Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 09:37 21/07/2016
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến” (Lc 11, 2)
Suy Niệm I
Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện
-------------------------------------
Đó là lời cầu xin của các Tông đồ và cũng là của mỗi người chúng ta khi cảm thấy khó cầu nguyện. Và Chúa Giêsu đã có câu trả lời: “Anh em thấy cầu nguyện là rất khó, Thầy hiểu điều đó. Nhưng anh em hãy nói với Thiên Chúa bằng một tâm hồn đơn sơ nhất của đứa trẻ. Đứa trẻ không cần tìm xáo ngữ và văn chương, nó để cho con tim nói và lúc đó người cha sẽ rất vui”.

Lạy Cha chúng con! Vâng, lạy Chúa, con biết thể hiện tình yêu thế nào để gọi Chúa là cha chúng con.Thật là tuyệt vời đối với con khi nghĩ rằng con có thể gọi Đấng Tạo dựng trời đất bằng cái tên rất dịu dàng: Cha, ba quí mến của con ! Khi đọc lại 99 danh xưng mà anh em hồi giáo gọi Chúa là: vua, Đấng tuyệt mỹ, Đấng toàn năng, Đấng Thống Trị, Đấng Thắng Trận, Đấng Thánh, Đấng Hằng Sống, Đấng Duy Nhất, Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Công Chính, Đấng Nhân từ, Đấng Tuyệt Đối, Đấng Hoàn Thiện…v.v, con tự hỏi mình liệu Chúa có thích nhiều tên như vậy, hơn là con gọi thật đơn giản Chúa tốt lành là Cha của chúng con không?
Phần con, con nghĩ rằng con cứ gọi Chúa như vậy vì Chúa coi con như người con của Chúa từ khi con chịu phép Rửa Tội. Vâng, con biết Chúa đã yêu con biết chứng nào để con được gọi là con Chúa. Và nếu con là con Chúa, thì con coi con như con ngươi mắt Chúa, con duy nhất thuộc về Chúa.
- Chúa là một người cha đích thực vì Chúa yêu con điên rồ.
- Chúa là một người cha đích thực vì Chúa tự hiến thân và trao ban cho con tất cả
- Chúa là một người cha đích thực mong con trở về. Một người cha đích thực tha thứ: và vì thế con có thể ném mình vào cánh tay Chúa sau mỗi lần khuyết điểm, thiếu sót hoặc phạm tội. Chúa là người cha đích thực giúp con lớn lên.
Ôi con yêu Chúa biết bao vì Chúa nhận ra trong con hình ảnh của Con Chúa! Con yêu Chúa biết chừng nào vì Chúa thích thú nhìn con và hãnh diện vì con. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng con gọi Chúa là Cha chúng con, chứ không phải là của riêng con vì tất cả mọi người đều là anh em, đều là con Chúa. Và vì thế con phải yêu mến hết mọi người như Chúa yêu. Chúa không muốn kinh nguyện của con là kinh nguyện cá nhân, nhưng phải là kinh nguyện của toàn Dân Thiên Chúa đọc cùng nhau trong Thánh lễ, nhất là ngày lễ Chủ Nhật bằng cách giơ hai tay lên hướng về Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Tình yêu của Chúa là không biên giới, lời kinh của chúng ta cũng phải như vậy.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Trời ở đây không phải là một nơi xa lắc chín tầng mây để Chúa ẩn vào và con không trông thấy Chúa. Khi con gọi Chúa là Cha ngự trên trời, con sẽ không lẫn lộn Chúa với người cha trần thế. Người cha trần thế có tốt đẹp chẳng qua là Chúa đã ban cho một số phẩm chất người cha hoàn thiện của Chúa mà thôi. Nhưng nhất là khi con nghĩ về Chúa ngự trên trời, con nghĩ rằng vào một ngày nào đó, con cũng sẽ được ở bên Chúa trong ngôi nhà vĩnh cửu mà Chúa đã sắm sẵn cho con. Khi con gọi Chúa ngự trên trời, điều con nghĩ đến trước hết là trời ở ngay trong trái tim con, con được bình an vì có Chúa sống trong con.

Nguyện danh cha cả sáng. Lạy Cha, hôm nay con muốn nói với cha như một đứa trẻ thích ngợi khen cha của nó. Con ước ao Cha được tôn vinh, chiêm ngắm và thờ lạy. Nhưng lạy Cha, con đau khổ vì thấy nhiều người không bao giờ nói về Cha. Con muốn danh Cha được biết và chúc tụng khắp thế giới. Ước gì những Kitô hữu sẽ trở nên Kitô hữu hơn để danh cha được ngợi khen! Ước gì các tu sĩ hãy là tu sĩ hơn để sự thánh thiện của Cha được lan toả! Ước gì các linh mục hãy là linh mục hơn để danh Cha được vinh hiển! Ước gì Giáo Hội hãy thánh thiện hơn để mọi vinh quang đều qui về Cha! Và ước gì bản thân con, con cố gắng sống làm sao để danh thánh Cha luôn rặng ngời!

Nước Cha trị đến…Đứa trẻ nào cũng đều mong cho cha mình được thành đạt trong công việc. Nó buồn khi cha nó vỡ nợ và phá sản hoặc phải chia ly với mẹ nó. Lạy Cha, con biết chương trình cứu độ toàn thể thế giới của Cha là rất mênh mông. Con biết  ý định của Cha là rất vĩ đại: tập hợp toàn thể nhân loại bên Con Yêu Dấu của Cha để một ngày nào đó toàn thể nhân loại được Con Cha dẫn vào trong vinh quang của Cha. Con biết thế giới này thuộc về Cha, nhưng Cha chỉ thống trị bằng tình yêu. Cha để cho nhân loại tự do chấp nhận hay từ chối triều đại của Cha. Vì thế, để chia sẻ với ý muốn của Cha, con muốn tất cả mọi người trên thế giới biết đáp lại lời mời gọi của Cha vào dự tiệc cưới Con Cha. Ước gì triều đại Cha trước hết đến trong trái tim con để thống trị con tim con, đừng để con yêu tạo vật nào hơn Cha! Ước gì triều đại Cha đến trong tim biết bao người kitô không còn tin vào Thiên Chúa tình yêu nữa.!

Ý Cha được thể hiện…Lạy cha, không phải lúc nào đứa trẻ cũng dễ dàng nghe theo mệnh lệnh của cha nó. Cha biết tất cả những câu trong kinh lạy Cha, trong đó có câu Ý Cha được thể hiện là một câu mà con cảm thấy khó nói nhất với Cha. Chính Con Một Cha cũng cảm thấy bối rối khi phải đối diện với Mầu nhiệm Thập giá: “Nếu được, xin Cha cất chén đắng này xa con”. Nhưng cuối cùng, Con Yêu Dấu của Cha đã giành phần kết luận cho Cha: “đừng theo ý con , một theo ý Cha mà thôi”…Phần con, nếu con suy nghĩ chín chắn, con sẽ hiểu rằng ý của Cha không phải là ý độc đoán của một ông trưởng thôn, trưởng khu phố, nhưng là ý của một người cha chỉ muốn điều tốt cho con cái. Ý Cha không làm con đau khổ mà chỉ là để con được sống đầy đủ ý nghĩa. Ước gì thánh ý Cha được thực hiện trong đời sống con! Ước  gì ý Cha được thực hiện nơi những ai gặp đau khổ để họ hiểu rằng Cha chỉ muốn họ trưởng thành nhờ ơn thánh Cha!

Xin cho chúng con lương thực hằng ngày.. Lạy Cha, xin cho phép con nghĩ đến bản thân con một chút. Tất nhiên, một người cha quan tâm đến con cái không cần con cái phải xin thì mới cho. Phần con, để con tin tưởng vào Cha nhiều hơn nữa, con vẫn cứ xin Cha. Nhưng con không phải xin cho riêng con mà còn xin cho mọi người: Xin cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin cho chúng con bánh nuôi sống thể xác. Xin ban cho chúng con bánh Lời Cha để chúng con khỏi chết vì cơn đói thiêng liêng… Lạy Cha, con cám ơn Cha, vì Cha đã hứa ai xin thì sẽ được: có người cha nào khi thấy con cái xin một con cá, lại cho một con rắn sao?

Xin tha nợ chúng con…Một đứa trẻ làm điều xấu là không thể tránh khỏi. Nhưng có một người cha đích thực sẵn sàng tha thứ thoạt khi thấy những giọt nước mắt thống hối trong mắt con. Con là đứa trẻ đã lớn, lạy Cha, con vẫn tiếp tục có những điều xấu vì con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Xin cha ôm con trong cánh tay và tặng cho con nụ hôn tha thứ. Vâng Cha biết rồi. Tình yêu Cha đối với chúng con làm cho Cha mù quáng. Cha không nhìn thấy tội lỗi của chúng con nữa. Lạy Cha, chính vì vậy mà chúng con hoàn toàn tin tưởng nói với Cha: xin tha thứ cho chúng con, vì chúng con không đủ tin vào lòng từ bi thương xót và tình yêu của Chúa. Xin tha cho chúng con vì chúng con  thiếu tin tưởng và quá lo lắng cho tương lai.

Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…Lạy Cha, Cha nói với con rằng con sẽ được tha thứ nếu chính con cũng phải tha thứ cho anh em. Con Cha trên Thập giá đã tha thứ cho những ai làm hại: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúng con cố gắng làm điều này vì chúng con muốn là người con xứng đáng của một người cha bản chất là tha thứ.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Người cha trong gia đình đôi lúc cũng thử thách con cái, mong cho con cái có những phẩm chất tốt: đó là bổn phận của một người cha giúp con cái đứng vững trước những thách đố trên đường đời không thể tránh khỏi: thách đố thích hưởng thụ trong một thế giới vật chất dư thừa mà không nghĩ gì đến đời sống tâm linh, thách đố của kiêu ngạo tự mãn, của cái bề ngoài và giả tạo, không cần đến người khác. Lạy Cha trên trời, con hiểu rằng không bao giờ cha lôi kéo con vào một cái bẫy để con mất linh hồn. Cha biết con yếu đuối nhiều. Nhưng con chấp nhận để Cha thử thách con, vì con biết rằng Cha sẽ ban cho con ơn thánh thích hợp để con chiến thắng.

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ… Đứa trẻ rất sợ những nguy hiểm vây quanh vì nó yếu đuối. Nó sợ đêm tối, sợ người mặc áo trắng đến tiêm cho nó, sợ người lớn bắt nạt, sợ cha mẹ cãi cọ nhau rồi li dị nhau. Nhưng khi nắm được bàn tay cha, nó cảm thấy cha mẹ bao bọc nó bằng một tình yêu thương đầm ấm. Lúc đó nó cảm thấy được đảm bảo và an bình. Lạy Cha, con như đang bị lạc trong một thế giới xa rời đức tin. Con cảm thấy khắp nơi tràn ngập sự dữ: chiến tranh hận thù, đảng phái chống lại niềm tin vào Chúa Kitô, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Và sự dữ lớn nhất là tội lỗi của nhân loại và của chính con.

Lạy Thầy Giêsu, Lời kinh của Thầy dạy con  là hoàn hảo và phong phú nhất. Nhưng nếu Thầy cho phép, con muốn thêm vào đó một câu bằng tất cả tâm hồn và sức lực con để con nói với Chúa Cha, là Cha của Thầy và cũng là Cha của con: “Lạy Cha, con yêu mến Cha”. Chỉ tiếc một điều là con đã nói câu này quá muộn trong đời sống con. Con xin mượn lời Thánh Augustino để nói về con: “Lạy Cha, Vẻ Đẹp tuyệt vời. Cha ở trong con, thế mà con cứ đi tìm Cha bên ngoài…Giờ đây Cha đã đụng chạm con và tâm hồn con được cháy lên vì Cha chính là sự bình an ở trong con. Amen”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

============
Suy Niệm II
Tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu
(Lc 11, 1-13)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và tha thiết nguyện cầu. Bài đọc I (St 18, 20-32) là một minh họa đầy đủ  ý nghĩa nhất. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã van nài Chúa, thậm trí mạc cả với Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính, Abraham đã tìm thấy tột đỉnh của lòng thương xót Chúa là tha thứ. Tin Mừng (Lc 11, 1-13) thuật lại cho chúng ta lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa dạy các môn đệ. Người không dạy họ một công thức cầu nguyện cho bằng dạy họ hướng về Thiên Chúa là Cha bằng tình con thảo với trọn niềm tin vì: “Kẻ cô thân Thiên Chúa cho nhà cửa, chính Người ban tặng cho dân dũng lực uy quyền.”( Ca nhập lễ).

Gương của tổ phụ Abraham
Từ cây sồi ở Mambrê Thiên Chúa tỏ ý định của Ngài cho Abraham (x. St 18,1), và Abraham nhận ra lòng thương xót Chúa. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã dám thưa cùng Chúa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25) Và ông tiếp tục mạc cả với Thiên Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính. Vấn đề là Thiên Chúa không bao giờ muốn tiêu diệt thành Sôđôma. Abraham sợ chứng kiến cảnh Thiên Chúa trừng phạt Sôđôma và Gômôrrha. Với lòng thương dân sẵn có, Abraham đã nguyện cầu, đến nỗi táo bạo can thiệp cả Thiên Chúa. Ông tin vào Thiên Chúa, nhưng giờ đây niềm tin đó đang bị thử thách, ông tự hỏi: Liệu Thiên Chúa có trung thành với lời Giao ước tình thương với dân Ngài không? Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, nếu nói rằng Abraham mặc cả với Chúa, không có sai, vì ông đã giảm giá dần, từ năm mươi người xuống còn mười người. Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”. Abraham thấy các thành rơi vào cảnh bi đát, sắp bị Chúa tàn phá và ông tìm kiếm một con đường giải thoát cho hai thành. Ông kêu van, mặc cả nhưng không nói lộng ngôn phạm đến Chúa, Chúa lắng nghe, và nhận lời ông cầu xin.

Cầu nguyện như Đức Giêsu dạy
Niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham bị thử thách, đó cũng là niềm tin của chúng ta nói chung. Vì nhiều khi chúng ta xin mãi mà không được, nên chán nản. Chúng ta cùng xem Chúa Giêsu cầu nguyện thế nào và dạy các môn đệ ra làm sao (x. Lc 11, 1-13).
Chuyện là khi các môn đệ chiêm ngắm Thầy cầu nguyện thì một trong số họ thưa: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã đã dạy các môn đệ ông”. Chúa Giêsu đáp ứng lời xin và dạy : “Khi anh em cầu nguyện, thì hãy cầu nguyện như thế này : ‘Lạy cha…”. Người mời gọi các môn đệ hướng về Cha, Người không dạy họ một công thức cầu nguyện cho bằng dạy họ cầu nguyện. Cầu nguyện trước hết phải đi vào trong tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Bởi lịch sử cứu độ con người là một chuỗi dài của tình phụ tử giữa Thiên Chúa với lòng hiếu thảo của con người. Thiên Chúa cất tiếng gọi con người đáp trả và tìm thấy lòng tốt hảo của Thiên Chúa là Cha. Con người khát khao Thiên Chúa gặp gỡ lòng trìu mến của Thiên Chúa đối với con người, con người được Chúa ban ơn.
Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa “Lạy Cha” là Người đưa chúng ta vào trong tương quan diện đối diện với Thiên Chúa, khiêm tốn, tin tưởng bước vào với tình con thảo. Tuy lời cầu nguyện tạ ơn dài trong Thánh Vịnh thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con tạ ơn danh Chúa vì tình thương và chân lý” ; “Nếu tôi đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn tôi sống”; “Chúa ra tay phản đối quân thù tôi giận giữ”; “Chúa sẽ hoàn tất cho tôi những điều Ngài đã khởi sự! Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại đến muôn đời” (Tv 137, 1-8)… Nhưng, thánh vịnh gia còn phải đương đầu với quân thù và những cám dỗ đang rình rập, lúc mà Thiên Chúa trung thành hình như vắng mặt.
Thiên Chúa luôn giữ lời hứa, muôn đời không hề thay đổi. Vậy, tại sao ta lại nghi ngờ về tình phụ tử của Thiên Chúa? Chúa Giêsu bảo đảm rằng những lời nguyện cầu mà chúng ta dâng lên Chúa Cha sẽ luôn được nhận lời: “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Người lưu ý chúng ta: “Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10) Người làm cho chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ sẽ nhận lời mà còn trao ban cho chúng ta những điều tốt hơn điều chúng ta cầu xin.
Chúng ta đã chẳng đọc những lời của Chúa Giêsu rằng, Đấng trao ban còn quí trọng hơn những gì là ân huệ Ngài trao ban sao ? Chính Chúa, là kho tàng quí giá nhất mà chúng ta nhận được trong lời cầu nguyện; Lời cầu nguyện đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông với Chúa, đặt mình trước mặt Chúa là Đấng ba lần Thánh và hiệp thông với Ngài. Cầu nguyện, là để Thiên Chúa đến ở với chúng ta và biến đổi chúng ta. Dần dà, chúng ta tìm thấy những gì tội lỗi đã làm hư mất. Và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta làm cho mình trở lên trung gian của tình yêu Thiên Chúa giữa anh em.
Để trở nên môn đệ đích thực của Chúa, chúng ta không chỉ cầu nguyện trong tình con thảo mà lời cầu nguyện còn đưa chúng ta vào trong niềm tin hòa giải : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con”.
Lấy lại những lời nguyện cầu của Chúa Giêsu, chúng ta thưa: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Lúc đó, chúng ta sẽ thực sự trở nên môn đệ Đức Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và nên những sứ giả mang lòng thương xót của Chúa Cha đến với muôn người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy Niệm III
Nguyện Giúp Cầu Thay
(Lc 11, 1-13)

Cứ sự thường, bài đọc I Chúa nhật được chọn để chuẩn bị cho bài Tin Mừng. Nếu bài đọc I Chúa nhật XVII thường niên C, giới thiệu Abraham, con người của cầu nguyện, ông nài xin Thiên Chúa cách kiên trì, ông xin cho đến bao giờ được mới thôi (x. St 18,20-32). Thì bài Tin mừng (Lc 11, 1-13), cho thấy Chúa Giêsu đang cầu nguyện cùng Chúa Cha, liền sau đó Người dạy các môn đệ cầu nguyện thể theo lời họ xin (x. Lc 11,5-8), và khuyên họ kiên trì cầu nguyện với niềm xác tín đầy tình con thảo với Cha trên trời: "Vì ai xin thì được, ai tìm thì gặp và ai gõ thì sẽ mở cho." (x. Lc 11,10)
Abraham được phụng vụ trình bày như là gương sáng về sự nguyện giúp cầu thay, ngay cả khi hành vi của ông có vấn đề. Với lòng hiếu khách, ông đã mời ba vị khách vào trại của ông. Một trong ba vị lặp đi lặp lại với Abraham và Sara lời Thiên Chúa hứa ban cho ông bà có con nối dõi tông đường, điều mà ông bà hằng khao khát (x. St 18, 1.10).
Họ là ba, tuy nhiên, trong khung cảnh của Chúa nhật tuần trước, đúng hơn Abraham nói với họ như thể họ là một: vì thiên thần của Chúa (theo Kinh Thánh là những sứ giả được Thiên Chúa ủy thác cho một sứ vụ qua tên riêng của họ), có lúc nhiều, có khi lại chỉ là một.
Hôm nay chúng ta tiếp tục sự kiện này khi hai người trong số họ quyết định đi đến Sôđôma trong lúc Abraham đang ở trước mặt người thứ ba, là Thiên Chúa. Các cuộc thương lượng giữa Thiên Chúa với Abraham liên quan đến dân thành Sôđôma, có Lót, cháu trai của ông và gia đình ông. "Khi những người Sôđôma độc ác và tội lỗi chống lại Thiên Chúa." (St 13,13) Bạo lực của họ "kêu thấu" tới Chúa và Chúa nhìn họ với cái nhìn: tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu, vì Thiên Chúa đầy lòng từ bi và hay thương xót.
Trong cuộc thương lượng, Abraham đặt mình vào vị trí của người công chính và Thiên Chúa là người đáng trách: "Há Ðấng phán xét tất cả gian trần lại không theo đường công lý?" (St 18, 25). Thiên Chúa vẫn giữ một thái độ mà Abraham cho là bất công. Con người có thể lượng giá theo cái biết phiến diện của mình. Thiên Chúa thì không như thế, Ngài phán xét cách công minh.
Vì thiếu lòng tin nên Abraham đã mặc cả với Chúa đến mười người công chính (St 18,31). Nếu như Thiên Chúa quyết định kết án chín người vô tội, chín người công chính trong số các cư dân thành Sôđôma.... Kinh Thánh do miệng các tiên tri cho chúng ta câu trả lời: không, Thiên Chúa không hành động như vậy. "Rảo khắp các phố phường Giêrusalem mà nhìn cho tỏ, hãy tìm nơi các công trường xem có kiếm được một người, một người mà thôi biết giữ công lý, biết tìm sự thật, để Ta tha tội cho thành, sấm của Đức Chúa."(Gr 5, 1)
Bấy giờ ở Sôđôma đã có một người công chính là ông Lót. Nhưng sự hiện diện của ông không ngăn cản được án phạt giáng xuống cả thành. Thậm chí nếu cứu vớt cá nhân ông, và cả gia đình ông, thì người công chính này cũng không cứu được toàn dân trong thành. Lý do ông chỉ là khách ngoại kiều. Nhưng Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ, Ngài sẵn sàng tha thứ tội chết cho toàn dân nếu ăn năn hối cải.
Tin tưởng vào Thiên Chúa và tha thiết nguyện cầu. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, nên Người dạy chúng ta. Người đã thực hành điều Người dạy. Vào những thời điểm quan trọng trong đời như: chịu phép rửa (Lc 3,21), biến hình (Lc 9,29), hấp hối trong vườn cây dầu (Lc 22, 41), Chúa thường cầu nguyện. Người không đặt vấn nạn, cũng không phát biểu những công thức cao siêu huyền bí, nhưng Người đã nói cách đơn sơ: "Cha ơi..." và tiếp đó Người dạy kinh Lạy Cha (x. Lc 11,2-4). Người bảo chúng ta khi xin cùng Thiên Chúa, phải đặt mình vào hoàn cảnh của một người cha phải đáp ứng các nhu cầu của con cái mình, chúng đang đói, chúng cần bánh ăn, cho dù phải năn nỉ, nài van, thậm chí bị từ chối: " Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi". Nhưng khi đã nghe rõ tiếng van nài của người cha vì còn cái mình, ông bạn ấy sẽ trỗi dậy đáp lời !
Chúng ta là những kẻ xấu còn đối xử với nhau như thế, phương chi Thiên Chúa là Đấng tốt lành, chúng ta phải tin tưởng vào Ngài, vì Ngài hằng yêu thương, nâng đỡ chúng ta và làm cho chúng ta lớn mạnh khi chúng ta cầu xin. Thiên Chúa đã ngưng trừng phạt Sôđôma nhờ số ít những người công chính vì Abraham nài xin (x. St 18,23-32).
Thế giới ngày hôm nay rất cần đến lòng thương xót, thứ tha, nhất là để cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ được thực hiện nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Người là Đấng công chính duy nhất giữa muôn người tội lỗi: "Người đã ân xá cho ta mọi điều sa ngã, thủ tiêu văn khế tội nợ của ta dựa trên lệnh chỉ cáo tội ta, và Người hủy bỏ đi, đóng đinh nó vào thập giá" (Col 2,14).
Ơn cứu độ là có thể vì Đức Giêsu Kitô không phải là người xa lạ. Người trở nên nguyên nhân ơn cứu độ đời đời cho chúng ta. Thánh Têrêxa đã mời gọi các chị em của mình như thế này: "Chúng ta cần phải van xin Chúa giải thoát chúng ta mãi mãi khỏi hết mọi hiểm nguy và xin cất đi mọi sự dữ. Và cho dù lòng ước ao của chúng ta còn bất toàn đi nữa, chúng ta cũng hãy kiên trì nhắc đi nhắc lại lời van xin đó. Ðừng lo sẽ xin xỏ quá đáng, xét vì chúng ta đang ngỏ lời với Ðấng Toàn Năng mà? (Camino 60).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện và cho chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện của Người. Abba, lạy Cha, lạy Chúa Thánh Thần, xin cầu thay nguyện giúp chúng con và toàn thế giới. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==============
Suy Niệm IV
LỜI KINH TUYỆT DIỆU CỦA MUÔN THẾ HỆ
(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

 
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều mối liên hệ được thiết lập. Nào là mối liên hệ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái..., từ đó nảy sinh các mối tương quan như: thỉnh nguyện, kêu cầu, đơn xin, nguyện vọng... Đó là các mối liên hệ tự nhiên. Tuy nhiên, ngoài các mối liên hệ thông thường trên, nơi các tôn giáo và trong đời sống tâm linh, chúng ta cũng có những mối liên hệ và tương quan với Đấng Siêu Việt. Vì thế, với người tín hữu kitô, chúng ta luôn cầu nguyện với Thiên Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu.

1. Kinh lạy Cha, khuôn mẫu cầu nguyện
Với người Công giáo, tâm tình đó được khởi đi từ chính mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài thường cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Không những thế, Ngài còn dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện khi một người trong số họ lên tiếng ngỏ lời: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông" (Lc 11,1b). 
Khi được môn sinh bày tỏ ước nguyện, Đức Giêsu đã hướng dẫn các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Qua kinh nguyện này, trước tiên, Đức Giêsu đã giúp cho các môn đệ đi vào mối liên hệ thân tình Cha – con với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Đây chính là lời nguyện mà chính Đức Giêsu đã thường xuyên thưa lên với Cha Ngài. Ngài cũng muốn cho các môn đệ có được tâm tình ấy như chính Ngài với Thiên Chúa.
Đây là một hồng ân đặc biệt mà chỉ nơi Kitô giáo mới có. Từ đây, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và mỗi người đều được trở thành nghĩa tử của Người.
Khi đã đi vào mối tương quan Cha – con với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đến thái độ tôn vinh Thiên Chúa: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” “Triều đại Cha mau đến”(Lc 11, 2b).
Thật ra, Danh Thiên Chúa mãi mãi rạng ngời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vì thế, không cần đến lời tôn vinh của chúng ta thì những điều đó mới được hiện diện và tồn tại. Không! Nhưng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như thế, một lần nữa nói lên sự kết hiệp sâu xa giữa ta với Thiên Chúa và từ đó nảy sinh ơn cứu chuộc nhờ được thánh hóa trong Danh Cha.
Tiếp theo, Đức Giêsu hướng các môn đệ đến những nhu cầu của chính mình. Những lời nguyện đó là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”(Lc 11, 3). Đây chính là nhu cầu thiết thực, gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Lời nguyện này muốn bày tỏ tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa là Đấng An Bài và Quan Phòng cho con cái của Người. Vì thế, đây là lời nguyện vừa mang tính thiết thực, vừa mang tâm tình cậy trông.
Kế đến là lời nguyện xin tha thứ: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”(Lc 11,4).
Lời nguyện này nhắc cho người môn đệ biết rằng: mang trong mình thân phận yếu đuối của kiếp người, nên không ai là người không có những sai phạm với Chúa và với nhau. Vì thế, xin ơn tha tội là điều không thể thiếu trong tâm tình cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể được Thiên Chúa thương xót và tha thứ khi chính ta cũng phải rộng lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Bởi vì: nếu chúng ta không tha thứ cho nhau, thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta.
Cuối cùng, lời kinh hướng các môn đệ ý thức sự giới hạn của bản thân, bởi lẽ, con người thường hướng chiều về tội lỗi hơn là điều thiện. Hơn nữa, trước những bẫy cám dỗ đầy hấp dẫn và bắt mắt, khiến con người chẳng khác gì con thiêu thân lao mình vào đống lửa. Trước dịp tội và cám dỗ, người môn đệ cần phải có ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được ba thù.
Khi dạy các môn đệ xong, Đức Giêsu đảm bảo cho những lời nguyện xin ấy nếu phát xuất từ sự chân thành, tin tưởng, phó thác thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời, vì: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”(Lc 11, 9).
Như vậy, có thể nói, không có lời kinh nào ý nghĩa và giá trị cho bằng Kinh Lạy Cha, bởi vì kinh này do chính Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta. Vì thế, đây là lời kinh tuyệt vời trên hết mọi lời kinh.       

2. Thực trạng đời sống cầu nguyện nơi chúng ta
Trong đời sống đạo của chúng ta ngày nay, nhiều người đã bỏ cầu nguyện, hay cầu nguyện chẳng khác gì cái máy, hoặc cầu nguyện là trao phó mọi sự nơi Chúa theo kiểu đào nhiệm. Trong khi đó, tâm hồn chúng ta không có tâm tình chi cả. Vì thế, không lạ gì khi thấy nhiều người và có thể chính chúng ta, mỗi khi cầu nguyện là kể ra một dãy dài dằng dặc những nhu cầu của bản thân mà không hề tôn thờ, tạ ơn cũng như hướng tha. Hay nhiều khi chúng ta lại quá tập trung vào nhu cầu thể xác mà quên mất nhu cầu tâm linh.
Lại có những lúc chúng ta cầu nguyện theo kiểu mì ăn liền, tức là: mong sao Chúa phải là người đáp ứng theo lời nguyện xin càng nhanh càng tốt.
Cầu nguyện như thế, vô hình trung, chúng ta biến Thiên Chúa trở thành đối tượng chỉ để đáp ứng nhu cầu của mình, mà không hề nghĩ đến chuyện kết hợp nên một với Người để trở nên giống Người.
Một tâm tình phù hợp với đức tin, ấy là: khi cầu nguyện, không có nghĩa chỉ là xin ơn và cũng chẳng có nghĩa thuần túy là liệt kê những ước muốn, những kỳ vọng, những điều mà mình muốn xin. Nhưng cầu nguyện trước hết là tâm tình tôn thờ, thống hối, tạ ơn rồi mới đến xin ơn. 
Tuy nhiên, cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn: “Người bạn bị quấy rầy” và trưng ra hình ảnh chai lỳ của người làm phiền trong đêm.
Cuối cùng, ông chủ khó tính cỡ nào cũng phải mủi lòng và thi ân cho người bạn sỗ sàng này.
Nói thế, không có nghĩa Thiên Chúa như ông chủ trong dụ ngôn, nhưng đây là hình ảnh biểu đạt một vị Thiên Chúa luôn luôn xót thương con người. Thế nên, nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, thánh Augustinô đã giải thích: “Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái”.
Tắt một lời, kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha – con.
Cũng chính trong mối liên hệ thân thương này, mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con! Xin ban cho chúng con biết năng chạy đến với Chúa như con thơ bên lòng mẹ hiền, để được Chúa yêu thương, ban ơn và tha thứ cho những thiếu xót của chúng con. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log