưng họ vẫn gắn liền với những tư tưởng của người Do Thái. Họ chỉ nhớ những phép lạ của Chúa Giêsu và vì thế họ hy vọng vào một tương lai còn sán lạn hơn nhiều. Khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho họ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?, thì Phêrô chẳng ngần ngại thưa: “Chẳng có vấn đề gì, Thầy là Đấng Mêsia”. Phêrô không nghi ngờ gì về điều mình đã khẳng định vì chính ông là nhân chứng của những phép lạ Chúa làm. Và rồi Phêrô và Chúa Giêsu có quan điểm khác nhau về đấng Mêsia. Quan điểm của Phêrô khác với quan điểm của Chúa Giêsu về Đấng Mêsia. Vì thế Chúa Giêsu bó buộc phải phác hoạ cho Phêrô biết khuôn mặt đích thực của Đấng Mêsia và khuôn mặt đích thực của môn đệ Ngài.
1-Lần đầu tiên khi Chúa Giêsu dạy cho Phêrô biết Ngài sẽ phải lên Giêrusalem bị nộp vào tay những kẻ muốn giết Ngài, thì Phêrô thực sự không thể chấp nhận một tình huống có thể xẩy ra như vậy. Ông rất khó chịu về việc Thầy mình phải chết như vậy. Rồi ông dám kéo Chúa Giêsu lui ra và can trách Ngài: “Chúng con không muốn như vậy. Thầy là Đấng Mêsia. Chính Thầy là người uy lực nhất. Chúng con yêu mến Thầy và không được phép để Thầy phải như vậy. Nếu Thầy làm như vậy thì  người ta sẽ nghĩ thế nào về Thầy? Xin Thầy nghĩ cả đến chúng con nữa! Thiên hạ sẽ nói gì với chúng con? Có thể họ nói Đấng Mêsia của tụi mày thế à? Ngài không có khả năng tự vệ: thế thì Ngài làm sao có thể bảo vệ được dân tộc Israel chúng ta? Thầy chỉ cần nói một tiếng thôi là Thiên Chúa sẽ làm cho các kẻ thù của Thầy ngã lăn quay”. 
Nghe vậy Chúa Giêsu bực mình và nói với Phêrô: “Này anh Phêrô, anh nói như quỷ. Thay vì cầm đèn chạy trước ôtô và và ngăn cản Thầy đừng làm như vậy, tốt hơn hết là anh hãy theo sau Thầy và chỉ có con đường đó mới xứng đáng cho Đấng Mêsia đích thực”.
Như vậy, các tông đồ bó buộc phải tiến hành một cuộc trở về đích thực để có một tư tưởng đúng đắn về vai trò của Đấng Mêsia. Chỉ có một Đấng Mêsia đau khổ tự nguyện hiến dâng mạng sống, tha thứ cho các đao phủ của Ngài mới có thể cho các ông một tư tưởng chính xác về bản tính Thiên Chúa: Thiên Chúa trước hết không phải là Thiên Chúa toàn năng như các tông đồ vẫn mường tưởng như vậy, nhưng là Thiên Chúa toàn yêu. Vì thế Ngài cũng là Thiên Chúa yếu đuối, Thiên Chúa bị tước đoạt vũ khí, Thiên Chúa bị tổn thương. Thập giá Chúa Kitô không phải là một sự nhục nhã cho Thiên Chúa, nhưng là dấu chỉ tuyệt vời về lòng quảng đậi vô biên của Ngài.
Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi Ngôi vị Thiên Chúa đều vui mừng sống một sự trần trụi vô hạn, vì chỉ sống cho các Ngôi vị khác mà thôi. “Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mạc khải cho chúng ta sự trở trụi muôn thuở và tuyệt đối của Con Thiên Chúa trong lòng Ba Ngôi” (Cha Paul Debains). Thập giá Chúa Giêsu là đỉnh cao thể hiện bản tính Thiên Chúa một cách tốt nhất. Thiên Chúa vĩ đại nhất khi Ngài thực hiện một sự hạ mình tuyệt đối. Vì thế, Thánh Phaolô rất tự hào vì được là người rao giảng một Thiên Chúa bị đóng đinh: “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ”.
- Đối với chúng ta, chúng ta hình dung thế nào về Chúa Kitô và về Thiên Chúa?
- Phải chăng chúng ta muốn một Đấng Mêsia hữu hình thỉnh thoảng làm phép lạ ấn tượng để những ai khinh dể Chúa phải câm họng không?
- Phải chăng chúng ta muốn một Đấng Mêsia luôn bảo vệ những kitô hữu yêu mến Ngài và nghiêm khắc đối với những người khác?
- Phải chăng muốn một Đấng Mêsia chữa bệnh cho biết bao bệnh nhân đang cầu khẩn Ngài?
- Tại sao Đấng Mêsia lại không chứng tỏ Ngài có quyền một cách tích cực hơn?
- Nếu Ngài làm như vậy, nhiều người sẽ hiểu biết và tin theo Ngài?
- Nhưng nếu tin như vậy, liệu có phải vì lợi nhuận hay là vì yêu Ngài?
Trên cây thập giá cũng vậy, người ta đã ước mơ Ngài chứng tỏ có khả năng xuống khỏi cây Thập giá. Tuy nhiên để trả lời cho ước mơ ấy, Ngài vẫn cứ ở trên Thập giá để chịu đóng đinh. Ngài không có thể làm gì khác, vì Ngài muốn cho chúng ta biết bản chất đích thực của Chúa Cha, Đấng là tình Yêu và không bạo lực, tôn trọng tự do và không gia trưởng.
2- Đó là ý tưởng đúng đắn về một Đấng Mêsia đích thực. Tuy nhiên, người môn đệ đích thực có một ý tưởng đúng đắn thôi chưa đủ, mà còn phải trả lời cho điều mà Đấng Mêsia chờ đợi nơi mình, đó là Hãy đến và theo Tôi. Theo tôi có nghĩalà đi theo những bước chân của Chúa, bắt chước cách Chúa sống, theo Chúa trên con đường của thế giới mà Chúa phải loan báo Tin Mừng. Theo tôi cũng có nghĩa là theo Chúa trên độ dốc cam go của đồi Canvê.
Đối với Phêrô và các tông đồ, họ sẵn sàng theo Chúa, nhưng chỉ theo khi Chúa được vẻ vang. Khi được đặt vào những chỗ ưu tiên, họ đóng vai trò vệ sỹ cho thân xác Chúa Giêsu: họ dồn đám đông về một hướng và loại trừ những người họ không thích, và cả những đứa trẻ đến quấy rầy Chúa. Họ chẩn bị cho những chức vụ thừa tác mà Chúa sẽ giáo phó cho trong nước mà Ngài sẽ thiết lập. Chắc hẳn họ yêu mến Ngài và trong những lúc cao hứng họ khẳng định mạnh mẽ rằng sẽ sẵn sàng chết vì Thầy. Nhưng, gươm cầm sẵn trong tay!
 
Tông đồ đích thực phải là người như Thầy mình chấp nhận có một Thiên Chúa bị đóng đinh. Thánh Phaolô hiểu rõ điều này: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh vào Thập giá”.
Tông đồ đích thực là người phải chấp nhận làm việc vì một người Thầy bị loại trừ, âm thầm và bị quên lãng. Sự yên lặng của Thiên Chúa giúp con người càng tìm kiếm Ngài. Người tông đồ đích thực cũng phải là người vác thập giá riêng của mình để theo Chúa. Thánh Gioan nói: “Ai nói rằng mình ở trong Thiên Chúa thì phải bước đi vào con đường mà chính Chúa Giêsu đã bước”. Marthe Robin cảm nhận: “Chúa Giêsu nhận ra những bạn bè đích thực của Ngài trên thập giá”. Người tông đồ đích thực phải là người chấp nhận mất mạng sống vì Chúa Kitô.
Bài Phúc Âm hôm nay đặt ra cho chúng ta những câu hỏi: “Chúng ta có thờ lạy một Thiên Chúa đích thực, một Đấng Mêsia đích thực trong Chúa Kitô bị đóng đinh không? Chúng ta có là những môn đệ đích thực của Chúa Kitô bị đóng đinh đó không? ”.  Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo có mục đích sắp xếp có các thành viên của mình trong những căn nhà sang trọng , cũng không phải là có mục đích sản xuất ra những nơi an nghĩ vĩnh viễn. Tuy nhiên, điều này không có ý nói rằng Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc của kitô giáo chỉ được khám phá ra khi chúng ta tin tưởng trèo lên đỉnh núi Everest của sự trao ban với đôi mắt được soi chiếu nhờ ánh sáng của đồi Canvê.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
                                                   
Bài 3:
                                  THEO CHÚA PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH                                  
 

 
Sau lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8, 29) Phêrô cùng các môn đệ bị Thầy cấm không được nói với bất cứ ai về Thầy. Liền sau lời cấm là bài học về chính Thầy, Đấng Mêssia : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31). Vì không chấp nhận nên Phêrô đã bị khiển trách nặng nề bởi ông đã bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế: “Satan, hãy lui đi, vì người không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).
Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu, thực sự họ không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời hay là thần thánh gì hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt với đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.
Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?
Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Chương trình trên làm đảo lộn tâm hồn các môn đệ. Làm sao “Ðấng Kitô” (Mc 8, ) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.
Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha.  Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời trách đuổi Phêrô: “Satan, hãy lui đi ” (Mc 8, 33).
Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Người.
Theo Chúa phải từ bỏ
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34).
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là“, nhưng điều “chúng ta đã trở nên“. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất“, ngược với “ảnh trên trời“, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta“, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.
Theo Chúa là chấp nhận thập giá
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình“, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, ) là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Lạy Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến thế gian chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, chúng con xin theo Chúa,nhưng xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa.Xin gia tăng lòng tin yêu Chúa nơi chúng con, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.
 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log