Thứ sáu, 10/01/2025

Các bài giảng Truyền Giáo

Cập nhật lúc 16:27 08/10/2015
Hình ảnh truyền giáo được Chúa Giêsu ví như cánh đồng đầy lúa chín, cần phải thu gặt về. Điều này muốn chứng tỏ rằng: công cuộc truyền giáo thật cần thiết và cấp bách hơn lúc nào hết!
Một số bài giảng về Truyền Giáo
------------------------------------------------------------------------
Bài 1- “Lúa chín nhiều mà thợ gặt thì ít”
 
Hình ảnh truyền giáo được Chúa Giêsu ví như cánh đồng đầy lúa chín, cần phải thu gặt về. Điều này muốn chứng tỏ rằng: công cuộc truyền giáo thật cần thiết và cấp bách hơn lúc nào hết! Mặc dù Chúa Giêsu đến trần gian đã 2 ngàn năm nay, mặc dù công việc truyền giáo vẫn luôn được thực hiện và canh tân, mặc dù Giáo Hội vẫn luôn bước đi trong cuộc hành trình truyền giáo của mình, nhưng vẫn còn tồn tại một phần không nhỏ nhân loại chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Và một điều đáng đau buồn hơn cả, là có nhiều người còn công bố mình vô thần.
 
Thiết tưởng cần nên lên đây vài con số thống kê để mỗi người có thể tự  xem xét vai trò truyền giáo  của mình đã thực hiện được đến đâu?
 
Thế giới chúng ta  hiện nay có gần 6 tỉ người, thế mà người biết và theo Chúa Kitô chỉ có gần một tỉ. Châu Á chúng ta, là cái nôi của Chúa Giêsu sinh ra, tính đến nay dân số đã hơn 3 tỉ người, nhưng cũng chỉ có khoảng 100 triệu người theo Kitô giáo. Nước Việt nam chúng ta với dân số là trên 80 triệu dân, nhưng số người Kitô hữu cũng chỉ có hơn 7 triệu. Như vậy số người tin theo Chúa Giêsu thật là quá ít! Cánh đồng truyền giáo vẫn cứ rộng mênh mông, mà thợ gặt dường như mỗi ngày một ít dần. Đây là một trăn trở rất lớn nếu mỗi người có đạo chúng ta biết ý thức về vai trò truyền giáo của mình! Nhìn thấy con số khiêm tốn người theo Chúa Kitô như vậy, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói: “Đây là một trong những hiện tượng trầm trọng nhất và cũng là một khủng hoảng tu đức của thời đậi chúng ta”!
 
Thế giới hôm nay dường như đã đánh mất cái căn tính của mình là phải sống thân mật với Thiên Chúa. Ngay từ khi sinh ra, con người đã được Thiên Chúa mời gọi để đối thoại với Người. Con người được hiện hữu ở trần gian này là vì Thiên Chúa yêu thương và cũng chỉ vì tình yêu đó mà Thiên Chúa ban đầy đủ mọi ơn lành. Nhưng vì con người quá lạm dụng tự do của mình, không thèm sống theo ơn gọi đó. Họ đã không gọi Thiên Chúa là Cha nữa, không nhận Chúa Kito là anh của mình và vì thế trật tự xã hội bị đảo lộn, chẳng còn anh trên em dưới. Xã hội bị đảo lộn như một bãi tha ma, như hoả ngục trần gian.
 
Nhân dịp ngày truyền giáo hôm nay, mỗi người chúng có thể làm được gì cho cánh đồng truyền giáo đầy lúa chín?
 
Cánh đồng này là cánh đồng tôi đang sống trong đó, là Việt Nam tôi, là Hưng Hoá Giáo phận tôi, là Giáo xứ tôi, là giáo họ tôi, là cộng đoàn tôi, là gia đình tôi và là nơi tôi đang ở. Hạt lúa chín đó là tôi, là anh chị em tôi, là bạn bè tôi, là tất cả những ai sống chung quanh tôi.
 
Chúng ta đang sống trong tháng Mân Côi và như theo lời Đức Thánh Cha Bênedito XVI: “Chúng ta hãy hướng lòng về Đức Mẹ. Đức Mẹ đã biết đón nhận và sống Lời Chúa.…Chúng ta có nhiều hoạt động cho chương trình học tập giáo lý, nhưng các hoạt động này cần phải được nâng đỡ bằng chính sự yên lặng sâu xa, mà không gì khác hơn đó là lần hạt Mân Côi cho công việc Tân Phúc Âm hóa. Thật vậy, việc suy niệm lần hạt Mân Côi hằng ngày nâng đỡ mỗi người thiết tha với công việc loan báo tin mừng cho mọi người không có đức tin, những người từ chối đức tin hoặc những người đã mất đức tin.”
 
Đọc lại cuộc đời của Đức Mẹ Maria, chúng ta thấy Đức Mẹ chẳng làm gì đao to búa lớn cho công cuộc truyền giáo. Đức Mẹ cũng chẳng thuyết giáo bài giảng hùng hồn nào về truyền giáo, Đức Mẹ cũng đã chẳng đi hết nước này sang nước khác để nói về truyền giáo. Thế mà Đức Mẹ lại là một tấm gương tuyệt vời về truyền giáo.
 
Truyền giáo chính là đem Chúa Kitô đến cho người khác. Muốn đem Chúa Kitô đến cho người khác, thì chúng ta cũng phải có Chúa Kito trước đã.
 
-Liệu cuộc đời tôi đã có Chúa Kito chưa hay là chỉ mang cái tên Chúa Kito thôi?
-Tôi có đặt Chúa Kitô là thước đo cho cuộc đời tôi không?
-Trong danh bạ điện thoại của tôi có hết người này sang người khác, liệu tôi có tên của Chúa Ki-tô ở đó để thỉnh thoảng tôi gọi cho Người và Người gọi cho tôi không?
-Liệu tôi có lắng nghe lời Chúa Kito dạy qua Tin Mừng của Người?
-Tôi có suy ngắm các mầu nhiệm về Chúa Kitô, hay là tôi chỉ thích những câu chuyện phiếm, những cuộc rước sách bề ngoài mà quên đi cái cốt lõi để tôi phải sống?
-Liệu tôi sống đã là niềm vui cho người khác chưa? Hay chỉ là gánh nặng, là cái gai cho đời?
 
Khi Đức Mẹ thăm viếng chị họ là bà thánh Isave, Bà thánh Isave sung sướng khôn tả: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi". Chính lúc đó là lúc Đức Mẹ thực hiện công cuộc truyền giáo cách tốt nhất, vì Đức Mẹ có Chúa và đem Chúa đến cho người khác. Liệu tôi sống đã làm gương cho những người sống quanh tôi, những người khác tôn giáo khen tôi là người có đạo, hay chỉ làm trò hề cho họ cười chê. Đem so sánh cuộc đời tôi với cuộc đời của Đúc Mẹ, tôi có giống được điểm gì không?
 
Khi nào cộng đoàn, giáo xứ chúng ta đoàn kết yêu thương cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ, là lúc chúng ta có Chúa, chúng ta thi hành sứ vụ truyền giáo cách cụ thể nhất, đem nhiều hạt lúa vàng về kho tàng thiêng liêng một cách tốt nhất !
 
Lạy Chúa, lời Chúa phán, “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Lúa chín đầy đồng là một thực tại. Nhưng thợ gặt ít, chắc chắn cũng tại chúng con. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng con trở thành những tay thợ nhiệt thành truyền giáo mở nước Chúa bằng chính đời sống đạo đức của chúng con! Amen.
 
 
 
 
 
Bài 2-  “Lúa chín nhiều mà thợ gặt thì ít” (Mt9,36-10,8)
--------------------------------
Nhiều người xác nhận niềm tin của mình vào Thiên Chúa toàn năng, khôn ngoan và là Đấng tạo dựng vũ trụ, nhưng họ lại xếp Người ở trên góc trời cao xa tít, không liên quan gì đến họ…. Tuy nhiên, nếu đọc và suy ngắm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ không có thể nghi ngờ nỗi trăn trở của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta được. Thật vậy, Chúa Giêsu rất thương cảm đối với mọi người như là anh em của Người. Hãy chiêm ngắm lòng trắc ẩn của Người đối với chúng ta và từ đó khám phá ra tình thương mến vô biên của Người. Xúc động đến chảy nước mắt vì đám dông vây quanh, Chúa Giêsu nghĩ ngay đến công việc lớn lao mà Người cần phải hoàn thành và thợ truyền giáo để đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng cho công việc này.
 
Hãy quan sát Chúa Giêsu khi Người không nói. Chậm rãi, Người nhìn kỹ đám đông trước mặt. Người thấy những người bé nhỏ, trong đó có nhiều người ốm yếu và mệt nhọc vì nhiệt tình đi theo để nghe Người giảng. Họ thiếu chỉ thị và đang đợi chờ Đấng Me-si-a đến để vạch đường chỉ lối cho họ. Người quan sát từng người. Nhất là Người thấy gương mặt sáng ngời của tất cả nhũng người có sức khoẻ tốt đang chờ đợi Người. Họ chờ đợi điều gì? Có lẽ là một lời hứa hẹn đảm bảo cho cuộc sống tốt hơn, và việc thiết lập một nhà nước Dothái được giải phóng khỏi ách nô lệ người Roma. Người còn phát hiện ra họ đang đói Tin Mừng, đói Thiên Chúa. Đối diện với sự khốn cùng của họ, Chúa Giêsu rối bời ruột gan. Không những chỉ xúc động vì họ quá nghèo, mà còn nhìn thấy biết bao nỗi cay cực khác sẽ còn tiếp diễn trong tương lai và bất cứ ở nơi nào trên thế giới. Xuyên qua thời gian, Người nhận thấy tất cả các quốc gia sẽ tin vào Người, nhưng cũng có những quốc gia thuộc châu Phi, Châu Á còn chưa biết Người, một đàn chiên lớn bơ vơ không người chăn dắt! Người đến cho tất cả và cho từng người. Người luôn hiện diện với từng người chúng ta.
 
Đứng trước một công việc trọng đại, một trách nhiệm toàn cầu, một sứ mệnh lớn lao, Chúa Giê-su không muốn thực hiện một mình, Người muốn chúng ta cùng cộng tác với Người để rao giảng Tin Mừng khắp nơi và làm cho thế giới trở về. Chúng ta có thể làm gì để cộng tác với Ngài trong công việc trọng đại này?
Là người kitô,
-Chúng ta có lòng thương cảm đối với đám đông và nhân loại đang thai nghén không?
-Chúng ta có cái nhìn thế nào về thế giới chúng ta đang sống?
-Nhìn thấy nhiều người không tin, họ chẳng cần chúng ta giúp đỡ và cũng không muốn trở lại đạo, chúng ta có cái nhìn thất vọng, chẳng làm gì cho họ ư?
-Như Chúa Giêsu, chúng ta có cái nhìn động lòng thương đối với những người xấu số không?
-Chúng ta có ý thức đựoc rằng bên cạnh sự thờ ơ của nhân loại hôm nay, vẫn còn có những nguời muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống không?
 
Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín nhiều”. Điều đó muốn nói rằng đã có nhiều mùa gieo vãi. Từ trên hai ngàn năm nay, Chúa Thánh Thần đã không thất nghiệp. Vấn đề ở đây là chúng ta đừng để cho lúa mộng hoặc dày đạp dưới chân!
 
Chúa Cha đã trao phó sứ mệnh cứu độ nhân loại cho toàn thể chúng ta như Người đã trao phó cho Chúa Giêsu.”Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Vậy điều quan trọng trước tiên, là chúng ta hãy xin Chúa Cha một sự thúc đẩy mới, cầu nguyện để có nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ. Cầu nguyện đêm ngày cho ơn gọi này.
 
Ngày nay nhiều giáo phận cổ động cầu nguyện để ơn gọi linh mục, dòng tu lấy lại lòng nhiệt thành và các tín hữu ý thức về điều đó. Ngay từ lúc này chúng ta phải gieo thật sớm mùa gặt ơn gọi ngay trong lòng các em từ tuổi thơ ấu.
 
Bài Tin Mừng hôm nay để lộ cho chúng ta thấy đoàn tông đồ đầu tiên. Đoàn tông đồ này được thành lập gồm những người đánh cá quen biết với nghề sông nước hơn là thần học, rồi người thu thuế, và cả một tên phản bội tương lai.
Chúng ta ước mong một Giáo Hội gồm những linh mục trẻ trung, nổi tiếng về trí thức và khả năng khôn ngoan, những con người cầu nguyện và đạo đức trổi vượt! Điều đó là tốt! Tuy nhiên, về phía người giáo dân, thì lại không muốn mình trở nên hoàn thiện.
 
Các Tông đồ không phải được sai đi để chinh phục thế giới ở bất cứ nơi nào, khi nào và cách nào. Chúa Giêsu truyền cho họ phải hành động theo Người. Hành động đó được tiếp tục ngay trong lòng dân được chọn, mặc dầu Người đã không bao giờ gạt bỏ những người ngoại giáo và Samaria gặp Người trên đường. Các Tông đồ cũng phải bắt đầu từ đó. Một thời gian sau,- khi các ông lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần – lúc đó Chúa Giêsu mới sai các ông vượt qua biên giới tới miền dân ngoại. Họ chỉ bắt chước Chúa: loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và thanh tẩy các tâm hồn.
 
Thế giới hôm nay, người kitô hữu chúng ta không phải được mời gọi để mà tranh luận về khả năng chuyên môn khác nhau của việc tông đồ. Thánh Thần đã sớm làm chưng hửng những tính toán và lý thuyết của chúng ta. Trong vài thập niên gần đây, người ta đã đốt bỏ những phương pháp mà trước đây được coi là đáng suy phục.
 
-Có những ý kiến cho rằng: trong thế giới hiện đại khi mà Giáo Hội  gặp nhiều sóng gió, chúng ta hãy dựng lên những pháo đài để chống đỡ.
-Lại có những ý kiến khác cho rằng: Đừng sợ, chúng ta hãy đi đương đầu với thế giới hiện đại với lòng nhiệt tình và tin tưởng. Cần phải có những linh mục sống giữa đời!
-Nhưng lại có người cho rằng: điều quan trọng là phải chôn vùi như men trong bột. Người công giáo chúng ta ít, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần làm việc biến đổi số lượng quá lớn những người thờ ơ lãnh đạm. Chỉ một mình Người có thể làm được điều đó. Chúng ta cần những linh mục biết sống thận trọng cuộc sống mà người thời nay đang sống.
 
Công việc truyền giáo của chúng ta dù muốn mở rộng thế nào chăng nữa, nhưng trước hết phải bắt đầu từ Giêrusalem, có nghĩa là ngay trong gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
 
“Lúa chín nhiều mà thợ gặt thì ít”. Đó có phải là lý do để chúng ta thất vọng không? Giáo Hội biết rõ có những thời kỳ khủng hoảng ơn gọi. Vào thời kỳ Phục Hưng, Kitô giáo được tự do, nhưng một số vị lãnh đạo Giáo Hội đã không làm vinh danh Giáo Hội. Còn vào thời thánh Vincent de Paul, các linh mục không nhiều và tầm thường ít tài năng. Nhưng Chúa Thánh Thần đã bảo vệ con thuyền Thánh Phêro. Người thúc giục các thánh trổi vượt giúp cho công việc chỉ huy Giáo Hội : như thánh nữ Catharina Siena đã nói với Đức Giáo Hoàng về bổn phận nặng nề mà đôi khi Đức Giáo Hoàng quên lãng. Người cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và nói rằng: “Nguyên nhân duy nhất đem đến cái chết cho tôi, đó là Tình yêu đối với Giáo Hội, tình yêu này đã thiêu đốt tôi và làm tiêu hao tôi.”
 
 
Bài 3- Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít
-------------------------
Đứng trước tình trạng khẩn cấp và vô cùng quan trọng của công cuộc truyền giáo, Chúa Giêsu không những chỉ mời gọi các tông đồ, mà còn tất cả những ai có thiện chí muốn theo Chúa. Thánh Phao lô đã nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.
 
Theo Phúc Am thánh Luca 10, 1-16, Chúa Giêsu ra lệnh cho 72 môn đệ phải đi truyền giáo. Con số 72 không phải là con số chung chung và vô tình. Theo Kinh Thánh, con số 72 là con số biểu tượng ám chỉ toàn cầu. Đó là con số tổng hợp tất cả các quốc gia trên trái đất này được thiết lập sau đại hồng thuỷ. Nói cách khác, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai có thiện chí đều phải truyền giáo.
 
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Khi nói câu này, Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến hiện tại, mà còn nhìn về tương tai, về tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia trên trái đất này vẫn còn đang là cánh đồng không được gặt hái vì thiếu thợ gặt.
  • Người nghĩ đến các quốc gia kitô giáo của thế kỷ chúng ta đang trong tình trạng bỏ đạo.
  • Người thấy trước biết bao người đã chịu phép Thánh Tẩy mà chẳng hay biết gì về đạo trong đó có giáo xứ chúng ta. Người thấy trước Á Châu chúng ta con số người theo đạo kitô là quá ít 3%.
  • Người thấy trước những người kitô xâu xé lẫn nhau …
  • Tuy nhiên, Người cũng thấy  biết bao nhiêu con tim khao khát và chờ đợi Tin Mừng. Những con tim này đã được Chúa Thánh Thần hoạt động, họ đang có khả năng đón nhận Tin Mừng.
 
Những cánh đồng chưa được gặt vì đang thiếu thợ: một mùa gặt vẫn sờ sờ trước mắt đang thiếu người gặt hái. Cay đắng và thất vọng chừng nào! Nhiều người bỏ cả lễ chủ nhật, bỏ gặt lúa thiêng liêng để đi gặt hái và gieo trồng lúa vật chất .
 
Ngay bây giờ và lúc này, hơn bao giờ hết: hãy tổng động viên để rao giảng tin mừng. Thiên Chúa cần chúng ta. Thiên Chúa cần tất cả. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói: “Toàn thể Giáo Hội là truyền giáo, sự nghiệp rao giảng Tin mừng là một bổn phận can bản của dân kitô”.
 
Mặc dù có những dấu hiệu tốt trong nhiều họ đạo, nhưng chúng ta không được phép khoanh tay ngồi lì khi mà việc thực hành đạo đang bị giảm sút nơi nhiều người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Phải khẩn cấp hành động! Tội lớn nhất của chúng ta hôm nay là tội bỏ bê và quên sót. Thánh Phaolo và Phero đã ngang nhiên nói trước toà án Dothái: “Phần chúng tôi, chúng tôi không thể và không được phép không công bố điều mà chúng tôi đã nghe và đã thấy”. Chúng ta không được phép là những thực dân tình yêu: “Yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến anh em thế nào được, nếu chúng ta không khát khao nồng cháy đem Chúa cho thế giới”. Đức Hồng Y Congar nói: “Chúng ta đừng là những nhà tư bản tôn giáo”. Có nghĩa là đừng nhốt Chúa Giêsu trong tủ sắt trái tim chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Kitô thì phải mang Chúa Kitô cho người khác nũa.
 
Tất cả chúng ta, ai ai cũng có khả năng truyền giáo, đừng viện lý do là không có kiến thức thần học và giáo lý:
 
Trong Cựu ước chúng ta thấy: Khi được sai đến vua Pharaon, Moise thưa với Chúa: “Tôi không biết ăn nói”. Và Chúa phán bảo ông:”điều đó không quan trọng, con hãy đi cùng với Aaron, anh ấy biết ăn nói. Còn con, con cứ làm những việc Ta dạy con làm”.
 
Thật vậy, ai ai cũng có thể làm được một việc gì đó: giúp họ đạo và giáo xứ trong việc xây sửa, làm cỏ hoặc quét nhà thờ… nhưng nhất là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều mà Chúa dạy trong bài Tin Mừng, đó là cầu nguyện cho ơn gọi, động viên con em đi tu…
 
Tuy nhiên, Chúa Kitô không muốn chúng ta thực hiện công cuộc truyền giáo như người làm thuê, làm vì phải làm để được trả công:
-Người muốn chúng ta thực sự cảm thấy mình được sai đi,. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm, tự hào là đã được chọn và ý thức tham dự vào công cuộc sống còn của Giáo Hội và của thế giới, làm cho thế giới thay đổi và thăng tiến hơn.
-Ngươì muốn chúng ta làm việc thành nhóm, không được làm riêng rẽ và một mình, tránh những ghen tương vì ghen tương là mầm mống của sự chia rẽ.
-Người muốn đội quân truyền giáo cơ động, nhẹ nhàng hành lý: “Anh em đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.
-Người muốn chúng ta sẵn sàng và nhanh chóng đi bất cứ nơi đâu mà Thánh Thần thổi đến.
-Người muốn chúng ta đem bình an cho thế giới ”Vào nhà nào trước tiên anh em hãy nói: “Bình an cho nhà này”.Bình an là sức mạnh đích thực cho những ai tin vào sự sống lại.
-Sức mạnh của người tông đồ cũng chính là sự đơn sơ nhân ái: con chiên ở giữa sói rừng. Niềm vui và tình yêu của người rao giảng Tin Mừng có tính lan truyền mạnh mẽ. Họ không đến áp đặt nhưng đề nghị.
-Người muốn các tông đồ đừng bận tâm đến thành tích. Dagens viết: “Nguy cơ không phải là nhỏ cho những ai đi truyền giáo thích được nổi danh vì những kết quả mình đã đạt được, vì ho nghĩ là đã hoàn thành phận sự về một hình ảnh quá lý tưởng của công cuộc truyền giáo”.
 
Dù người ta có đón nhận hay từ chối, chúng ta cứ nói trong mọi trường hợp, cứ loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho hết mọi người. Điều mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là sự thành thật đơn sơ của người tin. Điều đích thực là cái chúng ta là và điều còn lại là công việc của Thiên Chúa.
 
Cha Monier nói: “Việc tông đồ của chúng ta không phải là cho người khác những tư tưởng hay ho, nhưng là cho hương vị của Chúa Giêsu”.
 
Đọc bài Phúc Am hôm nay, người giáo dân chúng ta không nên đứng ngoài cuộc. Đừng nghĩ rằng tất cả những đòi hỏi về truyền giáo chỉ áp dụng cho các linh mục và tu sỹ. Ngày nay trên thế giới, có rất nhiều người giáo dân quảng đại đáp trả ơn gọi truyền giáo.
 
Cha Poncheville nói: “Có tinh thần truyền giáo chính là biết có một bàn tay Thiên Chúa đã bị đinh đâm thâu, vết đinh đó vẫn không ngừng đâm vào trái tim nhân loại… Có tinh thần truyền giáo chính là biết có một ngọn lủa ngày Lễ Ngũ Tuần đang tìm kiếm các con tim để đốt cháy”.


Tải file đầy đủ về các bài chia sẻ Tin Mừng về Truyền Giáo: Bài giảng Truyền giáo

 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:
Chúa nhật XX TNB (11/08/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log