Thứ sáu, 10/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXII Thường Niên

Cập nhật lúc 16:50 12/11/2015
Giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng

QUÀ TẶNG VÀ TẤM LÒNG
 Mc 12, 38-44

 
Một vị bác sĩ rất giỏi, có lần đến một thị trấn nhỏ ở vùng biên giới chữa bệnh từ thiện cho mọi người. Ở đó đang có bệnh dịch hoành hành khá nghiêm trọng. Một hôm, bác sĩ bắt gặp một người rất nghèo mắc bệnh nặng, nằm gục bất tỉnh ngay trên hè đường trong thị trấn. Thấy có người bệnh nặng sắp chết, bác sĩ bèn nhờ người đưa người ốm về nhà mình chữa trị. Do y thuật của bác sĩ khá cao, nên chẳng bao lâu sau người kia tỉnh lại và khỏi bệnh rất mau. Thấy người đó ăn mặc rách rưới nghèo khó, bác sĩ cũng không lấy tiền công chữa bệnh và tiền thuốc men, coi như làm được một việc từ thiện.
Người bệnh vốn là một người dân tộc thiểu số, sống trên vùng sâu vùng xa khá hẻo lánh, sau khi khỏi bệnh, người đó liền lên núi chặt một bó củi thật to, vác đến tận nhà tặng cho bác sĩ. Khốn nỗi, người đó không biết hiện nay trong các thị trấn hẻo lánh, đôi khi ngay trong các làng quê, người ta không còn dùng củi để đun nấu hay sưởi ấm nữa. Vì thế bó củi được tặng cho bác sĩ, thực tế không có giá trị gì. Nhưng thực ra, giá trị của bó củi không đơn giản là chỉ để đun nấu hay sưởi ấm. Trong lĩnh vực tình cảm yêu thương sẽ không phân biệt được cái nào có giá trị hơn cái nào. Vị bác sĩ cảm động nói với mọi người: “Trong cuộc đời mấy chục năm dài hành nghề y học chữa bệnh cứu người của tôi, món quà tặng nhận được lần này quả thực là đáng quý nhất. Một bó củi to, chỉ là những cành khô trên núi cao. Nhưng tấm lòng cảm ơn chân thành của người tặng thì quý vô giá. Nó sẽ là bảo bối tôi nguyện mang theo suốt cuộc đời”.
Người dân tộc bệnh tật kia đã tìm lại được sức khỏe và sự sống của mình nhờ tình thương và lòng tốt của vị bác sĩ - người đã hết lòng cứu chữa anh. Đó là món quà mà bác sĩ dành tặng cho anh: Một món quà của lòng nhân ái, quảng đại, là sự cảm thông, là tình người. Một món quà vô giá. Cho nên, sau khi khỏi bệnh anh luôn canh cánh bên mình một niềm biết ơn vô hạn, anh không biết lấy gì để đáp lại món quà mà vị bác sĩ nhân ái đã dành cho mình. Anh muốn biểu lộ lòng biết ơn mà khó quá! Nhưng rồi anh đã tìm cách kiếm bó củi thật to và vác đến tận nhà trao vào tay người bác sĩ tốt bụng đã cứu sống anh như biểu hiện của lòng biết ơn mà không bao giờ anh quên. Bó củi đó là tấm lòng của anh vì trong đó nó là cuộc sống, là nụ cười của anh, là tài sản của gia đình anh, là miếng cơm của các con anh, là ánh sáng là sự ấm áp trong gia đình anh... Nên bó củi ấy của anh là tất cả những gì anh có thể có. Nhưng anh đã đem tặng cho vị ân nhân của mình. Bó củi ấy không có một chút giá trị nào đối với vị bác sĩ khi xét trên bình diện thực dụng kinh tế, nhưng nó lại mang đến cho vị bác sĩ ấy một xúc cảm mạnh, một sự cảm động chưa từng thấy, vì ông cảm nhận được tình cảm và lòng biết ơn chân thành mà người bệnh dân tộc dành cho mình, nên ông đã thốt lên: “Món quà tặng nhận được lần này quả thực là đáng quý nhất. Một bó củi to, chỉ là những cành khô trên núi cao. Nhưng tấm lòng cảm ơn chân thành của người tặng thì quý vô giá. Nó sẽ là bảo bối tôi nguyện mang theo suốt cuộc đời”.
Thưa bạn!
Ai trong chúng ta cũng đã từng nhận được những món quà trong các dịp sinh nhật, lễ tết hay những dịp đặc biệt nào đó. Chúng ta cũng từng gửi tặng quà cho người thân yêu hay bạn bè. Có những món quà là bó hoa tươi thắm – mong tình mãi thắm tươi, hay hộp kẹo – ước tình luôn ngọt ngào, hoặc quyển sách hay – kiến thức sẽ lớn lên cùng bạn, hoặc là chiếc áo đẹp – bạn thật đẹp, thậm chí là chiếc đồng hồ nhắc nhở tình cảm của ta sẽ theo năm tháng, có khi là một đôi dép xinh xinh như muốn nói lên rằng dù đi đâu mình vẫn luôn bước đi cùng bạn... Đó là những món quà vật chất để ghi nhớ kỷ niệm và làm kỷ vật cho nhau. Ngoài ra, còn có món quà phi vật chất – món quà tinh thần là tình thương, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, là tình bạn hữu thân thiết, là tình yêu đôi lứa trao tặng nhau, là cái nhìn cảm thông cho sự sai lầm của tha nhân, là cái bắt tay hữu nghị cùng nụ cười thân thiện ta dành cho đối tác... Vậy thử hỏi đối với bạn món quà nào là quý nhất? Có lẽ món quà nào cũng thật đáng quý, nhưng quý hơn cả vẫn là tấm lòng của người tặng quà.
Tục ngữ Việt nam có câu: “Vật khinh hình trọng” có ý nói đến con người và tấm lòng mới thật trân quý và giá trị hơn tặng vật. Chân phước Têrêsa Calcutta đã nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Món quà khởi phát từ tấm lòng đơn thành, quà trở nên nghĩa tình. Trái lại, quà biếu mà không có tấm lòng, ấy là nợ nần, là đổi chác buôn bán, tính toán, là ích kỷ lợi dụng.
Câu chuyện trên cùng đôi dòng suy ngẫm làm cho ta liên tưởng đến câu chuyện trong sách Tin mừng: Câu chuyện đồng tiền bà góa của thánh sử Marco chương 12, 38 – 44, mà chúng ta được nghe trong Chúa Nhật XXXII.
Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng tiền để giúp cho Đền thờ. Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến  người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma. Một số tiền dâng cúng  vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc  12, 43).
Tại sao Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết”?.  Lý do để Đức Giêsu khen thật rõ ràng: Đó là số tiền mà dòng người kia tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa. Số tiền mà họ bỏ vào dâng cúng không làm  hụt đi tài sản và thanh thế của họ mà còn tô thêm uy danh cho kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà góa, trái lại, bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào Đền thờ.
Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng. Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng  do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Như Francis Balfour đã viết:
Quà tặng đẹp nhất
Cho kẻ thù, chính là sự tha thứ
Cho bạn bè, là sự trung thành
Cho các em bé, là những gương sáng
Cho một người cha, là lòng tôn kính
Cho một bà mẹ, là trái tim ta
Và cho người lân cận, là đôi tay ta”.
Hình ảnh bà góa với hai đồng tiền kẽm đã cho ta hai bài học: Thứ nhất,  hãy biết cho đi, cho đi tất cả với một tấm lòng không toan tính, không vị kỷ. Với hai đồng tiền kẽm, bà góa đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi, bởi Ngài là nguồn mạch của mọi sự phú túc giàu sang và bởi bà đã nhận ra sự hiện hữu của bà nơi trần gian này là một món quà, là một tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành tặng cho bà. Do đó, Chúng ta cũng phải biết dâng cho Thiên Chúa không chỉ của lễ vật chất nhưng còn là chính cuộc đời của ta nữa. Như thế, khi chúng ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lãnh và Chúa sẽ đoái nhìn đến của lễ và tấm lòng của ta.
Bài học thứ hai, chúng ta phải có bổn phận trách nhiệm đóng góp công sức, của cải, tài chính vào việc xây dựng cộng đoàn, xây dựng Hội thánh. Bà góa nghèo đã thi hành bổn phận một cách chu toàn, triệt để, cho dù của cải của bà chẳng đáng là bao, cho dù bà phải hy sinh bà vẫn cố gắng... Bà có cầu danh tiếng hay ưu tiên gì đâu! Còn chúng ta, mỗi lần phải đóng góp hay dâng cúng để xây dựng cộng đoàn, lạc quyên cho người nghèo khó gọi là bác ái; chúng ta thật sự hy sinh vì bác ái chưa hay ta phản lại tinh thần bác ái của người tín hữu Chúa Kitô? Và trong tinh thần Kitô giáo chúng ta còn phải đóng ghóp bổn phận trách nhiệm để xây dựng con người và xã hội này ngày một thăng tiến và phát triển hơn. Nên đừng hỏi xã hội và Giáo hội đã làm gì cho tôi, mà phải hỏi tôi đã làm gì cho xã hội và cho Giáo hội. Ước gì nơi mỗi người luôn ý thức được điều đó, để được Thiên Chúa tặng khen. Amen 
                                                                                                             
 
Hoàng Núi
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log