Để chuẩn bị cho ngày Chúa đến, chúng ta cần có một tinh thần vui tươi, không sợ hãi âu lo, đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Đức Giêsu khuyên chúng ta nên có hai thái độ: tỉnh thức và cầu nguyện
CHỦ NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hôm nay chúng ta bắt đầu vào năm Phụng vụ mới. Thời gian trôi đi và không bao giờ dừng lại. Sự thường chúng ta khó chấp nhận sự thay đổi liên tục như vậy. Chúng ta không muốn mình già nhanh và cũng chẳng muốn có những nếp nhăn trên trán. Tuy nhiên, năm tháng ngày giờ cứ nối tiếp nhau và chúng ta tiếp tục phải thay đổi.
Năm Phụng vụ mới, chúng ta sẽ có những điều mới, điều bất ngờ, những khám phá mới. Đời sống chúng ta là một hành trình tiến về phía trước và chúng ta không có thể làm cho thời gian dừng lại, và cũng chẳng làm cho thời gian trở về với quá khứ. Chúng ta phải tiếp tục tiến bước, mặc dù con đường gặp nhiều khó khăn. Mùa vọng nhắc chúng ta rằng thời gian là một ơn huệ quý giá. Chúng ta hãy sử dụng thời gian như thế nào để có kết quả tốt nhất. Thời gian của Mùa vọng có hai mục đích chính như chúng ta đã biết: Chuẩn bị cho ngày Đại Lễ Chúa Giáng sinh và thắp lên ngọn lửa hy vọng vào ngày Chúa đến
Thiên Chúa đến vào ngày lễ Noel.
-Người được mời vào nhà chúng ta không?
-Chúng ta có đóng cửa như dân thành Belem không cho Người vào không?
-Có khi quán trọ tâm hồn của chúng ta không có một chỗ cho Người?
Phải chăng ngày lễ Noel chỉ là một ngày lễ vui chơi và thương mại?
Đời sống chúng ta có còn chỗ cho Người không?
Không tiên tri nào hơn tiên tri Giê-rê-mi-a có cảm tưởng chứng kiến ngày tận thế. Bị chìm ngập trong rối loạn hoàn toàn, ông không còn tiếp tục hy vọng vào Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, từ ngữ cuối cùng của ngày tận thế không phải là sức mạnh phá hủy, mà là sự sống. Chúa Ki-tô, Đấng Me-si-a sẽ đến.
Tác giả bài đáp ca Thánh vịnh mời gọi chúng ta: Mặc dù bối rối trước những khó khăn cách này cách khác, hãy hướng về Thiên Chúa, vì Người tốt lành và nhân ái. Người đợi chờ ban ơn tha thứ, hy vọng và ánh sáng cần thiết cho chúng ta để chúng ta tìm lại con đường. Với Người, chúng ta hãy hy vọng và tiến bước.
Chúa Giê-su báo trước nỗi kinh hoàng khi Người trở lại. Và chúng ta đang bắt đầu sống những nỗi kinh hoàng đã được báo trước: khí hâu thay đổi, sự đảo lộn trật tự trong thiên nhiên do chính con người gây nên…, chiến tranh và chết chóc chỗ này chỗ nọ …Chúng ta lo lắng, chúng ta sợ sệt… Thời gian trôi qua và chúng ta sẽ già đi. Nhưng một người già đích thực chỉ là người không còn hy vọng gì nữa, và không còn chờ đợi gì để được sống nữa. Mất hy vọng là mất đức tin. Mất đức tin thì không có hy vọng.
Điều quan trọng là: chúng ta đừng quên rằng Chúa Ki-to đã hứa Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Người hứa giải phóng chúng ta. Đêm càng tiến, thì ngày càng đến. Chúng ta thường tính toán thời gian dài vắn theo kiểu con người. Nhưng đối với Thiên Chúa, không có thời gian, Người luôn là hiện tại. Mọi sự qua đi nhưng Người luôn có mặt. Nếu đọc kỹ bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hiểu rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đem bình an mà chúng ta mơ ước. Bình an đó đã có ngay trong mỗi người vì bình an đó đến từ Thiên Chúa.
Nếu chúng ta đang sống bình an với Thiên Chúa, thì tại sao vẫn có những xung đột và chiến tranh chỗ này chỗ nọ? Câu trả lời thật ơn giản, là nếu thực sự chúng ta làm việc xây dựng thứ bình an mà Thiên Chúa dã ban cho, nếu đức tin chúng ta tin tưởng vào các mối phúc của Chúa dạy, thì bộ mặt trái đất đã thay đổi.
Chúng ta cứ ngẩng đầu lên, hy vọng Thiên Chúa ở cùng chúng ta và Người yêu thương chúng ta vô hạn…
Chúa Giê-su Kito đến trần gian lần thứ nhất đã nói cho chúng ta điều đó, và chắc chắn, sau này khi đến lần thứ hai, Người cũng nói như vậy. Chỉ có một điều là chúng ta có đáp trả hay không?
Người nói: Người sẽ trở lại trong vinh quang có nghĩa là khi Người sống trên trái đát này trong khiêm nhường và bị người đời khinh bỉ, nhưng vào ngày tận thế Người trở lại trong vinh quang. Và ngày đó chúng ta cũng sẽ được vinh quang như Người nếu chúng ta biết sẵn sáng đáp trả.
Sẵn sàng đáp trả, đó là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Tỉnh thức chính là đợi chờ. Nhưng đợi chờ không có nghĩa là không làm gì.
Đợi chờ bằng cách lau ngôi nhà tâm hồn chúng ta, trang hoàng chỗ cho Chúa đến và chuẩn bị tất cả mọi thứ để làm vui lòng Chúa.
-Chúng ta có thể làm cho chính tâm hồn chúng ta khỏi vướng víu những chuyện vô bổ và tầm phào không?
-Chúng ta có luyện tập nhân đức nào như là đồ trang sức cho tâm hồn chúng ta để làm đẹp lòng Thiên Chúa không?
-Chúng ta có thể cầu nguyện được không?
Có thể là được,
-Nếu chúng ta luôn sống ý thức rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta…
-Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con khốn cùng, Chúa biết nhân loại đang phải chiụ biết bao cuộc tấn công của chết chóc và sự dữ. Chúa biết chúng con không ngừng tìm kiếm con đường dẫn đến sự sống…Lạy Chúa, chính Chúa là con đường , Chúa là Đấng Cứu độ dẫn đến sự sống, nhưng chúng con lại ít nhận ra…
Xin ban cho những ngày Mùa vọng này thích thú nghe Lời Chúa dẫn đường, dẫn tới hạnh phúc mà chúng con đợi chờ dù sớm hay muộn cũng sẽ đến hoặc chúng con chưa biết rõ..
Lạy Chúa, chúng con xin phó thác trong tay Chúa cuộc đới chúng con đầy dẫy những khốn cùng, đau khổ và cả những khó khăn trắc trở. Chúa đã hứa cho chúng con vào Nước Trời và chính là nơi chúng con ngước mắt về Cha.
Xin gìn giữ chúng con trong tình yêu Chúa, xin nâng đỡ niềm hy vọng của chúng con và canh tân đức tin của chúng con nhờ Thần Khí Chúa.Amen!
Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 2: MỞ CỬA TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN
(Lc 21, 34-36)
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng TrInh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).
Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.
Mùa Vọng
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete ... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì quân khủng bố IS tại Syria. Nếu như các kitô hữu tại Irắc và Syria kêu la thảm thiết trong những năm qua, thì bây giờ là Nga và Pháp quốc hết sức lo lắng. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác nữa thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?
Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).
Năm Thánh Lòng Thương Xót
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của Năm Thánh Lòng Thương Xót với khẩu hiệu Thương Xót Như Chúa Cha (x. Lc 6,36) là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Cha trên trời, dạy chúng ta đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn (x. Lc 6,37-38).
Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Đức Phanxicô nói : Người Kitô hữu được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa Cứu Thế giáng sinh đi gặp gỡ những ai đang đi trên đường. Sách Khải Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.
Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng lòng thương xót với tình nhân loại, và sự cảm thương dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, để bước vào ngưỡng của lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải ý thức mình là người mang lòng từ bi thương xót, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình thương xót, tử tế, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, đau khổ với đồng loại.
Lạy Mẹ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, xin dẫn chúng con bước vào cửa lòng thương xót cả Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 3: Tỉnh Thức và Cầu Nguyện
Để chuẩn bị cho ngày Chúa đến, chúng ta cần có một tinh thần vui tươi, không sợ hãi âu lo, đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Đức Giêsu khuyên chúng ta nên có hai thái độ: tỉnh thức và cầu nguyện.
- Tỉnh thức: Theo Tin mừng, đơn giản là canh chừng, là chăm lo để cuộc sống của chúng ta không tham gia vào lối sống của thế gian, vào những lo âu của cuộc đời; nói tóm lại không là nô lệ cho những dục vọng của chúng ta và của con người.
- Cầu nguyện : Vấn đề không phải là để môi miệng chúng ta nói liến thoắng tối đa, mà là tất cả bản thể chúng ta phải ở trong trạng thái mở ra và sẵn sàng đối với Thiên Chúa, đã được biểu lộ nơi Đức Kitô. Cầu nguyện là nói với Thiên Chúa tất cả những gì êm xuôi và không êm xuôi trong cuộc đời chúng ta. Cầu nguyện cũng là quên đi tất cả những lo lắng, là tự quên mình để chỉ quan tâm đến Chúa.
Tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong thế giới, là xác nhận rằng cuộc đời chúng ta là vượt qua, là phục sinh, là ưng thuận chết và sống lại (Louis Valentin)
Mùa Vọng đã bắt đầu.
Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để giáo huấn chúng ta : trước tiên là giúp ta hiểu ý nghĩa của Mùa Vọng, thứ đến dạy ta phải có thái độ cụ thể để sống Mùa Vọng tốt hơn.
Nói đến Mùa Vọng người ta nghĩ ngay đây là mùa chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Các ca đoàn sẽ tập hát, những buổi thống hối cộng đồng sẽ được cử hành, những hang đá sẽ được chuẩn bị. Mùa vọng không chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh là gì !. Đúng vậy, nhưng đây là mục đích gần của Mùa Vọng và chỉ là bàn đạp giúp chúng ta đi xa hơn mà thôi.
Thật ra, mục đích chính yếu của Mùa Vọng là hướng cái nhìn chúng ta về ngày Đức Kitô trở lại. Ngày ấy, Người sẽ đến trên mây trời trong quyền năng và vinh quang. Những hiện tượng như trời rung đất chuyển, biển gào sóng vỗ…mà văn chương khải huyền, Cựu Ước nói đến và Tin Mừng trích dẫn, tựu trung cũng chỉ là nền trời cho Con Người xuất hiện như Đấng thẩm phán quyền uy mà con người sẽ phải đối diện và trả lẽ về cuộc sống hôm nay.
Nếu những hiện tượng lạ lùng là cớ cho con người hãi hùng, hồn xiêu phách lạc (c. 26), thì đối với các tín hữu, đó là ngày cứu độ mà họ mong chờ. Và thái độ thích hợp là “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c.28) để đón nhận ơn mưa móc của Chúa : “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”.
Hiểu như thế, thì Mùa Vọng chẳng những là mùa mong đợi, nhưng còn phải là mùa nuôi dưỡng nơi ta lòng khát vọng Chúa. Nếu không có tâm tình này, lễ Chúa Giáng Sinh sẽ chỉ còn là một kỷ niệm của quá khứ được ta làm sống lại, chứ không mang lại lợi ích thiêng liêng nào cho ta.
Mùa Vọng, khi nói đến việc Đức Kitô sẽ trở lại còn muốn đưa cái nhìn chúng ta “đi xa hơn hiện tại”, giúp chúng ta biết nghĩ về cùng đích đời người - điều mà người ta ít quan tâm hay nghĩ đến và phải làm gì để hoàn thành định mệnh đời ta.
Vì thế, đi vào Mùa Vọng, Giáo Hội kêu gọi ta hãy có những thái độ thích hợp.
Trước tiên là sự trông chờ và khát vọng Chúa như đã nói trên, nếu không Mùa Vọng sẽ đi qua một cách vô ích và ơn Chúa cũng không đổ xuống lòng ta.
Thứ đến, Chúa dạy ta hãy đề phòng: “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời…”. Đó là những cản trở thật sự khiến ta hờ hững đối với Chúa. Một sự thanh thoát của lòng trí và tâm hồn là điều kiện cần thiết để ta có thể gần Chúa và khát vọng Người.
Trong Kinh Thánh lời kêu gọi tỉnh thức luôn gắn liền với đêm tối và người kẻ trộm, để nói đến sự bất ngờ lúc Chúa đến và tư thế sẵn sàng để đón Người. Tỉnh thức ở đây ắt hẳn không phải là chong đèn ngồi đợi, cho bằng là giữ cho lòng mình luôn ở trong trạng thái đẹp lòng Chúa.
Và cuối cùng là sự cầu nguyện. Tỉnh thức luôn phải đi liền với sự cầu nguyện. Là bởi vì con người thường yếu đuối hơn mình tưởng. Chỉ có sức mạnh của Chúa mới có khả năng nuôi dưỡng nơi ta sự tỉnh thức liên tục, lòng mong chờ và khát vọng Chúa, đồng thời giúp ta có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.
Mùa Vọng như vậy là mùa hồng ân. Chúng ta hãy có những thái độ xứng hợp để đón nhận ơn Chúa.
Vâng, hãy tỉnh thức !
Các bản văn của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng này cảnh báo chúng ta: “ Hãy coi chừng kẻo lòng anh em ra nặng nề vì trụy lạc, rượu chè và các lo toan của cuộc sống.”
Tuy nhiên Giáo Hội dạy chúng ta sống trong sự yêu thương lẫn nhau và thánh Phaolô cũng nói thêm là sống trong sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tiên tri Giêrêmia cũng nói rõ rằng Đức Chúa sẽ đến giữa chúng ta và sẽ giữ lời hứa của Người. Vậy, chúng ta phải sống ra sao? Vì chúng ta thường là những kẻ buồn ngủ trong cái khuôn viên nhỏ bé đời thường của chúng ta !
Mùa Vọng không chỉ là thời gian của phụng vụ, nhưng là thời gian của một mùa bắt đầu lại: cho những chính kiến, những giao ước, những hy vọng của tình yêu và niềm tin của chúng ta.
Lễ Giáng sinh không phải là một lễ hội cho thiếu nhi, mà là thời gian quay về với tuổi thơ của chúng ta, thời gian của những lựa chọn cho cuộc đời, cho giá trị của tuổi trẻ, của những hứa hẹn của hôn nhân. Chính lễ Giáng sinh cho chúng ta trẻ lại, tỉnh táo và cởi mở cho cuộc sống đang trở lại. Và nó đem đến cho chúng ta một cơ may mới để tìm lại được lẽ sống, khi Đức Kitô đến, và được gặp lại Người trong tuổi trẻ của Thiên Chúa và tuổi thơ của Đức Kitô (Giám mục Gerard Defoís).
Pr. Nguyễn Mai