Thứ hai, 25/11/2024

Suy niệm Chúa nhật XXIX TNB

Cập nhật lúc 23:15 13/10/2015
Bài Tin Mừng hôm nay nói: Gia-cô-bê và Gioan âm mưu để có được một chỗ như ý trong Vương quốc Đấng Mêsia Giêsu.
 
Bài 1:
 
 
Cám dỗ về quyền lực
--------------------------------------------
Bài Tin Mừng hôm nay nói: Gia-cô-bê và Gioan âm mưu để có được một chỗ như ý trong Vương quốc Đấng Mêsia Giêsu. Họ nghĩ rằng Chúa Giê-su là một vị vua thế tục và vì thế họ dự phóng cho tương lai của họ: “Xin cho hai anh em chúng con, một đứa được ngồi bên phải, một đứa được ngồi bên trái Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Về sau, hai anh em mới biết rằng bên phải, bên trái Chúa Giê-su lại dành cho hai tên trộm cùng bị đóng đinh với Chúa.
 
Thông thường chúng ta không biết điều chúng ta xin. Chúa Giê-su nói với Gia-cô-bê và Gioan: “Anh em không biết điều anh em xin! Anh em có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay là chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu không”? Họ ngây ngô trả lời: “Thưa được”. Thế nhưng, sau này khi Chúa Giê-su vào vườn Cây Dầu cầu nguyện để bước vào cuộc khổ nạn, thì họ lại ngủ.. và họ chạy trốn khi quân lính vây bắt Chúa…
 
Nếu Thiên Chúa thực hiện tất cả những ước muốn của chúng ta, chúng ta sẽ là người đầu tiên chối bỏ Người.  Chớ gì đức tin của chúng ta đừng bao giờ lầm! Tất cả những lời cầu xin của chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng không phải là theo ý chúng ta mà là theo ý Thiên Chúa, Đấng biết tất cả và yêu mến chúng ta. Người biết điều gì là tốt hơn cho chúng ta. Vì thế, Người đã dạy chúng ta trong Kinh Lạy Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời..” Cha trên trời sẽ cho chúng ta điều gì là tốt cho chúng ta và điều gì có thể làm chúng ta gần với Người. Người biết tất cả, Người có thể làm tất cả, và Người yêu thương chúng ta vô hạn…Chúng ta còn xin Người gì nữa?
 
Tốt hơn hết, là chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa trước khi xin Người ban cho chúng ta điều cần thiết và với niềm tin phó thác hãy cám ơn Người trước. Hãy khẳng định rằng trong đời sống chúng ta nếu chúng ta nhận lời Thiên Chúa là giữ các giới răn của Người, thì Người sẽ nhận lời chúng ta…Hãy thường xuyên thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, chúng con tin vào tình yêu của Chúa đối với chúng con”.
 
Thiên Chúa không cấm chúng ta ước vọng làm lớn. Nhưng điều lớn nhất: nếu là ki-tô hữu, thì phải là người phục vụ. Các tông đồ khác phẫn nộ chống lại Gia-cô-bê và Gio-an, tố cáo hai ông này chỉ tham vọng. Lợi dụng cơ hội này Chúa Giê-su làm sáng tỏ vấn đề là: cái nhìn của Thiên Chúa không phải là cái nhìn của con người.. Làm lớn thì phải phục vụ… và để trở nên người lớn trong Nước Trời thì phải phục vụ mọi người.
 
Quyền bính trong Giáo Hội chỉ cần thiết khi thể hiện lòng yêu mến. Quyền bính trong Giáo Hội là cần thiết để phục vụ chứ không phải là sử dụng chức thánh nhân danh Thiên Chúa để chế ngự người khác. Danh hiệu đẹp nhất được dành cho Đức Giáo Hoàng không phải “thượng tế tối cao”, nhưng đúng hơn là “tôi tớ của các tôi tớ Chúa”. Trong Giáo Hội, bất cứ ai có một trách nhiệm gì dù là giáo dân hay linh mục, đều phải noi gương Chúa Kitô: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như người phục vụ”.
 
Không có gì khiêm nhường bằng phục vụ. Phục vụ cũng là niềm vinh hạnh của người kitô hữu, của người môn đệ Chúa Kitô: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và trao ban mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
 
Phục vụ là sự cao cả thực sự của con người. Suốt cuộc đời Chúa Giê-su là phục vụ. Chiều thứ Năm Thánh, Người đã rửa chân cho các tông đồ và dạy các ông sau này cũng phải phục vụ nhau!
Thiên Chúa không ngừng làm chúng ta hoang mang vì luật Nước Trời thường trái ngược với sự khôn ngoan nhân loại. Trong một thế giới hưởng thụ, cám dỗ lớn đối với chúng ta là muốn thoát khỏi đau khổ và quay lưng lại với Thập giá. Chúa là Thiên Chúa, đáng lẽ ra Người không phải chịu đau khổ, thế mà Người đã chấp nhận đau khổ vì yêu chúng ta và để cứu chuộc tội lỗi chúng ta. Người đã trao ban sự sống để chúng ta được sống muôn đời. Thánh Phaolo nói: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người chịu mọi thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta..”
 
Còn chúng ta thì ngược lại, chúng ta chỉ mong Chúa như một nhà ảo thuật giải quyết tức khắc mọi vấn đề của chúng ta. Thông thường khi chúng ta phục vụ Thiên Chúa, chúng ta mong Người làm lợi cho chúng ta.
 
Cố gắng canh tân đức tin của chúng ta! Xin Chúa cho chúng ta đừng sợ đau khổ, vui mừng ôm lấy Thập giá Chúa khi Chúa muốn và chắc chắn chúng ta sẽ được cùng sống lại với Chúa. Hãy khiêm nhường phó thác đời sống chúng ta trong tay Chúa nhằm phục vụ anh chị em chúng ta theo thánh ý Chúa, làm vinh danh Chúa và lôi kéo nhiều người đến với Chúa. Amen.
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Bài 2:
 

 
Cám dỗ về quyền lực
----------------
Quyền lực cũng giống như tiền bạc: càng có quyền thì càng thích. Tiền có thể mua được quyền, quyền cũng có thể làm nên tiền. Bài Tin Mừng chủ nhật tuần trước cảnh giác chúng ta chống lại cám dỗ về tiền bạc. Còn bài Tin Mừng chủ nhật hôm nay nói về một cơn cám dỗ khác, đó là  cám dỗ về quyền lực.
 
Khi Chúa Giêsu mới báo trước cuộc khổ nạn và cái chết kinh hoàng mà Người sắp phải chịu, thì mẹ của Gioan và Giacôbê cũng ở đó. Một người mẹ luôn lo lắng cho con cái mình thăng quan tiến chức. Và có lẽ điều đó luôn tiềm ẩn trong đầu óc và con tim họ đến nỗi họ cũng chẳng nghe thấy điều Chúa vừa nói.. Vì thế, bà không ngần ngại thưa với Chúa: “Lạy Thầy, xin cho hai đứa con của con, một đứa ngồi bên trái, một đứa ngồi bên phải Thầy trong vinh quang của Thầy”.
 
Họ nghĩ lời cầu xin của họ có thể làm Chúa thích thú và cũng có thể làm Chúa khó chịu. Chúa Giê-su trả lời họ với một tấm lòng trắc ẩn sâu xa: “Hỡi các con bé nhỏ của Thầy, các con không biết điều các con xin. Các con cũng không biết điều gì đang chờ đợi các  con! Để xứng đáng lãnh đạo trong triều đại của Thầy, thì trước hết phải uống  chén mà Thầy sắp uống. Cần phải nhận thấy phép rửa bằng máu Thầy sắp phải chịu. Chúng con sẽ có thể chịu được không?” Họ ngây ngô trả lời “được”.
 
Mười môn đệ khác có vẻ hiểu rõ thủ đoạn ích kỷ của gia đình Gioan và Giacôbê, nên rất phẫn nộ: “Họ có ý xin như thế kia à? Táo bạo thật! Trâng tráo thật! Chúng ta đâu dám làm như vậy”!
 
Nhưng Chúa Giêsu lại khác, Người rất tâm lý với Giacôbê và Gioan, Người động viên hai anh em: “Đúng vậy, anh em sẽ làm được điều đó vì anh em khá quảng đại về vấn đề này. Còn về chỗ dành cho anh em trong triều đại của Cha Thầy, thì anh em đừng quá bận tâm và tốt nhất là anh em hãy phó thác vào Người”.
 
Qua thái độ của Chúa Giêsu đối với hai Tông đồ ham muốn quyền lực như vậy, chúng ta đừng quá vội xét đoán tiêu cực lòng ham muốn quyền lực đã bám rễ sâu trong mỗi con người. Lòng ham muốn quyền lực rất thường thấy nơi những nhà chính trị, nhà tư bản kinh tế và cả nơi mỗi người chúng ta. Các tông đồ khác phê bình thái độ của Giacôbê và Gioan, chưa chắc đã là tốt. Có khi các ông cũng thế!. Tốt hơn hết, là chúng ta đừng vội khiển trách những người ước muốn quyền hành: có thể thái độ phê bình của chúng ta đối với người ham muốn quyền hành cũng là một hình thức ghen tương một cách khéo léo chăng.
 
Người ta khát khao quyền hành vì con người cần tạo dựng cái mới và vui thích thực hiện một công việc trổi vượt và có giá trị…  Hơn nữa, đối với một tập thể, dù lớn dù nhỏ, thì cần phải có người lãnh đạo. Ngụ ngôn người Rumani: “Ong không có chúa, thì tổ ong sẽ tan rã”.
 
Vì thế, điều quan trọng ở đây là ham muốn quyền lực để phục vụ chứ không phải với mục đích để người ta phục vụ mình. Nhiều người mắc phải những cơn cám dỗ phức tạp: cám dỗ lạm dụng quyền hành, cám dỗ được nổi danh, cám dỗ quá thích thú về quyền thống trị người khác, cám dỗ sử dụng quyền lực để quyến rũ, để làm giàu và để người khác hầu hạ mình.
 
Thật hạnh phúc cho chúng ta! Chúa Kitô đến trần gian để Phúc Âm hoá ham muốn thống trị của chúng ta. Người nói: “Bạn muốn ra lệnh ư? Tự bản chất, điều đó không phải là xấu, nhưng quan trọng là bạn phải phục vụ. Bạn càng leo cao vào bậc thang phẩm trật thì bạn càng phải phục vụ. Bạn phải trở nên ngưòi phục vụ anh em mình”.
 
Thi sỹ Tagore nói rất văn chương: “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời chỉ là niềm vui, khi tôi thức, tôi thấy rằng cuộc đời chỉ là phục vụ. Khi tôi phục vụ, tôi hiểu rằng phục vụ chính là niềm vui”.
 
Phục vụ chính là trao ban. Trao ban là yêu thương. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, nên Người đã phục vụ hết mình và trao ban tất cả. Phục vụ cho đến chết và chết trên Thập giá. Trong Thiên Chúa, tất cả là vui mừng vì Người trao ban tất cả. Trong con người chúng ta, tất cả mọi công việc phục vụ vừa phải khiêm nhường và cũng vừa trao ban. Và nếu làm được như vậy, thì tất cả đều trở thành niềm vui.
 
Để là nguời lãnh đạo trong tinh thần phục vụ, chúng ta cũng hãy học gương Thánh Ignatio Loyola, qua lời kinh của ngài: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dạy con biết quảng đại phục vụ Chúa, cho đi mà không tính toán, chiến đấu mà không sợ thương tổn, làm việc mà không lo tìm chỗ nghỉ, ra công ra sức mà không chờ đợi phần thưởng nào khác hơn, là biết rằng con làm theo thánh ý Chúa. Amen”.
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log