Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa nhật XXXII thường niên – B

Cập nhật lúc 16:49 04/11/2015
Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là dâng cúng bao nhiêu tiền, nhiều hay ít, miễn là với cả tấm lòng. Đúng vậy, của cải thì có hạn, người nhiều người ít, công sức cũng có hạn, kẻ nhiều khả năng, kẻ ít khả năng, nhưng tấm lòng thì kể như vô biên giới, và Chúa nhìn vào nơi thẳm sâu của cõi lòng từng người, ...
Suy niệm Chúa nhật XXXII - B
(Mc 12, 38 - 44)

Bài 1"Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá này đã bỏ nhiều hơn hết".
---------------------------------
Với tư cách là một tín đồ theo đạo Do Thái, Chúa Giêsu cũng rất siêng săng đi lễ đền thờ và còn làm bổn phận đóng góp vào đền thờ. Nhưng sự đóng góp của Ngài vào đền thờ mang một ý nghĩa siêu việt: Ngài không chỉ đóng góp tiền của, nhưng còn dâng hiến toàn thân. Sự đóng góp này hay nói đúng hơn sự dâng hiến của Ngài vào đền thờ là một sự mất mát rất lớn: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi". Hôm nay Chúa Giêsu vào đền thờ, dù Phúc âm không nói: Ngài có bỏ tiền vào đền thờ hay không, nhưng chúng ta thừa hiểu Ngài quan sát thái độ và tấm lòng bỏ tiền hơn là số lượng tiền. Vì chưng, "có lắm người giàu bỏ nhiều tiền", Chúa không khen và cũng không chê những người giàu dâng cúng tiền; nhưng "chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đòng tiền là một phần tư xu", thì lập tức Chúa nói với các môn đệ để có ý khen bà: "Thầy nói thật với các con : trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cá những gì mình có để nuôi sống".
 
Ngày nay trong các nhà thờ, dù là các nhà thờ nhỏ bé trong các làng mạc của chúng ta, không đồ sộ và không nguy nga như đền thờ Giêrusalem, nhưng Chúa vẫn đến và còn hiện diện đích thực ở đó. Ngài muốn Ngài hiện diện ở đó không phải để đóng góp đồng tiền, nhưng là để hiến thân và trao ban, trao ban tất cả tình yêu của Ngài cho nhà thờ. Nhà thờ ấy là mỗi người, là họ đạo, là giáo xứ, là cộng đoàn chúng ta, là Giáo Hội của Ngài. Toàn thể Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô là ngôi nhà thờ mới. Tất cả những ngôi nhà thờ được xây dựng bằng gạch đá chỉ là một phần rất nhỏ bé của Giáo Hội. Còn Giáo Hội mới là ngôi nhà thờ đích thực và được xây bằng những viên đá sống động, đó là các tâm hồn thiện chí. Mỗi người kitô hữu là một  viên đá sống động để xây Giáo Hội. Vì thế, người kitô hữu không thể là khán giả của Giáo Hội được. Người Kitô hữu phải là Giáo Hội. Là Giáo Hội, người kito hữu càng phải yêu mến và trung thành với Chúa Kitô hơn.
 Hôm nay, chính lúc này và tại đây, Chúa đang nhìn mỗi người chúng ta. Ngài nhìn chúng ta không phải là với tư cách của một khán giả, nhưng với tư cách của một người xi tình: nhìn trong tư thế trao ban tất cả, trao ban tất cả với cái nhìn say đắm. Và Ngài nhìn chúng ta, xem chúng ta có thái độ nào đối với nhà thờ của họ đạo, của giáo xứ . Vậy tôi đang có thái độ nào?
 Khi vào Đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu gặp 2 mẫu người:
Mẫu thứ nhất là các luật sỹ: bề ngoài họ rất đạo đức, giữ luật nghiêm, đọc kinh nhiều và đọc thật dài. Vì thế, họ được nhiều người kính trọng: ra ngoài đường họ được kính chào, khi dự cuộc hội họp, họ thường được ngồi chỗ danh dự nhất. Nhưng thực ra bên trong họ chẳng đạo đức chút nào: họ chỉ làm ra bộ đạo đức như thế để được người ta kính trọng .
 Mẫu người thứ hai là người đàn bà goá: bề ngoài bà rất nghèo, hèn hạ. Không ai tôn trọng bà, thậm chí chẳng thèm để ý đến bà. Nhưng tâm hồn bà rất cao quý: mặc dù nghèo nàn, bà không tiếc lấy phần tiền tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để dâng cúng vào đền thờ.
 Đối với 2 mẫu người kể trên, mặc dù Chúa Giêsu coi trọng tâm tình hơn hình thức, nhưng cũng không chủ trương xoá bỏ hình thức. Vì thế bà goá trong tin Mừng hôm nay không phải chỉ có lòng đạo đức bên trong, mà còn biểu lộ lòng đạo đức ấy qua cử chỉ dâng tiến đồng tiền nhỏ mọn của bà vào hòm tiền.
 Ngày nay không ít người chủ trương đạo tại tâm và coi thường những hình thức: không đọc kinh, không cầu nguyện, không đi lễ, không tham dự các bí tích và không chịu đóng góp vào tiền làm việc bác ái hoặc xây dựng nhà thờ. Đó chỉ là thứ nguỵ biện của những người ghét đạo và phá đạo hoặc của những người có đạo nhưng lười biếng thi hành bổn phận đạo đức. Chúa vẫn nhìn mỗi người chúng ta, Ngài biết rõ thái độ của từng người. Đừng để thứ nguỵ biện đạo tại tâm ấy ám ảnh tâm trí chúng ta và làm hại lòng đạo đức của chúng ta.
 Tục ngữ Việt có câu: "của ít lòng nhiều". Nếu trở lại bài đọc I hôm nay, chúng ta thấy tấm lòng của bà goá Sarepta như thế nào khi cả xứ sở đang bị hạn hán, đồ ăn trở thành khan hiếm? Trong hoàn cảnh đó, người giàu cũng khổ, huống chi người nghèo như bà goá này! Bà chỉ có một nhúm bột và chút dầu. Bà đi kiếm một mớ củi định về nhà làm một chiếc bánh nhỏ cho 2 mẹ con ăn để chờ thần chết đến, vì không còn gì nữa! Khi đó tiên tri Elia đến và xin bà chiếc bánh ấy. Bà thành thật nói: "Đây là chiếc bánh cuối cùng". Nhưng sau đó vì biết tiên tri Elia là người của Chúa, nên dù rất tiếc, bà cũng đem chiếc bánh cuối cùng ấy ra cho:
-Nếu tiếc mà không cho thì chẳng có giá trị gì.
-Nhưng tiếc mà vẫn cứ cho thì càng tăng thêm giá trị của một tấm lòng quảng đại.
-Cho của mình dư thừa thì chẳng quí gì.
-Cho cái mình đang cần mới là quí.
-Và cho cái mình vừa cần vừa tiếc thì là quí nhất.
-Thương thì phải cho: Thương ít thì cho ít, thương nhiều thì cho nhiều.
-Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho.
-Của nhiều mà lòng ít thì không quí cho bằng của ít mà lòng nhiều.
Chính vì thế mà bà goá ở Giêrusalem dù chỉ có một xu nhưng được Chúa Giêsu đánh giá là cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó. Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này đã cho tất cả tài sản của bà.
 Cộng doàn thân mến! Chúng ta nói rằng mình mến Chúa. Nhưng liệu có mến Chúa thật không? Hãy xét xem chúng ta cho Chúa, cho nhà thờ, cho cộng đoàn cái gì? Mỗi ngày một vài phút vài giây trước khi đi ngủ và ngay lúc ngủ dậy, có khi chúng ta cũng không cho Chúa. Mối tuần chừng một hai giờ ngày chủ nhật mà có khi chúng ta cũng không cho, hay có cho thì cũng cắt đầu cắt giữa cắt đuôi, nghĩa là đi lễ muộn, chia trí lo ra chẳng biết lễ hôm đó là lễ gì và cha giảng thế nào, rồi chưa xong lễ đã vội chuồn về sớm. Thỉnh thoảng Chúa đòi hỏi chúng ta một chút hy sinh, một chút cố gắng, chúng ta đã cho Chúa chưa? Hay là chúng ta cho Chúa thì ít, nhưng xin Chúa thì nhiều, cầu nguyện thì chỉ toàn là xin: xin cho con được làm ăn phát đạt, xin cho con xây dựng ngôi nhà được thuận buồm xuôi gió... Có người xin ơn mà không được Chúa nhậm lời thì giận, họ kể lể nào là đã đọc kinh cầu nguyện, đã xin lễ, đã hy sinh hãm mình thế này thế nọ, vậy mà Chúa không nhậm lời họ cầu xin. Như thế là họ dựa vào một ít việc lành họ làm để làm áp lực với Chúa, bắt Chúa phải ban ơn trả lại cho mình.
 Rồi khi nhà thờ xứ, nhà thờ họ phải xây lại, phải tu bổ sửa chữa, họ cũng chăng màng chi, lấy lý do là còn nghèo quá. Đừng vội biện minh như vậy! Một khi đã yêu đã thích thì không thiếu cái gì để cho và cũng chẳng thiếu gì cách cho. Người không yêu, không thích, và không nhiệt tình với Chúa, với công việc nhà thờ, thì chỉ biết nhận mà không biết cho.
Lạy Chúa Giêsu, ngay bây giờ và tại ngôi thánh đường này, trong khi nhìn chúng con, Chúa đang cho chúng con tất cả là chính Thịt Máu Chúa để chúng con được sống. Thế mà chúng con chẳng cho Chúa cái gì. Nhiều khi chúng con yêu Chúa để được và để hơn. Thật là một tình yêu vụ lợi, một tình yêu ích kỷ! Nhưng Chúa ơi, Chúa càng yêu và càng cho đi quảng đại, thì Chúa cũng càng tha thứ cho chúng con. Xin Tình Yêu Chúa đốt cháy tình yêu chúng con! Đốt cháy tất cả những gì là rác rưởi và chỉ còn để lại một tình yêu vàng ròng trong tình yêu Chúa mà thôi.  Amen!
 Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 
Bài 2: Đức Tin Và Tấm Lòng Của Bà Góa

Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta, Chúa Giêsu cho như một người Thầy, dạy cho chúng ta biết về sự thờ ơ mà chúng ta phải sống. Thứ nhất, thờ ơ về danh dự và nhận ra điều chúng ta thường xuyên tìm kiếm : "Hãy coi chừng (...) lời chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc "(x. Mc 12, 38 -39). Về điểm này, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về những gương xấu của các luật sĩ. Thứ hai, dửng dưng với của cải vật chất. Chúa Giêsu ca ngợi thái độ của bà góa nghèo và lên án thói đạo đức giả của một số người, (x. Mc 12, 44).
Ai không có tinh thần từ bỏ của cải tạm thời, sống với đầy những của riêng tư người ấy không thể yêu mến được. Người có đức tin mà không nghĩ đến người khác : không động lòng trắc ẩn, không thương xót và để ý đến tha nhân, không thể sống trọn đòi hỏi của Tin Mừng là mến Chúa yêu người được.
Đức tin kèm theo tấm lòng vàng của hai bà góa được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta là hai mẫu gương sống động. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17, 10 - 16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12, 41 - 44). Cả hai đều rất nghèo, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa.
Tấm lòng vàng
Người phụ nữ thành Sarephta xuất hiện trong trình thuật về tiên tri Êlia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Siđon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó Êlia gặp bà góa phụ là người Sarephta đi lượm củi, ông cất lời :" Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống… Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh" (1V 17, 10-11), trong lúc bà đang ở trong tình trạng không còn gì ăn và con bà sẽ chết đói nay mai, nên trả lời :"Này tôi đi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn rồi chết thôi" (1V 17,12), nhưng vì Êlia nài nỉ và hứa với bà rằng nếu bà nghe lời, bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe và được tưởng thưởng.
 Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người phụ nữ này, đã đi kín nước với tất cả tình yêu của trái tim. Khi bà trở về, Êlia nói với bà :"Cứ đi và làm như bà đã nói…với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem lại đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và cho con trai bà" (1V 17,13). Tấm lòng vàng và đức tin của bà góa lúc này bị thử thách, bà chỉ còn một nắm bột, cứ sự thường thật khó để có thể nuôi sống con bà, nay lại làm bánh cho cả vị tiên tri là này nữa.
Thái độ của bà góa thành Sarephta làm chúng ta liên tưởng tới một góa phụ khác mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Khi ngồi đối diện với hòm tiền, Chúa Giêsu quan sát thấy bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu vào đền thờ, ngưỡng mộ bà, Chúa tuyên bố : "Với hai đồng tiền, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc 12, 44). Nghĩa cử dâng cúng của bà góa nghèo chứng tỏ nét đẹp của tấm lòng vàng tràn đầy hy vọng và tin tưởng vào Chúa nơi tâm hồn bà.
Tin vào Thiên Chúa
Nếu nói đến mẹ góa con côi, người Việt Nam ta thường nói đến người khổ cực thiếu thốn tứ bề, từ tình cảm đến vật chất, thì theo Kinh Thánh, thời trung cổ, hay quan niệm của người Do Thái, những cô nhi quả phụ tự nó đã là một thân phận thiếu thốn trầm trọng rồi. Họ không còn chồng, còn cha để mà cậy dựa, hai bà trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một bằng chứng. Cả hai cùng cực nghèo, nhưng không có ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì. Câu hỏi được đặt ra : Điều gì đã thúc đẩy các bà làm điều đó? Thưa : Đức tin. Cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái thể hiện tấm lòng vàng : một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc.
Trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ. Hoàn cảnh túng thiếu khách quan, hay thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người như Tin Mừng đòi hỏi.
Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khẳng định rằng: "Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái" (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
Sống tín thác vào Chúa
Chúng ta có thể nghĩ tới một phụ nữ góa nghèo khác tên là Maria, dưới chân Thánh Giá Chúa đã dâng tất cả đời mình cho Chúa. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần "Này tôi đây" và đón nhận thánh ý Chúa. Nhờ lời thưa xin vâng ấy, ý Chúa được thể hiện, mầu nhiệm sự sống được trao ban và dâng hiến được thực hiện nơi đồi Golgotha, thế gian có được Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Tại Cana, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp anh em mình khi nói : "Họ không còn rượu nữa" (Ga 2,3), và nhận được lời Chúa Giêsu : "Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (Ga 2,4) Mẹ vẫn bảo gia nhân vâng lời Chúa Giêsu.
Bà góa thành Sarephta đã làm những gì tiên tri Êlia nói với bà, mang cho ông ít bánh. Tương tự như thế, những người hầu bàn tại Cana vâng lời Chúa Giêsu. Sức mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa, sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô được tái diễn nơi bàn tiệc thánh : Này là Mình Thầy hiến tế vì anh em.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người chúng con tín thác vào Chúa như Mẹ. Amem.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bài 3: 
QUÀ TẶNG VÀ TẤM LÒNG
 Mc 12, 38-44

Một vị bác sĩ rất giỏi, có lần đến một thị trấn nhỏ ở vùng biên giới chữa bệnh từ thiện cho mọi người. Ở đó đang có bệnh dịch hoành hành khá nghiêm trọng. Một hôm, bác sĩ bắt gặp một người rất nghèo mắc bệnh nặng, nằm gục bất tỉnh ngay trên hè đường trong thị trấn. Thấy có người bệnh nặng sắp chết, bác sĩ bèn nhờ người đưa người ốm về nhà mình chữa trị. Do y thuật của bác sĩ khá cao, nên chẳng bao lâu sau người kia tỉnh lại và khỏi bệnh rất mau. Thấy người đó ăn mặc rách rưới nghèo khó, bác sĩ cũng không lấy tiền công chữa bệnh và tiền thuốc men, coi như làm được một việc từ thiện.
Người bệnh vốn là một người dân tộc thiểu số, sống trên vùng sâu vùng xa khá hẻo lánh, sau khi khỏi bệnh, người đó liền lên núi chặt một bó củi thật to, vác đến tận nhà tặng cho bác sĩ. Khốn nỗi, người đó không biết hiện nay trong các thị trấn hẻo lánh, đôi khi ngay trong các làng quê, người ta không còn dùng củi để đun nấu hay sưởi ấm nữa. Vì thế bó củi được tặng cho bác sĩ, thực tế không có giá trị gì. Nhưng thực ra, giá trị của bó củi không đơn giản là chỉ để đun nấu hay sưởi ấm. Trong lĩnh vực tình cảm yêu thương sẽ không phân biệt được cái nào có giá trị hơn cái nào. Vị bác sĩ cảm động nói với mọi người: “Trong cuộc đời mấy chục năm dài hành nghề y học chữa bệnh cứu người của tôi, món quà tặng nhận được lần này quả thực là đáng quý nhất. Một bó củi to, chỉ là những cành khô trên núi cao. Nhưng tấm lòng cảm ơn chân thành của người tặng thì quý vô giá. Nó sẽ là bảo bối tôi nguyện mang theo suốt cuộc đời”.
Người dân tộc bệnh tật kia đã tìm lại được sức khỏe và sự sống của mình nhờ tình thương và lòng tốt của vị bác sĩ - người đã hết lòng cứu chữa anh. Đó là món quà mà bác sĩ dành tặng cho anh: Một món quà của lòng nhân ái, quảng đại, là sự cảm thông, là tình người. Một món quà vô giá. Cho nên, sau khi khỏi bệnh anh luôn canh cánh bên mình một niềm biết ơn vô hạn, anh không biết lấy gì để đáp lại món quà mà vị bác sĩ nhân ái đã dành cho mình. Anh muốn biểu lộ lòng biết ơn mà khó quá! Nhưng rồi anh đã tìm cách kiếm bó củi thật to và vác đến tận nhà trao vào tay người bác sĩ tốt bụng đã cứu sống anh như biểu hiện của lòng biết ơn mà không bao giờ anh quên. Bó củi đó là tấm lòng của anh vì trong đó nó là cuộc sống, là nụ cười của anh, là tài sản của gia đình anh, là miếng cơm của các con anh, là ánh sáng là sự ấm áp trong gia đình anh... Nên bó củi ấy của anh là tất cả những gì anh có thể có. Nhưng anh đã đem tặng cho vị ân nhân của mình. Bó củi ấy không có một chút giá trị nào đối với vị bác sĩ khi xét trên bình diện thực dụng kinh tế, nhưng nó lại mang đến cho vị bác sĩ ấy một xúc cảm mạnh, một sự cảm động chưa từng thấy, vì ông cảm nhận được tình cảm và lòng biết ơn chân thành mà người bệnh dân tộc dành cho mình, nên ông đã thốt lên: “Món quà tặng nhận được lần này quả thực là đáng quý nhất. Một bó củi to, chỉ là những cành khô trên núi cao. Nhưng tấm lòng cảm ơn chân thành của người tặng thì quý vô giá. Nó sẽ là bảo bối tôi nguyện mang theo suốt cuộc đời”.
Thưa bạn!
Ai trong chúng ta cũng đã từng nhận được những món quà trong các dịp sinh nhật, lễ tết hay những dịp đặc biệt nào đó. Chúng ta cũng từng gửi tặng quà cho người thân yêu hay bạn bè. Có những món quà là bó hoa tươi thắm – mong tình mãi thắm tươi, hay hộp kẹo – ước tình luôn ngọt ngào, hoặc quyển sách hay – kiến thức sẽ lớn lên cùng bạn, hoặc là chiếc áo đẹp – bạn thật đẹp, thậm chí là chiếc đồng hồ nhắc nhở tình cảm của ta sẽ theo năm tháng, có khi là một đôi dép xinh xinh như muốn nói lên rằng dù đi đâu mình vẫn luôn bước đi cùng bạn... Đó là những món quà vật chất để ghi nhớ kỷ niệm và làm kỷ vật cho nhau. Ngoài ra, còn có món quà phi vật chất – món quà tinh thần là tình thương, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, là tình bạn hữu thân thiết, là tình yêu đôi lứa trao tặng nhau, là cái nhìn cảm thông cho sự sai lầm của tha nhân, là cái bắt tay hữu nghị cùng nụ cười thân thiện ta dành cho đối tác... Vậy thử hỏi đối với bạn món quà nào là quý nhất? Có lẽ món quà nào cũng thật đáng quý, nhưng quý hơn cả vẫn là tấm lòng của người tặng quà.
Tục ngữ Việt nam có câu: “Vật khinh hình trọng” có ý nói đến con người và tấm lòng mới thật trân quý và giá trị hơn tặng vật. Chân phước Têrêsa Calcutta đã nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Món quà khởi phát từ tấm lòng đơn thành, quà trở nên nghĩa tình. Trái lại, quà biếu mà không có tấm lòng, ấy là nợ nần, là đổi chác buôn bán, tính toán, là ích kỷ lợi dụng.
Câu chuyện trên cùng đôi dòng suy ngẫm làm cho ta liên tưởng đến câu chuyện trong sách Tin mừng: Câu chuyện đồng tiền bà góa của thánh sử Marco chương 12, 38 – 44, mà chúng ta được nghe trong Chúa Nhật XXXII.
Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng tiền để giúp cho Đền thờ. Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến  người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma. Một số tiền dâng cúng  vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc  12, 43).
Tại sao Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết”?.  Lý do để Đức Giêsu khen thật rõ ràng: Đó là số tiền mà dòng người kia tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa. Số tiền mà họ bỏ vào dâng cúng không làm  hụt đi tài sản và thanh thế của họ mà còn tô thêm uy danh cho kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà góa, trái lại, bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào Đền thờ.
Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng. Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng  do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Như Francis Balfour đã viết:
Quà tặng đẹp nhất
Cho kẻ thù, chính là sự tha thứ
Cho bạn bè, là sự trung thành
Cho các em bé, là những gương sáng
Cho một người cha, là lòng tôn kính
Cho một bà mẹ, là trái tim ta
Và cho người lân cận, là đôi tay ta”.
Hình ảnh bà góa với hai đồng tiền kẽm đã cho ta hai bài học: Thứ nhất,  hãy biết cho đi, cho đi tất cả với một tấm lòng không toan tính, không vị kỷ. Với hai đồng tiền kẽm, bà góa đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi, bởi Ngài là nguồn mạch của mọi sự phú túc giàu sang và bởi bà đã nhận ra sự hiện hữu của bà nơi trần gian này là một món quà, là một tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành tặng cho bà. Do đó, Chúng ta cũng phải biết dâng cho Thiên Chúa không chỉ của lễ vật chất nhưng còn là chính cuộc đời của ta nữa. Như thế, khi chúng ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lãnh và Chúa sẽ đoái nhìn đến của lễ và tấm lòng của ta.
Bài học thứ hai, chúng ta phải có bổn phận trách nhiệm đóng góp công sức, của cải, tài chính vào việc xây dựng cộng đoàn, xây dựng Hội thánh. Bà góa nghèo đã thi hành bổn phận một cách chu toàn, triệt để, cho dù của cải của bà chẳng đáng là bao, cho dù bà phải hy sinh bà vẫn cố gắng... Bà có cầu danh tiếng hay ưu tiên gì đâu! Còn chúng ta, mỗi lần phải đóng góp hay dâng cúng để xây dựng cộng đoàn, lạc quyên cho người nghèo khó gọi là bác ái; chúng ta thật sự hy sinh vì bác ái chưa hay ta phản lại tinh thần bác ái của người tín hữu Chúa Kitô? Và trong tinh thần Kitô giáo chúng ta còn phải đóng ghóp bổn phận trách nhiệm để xây dựng con người và xã hội này ngày một thăng tiến và phát triển hơn. Nên đừng hỏi xã hội và Giáo hội đã làm gì cho tôi, mà phải hỏi tôi đã làm gì cho xã hội và cho Giáo hội. Ước gì nơi mỗi người luôn ý thức được điều đó, để được Thiên Chúa tặng khen. Amen 
                                                                                                                                  Hoàng Núi                         
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log