Thứ năm, 09/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật IV TN – C

Cập nhật lúc 16:26 29/01/2016
“Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” ( Lc 4, 24)
Suy Niệm I
“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”

Thời Cựu Ước, tất cả các tiên tri đều bị người Dothái khinh bỉ. Ngay cả Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu họ, nhưng họ cũng tìm cách hại Ngài, và cuối cùng đã đóng đinh Ngài trên thập giá.
Ngụ ngôn Ấn độ: “Viên ngọc quí không có giá trị khi còn ở trong vỏ sò”, hoặc ngụ ngôn Pháp thuộc thế kỷ XV: “Vị thánh ở Thành Phố không làm phép lạ”. Nhiều người giáo dân trong các giáo xứ cũng có thể nói: giả sử được cha khác về xứ mình thì giáo dân sẽ đi lễ đông hơn vào các ngày Chủ nhật và lễ trọng. Ngay cả trong gia đình cũng như cộng đoàn, chúng ta chỉ nhận thấy sự thánh thiện của người thân sau khi họ qua đời.
Chúng ta khó mà hiểu được tại sao dân làng Nagiarét lại có thể đần độn như vậy đến nỗi không đón mừng một siêu sao của quê hương mình? Đáng lẽ họ phải hãnh diện vì có một người tài giỏi, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng Galilêa thì phải.
Tuy nhiên, dân làng Nagiarét cũng không thể chê trách gì về lý lịch của Ngài, dù Ngài lớn lên trong một gia đình đơn sơ. Nhưng đó là một gia đình gương mẫu:
- Giuse cha Ngài, phải chăng không là người rất tận tụy đó sao?
- Còn Maria, Mẹ Ngài, đã làm điều gì xấu đối với bà con láng giềng? Phải chăng Maria không phải là người khiêm nhường và dịu dàng đó sao?  Không khoác lác… và cũng chẳng nói xấu ai.
- Và chính Chúa Giêsu, người ta không thể trách Ngài được điều gì? Phải chăng Ngài không tiếp tục công việc của Cha Ngài đó sao? Suốt 30 năm ẩn dật tại làng Nagiarét, phải chăng Ngài đã tự phụ về điều gì? Phải chăng Ngài đã đòi hỏi một quyền bính nào đó tại hội đồng thành phố? Nhất là tại nguyện đường, phải chăng Ngài đã chẳng làm cho dân làng Ngài choáng váng về bài giảng của Ngài sau khi Ngài đọc Sách Thánh đó sao? Họ đã phải công nhận những lời giải thích của Ngài rất sâu xa và họ đều sẵn sàng chấp nhận sứ điệp phát ra từ môi Ngài. Khó mà có thể hiểu nổi thái độ của họ!
Còn chúng ta, chúng ta có giống những người đồng hương Chúa không ?
- Chúng ta có hãnh diện đủ vì mình là môn đệ của một người thầy như thế không? Chúng ta có xấu hổ về trang nào của lịch sử đời Ngài không? Nhân vật vĩ đại nào có thể so sánh được với Ngài?
- Chúng ta có hãnh diện đủ vì chúng ta thuộc về gia đình Giáo Hội của Ngài không? Đức Cha Gaillot nói: “Gia đình tôi luôn luôn là Giáo Hội, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ gia đình này”. Dù có những bất toàn, nhưng Giáo Hội đã cống hiến cho chúng ta rất nhiều.
- Chúng ta có đủ tự hào về Tin Mừng đã khắc ghi vào con tim nhân loại tình yêu điên rồ của Chúa Giêsu đến nỗi Ngài đã chết trên thập giá và còn tha thứ cho kẻ thù?
Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn bị người đời từ chối. Tại sao vậy? Phải chăng vì Ngài là con bác mộc Giuse? Đúng thế, người ta có thể xì xào và bàn tán với nhau:
- Một người phụ nữ có thể nói: “Đấng Messia ư? Trước đây ông ta là thằng bé chơi bi chơi đáo cùng với con nhỏ của tôi mà!” -
- Một người đàn ông cũng có thể nói: “Đấng Messia ư? Cách đây chỉ một năm thôi, ông ta đã trao cho tôi một cái tủ mà tôi đã đặt hàng nơi xưởng của bố ông ấy mà”!
- Bậc lão thành Kinh Thánh thì lại nói: “Tôi đã dạy giáo lý cho ông ta tại hội đường. Đúng, ông ta rất giỏi, không cần nói lại lần thứ hai về một vấn đề, là ông ta đã hiểu rồi. Qua đó, có thể xác nhận rằng ông là người cứu dân tộc Israel như đã hứa!”
Vâng, lạy Chúa, Chúa đã sống 30 năm ẩn mình. Hoàn toàn nghèo khó như ai đến nỗi chẳng ai để ý đến Chúa. Dường như là nhiều người không nhận ra Chúa.
Ngày nay cũng vậy, nhiều người từ chối sự hiện diện của Chúa Giêsu và không công nhận sự siêu việt của Ngài. Tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài làm và tất cả những gì Ngài nói đều phải qua sự sàng lọc của lý trí và khoa học lịch sử. Người ta không hiểu Ngài. Hơn nữa Ngài còn bị biến dạng trên thập giá và cuối cùng chỉ còn lại mầu nhiệm về Ngài mà thôi.
Nếu Ngài chỉ là như vậy, thì người Dothái và nhất là người đồng hương Nagiarét cảm thấy Ngài không thuộc vào loại các tiên tri họ mong đợi:
- Đấng Messia gì mà lại sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh không xứng với phẩm giá của mình?
- Không những thế, Ngài còn quên nhiệm vụ là phải đánh đuổi quân xâm lược Rôma. Hơn nữa, Ngài lại nói về sự tha thứ cho kẻ thù và quan tâm đến người tội lỗi.
- Ngài còn nói về việc nộp thuế cho César. Thực sự Ngài không có mác giải phóng cho dân tộc Dothái….
- Hơn nữa, điều mà Chúa Giêsu bị đồng hương khiển trách là vì Ngài không dành quyền ưu tiên cho họ, làm cho họ những phép lạ lừng danh, hoặc chữa bệnh như Ngài đã làm ở các nơi khác…
Còn thế giới chúng ta hôm nay thì sao? Nhiều người cũng mơ về một Thiên Chúa thắng trận, đập tan kẻ dữ. Họ cũng mơ về một Giáo Hội chiến thắng, một Giáo Hội không vết nhơ, một Giáo Hội không có người tội lỗi.
Người thời nay thì sao? Nhiều người cũng đòi hỏi phép lạ, chờ đợi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh tật và giải quyết cho họ những khó khăn về tài chính.
- Nhất là Ngài như là người phá đám, Ngài mời gọi người ta thay đổi cuộc sống và trở về, nhưng chính Ngài lại làm cho người ta khó hiểu: Ngài thường xoáy vào những người tử tế và có nhân đức, mà không nhắc nhở và đôi khi còn bênh vực những kẻ tội lỗi,.
Đó là những nguyên nhân mà người đồng hương Chúa không thể chấp nhận Ngài là Đấng Messia. Và vì thế, họ muốn hại Ngài. Nhưng Ngài không sợ và vẫn tiếp tục con đường của Ngài, con đường sẽ dẫn Ngài đến thập giá.
Ngài sẽ đi về phía những người khác. Ngài hướng về chúng ta, nếu chúng ta tiếp nhận Ngài. Chúa Kitô là con đường của chúng ta, Ngài ở trước mặt, ở sau lưng, ở bên trong và bên cạnh chúng ta. Ngài ở với chúng ta suốt ngày đêm. Ngài là Đấng mà chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng tất cả con tim mà thôi.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
*********
Suy Niệm II
Họ chỗi dậy và trục xuất Chúa Giê-su ra khỏi thành
 
Hôm nay Chúa Giêsu về quê hương và giảng dạy trong Hội Đường Nagiarét. Dân làng nghe và thán phục, nhưng Chúa Giêsu không chiều theo cơn cám dỗ để được lòng và thỏa thuận với họ cách dễ dàng. Họ muốn lợi dụng phỉnh nịnh Chúa làm phép lạ vì Người là đồng hương của họ. Nhưng họ không tin vào Người là Đấng Messia vì họ biết rõ Người là con trai ông Giuse. Họ muốn Chúa là người của họ…Và cuối cùng họ “trục xuất Chúa ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm”.
Còn chúng ta thì sao? Hơn một lần, chúng ta xét đoán người khác theo cách thế của những người Nagiarét. Một số điểm yếu bên ngoài của người khác có thể che dấu những đặc tính tốt bên trong … Vì thế chúng ta cần xin Chúa cho chúng ta ý nghĩa của sự khâm phục.
Thiên Chúa biết tận thâm tâm con người và Quyền Năng của Người có thể thực thi những việc lạ lùng khi con người chỉ nhìn thấy vẻ đơn sơ và tầm thường. Rất nguy hiểm khi chúng ta xét đoán vẻ bên ngoài. Xét đoán vẻ bên ngoài như vậy có thể dẫn đến lầm lẫn nặng nề như những người đồng hương Chúa. Những người đồng hương Chúa chỉ nghe lời Chúa, khâm phục lời Chúa nhưng lại không tin vào Chúa. Và còn nhiều lý do khác nữa, nên họ đã trục xuất Chúa ra khỏi thành.
Đúng vậy, chỉ 3 năm nữa thôi, cuộc đời của Chúa sẽ là thế! Chúa sẽ bị người ta trục xuất ra khỏi thành và chịu đóng đinh ở đó. Các tác giả Tin Mừng nhiều lần nêu bật tính hung hăng của những người từ chối Chúa và niềm vui mừng của những ai đón nhận sứ điệp của Người:
- Thánh Luca so sánh thái độ của dân thành Nagiarét với thái độ của dân thành Capharnaum: Thành phố Capharnaum bao gồm người tứ xứ và đại đa số là ngoại giáo, nhưng họ dễ chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu hơn là ở quê hương Người. Ngày Chúa Giêsu sinh ra, các mục đồng vui mừng, trong khi đó dân thành Belem lại đóng cửa không đón nhận Chúa.
- Thánh Mattheu so sánh vua Hêrôđê và các bậc vị vọng với các nhà đạo sỹ đến từ Đông Phương. Các nhà đạo sỹ này đi tìm Chúa và rất vui mừng khi ngôi sao chỉ đường lại xuất hiện.
-Thánh Gioan Tông đồ sau đó cũng viết: “Chúa đã đến nhà gia nhân Người, nhưng gia nhân người không đón nhận Người”. Và sau đó, Thánh Gioan còn thêm: “còn tất cả những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa”.
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ có khuynh hướng lên án dân thành Nagiarét và tầng lớp chính trị cũng như tôn giáo tại Giêrusalem. Còn chúng ta thì khác, chúng ta đón nhận Chúa. Tuy nhiên, thành thật mà nói: chúng ta cũng thường trục xuất Chúa ra khỏi nhà và gia đình chúng ta. Chúng ta đến với Chúa ngày Chủ Nhật chỉ có một giờ nhưng cũng không trọn vẹn xén đầu xén đuôi, chỉ thích ngồi ngoài nhà thờ cách tự do, nói chuyện với con cái hoặc đi hút thuốc lá. Rồi sau đó để mặc Chúa trong nhà chầu và từ chối Người đi vào cuộc sống của chúng ta. Còn Chúa, Chúa lại muốn ở cùng chúng ta 24/24 giờ, 7 ngày/7 ngày: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Tại nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng nhiều người không thường đi lễ ngày Chủ Nhật và tham dự vào các hoạt động phong trào của giáo xứ, giáo họ. Biết bao người đã lãnh nhận phép Rửa rồi, do thái độ dửng dưng tôn giáo hoặc sợ mất công ăn việc làm, không dám xưng mình là có đạo, và họ đã đuổi Chúa Giêsu ra khỏi thành của họ để chạy theo xu hướng của thời đại.
Dù chúng ta đang sống trong một môi trường đa tôn giáo, nhưng Chúa Kitô luôn nhắc nhở chúng ta rằng các giá trị của Kitô phải ảnh hưởng đến tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta cần phải tránh không đuổi Chúa khỏi các hoạt động của chúng ta, khỏi thành phố của chúng ta. Hay nói một cách cụ thể hơn, nơi ở của chúng ta hay nơi làm việc của chúng ta phải là nơi chúng ta sống hòa bình, huynh đệ, tha thứ, cởi mở với người khác và chia sẻ cho nhau…
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi và muốn chúng ta ra khỏi tính thụ động và dửng dưng của chúng ta. Có thể chúng ta đã lãnh nhận phép Rửa từ khi còn nhỏ và chúng ta quen sống một đức tin bình bình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để cho Người đi vào cuộc sống của chúng ta để chúng ta có một cuộc sống dồi dào.
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào con tim chúng ta và cho phép Chúa đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời. Đừng trục xuất Chúa khỏi thành của chúng ta!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
*********
Suy Niệm III
CHÚA GIÊSU, VỊ THẦY THUỐC CAO TAY ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT
(Lc 4, 21-30)
 
Nếu như Chúa nhật III Thường niên, Chúa Giêsu thực hiện lời ngôn sứ đã loan báo về mình, thì bước vào Chúa nhật IV, Chúa Giêsu tiếp tục thi hành sứ vụ Thiên sai, Danh tiếng Chúa lan truyền khắp nơi, Chúa chữa lành những người bị quỉ ám, làm cho người mù được sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, nhìn chung là vui mừng và sung sướng; mọi người đều ...thán phục Người ; các thần ô uế phải vâng lệnh Người.
Nhưng hôm nay hoàn toàn ngược lại, vì sau một thời gian vắng mặt, Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một tư cách hoàn toàn mới: Chúa Giêsu vào hội đường đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4,21), khiến cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Ðiều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, "mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Lc 4,22). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: "ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Ðức Giêsu thành Nagiarét, 11). "Người này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4, 22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiarét có thể có khát vọng gì đây?
Sự biết của họ gợi nhớ câu ngạn ngữ : "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình! Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông" (Lc 4, 23). Liền sau đó, Chúa Giêsu đã thở dài và tuyên bố câu nói để đời : "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình"(Lc 4, 24). Tuyên bố của Chúa Giêsu vang lên trong hội đường như một sự khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ Elia và Eliseo đã làm cho những người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều kẻ tin mạnh hơn. Tới đây thì tất cả những người có mặt đều phản ứng: "Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi" (Lc 4, 28-30). Người ta phải tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại khơi dậy sự đổ bể ấy? Ban đầu dân chúng thán phục Người và có lẽ Người đã có thể có được một sự đồng ý nào đó của họ. Chúa Giêsu đã không đến để tìm sự đồng ý của loài người. Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chân lý, sẵn sàng trả giá.
Về điểm này, thánh Augustinô (354-430), Giám mục thành Hippôn (Bắc Phi), tiến sĩ Hội Thánh đã chủ giải như sau : "Người rẽ qua giữa họ mà đi", nghĩa là Chúa Giêsu là một thầy thuốc cao tay đã đến giữa chúng ta. Người vẫn rẽ ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta để làm cho chúng ta được khỏe mạnh. Chúa Giêsu đã đến, và Người thấy hội chứng mù lòa trong lòng nhân loại, Người liền hứa ban sự sáng cho chúng ta được thấy, thật đúng là : "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm" (1 Cr 2, 9).
Nếu Chúa Giêsu, một Vì Thiên Chúa, là Thầy thuốc đến để chữa bệnh thì Người chữa bệnh gì cho nhân loại ? Người đã dùng phương thuốc nào ?
Người đến để chữa nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh kiêu ngạo. Phương thuốc chữa trị cho căn bệnh kiêu ngạo là sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô. Một vị thầy thuốc tôn trọng bệnh nhân khi chữa trị cho các bệnh nhân, với phương thuốc: Hãy học cùng Người vì Người là Thiên Chúa khiêm nhường trong lòng, như Người mời gọi ta. Thật vậy, Người biết rằng, phương thuốc để chữa lành bệnh bệnh kiêu ngạo của chúng ta là sự khiêm nhường. Người biết rõ căn nguyên của bệnh tật và bốc đúng liều lượng để chữa trị. Trong thực tế, người bệnh là chúng ta không thể chạy đến cùng thầy thuốc, vậy mà đích thân thầy thuốc đã đến nhà chúng ta, Người đến cứu chúng ta, vì Người biết điều chúng ta cần.
Thiên Chúa đã đến với con người trong sự khiêm nhường, để con người có thể noi gương bắt chước Thiên Chúa. Có người hỏi: Thiên Chúa vẫn ở trên cao, làm thế nào để ta có thể bắt chước Người được? Và nếu không bắt chước được Người, thì làm sao con người có thể được chữa lành? Người đến trong sự khiêm nhường, vì Người biết rõ tính tự nhiên của một thầy thuốc là phải túc trực thường xuyên bên người bệnh: thuốc có đắng, mới chữa được bệnh. Còn con người, con người tiếp tục nhạo báng Thiên Chúa, tay cầm chén, và nói: "Lạy Thiên Chúa của con, Người là ai ?" Người được sinh ra, Người đã chịu khổ hình, chịu đội mạo gai, bị đóng đanh và chịu chết trên cây thập giá! Ôi, tâm hồn sầu khổ! Ta chứng kiến sự khiêm tốn của thầy thuốc, mà lại không thấy được căn bệnh ung thư kiêu ngạo tiềm ẩn trong ta, đó là lý do tại sao ta không thích sự khiêm nhường.
Thường thì kẻ mắc bệnh tâm thần mới đánh lại bác sĩ khi bác sĩ đang chữa trị bệnh tật cho mình. Trong trường hợp này, bác sĩ đầy lòng thương xót không chỉ không tức giận chống lại người đánh, nhưng bác sĩ còn cố gắng để chữa bệnh cho người ốm. Bác sĩ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Người không sợ bị giết bởi bệnh nhân điên rồ: Người đã làm cho cái chết của mình trở nên thần dược chữa lành họ, Người đã chết và đã sống lại.
Như thế Đức Giêsu, Chúa chúng ta đã không cứu chúng ta bằng cách làm phép lạ, nhưng bằng việc loan báo Tin Mừng, từ bỏ và hy sinh mạng sống cho chúng ta. Chính lập trường của Chúa Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta. Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa, một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực để thực hiện một cảnh ngoại mục cứu độ trần thế, nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa. Người đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta bằng liều thuốc khiêm nhường, để khi chúng ta sống trong một hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, chúng ta có thể khiêm nhường đặt trọn niềm tin nơi Ngài, bởi vì chính Người sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ vẹn toàn.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con trung thành và tươi vui bước theo Chúa Giêsu trên con đường ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
*********
Suy Niệm IV
NGUYÊN NHÂN ĐỨC GIÊSU BỊ KHƯỚC TỪ TẠI QUÊ HƯƠNG
(Gr 1,4-5,17-19; 1 Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30)
 
Ở đời, người ta vẫn thường nói: “Bụt nhà không thiêng”, để nói lên thái độ khinh thường những gì là gần gũi. Nguyên nhân dẫn đến thái độ trên chính là do thói kiêu ngạo, tự mãn...
Thật vậy, kiêu ngạo là đầu mối sinh ra mọi giống tội.
Trong lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rất nhiều thái độ kiêu ngạo đã từng xảy ra. Chẳng hạn như: Lucifer đã muốn ngang bằng Thiên Chúa; Adam và Eva đã chống lại lệnh truyền của Người (x St 3, 1-20). Dân chúng muốn xây tháp Babel chọc trời...(x. St 11, 1-9).
Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như thay thế Thiên Chúa, thì lại là mối họa cho con người, bởi lẽ nó được khởi xướng từ Ma Quỷ, qua thái độ kiêu ngạo.
Vì thế, không lạ gì, khi con người kiêu ngạo với Thiên Chúa, thì đương nhiêu họ cũng khước từ anh chị em đồng loại và có nguy cơ giết chết đời sống tâm linh, đánh mất đức tin và không đón nhận được nguồn sống từ Thiên Chúa. Suốt ngày, họ chỉ quay quắt với chính mình, và không chừng đánh mất luôn chính bản thân!
Như vậy, sự kiêu ngạo là con đường không thể đến với Thiên Chúa, ngược lại, nó dẫn đưa kẻ tự mãn đến hố diệt vong.
Đây chính là khinh nghiệm từ tạo thiên lập địa và đến muôn đời sau cho tất cả mọi người Kitô hữu.
1. Vì kiêu ngạo nên họ không chấp nhận Đức Giêsu
Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu bị đồng hương khước từ. Nguyên nhân cũng không là gì khác, đó chính là sự kiêu ngạo của người đồng hương.
Vì kiêu ngạo, nên trước mặt họ, Đức Giêsu chỉ là người bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Vì thế, mắt họ mờ đi và lương tâm trở nên trai cứng. Những dấu lạ điềm thiêng nơi Đức Giêsu đã không làm họ rung động và thay đổi đời sống, ngược lại, trước mặt họ: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?”.
Tại sao vậy? Thưa sự kiêu ngạo đó đã là cái ngáng chỗ và lòng kiêu căng đã chiếm mất chỗ của Chúa trong cuộc đời của họ.
Trước thái độ trên, Đức Giêsu đã tuyên bố một câu mà muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị: Đó là: “Tiên tri không bao giờ được tôn trọng trên chính quê hương mình”.
Qủa đúng như vậy, vì xét theo lẽ tự nhiên, một con người dù tài giỏi đến đâu, làm việc hiệu quả thế nào, và thành đạt trên nhiều lãnh vực hay nhiều nơi đi nữa, thì khi trở về gia đình, quê hương, họ luôn bị chính những người thân cận, làng xóm coi ở mức độ “thường thường bậc chung” vì lối suy nghĩ thiển cận, nên: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.
Điều này Đức Giêsu đã trải qua khi Ngài trở về quê hương của mình!
Chính vì sự coi thường này đã khiến cho ơn cứu độ của Thiên Chúa vuột mất khỏi họ, và suốt bao thế kỷ, họ vẫn đang chờ đợi một Đấng Kitô khác chứ không phải Đức Giêsu, Đấng đã hiện diện giữa họ cách đây hơn 2.000 năm.
2. Thực trạng kiêu ngạo của con người hôm nay
Thực trạng ấy nơi những người đồng hương với Đức Giêsu khi xưa, hôm nay vẫn còn đây đó nơi chúng ta, vì: thói ích kỷ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, ác cảm, nên ta hay giam người anh chị em mình trong quá khứ và không bao giờ cho họ cơ hội để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn...
Lý do họ không nhìn anh chị em mình dưới lăng kính màu hồng, mà toàn màu đen, bởi mắt họ đang đeo cặp kính râm của sự kiêu ngạo! Vì thế, lối suy nghĩ nông cạn, vu vơ và trống rỗng đã dẫn đến việc đánh giá, đối xử lệch lạc và thiếu công bằng cũng như bất nhân. Quả đúng là: “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.
Những người nông nổi như vậy, họ đâu có hiểu được rằng: “Sông có khúc, người có lúc”.
Thật vậy, có người bị coi là không tốt, đồ bỏ, vứt đi ở chỗ này, nhưng họ lại được nhiều người coi trọng và kính nể ở một nơi khác... Còn có nhiều người được xem là nhẹ nhàng, tao nhã, lịch thiệp chốn quan trường, ngoài xã hội, nhưng khi về đến gia đình, họ lại là kẻ bất nhân, vô liêm sỉ với gia đình. Mở miệng ra là quát tháo, chửi bới nên “thượng thẳng tay, hạ thẳng chân” với người thân. Họ thuộc hạng “khôn nhà dại chợ”; “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”; ... hay có những người ăn nói ngọt như đường mía lau, nhưng thực ra họ thuộc dạng: “Đội trên, đạp dưới” nên tâm địa bỉ ổi, xấu xa chẳng khác gì kẻ: “Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa nhắc nhở, vừa mời gọi chúng ta ý thức sứ mạng tiên tri cũng như lối sống và cách thức loan báo Tin Mừng!
Trước tiên, sứ mạng tiên tri được trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Sứ mạng ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Vì thế, mỗi người phải có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, thi hành sứ mạng ở mọi nơi, mọi lúc, dù: “Thuận tiện hay không thuận tiện”; được ủng hộ hay chống đối, được đón nhận hay bị khước từ... được tôn vinh hay giết chết... Mặt khác, khi thi hành sứ vụ, chúng ta không thể chọn lựa theo ý mình, mà phải nói và làm điều Thiên Chúa muốn một cách trung thành (x. 1Cr 9,15-16); không được giả hình và bóp méo Lời Chúa (x. 2Cr 11,10 ; 13,8).
Thứ đến, khi thi hành sứ vụ, cần nhớ nằm lòng câu nói của Đức Giêsu: “Không tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”.
Bởi vì làm tiên tri không phải là chuyện đơn giản, mà là: “Vô cùng phong nhiêu”, phức tạp! Vì Lời Chúa một đàng là lời tình yêu, nhưng một đàng là lời cật vấn lương tâm, vạch trần tội ác, bất công, gian dối, hình thức... nên:  “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Thầy trước … Đầy tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”(Ga 15,18-20).
Thật vậy, sứ mạng tiên tri đòi chúng ta chấp nhận lội ngược dòng, không thể sống theo phong trào hay “hiệu ứng đám đông”. Đôi khi chấp nhận điên vì sứ vụ, khùng vì Tin Mừng, khi dám nói lên tiếng nói công lý, công bằng ngay tại những nơi nguy hiểm như: sòng bài, quán rượu, quán karaokê…, nơi những con người đang “quậy” tứ tung hay “điên cuồng” trong những cuộc chơi bất chính...
Khi lựa chọn như thế, sự lẻ loi, cô lập và chống đối hay phải thí mạng là lẽ đương nhiên!
Mong sao, sứ mạng và số phận tiên tri của Đức Giêsu trong thời của Ngài, cũng là của chúng ta trong thời đại hôm nay.
Ước gì vì: “Nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” là lựa chọn của mỗi người Kitô hữu, vì: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” nên chúng ta “được Chúa kêu gọi để tỏa sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tối tăm này”(Pl 2,15).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, để chúng con yêu cả những người thù ghét mình. Xin ban sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm, vững bước trên con đường thi hành sứ vụ.
Xin cho chúng con mặc lấy lòng bao dung, nhân hậu của Chúa, để chúng con đón nhận anh chị em chúng con trong tình Chúa và tình người. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
*********
Suy Niệm V
KHÚC GIAO HƯỞNG CHO MỘT THẾ GIỚI MỚI
( Lc 4, 21-30 )
 
Sau khi đọc đoạn sách tiên tri Isaia, Đức Giêsu thấy lời tiên tri này được thực hiện ngay hôm nay. Người nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Mọi người bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Nghe vậy, Đức Giêsu đã mạnh bạo cho rằng cộng đồng địa phương Nagiarét của Người không hiểu, không tin Người....Đức Giêsu đã lấy tư thế của người chỉ huy dàn nhạc: tay cầm gậy nhạc trưởng; Chúa biểu lộ sự phong phú của một bản nhạc đã được viết và đã được diễn tấu nhiều lần. Thật vậy, người Dothái đã nghe đoạn Kinh Thánh này nhiều lần tại Hội đường rồi và họ nghĩ rằng họ đã thuộc lòng nên không cảm nhận được sự phong phú và ý nghĩa đích thực, cho đến khi Đức Giêsu diễn tấu thêm một lần nữa để làm vang lên tiếng nói của Thiên Chúa cho họ, khiến mọi người nghe sững sờ.
Vì thế Đức Kitô cần các nhạc công, cần các môn đệ có khả năng chơi một cách hài hòa, khi coi trọng một đòi hỏi rất lớn, mà thánh Phaolô nhắc lại: “ Nếu tôi không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” Và vị tông đồ nói tiếp về thái độ thích hợp của mọi Kitô hữu: Mong ước tuân theo Tin Mừng, hòa nhịp với tiếng nhạc của tình yêu. Bản nhạc nhỏ của trái tim có chuẩn xác, trước hết là tùy thuộc vào khuynh hướng nội tâm. Đức Giêsu điều khiển khúc giao hưởng cho một thế giới mới (P. Vincent Cabanac)
Và chúng ta thấy trong Tin Mừng ngày hôm nay, con ông thợ mộc Giuse sẽ thực hiện sứ điệp ngôn sứ đã có từ tám thế kỷ trước: công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Đó là một bản Tình ca yêu thương mà Đức Giêsu đã tấu lên. Người dân quê hương của Người đã không mở lòng ra đón nhận Người. Thánh Luca đã ghi lại vài lời cứng rắn của Chúa Giêsu khiển trách “người nhà” đã không đón nhận Lời Người, nên Phúc Âm được mở ra cho lương dân và người xa lạ, là những người tin vào Đức Giêsu và đón nhận sứ điệp của Người. Còn những người ở trong nhà, do khép kín trong thái độ khước từ, nên họ đã không tin và đón nhận Đức Giêsu. Kết quả bi thảm của bài tường thuật này đã báo trước những lời la ó đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, bởi Người đã tự nhận mình là Con Thiên Chúa.
Xin Chúa mở lòng, mở trí chúng ta biết luôn lắng nghe và đón nhận Lời Chúa làm của ăn tâm linh trong cuộc đời dương thế. Lời Chúa, một bản nhạc tình yêu thương !
Pr. Nguyễn Mai
 
 
 
 
 
 
 
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log