Thứ năm, 09/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay - C

Cập nhật lúc 09:44 25/02/2016
“Tôi nói cho các người biết: nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy" (Lc 13, 5).
Suy Niệm 1
Tại sao lại có sự dữ?

Đó là câu hỏi không phải chỉ những người Do-thái thuở xưa mà cả nhiều người thời nay đặt ra. Bài Tin Mừng hôm nay mô tả: có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, họ là những người Dothái nhiệt thành đi dâng lễ để xin ơn Thiên Chúa nâng đỡ. Những người này bị Philatô giết như vậy, phải chăng họ làm điều gì xấu? Họ đã chấp hành Lề Luật đi lễ! Và nếu họ không mắc tội, tại sao Thiên Chúa lại để họ bị giết như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta lại trở về với câu hỏi tại sao lại có sự dữ. Khi đặt vấn đề này ra, chắc chắn người Dothái không thể không nghĩ tới những tiếng kêu than của ông Giob, là người vô tội nhưng đã phải chịu đựng muôn vàn sự khốn khó kinh khủng: “Con phạm tội có hề chi đến Ngài, lạy Đấng dò xét phàm nhân? Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn? Phải chăng con đã nên gánh nặng cho Ngài?” Chắc hẵn, họ có thể cho rằng Thiên Chúa trừng phạt dân Ngài khi họ không giữ Giao ước, khi các vua của họ như Salômon để cho dân đi theo lễ nghi của dân ngoại. Nhưng khi Josia tái lập lại việc thờ phượng tinh tuyền, thì lại ông mất tích sớm trong cuộc chiến. Chắc chắn câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ là : “Thiên Chúa không tàn ác và không muốn sự dữ. Ngài cũng là Đấng nhẫn nại vô biên”.
Chắc chắc sự dữ luôn tồn tại, con người không thể tránh khỏi và có khi không chịu đựng nổi.

- Sự dữ là một Mầu Nhiệm. Trước hết chúng ta nên biết rằng tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác và Người nhìn sự việc bằng một cách thế căn bản khác với chúng ta. Đừng ai chờ đợi có một câu trả lời đầy đủ về vấn đề sự dữ, vì chúng ta không thể có sơ đồ tổng hợp chương trình của Thiên Chúa được. Nếu nói không có Thiên Chúa, thì dễ có câu trả lời cho vấn đề này. Nếu chối từ Thiên Chúa, chúng ta có thể giải thích được sự dữ, nhưng không thể giải thích được điều tốt, vẻ đẹp, tiếng chim hót…

- Sự dữ không phải là một sự trừng phạt tội lỗi, nhưng là một hậu quả về sự bình đẳng phổ quát. Chúa Giêsu đã nhận thấy rất rõ vấn đề làm đau nhói những kẻ tranh luận với Ngài: “Nếu tôi hiểu rõ, thì các ông tự hỏi mình xem những người Galilê bị Philatô giết đó liệu họ có lỗi hơn những người Galilê khác không? Hay nói cách khác, các ông tự đặt vấn đề xem những điều bất hạnh xẩy đến cho chúng ta liệu có phải là hậu quả trực tiếp do tội của cá nhân chúng ta không? Tôi trả lời chắc chắn và rõ ràng cho các ông là: không và không! Tôi đặt một trường hợp khác có ý nghĩa hơn cho các ông: 18 người bị tháp Siloe đè chết, phải chăng là họ phải chịu số phận rủi ro, đúng vào lúc những hòn đá tình cờ rớt xuống?”. Và Chúa Giêsu trả lời họ cách vắn tắt: “Các ông tìm mọi cách để biết ai là người có lỗi ư? Này, các ông nên bắt đầu bằng một cuộc tự vấn lương tâm các ông! Các ông sẽ thấy rằng tất cả các ông đều ở trong những nỗi bất hạnh của thế giới này. Tốt hơn hết là các ông hãy thay đổi con tim và rồi thế giới sẽ thay đổi”.
Như vậy Chúa Giêsu cho chúng ta một tia sáng về vấn đề sự dữ. Tất cả chúng ta đều liên đới trong vấn đề sự dữ. Tất cả chúng ta nối vào nhau bằng một giây kéo, nếu một người yếu, chắc chắn những người khác bị ảnh hưởng. Chính vì lý do này mà một người có thể trả nợ thay lỗi lầm của người khác. Phục vụ tốt để đem lại sự sống cho người khác có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho chính bản thân, như trường hợp của Cha Damien. Cả một gia đình bị tai nạn chết vì ôtô do lái xe không cẩn thận. Gia đình đó không phải là các tội nhân mà chỉ là nạn nhân.
Nhân loại là một thân thể xã hội rộng lớn: khi một chi thể đau yếu, toàn thân thể đều cảm thấy đau: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại dựng nên thế giới mà cả nhân loại phải bình đẳng trong nỗi bất hạnh như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta phải biết nhân loại chúng ta cũng có bình đẳng trong sự thiện. Nhân loại đã phải chịu đựng khiếp sợ vì sự điên rồ của Hitler hoặc của Pol-pot, nhưng nhân loại cũng đã được hưởng biết bao thành quả tốt đẹp của nhà bác học Pasteur, của Gandi đấu tranh cho hoà bình. Nhưng nhất là, chính nhờ sự bình đẳng này mà bây giờ chúng ta trở nên con Thiên Chúa, vì Chúa Kitô, người Con đích thực của Thiên Chúa trở nên người anh cả của nhân loại chúng ta.Thánh Phaolo viết: “Nếu chỉ một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chét đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy…Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa lên án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho công chính, nghĩa là được sống”.
Vì lý do bình đẳng sâu xa  cả về sự dữ lẫn sự thiện như vậy, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta ý thức trách nhiệm của mình mà trở về càng sớm càng tốt trong mùa chay này.
Sự dữ là một kẻ thù cần phải chiến thắng. Thiên Chúa không đứng về phía sự dữ. Ngài đã nói với Moise: “Phải, Ta đã thấy cảnh khốn cùng của dân Ta; Ta đã nghe thấy tiếng kêu than của họ; Ta biết họ đau khổ; Ta đã đến để cứu họ”. Không, Thiên Chúa không tàn ác. Không, Thiên Chúa không vô tâm. Ngài nghe thấy đau khổ của con người. Ngài đau lòng trước sự dữ của con người và Ngài muốn hành động. Ngài muốn hành động qua chúng ta như đã nói với Moise: “Ta sai ngươi đến nhà Pharaon để giải thoát dân Ta ra khỏi Aicập”.
Nhưng sự dữ đích thực mà chúng ta cần phải chiến thắng đầu tiên, đó là tội lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay như một lời thôi thúc tất cả những người Kitô hữu chúng ta hãy ăn năn sám hối vì sự bình đẳng của toàn thể nhân loại. Đó là bổn phận của chúng ta đối với thế giới hôm nay.
Thiên Chúa không những là không tàn ác, Ngài còn nhẫn nại. Ngài không chặt cây vả không sinh quả, Ngài cho nó một cơ hội vào mùa sau. Vì thế, mùa chay, chúng ta đừng làm nản lòng nhẫn nại của Thiên Chúa, một sự nhẫn nại cảm thông và đầy tình yêu mến. Đau khổ mà chúng ta phải chịu là một cơ hội chứng tỏ tình yêu chúng ta đối với Ngài. Người ta dễ yêu mến Thiên Chúa khi mọi sự xẩy đến với họ đều tốt; nhưng yêu mến Thiên Chúa trong đau khổ giúp chúng ta yêu mến như chính Ngài yêu mến: tình yêu cho không! “Lạy Chúa, khi Chúa để con trong cơn nguy khốn, hình như là con không có lý do để yêu mến Chúa . Nhưng dù sao, con cứ yêu Chúa, một tình yêu vô vị lợi”. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Đau khổ giúp chúng ta tiến bộ trên con đường tận hiến và đạt tới mức độ cao nhất của Tình Yêu”.
Thi sĩ Sandrine Namblard viết: Mùa chay giống như sự vuốt ve âu yếm. Thời gian của mùa chay dịu dàng như một sự vuốt ve, Cái vuốt ve của người cha đưa lên mái tóc đứa con mình trước khi nó ném mình vào lòng cha. Mùa chay là đó! Mùa chay giúp chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Đấng đang nhẫn nại đợi chờ để chúng ta được sống. Mùa chay ơi, Mùa chay trong Năm Thánh LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHA, tại sao tôi dễ quên hay là cố tình quên Mùa Chay như vậy?
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

============
Phụng vụ hai Chúa nhật đầu Mùa Chay cả ba năm A, B, C đều trùng hợp nhau ở đề tài sự lựa chọn của Chúa Giêsu trước tên cám dỗ, và Chúa biến hình. Bước vào Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm C, bài Tin mừng chú trọng đến đề tài "hoán cải" với lời kêu gọi cảnh tỉnh. Lời cầu nguyện của các Giáo phụ dạy chúng ta thưa : "Lạy Chúa, xin thương con, vì con là kẻ có tội !"
Sau hai tuần sám hối, ý thức mình là kẻ tội lỗi, chúng ta lấy những lời trên làm của mình, và can đảm cùng với Chúa Giêsu bước vào trong sa mạc của Mùa Chay Thánh, "hướng cặp mắt" lên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, và thưa: "Mắt tôi hướng nhìn Chúa không biết mỏi, vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới. Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, vì thân này bơ vơ cùng khổ" (Ca nhập lễ), Chúa sẽ cứu giúp chúng ta.
Tin vào lòng Chúa thương xót không phải là dễ, vì khi có biết bao chuyện buồn đẫm lệ trước mắt chúng ta: các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn do bọn IS gây ra cho những người công giáo … Chúng ta vẫn hát với niềm tin rằng : "Chúa nhân từ và thương xót". Có người hỏi, lòng nhân từ và tình thương xót của Chúa ở đâu, khi trái tim con người bị tan nát bởi những cái chết đau thương của người thân, của anh em đồng loại... thật khó để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và muốn điều tốt cho nhân loại.
Vấn nạn giả thiết rằng, sự bất hạnh xảy đến với con người là đáng. Vì vậy, khi chúng ta chứng kiến những người bị bệnh nan y hoặc chết đột ngột, người đời hỏi: "Họ đã làm gì sai chăng? " Hay có sự trừng phạt tức khắc mà họ phải hứng chịu? Đây không phải là điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng.
Vậy, làm thế nào để có thể chấp nhận và sống sự khác biệt giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất hạnh của con người? Chúng ta còn nhớ việc Thiên Chúa giải thoát dân Ngài ra khỏi Ai Cập và cho họ đi qua Biển Đỏ ráo chân không? Liệu còn nhớ Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài qua sa mạc, nuôi dân bằng bánh bởi trời, và uống nước từ tảng đá vọt lên để dân đi đến tận Đất Hứa không? Chỉ cần nhớ lại những hành động Thiên Chúa trợ giúp con người, Như thư I Côrintô, Thánh Phaolô tiên báo trước đời sống Kitô hữu, những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô là Đá tảng tuôn trào mạch nước sự sống và nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời. Nhưng làm thế nào để chúng ta tin vào lòng trung thành của Thiên Chúa và giúp chúng ta tin vào tình yêu Chúa khi bất hạnh tấn công con người?
Thánh Luca kể lại cho chúng ta bình luận của Chúa Giêsu về hai biến cố thời sự lúc đó. Biến cố thứ nhất là cuộc nổi loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn áp giết chết; biến cố thứ hai là ngọn tháp tại Giêrusalem bị sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng; hai biến cố bi thảm này khác nhau, một do con người tạo ra, và một do tai nạn. Người đương thời Chúa Giêsu thường có tâm thức nghĩ rằng, tai nạn đã đổ xuống trên các nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm trọng. Trái lại, Chúa Giêsu nói : "Các người cho rằng những nạn nhân người Galilêa kia là những kẻ tội lỗi hơn tất cả mọi người Galilêa ư?... Hoặc 18 nạn nhân kia là những kẻ lỗi phạm hơn tất cả mọi người dân Giêrusalem chăng?" (Lc13,2.4). Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, Chúa Giêsu hồi phục lại hình ảnh chân thực của Thiên Chúa là Ðấng tốt lành, không muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai hoạ đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Người nói: "Các ông tưởng rằng những người Galilê ấy là những kẻ tội lỗi nhất ở xứ Galilê cho nên mới đáng hình phạt như vậy ư?" Và Chúa Giêsu kết luận cho cả hai trường hợp như sau: "Không phải thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các người không ăn năn hối cải, các người cũng sẽ phải chết như vậy" (Lc 13,3.5). Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Người đến kết luận về sự cần thiết phải ăn năn trở lại.
Khi cái chết tấn công chúng ta, đức tin không cho chúng ta những lời giải thích hoặc an ủi chúng ta yên tâm, nhưng đức tin hỏi chúng ta: chúng ta đã làm gì trong cuộc đời khi đang phải đối diện với cái chết vây quanh ta, bất hạnh và đau khổ tấn công và chạm đến ta?
Để làm rõ lời kêu gọi hoán cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không sinh quả. Như chúng ta, những người đã được hưởng lợi quá lâu từ ân sủng của Thiên Chúa mà không đáp trả cách hào phóng. Chủ vườn nói với chúng ta rằng, điều này đã quá đủ. Và bây giờ người làm vườn chưa ưng nhận sự phán xét của Thầy nên trả lời: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi" (Lc 13, 9), đúng là năm án treo, một năm hồng ân. Trong hội đường Nazareth, chính Chúa Giêsu với sứ mạng được ủy thác đến công bố năm hồng ân. Năm chúng ta đang sống đây là Năm Thánh Lòng Thương Xót, một năm chúng ta được Chúa xót thương.
Sự chết không tấn công một cách mù quáng, nhưng là lời mời gọi chúng ta hoán cải đời sống. Đó là lý do tại sao phụng vụ cung cấp cho chúng ta bài suy niệm này ở trung tâm của Mùa Chay, khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình 40 để hướng tới việc cử hành lễ Vượt Qua, và mời chúng ta đi tiếp để Chúa Nhật tới canh tân phép rửa của chúng ta, nguồn nước hằng sống trào dâng từ trái tim của Chúa Giêsu.
Vâng, lạy Chúa, khi con nhìn thấy những gì xảy ra trên thế giới, các tai nạn gây đau đớn cho nhân loại và đau khổ đến anh em của con, con nghe thấy giọng nói của Chúa nói với con: "Hãy sám hối ngay ngày hôm nay. Tận dụng Năm Thánh này, Năm Hồng Ân, năm Ta xót thương và chăm sóc con để con có thể sinh trái". Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

============
Suy Niệm 3
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHUỘC
Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9
 
Nếu Chúa Nhật I Mùa Chay nói về chủ đề cám dỗ, Chúa Nhật II nói về vinh quang, thì Chúa Nhật thứ III Mùa Chay hôm nay nói về chủ đề sám hối.
Tại sao chủ đề sám hối lại được đặt vào trọng tâm của Mùa Chay? Thưa vì khi sám hối, con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự bất toàn của chính mình. Từ đó, chúng ta đón nhận được ơn tha thứ, khởi đầu lại hành trình đức tin và tiếp tục đi trong đường lối yêu thương của Người.
Hôm nay, vào giữa Mùa Chay, Giáo Hội lại một lần nữa kêu gọi con cái mình sám hối, vì: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2b).

 
1. Lý do cần phải sám hối
Khởi đi từ bài đọc I, tác giả sách Xuất Hành cho thấy: Thiên Chúa là Đấng yêu thương con cái của Người cách đặc biệt, nên ngay từ xa xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Abraham, qua đó, Người thiết lập một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa mạc khải tình thương của Người cho nhân loại qua việc yêu thương, chăm sóc và giữ gìn.
Tình thương ấy được tỏ hiện cụ thể qua việc Thiên Chúa tiếp tục chọn và gọi Môsê để trao phó cho ông sứ mạng giải thoát dân Người ra khỏi ách nô lệ bên Aicập.
Đến bài đọc II, thánh Phaolô gợi lại sự chăm lo của Thiên Chúa cách đặc biệt trên cộng đoàn. Tuy nhiên, Ngài thấu hiểu được tâm lý con người, nên đã cảnh báo họ về những cám dỗ. Để chứng minh, Ngài đã nhắc lại cuộc xuất hành của dân từ Aicập vượt qua Biển Đỏ, rồi trong suốt hành trình nơi Samạc, họ đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, ấy thế mà, dân Israel đã bội nghĩa vong ân, đã thay trắng đổi đen, và đã vướng vào những cạm bẫy của ma quỷ, để rồi kiêu ngạo, thách thức Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người đã phải chết trong sự ngu dốt do tính kiêu ngạo của mình.
Từ đó, thánh nhân mời gọi tín hữu Côrintô hãy sám hối, tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với sự hướng dẫn đầy tình nhân ái của Người.

 
2. Nếu không sám hối, sẽ phải chết
Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật việc dân chúng báo tin cho Đức Giêsu về hai sự kiện, một là: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ vật trong đền thờ, và biến cố 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết, sau đó, họ kết luận: những người đó phạm tội nên mới bị chết cách đau đớn như vậy!!!
Khi nghe thấy tin ấy, Đức Giêsu đã không nhìn sự kiện dưới khía cạnh luân lý, kinh tế hay chính trị, mà Ngài nhìn dưới góc độ tôn giáo. Vì thế, Ngài đã đánh đổi quan niệm cũ sai lầm mà người Dothái thường gán cho những người ốm đau, bệnh tật, tai nạn là do phạm tội nên bị Thiên Chúa phạt bằng câu nói đầy tính tiên tri: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”. Điều này đã được chính Đức Giêsu chứng minh qua phép lạ chữa cho người mù từ lúc mới sinh, Ngài nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Mặt khác, Ngài cũng muốn nhắc cho dân chúng ở đó rằng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án mà thôi, nên: “Đừng xét đoán để khỏi bị kết án” (Mt 7,1).
Như vậy, qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy ý chính, trọng tâm của sứ điệp chính là: “Hãy sám hối để được ơn tha thứ và cứu chuộc”.

 
3. Sứ điệp Lời Chúa
Lời mời gọi ấy ngày nay vẫn con nguyên giá trị. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người vẫn dửng dưng và cho rằng: “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình !”; hay nghĩ rằng: “Đâm lao theo lao”, lỡ yếu đuối sa ngã phạm tội rồi, cho lỡ luôn! Thực ra, chỉ những ai dại dột hay kiêu ngạo thì mới cả gan nghĩ như vậy, bởi lẽ trong thực tế đã chứng minh cách nhãn tiền rằng: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, vì: cái chết nó đến với chúng ta cách bất ngờ đến độ như kẻ trộm lúc đêm khuya hay như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu chúng ta...
Vì thế, ngay giây phút này, mỗi người hãy tâm niệm câu nói của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12); và câu nói của thánh Phêrô: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường”  (1 Pr 5,5). Vì ngài: luôn đánh giá rất cao người tội lỗi trở về hơn là người đạo đức mà kiêu ngạo.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho ta thấy rất rõ: đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, gái điếm, trộm cắp..., nhưng cả những người được coi là đạo đức, ngay chính, nhiều người kính trọng, hết thảy, ai ai cũng đều phải sám hối.
Bởi vì nếu lời mời gọi sám hối dành cho những người tội lỗi là: từ bỏ con đường bất chính, gian dâm, trộm cướp, hối lộ, bóc lột..., thì lời mời gọi sám hối dành cho những người đạo đức, công chính..., đó là: làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, biết cảm thông cho những thân phận xấu số, cảm thương với người nghèo và rộng tay làm phúc bố thí cho họ, nhất là nâng đỡ những người tội lỗi, giúp họ làm lại cuộc đời...
Tại sao vậy, Thưa! Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu không được làm, mà Giáo lý của Đức Giêsu còn đòi buộc cả những điều tích cực như: khi thấy điều tốt mà không làm thì cũng mắc tội. Điều này cũng được chính thánh Giacôbê nhắc đến trong thư của ngài: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17).
Vì thế, nếu tỏ lòng sám hối là điều cần làm ngay lúc này, thì lời mời gọi sinh hoa quả tốt là các nhân đức cũng là điều cấp thiết. Bởi vì: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(x. Mt 3,10 ; Lc 3,9).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ rằng: biết sám hối là một lựa chọn khôn ngoan. Biết đổi mới đời sống theo thánh ý Chúa là người có phúc. Amen.
 Jos. Vinc. Ngọc Biển

============
Suy Niệm 4
ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI …TẠI SAO ?
Lc 13 ,1 – 9
 
Đau khổ ! Tại sao ? Cha Giuse Đinh Thanh Bình, SDB đã đưa ra hàng loạt những lập luận thường dùng để giải thích và cắt nghĩa đau khổ:
Phải chăng Chúa dùng đau khổ để trừng phạt tội lỗi con người? Phải chăng Chúa có lý do khi gửi đau khổ đến cho con người? Phải chăng Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để dạy bảo con người? Đau khổ để thử thách? Đau khổ là công nghiệp? Phải chăng Thiên Chúa là nguyên nhân của đau khổ ?
Tất cả những lý giải được người đời mọi thời, mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp, đấng bậc đưa ra đều không vững, đôi lúc có phần nguy hiểm, và rồi bế tắc lại hoàn bế tắc. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt câu hỏi thẳng thừng: Điều xảy ra cho những người ấy phải chăng là do họ phạm tội? Những người ấy phải chăng là những người tội lỗi nhất? Rốt cuộc, phải chăng sự công bình của Thiên Chúa đã được áp dụng nhãn tiền đối với họ ?
Thực ra nền tảng của câu hỏi này chính là cuộc tìm kiếm đôi khi vô vọng về nguyên nhân của những gì xảy đến cho chúng ta. Ta gần như có cảm tưởng rằng một lối giải thích nào đó có thể xoa dịu được nỗi đau của mình. Đây cũng là vấn nạn lớn nhất của ông Gióp khi ông đau khổ đến cùng cực. Đối với những câu hỏi quả thực là rất chính đáng, Chúa Giêsu sẽ không đưa ra một câu trả lời lý thuyết. Nhưng Người hướng mỗi người phải cấp bách hoán cải bản thân, nếu các ông không hoán cải các ông sẽ chết như họ. Mới thoạt nhìn một câu trả lời như thế có thể làm ta thất vọng. Thực ra, câu trả lời ấy mời gọi chúng ta tập trung vào điều cốt yếu. Chúa Giêsu giải thích rằng quả là vô ích, nếu chúng ta muốn giải quyết một vấn nạn vượt sức chúng ta, nhưng điều quan trọng, đó là chúng ta phó thác vào Người (Cha Jacques Habert )
Tin Mừng Chúa Nhật này dẫn chúng ta đi giữa khẩn cấp và kiên trì. Nếu người làm vườn biết rõ phải có thời gian và kiên nhẫn để cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và sinh hoa trái, thì ông cũng biết có khi phải có những hành động và cách chăm sóc để cây tiếp tục lớn lên. Và khi đến mùa gặt ông biết có thể có những trường hợp khẩn cấp, nếu không mọi sự có nguy cơ bị mất hoàn toàn.
Nếu phải có kiên trì và thời gian để cây ra trái, thì để đạt tới sự thánh thiện còn cần kiên trì và thời gian nhiều hơn. Như người trồng nho chăm sóc cây vả, thì chính Thiên Chúa chăm sóc chúng ta để chúng ta có thể lớn lên. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người tha thứ cho chúng ta, nâng chúng ta dậy và yên ủi chúng ta. Không bao giờ Người hết hy vọng vào chúng ta. Nhưng chúng ta có muốn đáp trả tình yêu Chúa bằng cuộc đời chúng ta không? Thời gian chạy theo tiến trình của nó. Phục sinh đang nảy mầm trong sa mạc. Hôm nay, thời đã đến để khẩn cấp nghe tiếng gọi hoán cải và quan tâm kiên trì với chính mình, như Thiên Chúa kiên trì với mỗi người chúng ta ( P.Benoit Gschwind )
Pr.  Nguyễn Mai
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log