Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Chủ Nhật VI Phục Sinh

Cập nhật lúc 21:58 28/04/2016
Chủ Nhật VI Phục Sinh
“Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha”
(Ga 14, 28)
-----------------
 Ba năm các môn đệ ở với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở với họ, tình cảm dạt dào, thân thương, thành công nhiều và thất bại cũng không ít. Hôm nay Thầy lại nói Thầy sẽ ra đi, các môn đệ buồn và buồn lắm, không biết nương tựa vào ai đây?
 
Đúng thế, cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có nhiều lúc buồn chán và thất bại, vì hình như Chúa cứ đi xa, tìm mãi mà chẳng thấy Chúa đâu, Chúa cứ để chúng ta phải cô đơn và đau khổ. Một sinh viên đưa ra câu thắc mắc: “Tại sao Thiên Chúa lại chơi trò ú tim với con người đến nỗi người ta khó có thể thấy Người?” Con người thời nay thích thắc mắc và muốn được giải thích về Thiên Chúa cách thoả đáng. Điều đó không bao giờ có thể thực hiện được. Thánh Athanasio nói: “Một Thiên Chúa mà nhân loại có thể hiểu được sẽ không còn là Thiên Chúa nữa”.
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy: Chúa Kitô đã báo trước cho các Tông đồ về sự ra đi của Người. Đối với chúng ta, nếu Người ra đi, thì chúng ta cũng không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nếu Chúa Giêsu rời bỏ chúng ta để về trời, chúng ta đừng nên than vãn! Trước khi về trời, Người đã để lại rất nhiều lý do không những để chúng ta chấp nhận việc Người ra đi, mà còn để chúng ta vui mừng vì sự ra đi đó.
 
Lý do thứ nhất để vui mừng vì sự ra đi của Chúa là: Người đang ở trong vinh quang của Chúa Cha đến muôn đời. Người ở trong vinh quang của Chúa Cha như vậy cũng là dấu chỉ Thiên Chúa đã quan tâm và mong đợi chúng ta cũng sẽ được ở vinh quang như thế. Mỗi lần bị cám dỗ và nghĩ Thiên Chúa như là một ông vua độc tài xa xa, trên cao và yên lặng, thì chúng ta đừng quên rằng biết bao điều Người đã làm cho chúng ta. Người đã không bằng lòng hiện ra chớp nhoáng, nhưng Người đã sai Con của Người đến sống như con người, trong điều kiện sống của con người, chia sẻ cơm áo và những khổ cực nhất của con người. Người làm như vậy hoàn toàn vì yêu. Nếu nói rằng Thiên Chúa im lặng, điều đó đúng vì Người đã nói rất nhiều trong Đức Giêsu Kitô. Plaise Pascal nói: “Bạn đừng phàn nàn vì Thiên Chúa im lặng nữa, bạn hãy tạ ơn Người vì Người đã nói với chúng ta quá nhiều rồi.”
 
Nếu có phàn nàn thì chỉ nên phàn nàn vì Chúa Kitô không còn sống thân phận làm người ở trần gian nữa mà thôi. Thế nhưng, nên biết rằng Người đã ban và làm đủ rồi. “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em hãy vui mừng vì Thầy về cùng Cha Thầy chứ”. Nếu phàn nàn hoặc buồn, chẳng qua là chúng ta ích kỷ chỉ nghĩ về chúng ta, mà không nghĩ về Chúa Giêsu đã được vinh hiển trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy vui mừng vì Chúa đã được vinh hiển. Sự vinh hiển của Chúa cũng báo trước sự vinh hiển của chúng ta. Hãy vui mừng vì từ nay chúng ta có một người Anh Cả luôn bên cạnh Thiên Chúa để làm trung gian giúp chúng ta thăng tiến hơn.
 
Lý do thứ hai để vui mừng, đó là sự ra đi của Chúa Kitô được thay thế bằng hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Thầy đi thì có lợi cho anh em, nếu Thầy không đi, Chúa Thánh Thần sẽ không đến với anh em” (Ga 16,7). Paul Claudel đã dịch câu này rất hay: “Thầy cất đi khuôn mặt của Thầy khỏi anh em để anh em có tâm hồn của Thầy”.
Chúa ra đi là Chúa muốn chúng ta trưởng thành và có trách nhiệm. Ngài không muốn chúng ta mãi mãi là trẻ con. Chúa ra đi về trời cũng là tôn trọng sự tự do của chúng ta.
 
Cha Varillon viết: “Từ nay chúng ta không thể nương tựa vào Chúa theo kiểu bắt buộc nữa”. Thiên Chúa muốn mờ nhạt đi để con người có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Chúa Kitô biến mất khi công cuộc cứu chuộc của Người đã hoàn thành và để mặc chúng ta xoay xở. Người ra đi nhưng sẽ gửi Thánh Thần của Người đến trong tâm hồn chúng ta. Người ban cho chúng ta có thể nương tựa vào một sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ ban sức mạnh để chúng ta buớc đi trên con đường đã chọn lựa.
 
Lý do thứ ba để vui mừng vì sự ra đi của Chúa, đó là Chúa loan báo sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa Ba Ngôi trong con người: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 23). Tất nhiên Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi bằng cách nâng đỡ tất cả các tạo vật. Cha Charles Monier viết: “Chúa ngủ trong chất khoáng, mơ trong thực vật, tỉnh thức trong động vật, nghĩ và yêu mến trong con người”.
 
Người kitô hữu chúng ta có biết rằng trong chính chúng ta có sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa Ba Ngôi không? Có ý thức đủ mình đang ở cùng Thiên Chúa và Thiên Chúa đang định cư thẳm sâu trong trái tim chúng ta không? Đứa trẻ vừa mới chịu phép rửa tội là nhà tạm của Thiên Chúa đó.
 
Thánh Augustino viết: “Này bạn, bạn là tạo vật tuyệt vời vì được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, tại sao bạn lại tìm ở ngoài bạn chính Đấng đang ở thẳm sâu trong bạn hơn là chính bạn”.
 
Thánh Bernadô nói: “Thiên Chúa yên lặng ư? Đúng vậy, Người không nói với những ai hướng ngoại, chỉ đi tìm những thứ ở bên ngoài mình”.
 
Vì quá quen với nếp sống hướng ngoại, chúng ta không đi vào trong hang cùng ngõ hẻm của trái tim chúng ta để tìm sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và vì thế, chúng ta đi tìm các thần tượng khác: tiền bạc, quyền bính, thành công và lạc thú…
 
Biết Thiên Chúa hay chơi trò ú tim với chúng ta, tại sao chúng ta lại không đi tìm Người? Người ở trong chính chúng ta mà chúng ta cứ tìm Người ở đâu đâu. Người ở rất gần chúng ta. Chúng ta không nhận ra Người vì chúng ta thiếu tình yêu và không có đôi tai để nghe tiếng động nhẹ của Người bước đi hoặc điệu nhạc du dương đang âm vang trong sâu thẳm trái tim chúng ta.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 
Suy niệm 2:
 
Muốn Được Bình An, Hãy Yêu Mến Và Tuân Giữ Lời Chúa
 (Ga 14, 23-29)
 
Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều răn mới (x. Ga 15,12). Mới là vì Chúa Giêsu là người đầu tiên thực hiện bằng việc tự hiến nộp mình cho thế nhân. Mới là vì yêu đến thí mạng vì người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13-14). Mới là vì tình yêu hướng đến người khác, khiến họ ra khỏi chính mình, đi đến với tha nhân. Kế đến Người bảo họ: “các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34), vì đây là dấu chỉ để người ta “nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).
 Vẫn trong bầu khí tâm sự với các môn đệ, Chúa phán bảo họ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Thật không đơn giản, lời di chúc này có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến Thầy, chắc chắn các con sẽ được tuân giữ lời Thầy, có nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ tuân giữ lời Chúa Giêsu truyền, cụ thể là thực hành các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu cách khác: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lời Thầy truyền, tôn trọng các lời Thầy là thể hiện lòng mến Thầy nên tuân giữ.
Một điều sẽ xẩy đến cho những ai tuân giữ lời Chúa Giêsu là sẽ được Chúa Cha và chính Người yêu mến, đồng thời chọn làm nơi ở như lời Chúa nói: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 23), nghĩa là người ấy là đền thờ Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa sẽ ở với người ấy. Thánh Tông Đồ Phaolô nói rõ: “Được Chúa Giêsu ngự trong lòng anh em nhờ bởi lòng tin” (Ep 3,17). Do vậy không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bằng lòng đến ở nhà những người tin, yêu mến và tuân giữ lời Chúa. Đó là lý do tại sao, sau khi hoàn tất các công việc, Chúa phán: “Đây là nơi Ta nghỉ ngơi đời đời mãi mãi, Ta sẽ ngự tại đó vì Ta muốn!” (Tv 131,14)
Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26). Đồng thời, Chúa hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” mà sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ ban tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Bình an do Chúa tặng ban khác với bình an do thế gian ban tặng. “Bình an” của Chúa Giêsu ban không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, đây là thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ. Chúa Giêsu chính là nội dung của bình an; hiểu cách khác: Người chính là nguồn bình an, Người ban cho các ông chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Chúa Giêsu trấn an các ông: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14,26). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi của Thầy Chí Thánh, các môn đệ cảm thấy cô đơn, lo sợ và bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, sợ phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giêsu nâng đỡ các ông: “Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con” (Ga 14,2).
Chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 26). Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao, nếu không có Chúa, nếu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, được củng cố bởi Ðức Cậy, hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô? 
Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay con người thay lòng đổi dạ. Hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, như trẻ thơ trong vòng tay của mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chỗ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn.
Ước chi lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của bình an, thanh thản và niềm vui. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta? Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khó nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa dành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm 3:
Chúa Thánh Thần Tiếp Nối Con Đường Thương Xót
(Cv 15,1-29; Kh 21,10-23; Ga 14,23-29)
 
Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối tuần trước trong bối cảnh bữa Tiệc Ly và nó nằm trong diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
Trong diễn từ này, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc ra đi của Ngài bằng con đường thương xót theo ý Chúa Cha qua cái chết trên thập giá. Tuy nhiên, lời loan báo này đã làm cho các ông xao xuyến, hoang mang vì mất đi điểm tựa. Nhưng Đức Giêsu, nhân cơ hội này, đã giúp cho các ông hiểu rõ hơn về một cuộc hiện diện khác, cuộc hiện diện thần linh, nhiệm mầu. Để cho sự hiện diện này được khăng khít, người môn đệ phải đi trên con đường của Thầy đã đi, phải chung nhịp đập xót thương với Thầy. Chìa khóa để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn ấy chính là yêu mến và tuân giữ Lời của Thầy.
Đây là con đường tình yêu của Thầy và trò. Đây cũng là đường thương xót để đến với tha nhân. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp nối con đường xót thương ấy qua việc bào chữa, an ủi và trong vai trò khai trí mở lòng, nhằm giúp các ông hiểu tường tận những Lời Đức Giêsu đã dạy, để họ cũng thi hành cùng một hành vi xót thương đến với tha nhân như chính bản thân đã cảm nghiệm.
1. Tuân giữ Lời và thi hành là yêu mến cách trọn vẹn
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã khéo léo trình bày tâm trạng hỗn độn, hoang mang, sợ hãi của các môn đệ khi nghe tin Thầy của họ sắp sửa ra đi để chịu chết. Họ lo sợ bởi tính háo thắng, ham danh, muốn được ưu đãi, trọng thị, mong được hưởng những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu trần gian.... những lý tưởng đó sắp bị tan thành mây khói.
Đến đây, chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó là: vì những lựa chọn rất tầm thường đó chỉ đạo tâm tưởng của các môn đệ, nên những điều Thầy của họ giảng cũng như những việc Ngài làm... đã không ăn nhập gì với mục đích cũng như chẳng giúp các ông nhận ra sứ vụ Thiên Sai, đầy thương xót của Đấng Cứu Thế!
Thấu hiểu tâm trạng và diễn biến tâm lý nơi các học trò, nhất là nỗi hãi vì sự liên lụy đến cái chết của mình, nên Đức Giêsu đã trấn an: “Đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14,27). Ngay sau đó, Ngài đưa ra một chỉ dẫn để giữa các ông và Ngài có một mối thông hiệp cách chặt chẽ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,5). Việc tuân giữ và thi hành Lời của Thầy, ấy là thước đo chính xác và cụ thể nhất lòng yêu mến của các ông đối với Ngài. Đồng thời, khi tuân giữ Lời của Thầy, các ông sẽ hướng đích cuộc đời mình dưới cái nhìn sứ vụ. Như thế, giữa trăm chiều thử thách chông gai, và ngay cả cái chết, các ông vẫn vui mừng và sẵn sàng thốt lên: “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8, 35) “Đối với tôi sống là sống cho Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). Hơn nữa, khi yêu mến và giữ lời của Thầy, họ sẽ được hưởng trọn vẹn lòng thương xót, đến độ không còn gì có thể so sánh bằng, bởi nơi tình yêu ấy, có sự hiện diện và xót thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Chúng Ta sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).
2. Chúa Thánh Thần tiếp nối con đường thương xót
Để cuộc đời và sứ vụ của các môn đệ sang một trang mới, Đức Giêsu ngoài việc chỉ cho các ông tuân giữ Lời của Ngài, thì việc Ngài loan báo về Chúa Thánh Thần trong vai trò là Đấng An Ủi, Bào Chữa... là điều hết sức quan trọng.
Vì thế, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7). Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm cho sự hiện diện của Thầy trò trong trạng thái “cách mặt, nhưng gần lòng”, bởi vì: “Đấng Bào Chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
 Thật vậy, như đã nói: nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp nối đường thương xót của Đức Giêsu trong vai trò dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã loan báo lúc tại thế. Khi  nhắc cho các ông điều Đức Giêsu đã nói không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách hiểu của Thánh Kinh là: khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố phục sinh. Qua việc tiên báo này, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong Lời của Ngài cách cụ thể qua vai trò Trung Gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế, mặc dù ra đi, nhưng lòng lại gần lòng hơn bao giờ hết, và các môn đệ không bao giờ bị cảnh mồ côi đơn chiếc, vì: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Ga 14,18).
Để đảm bảo lời hứa, nhất là giúp cho các môn đệ được can đảm, trung thành đi đến cùng con đường thương xót mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước trong lòng mến, Đức Giêsu hứa ban cho các ông sự bình an riêng của Ngài. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có và mới ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).
Lời dạy và những ân ban của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là lời mời gọi và nhắc nhớ mỗi người chúng ta trong tư cách là người môn đệ của Đức Giêsu trong Giáo hội của Ngài.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sống trong một xã hội đang bị đe dọa đủ thứ, nhất là sự xáo trộn về giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực. Ơn bình an đích thực dường như vắng bóng trong xã hội. Có lẽ con người không còn đủ niềm tin vào thực tại cuộc sống, bởi lẽ, sự “tử tế” gần như là một cái gì đó xa xỉ nếu không muốn nói là người ta không thích nhắc đến, bởi khi nhắc đến, họ sợ cái “bụng” bị đói!
Trong một môi trường “ô nhiễm” do nạn thượng tôn “ông chủ bụng” mà chà đạp lên sự “tử tế” như vậy, nhiều người muốn sống đàng hoàng cũng khó, bởi vì: “Thật thà, thẳng thắn thì thường thua thiệt”; “Gian tham lọc lừa lại lên lương”. Người ta coi: “Chân Lý và chân giò bằng nhau”; “Lương Tâm, lương thực và lương tháng cùng giá trị”!
Từ thực trạng trên, người nghèo trở thành đối tượng nhắm đến cho những nhu cầu bất chính nơi một số “chủ nhân ông”. Từ đó gây nên sự bất an trong xã hội. Nguyên nhân chính yếu đó là: họ đã không có lòng thương xót, đã tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống. Quan điểm: “Kính nhi viễn tri”; hay: “Mũ ni che tai” đối với Lời Chúa là điều mà nhiều người trong chúng ta chọn lựa. Vì thế, họ sợ phải sống theo Lời Chúa dạy. Không dám đối diện với sự thật và lòng xót thương. Khước từ cũng như chối bỏ chân lý, nên không dám sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn trung thành tuân giữ và yêu mến Lời Chúa, đem Lời Chúa vào cuộc sống để Lời Chúa trở thành “khuôn vàng thước ngọc”; là “kim chỉ nam” cho đời sống; đồng thời đem lại sự hợp nhất, yêu thương, tha thứ, biến đổi, nhất là sự bình an cho chúng ta. Đây cũng là dấu chỉ của người đang đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và làm cho tâm hồn chúng con nóng lên ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log