Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 07:59 30/09/2016
Các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5)
Suy Niệm I
Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ việc bổn phận đấy thôi!
-----------------------------

 
Chúng ta có thể goi bài Tin Mừng hôm nay là bài tập tu cho các Tông Đồ ! Đó là một bài học có giá trị về lòng khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã dạy họ. Đây là điều rất cần thiết để biến đổi những ai có tính tự phụ để trở thành người khiêm nhường đem Tin Mừng cho toàn thể nhân loại.
Trước hết, các tông đồ đều cần một Đức tin dũng cảm, một đức tin vững chắc và nòng cốt, một đức tin như thánh Matthêu và Marcô nói là có thể chuyển núi, một đức tin như thánh Luca khiêm nhường nói trong bài Tin Mừng hôm nay, là có thể nhổ rễ một cây lớn!
“Xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con”! Vì không phải lúc nào chúng ta cũng có một đức tin tinh tuyền. Ngay cả đối với các tông đồ, mặc dù:
- Họ đã uống một thứ rượu đã được Chúa làm phép lạ tại Cana
- Họ đã thấy Chúa chỉ phán một lời là bão táp hồ Galilê im lặng.
- Họ đã thấy hằng trăm bệnh nhân nhảy mừng vì được Chúa làm phép lạ chữa lành.
- Họ đã thấy Chúa làm phép lạ cho năm ngàn người ăn no mà chỉ cần 5 chiếc bánh và 2 con cá.
- Họ đã thấy con trai duy nhất của bà goá thành Naim được Chúa cho đứng dậy từ chiếc quan tài đang đem đi chôn.
- Rồi ba trong số họ được đặc tuyển thấy Chúa biến hình trên núi Thabor.
Và còn hơn thế:
- Họ đã sống với Chúa trong vòng ba năm: họ đã thấy Chúa sống hằng ngày bên họ.
- Họ đã thấy Chúa sống thật tế nhị, can đảm, khiêm nhường và giàu lòng thương mến.
- Họ đã thấy Chúa tốt lành với trẻ nhỏ, người nghèo, người bị bỏ rơi và với cả người tội lỗi.
- Họ đã thấy Chúa thường chìm ngập trong cuộc tĩnh tâm tuyệt diệu bằng lời cầu nguyện sốt sắng.
- Họ đã nghe Chúa nói những lời tuyệt vời nhất trần gian.
Rốt cuộc, họ vẫn chỉ là những người bé nhỏ có một đức tin đánh bóng và bôi sơn, và vì thế họ  khiêm nhường nghèo khó thưa với Chúa: “Xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con”.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta thường thiếu đức tin và hay nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy khiêm nhường và can đảm nói với Chúa: Xin thầy làm cho đức tin của chúng con lớn mạnh. Vâng, chúng ta rất cần Thiên Chúa.
Đức tin là ân ban mà Thiên Chúa biếu không cho mỗi người chúng ta. Đừng quên điều này. Cha mẹ không thể ban đức tin cho con cái được. Đức tin không phải chuyện gia truyền: ông cha tôi đi đạo thì tôi theo đạo. Đức tin không phải là được chuyển tải như bệnh cúm hay lây từ người này sang người khác. Đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa. Tất nhiên, trong đức tin cũng có một phần là đến từ con người: con người luôn mang trong mình một khát vọng tìm  kiếm chân lý và lòng trung thực cao độ để nhận ra chân lý qua các dấu chỉ mà Thiên Chúa đã thực hiện. Con người phải mở rộng cánh cửa sổ để ánh sáng đức tin có thể chiếu vào.
Nhưng điều quan trọng ở đây là: đức tin vẫn đến từ phía Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này trước hết Thiên Chúa đặt trên khắp nẻo đường của chúng ta những dấu chỉ về sự hiện diện của Người. Đức tin là một sự nhận biết qua các dấu chỉ, và các dấu chỉ thì không thiếu (cha mẹ đạo đức có thể là dấu chỉ sáng ngời cho con cái…).
Thiên Chúa tiếp tục soi chiếu cho người có đức tin vững mạnh nhận ra dấu chỉ. Vào sáng ngày Chúa sống lại, Gioan cùng Phêrô chạy đến mồ, mồ hôi nhễ nhại. Tin Mừng nói: “bỗng chốc ông đã thấy và ông đã tin”.
Thiên Chúa còn ban cho người có đức tin vững mạnh một ơn huệ để không trốn tránh sự thật. Khi đối diện với những gì là siêu nhiên, con người dễ bị cám dỗ nghi ngờ về tính hiển nhiên của dấu chỉ. Khi Chúa Giêsu chỉ cho người phụ nữ Samaria thấy rằng Người biết rõ đời tư của chị, chị hiểu ngay Chúa Giêsu là một vị tiên tri.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không cần chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều đó: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Trong một thế giới mà tất cả là quà tặng, chắc chắn chúng ta không được phép đòi hỏi gì.
Giả sử khi Chúa hiện ra với chúng ta và hỏi: “chúng con đã làm được gì”? Nhiều người trong chúng ta sẽ khoe khoang thành tích của mình và sẽ được nghe Chúa trả lời:
1- Lạy Chúa, con đã tổ chức được nhiều hội đoàn trong giáo họ và giáo xứ, con là thành viên dạy giáo lý hết lớp này sang lớp khác!
 - Chúa trả lời: Tốt đấy! Nhưng con chỉ thi hành bổn phận con mà thôi!
2- Lạy Chúa, con bận tâm lo lắng đến công việc nhà thờ và các lễ nghi phụng vụ!
 - Chúa trả lời: Khá đấy! Nhưng con chỉ sống Bí tích Rửa Tội của con mà thôi!
3- Lạy Chúa, con đã làm cho giới trẻ công giáo trong họ đao và giáo xứ rất nhiệt tình về đời sống đức tin!
- Chúa trả lời: Giỏi đấy, nhưng con chỉ sống Bí tích Thêm Sức của con mà thôi!
4- Lạy Chúa, con là một tu sĩ, con đã bỏ mọi sự vì Chúa!
  - Chúa trả lời: Cám ơn con, Thầy cũng vậy, Thầy đã bỏ mọi sự vì con!
5- Lạy Chúa, con là một linh mục, suốt đời linh mục của con, con làm các bí tích chu đáo, xây dựng nhà thờ, thành lập các hội đoàn, thăm viếng bệnh nhân…!
  - Chúa nói: Tốt đấy! Nhưng con chọn Chúa hay chọn công việc?
Nói tóm lại khi chúng ta làm tốt công việc bổn phận của mình thì đừng bao giờ khoe khoang thành tích, và cần ý thức rằng: hoạt động của chúng ta chỉ có ích và hiệu quả nếu hoạt động đó được Thiên Chúa tác động. Chúa Giêsu đã nói: Không có Thầy, anh em sẽ không làm được gì. Và Chúa, cũng có thể nói với chúng ta: có Thầy, anh em có thể làm được phép lạ.
Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng; nhưng nếu cứ để cho Thiên Chúa yêu thương, chúng ta sẽ trở nên bạn hữu của Người. Chính Người đã nói với chúng ta điều đó: “Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”. Nói đúng hơn, khi chúng ta làm tốt tất cả những việc chúng ta phải làm, thì hãy nói một cách kín đáo đừng phô trương: “Lạy Chúa con làm tất cả mọi sự chỉ vì lòng yêu mến Chúa mà thôi và con cũng chẳng đòi hỏi Chúa một điều gì khác nữa”!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===============
Suy Niệm II
Xin Ban Thêm Lòng Tin
 (Lc 17, 5 - 10)

 
Khi nghe giáo huấn của Chúa Giêsu về điều kiện điều kiện để vào Nước Trời, các Tông đồ cảm thầy bất xứng, xót thương cho thân phận bất toàn của chính mình, thấy cần phải có ơn phù trợ đến từ Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời, các ông đã kêu lên: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con! ” (Lc 17,5).
Bài Tin Mừng Chúa Nhật này bắt đầu bằng lời van xin ơn lòng tin của các Tông đồ. Thay vì thỏa mãn ao ước của các ông, Chúa Giêsu muốn đức tin lớn của các ông phải lớn mạnh hơn nên nói: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải…” (Lc 17,6).
Đức tin là chủ đề nổi bật của Chúa nhật này. Chúng ta đã nghe nói về đức tin trong bài đọc thứ I, trích sách Tiên tri Khabacúc, Thánh Phaolo lấy lại gửi cho tín tín hữu Rôma và nói: “Người công chính sẽ nhờ đức tin mà được sống”(Rm 1,17).
Các môn đệ hiểu lời Thầy Giêsu dạy không phải là tư tưởng mới, nhưng kêu gọi họ hoán cái tận căn, từ bỏ hoàn toàn để theo Đấng mà họ gọi là “Chúa” và là “Thầy” mới là vấn đề. Đức Giêsu khẳng định rằng nếu có đức tin, họ sẽ tìm được câu trả lời. Vì thế, khi đối diện với lời van xin của các môn đệ là gia tăng về số lượng, Người nói: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con” (Lc 17,6).
Đức tin không hành động theo trật tự lô gích của thế giới này. Đức tin hành động các tổng quát bất ngờ và không thể dự kiến trước được, như: “Gió muốn thổi đâu thì thổi: ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8). Theo nguyên lý sự sống: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí” (Ga 3, 6). Thế nên, đức tin đặt chúng ta vào trong tương quan trực tiếp với Thiên Chúa và cho phép chúng ta làm điều tưởng chừng như không thể.
Tiếp theo Đức Giêsu trình bày cho chúng ta một dụ ngôn có tính so sánh trong tương quan giữa chủ và tớ, đúng hơn giữa ông chủ với nô lệ của ông. Người nô lệ chu toàn bổn phận thường ngày đúng như ông chủ mong đợi như: cày bừa hay là chăm sóc đàn vật. Khi về đến nhà, ông chủ lại gọi người đầy tớ vào hầu bàn ăn, từ ‘hầu hạ’ bắt nguồn từ chữ (phó tế) trong sách Công vụ Tông đồ, ám chỉ tích đặc thù của việc bồi bàn là bằng lòng phục vụ vì đức ái.
Ông chủ được phục vụ nhưng lại không mang ơn người đầy tớ; đây là việc đầy tớ phải làm, không có đòi hỏi khắt khe nặng nề gì cả, anh đã làm việc suốt cả ngày, nhưng là nhiệm vụ của anh, đó là sứ mệnh được ông chủ trao cho với tất cả sự tín nhiệm, ngay cả con trai ông. Khi hoàn thành nhiệm vụ, người đầy tớ được cất nhắc lên, nhưng không biết lý do tại sao. Giống như kẻ có đức tin bằng một hạt cải có thể chuyển núi, rời non cũng không hiểu tại sao.
Từ những lời dạy trên, Đức Giêsu muốn người Kitô hữu chúng ta cố gắng chu toàn bổn phận, từ việc nhỏ nhất, để có thể thay đổi tình trạng hiện hữu của chúng ta, điều này thật là cần thiết. Chúng ta tham dự bàn tiệc Lời Chúa hay Thánh Thể, để tái khám phá ra trong đức tin, mình không phải là quân nô lệ, mọi người vẫn còn sợ; Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ hãi như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi! ” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. “Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 15-17) ).
Qui chiếu về khổ đau có thể làm chúng ta lo sợ; nhưng đức tin giúp chúng ta không bị chi phối bởi những thất bại của thế gian này; vì “người công chính sẽ sống nhờ trung tín” (Hab 2, 4)), nghĩa là đức tin chịu thử thách. Đúng là để có thể cầm cự tốt cho đến thời đã ấn định, như Thánh Phaolô mời gọi Timôthê người con yêu quý của ngài “Con thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha” (2 Tim 1, 6-8). Đức tin là tham dự vào “sức mạnh của Thiên Chúa” trong Thánh Thần của tình yêu và lý trí, làm cho chúng ta trở nên người phục vụ, đầy tớ đức ái, nghĩa là tôi tớ của Tin Mừng, mà chúng ta được “ủy thác”  như thánh Phaolô kêu gọi chúng ta.
Trong khi đợi chờ sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa và ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, vẫn còn hạt giống của niềm tin cho phép chúng ta tuyên xưng rằng Chúa đến là điều chắc chắn như lời Người hứa: “Người sẽ thực hiện, không chỉ với thời gian ấn định. Chắc chắn giờ sẽ đến”. Chúa không cho chúng ta biết ngày giờ khi ánh sáng Phục Sinh xua tan bóng tối Thứ Sáu Tuần Thánh, mở rộng màn che sự chết trên trái đất của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục cuộc hành trình trên thế gian này trong tin tưởng và hy vọng vào lời Chúa hứa.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con và ban Thánh Thần tình yêu xuống đầy lòng chúng con, để chúng con có sức nhổ tận gốc tất cả những ngờ vực và sống bằng lòng trung thành của chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log