Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 15:23 08/07/2016
"Nhưng ai là người anh em của tôi?...Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót" (Lc 10,29-37)
Suy Niệm I
 “Ai là anh em tôi?”
-------------------------------------
 
Vậy ai là người anh em mà chúng ta phải yêu mến? Phải chăng là những người ở trong tình trạng khó khăn mà chúng ta gặp trên đường hoặc là một người bị đánh trọng thương trong bài Tin Mừng hôm nay? Không hoàn toàn là như vậy! Người anh em mà chúng ta phải yêu mến, đó là tất cả những ai đã quan tâm giúp đỡ chúng ta sống từ thuở thơ ấu cho tới nay, đó là tất cả những ai đã giúp chúng ta vượt qua những chặng đường khó khăn và ấp ủ chúng ta bằng một tình yêu quảng đại.
- Người anh em chúng ta trước hết là cha mẹ chúng ta. Các ngài đã sinh ra chúng ta và chúng ta nợ nần cuộc sống đối với các ngài. Một món nợ mà chúng ta sẽ không bao giờ trả hết được. Sự vô ơn với các ngài là tội nặng nhất. Biết bao cha mẹ khi kết thúc cuộc đời mình trong tình trạng bị con cái bỏ rơi…Biết bao ông bà cũng bị con cái, cháu chắt cắt đứt mối tương quan ân tình này.
- Người anh em chúng ta, đó là thế hệ các nhà giáo dục chúng ta, thầy giáo, giáo sư hoặc các linh mục giúp chúng ta đạt tới một sự hiểu biết và rèn luyện nhân cách. Họ cũng có thể giúp chúng ta kiếm được một ngành nghề hoặc chức vụ gì đó, hoặc khám phá ra giá trị đích thực của cuộc sống.
- Người anh em chúng ta chính là người chồng hoặc người vợ đã giúp nhau khỏi cảnh cô đơn. Khi yêu nhau và nhất là khi đã chọn cho nhau một cuộc sống, vợ chồng chứng tỏ cho nhau thấy rằng cuộc sống mình có giá trị.
- Người anh em chúng ta đó là những đứa con chúng ta. Chúng giúp chúng ta sống trẻ trung và không già quá nhanh. Chúng củng cố và mang lại sự hiệp nhất của mái ấm gia đình. Chúng nhắc nhớ chúng ta về sự nhẫn nại, khiêm nhường và chiều kích tôn giáo cũng như luân lý. Thay vì nói chúng là giá đắt cho chúng ta, thì hãy nói với chúng rằng: chúng là niềm vui của chúng ta và chúng cũng giáo dục chúng ta như chúng ta giáo dục chúng. Hãy khiêm nhường nhận biết món nợ của chúng ta đối với cái nhìn của chúng.
- Người anh em chúng ta còn là tất cả những người bạn chúng ta trên suốt đường đời. Họ đã làm cho chúng ta vui và hiện diện với chúng ta trong mọi lúc. Họ phục vụ chúng ta nhiều công việc khác nhau  mà không tính toán và không điều kiện gì. Họ có thể là những người mà vì cuộc sống chúng ta phải xa cách, rồi dần dần chúng ta quên lãng…Nhưng dù sao, nhân dịp năm mới hoặc dịp thuận tiện nào đó, chúng ta gửi cho họ một tấm thiệp hoặc cú điện thoại chúc mừng, chứng tỏ chúng ta luôn sống với họ…
- Người anh em chúng ta, là tất cả những ai đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống: đó là các y bác sỹ, thầy thuốc, những nhà tâm lý trị liệu và cố vấn giúp chúng ta lấy lại ý nghĩa cuộc đời. Đó là những nhà đào tạo mở rộng cho chúng ta cái nhìn về thế giới và cung cấp cho chúng ta phương pháp để trở thành một con người hoàn thiện.
- Người anh em chúng ta là tất cả những người đồng hành với chúng ta trong cùng một nghề nghiệp, một hiệp hội hoặc tổ chức nào đó, vì sự hiện diện của họ với chúng ta có sự động viên và giúp đỡ chúng ta cùng làm việc.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nói được rằng người anh em đặc biệt nhất của chúng ta là chính Thiên Chúa, vì chính xác là chúng ta mắc nợ Người tất cả. Người đã cho chúng ta tất cả và đặc biệt là sự sống, sự sống của chính Người và Con của Người.
- Ai là người có thể làm hơn được như vậy?
- Tại sao chúng ta lại không yêu mến Chúa Kitô vì Người đã trở nên anh chúng ta và còn đến để chia sẻ cuộc sống với chúng ta?
- Ai có thể hơn Chúa Kitô là Đấng đã quan tâm đến nhân loại tội lỗi và dẫn đưa nhân loại trên đường tình yêu? 
Vì thế tội lớn nhất của sự vô ơn là quên Thiên Chúa. Trong xã hội của chúng ta đã bị tục hoá, Thiên Chúa liên tục bị đày đoạ, bị đẩy vào phạm vi cá nhân.
Vậy, yêu anh em như chính mình, chính là yêu mến người anh em bằng sự vui vẻ biết ơn.
Yêu mến người anh em như chính mình, là hãy đi và làm như vậy, hay nói cách khác hãy trở nên người anh em của kẻ khác. Hãy trở nên người thân cận với người khác và đặc biệt là những ai đang cần chúng ta. Trong một gia đình, con cái sẽ không bao giờ trả nợ được cho cha mẹ, vì chúng sẽ không bao giờ cho sự sống mà chúng đã nhận được từ nơi cha mẹ. Cha mẹ cho con cái tất cả, ngược lại, con cái không thể cho cha mẹ tất cả! Tuy nhiên, điều mà con cái nhận nơi cha mẹ, con cái sẽ đem cho cháu chắt. Đó là luật của cuộc sống! Người Samaritano trong Tin mừng không đòi hỏi một sự biết ơn hoặc lời cảm ơn nào. Bác ái không trông chờ điều gì quay trở lại. Thánh Phaolô nói: “Bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi.” Chúng ta không thể không làm phúc cho người khác điều mà mình đã nhận được. Đó là sự thúc đẩy của tình yêu! Đó là mắt xích năng động đích thực truyền từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
Yêu mến anh em như chính mình đó là sử dụng phiên bản tình yêu mà Chúa cài đặt sẵn trong trái tim mỗi người để chúng ta sẵn sàng thương cảm khi đối diện với đau khổ mà chúng ta thường gặp. Cha Pierre nói: “Bác ái không chỉ là cho đi, mà còn là bị thương tổn vì vết thương của người khác”.
Tuy nhiên, có 2 điểm cần chú ý về tấm lòng quảng đại vị tha:
Thứ nhất, chúng ta quan tâm đến người khác chỉ là để chúng ta được uy tín và nổi danh…. Còn Chúa Giêsu chết trên thập giá, Người đã trao ban tất cả, sự trao ban hoàn toàn tự nguyện đó cho phép Người được nâng tới đỉnh cao của sự quảng đại, vì Người trao ban hết không giữ lại gì. 
Thứ hai, chúng ta chỉ nên quan tâm đến người khác để giúp họ đứng dậy, chứ đừng muốn họ phải quyến luyến chúng ta. Đó là điều mà người Samaritano đã làm: anh nâng người bị thương dậy, đưa về quán trọ nhờ người ta săn sóc, rồi đi; anh không đi theo người bị thương đó đến tận bệnh viện. Chúng ta rất thường lẫn lộn giữa sự tận tâm săn sóc với quan hệ mẫu dưỡng. Giúp đỡ người anh em không phải là thích thú vì đã cứu được họ, cũng không phải là làm cho họ phải phụ thuộc chúng ta, nhưng là làm cho họ không cần đến chúng ta nữa.
Vậy, bác ái đích thực không phải là thái độ ban ơn của lòng đạo đức khi gặp một người cần đến chúng ta. Bác ái là vui mừng: mừng vui trao ban niềm vui của mình cho những ai không được may mắn như chúng ta. André Gide nói: “Hạnh phúc của tôi là làm tăng thêm hạnh phúc cho người khác. Tôi rất cần người khác được hạnh phúc để tôi được hạnh phúc”.
Để có tình yêu đối với người anh em như Chúa yêu, tốt hơn hết chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Thánh nữ Têrêsa: “Ôi lạy chúa, con biết rằng Chúa không truyền lệnh con điều gì không có thể làm được và Chúa biết con yếu đuối…Chúa biết rõ con sẽ không bao giờ có thể yêu chị em con như Chúa yêu.  Vì thế, xin cho con vay mượn tình yêu của Chúa, lúc đó con mới tìm được sự an nghỉ”.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

============== 
Suy Niệm II
Tôi là anh em của ai ?
(Lc 10, 25-37)
 
Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là một thắc mắc do nhà thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" (Lc 10,25). Biết ông ta là nhà thông luật nên Chúa Giêsu yêu cầu ông hãy tự tìm lời giải đáp. Ông đã tìm thầy và trả lời rất chính xác khi tóm lược hai Giới răn chính: "Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn, và thương mến anh em như chính mình" (Lc 10,27). Chúa khen ông trả lời đúng, nhưng để biện minh, ông hỏi thêm: "Nhưng ai là người anh em của tôi?" (Lc 10,29). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để trả lời ông. "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô…" khi đọc lên mọi người biết ngay: đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu !

Quan niệm của người Do thái về người thân cận
"Ai là anh em của tôi ?" Trong Do thái Giáo thời bấy giờ có sự bàn cãi về người anh em của người Israel. Vì theo họ, phạm trù "người anh em" bao gồm tất cả những người đồng hương với mình và những người dân ngoại bí mật theo Dothái giáo. Khi chọn nhân vật (một người Samaritanô đến giúp đỡ một người Do thái!) Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng, phạm trù người anh em là phổ quát. Chân trời của nó là nhân loại chứ không phải gia đình, chủng tộc, hay tôn giáo. Người thù chúng ta cũng là một người anh em! Tin Mừng theo Thánh Gioan dẫn chứng những người Do thái trên thực tế không có tương quan tốt với những người Samaritanô (x. Ga 4,9).

Mọi người là anh em với nhau
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng tình yêu người thân cận không những phải phổ quát mà con phải cụ thể và tiên phong thực hiện. Người Samaritanô cư xử thế nào trong dụ ngôn? Nếu người Samaritanô chấp nhận nói với người bị hại đang nằm đó trong vũng máu rằng, kẻ vô phúc! Sao xảy ra như vậy? Hãy vui lên! Hay một điều tương tự, rồi tiếp tục lên đường, thì tất cả những sự kiện đó không phải là mỉa mai sao? Trái lại, ông đã làm một nghĩa cử cho người bị hại: "Ông ta lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông." (Lc 10,34-35). Cuối dụ ngôn Chúa Giêsu hỏi người thông luật: "Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó [thầy Lêvi, thầy tư tế, người Samaritanô] là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" (Lc 10,36)
Điều mới lạ trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu không phải là Chúa Giêsu đòi hỏi một tình yêu cụ thể, phổ quát. Nhưng mới lạ ở tại một cái gì khác, mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI: Chúa Giêsu đem đến một sự đảo ngược bất ngờ trong quan niệm truyền thống về người anh em. Người Samaritanô là anh em chứ không phải là người bị thương tích, như chúng ta vẫn quan niệm. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải đợi cho tới khi người anh em chúng ta xuất hiện trên đường đi của chúng ta, có lẽ là quá thê thảm. Chúng ta phải sẵn sàng nhận ra họ, gặp họ. Tất cả chúng ta được kêu gọi nên người anh em! Vấn đề của người thông luật bị đảo ngược. Từ một vấn đề trừu tượng và lý thuyết, trở thành một vấn đề cụ thể và sống động. Câu hỏi không phải là: "Ai là người anh em của tôi? " Nhưng "ở đây và bây giờ tôi có thể là anh em của ai? (x Chương 7 sách "Đức Giêsu thành Nagiarét").

Tôi là anh em của ai?
Giả thiết, nếu Chúa Giêsu đến với dân Israel hôm nay và một người thông luật lại hỏi Người, "Ai là người anh em của tôi? " Người sẽ thay đổi một chút bài dụ ngôn và thay vì người Samaritanô, Người sẽ đặt một người Palestin! Nếu một người Palestin hỏi Người cũng một câu hỏi, thì trong chỗ người Samaritanô chúng ta sẽ gặp một người Israel!
Chúng ta không áp dụng cho Trung Đông nữa. Nếu có ai trong chúng ta đang ngồi đây hỏi Chúa Giêsu :"Ai là người anh em của con? " Thì Người sẽ trả lời sao? Chắc chắn Người sẽ nhắc chúng ta rằng người anh em chúng ta không những là người đồng hương Việt Nam máu đỏ da vàng với chúng ta, nhưng cũng là những kẻ ngoài cộng đồng chúng ta, không những là những người Kitô hữu mà còn những người Phật Giáo, không những là những người Công Giáo mà cũng là những người Tin Lành, không những là người cùng tín ngưỡng mà cả những người vô thần nữa. Nhưng Người sẽ nói thêm liền là  điều này không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất  không phải biết ai là người anh em của tôi nhưng là thấy ở đây và bây giờ tôi có thể là anh em của những ai, tôi có thể làm người Samaritanô nhân hậu cho ai.
Hôm nay, Chúa nói với chúng ta: "Hãy đi và làm y như vậy" (Lc 10,37), làm như người Samaritanô đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: "Ai là anh em tôi? ", nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============
Suy Niệm III
Hãy Đi Và Làm Như Vậy
(Lc 10, 25-37)

"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37) đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".
Có người hỏi : Hãy đi và làm như vậy là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.
Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy Tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.
Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để toàn thể Giáo hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu", không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".
Vị Tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, có thể họ có lý do, Tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức Phanxicô nói: Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó, ông già, bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ mà thôi thì chưa đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói: "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện lòng thương xót qua hành động.
Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử như người Samaritanô nhân lành. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.
Như thế, tình thương là "con tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi người.
Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ", mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình đây, không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông, chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới!
Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi... và chúng ta cảm thấy hợp lý. Chúng ta là một xã hội mà đã hết biết rơi nước mắt, trước những trạng huống đau khổ trong bối cảnh toàn cầu hóa sự thờ ơ."
"Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37). Tất cả chúng ta được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritanô nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, trở thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Người đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, theo cùng một cách thức.
Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm theo lời Chúa dạy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm IV
Hãy Có Lòng Thương Xót
(Lc 10, 25-37)

Một vấn để nổi cộm gây bão dư luận hiện nay là sao lại có không ít trường hợp thấy người bị tại nạn trọng thương mà nhiều người chỉ đứng xem hoặc ngoảnh mặt đi qua không cứu. Trong một vụ tai nạn gần đây, người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay kêu gào đến khản cổ: Ai cứu con tôi với ! Thế nhưng, xem lại camera an ninh ở chung quanh, người ta thấy có tới ba hay bốn chiếc xe đi ngang qua đó, thấy nạn nhân ôm đứa con đẫm máu, họ đã lẳng lặng bỏ đi. Sau hàng giờ chờ đợi xe cấp cứu, đứa bé được đưa tới bệnh viện, nhưng đã quá muộn. Người ta đặt vấn đề: Phải chăng ngày nay, con người ngày càng trở nên vô cảm với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ khi thấy anh em mình bị nạn? Nhiều người hiếu kỳ đứng xem một tai nạn xảy ra, nhưng không mấy người dám ra tay cứu giúp người bị nạn.

Người Samaritanô động lòng thương 
Tin Mừng hôm nay cho thấy, không những thời nay ở Việt Nam ta, mà thời Chúa Giêsu cũng thế. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể cho người thông luật là một bằng chứng (x. Lc 10, 25-37). Vị Tư tế và thầy Lêvi, cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thờ, trông thấy một người từ Giêrusalem xuống Giêricô bị hại, từ Giêrusalem tức là đồng hương rồi, nhưng họ không cần biết; nhìn thấy nhưng không lo liệu giúp đỡ, họ bỏ qua. Người thứ ba là người Samaritanô, một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại, ô uế và bị khinh miệt, trông thấy người bị hại, ông "động lòng thương" (Lc 10, 33), ông không bỏ qua như hai người kia, ông đến gần người ấy, " băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc" (Lc 10, 34). Phúc Âm nói: "Ông động lòng thương", nghĩa là tâm can ông cảm động. Khác với hai người kia "trông thấy", nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người Samaritanô rung động. "Động lòng thương" là đặc tính cốt lõi của lòng thương xót Chúa. Trái tim người Samaritanô đồng điệu với trái tim Thiên Chúa.

Thiên Chúa chạnh lòng thương
Một số người cho rằng, người có lòng thương xót là yếu đuối và nhu nhược. Điều đó có đúng không? Hoàn toàn không! Động lực nằm sau lòng thương xót chân thành là tình yêu thương sâu xa, bắt nguồn từ "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,16); là "Cha đầy tình thương xót" (2 Cr 1,3). Cụm từ "hay thương xót" có nghĩa chính là động lòng trắc ẩn, cảm thông cho sự yếu đuối của người khác.
Động lòng thương có nghĩa là "đau khổ với". Thiên Chúa chạnh lòng thương chúng ta. Nghĩa là Ngài đau khổ với chúng ta, Ngài cảm nhận được nỗi khổ đau của chúng ta. Động từ ám chỉ lòng quặn đau trước nỗi khổ của con người. Trong các cử chỉ và hành động của người Samaritano nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động thương xót của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Đó chính là tình thương, qua đó Chúa đến gặp gỡ từng người trong chúng ta. Ngài không giả vờ không biết chúng ta, Ngài biết các khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta cần sự trợ giúp và ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa Giêsu là hiện thân hoàn hảo nhất các đức tính của Thiên Chúa Cha, Người khuyên các môn đệ: "Hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (Lc 6,36).

Hãy có lòng thương xót
Kinh Thánh nói : "Khi Người thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn" (Mt 9,36). Một học giả Kinh Thánh cho biết cụm từ "động lòng thương xót" ở đây muốn nói đến "cảm xúc sâu thẳm nhất trong lòng". Thật vậy, trong tiếng Hy Lạp, từ này được xem là một trong những từ mạnh nhất để biểu thị lòng thương xót.
Người Samaritanô hành xử với lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10,33-35).
Lòng thương xót có sức mạnh làm vơi đi nỗi đau. Như chúng ta đã thấy, lòng thương xót thể hiện tinh thần đồng cảm với những người đau buồn và thúc đẩy chúng ta cùng chia sẻ với họ. Lòng cảm thông cũng bao gồm việc quan tâm đến người đang gặp đau khổ và có những hành động tích cực để giúp đỡ họ.
Khi bày tỏ lòng thương xót, người tín hữu noi gương Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không thể giúp người khác về mặt vật chất lẫn tinh thần. Khi biết người khác gặp khó khăn, Chúa Giêsu bày tỏ lòng cảm thông và tìm cách giúp đỡ họ.
Chúng ta có thể bày tỏ lòng thương xót qua nhiều cách. Chẳng hạn, gặp người bất hạnh, khó khăn, chúng ta thăm viếng và lắng nghe họ với lòng thông cảm, cũng như an ủi họ. Lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Kitô hữu. "Hãy xót thương như Chúa Cha" là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Vì thế, khi nỗ lực trở nên giống Cha trên trời, chúng ta hãy sống lòng thương xót. Dụ ngôn về người Samaritanô là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương xót đối với nạn nhân. Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình.
Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài (Tông sắc về năm Thánh Lòng Thương Xót, số 13).

Lạy Chúa, xin mở mắt, mở lòng chúng con, để chúng con thấy và động lòng thương xót đối với anh em chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm V
Thấy Và Hành Động
(Lc 10, 25-37)

Hôm nay, chúng ta tự hỏi: "Ai là anh em của tôi?" (Lc 10,29). Chuyện về một số thầy người Do thái, thấy thầy Do thái kia thường vắng mặt vào buổi cầu nguyện thứ Bẩy hằng tuần. Ông nghi ngờ vị ấy có gì bí mật với Thiên Chúa, và các thầy Do thái nhóm họp bàn bạc với nhau, giao cho ông ta theo dõi người anh em… Thế là, ông tò mò tìm kiếm, thật xúc động, dõi theo người anh em đến một khu phố nghèo trong thành, nơi ấy ông nhìn thấy một thầy người Do thái đang dọn nhà cho một bà đang bị bại liệt, và ông thầy này đã đến phục vụ, chuẩn bị bữa cơm vào chiều thứ Bẩy cho bà. Khi điệp viên trở về, những thầy Do thái ở nhà đã hỏi: "Ông ấy ở đâu? ở trên trời, trên các tầng mây hay giữa các vì sao ?". Câu trả lời là: "Không, người anh em của chúng ta đã được đưa lên rất cao."

Yêu bằng hành động
Yêu người thân cận thể hiện bằng hành động cụ thể là cao cả nhất; đây là lúc mà tình yêu được thể hiện. Đừng bỏ đi qua! Nơi người nghèo, chỉ có mình Chúa Kitô kêu lên để thức tỉnh lòng bác ái nơi các môn đệ, Công đồng Vatican II trong một tài liệu đã chép: Làm "người Samaritanô" có nghĩa là thay đổi kế hoạch của mình ("đến gần anh"), dành thời gian để ("chăm sóc anh ta")... Điều này cũng đưa chúng đến xem xét các nhân vật của quán trọ, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: "Người Samaritanô đã có thể làm mà không có chủ quán? Thật vậy, người chủ quán, người vô danh ấy, đã thi hành nhiệm vụ cách cao cả. Tất cả chúng ta cũng có thể hành xử như ông, hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình với tinh thần phục vụ. Tất cả chúng ta đều có cơ hội, nhiều hay ít trực tiếp hay gián tiếp, để giúp đỡ những người cần giúp. Trung thành thi hành sứ vụ là yêu mến mọi người.
Hãy vứt bỏ sau lưng cái chưa cần thiết để đón nhận người đang cần đến chúng ta, (người Samaritanô nhân hậu) và ông chủ quán đã làm việc của mình với tình yêu, cả hai đều thể hiện tình yêu bằng việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã hỏi nhà thông: " Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Và bảo ông "Ông cũng hãy đi và làm như vậy " (Lc 10,36-37).

Chúa Giêsu chính là người Samaritanô
Chúa Giêsu Kitô tự nhận mình là người Samaritanô đi ngang qua, khi những người Pharisiêu xúc phạm Chúa và nói: "Ông là một người Samaritanô và là người bị quỷ ám" (Ga 8,48 )... Vậy người hành hương Samaritanô là chính Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu thực sự là một lữ hành đã gặp con người bị thương do tội lỗi, ma quỷ, thế gian tra tấn, đang nằm sõng soài trên mặt đất. Chúa đã không bỏ qua, bởi vì mục đích cuộc hành hương của Chúa nhằm để "viếng thăm chúng ta" (Lc 1,68.78). Người đã từ trời lữ hành xuống thế và cư ngụ giữa chúng ta. Người không chỉ "xuất hiện trên đất, nhưng còn sống và trò chuyện với con người" (Br 3,38)...
Trên các vết thương của chúng ta, Người đã rót rượu, rượu của Lời Chúa, và như mức độ nghiêm trọng của vết thương không thể chịu được, Người đã pha trộn rượu với dầu là sự êm dịu của Người và "tình yêu Người dành cho nhân loại" (Tit 3 4)... Sau đó, dẫn con người đến quán trọ. Quán trọ ở đây là Giáo hội, Giáo hội đã trở thành nơi ở và nơi ẩn náu của toàn dân... Chính Chúa Kitô ở trong Giáo hội, Người trao ban hồng ân... Quán trọ ở đây còn là nhà chầu có chủ quán là Chúa Giêsu đón mời. Các Thánh Tông đồ và các Mục tử, các Tiến sĩ và những người kế vị tượng trưng cho chủ quán trọ… Các ngài chăm sóc bệnh nhân là chúng ta bằng Lời Chúa, Cựu Ước và Tân Ước, bằng Lề luật Thánh và các tiên tri.
Chúng ta hãy đến cùng Đức Trinh Nữ Maria, bởi Mẹ là mẫu gương sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhu cầu của người khác, về tinh thần cũng như vật chất.

Lạy Chúa, mỗi lần chúng con thấy người anh em mắc nạn, xin giúp chúng con biết hành động thương xót anh em như Chúa đã thương xót chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm VI
CÓ XÓT THƯƠNG MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
 (Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

"Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Đây là câu hỏi của nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay và cũng là tiếng vọng được vang lên từ trong sâu thẳm của con người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, muốn có sự sống đời đời cần phải có ý ngay lành và phải thực thi đức ái trong lòng mến thì mới hy vọng đạt được.
Hôm nay, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đưa tới sự sống ấy qua dụ ngôn người Samari nhân hậu. Qua đó, Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy xót thương  như thế thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

1. Bối cảnh câu chuyện
Khởi đi từ câu chuyện giữa Đức Giêsu và người thông luật: ông này lên tiếng hỏi: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Dựa trên những hiềm khích sẵn có, nên câu hỏi này không phải xuất phát từ ý hướng ngay lành, nhưng nó là một sự gài bẫy để như một cái cớ nhằm cơ hội đánh bại Đức Giêsu nếu Ngài bị lỡ lời! Điều mà ông ta mong mỏi, đó là hy vọng Đức Giêsu sẽ đưa ra một mớ lý thuyết, một lô nghi lễ và dày đặc những nguyên tắc để trả lời!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tước lấy vũ khí ngay trong tay đối phương khi Ngài hỏi ngược lại vấn đề: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (Lc 10, 26). Người thông luật đã trả lời cách chính xác: “Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình” (x. Lc 10,27). Nghe xong, Đức Giêsu đã dạy cho ông ta một bài học sống động ngay trên chính câu trả lời của ông, Ngài nói: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc 10, 28).
Chính câu hồi đáp này đã làm cho người thông luật chưng hửng và thất bại. Bởi lẽ, câu hỏi của Đức Giêsu đã làm đảo lộn tình thế. Từ chỗ Ngài là đối tượng để gài bẫy, đến chỗ chính cái bẫy ấy đã tố cáo và vạch trần những điều ám muội bởi lương tâm đê tiện của nhóm thông luật mà ông là người đại diện.
Thấy được lối sống hình thức của nhà thông luật, nên Đức Giêsu mới kể cho ông nghe dụ ngôn về người Samari nhân hậu.
Câu chuyện ấy là: một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Bất ngờ anh bị bọn cướp tấn công. Khiến anh ta nửa sống nửa chết. Có một thầy Lêvi đi qua, ông trông thấy rồi bỏ đi. Một Tư tế cũng lựa chọn như vậy. Nhưng người Samari trông thấy, ông đã chạnh lòng thương và ra tay cứu giúp.
Tưởng cũng nên biết thêm: Giêrusalem cao cách mặt nước biển 766 mét. Trong khoảng 32 km, con đường này đã đổ dốc tới 1.200 mét. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô có rất nhiều đèo và đường xá chật hẹp, quanh co, khúc khửu. Đây là điều kiện thuận lợi cho bọn cướp hoành hành. Vì thế, người ta thường gọi đoạn đường này là “con đường máu”, ai muốn được an toàn khi đi trên con đường này thì hoặc là đi thành từng đoàn hay phải tính giờ để về nhà lúc mặt trời chưa lặn.

2. Ý nghĩa câu chuyện
Khi kể cho nhà thông luật câu chuyện trên, Đức Giêsu muốn vận dụng nó vào trong bối cảnh cụ thể, nhằm dạy cho ông ta một bài học sống động về việc thi hành luật.
Để hiểu sâu sắc ý nghĩa của nó, chúng ta cùng phân tích ý nghĩa của từng nhân vật.
Trước tiên là khách bộ hành: vị khách này không được Đức Giêsu nói rõ là ai, hình dạng ra sao hay thuộc dân tộc nào, mà chỉ nói là người lữ khách lâm nạn. Nhưng cứ theo sự thường thì có lẽ là người Dothái và ông ta phải là một người rất liều lĩnh. Bởi vì chỉ đi có một mình mà lại mang nhiều tư trang hành lý. Vì thế, ông ta bị cướp và bị đánh đập là lẽ đương nhiên trên con đường đầy nguy hiểm này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hình ảnh của những người đi đường khi trông thấy người lâm nạn.
Trước tiên là thầy Tư tế: ông ta trông thấy nạn nhân nằm quằn quại bên lề đường. Nhanh tay, nhanh mắt, thầy Tư tế đã tránh sang một bên và bỏ qua. Có lẽ vị tư tế này không dám đụng vào nạn nhân vì sợ bị ô uế bởi Luật. Vì trong Luật có chép rằng: nếu ai đụng vào người đã chết thì bị ô uế đến 7 ngày (x. Ds 19,11). Vì thế, có thể ông ta suy diễn: nếu giúp đỡ người bị nạn, ông sẽ không còn thanh sạch để xứng đáng tế lễ, và đương nhiên ông bị mất phiên phục vụ trong đền thờ! Như vậy, thầy Tư tế này đã có lựa chọn: ông ta đặt lễ nghi trên tình thương. Đền thờ và nghi lễ đã làm cho lòng trắc ẩn của ông bị đóng khung bởi luật.
Thứ đến là thầy Lêvi: cũng cùng một lựa chọn như thầy Tư tế, nên ông đã ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người gặp nạn. Tuy chỉ là người giúp việc cho thầy Tư tế. Bổn phận của ông cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, ông không dám đụng vì sợ liên lụy, nên đã “đào vi thượng sách” cho an thân.
Cuối cùng là người Samari: ông cũng thấy người gặp nạn như thầy Tư tế và Lêvi. Nhưng, thay vì tránh né, phủi tay, ông đã chạnh lòng thương và đến để cứu giúp người lâm nạn.
Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Ai là người thân cận của người gặp nạn?” (x. Lc 10, 36). Nhà thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).

3. Sứ điệp Lời Chúa
Có lẽ khi đọc qua câu chuyện trên, nhiều người trong chúng ta không khỏi bức xúc và buông những lời chỉ trích nặng nề đến những người đã vô tâm và lạnh lùng không giúp đỡ người lâm nạn. Đồng thời không ngớt trầm trồ khen ngợi người Samari nhân hậu.
Tuy nhiên, nếu suy niệm dưới ánh sáng đức tin và dưới cái nhìn liên đới, hẳn chúng ta thật bỡ ngỡ vì những hình ảnh và lựa chọn của thầy Tư tế và Lêvi trong câu chuyện trên lại đang tiếp diễn nơi những hành vi và lựa chọn của chúng ta. Còn tấm lòng và nghĩa cử nhân ái của người Samari lại quá xa vời trong đời sống đạo của mỗi người!
Vì thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn thấy đây đó sự dửng dưng, vô cảm và thiếu vắng lòng thương xót ngay tại những trung tâm tôn giáo với nhiều lễ nghi tối ngày... Hay vẫn còn đó biết bao người đói khát, rét mướt, không nhà cửa ngay tại những trung tâm thành phố sầm uất, tráng lệ. Hoặc biết bao trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa đang ngày đêm cầu cứu tại các chợ trời, gầm cầu!!!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: dù là ai, làm việc gì, trong đạo hay ngoài đời, ngôn hành phải đồng nhất. Nếu chỉ tập trung lo tổ chức lễ nghi hay sự kiện nhằm mục đích “võ sĩ dương oai” mà quên đi việc thăng tiến con người, nhất là người nghèo, khổ đau, bị gạt ra bên lề xã hội, thì tất cả mọi chuyện chúng ta làm chẳng khác gì một tay hề trên sân khấu tôn giáo! Điều đáng nói, đó là: chúng ta sẽ phải trả lời trước Vị Thẩm Phán chí công, giàu lòng thương xót trong ngày chung thẩm về đức ái mà mình có với tha nhân chứ không phải là những thành công nơi những công trình hay lễ nghi bề ngoài. Mặt khác, nếu vì kiêu ngạo mà bám víu vào một mớ kiến thức rồi đưa ra những khái niệm, định nghĩa để phân tích phải - trái, nhưng không hề có lòng xót thương như người Samari, thì chắc chắn ơn cứu độ sẽ vuột mất ngay trong tay chúng ta. Hãy nhớ lại lối sống giả nhân giả nghĩa và kết cục bi đát của Giuđa để làm bài học cho chính mình!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho cho chúng con có được tấm lòng thương xót như người Samari, để khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa được hiện tại hóa nơi hình ảnh và hành vi của mỗi chúng con. Được như thế, chúng con mới hy vọng có được sự sống đời đời. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log