Thứ hai, 25/11/2024

Chúa Nhật II Mùa Vọng - C Lc 3, 1 - 6

Cập nhật lúc 23:17 05/12/2015
“ Lạy Chúa xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, để hăm hở đi đón mừng Con Chúa hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.”

SỰ HIỂU BIẾT CỦA CON TIM
 
Trong lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật 2 Mùa Vọng, ta thấy có một câu rất tâm đắc: “ Lạy Chúa xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, để hăm hở đi đón mừng Con Chúa hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.” Và những bài đọc khác đều nói về ngày Chúa nhật này như là Chúa nhật của niềm vui với sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả, đến để mở đường cho “ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Đức tin là một vấn đề hiểu biết, nhất là vào thời chúng ta, khi bạo lực thì khốc liệt và con người vui hưởng lạc thú. Đây là sự hiểu biết của trái tim, giúp chúng ta đánh giá đời sống của thế gian này với cái nhìn khôn ngoan, với ngọn lửa yêu thương và sự hy vọng. Đối với những người buồn rầu trên thế giới này, lời cầu nguyện Giáng sinh đem niềm vui đến vừa tầm tay họ. Với điều kiện là phải hạ bớt vài ngọn núi kiêu căng và lấp đầy vài hố thẳm nghi kỵ và phải hiểu bằng con tim những vấn đề liên quan đến cách sống Giáng sinh dưới ánh sáng Phúc Âm.
Hiểu biết bằng trái tim cho ta đến gần ý định của Chúa Cha khi phái Con của Người đến nói với chúng ta rằng: dù chúng ta có bị lưu đầy nơi đâu, thì Thiên Chúa vẫn chuẩn bị cho chúng ta ngày trở về, dù cho ta có ngủ say thế nào thì Người cũng lo đánh thức ta dậy (Đ/C Gerard Defois).
Thánh Phaolô tuyên bố với các tín hữu Philipphê yêu quí của ngài rằng: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng... Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm Ông Gioan Tẩy giả đã loan báo tin vui rằng: “ Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, đường lồi lõm sẽ được san cho phẳng; rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Trong một thế giới có nhiều tin tức xấu hằng ngày, khi được nghe những lời gợi ý về niềm vui, về lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy cố gắng đổi mới tri giác về Tin Mừng tuyệt vời, là việc Đức Giêsu đến ở giữa chúng ta. Vì nếu Mùa Vọng là thời gian chờ đợi sự hiện diện của Đức Giêsu còn đang đến, thì Mùa Vọng trước hết cũng tuyên bố rằng: Đức Giêsu ngay từ bây giờ đang ở với chúng ta.
Quả thật chúng ta thường khó nhận ra sự hiện diện của Người. Nhưng điều đáng làm là dùng thời giờ để khám phá sự hiện diện này, vì thường bị che giấu bởi chúng ta không nghĩ phải đi tìm. Trong cuộc đời của chúng ta, tất nhiên có những “thung lũng” và “ những lối đi khúc khuỷu”. Nhưng cũng có bao cố gắng để tạo nên những quan hệ đón tiếp và tình bạn.
Mùa vọng không chỉ có ý nói là Thiên Chúa sắp đến, nhưng là bản thể của Người, toàn bản thể của Người sắp đến. Thiên Chúa đến để hiện hữu: đây là hoạt động chủ yếu nhất và thông thường nhất của Người. Nếu Thiên Chúa đã đến trước, thì sẽ không có Mùa vọng, và như vậy sẽ không có niềm vui (Francois Cassingena-Trevedy)
Cuối cùng chúng ta lắng nghe thánh Bênađô: Thưa anh em, anh em nên sốt sắng cử hành cuộc giáng lâm của Chúa, vì sự động viên tinh thần của Người làm chúng ta vui sướng, vì đặc ân của Người làm chúng ta xúc động mạnh, và vì tình yêu của Người đốt nóng chúng ta biết bao!
Tuy nhiên, đừng nghĩ tới chỉ riêng cuộc giáng lâm khi “Con Người đến để tìm và cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11), nhưng còn nghĩ tới cuộc giáng lâm khác, nơi Người sẽ đến để đưa chúng ta về với Người.
Ước gì anh em không ngừng suy đi nghĩ lại hai cuộc giáng lâm này trong giờ suy niệm, nghiền ngẫm trong lòng tất cả những gì Chúa đã hứa trong cuộc giáng lâm lần thứ hai.
Vâng! ước gì anh em được nghỉ ngơi giữa các phần di sản, nghĩa là giữa hai cuộc giáng lâm. Đó là hai cánh tay của vị Hôn phu, nơi vị Hôn thê dựa vào để nghỉ ngơi (Thánh Bênađô)
 
Pr Nguyễn Mai
 
SỬA ĐƯỜNG – SÁM HỐI
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1- 6
Công tước d’Ossone - nhà chính trị lừng danh, vào năm 1624 lên chức phó vương ở Naples. Một hôm, ông đến thăm nhà tù gặp gỡ và hỏi từng phạm nhân là đã làm gì mà mình bị giam.
Tất cả mọi tù nhân đều kêu là mình bị oan, duy chỉ có một anh cúi đầu nhận tội, và còn nói đáng lẽ ra mình phải chịu phạt hơn nữa mới xứng đáng…
Ngạc nhiên vì người tù khiêm nhường nhận lỗi, công tước bảo: “Như vậy thì anh ở đây không phải chỗ: anh có tội mà sao lại ở giữa những người vô tội này? Hãy ra khỏi đây, Ta tha cho anh”.
Gioan rao giảng qua hình ảnh sửa đường để đón Chúa đến, mời gọi chúng ta sống chuẩn bị tâm hồn bằng sự sám hối ăn năn.
Tin Mừng Luca bằng giọng văn long trọng giới thiệu Gioan mạng sứ vụ Ngôn Sứ: “Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa” (Lc 3,2b). Qua đó bản văn con giới thiệu xa hơn vị Tẩy Giả, loan báo chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế - Đức Giêsu Kitô và đặt Người vào giữa lòng lịch sử nhân loại để đem ơn cứu độ. Gioan rao giảng trong hoang địa và làm phép rửa tại sông Giođan ở bìa sa mạc; hoang địa là nơi thử thách và cũng là nơi gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Các đoàn người đã từ Giêrusalem và miền Giuđê kéo đến với ông (Mc 1,5; x. Mt 3,5).
Gioan công bố một phép rửa sám hối hướng tới ơn tha tội (x. Lc 3,3): Lời công bố này nối dài lời rao giảng của các ngôn sứ Cựu Ước: kêu gọi dân Thiên Chúa “trở lại” với Đức Chúa của mình bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi. So với các ngôn sứ, nét mới mẻ đầu tiên của Gioan là đóng ấn sự hoán cải này bằng một phép rửa, ông chỉ ban phép rửa này một lần mà thôi, bởi vì Cuộc Phán Xét đang đến gần (Lc 3,7-9.17); chỉ còn chỗ cho một cuộc hoán cải duy nhất mà thôi để được ơn cứu độ (x. Gr 31,31; Ed 36,25).
Phép rửa của Gioan không phải là phép rửa Kitô giáo có khả năng xóa tội (Cv 2,38; 22,16): “Đấng mạnh thế hơn… sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Vai trò chính yếu của Gioan là “bảo cho dân Chúa biết rằng Chúa sẽ tha thứ mọi tội khiên” (Lc 1,77). Cho nên phép rửa của Gioan “hướng tới ơn tha tội” thay vì nói “để được ơn tha tội” là chuẩn bị cho Bí tích Thánh Tẩy Kitô giáo.
Trong sa mạc tịch liêu, giữa cái hoang vu của bầu khí thinh lặng, đất trời đều im ắng để lắng nghe tiếng gọi linh thiêng, Gioan cảm nghiệm được tiếng nói của Thiên Chúa cho ông sửa mình kế tiếp thức đẩy ông sứ mạng Tiền hô khi loan báo cho anh em chuẩn bị cho Đấng Messia đến: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường !" (Lc 3,4).
Trong sa mạc cuộc đời chúng ta hôm nay, Lời kêu gọi sám hối của Gioan vẫn còn vang lên cho chúng ta hãy sửa đường, hãy mở đường nhắc lại lời Ngôn sứ Isaia: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).
Hãy sửa con đường cho Chúa. Hãy dọn sạch khắp mọi nẻo đường! Con đường thẳng tắp cho Thiên Chúa chúng ta đến.
  • Đường vào tâm linh của chúng ta có núi đồi cũa kiêu căng tự phụ khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác, những ngọn núi tự ái không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ. Hãy bạt cho phẳng xuống để Chúa đi vào tâm hồn.
  • Tâm hồn chúng ta có những hố sâu của tham lam chiếm đoạt, hố sâu của chia rẽ, bất hoà. Hố sâu của ganh ghét, đố kỵ, hố sâu đam mê, hố sâu dục vọng… Cần lấp cho đầy để đường thẳng tắp.
  • Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co lương lẹo dối trá, sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay .
Tâm hồn ta có những những gồ ghề của ngang ngạnh… Mọi gồ ghề luôn ngăn trở chúng ta trong các quan hệ tốt đẹp với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình người và lòng bác ái cứu độ của Đức Kitô đến như trong chương 1 thư gởi tín hữu Philipphê (x. Pl 1,4-6.8-11), thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một con đường, một cách thế giúp chuẩn bị hữu hiệu cho ngày Chúa trở lại. Đó là luôn kiên trì sống tình yêu thương, bác ái, biết vun trồng lòng tin, cậy, mến và khả năng bén nhạy giúp nhận ra đâu là thánh ý Chúa và điều đẹp lòng Ngài.
Phải mở thêm những con đường mới, cho nên cần phải có những bước chân khai sáng, bước chân đi chinh phục những thế giới mới. Bước chân biết vượt khó vượt nguy. Biết khai phá, mở lối cho tương lai. Bước chân dấn thân của những con đường biết khoan đường hầm tù tội thất vọng để lần ra ánh sáng, ánh sáng của Niềm hy vọng.
Sửa đường và sửa hồn đầu tiên bằng tâm tình sám hối…
Người ta kể lại rằng, một khoa học gia và cũng là họa sĩ nổi danh Leonardo da Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly, bức tranh được rất nhiều người khen ngợi cho đến ngày hôm nay. Ông có một tranh chấp mạnh mẽ với người láng giềng, tâm tình thù hận trong tâm hồn không cho phép ông vẽ một chân dung nhân từ dịu dàng của Chúa Giêsu.
Ngồi trong phòng vẽ hàng giờ, nhưng Leonardo de Vinci không thể nào tập trung tinh thần để vẽ chân dung. Cuối cùng, ông quyết định đi tìm để làm hòa với người đang có tranh chấp, rồi với tâm hồn an bình thư thái, ông đã vẽ được dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly, và dung mạo của Chúa Giêsu do ông vẽ ra đó thể hiện tuyệt vời đặc sắc tinh thần của Chúa Giêsu mà cho đến ngày hôm nay chưa có hay ít có họa sĩ nào theo kịp.
Chúa đến trên những con đường lòng chính trực, hành vi ngay thẳng, tâm tình đơn sơ, hiền hòa và  khiêm tốn luôn sẵn sàng sửa... trong cõi lòng sám hối khiêm tốn Thiên Chúa làm nên những công trình vĩ đại… cho cuộc đời chúng ta và tha nhân…
Hãy sám hối, hãy sửa mình, sửa đường đời chúng ta…
Tâm hồn sám hối ăn năn
đời con bình dị, thẳng ngay, đón Ngài.
 
 
Lm. Vinh Sơn, SCJ
                                                    
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log