Thứ sáu, 10/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII TNB

Cập nhật lúc 09:49 07/10/2015
Chành thanh niên trong Tin Mừng là ai? Là con nhà giàu có. Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì anh ta là một thiếu gia. Nhưng một thiếu gia có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi ăn diện
Bài 1:
 
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời
---------------------------
WGPHH: Một chàng thanh niên nào đó, Tin mừng không nêu rõ tên, chạy đến Chúa Giêsu và quỳ xuống trước mặt Người. Đương nhiên, anh đã nghe về Chúa Giê-su là người tốt lành và nhân từ. Hơn nữa Người còn là một tin tri cao cả, giảng dạy như Đấng có quyền, Người được Chúa Cha sai đến chỉ cho nhân loại con đường để được sống đời đời. Vì thế,  anh thưa với Người: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời”?
 
Ý muốn của chàng thanh niên này rất tốt. Nhưng đức tin của anh chỉ lóe lên như một ánh lửa, một luồng sáng trong chốc nhát, một sự nhiệt thành có thể sớm vụt tắt. Vì chưng, dù anh giữ trọn các giới răn, nhưng sau khi Chúa nói: “Anh chỉ còn thiều một điều, là hãy bán tất cả gia tài đem bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi theo Tôi”, “anh liền sa sầm nét mặt xuống, buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải”.
 
Tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa thôi, chưa đủ để được cứu độ, để được sống đời đời. Sự sống đời đời là chính sự sống mà Chúa Giê-su lãnh nhận từ nơi Cha, mà Người mang đến cho nhân nhân loại chúng ta. Chúa Giê-su đến trần gian để làm cho lề luật Thiên Chúa trở nên trọn vẹn bằng chính tình yêu của Người, tình yêu mạnh hơn sự chết. Chúa Giêsu yêu tất cả mọi người và muốn mọi người được cứu độ. Tình yêu này trước hết không phải là tình yêu thuần túy nhân loại, nhưng là tình yêu vượt trên tất cả, tình yêu không giữ lại gì, ngay cả mạng sống mình. Đó là tình yêu siêu nhiên, tình yêu vĩnh cửu. Vì thế, khi Thiên Chúa yêu ai, Người cũng đề nghị người đó phải có tình yêu siêu nhiên. Tình yêu vượt lên trên tất cả những giới hạn của tình yêu tự nhiên và của thế giới hữu hình vật chất này.
 
Thật đáng tiếc! Có nhiều người được Chúa kêu mời, nhưng chỉ đáp trả bằng một tình yêu đã bị bám rễ sâu vào trong thế giới vật chất này, thế giới mà vào giờ chết sẽ kết thúc và biến mất khỏi chúng ta.
 
Nhìn lại trong các giáo xứ, biết bao nhiêu người trước đây là em giúp lễ, con hoa, ca viên sốt sắng và ngoan đạo như chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Do bị cám dỗ về tiền của, chức quyền hoặc sợ bị bắt bớ, đức tin của họ cũng chỉ bừng lên một thời, một thời của ánh lửa, một thời của luồng sang, một thời của cơn chớp giật rồi lại vụt tắt. Tình yêu của họ đáp lại tình yêu Thiên Chúa chỉ là cơ hội: “khi vui thì vỗ thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì no thấy ai’? Thay vì bỏ mọi sự để theo Chúa, thì họ lại bỏ Chúa để được tiền của và địa vị; hoặc có theo Chúa chỉ vì một động lực hoàn toàn vụ lợi. Họ coi Thiên Chúa như tấm bình phong hoặc như một anh bồi. Ngày này qua ngày khác không giành một thời gian dù chỉ là ngăn ngủi để trò chuyện thân mật với Chúa, bỏ luôn cả Thánh Lễ chủ nhật. Nhưng đến khi phải cử hành bí tích hôn nhân theo luật công giáo, thì họ lại muốn cha xứ chứng hơn càng sớm cng tốt. Các bí tích đối với họ chỉ là tấm bùa hộ mệnh cho họ mà thôi.
 
Theo Chúa, là phải từ bỏ tất cả! Việc này không dễ gì với khả năng con người. Vì cảm thấy khó nên các tông đồ mới thưa Chúa Giê-su rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ”? Đúng thế! Với sức riêng con người, thì không ai có thể được cứu độ như lời Chúa Giê-su đã nói: “Đối với loài người thì không thể được”. Nhưng Người lại nói tiếp: “Đối với Thiên Chúa, thì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.
 
Thiên Chúa toàn năng! Điều này muốn nói lên rằng Thiên Chúa làm được mọi sự. Thiên Chúa làm được tất cả, không có nghĩa là Người sẽ làm tất cả những gì Người muốn làm. Cần hiểu rõ: nếu chúng ta xin Thiên Chúa cứu độ chúng ta, chắc chắn Người sẽ làm tất cả những gì Người muốn vì mục đích đó. Thiên Chúa, Đấng có thể cứu độ tất cả mọi người, nhưng Người chỉ cứu độ những ai thành tâm xin Người cứu độ. Vì chưng Thiên chúa luôn tôn trọng tự do của con người và chờ đợi con người đáp trả tình yêu mà Người đem cho nhân loại. Tình yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu không áp đặt. Tình yêu tôn trọng tự do. Khi yêu mà không có tự do, thì không còn gọi là tình yêu nữa.
 
Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa, không có nghĩa là mất tất cả. Nếu chúng ta dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả, chắc chắn Người sẽ đổ muôn vàn hồng ân cho chúng ta: ơn siêu nhiên, và cả ơn tự nhiên nữa: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, của cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ và ở đời sau sẽ được sự sống vĩnh cửu”.
 
Thật đáng buồn cho chàng thanh niên trong tin mừng hôm nay! Anh bỏ dở công việc tìm kiếm hạnh phúc đời đời. Nếu anh tiếp tục đối thoại với Chúa Giêsu, Chúa sẽ mở cho anh một lối đi . Lối đi khó mà lại dễ khi có ơn Chúa nâng đỡ. Lối đi bỏ tất cả, nhưng lại được nhiều hơn. Anh không can đảm bước tiếp như Phêrô. Phêrô đã bước tiếp và dám nói: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”, vì Phêrô biết mình và bạn bè mình đã bỏ mọi sự để theo Chúa. Phêrô rất bằng lòng về việc theo Chúa của mình. Ông không còn tiếc gì, đi theo Chúa có thể bị bách hại. Phêrô và các bạn bè ông đã  bỏ mọi sự để theo Chúa và chính điều đó làm cho các ông được hạnh phúc vĩnh cửu. Hạnh phúc vĩnh cửu đối với họ đã bắt đầu có ngay ở trần gian này.
 
Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: tôi đang sầm nét mặt xuống, buồn rầu bỏ Chúa như chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, hay tôi đang vui mừng hạnh phúc vì tôi đang có Chúa làm cơ nghiệp, là sự sống vĩnh cửu của đời tôi?
 Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

Bài 2:  
 
 
Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu có vào nước trời
-----------------------------------------
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ chúng ta và nhất là nhiều người giàu rất khó chịu. Tin Mừng làm rối lòng rối trí. Và cả bài đọc II nữa, Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta: “Lời Chúa sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí”. Vì thế, nhiều người chẳng thích thú gì khi nghe câu nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu có vào nước trời”.
 
Câu chuyện đáng tiếc của chàng thanh niên hôm nay giúp chúng ta nhìn lại cuộc đời mình. Chàng thanh niên này, một con người muốn tìm kiếm chân lý, anh thở hổn hển chạy đến Chúa Giê-su và sấp mình dưới chân Chúa. Anh còn là người lịch thiệp thực sự muốn gặp Thầy. Rõ ràng là anh muốn chứ không phải là một luật sỹ đến để thử Chúa. Anh thưa với Chúa : “Lạy Thầy nhân lành”. Chúa Giêsu nói tế nhị với anh: “Anh đừng thần tượng hóa quá sớm con người mà anh chưa biết rõ. Anh đừng quên rằng chỉ mình Thiên Chúa đáng thờ lạy và tôn kính. Anh biết rõ các giới răn và nhất là giới răn cấm làm thương tổn anh em lân cận chứ”? Chàng thanh niên mau mắn trả lời: “Về điểm này, Ngài khỏi phải nói”! Cha mẹ tôi là những tín hữu trung thành và luôn giúp tôi gìn giữ đức tin tinh tuyền”.
 
Thấy thế, Chúa Giê-su nhìn anh, trìu mến anh và thầm nghĩ: “Chàng trai này tốt thật! Anh sẽ trở thành linh mục, giám mục tốt. Anh sẽ trở thành hội viên mới tuyệt vời trong nhóm tông đồ”. Với suy nghĩ như vậy, Chúa Giêsu không do dự và đề nghị anh: “Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi theo Tôi”.
 
Chúa Giêsu đề nghị anh tiến xa hơn nữa, là cần phải có con tim tinh tuyền và đơn sơ của một đứa trẻ.. Chúa Giêsu đến trần gian để mời gọi chúng ta lớn lên trong tình yêu. Người mời gọi chàng thanh niên đó từ bỏ tất cả.
 
Lớn lên là chặng đường của cuộc sống. Lệnh truyền của Lề Luật và lệnh truyền của tình yêu khác nhau. Chàng thanh niên tin rằng mình đã chu tồn mọi bổn phận, chu toàn lệnh truyền của Lề Luật. Nhưng trong luật tình yêu, thì không bao giờ được xa rời Đấng mà mình yêu mến nhất. Tình yêu luôn trung thành, sáng tạo mỗi ngày và luôn khám phá ra những chân trời mới.
 
-Từ bỏ tất cả là lời mời gọi từ chối tất cả những gì dậm chân tại chỗ, những gì mà mình cho là đẫ đủ rồi.
- Từ bỏ tất cả là lời mời gọi sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần…
- Từ bỏ tất cả là nói không với tất cả những gì cản trở chúng ta sống một cuộc sống viên mãn.
-Từ bỏ tất cả không có nghĩa là thiếu sự sống, mà ngược lại, sẽ đảm bảo cuộc sống vĩnh cửu.
 
Chàng thanh niên này, có thể chu toàn lệnh truyền của Lề Luật, nhưng chưa chu toàn lệnh truyền của tình yêu, vì anh không từ bỏ điều mà anh yêu mến nhất, đó là của cải. Anh chưa xác định đối tượng giá trị nhất của tình yêu và vì thế anh không theo Chúa Giê-su nữa.
 
Dù Chúa Giêsu yêu mến con người trẻ trung này, nhưng cũng chẳng làm được cử chỉ nào để níu kéo anh ở lại với Người. Người cũng không có ý định thương lượng với anh. Người không nói với anh: “Anh chỉ cần bán một phần gia tài thôi, thì tôi sẽ bổ nhiệm anh vào một chức vụ quan trọng nhất”. Không, Người không nói thế! Người cứ để mặc anh ra đi. Người tôn trọng sự tự do của anh. Thế là anh đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất!
 
Chúng ta cũng giống chàng thanh niên đó: Chúa Giêsu nhìn chúng ta và yêu mến chúng ta. Người yêu mến chúng ta vì chúng ta vượt qua khó khăn cách này cách khác để đi lễ chủ nhật tại ngôi thánh đường này. Người còn yêu mến chúng ta hơn nữa, nếu chúng ta đến đây với ước muốn nồng cháy đón nhận Người nơi bí tích Thánh Thể.
 
Của cải hoặc sự giàu có ở trần gian này như con dao hai lưỡi: có thể nó vừa là chỗ dựa để chúng ta đến gần Thiên Chúa, nhưng cũng có thể là vật cản.
 
Giàu có của cải vật chất có thể là tốt, nhưng sự khôn ngoan của cuộc sống còn có giá trị hơn, hơn tất cả những sự giàu có…Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay còn tỏ rõ cho chúng ta thấy gắn bó vào con người Đức Kitô, đó là sự giàu có đích thực.
 
Vì thế, dù nghèo dù giàu, dù khôn ngoan hay không khôn ngoan, chúng ta cứ sát nhập vào Chúa Kitô, hãy có tâm hồn đơn sơ của một đứa trẻ, tin tưởng và phó thác vào trong tay Thiên Chúa. Nếu giàu, chúng ta hãy chia sẻ sự giàu có cho người nghèo. Không phải chỉ chia sẻ tiền bạc, của cải cho người nghèo, mà còn là nụ cười, kiến thức, một cách thế tích cực nào đó giúp người khác có thể sống tốt hơn về tinh thần cũng như thể xác. Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẻ tất cả những sự giàu có luân lý trước khi chia sẻ sự giàu có vật chất cho người khác.
 
Tuy nhiên, liệu chúng ta có sẵn sàng bỏ tất cả để theo Chúa không? Chúng ta có coi tất cả chẳng là gì so với hạnh phúc Nước Trời không? Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hoàn toàn tự do theo Chúa tới bất cứ nơi nào mà Chúa dẫn chúng ta đi!
 
Lạy Chúa Giê-su, chúng con hãnh diện là ki-tô hữu, vâng giữ các giới răn Chúa để được hạnh phúc. Chúng con cũng hãnh diện vì Chúa còn ban cho chúng con thời gian, trí khôn ngoan và cả tiền bạc nữa.. Vì chính Chúa cùng chung sống với chúng con và chúng con có Chúa.
 Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

Bài 3: 
 

 
VĨNH CỬU VÀ TẠM THỜI
 (Mc 10, 17 – 30)

Thế giới ngày hôm nay có đầy sự hấp dẫn, khiến người ta thích những gì là tạm bợ, và không thích những gì là bền vững.
Trong cuộc gặp gỡ các chủng sinh, khấn sinh và tập sinh tại hội trường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô kể, ngài đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt lành nói rằng anh muốn phục vụ Đức Kitô, nhưng chỉ 10 năm thôi, và rồi anh sẽ nghĩ đến việc bắt đầu một cuộc sống khác... và ngài kết luận, thật nguy hiểm! Tuy tạm thời, nhưng điều này thật nguy hiểm bởi vì ta không đánh cược đời mình một lần cho tất cả. Tôi kết hôn chừng nào còn yêu; tôi sẽ là một nữ tu nhưng chỉ trong một "thời gian ngắn" thôi, trong "một khoảng thời gian nào đó" và tôi sẽ tính tiếp, tôi không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Thế này thì không phải với Đức Giêsu! Đúng là cái thứ văn hóa tạm thời, nó không làm cho chúng ta nên tốt đẹp: bởi vì đưa ra một lựa chọn dứt khoát ngày nay thật là khó. Chúng ta là những nạn nhân của nền văn hóa tạm thời này.

Cái tạm thời đã cản trở chàng thanh niên
Chành thanh niên trong Tin Mừng là ai? Là con nhà giàu có. Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì anh ta là một thiếu gia. Nhưng một thiếu gia có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi ăn diện. Anh rất thành tâm thiện chí tuân giữ cả Mười Giới Răn một cách nghiêm túc từ thủa nhỏ, không ai chê trách được điều gì. Tắt một lời, anh là người hết sức gương mẫu trong việc chu toàn các đòi hỏi của Mười Điều Răn.
Hơn thế nữa, anh còn là một người nhiệt huyết và cầu tiến, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nên anh thao thức đi tìm kiếm con đường trọn lành, để hoàn thiện. Chính vì những đức tính đó mà anh được Chúa Giêsu đem lòng thương mến. Người còn muốn mời gọi anh tiến xa thêm một bước nữa trên đường hoàn thiện. Đó là đem bán tất cả của cải là cái tạm thời và đem bố thí cho người nghèo để được kho tàng trên trời là cái vĩnh cửu, rồi đến theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Người. Tin Mừng cho biết: "Anh sù nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10,22). Vậy là, cái tạm thời đã rào cản anh.

Vượt qua rào cản
Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.
Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giêsu là Đấng mà anh gọi là nhân lành. Đức Giêsu đã chỉ cho anh : "Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó" (Mc 10,17). Bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao ?Một lời mời gọi mới khó làm sao!
Đây là một rào cản anh phải vượt qua, trở nên nghèo vì người nghèo. Vì chính lúc nghèo như thế, "anh có một kho báu trên trời" (Mc 10, 21). Kho báu đó đang hiện diện ngay trước mặt anh. Thế nên, Đức Giêsu mới nói : "Rồi đến theo Ta" (Mc 10,21). Đức Giêsu là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là "sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,24). "Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan ? Nếu biết Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan : "Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không" (Kn 7, 8). Chàng thanh niên chưa vượt qua được rào cản về tài sản, nên anh mới kinh ngạc về đề nghị và lời mời gọi của Đức Giêsu.Nguyên nhân khiến anh chấp nhận mãi mãi “thiếu một điều”,là do chính của cải, tài sản mà anh đang có.
Chọn chung kết
Chàng thanh niên giàu có không muốn bỏ cái tạm bợ là sự giàu sang để đi theo Chúa Giêsu, sự giàu sang và của cải là một cản trở làm cho hành trình tiến về nước Thiên Chúa trở nên khó khăn. Chính Chúa tuyên bố : "Những người giầu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao" (Mc 10, 23). Chúa biết khó, nhưng Người vẫn mời gọi chúng ta từ bỏ, vì Nước Trời có giá trị lớn lao, đòi hỏi con người phải trả giá. Vì chưng giữ đạo không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn các đòi hỏi của luân lý, không làm điều xấu…mà quan trọng hơn, đó còn là tin nhận và dấn bước theo một con người, người đó là Đức Giêsu Kitô. Nói khác đi, sự hoàn thiện theo Tin Mừng hệ tại ở điều này: bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ của Người.
Thực ra, tiền bạc không phải là một sự dữ. "Có của" không đương nhiên là xấu, thái độ khi "có của" mới xác định giá trị con người. Giáo hội từng có những vị thánh xuất thân từ ngai vàng như vua Louis nước Pháp, vua Stêphan nước Hungari. Giữa đống tiền của, họ vẫn lắng nghe tiếng Chúa và dấn thân cho người nghèo.
Của cái là phúc lành của Thiên Chúa như sách Châm ngôn viết : "Chính phúc lành của Đức Chúa cho ta được giầu sang" (Cn10, 22) ; "Chúa bắt phải nghèo và cho giầu có" (1Sm 2,7). Người giầu cũng không bị kết án vì có nhiều tiền của. Chính Đức Giêsu cũng giao du với những người giầu sang quyền quí như Giakêu, Nicôđêmô, Matthêu v.v…
Như vậy, tiền bạc và sự giầu sang không phải là đối tượng nguyền rủa. Đức Giêsu muốn chúng ta dùng nó làm bàn đạp để bước lên bậc hoàn thiện chiếm được nước trời có Chúa làm gia nghiệp đời ta. Amen.


Bài 4: 

NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ MUỐN THEO CHÚA
Kn 7,1-7; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30

Có một người giầu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa... Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đềnghị với người đàn ông giầu có : “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông  hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”
Câu chuyện làm chúng ta nhớ đến người thanh niên giàu có, mong muốn tiến hơn trên con đường thánh thiện, Nhưng vì muốn luôn gắn bó của cải tiền tài, anh đã không thể đi theo con đường của thầy Giêsu.
Tin Mừng Mc 10,17-30 trình thuật Đức Giêsu vừa lên đường (Mc 10,17), đó làhành trình tiến về Giêrusalem giữa hai lầnloan báo sựThương Khó lần hai (x. Mc9,30-31) vàlần ba (Mc10,32-34).“Con đường theo Ngài” thúc bách thanh thoát sẵn lòng siêu thoát mọi sự để đi theo Chúa. Có người thanh niên giàu cóchạy đến(x. Mc 10,22),  quỳ xuống, đấy là cử chỉ  cho thấy anh hết sức kính trọng Đức Giêsu (x. Mc 1,40). Anh thưa với Ngài : « Thưa Thầy nhân lành:  từ “nhân lành” thường được áp dụng cho Thiên Chúa ở trong Cựu Ước (x. Tv 117/118,1; 1 Sb 16,34; 2 Sb 5,13),  chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được coi là “nhân lành”, còn không ai khác là “tốt” cả (x. Rm 7,18). Anh nói lên sự mong muốncủa mình: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”( Mc 10,30). Mong muốn của anh là phải làm gì để thủ đắc sự sống đời đời”đồng nghĩa với được “Nước Thiên Chúa” (x. Mc9,43-47).
Ngài truyền cho anh: đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cướp, đừng làm chứng gian, đừng lừa dối ai, hãy thảo kính cha mẹ( Mc 10,19), làcác điều răn trong bài phần lớn được rút từ phần hai của Thập Điều (x. Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21).Giữ các giới răn là phương thế rất phổ thông và truyền thống trong đạo Do Thái. Anh thanh niên rất hài lòng về câu trả lời của Chúa, và hãnh diện thưa với Chúa là mình đã tuân giữ các điều răn ngay từ nhỏ.Thấy anh đơn sơ chân thành nỗ lực tìm cách quan hệ với Thiên Chúa nên đã tận tình giữ các điều răn, Ngài “đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Tình thương này đi đến chỗ gọi anh làm môn đệ: “Bán của cải và chia sẻ cho người nghèo để theo Ngài”. Một thách đố Đức Giêsu đề ra cho người đi theo Chúa theo nghĩa hẹp - một bậc sống đạo cao hơn, tư cách của người môn sinh, hơn là một nguyên tắc chung của đời sống Kitô hữu. Đức Giêsu yêu cầu anh bỏ hết mọi điểm tựa an toàn của trần gian để tín nhiệm vào bản thân và sứ vụ của Người – điểm tựa và mục đích của người môn sinh:  “Rồi hãy đến theo tôi”. Nhưng anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (x. Mc 10,22).
Các môn đệ sửng sốt ngạc nhiên trước đòi hỏi của Chúa Giêsu, “vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giầu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giầu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo Luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo… Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giầu. Như vậy, giầu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa sao” (J. PotinFiches dominicales, tr. 298), nhưng ở đây Chúa Giêsu đòi hỏi trở nên nghèo.
Đức Giêsu lại nhấn mạnh thêm một câu làm cho các ông càng kinh ngạc hơn:“ con lạc đà …. lỗ kim (Mc 10,25). Theocác nhà giảng thuyết và chú giải trước kia, lỗ kim là cái cửa nhỏ bên cạnh một cái cổng lớn ở tường thành Giêrusalem, mà một con lạc đà không thể đi qua. Nhưng có một vài thủ bản nhỏ đọc là kamilos (sợi dây thừng) thay vì kamêlos (con lạc đà) nghĩa là giây thừng đi qua lỗ kim. Cho nên chúng ta phải kết luận rằng đây là một ví dụ về lối nói ngoa, thậm xưng (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42),  như trong những sách các thầy rabbi viết, cũng đã có những phóng đại như vậy, thí dụ con voi chui qua lỗ kim (sách Talmud). Đức Giêsu cũng đã có lần nói đến, khi trách người biệt phái: “Quân dẫn đàng mù quáng ! Các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt trửng con lạc đà”(Mt 23,24) ? So sánh người giầu vào nước Trời với con lạc đà chui qua lỗ kim, không phải Chúa có ý nói người giầu vào Nước Trời khó mà thôi, mà Chúa có ý nói là việc không thể có (Trần Văn Khả,  Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr. 324-325).
Việc không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (x. Mc 10,27): Đức Giêsu nhấn mạnh tới quyền năng của Thiên Chúa và sự ký thác cậy dựa vào Thiên Chúa để được cứu độ.Đức Giêsu khẳng định rằng con đường mà Người đang theo được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa cũng mộtcách trực tiếp và đảm bảo như các điều răn. Người cũng khẳng định: chính Người có khả năng dẫn đưa tuyệt đối chắc chắn đến sự sống đời đờicho những ai từ bỏ tất cả theo Ngài. Cho nên, Ngàimời gọi anh làm cử chỉ như các môn đệ đầu tiên: bỏ mọi sự đi theo Thầy  (x. Mc 1,16-20; 10,28-30). Nhưng chàng thanh niên giàu có đã không hiểu lời mời gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng, anh muốn vừa bám vào của cải vừa đi theo Đức Giêsu. Sự kiện phải chọn lựa làm cho anh buồn rầu.
 Chúa Giêsu lại dùng phép khoa đại theo lối Đông phương khi khẳng định tất cả những ai từ bỏ: người thân yêu, của cải quý giá để gắn bó với Chúa, chắc chắn sẽ lãnh được một phần thưởng “gấp trăm” những gì họ đã từ khước…(x. Mc 10,28-30)
Người Kitô hữu luôn được mời gọi nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), nên hoàn thiện phải dám từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Trong mọi hoàn cảnh luôn trung thành với niềm tin, với Tin Mừng dù cho bị thiệt thòi, mất mát nhưng được chính Đức Kitô là chỗ dựa với lời khẳng định gấp trăm lần sự hy sinh từ bỏ.
Thật thế được chính Chúa là gia nghiệp:
“Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn”
(Tv 16,5-6).
 
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 10/10/2015
 
Thông tin khác:
Chúa nhật XX TNB (11/08/2015)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Thánh lễ tạ ơn và làm phép nhà thờ Giáo họ Nga Quán – Giáo xứ Cổ Phúc
Sáng thứ Tư, ngày 08.01.2025, cộng đoàn Giáo họ Nga Quán, Giáo xứ Cổ Phúc hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cùng quý cha, quý tu sĩ, quý ân thân nhân, quý khách xa gần về hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ của giáo họ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log